Hồi nhỏ, tôi là đứa trẻ nhút nhát, rụt rè và thiếu tự tin. Tôi luôn nơm nớp nỗi lo rằng nếu mình làm điều gì đó sai (hay đơn thuần chỉ là khác biệt với mọi người), ai đó sẽ nhận ra và trêu chọc, chế nhạo mình. Vì vậy, cái tôi non nớt ngày đó chọn im lặng để tự bảo vệ; đi đến đâu đó đông người cũng chọn đứng ở góc khuất, cúi đầu vân vê vạt áo, chỉ mong thời gian qua mau…
Lớn hơn một chút, ở tuổi thanh thiếu niên, tôi phát hiện ra rằng mình có thể “giả vờ tự tin” bằng cách tỏ ra mạnh mẽ, bất cần ở bên ngoài—kể cả khi bên trong mình không hề tự tin một chút nào. Ví dụ, tôi từng cắt tóc rất ngắn, mặc những bộ đồ “hầm hố”, luyện tập dáng vẻ tự tin; thậm chí có giai đoạn, tôi còn chạy xe máy thể thao.
Người ta vẫn nói: “Fake it before you make it” (Giả vờ cho đến khi bạn làm được thật), đúng không nào? Tôi nghĩ, mình đã rất thành thạo khoản “fake it” nhưng tôi thực sự chưa bao giờ cảm thấy mình “make it”. Sâu thẳm bên trong, tôi biết mình sợ hãi, mong manh và thiếu tự tin tới nhường nào.
Thậm chí, sau này khi tôi nhận được học bổng để theo học Thạc sĩ tại một ngôi trường Ivy League danh giá tại Mỹ, tôi vẫn cảm thấy thiếu tự tin. Tôi mắc phải cái gọi là “impostor syndrome” (hội chứng kẻ giả mạo)—điều khiến tôi có suy nghĩ thường trực rằng: “Sớm thôi, người ta sẽ nhận ra rằng mình chẳng có tài cán gì để xứng đáng được học bổng và chỗ ngồi trong lớp học danh giá này”. Và tôi đã không ngừng nghĩ như vậy, ngay cả khi lên sân khấu nhận bằng Thạc sĩ với bảng điểm tuyệt đối 4.0 GPA.
Suy nghĩ này tiếp tục đeo bám tôi ngay cả khi tôi tiếp tục đạt được học bổng toàn phần theo học Tiến sĩ tại một ngôi trường nghiên cứu lớn ở Mỹ. Tôi vẫn cảm thấy thiếu tự tin và không an toàn. Tôi thường trực cảm giác: chẳng sớm hay muộn, “sự thật” (?) về mình sẽ bị tiết lộ, rồi mọi người sẽ nhận ra mình là một kẻ giả mạo, một “sai lầm không thể tưởng tượng nổi” của hội đồng tuyển sinh. Thậm chí, ngay cả khi nhận được giải thưởng từ nhà trường, lời khen của giáo sư, nghiên cứu khoa học được xuất bản trên tạp chí đầu ngành… tôi vẫn không thể nào rũ bỏ cảm giác thiếu tự tin. Tôi thường xuyên nói về bản thân bằng những ngôn từ độc hại, thuyết phục bản thân rằng thành công mình đạt được chỉ là do “may mắn”—mặc dù hơn ai hết, tôi hiểu rõ mồ hôi, công sức, trí lực mình phải bỏ ra để đạt được thành công nhiều đến thế nào.
Bạn tin tôi đi, tôi đã thử rất, rất nhiều thứ nhằm cải thiện vấn đề này: nào là sách self-help phát triển bản thân, nào là luyện tập tư thế tạo sức mạnh (power pose) tại nhà, nào là quần áo đắt tiền, nào là ngôn ngữ văn hoa… Hầu như không có gì là thực sự hữu ích; hoặc nếu có, chúng cũng chỉ giúp tôi “tỏ ra” tự tin ở bên ngoài, chứ không phải từ bên trong.
