Đã hơn 2 năm kể từ ngày tôi xuất bản “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản“, 4 năm tôi viết bài blog đầu tiên về chủ đề này trên The Present Writer, và 5 năm tôi quyết định sống theo phong cách tối giản. Trong 5 năm đó, cuộc sống của tôi có những thay đổi lớn, khiến tôi trưởng thành hơn và nhìn nhận rõ hơn về hành trình của mình.
Vậy, tư duy của tôi về Chủ nghĩa tối giản có gì thay đổi? Tôi đã học được gì sau 5 năm sống theo phong cách tối giản? Bài viết này trả lời những câu hỏi đó.
Bài viết cũng kèm theo một video chia sẻ hành trình 5 năm tối giản của tôi:
Qua 5 năm, tôi học được thêm điều gì về Chủ nghĩa tối giản và về bản thân mình?
Hiểu hơn về hành trình và lựa chọn của mình đối với Chủ nghĩa tối giản
Tôi tìm đến Chủ nghĩa tối giản trong một lần dọn nhà căng thẳng, mệt mỏi tại Mỹ vào năm 2014. Ở thời điểm đó, chưa có ai đề cập đến đề tài này ở Việt Nam; trong khi đó, Chủ nghĩa tối giản đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ ở Mỹ, Nhật, và các nước châu Âu.
Ngay khi mới tìm hiểu về Chủ nghĩa tối giản, tôi đã nhận ra đây là một phong cách sống hiện đại, văn minh, tích cực, có khả năng thay đổi cuộc sống của mình mãi mãi — điều mà tôi chưa từng cảm thấy khi đọc về các trào lưu lối sống “trendy” trước đây.
Tôi say mê với tất cả những nội dung tối giản, từ sách (như “Phép màu thay đổi cuộc sống từ việc dọn dẹp” của Marie Kondo), blog (như The Minimalists), đến YouTube (như Matt D’Avella) và podcast (như The Optimal Living Daily). Những nội dung này đều chất lượng, tích cực, và đặc biệt hữu ích cho người mới bắt đầu sống theo Chủ nghĩa tối giản.
Nhưng khi tôi đọc đến phần bình luận phía dưới nội dung thì… Ôi thôi!
Vẫn biết là mạng xã hội luôn đi kèm “anh hùng bàn phím” nhưng những bình luận dưới các blog hay video về tối giản luôn có điểm chung đặc biệt, đó là: sự ám ảnh về (ít) đồ đạc một cách thái quá, soi xét hà khắc, nhận định đóng khung, kiểu: “Thế chưa phải là tối giản, phải như thế này mới là tối giản…”
Đối với những người này, dường như khái niệm tối giản trong họ chỉ xoay quanh đồ đạc (ví dụ: tối giản thì chỉ “có quyền” mặc một vài bộ quần áo, ngủ trên chiếc mền trải dưới đất, đọc xong cuốn sách nào thì bỏ đi ngay cuốn sách đó, nhà cửa “bắt buộc” phải trống trơn) nên khi thấy những YouTuber quay video dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo gọn gàng thì họ chỉ trích là “vẫn còn quá nhiều đồ, gấp làm gì, vứt đi!”. Trong khi đó, Chủ nghĩa tối giản có rất nhiều ứng dụng khác trong cuộc sống, chứ không phải chỉ suốt ngày xoay quanh dọn dẹp (bởi thế nó có tên là Chủ nghĩa tối giản chứ không phải “Chủ nghĩa dọn dẹp”!). Như tôi đã từng viết, nếu bạn bị “ám ảnh” bởi đồ đạc, cả việc mua thêm đồ mới hay việc bỏ bớt đồ cũ, thì có nghĩa là bạn vẫn bị đồ đạc chi phối — điều này đi ngược lại hoàn toàn tư duy tối giản.
Vấn đề của góc nhìn thái quá, hạn hẹp này phần nhiều là do khi Chủ nghĩa tối giản mới được tuyên truyền trên thế giới, một bộ phận tác giả đã giới thiệu nó theo cách cực đoan, nặng về khía cạnh vật chất, làm mất đi những ý nghĩa rộng, bao dung, gần gũi hơn của lối sống này.
Bởi vậy, khi nhận ra mình có cơ hội là một trong những người đầu tiên giới thiệu Chủ nghĩa tối giản tới Việt Nam, tôi quyết định mình sẽ có cách tiếp cận khác, đưa đến khái niệm tối giản rộng, trừu tượng hơn, kết hợp cùng lối hành văn nhẹ nhàng, bao dung hơn các cây viết tối giản khác trên thế giới.
