Trong hơn 7 năm sống ở Mỹ, tôi đã xin việc làm rất nhiều lần, từ công việc bán thời gian đến toàn thời gian, từ khi là cô bé du học sinh chân ướt chân ráo từ Việt Nam sang đến khi là một người phụ nữ trưởng thành, công dân Mỹ. Mỗi lần xin việc làm, dù thành công hay thất bại, đều để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
Bài viết này ghi lại câu chuyện ba lần tôi xin việc thành công tại Mỹ và những bài học tôi rút ra từ những trải nghiệm này.
Hy vọng bài viết truyền cảm hứng cho những ai đang loay hoay trên chặng đường tìm việc hoặc còn bất an khi nghĩ về hành trình phía trước của mình. Tin tôi đi, tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn đó (rất, rất nhiều lần nữa là đằng khác!)
Khi công việc đồng nghĩa với học bổng toàn phần
Lần đầu tiên tôi chính thức xin việc làm tại Mỹ là tháng 2/2014, khi ấy tôi mới sang Mỹ được 8 tháng và đang là du học sinh bậc Thạc sĩ tại UPenn (University of Pennsylvania).
Một điều ít ai biết là khi ở Việt Nam, tôi đã nộp đơn xin học thẳng từ bậc Đại học lên Tiến sĩ và được nhận vào làm nghiên cứu sinh ở Penn State (The Pennsylvania State University). Tuy nhiên, năm đó, vì nguồn học bổng ít ỏi, tôi quyết định đi học Thạc sĩ ở UPenn trước vì mức học bổng cao hơn và thời gian học ngắn hơn. Tôi bảo lưu kết quả ở Penn State với hy vọng là sau khi sang Mỹ tôi sẽ có cơ hội tốt hơn để giành “học bổng toàn phần” Tiến sĩ.
Sở dĩ “học bổng toàn phần” trong ngoặc kép là bởi vì ở bậc Tiến sĩ, bạn cần phải cạnh tranh để có một vị trí công việc trợ lý (graduate assistantship) như hỗ trợ giáo sư giảng dạy, nghiên cứu, hành chính… để đổi lấy tiền học phí, bảo hiểm sức khoẻ và trợ cấp hàng tháng (đọc thêm tại đây). Vì vậy, có việc làm đồng nghĩa với có học bổng toàn phần.
Tháng 2/2014, tôi nhận được thư mời từ Khoa Giáo dục ở Penn State đến dự sự kiện dành cho tân sinh viên. Trong chuỗi sự kiện, tân sinh viên sẽ có dịp gặp trực tiếp các giáo sư trong chương trình. Tôi biết đây chính là cơ hội để tiếp cận giáo sư và gần như dự buổi “phỏng vấn” xin việc thực sự. Nhưng tôi kiên quyết không đi.
Khi ấy, tôi gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý, chủ yếu là thiếu tự tin vào bản thân, stress, trầm cảm nhẹ do thay đổi môi trường sống, áp lực học tập và nhiều vấn đề cá nhân khác. Tôi tự thuyết phục bản thân rằng: “Mình không cần phải đi tới Penn State, có đi cũng không nhận được công việc và chỉ làm xấu hổ bản thân trước mọi người…” rồi viện đủ mọi lý do từ đường xá xa xôi đến phải xin nghỉ một buổi học… để không đi. Tôi thậm chí còn không mở miệng kể cho ai về lời mời từ Penn State, trừ cô bác sĩ tâm lý của mình khi đó.
Khi bác sĩ tâm lý nghe một tràng các “lý do, lý chấu” của tôi để không đi tới Penn State, cô ấy cười lớn và nói: “Tại sao lại không đi? Bạn chẳng có gì để mất cả! Bạn chưa có học bổng, chưa có công việc, chưa biết tương lai phía trước thế nào, bạn có gì để mất mà lại ngại ngần không đi! Hơn nữa, có thể bạn chỉ gặp những vị giáo sư đó một lần trong đời. Người ta không cho bạn công việc thì thôi, bye-bye, có gì đâu mà phải xấu hổ và ngại ngùng!”
Ừ nhỉ! Tại sao tôi lại không nghĩ như thế? Đầu óc u ám, tiêu cực, thiếu tự tin đã khiến tôi tự huyễn hoặc bản thân, chùn bước trước cánh cửa tương lai của mình. Nhờ có lời động viên của cô bác sĩ, tôi quyết định lên chuyến xe buýt sớm nhất, chạy hơn 4 tiếng qua đêm để tới Penn State.