Mãi cho tới năm 25 tuổi, tôi mới ngộ ra “chìa khoá” để giúp cho mình có sự tự tin từ bên trong. Nó như một con dao sắc bén giúp tôi rạch bỏ vỏ kén của mình, và từ từ bước ra thành một con người tự tin, mạnh mẽ và trưởng thành.
Bài viết này chỉ ra ba điều quan trọng nhất đã làm thay đổi cách nhìn của tôi về việc xây dựng sự tự tin.
Thay đổi tư duy để viết lại quá khứ
Không ai có cỗ máy thời gian để quay ngược lại quá khứ và thay đổi những điều mình không mong muốn, nhưng bằng những góc nhìn khác biệt trong tư duy, ta có thể nhìn quá khứ của mình bằng một con mắt tích cực hơn. Tôi học được điều này thông qua việc viết chính blog này, cụ thể là trong quá trình thực hiện một trong những bài viết đầu tiên của blog: “Thay đổi tư duy để viết lại quá khứ”.
Điều này thì có liên quan gì đến sự tự tin?
Bạn thấy đấy, căn nguyên của sự thiếu tự tin trong tôi bắt nguồn từ khi còn nhỏ. Tôi cho rằng mình sinh ra bản chất đã thiếu tự tin rồi thì sẽ không bao giờ tự tin, mạnh mẽ, khí chất như những người khác. Tôi từng ghét quá khứ của mình, ghét cái tôi bé nhỏ ngồi thu lu trong bóng tối, nơm nớp sợ người lớn gọi đến mình. Nhưng khi nhìn lại quá khứ với một con mắt tích cực hơn, tôi nhận ra sự thiếu tự tin khi đó lại góp phần không nhỏ tạo ra điểm mạnh của mình ngày nay.
Ví dụ, vì từ nhỏ tôi ít nói, ít hoạt động ở chốn đông người, tôi luyện cho mình khả năng quan sát tốt, tập trung cao độ và tính độc lập mạnh mẽ. Chính điều này lại cho tôi sự tự tin rằng mình không cần dựa vào ai hết để có niềm vui, mình có thể tự tạo ra niềm vui, hạnh phúc, sự nghiệp riêng cho mình. Đây cũng là điểm then chốt đưa đến những thành công sau này của tôi.
Ngay cả thời kỳ “fake it before you make it” rồi “impostor syndrome” cũng dạy cho tôi rất nhiều điều. Tôi nhận ra rằng, tự tin có hiệu ứng lan truyền — khi bạn (tỏ ra) tự tin, người đối diện cũng cảm thấy tự tin về bạn và tự tin về những gì họ làm cùng với bạn, từ đó, đôi bên bồi đắp cho nhau và tạo ra sức mạnh lớn hơn để thực hiện những điều mà cả hai người (khi còn riêng lẻ và thiếu tự tin) chưa chắc đã làm được.
Ngoài ra, cũng vì bản thân mình đã trải qua một khoảng thời gian dài lo âu, sợ hãi như vậy, tôi biết lắng nghe và cảm thông với những vấn đề khó khăn của người khác, đặc biệt là các bạn trẻ còn chưa thực sự hiểu mình là ai. Cũng chính vì thế, tôi có động lực để theo đuổi ngành Giáo dục và làm những nội dung truyền cảm hứng cho giới trẻ như ngày nay.
Nếu xuất phát điểm là một người luôn tự tin, tôi chưa chắc đã làm được nên những gì mình có hiện nay.