Chính vì tư tưởng này nên từ những bài blog đầu tiên về tối giản cho đến cuốn sách đầu tay, tôi đều hướng độc giả tới một khái niệm Chủ nghĩa tối giản bao trùm nhiều góc độ trong cuộc sống và nhấn mạnh tầm quan trọng của trải nghiệm cá nhân thay vì sống theo khuôn mẫu. Khi thực hiện “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”, tôi chủ động chỉ viết duy nhất một chương về dọn dẹp đồ đạc và dành các chương khác viết về tối giản trong công việc, quan hệ xã hội, phát triển bản thân… Tôi còn làm việc với họa sĩ để vẽ hình minh họa thay vì lấy ảnh chụp căn nhà thật của mình vì tôi muốn độc giả sử dụng trí tưởng tượng của họ để tìm ra khái niệm riêng về tối giản thay vì lấy tôi/cuộc sống của tôi ra làm khuôn mẫu.
Tuy nhiên, ở thời điểm viết, tôi chưa hiểu rõ về hành trình của mình và chưa tìm được “ngôn ngữ” phù hợp để diễn tả tại sao tôi chọn tiếp cận Chủ nghĩa tối giản theo cách này. Tôi viết phần nhiều theo bản năng, theo những điều mà trong thâm tâm tôi biết sẽ tốt cho độc giả Việt Nam, nhưng chưa “gọi tên” được đích xác. Điều này khiến cho một số bạn đọc “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” thắc mắc tại sao sách về tối giản nhưng ít chương về đồ đạc hay tại sao sách bàn về những khía cạnh khác mà các bạn cho là không liên quan mật thiết đến tối giản.
Nhưng sau 5 năm, tôi đã nhìn nhận rõ hơn về hành trình của mình và hiểu tại sao mình chọn tiếp cận Chủ nghĩa tối giản theo hướng mở rộng, nhẹ nhàng, bao dung (như chia sẻ phía trên). Ngoài ra, sau nhiều suy nghĩ, tôi cũng đã tìm được một tên gọi phù hợp, thể hiện rõ hơn thông điệp của mình.
Holistic Minimalism (Chủ nghĩa tối giản một cách toàn diện)
Đối với tôi, cụm từ “holistic minimalism” nói lên rõ nhất định hướng tối giản mà tôi đang sống. Tối giản một cách toàn diện khuyến khích minimalist ứng dụng tư duy tối giản vào tất cả các mặt của cuộc sống, hướng tới một lối sống tích cực, lành mạnh, cân bằng — thay vì thái quá, hà khắc, phi thực tế.
Điểm cốt lõi của holistic minimalism xoay quanh câu hỏi: Làm sao để ta sống hiệu năng, tích cực hơn, bỏ bớt đi những thứ thừa thãi, không còn ý nghĩa để dọn chỗ cho những điều cần thiết, ý nghĩa hơn và đón thêm cơ hội mới? Những “thứ thừa thãi” này có thể là đồ đạc, nhưng cũng có thể là thói quen xấu, mối quan hệ độc hại, tư duy tiêu cực, công việc không còn mang lại niềm vui…
Nói cách khác, đây là một phong cách “ăn, ngủ, thở” cùng Chủ nghĩa tối giản và cũng là cam kết theo đuổi lối sống này một cách lâu dài, bền vững trên mọi “mặt trận” của cuộc sống 🙂
Chủ nghĩa tối giản là một trong những điều tuyệt vời nhất
Sau 5 năm sống theo Chủ nghĩa tối giản, tôi có thể tự tin nói rằng, mình là một holistic minimalist và Chủ nghĩa tối giản là một trong những điều tuyệt vời nhất đã đến với cuộc đời tôi.
Nghe có vẻ hơi “sến súa” một chút, nhưng thực sự tôi không-thể-tưởng-tượng-nổi ngày nay của mình sẽ thế nào nếu 5 năm trước mình không quyết định theo đuổi lối sống tối giản. Nhìn lại những bức hình, những món đồ, những bộ phim đã xem… tôi có thể chỉ ra cho bạn đâu là thời điểm trước và sau khi tôi sống theo Chủ nghĩa tối giản. Dấu ấn của phong cách sống này đối với tôi trong 5 năm qua vô cùng đậm nét.
Khi biết đến Chủ nghĩa tối giản, tôi là một cô gái tuổi 20 mới vừa kết hôn, chưa có con và còn đang đi học. Năm năm sau, tôi đã có con nhỏ, tốt nghiệp Tiến sĩ, đi làm toàn thời gian tại Mỹ; ngoài thời gian làm việc, tôi còn làm thêm blog, YouTube, podcast, dạy học trên mạng, làm workshop… và còn chạy rất nhiều dự án nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam và nước ngoài. Mọi người thường hỏi: “Làm sao Chi có thể làm được nhiều việc cùng lúc như vậy?” Câu trả lời của tôi luôn là: “Chủ nghĩa tối giản”.
