Sau một loạt các bài viết về tài chính cá nhân có liên quan đến yếu tố đầu tư gần đây trên blog (như trào lưu FIRE, tài chính thời Covid), rất nhiều bạn đọc hỏi tôi về các loại hình đầu tư, đặc biệt đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vì các thuật ngữ tài chính và hình thức đầu tư tương đối phức tạp, tôi loay hoay khá lâu để tìm một cách viết dễ hiểu nhất.
Tình cờ, gần đây tôi đọc được một bài viết trên Financial Finesse so sánh các loại hình đầu tư chứng khoán với pizza — một món ăn phổ biến của người Mỹ. Thật là một ý tưởng thông minh khi gắn một khái niệm “khó nhằn” với một món ăn quá đỗi thân quen! Tôi được truyền cảm hứng để thực hiện bài viết này, nhưng thay vì pizza, tôi muốn dùng các loại… phở để đưa khái niệm đầu tư chứng khoán đến gần hơn nữa với độc giả người Việt.
Vì thế, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bốn loại hình đầu tư chứng khoán phổ biến, thông qua bốn loại phở ta vẫn ăn hàng ngày:
- Phở nhà nấu
- Phở ăn liền
- Phở order
- Phở nhà hàng
Để minh họa từng loại hình đầu tư kỹ hơn nữa, tôi sẽ đưa ví dụ về danh mục đầu tư (portfolio) của mình tại Mỹ, cũng như những công cụ tôi sử dụng để đầu tư. Vì kiến thức đầu tư tại Việt Nam của tôi có hạn, tôi hy vọng bài viết này sẽ làm tiền đề để độc giả tìm hiểu những hình thức đầu tư/công cụ tương ứng tại Việt Nam. Chúng ta cũng học hỏi lẫn nhau!
Đừng quên đọc đến cuối bài để có câu trả lời những câu hỏi thường gặp (FAQ) nhé!
Đầu tư chứng khoán & Các loại phở
1/ Phở nhà nấu — Tự mua/bán cổ phiếu lẻ
Nấu phở tại nhà đòi hỏi bạn phải có đầy đủ nguyên liệu, gia vị, có kỹ thuật nấu nướng tốt và kinh nghiệm gia giảm chuẩn — tất cả đều không dễ dàng và có thể phải tốn nhiều thời gian, công sức, thậm chí làm hỏng vài lần rồi mới nấu ngon được. Nhưng tự nấu lại cho phép bạn chọn được đúng hương vị phở mình thích và có thêm niềm vui nấu nướng, thưởng thức tô phở tự chế của mình.
Điều này rất gần với hình thức tự mua/bán cổ phiếu lẻ, tức là bạn tự nghiên cứu, tìm tòi và chọn mua/bán loại cổ phiếu mình thích nhất, ở mức giá và thời điểm mình cho là hợp lý nhất. Quá trình mua bán bạn có thể làm trực tiếp hoặc thông qua môi giới. Để có thể chọn đúng loại cổ phiếu sinh lời, mua khi giá thấp – bán lúc giá cao là một kỹ năng VÔ CÙNG KHÓ để có thể đạt được. Không ai có thể tự tin hoàn toàn mình biết cổ phiếu nào lên hay xuống (kể cả chuyên gia), nên rủi ro ở loại hình đầu tư này là rất lớn. Tuy nhiên, tự mua/bán cổ phiếu cũng đem lại niềm hưng phấn đặc biệt (như chúng ta thường thấy ở các bộ phim về Wall Street) và cũng như nấu phở, bạn cũng có thể tăng cường kiến thức, rèn luyện kỹ năng để trở nên thông thái hơn trong việc chọn cổ phiếu.
- Tôi tự nhận mình vẫn là một nhà đầu tư mới nên đây không phải là hình thức tôi chọn để đầu tư lớn trong thời điểm này. Tuy nhiên, vợ chồng tôi có đầu tư những khoản tiền “chấp nhận rủi ro” (những đồng tiền nếu mất đi không ảnh hưởng đến kinh tế gia đình) cho một số cổ phiếu. Chồng tôi đặc biệt thích loại hình thức đầu tư này.