Tập trung vào điểm mạnh thay vì điểm yếu
Mở đầu cuốn “StrengthsFinder 2.0“, tác giả Tom Rath nhận định: Sai lầm lớn nhất của dòng sách self-help truyền thống là việc hướng người đọc quá nhiều vào việc đào sâu điểm yếu của họ. Mặc dù cải thiện điểm yếu cũng là một điều tốt, nhưng phát huy điểm mạnh mới là điều cần chú trọng. Bởi lẽ con người chúng ta không ai hoàn hảo, sẽ có những điểm yếu dù ta có cố gắng đến đâu cũng không thể khoả lấp được; trong khi đó, điểm mạnh của mình thì lại bị lãng quên, bị lấn át bởi sự thiếu tự tin từ điểm yếu.
Khi nhận ra điều này, tôi bắt đầu hành trình chấp nhận bản thân—cả điểm mạnh lẫn điểm yếu. Tôi chấp nhận rằng, sẽ có những thứ mình mãi mãi không thể làm được bằng người khác (ví dụ: lối sống quảng giao, hoạt động thể thao…). Nhưng chính sự chấp nhận này giúp tôi thiết lập tốt hơn những ranh giới để nói “không” với những điều không phải thế mạnh của mình và cố gắng cải thiện điểm yếu trong một giới hạn nhất định, thay vì chì chiết bản thân khi mình không làm được.
Đồng thời, việc tập trung nhiều hơn vào việc phát triển điểm mạnh khiến tôi nhận ra và tự tin hơn vào những điểm đặc biệt của mình mà người khác chưa chắc đã có được dễ dàng. Tôi thiết kế công việc và cuộc sống xoay quanh những điểm mạnh đó, giúp cho mọi bước đi được vững chắc, mạnh mẽ, tự tin hơn. Kể cả những điểm mạnh của tôi mà trước nay tôi che giấu (vì nghĩ là điểm yếu) hoặc bị người khác chê bai (vì khác biệt), tôi cũng cố gắng thể hiện chúng một cách tiết chế nhất để chúng trở thành “vũ khí bí mật” khi cần thiết.
Tư duy tập trung vào điểm mạnh thay vì điểm yếu tưởng như đơn giản nhưng để thấm nhuần được điều này thực sự là một cuộc hành trình (ít nhất đối với tôi) vì bản chất con người luôn có xu hướng nhắm vào tiêu cực thay vì tích cực, điểm yếu thay vì điểm mạnh. Nhưng một khi đã ngộ ra “chân lý” này rồi, cuộc sống thực sự trở nên nhẹ nhàng, tự do mà hiệu năng hơn rất nhiều.
Ngừng so sánh bản thân với người khác
Một trong những hệ luỵ của thiếu tự tin là sự so sánh bản thân với người khác một cách bất công, khiến cho mình cảm thấy luôn yếu thế, không đủ, không tốt bằng người ta.
Khi còn trẻ, tôi từng đứng từ đằng xa mà các bạn đồng trang lứa tự tin đứng trên sân khấu, chào hỏi mọi người giữa đám đông, hiên ngang bày tỏ ý kiến của mình… rồi thèm khát một ngày nào đó mình cũng làm được như họ. Nhưng rồi trưởng thành hơn, tôi nhận ra mỗi người đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng và đều đi trên những hành trình tách biệt. Bởi vậy, mọi so sánh đều là khập khiễng.
Từ ngày học cách buông bỏ dần sân si, ngừng so sánh bản thân và ghen tỵ với người khác, tôi cảm thấy tâm hồn của mình xanh mát, thoải mái và tự do. Bởi vậy, tôi có thêm thời gian và tâm trí để soi lại bản thân mình và yêu hơn những điểm mạnh, điểm yếu—những điều đặc biệt làm nên con người tôi, chứ không phải ai khác. Đó, chính là cái gốc của sự tự tin.