Vì đã theo đuổi lối sống này được vài năm, tôi biết đâu là lựa chọn và ưu tiên của mình: điều gì mình cần làm ở thời điểm này và điều gì mình phải bỏ lại, ai mình nên duy trì mối quan hệ và ai mình phải nói lời tạm biệt… Ngày trước tôi rất ngại từ chối, ngại nói “không” với người khác; nhưng giờ tôi nói “không” rất nhiều và cảm thấy tự do, thoải mái hơn khi nói “có” với những điều mình muốn làm.
—
Chủ nghĩa tối giản không hoàn hảo. Tôi không hoàn hảo. Bạn không hoàn hảo. Nhưng cuộc sống cũng không hoàn hảo.
Vì thế, tại sao ta phải ép mình theo một quy chuẩn nào đó hạn hẹp và thái quá? Suy cho cùng, được sống theo những gì mình thích, được làm những gì mình muốn làm là đích thực hạnh phúc — tối giản hay tối đa chỉ là phương tiện và cầu nối đưa bạn đến cuộc sống mà bạn hằng mơ ước mà thôi.
Tôi hy vọng bài viết này cho bạn một cái nhìn toàn diện về Chủ nghĩa tối giản và con đường trở thành một (holistic) minimalist. Nhiều nội dung mới về tối giản sẽ được cập nhật trên blog và YouTube của The Present Writer trong tương lai gần 🙂
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Huyen Tran says
Dear chị Chi,
Em biết đến chị một cách tình cờ. Một buổi chiều dạo Tiki tìm sách hay để đọc thì em thấy cuốn sách rất “Tối giản” của chị – mà ấn tượng nhất là hình một chú mèo ngồi trên bàn – hẳn là Friday yêu dấu. Sau đó em đã xử đẹp trong vòng chỉ 2 đêm vì quá mê say. Cuốn sách bây giờ đã là sách gối đầu giường của em sau cuốn “Nhân tố enzyme” rồi ạ ^^. Chị đã cô đọng mọi mặt cần có của CNTG chỉ trong một cuốn sách nhỏ, lời văn rất dễ đọc và rất thực tế. Đối với em, cuốn sách của chị là để thay đổi nhận thức, để độc giả tự chiêm nghiệm và giác ngộ chứ không phải là hướng dẫn cách để tối giản hay dạng ‘tutorial’. Chị là một tác giả rất cừ khi viết về một chủ đề quá rộng như vậy một cách súc tích và dễ hiểu.
Năm ngoái khi còn là sinh viên, em đã ký gửi đa số quần áo của mình để kiếm thêm tiền vì em phải tự trang trải cuộc sống, và từ đó em ý thức việc sống ít quần áo tốt hơn như thế nào nhưng chỉ là cảm giác và không hiểu điều đó là gì. Cho đến khi em đọc sách và blog của chị thì mới biết là em đã theo CNTG kể từ đó và em đã theo đuổi Chủ nghĩa tối giản được hơn nửa năm nay.
Rất cảm ơn cuốn sách và những bài Blog chất lượng và tuyệt vời của chị và em rất yêu chị <3. Chúc cả gia đình chị sức khỏe, bình an và những điều tốt lành nhất ạ!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều vì đã đọc bài viết và chia sẻ với chị. Hồi còn là sinh viên ở cả VN và Mỹ chị cũng ký gửi rồi bán quần áo (nhiều khi còn flip quần áo ở đồ cũ về giặt và sửa lại rồi bán) để kiếm thêm thu nhập nên chị cũng luyện được cho mình cảm giác cho đi/bán đi không tiếc và trân trọng từng món đồ mình mua bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt. Cảm ơn em vì đã cầm lên cuốn sách của chị <3
Phạm Thu Phương says
Nhiều thời điểm mình đã đọc lại quyển sách của Chi để có thêm ideas trong cuộc sống và củng cố hơn những quyết định của mình! Mình thích nhất chủ nghĩa tối giản và chủ đề quản lí tài chính và đầu tư trên blog của Chi! Hai năm qua mình đã có những bước tiến lớn trong quản lý tài chính cá nhân nhờ đọc Chi và những nguồn tài liệu bạn giới thiệu
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Phương. Năm nay Chi cũng học được nhiều về quản lý tài chính, nhất là mảng đầu tư. Tuần sau Chi sẽ quay lại blog với một bài mới về tài chính, Phương đón đọc nhé <3
Phạm Thu Phương says
Hay quá, đón chờ những bài viết mới của Chi😘🥰🥰🥰
Blog Thưởng Thức says
Xin chào Chi,
Mình cũng đang theo lối sống tối giản và mình cũng đồng ý về quan điểm “holistic minimalism”.
Mình thích gì đó cân bằng hơn là sự hà khắc, cực đoan và thiếu tính thực tiễn.
Cám ơn Chi đã chia sẽ rất nhiều. Mong được kết nối với Chi ở đây.