Tiếp nối chuỗi bài viết về Chủ nghĩa tối giản (Minimalism), tôi muốn chia sẻ với bạn đọc 5 (trong số rất nhiều) điều mà Chủ nghĩa tối giản đã làm thay đổi cuộc sống của tôi. Mặc dù đây là trải nghiệm mang tính cá nhân, tôi hy vọng bạn sẽ tìm thấy điều có ích và hiểu thêm về cách ứng dụng Chủ nghĩa tối giản vào cuộc sống hàng ngày.
Sau 1 năm theo lối sống mới, Chủ nghĩa tối giản khiến cho tôi:
1. Có con mắt thẩm mỹ tinh tế hơn. Trước đây, tôi vẫn thi thoảng được khen là người ăn mặc “có phong cách” nhưng phong cách ở đây là một tổ hợp rất nhiều loại hình thời trang, với rất nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau (tóm lại là một phong cách “đa dạng”). Vấn đề của phong cách này là (1) tôi thực ra chẳng có một phong cách định hình nào hết, và (2) tôi luôn phải chạy đuổi theo thời trang, mua sắm mới cho tủ quần áo của mình (vì các món đồ tôi vốn có không hoàn toàn kết hợp được với nhau). Cuối cùng, tôi có một tủ quần áo, mặc dù nhiều đồ, không có cái nào hợp với cái nào. Có quá nhiều lựa chọn về thời trang cũng khiến việc chuẩn bị đi làm mỗi sáng tốn nhiều quá thời gian.
Khi chuyển sang sống theo Chủ nghĩa tối giản, tôi đã mạnh tay bỏ đi phần lớn tủ quần áo của mình, chỉ giữ lại những món đồ mang lại niềm vui và ý nghĩa. Vì có ít lựa chọn, tôi buộc phải tập trung vào suy nghĩ làm sao để kết hợp các món đồ với nhau, làm sao cho đơn giản nhưng vẫn có phong cách. Tôi trở nên quan tâm nhiều hơn đến chất liệu, kiểu dáng, và màu sắc của từng món đồ mình có. Tôi vẫn còn nhớ sau khi đọc cuốn “The life-changing magic of tyding up” (Marie Kondo), tôi học tập tác giả cầm từng cái áo lên và tự hỏi: “Món đồ này có khiến tôi vui không?” (Does it spark joy?). Đó là lần đầu tiên tôi thấy chiếc áo của mình đẹp đến thế nào, từng đường kim, mũi chỉ, hình in hiện lên sống động, vậy mà trước đây tôi không hề để ý và trân trọng nó. Nếu cần mua sắm quần áo mới, tôi tập trung nhiều hơn về chất lượng hơn số lượng, tôi có thể trả giá cao cho một chiếc áo tốt, nếu nó có thể kết hợp với hầu hết các món tôi đã có, hơn là một cái áo rẻ hơn nhưng kén đồ mặc cùng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bổ sung thêm những món đồ có màu sắc trung tính (trắng, đen, ghi, hồng phấn, xanh da trời nhạt…) và những kiểu dáng trơn, cổ điển, dễ kết hợp. Nếu bạn gặp tôi vào 1 năm trước và nói: “Chi, tương lai bạn sẽ có một tủ quần áo rất nhỏ, chỉ khoảng 30 món!,” tôi sẽ nghĩ rằng bạn thật điên rồ. Nhưng sự thật là hôm nay, ngay chính thời điểm này, tôi chỉ có trên dưới 30 món đồ, và tôi hạnh phúc với tủ quần áo của mình nhiều hơn cả khi tôi có 100 hay 200 món.
Cùng với thời trang là những mặt khác của cuộc sống cũng được thay đổi theo tư duy thẩm mỹ mới. Một ví dụ điển hình là thiết kế nội thất. Căn hộ chúng tôi hiện đang ở đẹp và thanh nhã hơn nhiều so với căn hộ cũ, không phải vì căn hộ này được xây đẹp hơn mà vì chúng tôi có con mắt sắp đặt tốt hơn và mua nội thất phù hợp hơn với màu sắc và chất liệu căn phòng. Ngoài ra, việc có ít đồ hơn cũng khiến không gian nhà thoáng và dễ chịu hơn.
