The Present Writer

A Minimalist Blog that Maximizes Your Life

  • BLOG
  • YOUTUBE
  • PODCAST
  • SHOP
    • SHOPEE
    • TIKI
  • BẢN TIN
  • MỤC LỤC
  • GIỚI THIỆU
    • Về Chi Nguyễn
    • Về The Present Writer
    • Trên Truyền thông

Bảo vệ lương tháng bằng quỹ chìm (sinking fund)

March 17, 2021 By Chi Nguyễn 9 Comments

Mười năm trước, khi mới tốt nghiệp đại học và làm trong một cơ quan nhà nước tại Hà Nội, tôi nhận mức lương 7 triệu. Đây là một con số không tồi cho sinh viên mới ra trường ở thời điểm đó. Là một đứa tương đối biết chi tiêu, lại vẫn còn ở cùng bố mẹ, tôi chắc mẩm cuối tháng ít nhiều gì cũng để ra một khoản tiết kiệm từ lương.

Nhưng thực tế thì, ôi thôi, không những không tiết kiệm được đồng nào mà còn hay thiếu trước, hụt sau. Dù có cẩn thận tính toán, dự trù từ đầu tháng đến đâu, kiểu gì đến giữa tháng và cuối tháng cũng nảy ra những sự vụ cần tiêu tiền ngoài dự tính.Khi thì đám cưới, lúc thì đám ma; hôm qua vừa thăm người ốm, hôm sau đã thăm người đẻ; đó là chưa kể các loại quỹ: quỹ phòng, quỹ công đoàn, quỹ nghỉ mát, quỹ liên hoan… cứ luân phiên nhau suốt cả năm.

Chính những loại chi phí “đột xuất” và “không tên” này đã phá hỏng mọi kế hoạch chi tiêu, đánh bay đồng lương công chức. Thậm chí, có tháng, tôi còn phải vay tiền của mẹ chỉ để đi mừng đám cưới. Nghĩ lại thật thê thảm 🙈. 
 
Sau này, khi ra nước ngoài làm việc trong một nền văn hoá phương Tây, tôi bớt hẳn đi những món chi tiêu mang tính xã giao và tập thể như ở Việt Nam. Tuy vậy, tôi vẫn có những khoản chi “từ trên trời rơi xuống” đe doạ đồng lương hàng tháng, ví dụ như tiền khám bệnh, tiền thuế, tiền quà cáp, trang trí nhà cửa mỗi dịp lễ tết như Halloween, Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng sinh…

Vì vậy, tôi nhận ra dù làm việc ở môi trường nào, mình cũng cần có giải pháp bảo vệ đồng lương trước sự tấn công của những chi phí lặt vặt như vậy. 
 
Một trong những phương pháp hữu hiệu nhất tôi thực hiện trong hơn năm năm qua là thiết lập sinking fund, hay còn gọi là quỹ chìm.

Sinking fund (quỹ chìm) là gì?

Trong tài chính cá nhân, sinking fund hiểu nôm na là một loại quỹ chìm mà bạn bỏ tiền vào để tiết kiệm và sử dụng cho những mục đích nhất định ở tương lai.

Gọi là quỹ chìm vì quỹ này thường không được (và cũng không nên) sử dụng ngay lập tức và thường xuyên cho những chi tiêu hàng ngày. Nó chỉ sử dụng ở tương lai, khi nhu cầu chi tiêu cho mục đích định trước tới.

Một số ví dụ về quỹ chìm như là quỹ nghỉ mát, quỹ quà tặng lễ tết, quỹ ma-chay-hiếu-hỉ, quỹ sửa chữa xe cộ.

Sinking fund được tính như thế nào?

Để tính được sinking fund, bạn cần hai dữ liệu: thời gian và tổng tiền.

sinking fund = tổng tiền : thời gian

Ví dụ, bạn muốn đi du lịch vào mùa hè, vậy từ thời điểm này tới mùa hè là bao lâu? Giả sử là 5 tháng. Chuyến du lịch của bạn sẽ tốn khoảng bao nhiêu tiền? Giả sử là 5 triệu. Như vậy, theo công thức, sinking fund = 5 triệu : 5 tháng = 1 triệu/tháng.