- Tại Mỹ, mua/bán cổ phiếu lẻ đã trở nên vô cùng dễ dàng với các ứng dụng như Robinhood, Webull… ngay trên điện thoại của mình. Nếu bạn quan tâm, có thể đăng ký tài khoản Robinhood qua đường link của tôi để được tặng một cổ phiếu miễn phí (trị giá có thể lên tới $500).
2/ Phở ăn liền — Đầu tư quỹ theo chỉ số (Index Fund/ETF)
Một tô phở ăn liền giữa đêm muộn hay trong trời đông giá rét cũng đủ để thỏa mãn cơn “ghiền”. Phở ăn liền có đủ những nguyên liệu và hương vị phở cơ bản nhất, nhưng từ khâu đun nước nóng đến lúc gắp lên miệng ăn chỉ trong vòng 3-5 phút. Rất hiệu quả, ổn định, cho ra kết quả rõ ràng. Tuy nhiên, cảm giác hứng khởi khi nấu một tô phở ăn liền hầu như không có và hương vị của phở ăn liền cũng không thể đậm đà bằng phở nấu thông thường.
Tương tự như vậy, đầu tư vào quỹ theo chỉ số (index fund) là một trong những hình thức đầu tư ổn định, cho lại hiệu quả đo đếm được nhất, nếu đầu tư lâu dài. Index fund là tổng hợp rất nhiều cổ phiếu, trái phiếu khác nhau với portfolio được xây dựng dựa theo xu hướng chỉ số (index) của thị trường. Vì là tổng hợp nhiều loại cổ phiếu, người đầu tư không mất thời gian và trí lực để nghiên cứu và chọn từng loại cổ phiếu một và cũng không quá bị ảnh hưởng bởi thị trường lên xuống và sa sút của công ty mình chọn đầu tư. Việt Nam cũng đã có hình thức đầu tư tương tự như index fund thông qua quỹ ETF (Exchange Traded Fund), theo VNEconomy. Điểm trừ của index fund, cũng như món phở ăn liền, đó là không tạo cảm giác hưng phấn cho nhà đầu tư và có cảm giác portfolio dù tăng đều nhưng chậm, phải đầu tư lâu dài mới thấy hiệu quả — cảm giác đôi khi “nhạt nhẽo” như ăn bát phở ăn liền thiếu gia vị vậy.
- Tôi là một nhà đầu tư trung thành với index fund (cũng như là một người yêu món phở ăn liền Vifon như rất nhiều du học sinh người Việt khác 🐒). Hình thức này giúp nhà đầu tư như tôi tương đối “nhàn”, bớt stress khi cổ phiếu lên xuống bởi vì index thị trường đi xuống rồi sẽ lại đi lên, cho lãi suất 7-12%/năm tương đối ổn định. Đây cũng là hình thức đầu tư tốt nhất dành cho các nhà đầu tư mới, cũng như những người theo trào lưu FIRE (độc lập tài chính – nghỉ hưu sớm). Loại hình này đặc biệt thích hợp cho các quỹ hưu trí, sức khỏe lâu dài.
- Tại Mỹ, đa phần mọi người đầu tư index fund qua các quỹ dài hạn như 401(k)/403(b), IRA, HSA… từ cơ quan/tổ chức mình công tác, hoặc tự mua vào index fund thông qua ứng dụng tiện ích như Robinhood.
3/ Phở order — Đầu tư quỹ ngày mục tiêu (Target-date fund)
Một tô phở “order” được đặt mua chỉ bằng một cuộc điện thoại hay vài cú click chuột, thường được người bán để nước riêng, cái riêng, và được shipper chở đến tận nhà cho bạn. Khi nào muốn ăn, bạn chỉ cần hâm lại nguyên liệu, dội nước dùng nóng vào bát là có thể thưởng thức ngon lành. Rất đơn giản, dễ dàng, phục vụ đúng thời điểm.