Và có lẽ vì mang trong mình tư tưởng “chẳng có gì để mất”, tôi gần như biến thành một người khác hẳn. Tự tin hơn, thẳng thắn hơn, ngẩng cao đầu hơn khi tiếp xúc với mọi người trong sự kiện. Vì vậy, khi đến nơi, mặc dù biết tất cả những tân sinh viên được nhận vào chương trình Tiến sĩ—đa phần là người Mỹ, có nhiều kinh nghiệm trong ngành Giáo dục —đều đang cạnh tranh nhằm vào vị trí việc làm kiêm học bổng toàn phần, tôi cũng không sợ hãi. Tôi cứ nghĩ tới lời cô bác sĩ, “một khi không có gì để mất thì mình không có gì để sợ cả” và tự tin đi hết buổi “phỏng vấn” với giáo sư này đến giáo sư khác.
Cuối cùng cũng đến buổi gặp với người quan trọng nhất: giáo sư chủ nhiệm chương trình. Thầy nói chuyện qua với tôi, đọc hồ sơ của tôi và nói: “Hồ sơ của em rất tốt, kinh nghiệm và kỹ năng của em cũng rất tốt. Tôi nghĩ em sẽ là một nghiên cứu sinh tuyệt vời…” Thầy bắt đầu nói những lời có cánh ngợi khen và động viên tôi. Nhưng tôi dường như không thể nào ngồi nghe lâu hơn được nữa, tôi cảm thấy đến lúc mình phải nói thẳng suy nghĩ thật của mình cho thầy.
Hít một hơi thật sâu, tôi gần như cắt lời thầy: “Thầy ạ, em biết em sẽ là một nghiên cứu sinh tốt. Tuy nhiên, em phải nói thật với thầy là nếu em không có công việc trợ lý với suất học bổng toàn phần, em không thể theo học ở chương trình của thầy được. Thật vậy ạ! Em không thể nào có điều kiện chi trả học phí và sinh hoạt phí cho 5 năm học Tiến sĩ được. Không có công việc đồng nghĩa với em sẽ không theo học ở chương trình này”
Thầy thoáng ngạc nhiên một chút rồi mỉm cười chỉ ra hướng ngoài cửa: “Tất cả những tân sinh viên đang chờ tôi ở ngoài kia, họ đều có chung nguyện vọng này nhưng vị trí công việc không đủ cho tất cả mọi người”. Thầy nhìn sâu vào tôi và nói: “Nhưng em là một ứng viên xuất sắc, tôi sẽ để tâm đến trường hợp này”
Tôi chào thầy ra về, cảm thấy tự hào vì mình đã thể hiện hết mình, nỗ lực hết sức trong buổi phỏng vấn. Quan trọng hơn cả, tôi đã nói ra hết những điều mình muốn nói—một điều mà không phải lúc nào một đứa hướng nội, rụt rè như tôi cũng dám làm.
Khoảng hai tuần sau, tôi nhận được tin mình đã có công vệc trợ lý nghiên cứu tại Penn State!!!! Đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi—không hẳn là vì tôi sắp thực hiện được ước mơ học Tiến sĩ của mình, mà là vì tôi đã trút được gánh nặng ngàn cân về tương lai trước mắt. Ít nhất, tôi biết được mình sẽ đi đâu, ở đâu trên nước Mỹ rộng lớn này trong 5 năm tới—một cảm giác mà có lẽ chỉ những người “tha phương cầu thực” mới hiểu được.
Mãi sau này khi đã học ở chương trình một thời gian, tôi mới được nghe trợ lý của giáo sư chủ nhiệm chương trình kể lại là, năm đó nguồn học bổng rất ít và các vị trí trợ lý đã được ưu tiên cho những người nhiều kinh nghiệm ở Mỹ hơn tôi. Tuy nhiên, vì thầy rất ấn tượng với tôi và thấy được tiềm năng trong tôi nên thầy đã trực tiếp mang hồ sơ của tôi đến gõ cửa nhiều nơi để xin thêm nguồn học bổng, giành một vị trí công việc quý báu cho tôi. Chính thầy về sau lại trở thành giáo sư hướng dẫn luận án tốt nghiệp cho tôi. Thầy đã cho tôi rất nhiều cơ hội tuyệt vời mà không lời cảm ơn nào nào có thể đủ được.
Vậy là tôi đã có công việc đầu tiên tại Mỹ!