—
Cho tới hôm nay, tôi đã trở thành một con người tự tin hơn trước rất nhiều, nhưng cũng có rất nhiều điểm trong con người mình mà tôi vẫn muốn cải thiện và phát huy để tự tin hơn nữa. Hy vọng bài viết này, kèm theo tập podcast “Tại sao sống đúng với chính mình lại khó như vậy” sẽ giúp cho bạn có thêm động lực để tự tin và vững vàng hơn trong cuộc sống.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Thanh Ngọc says
Bài viết này đến với mình đúng lúc mình đang tìm hiểu về lý do vì sao mình luôn cảm thấy không xứng đáng với thu nhập của mình, thậm chí mình còn nghĩ đến việc đổi việc nữa. Mình vừa đọc được một bài về “hội chứng kẻ giả mạo” thì email của Chi đến. Mình cảm thấy rất được an ủi, và hiểu rõ hơn về những cảm xúc của bản thân mình. Mình cũng sẽ tập để ý và làm theo những gì mà Chi đã chia sẻ ở đây. Cảm ơn Chi rất nhiều.
Emmi Nguyen says
Dear Chi,
Cảm ơn Chi về bài viết ý nghĩa mà mình nghĩ là rất cần thiết cho nhiều người. Bài viết dành cho đối tượng người lớn đi tìm kiếm sự tự tin bên trong mình, vậy đối với trẻ con thì sao nhỉ? Bố mẹ cần làm gì để giúp con tự tin hơn?
Mình chia sẻ là con gái mình hiện 5 tuổi rưỡi, bé hướng nội rất mạnh, và thiếu tự tin cũng rất mạnh. Nhà mình không có ai hướng nội nên việc nuôi dạy bé là thử thách không nhỏ (và vô cùng mới mẻ) với vợ chồng mình, khi mà những suy nghĩ và cư xử của bé khá là khác biệt, quá phức tạp và cảm xúc quá nhiều so với lứa tuổi và không dễ để người khác có thể hiểu được. Nhà mình đang sống ở châu Âu, và các cô giáo mầm non và bố mẹ đã nhờ đến bác sĩ tâm lý trẻ em trợ giúp (người lớn) trong thời gian dài để có thể tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với bé. Mặc dù có tiến triển để các cô và bố mẹ có thể giao tiếp và đi vào nội tâm phức tạp của bé, nhưng sự tự tin thì bé vẫn cách quá xa so với người bình thường.
Đã 3 năm đi học mẫu giáo, nhưng bé vẫn rất khó khăn khi nói “Hello” vào buổi sáng đến trường, thường bé lựa chọn im lặng giả vờ không thấy, dù các cô rất vui vẻ động viên chào hỏi. Bé bảo rằng rất ngại ngùng khi nói với người khác (dù rất thân), kể cả bố mẹ, bé cũng thấy ngại, thấy không tự tin, nên luôn có 1 rào cản tâm lý trong đầu bé, khiến bé khó khăn trong việc mở miệng ra nói, dù là câu đơn giản như “Hello; thank you, byebye” hay nói ra mình muốn gì, cảm thấy gì, bé sẽ lựa chọn im lặng hàng giờ (mặc dù ngôn ngữ của bé rất tốt, bé nói được 4 ngôn ngữ và đọc nhiều sách, được các cô giáo đánh giá là có IQ cao, bảo bé tự đứng thuyết trình về chủ đề nào đó trong phòng không có ai thì bé hào hứng nói rất nhiều, nhưng ko muốn ai làm khán giả).