Đầu tư vào quỹ ngày mục tiêu (target-date fund) cũng như vậy. Đây là một hình thức đầu tư mà bạn chỉ cần chọn thời gian trong tương lai bạn muốn rút tiền, quỹ sẽ tự động cân đối mức độ rủi ro khi đầu tư, cổ phiếu/trái phiếu nào cần mua vào để đảm bảo đến thời gian bạn cần, bạn sẽ có số tiền lớn nhất có thể. Một ví dụ thường gặp cho hình thức này là đầu tư hưu trí, giả sử bạn chọn về hưu trong 30 năm tới, quỹ sẽ tự động đầu tư rủi ro cao, mua vào cổ phiếu nhiều hơn trái phiếu ở 20 năm đầu để bạn có cơ hội thu về lãi suất kép cao nhất. Nhưng đến 10 năm sau, và đặc biệt 5 năm cuối cùng, quỹ sẽ tự điều chỉnh đầu tư “bảo thủ” (conservative) hơn, bán bớt cổ phiếu để giữ trái phiếu, bảo vệ nguồn tiền của bạn cho đến ngày lĩnh lương hưu.
- Bài học đầu tiên về tài chính tôi học được chính là về target-date fund. Trong một buổi học tại Mỹ, thầy giáo mở video phóng sự về người lớn tuổi giữa thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008-2009; một người phụ nữ bật khóc: “Tôi đáng ra đã về hưu năm nay nhưng mọi đầu tư hưu trí của tôi xuống đến cực điểm, cổ phiếu giờ chỉ đáng giá bằng mấy tờ giấy lộn. Tôi đã mất hết và giờ phải đi làm tiếp không biết đến bao giờ”. Tôi còn nhớ thầy giáo nói: “Mặc dù rất buồn nhưng các em nên lấy đây làm bài học, nếu người phụ nữ này dùng target-date fund thì ít nhất 5-10 năm trước thời điểm bà ấy về hưu quỹ đã được tự điều chỉnh để bảo toàn nguồn tiền của bà, bà ấy đáng ra không phải gặp cảnh này”. Vì vậy, target-date fund là một hình thức đầu tư rất an toàn.
- Tại Mỹ, tôi kích hoạt target date cho quỹ đầu tư hưu trí của mình và cả quỹ học tập cho con. Từ khi con mới 6 tháng, vợ chồng tôi đã mở 529 Plan — một quỹ đầu tư dài hạn, tiết kiệm tiền cho việc học sau này của bé. Chúng tôi đặt ngày cần rút tiền là năm 2036 (khi bé đến tuổi học Đại học). Vì vậy, trong những năm đầu, quỹ sẽ đầu tư mạnh mẽ, mạo hiểm hơn và dần dần giảm độ mạo hiểm, thiên về bảo toàn nguồn tiền khi thời gian tiệm cận đến năm 2036. Nếu bạn quan tâm, chúng tôi đầu tư qua Virginia529 vì quỹ này nhiều năm đứng đầu trong top các quỹ 529 Plan tại Mỹ.
4/ Phở nhà hàng — Đầu tư với chuyên gia tư vấn
Ăn phở ở tiệm thì bạn chỉ cần thư giãn sẽ có người mang đến tận bàn cho bạn tô phở nóng hổi, được nấu bởi những đầu bếp chuyên nghiệp. Bạn cũng có thể gọi loại phở bạn thích (tái, chín, nạm, có hành, không hành…) và đầu bếp sẽ phục vụ đúng như yêu cầu của bạn. Tất nhiên, để sử dụng dịch vụ, bạn sẽ phải trả chi phí cao hơn cho tô phở; ở một số nơi bạn còn phải trả tiền bo (tiền tip) cho người phục vụ nữa.
Điều này tương tự như khi bạn thuê chuyên gia tư vấn tài chính (financial advisor) đầu tư cho portfolio của mình. Bạn trả thêm tiền cho kinh nghiệm, kiến thức của chuyên gia để đổi lấy cơ hội nhận lợi tức cao, không phải đau đầu về các quyết định mua/bán. Tuy nhiên, như đã viết, không ai có thể đoán được chính xác thời điểm thị trường lên xuống, nên đầu tư với chuyên gia chưa chắc 100% bạn sẽ có lãi hơn tự đầu tư — cũng như đôi khi ăn phở ngoài tiệm lại không ngon bằng ở nhà. Ngoài ra, phí quản lý (management fee) cũng cần phải tính toán kỹ vì nếu lãi suất thu về 7%/năm nhưng phí quản lý lại lên tới 4%/năm thì người hưởng lợi lớn nhất từ đầu tư của bạn lại là chuyên gia tư vấn chứ không phải bạn.