Bài học trong lần xin việc này là: Nếu chỉ có 1% cơ hội, nếu cảm thấy mình chưa chắc đã đủ điều kiện cho vị trí công việc, bạn vẫn nên mạnh dạn nộp hồ sơ vì biết đâu bạn có nhiều tiềm năng hơn bạn nghĩ. Thẳng thắn nói cho nhà tuyển dụng biết công việc này quan trọng với bạn tới mức nào—không van xin, nài nỉ mà hãy ngẩng cao đầu, tập trung vào điểm mạnh của mình và sự quyết tâm giành lấy vị trí cho mình.
Khi công việc là bước đệm thiết yếu
Tôi xin việc làm lần thứ hai vào tháng 5/2014, khi ấy tôi đang chuẩn bị bước vào kỳ hè —kỳ học cuối cùng của tôi ở UPenn.
Ở thời điểm đó, tôi rất muốn tìm một công việc bán thời gian gần với ngành học giáo dục. Thứ nhất, tôi muốn tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc ở môi trường giáo dục Mỹ để chuẩn bị cho chương trình Tiến sĩ và vị trí trợ lý nghiên cứu sắp tới tại Penn State. Thứ hai, tôi muốn kiếm thêm một khoản đủ để trang trải tiền thuê nhà tháng đầu, chi phí di chuyển và mua đồ cho căn hộ ở trường mới. Khi nhận được thông báo có công việc ở Penn State, tôi đã quyết định sẽ hoàn toàn độc lập tài chính, tự lo lấy cuộc sống của mình ở Mỹ nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Vì vậy, có một công việc làm ngắn hạn rất quan trọng với tôi khi ấy.
Thật tình cờ, đúng dịp đó, một giáo sư ở UPenn đăng tin tuyển trợ lý nghiên cứu biết cả tiếng Việt và tiếng Anh để giúp thầy thu thập dữ liệu trong một dự án về thanh thiếu niên người Việt nhập cư tại Mỹ. Đọc thông tin tuyển dụng, tôi cứ ngỡ ai đó viết riêng cho tôi: “cần tuyển một người nói tiếng Việt thành thạo”, “quan tâm đến giáo dục dành cho người nhập cư”, “có khả năng phỏng vấn”, “có kỹ năng làm việc độc lập cao”… Và đó không chỉ là suy nghĩ của riêng tôi vì ngay khi tin tuyển dụng đăng lên, rất nhiều bạn bè của tôi ở UPenn đã chuyển lại thông tin, nhắn: “nộp đi cậu ơi”, “chắc chắn cậu sẽ được”, “cố lên cậu ơi”… Điều này làm cho tôi rất xúc động và tự tin nhấn nút “apply”.
Đúng như dự đoán, tôi được chọn vào vòng phỏng vấn với giáo sư. Buổi phỏng vấn diễn ra rất suôn sẻ, tôi trả lời được tất cả các câu hỏi, khớp với mọi yêu cầu của vị trí, giáo sư cũng ấn tượng với kinh nghiệm và kỹ năng nghiên cứu của tôi. Tuy nhiên, có một vấn đề khúc mắc nảy ra trong quá trình phỏng vấn, đó chính là visa du học sinh của tôi. Khi đó, tôi vẫn còn sử dụng visa du học sinh F1—loại visa này chỉ cho phép sinh viên làm việc trong trường mình đang học (UPenn)—mà chỉ còn vài tháng nữa là tôi phải làm thủ tục chuyển hồ sơ lên Penn State. Vì vậy, cả tôi và giáo sư đều thắc mắc không biết tôi có đủ điều kiện làm việc hợp pháp đến hết dự án hay không. Bởi cả hai đều không có câu trả lời, thầy nói rằng tôi cứ ra về, sau khi thầy phỏng vấn hết một lượt các ứng viên khác, nếu tôi được cân nhắc chọn, thầy sẽ tìm hiểu thông tin này tại Văn phòng dành cho sinh viên quốc tế (Global Office) ở UPenn.
Tạm biệt thầy ra về, tôi nghĩ mình đã thể hiện rất tốt trong buổi phỏng vấn, nhưng vẫn lấn cấn không biết vấn đề visa kia sẽ giải quyết như thế nào. Sau khi về đến nhà, nằm lăn qua lăn lại, tôi vẫn nghĩ mãi về vấn đề này. Đột nhiên, “ting ting”—trong đầu tôi chợt nhận ra rằng: Tại sao mình không chủ động tìm hiểu vấn đề này để tự gỡ bỏ nút thắt? Mình đâu cần phải ngồi chờ thầy hỏi hộ mình, mình cũng có thể đến Global Office cơ mà! Nghĩ thế, tôi bật dậy và đi bộ một mạch từ nhà đến Global Office.