Đứng ở góc độ người mẹ/ phụ huynh, liệu Chi có thể đưa ra một vài lời khuyên giúp mình được không? Mình khá hoang mang không biết khi bé lớn hơn thì mình nên làm gì để giúp bé bớt “lo lắng” với thế giới bên ngoài, có thể giao tiếp bình thường và có thêm “tự tin” bình thường nhất. Mình đã thử nhiều cách nhưng hiệu quả thấp, như là luôn động viên khích lệ, khen bé mỗi khi bé tự nói ra được bé muốn gì (điều mà bé luôn im lặng che dấu, dù chỉ đơn giản là xin thêm 1 miếng bánh mì khi ăn trưa, hay nhờ mẹ/ cô giáo giúp khi đi vệ sinh). Mình cũng tích cực đưa bé ra ngoài tiếp xúc nhiều nơi, gặp gỡ các bạn cùng tuổi… Dù vậy bé vẫn thích nhất là chơi với các em bé 1, 2 tuổi vì các em ấy chưa biết nói, khiến bé tự tin khi “chơi và tương tác trong im lặng”. Đôi khi gặp chuyện gì, bé vào phòng riêng và ngồi suy nghĩ 1 mình rất lâu, mình thuyết phục mãi thì bé mới chịu nói ra những cảm xúc lúc đó, quả thật quá sức tưởng tượng của mình, khi một em bé chỉ 4, 5 tuổi với những dằng xé trong nội tâm, những suy diễn đầy lo lắng về tương lai của sự việc đó và quá nhiều cảm xúc lẫn lộn phức tạp. Mình rất thương con mà không biết phải làm sao, chắc hẳn Chi cũng đã từng cảm thấy “khó khăn” như con mình vì Chi cũng là người hướng nội.
Cảm ơn Chi đã dành thời gian đọc tâm sự dài của mình. Mong chờ lời khuyên của Chi.
Chi Nguyễn says
Chi rất xin lỗi vì giờ mới đọc được comment này của bạn. Chi rất hiểu tâm sự của bạn nhưng rất tiếc mình không có chuyên môn về giáo dục trẻ em (mình chuyên về thanh thiếu niên) nên khó có sự trợ giúp nào phù hợp ở góc độ chuyên môn. Nhưng ở góc độ người mẹ, mình nghĩ mỗi bé mỗi tính, bản thân mình ngày nhỏ cũng như vậy và mình cũng rất ngại khi bị người lớn hối thúc chào hỏi ở nơi lạ, nhưng may mắn sau này dần đỡ hơn. Giờ con trai mình rất hướng ngoại nên mình thấy rất rõ sự khác biệt của mình và con mình khi cùng độ tuổi. Nếu bạn lo lắng Chi nghĩ có thể cho bé tới bác sĩ nhi để xin sự trợ giúp xem sao, ngoài ra mình thấy nếu có thể làm một hoạt động nào đó bé thích thì bé sẽ dễ mở lòng hơn. Ngày nhỏ mình thích vẽ nhất vì vẽ rất hợp với tính hướng nội của mình, và mình bắt đầu có bạn cũng từ lớp vẽ. Chúc bạn và bé vui nhé!
Hien Dao says
Nuôi dạy con là một câu chuyện dài mà một comment này sẽ không nói được hết. Mình chỉ xin chia sẻ đến bạn 2 điều ở đây:
1. Bé 5 tuổi rưỡi là vẫn đang trong giai đoạn hình thành tính cách, dù xu hướng hướng nội có thể là chủ đạo tuy nhiên chưa cần đưa ra kết luận gì về con.
2. Với vai trò phụ huynh, mình cho rằng điều tốt nhất và quan trọng nhất mà bạn cần dành cho con là tình yêu thương vô điều kiện, ôm ấp con (về mặt vật lí và tinh thần) cho dù con là ai, con như thế nào.
Điều tốt mình thấy là con có thể bộc lộ, chia sẻ với mẹ (hi vọng không phải vì bị nài ép). Sự tự tin cũng được góp phần từ việc con luôn được yêu thương, chấp nhận từ gia đình.
Chúc bạn và bé luôn hạnh phúc bên nhau!