- Đầu tư với chuyên gia là một hình thức tốt cho những người không có nhiều thời gian, kiến thức để tìm hiểu thị trường, cũng như những người có portfolio quá lớn, trị giá quá cao để tự mình quản lý. Điều quan trọng là bạn cần tìm được nhà tư vấn/cơ quan tư vấn tốt và để ý rất kỹ về phí quản lý hàng năm, tính toán chắc chắn là chi phí này không quá lớn trong tổng số lãi suất thu về của bạn.
- Tại Mỹ, những năm gần đây xuất hiện công nghệ tư vấn đầu tư bằng trí tuệ nhân tạo. Những chuyên gia tư vấn máy (robo-advisor) sẽ tự động điều chỉnh portfolio cho bạn, tự mua/bán cổ phiếu để đảm bảo bạn có lãi suất cao nhất và phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Điểm mạnh của hình thức này là chi phí quản lý rất thấp, thậm chí miễn phí khi bạn mới bắt đầu. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, vợ chồng tôi thử nghiệm đầu tư với robo-advisor qua Betterment — một trong những thương hiệu hàng đầu của công nghệ này tại Mỹ. Vì chỉ là thử nghiệm nên số tiền đầu tư ban đầu không nhiều, nhưng theo tính toán của chúng tôi, trong 3 năm, portfolio đã đem lại lãi suất 8-9%/năm tương đối ổn định. Nếu bạn quan tâm có thể tìm hiểu và đăng ký Betterment với đường link của tôi để được miễn management fee cho $5,000 trong năm đầu.
Bạn thấy đấy, cũng như phở có nhiều loại để phù hợp khẩu vị từng người, đầu tư chứng khoán cũng vậy. Bạn có nhiều lựa chọn và mỗi lựa chọn đều có điểm mạnh và yếu khác nhau. Tuy nhiên, phở và chứng khoán khác nhau ở một điểm: Đối với phở, nhiều người nếu đã thích ăn một loại phở này rồi thì đi đâu cũng gọi đúng loại phở đó. Nhưng đối với đầu tư, bạn cần đa dạng hóa (diversify) các kênh đầu tư của mình để đảm bảo thị trường mảng này đi xuống thì có mảng kia kéo lại, cân đối nguồn tiền đầu tư của mình. Vì vậy, hãy chọn một vài kênh đầu tư phù hợp nhất cho bạn, kết hợp chúng để cho ra hiệu quả đầu tư tốt nhất.
Những câu hỏi thường gặp về đầu tư (FAQ)
1/ Muốn đầu tư chứng khoán nhưng lại sợ rủi ro?
Đầu tư hình thức nào cũng có rủi ro, kể cả bạn không đầu tư mà để tiền trong tủ cũng có rủi ro lạm phát khiến trị giá tiền hao hụt. Bởi vậy, cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ rủi ro là tính toán mức độ mạo hiểm của mình.
Nếu bạn chịu được mạo hiểm để có khả năng thu lời lớn, bạn có thể mua/bán cổ phiếu lẻ, đặt portfolio có tỷ lệ cổ phiếu nhiều hơn trái phiếu, đầu tư trở lại cổ tức (dividend) vào thị trường… Nếu bạn không muốn mạo hiểm để bảo toàn nguồn tiền ban đầu thì có thể đầu tư lâu dài bằng index fund/ETF, sử dụng target-date fund để tự điều chỉnh portfolio theo hướng “bảo thủ” hơn, nhận cổ tức bằng tiền mặt thay vì đầu tư trở lại thị trường…
Bạn cũng có thể thử nghiệm thị trường bằng việc đầu tư khoản tiền nhỏ trước để học hỏi và khi quen hơn với đầu tư thì bắt đầu rót nhiều vốn hơn.
2/ Làm gì với đồng tiền nhàn rỗi khi chưa sẵn sàng đầu tư?