Nhân viên ở Global Office mới nghe qua đã hiểu rõ về trường hợp của tôi. Họ đưa cho tôi một số lựa chọn để làm việc hợp pháp tại Mỹ, như bắt đầu công việc sớm hơn để tận dụng visa, làm thêm số giờ dự kiến, làm việc từ xa… Nắm được thông tin này, ngay tại văn phòng Global Office, tôi email luôn cho giáo sư: “Thưa thầy, em rất cảm ơn thầy đã dành thời gian phỏng vấn em sáng nay. Trong buổi phỏng vấn, em biết chúng ta đều có câu hỏi về vấn đề liên quan đến visa của em. Em đã tham vấn Global Office và đây là gợi ý của họ…”
Nhận được email, giáo sư cảm ơn tôi và nói sẽ thông báo kết quả cho tôi sớm. Và khoảng 12 tiếng sau, thầy email lại nói là tôi đã được nhận việc. Yay!!!!
Một mùa hè làm việc thực nghiệm với giáo sư trong dự án thanh thiếu niên nhập cư đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi học được vô số điều bổ ích mà có lẽ bằng hàng chục lớp Phương pháp nghiên cứu (Research Methods) cộng lại. Những kiến thức và kinh nghiệm này giúp tôi bước vào chương trình Tiến sĩ ở Penn State đầy tự tin. Sau này, vì làm việc ăn ý với tôi, giáo sư tiếp tục mời tôi làm đồng tác giả hai bài báo khoa học sử dụng dữ liệu từ dự án mùa hè năm ấy, trong đó có một bài báo tôi là tác giả thứ nhất (Nguyen & Quinn, 2018; Quinn & Nguyen, 2017).
Bài học trong lần xin việc này là: Nếu có bất kỳ khúc mắc, câu hỏi chung nào trong quá trình tuyển dụng, chủ động tìm hiểu, gỡ nút thắt vấn đề. Đừng thụ động ngồi chờ nhà tuyển dụng đi tìm lời giải đáp, lúc đó cơ hội cũng qua mất rồi!
Khi công việc mang ý nghĩa sống còn
Lần gần nhất tôi xin việc làm là tháng 2-3/2019, khi đó tôi vẫn đang hoàn thành luận án ở Penn State và mới sinh con được hơn 3 tháng.
Sau khi sinh con, thể chất của tôi yếu đi nhiều, trí nhớ và độ tập trung cũng giảm sút và có biểu hiện trầm cảm sau sinh. Trước đây tôi nghĩ mình cứ học hết chương trình Tiến sĩ, bảo vệ luận án, lấy bằng rồi mới đi tìm một công việc trong mơ ở đâu đó xa xôi cho thoả ước mơ bay nhảy. Nhưng sau khi có con, tôi nhận ra rằng mình cần công việc ổn định càng-sớm-càng-tốt.
Sau một thời gian ở nhà chăm con, tôi nhận ra rằng, mặc dù rất yêu con và muốn chăm chút cho gia đình, tôi là mẫu người của công việc—tôi cần đi làm, cần có không gian tập trung làm việc, suy nghĩ tích cực để vượt lên trầm cảm và rối loạn lo âu. Chồng tôi là người đầu tiên nhận ra điều này, vì thế anh ấy khuyến khích tôi đi xin việc và quyết định nghỉ việc để ở nhà làm bố toàn thời gian. Chúng tôi cũng quyết định sẽ tập trung vào cơ hội việc làm ở Penn State vì với con nhỏ, sự ổn định về nơi ở và tài chính trở nên quan trọng hơn hết. Bởi vậy, có một công việc toàn thời gian ổn định khi đó có ý nghĩa sống còn, đối với cá nhân tôi và với gia đình nhỏ của tôi khi ấy.
Sau một thời gian ngắn apply tại Penn State, tôi được mời phỏng vấn cho một vài công việc, trong đó có Data Analyst—một vị trí mà trước đó tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm hay thậm chí có thể làm. Nhưng vì áp lực công việc ở thời điểm đó, tôi mạnh dạn nộp hồ sơ và bước vào vòng phỏng vấn.