Đàm Kim Anh says
Em chào chị Chi! Em đọc bài viết của chị em có cảm giác như được thấy chính mình trong đấy. Em hiện vẫn là một cô nữ sinh cấp 3 khá là nhút nhát, em cũng không thích đến những nơi đông người; đi học em rất sợ thuyết trình, thậm chí việc “được” thầy cô gọi đứng dậy trả lời câu hỏi cũng khiến tim em như muốn rớt ra ngoài. Mỗi lần đến tiết Tiếng Anh em rất sợ bị giáo viên gọi tên. Trong em cứ có cảm giác lo sợ mỗi khi nói tiếng Anh giọng mình sẽ không hay, mọi người sẽ cười mình. Thấy đứa bạn mình “bắn” tiếng Anh như gió trong đầu em lại xuất hiện những câu: “Sao nó có thể tự tin thế nhờ?”, “Ước gì mình cũng được như nó”… Em biết cứ tự ti mãi như thế sẽ không được ích lợi gì cả, nên em đã bắt đầu tìm và tập thay đổi những thứ làm mình thiếu tự tin. Cảm ơn chị đã ra bài blog này, nhờ nó mà em biết được nên làm như thế nào để tìm được sự tự tin trong mình!
Chi Nguyễn says
Chị cũng từng hệt như em đó, cho tới tận khi chị học cao học cơ 😛 Nhưng tự khắc sau này, mình có trải nghiệm và tự tin hơn thì sẽ đỡ sợ hơn khi lên bảng 😀
Nhật Phạm says
Hi Chi,
Nội dung rất đáng để đọc.
Mình có một câu hỏi, liệu sự tin có phải là bản chất mỗi người?
Anh Pham says
Cảm ơn chị, em thấy hình bóng của mình trong đó! Một đứa trẻ từng giả vờ mạnh mẽ, bản lĩnh vì cứ sợ bị trách mắng, chê trách. Nhưng ở độ tuổi 25, em đang dần nhận thấy mình cần tập trung vào bên trong của chính mình, xây dựng sự tự tin từ chính bên trong con người của mình.
Tram says
Thật ý nghĩa nhưng mình có một course khác phải theo sáng thứ 7 này rồi. Chúc buổi webinar của Chi sẽ giúp cho nhiều người trở nên một phiên bản tốt hơn và luôn là chính mình.
Thanh Ngọc says
Cảm ơn Chi với bài viết này, mình rất biết ơn. Mình cũng tham gia workshop và cũng cảm thấy rất hữu ích, nhưng mình vẫn thích những gì Chi chia sẻ ở bài viết này hơn. Mình nghĩ vấn đề cốt lõi của sự tự tin chính là khả năng tự chấp nhận bản thân, và hành trình này đúng là không hề đơn giản với mình cũng như một số bạn trẻ khác. Bởi vậy, mình cảm thấy rất đồng cảm với những gì mà Chi đã chia sẻ và thấy vui vì mình đang đi đúng hướng.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Ngọc đã đọc bài viết. Chấp nhận bản thân là cả một cuộc hành trình dài. Chi nghĩ mình có nhiều điểm đã chấp nhận bản thân hơn rất nhiều mình của 10-20 năm trước đây, nhưng vẫn còn nhiều điều Chi cảm thấy mình vẫn phải học về bản thân hơn nữa.
Thanh Van Nguyen says
Cảm ơn em về bài chia sẻ. Chị cũng đang trăn trở câu hỏi “làm sao để mình tự tin và học cách phát triển bản thân”…đó là cả 1 quá trình tôi luyện
Bao Vu says
Chào chị Chi. Cám ơn chị vì bài viết này. Em thấy mình trong đó. Em cũng vẫn đang loay hoay với sự chấp nhận bản thân và sự tự tin từ bên trong.
Em mới biết đến bài viết này của chị hôm nay, nên đã bỏ lỡ mất cơ hội tham gia webinar. Không biết trong tương lai, chị có thể mở webinar này lại được không?Để những người bỏ lỡ như em có thể tham gia ạ.
My Dung says
Chào chị Chi ạ.
Sau khi đọc blog của chị thì em nhận ra được nhiều điều từ bản thân mình và cũng có rất nhiều trăn trở.