Đầu tư chứng khoán không phải cho tất cả mọi người, có những người muốn dành thêm thời gian tìm hiểu trước khi đầu tư, có những người lại muốn tiết kiệm để đầu tư vào bất động sản, kinh doanh… Nhưng câu hỏi đặt ra là nên làm gì với đồng tiền nhàn rỗi vì mỗi ngày qua đi không đầu tư là tiền đứng trước nguy cơ mất giá. Cách tốt nhất trong thời gian chờ đợi, theo quan điểm của tôi, là để tiền vào tài khoản tiết kiệm sinh lãi suất cao (high-yield savings account) để tránh ảnh hưởng của lạm phát và có thể kiếm thêm từ tiền lãi suất ngân hàng.
Tại Việt Nam, nhiều ngân hàng cho gửi kỳ hạn 6 tháng tới 1 năm với lãi suất từ 6-7% — đây là con số lãi suất tương đối tốt, tuy nhiên thời gian chờ đợi để lĩnh đủ lãi suất khá dài.
Tại Mỹ, lãi suất tiết kiệm ở ngân hàng thông thường vô cùng thấp (trung bình 0.05%). Vì vậy, để ít nhất thắng được lạm phát, mọi người thường phải gửi tiền tiền tiết kiệm vào những tài khoản của ngân hàng online (có bảo hiểm chính phủ – FDIC insured) để cho lãi suất cao hơn những ngân hàng thông thường (trung bình 0.75-1%).
Năm rồi, vợ chồng tôi gửi tiền tiết kiệm vào Yotta vì nhận thấy đây là một loại tài khoản tiết kiệm rất thú vị, ngoài việc có lãi suất hàng năm cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng thường thì Yotta còn khuyến khích người dùng tiết kiệm thêm tiền bằng việc tặng kèm vé sổ xố hàng tuần (tiền tiết kiệm càng nhiều thì số vé sổ xố càng nhiều) để người dùng có cơ hội giật giải thưởng tiền mặt. Bạn có thể tìm hiểu thêm về Yotta tại đây, và nếu bạn quyết định đăng ký thì có thể dùng mã: P00DO5SI để nhận 100 vé xổ số bonus.
3/ Có nên đầu tư thông qua bảo hiểm?
Câu hỏi này có lẽ tôi nhận được nhiều nhất từ những bạn đang sống ở Việt Nam, có lẽ vì hình thức đầu tư thông qua bảo hiểm đang được quảng bá rộng rãi tại quê nhà. Cá nhân tôi không đầu tư qua bảo hiểm vì hai lý do: 1) Tôi muốn tách bạch bảo hiểm và đầu tư; 2) Tôi có rất nhiều phương án đầu tư tốt, chi phí thấp (như liệt kê phía trên) nên không cần phải đầu tư qua bảo hiểm.
Tuy nhiên, nếu bạn ở Việt Nam và cảm thấy các kênh đầu tư của mình chưa được phong phú, ổn định như ở các nước ngoài, bạn có thể cân nhắc đầu tư qua bảo hiểm. Điều quan trọng nhất là bạn cần tham khảo kỹ về phí đầu tư (ví dụ: bên bảo hiểm nhận bao nhiều phần trăm hàng năm từ portfolio của bạn; giả sử portfolio của bạn bị xuống giá so với đầu tư ban đầu, bạn có phải trả phí không?) để đảm bảo mình không bị thiệt thòi.
4/ Nên bắt đầu tìm hiểu về đầu tư chứng khoán từ đâu?
Cách tốt nhất để bắt đầu là tự học thông qua đọc sách, tài liệu tài chính, blog tài chính… từ những nguồn tin tưởng, tham khảo những người có kinh nghiệm và nếu có thể, tham gia khóa học về đầu tư. Ở trường đại học nơi tôi công tác, hàng năm họ tổ chức rất nhiều khóa học và workshop cho cán bộ công nhân viên tìm hiểu về tài chính và có chuyên gia đến kèm 1:1 để góp ý thêm cho các quyết định đầu tư — những lớp học như vậy rất hữu ích.