Buổi phỏng vấn ban đầu rất trơn tru, cho đến khi hội đồng tuyển dụng hỏi tôi một câu mang tính technical (kỹ thuật): “Bạn có thể cho biết kinh nghiệm của mình với SQL (một ngôn ngữ truy vấn dữ liệu) không?” Thú thực, đó là lần đầu tiên tôi nghe đến SQL, trong quá trình làm nghiên cứu, tôi chưa từng phải truy vấn dữ liệu hệ thống mà thường chỉ làm việc với bộ dữ liệu tự xây dựng hoặc bộ dữ liệu quốc gia/quốc tế có sẵn thôi nên chưa từng sử dụng SQL. Câu hỏi này khiến tôi hơi bị ngợp một chút, nhưng bình tĩnh trở lại, tôi trả lời thẳng thắn: “Thú thật là tôi chưa từng sử dụng SQL. Nhưng tôi có kinh nghiệm sử dụng những phần mềm khác như SPSS, Stata, Atlas.ti, Nvivo, Dedoose… để phân tích dữ liệu định lượng và định tính. Nếu vị trí này cần SQL, tôi sẽ học ngay lập tức. Nếu nhìn vào CV và transcript của tôi, các vị cũng có thể thấy, tôi có khả năng học rất nhanh và đạt kết quả tốt ở nhiều lĩnh vực, trong một thời gian ngắn”
Kết thúc buổi phỏng vấn, tôi cứ đinh ninh là mình sẽ trượt. Ấy vậy mà tôi lại được nhận offer công việc (!), thậm chí còn có thể thương lượng về lương, trợ cấp, thời gian bắt đầu làm việc và cả vị trí ngồi làm việc nữa.
Sau đó, trong lần đi công tác với một đồng nghiệp từng nằm trong hội đồng tuyển dụng tôi năm ấy, cô ấy tiết lộ: Trong hơn 10 người được vào vòng phỏng vấn, đại đa số đều biết và sử dụng SQL thành thạo; nhưng hội đồng quyết định từ chối tất cả những người kia để chọn tôi vì họ thấy được tiềm năng của tôi. Và thú thực là học SQL cũng không có gì quá khó, tôi chỉ mất chừng 1 tuần tự học trên mạng cộng với thực hành hàng ngày là đã đủ để ứng dụng vào công việc của mình.
Đọc thêm về câu chuyện này và công việc Data Analyst ở đây.
Bài học trong lần xin việc này là: Nếu bạn nhận ra mình thiếu hụt kỹ năng nào đó trong quá trình tuyển dụng, hãy thẳng thắn thừa nhận. Bên cạnh đó, tập trung vào điểm mạnh của mình để bù vào kỹ năng thiếu và khẳng định sự cầu tiến, mong muốn học hỏi hoàn thiện bản thân trong tương lai của mình.
—
Bạn nghĩ gì về những bài học của tôi sau ba lần xin việc thành công tại Mỹ? Bạn có bài học gì từ những lần xin việc của mình để chia sẻ cho mọi người không? Hãy kể cho tôi dưới phần comment nhé! Ngày nào đó, khi tích lũy thêm trải nghiệm (và cả dũng khí) tôi sẽ trở lại đề tài này với bài học sau những lần xin việc thất bại 🙈. Mọi người đón xem nhé!
UPDATE 7/2021: Những bài học từ ba lần xin việc này, cùng với những kiến thức tích luỹ được từ những va vấp và thất bại trong suốt hành trình tìm việc tại Mỹ đã đưa tôi đến công việc trong mơ của mình: Giáo sư đại học (college professor):
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Annonymous says
Em chào chị, nhờ chị mà giờ đây em có động lực đi xe bus nhiều hơn, để nghe podcast của chị đấy ạ!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em vì đã nghe podcast của chị! Comment của em làm chị cũng thấy vui hơn (và đỡ bực mình hơn khi phải edit lại hơn 1 tiếng podcast từ đầu hôm nay vì phần mềm lỗi huhu) 😀
phạm Thu phương says
mỗi lần đi làm xe ngồi xe 1-2 tiếng , mình nghe podcast của Chi và thấy thêm rất nhiều điều bổ ích
Vân Vũ says
Em chào chị Chi,
em cảm ơn chị vì bài viết này. Em đã đọc và theo dõi các bài viết khác của chị trước đây và chưa một lần bình luận gì. Nhưng em nghĩ mình nên làm điều gì đó ngày hôm nay. Vì chính em vừa ra trường, còn đang mông lung, mơ mộng cùng với những hoang mang do dịch bệnh. Em sợ rằng mình không tìm được một công việc mà mình mong muốn, mình có thể làm, những kinh nghiệm tích lũy của mình không đủ để làm việc. Khi đọc bài viết của chị thì em hiểu nếu em không thử thì sẽ không bao giờ biết được mình sẽ mất cái gì và được cái gì. Em có 1% cơ hội kia mà. Em cảm ơn chị!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em vì đã đọc bài viết nhé! Chị cũng có một số dự định kinh doanh và dự án công việc bị chững lại do bệnh dịch bên chị rất hiểu cảm giác mông lung và hoang mang của em. Nhưng chị tin rằng nếu mình cố gắng thử tất cả các cơ hội và vận may của mình thì mình sẽ tìm được con đường đi phía trước. Chị em mình cùng cố gắng nhé! Chúc em nhiều may mắn!