Đây là con số bạn cần tiết kiệm hàng tháng ngay từ bây giờ cho tới mùa hè để thực hiện chuyến đi của mình mà không làm thâm hụt tiền lương hay các khoản tiết kiệm khác.
 
Vậy còn những khoản tiền đột xuất, không tên như đầu bài nói thì sao? Để tính được sinking fund những khoản này, bạn sẽ cần phải có dữ liệu ít nhất một năm.

Ví dụ, sau một (vài) năm đi làm, bạn sẽ có cơ sở dữ liệu áng chừng như: một năm trung bình có bao nhiêu đám cưới, thường rơi vào mùa cưới là những tháng nào, mỗi đám bạn đi bao nhiêu tiền? Hay: một năm trung bình văn phòng bạn thu bao nhiêu khoản lệ phí tập thể, thường rơi vào thời điểm nào, tổng chi phí các khoản này cộng lại bằng bao nhiêu?

Từ đó, áp dụng công thức trên, bạn sẽ tính ra được sinking fund cần có cho mỗi tháng để “đi trước, đón đầu” những khoản chi tiêu nói trên. 
 
Tất nhiên, cách tính này không quá chính xác vì không ai biết được tương lai sẽ như thế nào. Tuy nhiên, áp dụng sinking fund sẽ thúc đẩy bạn dự trù tốt hơn cho các chi phí trong tương lai, tiết kiệm các khoản nhỏ trong từng tháng dễ dàng hơn và tránh thâm hụt vào lương quá nhiều.

Nếu lương tháng không đủ cho sinking fund thì sao?

Nếu lương tháng không đủ để lập sinking fund cho tất cả các khoản dự trù, thì có nghĩa là: bạn có quá nhiều khoản cần chi so với thu nhập. Hay nói cách khác, lương tháng của bạn không đủ cho mức sống hiện tại.

Có hai giải pháp cho vấn đề này. Một là bạn có thể giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết, từ chối bớt những lời mời tốn kém. Hai là bạn có thể làm thêm để tăng thu nhập.

Dù chọn giải pháp nào đi chăng nữa, nhận ra vấn đề thu-chi của mình từ sớm sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn về lương và tìm cách cải thiện nó tốt hơn. 

Nếu có việc khẩn cấp cần phải tiêu sinking fund thì sao?

Để tránh tình trạng này, trước khi lập quỹ chìm, bạn nên có quỹ khẩn cấp (emergency fund) từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản. Quỹ này sẽ bảo vệ cả đồng lương lẫn sinking fund của bạn trước những trường hợp khẩn cấp, giúp bạn không phải rơi vào cảnh nợ nần.

Tuy nhiên, nếu buộc phải tiêu vào sinking fund, bạn vẫn có thể “phục hồi” sinking fund bằng cách để nhiều tiền hơn vào mỗi tháng để bù lấp hoặc giảm bớt tổng chi phí ban đầu—ước lượng theo công thức phía trên. 

—

Nhìn chung, việc xây dựng quỹ chìm cho những khoản chi phí có mục đích nhất định trong tương lai là giải pháp hiệu quả để bảo vệ đồng lương hàng tháng khỏi thâm hụt. Tuy nhiên, đồng thời, bạn cũng nên cân bằng các mối quan hệ xã giao, giảm chi tiêu lãng phí, tăng thu nhập và chú ý xây dựng quỹ khẩn cấp để đảm bảo quỹ chìm vững mạnh, lâu dài. 

Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo những bài viết trong series Tài chính cá nhân trên The Present Writer để học quản lý chi tiêu bằng zero-based budget, đặt mục tiêu cho những khoản tiết kiệm của mình, và đầu tư để tăng thu nhập. 

Be Present,

Chi Nguyễn

Bài viết được đăng lần đầu trên Vietcetera. 

*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog

RSS
Follow by Email
Facebook
Facebook
fb-share-icon
Instagram

Filed Under: Tài chính cá nhân (Personal Finance)

Comments

  1. Đạt Đinh says

    March 17, 2021 at 8:29 am

    Chúc chị một ngày mới tốt lành.