Tuy nhiên, học hỏi người khác chỉ là một phần, quan trọng nhất là bạn phải tự trang bị kiến thức đủ để đưa ra quyết định cho mình. Vì cũng như món phở, bạn có khẩu vị và cách ăn riêng. Khi đầu tư bạn cũng cần tìm tòi, phát triển bản thân để định hình phong cách đầu tư hợp với mình nhất. Find the one “pho” you! 🐒
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Huyen Pham says
Rất cảm ơn bài viết hay và thú vị của chị!
Nhờ những bài viết trước mà em đã chủ động tự đầu tư vào các cổ phiếu quỹ, mặc dù tăng chậm đều nhưng lại khiến mình an tâm. Em thắc mắc quỹ target-date fund mà chị đang tham gia chỉ dành cho những người đang sinh sống tại Mỹ thôi đúng không ạ?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Chỉ chỉ đầu tư tại Mỹ. Tuy nhiên, chị thấy target-date fund cũng có ở Việt Nam đó em, chị không biết nhiều các quỹ cũ thể để recommend nhưng có nhiều quỹ/nhiều chương trình đầu tư họ cũng cho phép mình điều chỉnh portfolio để phù hợp với thời điểm mình muốn giải ngân. Mình có thể phải tự điều chỉnh, nếu họ không có hệ thống tự động. Nhưng chị biết là có lựa chọn này.
Ng.PD.at says
Hay quá chị ơi, nhờ chị mà em được mở mang thêm về đầu tư dù em đang hc Kinh tế haha, em SV mà có tiết kiệm được tiền nhàn rỗi thì chị nghĩ nên để đầu tư phát triển bản thân hay nên đầu tư như chị ạ =)))
Chi Nguyễn says
Chị nghĩ nếu em tiết kiệm được thì trước hết để khoản tiền khẩn cấp 3-6 tháng chi phí phòng trường hợp gấp cần đến. Sau đó em có thể suy nghĩ các hướng đi sau này. Phát triển bản thân có thể không cần nhiều tiền (ví dụ như đọc blog miễn phí, đọc sách :D), nếu em muốn đầu tư các khoá học kỹ năng như tiếng Anh, coding, programming… để tốt hơn cho sự nghiệp sau này em có thể để tiền vào đó — cũng là một hình thức đầu tư. Nếu em còn tiền nhàn rỗi mà lại học kinh tế thì có thể áp dụng kiến thức em học vào thị trường — chị thấy cũng là một cách hay để “đầu tư trở lại” học phí 😀
Anonymous says
Ở VN đầu tư qua các quỹ thường không được nhiều người lựa chọn vì các quỹ không có cam kết về mức sinh lời mỗi năm nên nếu đầu tư thua lỗ thì người đầu tư chịu, còn các quỹ vẫn thu phí quản lý như thường. Vì vậy mà đa số mọi người sẽ tự mua bán cổ phiếu hoặc thông qua broker.
Thực sự thì tự mua bán cổ phiếu cũng là một cách để nâng cao kiến thức cũng như rèn luyện tâm lý, cảm giác rất thú vị mỗi lần thị trường có biến động, tuy nhiên đúng là mất nhiều thời gian và công sức hơn.
Chi Nguyễn says
Mình không rõ lắm về thị trường Việt Nam. Nhưng ở Mỹ cũng không có cam kết mức lời mỗi năm vì thực sự không ai biết cổ phiếu lên hay xuống, mình chỉ nhìn được data qua từng năm của các quỹ mình đầu tư ước chừng trung bình 8-12% thôi, còn thua lỗ thì người đầu tư vẫn phải chịu và vẫn phải trả phí quản lý như thường 🙂 Tuy nhiên, nếu đầu tư qua index fund hay ETF dài hạn thì số liệu hàng chục năm đều cho thấy đầu tư trên 5 năm sẽ có lời ổn định. Mình hoàn toàn đồng ý rằng tự mua bán cổ phiếu cũng có cái thú và cảm thấy mình học được nhiều kiến thức. Cá nhân mình cho rằng rất nên đa dạng hoá hồ sơ đầu tư, làm tất cả từ index, individual stocks, target-date fund…, có cái đầu tư ngắn, có cái đầu tư dài… để cái này xuống thì cái kia gỡ lại.