Tram Pham says
Em chào chị Chi. Em đã follow instagram của chị từ lâu rất lâu và là fan trung thành của blog và podcast của chị. Em cũng đang học master năm thứ hai và cũng đang rất mông lung về con đường sự nghiệp sắp tới. Podcast của chị thực sự truyền rất nhiều động lực cho em ạ <3. Em cảm ơn chị Chi nhiều!.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em vì đã là khán giả trung thành của chị. Tới đây chị sẽ hoạt động nhiều hơn trên Instagran để tạo content sáng tạo hơn và chất lượng tương đương với blog. <3
Dan TM says
Chào bạn,
M đang gặp vấn đề về apply và may mắn gặp bài viết tâm huyết của bạn. Bạn nói đúng, dù 1% cơ hội cũng phải thử. M rất ít khi bình luận nhưng hôm nay phải nhất định phải đăng nhập để comment. M tâm đắc với việc thừa nhận kỹ năng còn thiếu và quyết tâm học bằng được!
Cảm ơn bạn rất nhiều
Dan TM
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Mình chúc may mắn sẽ sớm tới với bạn để bạn đạt được điều mình mong muốn
L.V says
Hi chị Chi,
Bài viết của chị chắc chắn truyền động lực cho rất nhiều bạn du học sinh đang tìm kiếm cơ hội việc làm trên đất khách (và ngay cả tại quê nhà). Thank you!
Em tốt nghiệp đại học tại Mỹ và đã có một năm để đi làm thực tập (OPT). Trong khoảng một năm đấy, em xin được một vị trí entry-level đúng ngành nghề mà mình đã học (operations & supply chain management), tuy nhiên khả năng để được sponsor H1B là vô cùng thấp cho vị trí và cả chuyên ngành của mình. Em đã nghĩ rằng có lẽ đây là năm cuối cùng mình học tập ở Mỹ rồi, và chính vì “không có gì để mất”, em cống hiến cho công việc với tất cả những gì mình có. Rất may mắn khi người quản lý của mình nhìn thấy nỗ lực và khả năng của người nhân viên này, cô đã đề bạt với công ty về việc thay đổi mức lương của em để tạo điều kiện cho em học lên bậc thạc sĩ, từ đó em có thể tiếp tục làm việc (dựa trên CPT) cũng như là phát triển việc học của mình thêm nữa.
Là một sinh viên có sức học vô cùng bình thường, cũng như chỉ có một vài gặt hái vô cùng nhỏ bé, em muốn chia sẻ câu chuyện của mình để cho thấy rằng người trẻ hãy luôn “quăng” mình vào để học hỏi và làm hết mình, bởi lẽ cơ hội sẽ đến bất cứ lúc nào, kể cả khi tưởng như phần trăm ấy là rất ít ỏi.
Chi Nguyễn says
Giỏi quá em ơi! Chị cảm thấy rất vui khi đọc chia sẻ của em, cứ như là chị được CPT với H1B vậy :D. Chị hiểu cảm giác đi làm mà không biết có được H1B sponsor là như thế nào nên rất mừng cho em. Chúc em nhiều may mắn hơn nữa trong tương lai nhé!