Từ nhỏ đến lớn, em được đa số mọi người nhận xét là người trầm lặng, ít nói và hiền. Vì không hoạt ngôn, chào hỏi nồng nhiệt hay có nhiều chuyện để nói với họ hàng, hàng xóm hay những người lạ nên em hay bị mẹ trách mắng. Thêm vào đó, khi nhìn thấy người khác hay bạn bè của mình hoạt ngôn, hài hước, được mọi người chào đón nồng nhiệt còn bản thân mình giống như bị lãng quên. Và từ đó, em cảm thấy chính mình như mang một chiếc mặt nạ “tự tin”. Giống như khi muốn nói chuyện hay thuyết trình, em luôn nghĩ trong đầu rằng: “Mày phải tự tin lên, muốn trở thành người giỏi giang, người thành công là phải như thế”. Cho dù những người mà mình không thích, những câu chuyện nhạt nhòa, vô nghĩa thì em vẫn ép bản thân phải hòa nhập với mọi người, phải trở thành người được chú ý. Mỗi khi ai đó nhận xét em sao hiền quá, ít nói quá, nhạt quá thì bản thân rất khó chịu, bực bội và lập tức biện minh.
Có một vấn đề em muốn chia sẻ thêm, bản thân em cũng có một khuyết điểm lớn đó là vết sẹo bỏng lớn trên cánh tay. Khi bất kì ai đó nhìn vào cánh tay em đều rất sợ, sợ họ nghĩ gì về mình, dù em biết nó không nghiêm trọng đến vậy.
Từ những chia sẻ từ chân thực trên của mình, hy vọng chị Chi Nguyễn sẽ dành chút thời gian góp ý về sự thiếu tự tin của em và đưa ra lời khuyên để em có thể thay đổi bản thân ạ.
van anh says
Hello My Dung,
Mình không phải là chuyên gia như Chi nhưng mình có đôi điều muốn chia sẻ cùng bạn.
Mình cũng từng rất tự ti về bản thân, nghĩ rằng những người xung quanh vì họ hoạt ngôn, hướng ngoại và dễ dàng kết nối với người khác, nên được nhiều người yêu quý.
Điều đó là đúng, nhưng mình nghĩ là chưa đủ. Càng tiếp xúc với nhiều người, mình nghĩ điều quan trọng là ta thực sự quan tâm đến đối phương, có những sự quan tâm thầm lặng, không cần khoa trương khiến người ta nhớ mãi, từ đó mà trở nên quý mến, không cần vồn vã mà vẫn cứ bền
Người trầm lặng, ít nói thì sẽ quan sát nhiều hơn, tinh tế hơn. Mình hãy thôi nghĩ nó là yếu điểm, mà hãy tin đó là ưu điểm. Giao tiếp với người khác bằng sự chân tình sẽ nhận được chân tình. Mình tin là thế.
Đôi lời chia sẻ từ mình, chúc bạn vui vẻ hơn trong cuộc sống
Đăng Nguyễn says
Ai đó đang nói về mình, sao lại có người biết hết về mình vậy nhỉ? Người nào đang theo dõi mình sao? Người nào đó đang muốn giúp mình thay đổi sao? Hey, Sao chị lại biết rõ em như vậy!!.
Thanks a lots!
Jen Tran says
mình biết đến bạn cũng thật tình cờ nhưng mình nghĩ là cái duyên để mình hiểu bản thân mình hơn đang cần gì và phải làm gì cho tương lai. Những bài viết của bản giản dị, gần gũi những nó đi sâu vào những gì mình bản thân mình đang thấy thiếu, và nó còn là động lực cho mình. Cám ơn Bạn.
chloe says
e cũng vậy thật sự bình thường mọi người thấy em năng nổ,hòa đồng nhưng thật sự rất khó để nói ra như vậy hay nói theeo cách khác e đã fake it một cách chuyên nghiệp ,nhiều khi thấy điểm số của em k thực sự xứng với em nên mn thường bàn tán khiến em bị ảnh hưởng rất nhiều về mặt tâm lí.khi đọc xong em cảm thấy tốt hơn nhiều .thanks a lots