Nguyễn Phương Thảo says
Trong bài viết trước em thấy chị Chi có nhắc tới quỹ Van Eck Vector ETF, em cũng đã có nghiên cứu về quỹ này nhưng không tìm ra được cách mua quỹ này. Chị Chi có thể chia sẻ thêm giúp em không ạ?
Chi Nguyễn says
Hi em! Theo chị nhớ, chị chưa từng giới thiệu một quỹ cụ thể nào, có lẽ chỉ dẫn link đến các bài báo nêu quỹ này chăng? Chị hoàn toàn không biết về quỹ em nhắc tới. Tại Mỹ chị đầu tư qua Vanguard và những quỹ khác như chị nêu trong bài.
Hải Yến says
Chị ơi, cho em hỏi hình thức quỹ mở (như ở Việt Nam có quỹ mở VCBF của Vietcombank chẳng hạn) có giống với hình thức quỹ nào chị đã nêu trong bài viết không ạ? Em không học ngành kinh tế mà lại muốn đầu tư, mà giờ ở mình có nhiều quỹ quá ạ. Mong chị giải đáp thắc mắc giúp em, em cảm ơn chị nhiều ạ.
Chi Nguyễn says
Các quỹ đó về cơ bản, theo những gì chị đọc được trên mạng (vì chị ko có kinh nghiệm ở thị trường VN), là tương đương với các quỹ như chị giới thiệu như ETF, target-date fund… Nhưng nếu đầu tư em để ý hỏi xem % interest hàng năm thu về của các nhà đầu tư có cao không, chi phí tham gia và quản lý quỹ là bao nhiêu… để cân nhắc nhé
Trịnh Công Hòa says
Chào Chi.
Mình Ở Việt Nam có thể mở được tài khoản của Robinhood không bạn nhỉ???
Chi Nguyễn says
Rất tiếc là không bạn ạ
Lang Nguyen says
Chào Chi!
Cảm ơn bạn về những chia sẻ, bạn có thể chia sẻ tựa đề một số cuốn sách về chứng khoán không?
Chi Nguyễn says
Mình ở Mỹ nên hay đọc những cuốn về chứng khoán Mỹ. Cuốn mình thích nhất hiện nay là “The Simple Path to Wealth” (J Collins)
Doan Diep says
Chị mới biết đến blog của em một cách tình cờ. Nó rất hay và có ích cho chị. Chị sẽ đọc một cách cẩn thận và suy ngẫm.
Nếu có thể, em hãy giới thiệu thêm một vài blog khác cho chị, một cô giáo cấp 3 sống tối giản và mong muốn tìm hiểu để đầu tư chứng khoán.
Chị cảm ơn em.
Chi Nguyễn says
Chào chị, em hay đọc các blog bằng tiếng Anh về tối giản như The Minimalists và Zen Habits
Noemie says
Mở tài khoản robinhood có bắt buộc phải đầu tư không chị nhỉ?
Chi Nguyễn says
Tài khoản Robinhood là để đầu tư nên mình không thấy có lý do gì để tiền vào đó mà không đầu tư. Nếu bạn chỉ muốn tham khảo tình hình chứng khoán, bạn cũng có thể tải app để xem; nhưng có rất nhiều app khác cho phép xem số liệu này, không chỉ Robinhood
Van says
Em chào chị. Em cám ơn chị vì những bài viết đã tạo động lực và cảm hứng cho em rất nhiều. Dạo này em có theo dõi nhiều các bài về quản lý tài chính cá nhân cũng như nghỉ hưu sớm để học và quản lý tài chính tốt hơn
Em đang cân nhắc đầu tư vào quỹ mở vd: VESAF, hay DCBC…mua qua Fmarket.
Em chưa hiểu lắm Fmarket có giống với quỹ Indexfund hay ETF chị nói ở trên không a?
Chi Nguyễn says
Chị không biết nhiều về thị trường Việt Nam nên khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho em. Em nên hỏi những ai đang đầu tư ở thị trường VN nhé!
Tracy Nguyen says
Chi viet bai nay hay qua! Cam on Chi nhieu!
Đậu Đức Chính says
Cám ơn chị rất nhiều về chia sẻ giá trị