Thành Nguyễn says
Cám ơn chị về bài viết và podcast em nghe liền tù tì từ đầu tới cuối. Chị cho em rất nhiều bài học về sự thẳng thắn, sự tự, tin vào những điểm mạnh của bản thân để tốt hơn. Giống như là việc thẳng thắn thừa nhận các thiếu hụt cũng như phương án để khắc phục nó, Chúc chị và gia đình nhiều sức khoẻ và hạnh phúc nhé.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều! <3
Thuỳ Vi says
Chào chị Chi,
Bài viết của chị thực sự tiếp thêm động lực và dũng khí để em nộp đơn xin việc. Từng có một vài cơ hội việc làm đến với em mà em rất muốn nhưng cuối cùng đều ngậm ngùi bỏ qua. Em nghĩ là dù có nộp đơn cũng sẽ không được nhận. Lúc phỏng vấn nếu họ phát hiện ra tiếng Anh của em không được trôi chảy, họ sẽ không nhận đâu. ( mặc dù em biết cuối cùng họ sẽ hiểu ý em sau khi lặp lại vài lần) Rồi em còn chưa từng có kinh nghiệm làm việc lần nào nữa. Em sợ bị từ chối vài lần thì em sẽ càng tự ti và thất vọng về bản thân hơn. Những lời tâm sự của chị giống như tia sáng loé lên trong đầu em. “Tại sao lại không đi? Bạn chẳng có gì để mất cả!” Đọc đến chỗ này mà em rưng rưng nước mắt. Sắp tới là năm thứ ba đại học của em rồi. Em nhất định sẽ nộp đơn xin việc vào năm sau. (Hiện tại thì em đang rèn dũa tiếng Anh mỗi ngày) Mang tư tưởng dù cho bị từ chối thì cũng không có gì để mất. Biết đâu 1% cơ hội sẽ mỉm cười với em phải không chị?
Cám ơn chị nhiều.^^
Chi Nguyễn says
Đúng vậy em à! Nhất là mình chưa có kinh nghiệm đi làm thì càng nên cố gắng có một lần phỏng vấn để trải nghiệm. Chị chúc em nhiều may mắn nhé!
Thu Hong Nguyen Thi says
Chị Chi ơi, đọc được bài viết này của chị giống như một bức thư từ tương lai gửi về cho em rằng em cũng có thể thành công, làm được điều mình muốn giống như chị.
Em cũng đang trong hành trình tìm vị trí thực tập khá căng thẳng, có lúc rất tự tin nhưng cũng có lúc vô cùng hoang mang. Vì bản thân có nhiều câu hỏi, nghi ngờ về khả năng của mình và tương lai, có những lúc em không biết phải làm gì.
Em cảm ơn chị thật nhiều nhé. Vì giờ em đã biết những gì mình nên làm và cần làm.
Chúc chị thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Em luôn ngóng những bài viết tiếp theo của chị ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em và chúc em nhiều may mắn nhé!
Kay says
Cảm thấy thật tuyệt vời khi thời đại 4.0 đã khiến chúng ta gần nhau hơn, và mình có cơ hội được biết bạn. Cảm ơn những bài chia sẻ của bạn trên kênh youtube của bạn, mình thật sự rất thích. Hy vọng một ngày chúng ta có thể gặp nhau ^^.
Chi Nguyễn says
Mình cũng rất vui được biết bạn! Cảm ơn bạn đã theo dõi các kênh nội dung của mình
Đắc Ngân says
Cảm ơn Chi về bài viết.
Mình nghĩ rằng những kinh nghiệm rút ra từ bài viết này có thể trở thành hành trang suốt cuộc đời. Đó là nỗ lực, luôn mang tinh thần lạc quan, chủ động và đặc biệt là bài học cuối trung thực và chính trực. Đó là những yếu tố góp phần tạo thành hệ giá trị của mỗi 1 con người và là điểm tựa cho mình khi gặp phải những khó khăn, trắc trở, bối rối giữa vô vàn sự lựa chọn và cám giỗ trong cuộc sống. Một lần nữa cảm ơn Chi.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Đắc Ngân nhiều vì đã đọc bài của mình. Mình rất thích cách bạn tóm gọn lại bài học riêng cho bạn trong comment. Mình cũng học hỏi được thêm nữa 🙂
Tuấn Huỳnh says
Em chào chị Chi,
Em vô tình biết đến chị từ video Youtube đến Blog và cả Podcast
Những điều chị chia sẻ thật sự rất hữu ích mang lại choem sự tự tin, tinh thần học tập không ngừng cũng như động lực để cố gắng trong cuộc sống. Em đã phải dành vài ngày để xem những video và blog của chị và sẽ tiếp tục ủng hộ chị.
Em cảm ơn chị nhiều !!!