    Reply
  2. Ly says

    March 17, 2021 at 8:38 pm

    Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của chị

    Reply
  3. THÍCH NHUẬN ĐỨC says

    March 21, 2021 at 10:45 pm

    chia sẻ rất ờ mây zing gút chóp thưa chị. many thanks

    Reply
  4. Hà Trang says

    March 28, 2021 at 10:03 am

    em đang là sinh viên năm 2, cũng mới đi làm thêm, nhưng mà bố mẹ em vẫn cung cấp tiền cho em mỗi tháng nên số tiền lương của mình em thường gửi tiết kiệm, em cũng đang bắt đầu quản lý chi tiêu bằng cách ghi lại chi tiêu mỗi ngày, hạn chế mua sắm online, sống tối giản hơn, chỉ thực sự mua những thứ bản thân cần thiết, nhưng nhiều lúc cũng phải đi chơi, đi tạo mối quan hệ, thấy những món đồ shopee sale rẻ quá cũng hơi ham mua, cái hành trình cố gắng quản lí cho tiêu của em còn hơi khó khăn. Đọc xong bài viết của chị cũng thấy có thêm tinh thần để cố gắng hơn, em cảm ơn chị!

    Reply
    • Chi Nguyễn says

      March 28, 2021 at 9:41 pm

      Nếu em có vấn đề về mua sale, chị có viết bài này hy vọng giúp được em: https://vietcetera.com/vn/mua-hang-sale-co-dong-nghia-voi-tiet-kiem

      Reply
  5. Huyen Nguyen says

    May 7, 2021 at 11:11 am

    Chị Chi ơi những chia sẻ về tài chính cá nhân và đầu tư chứng khoán có trên poscast or youtube hông ạ? em muốn nghe đi nghe lại á chị ^.^

    Reply
    • Chi Nguyễn says

      May 7, 2021 at 5:54 pm

      Podcast có một số tập về tài chính cá nhân. Em tham khảo list trên: https://thepresentwriter.com/podcast nhé

      Reply
  6. Xuân Nam says

    January 8, 2022 at 7:31 pm

    Em chào chị!
    Cho em hỏi sự khác nhau giữa Sinking fund và Rainy day fund là sao vậy ạ!
    Em cảm ơn

    Reply
    • Chi Nguyễn says

      January 13, 2022 at 11:17 am

      Chào em. Sinking Fund là em đã có mục tiêu cụ thể và em tiết kiệm những khoản nhỏ để đạt được mục tiêu đó (như chị viết trong bài). Rainy Day Fund là tiền cho những “ngày mưa” ý là khi gặp chuyện không hay thì em có khoản tiết kiệm khác để lấy ra sử dụng. Cái này tựa như Emergency Fund (tiền khẩn cấp) — chị đã từng viết bài về chủ đề này, em có thể tìm đọc thêm trên blog nhé

      Reply

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

2 + thirteen =

The Present Writer là “khu vườn xanh yên tĩnh” của Chi Nguyễn—Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ. Đọc thêm về Chi & Blog

Xuất bản

“Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” là cuốn sách đầu tay của Chi về đề tài tối giản hóa cuộc sống.

“The Present Day planner” là sổ kết hoạch và làm việc hiệu năng từ kết quả nghiên cứu ứng dụng của Chi.

5 bước xây dựng một blog thành công & 1 khoá học làm blog miễn phí. Xem tại đây

Tìm kiếm

Đề Tài

Bài Viết Mới Nhất

  • Tại sao tôi ngừng viết & Tương lai The Present Writer
  • The Present Day planner
  • Academic Research 101: Những điều cần biết về nghiên cứu học thuật
  • Đọc với Notecard: Phương pháp đọc sách hiệu quả và nhớ lâu
  • “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”

Kết nối

RSS
Follow by Email
Facebook
Facebook
fb-share-icon
Instagram

Ủng hộ để blog tiếp tục hoạt động bền vững, miễn phí và không banner quảng cáo.

Copyright © 2025 The Present Writer · Log in