Nhung says
Em chào chị. Em tình cờ thấy được video của chị trong một lần lượn lờ trên youtube và thật sự may mắn khi tìm hiểu về chị. Năm nay em năm 4, nhìn xung quanh bạn bè nhiều người thành công làm em stress rất nhiều. Thật sự em không biết em đang ở đâu, và sẽ làm được gì. Em cũng sợ sẽ làm bố mẹ thất vọng. Xem các bài viết cũng như xem các video của chị khiến em có động lực để cố gắng và hoàn thiện bản thân hơn rất nhiều. Muộn còn hơn không. Em học được rất nhiều từ các kênh của chị. Cảm ơn chị đã đến với bọn em <3
Anonymous says
Cảm ơn chị Chi vì những chia sẻ bổ ích của chị <3
Thang Nguyen says
Hi bạn, cảm ơn bạn vì bài viết rất bổ ích. Hiện mình đang hoàn thành luận án Tiến sỹ về khoa học Y (mình có bằng cử nhân và Thạc sỹ về Public Health) tại Thuỵ Điển và có thể sẽ bảo vệ vào quý I năm 2022. Mình hiện đang ở Việt Nam để hoàn thành luận án nhưng rất mong muốn có cơ hội làm việc ở Mỹ sau khi bảo vệ xong. Mình đã tìm kiếm một số công việc về public health trên LinkedIn tại Mỹ và thấy nhiều vị trí khá phù hợp với khả năng của mình. Nhưng mình rất lăn tăn về việc xin visa lao động, liệu mình nên xin việc trước và yêu cầu nhà tuyển dụng bảo lãnh visa hay có thể xin visa dạng EB2 trước (visa cho skilled workers) rồi mới apply những jobs này. Những trường đại học của Mỹ đều bảo lãnh cho new employee hay không? Rất mong nhận được chia sẻ của bạn
Chi Nguyễn says
Mình không có kinh nghiệm về EB2 nên bạn có thể tìm hiểu thêm một số FB group mình thấy có bàn về chủ đề này và hỏi thêm luật sư di trú nhé. Những trường ĐH ở Mỹ có bảo lãnh cho new employee nhưng thường ưu tiên cho scholars/academic-track (ví dụ như giáo sư, phó giáo sư…)
Tram says
Chào chị, kể từ khi biết đến chị, em thật sự ngưỡng mộ chị, ngưỡng mộ cho việc chị có một con đường cụ thể và chị biết chị là ai, làm gì và ở đâu. Em đã ra trường 3 năm, lúc vừa tốt nghiệp may mắn được mời làm việc tại một doanh nghiệp có tiếng ở Việt Nam, em nhận lời vì tiền lương hấp dẫn ở độ tuổi mới ra trường. Nhưng sau 3 năm, em nhận thấy công việc hiện tại không thể giúp em phát triển bản thân, mãi mãi chỉ sẽ dặm chân tại chỗ. Em muốn bắt đầu lại, tìm kiếm một sự nghiệp mà mình thực sự đam mê, nhưng em lại chợt nhận ra rằng do không có hướng đi cụ thể nên giờ đây em không biết em muốn gì, em thấy ai giỏi em cũng muốn giống họ, nhưng rồi không đi về đâu. Em không dám bắt đầu, vì em sợ, em cảm thấy mình quá thiếu kĩ năng vì những gì em có chỉ là khả năng tiếng Anh. Nhưng giờ đây, tiếng Anh đã trở thành điều kiện đủ để hoà nhập xã hội, nên em cảm thấy bản thân mình trở nên dần vô dụng. Thêm nữa là áp lực thời gian, ở độ tuổi như em, nhiều người đã thành công, nhưng bây giờ, sau 3 năm đi làm, em không tiếp thu được gì thêm, không phát triển bản thân mình, lớp trẻ ngày càng giỏi. Em sợ em không có khả năng cạnh tranh lại.
Trân says
Hi Chi, chị (mình hơn Chi 2 tuổi) đọc nhiều bài về hành trình ở Mỹ của Chi, những sự chấp thuận từ công việc như mơ mà Chi xứng đáng có được ở trên, chị nhận thấy rõ em được job không chỉ vì năng lực, tiềm năng.. mà hơn hết chính là thái độ chân thành, khiêm nhường mà vẫn đầy tự tin của em. Chị cũng là người học và sống ở nước ngoài, tuy không định cư vì chị vẫn phải duy trì công việc ở VN, chị cảm thấy chúng ta có đôi nét tương đồng khi nhiều lần chính những giáo viên còn ngờ vực với người nước ngoài, khó tính và cầu thị, cuối cùng vẫn tự hào nói với mọi người về mình rằng, đây là một trong những best students của tôi trong bao nhiêu năm dạy học, cho dù đến bây giờ mình vẫn không hề thông thạo ngôn ngữ của họ (một loại ngôn ngữ hiếm). Chúc em đạt được mọi mong nguyện của mình!