2. Nói không với miễn phí, đại hạ giá, hoặc “phòng hờ”. Ở Mỹ, tôi thường nghe câu nói đùa: “Mấy bà phụ nữ gốc Á chỉ hay thích đồ miễn phí”. Có lẽ đúng thật! Trước đây, mỗi lần đi hội thảo, hội chợ, siêu thị, tôi hay tích cóp những thứ linh tinh như áo phông quảng cáo, cốc chén, bình uống nước, túi xách… Tại sao? Tại vì chẳng có lý do nào lại không cầm khi người ta dúi vào tay mình những thứ miễn phí, nhỉ? Không, không, và không! Bây giờ, trừ khi những thứ miễn phí có giá trị sử dụng cao và tôi chưa có món đồ đó ở nhà, tôi sẽ nói không với tất cả những người đưa quảng cáo và nói không cả với tiếng nói “xấu xa” trong tôi rằng: “cứ nhận đi, có mất gì đâu!” Mất chứ! Tôi sẽ mất đi một chỗ trong nhà để chứa món đồ “miễn phí”, mất công sức tha lôi đồ về và tìm chỗ cất hợp lý, rồi lại mất thời gian dọn nhà và bỏ nó đi sau này. Tôi không thể nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của việc nói không với những món đồ miễn phí này bởi vì nó có thể “sinh sôi” rất nhanh và làm cho cuộc sống trở nên stress hơn chúng ta nghĩ.
Tôi cũng nói không với đại hạ giá. Ai cũng biết những đợt sale “chỉ trong vòng 7 ngày” hay “xả hàng rẻ nhất trong năm” cùng với những giá tiền .99 đồng chỉ là cách các nhãn hàng muốn lấy tiền trong túi khách, ấy vậy mà mọi người đều vồ vập đến các đợt giảm giá. Tôi cũng từng tốn không biết bao nhiêu thời gian săn đồ hạ giá trên mạng, luôn mua nhiều hơn những thứ mình cần, và luôn có những món không dùng đến (nhưng ngại trả lại). Từ khi sống theo Chủ nghĩa tối giản, tôi luôn viết hoặc đánh dấu tất cả những thứ mình MUỐN mua (mà không phải CẦN mua) vào phần “Ghi chú” (Note) trong điện thoại hoặc trong tài khoản Pinterest. Dù có muốn mua đến thế nào, tôi cũng phải cho vào danh sách đó trước. Nếu 2 ngày, 1 tuần, hay 1 tháng sau tôi vẫn nghĩ đến món đồ đó, tôi sẽ mua. Còn nếu tôi không nghĩ gì hoặc quên hẳn mình đã muốn mua món đồ đó thì tôi sẽ xoá nó đi khỏi danh sách. Điều này cũng khiến tôi tiết kiệm được nhiều tiền và thời gian chạy theo các nhãn hàng.
Cùng với đó, tôi nói không với việc giữ lại những món chỉ để “phòng hờ”, chỉ để “nhỡ đâu” còn dùng được vào việc gì khác. Phần lớn các món phòng hờ này không có giá trị vật chất nhưng do tâm lý “tiếc của” nên thường không muốn bỏ đi. Quy tắc chung của tôi là bất cứ món phòng hờ nào được lưu lại 3 tháng mà không dùng đến thì sẽ phải ra đi. Ví dụ, tháng trước tôi định bỏ đi một cái muôi múc canh còn tốt nhưng kích thước quá lớn, khiến cho tôi luôn chật vật tìm chỗ cất. Nhưng tôi lại lăn tăn vì “nhỡ đâu” tuần sau nấu nồi canh to lại cần, hay “phòng hờ” tương lai có đông khách đến nhà phải cần nấu cho nhiều người. Cuối cùng, tôi bỏ cái muôi vào hộp rồi cất hẳn đi một chỗ khác (cách xa khu bếp). Kết quả sau 3 tháng, tôi vẫn nấu ăn bình thường, vẫn có khách đến nhà chơi, vẫn nấu canh mà không hề cần cái muôi đó. Thậm chí, tôi quên hẳn luôn mình đã từng có nó. Từ đó, quyết định bỏ món đồ đó đi cũng trở nên dễ dàng hơn.
3. Ngừng cho/tặng người khác những thứ họ không cần đến. Khi lưỡng lự về việc bỏ đi một món đồ còn ít nhiều giá trị sử dụng, ta thường nghĩ ngay đến việc chuyển món đồ đó đi cho người thân (ví dụ, “Ôi, món này bỏ đi phí quá, phải cho con em họ chắc nó sẽ thích lắm”) và vỗ về bản thân là mình đang làm ơn cho người khác và không hề phung phí. Nhưng vấn đề là người khác ấy có thực sự cần món đồ đó không? Hay để tối giản cuộc sống của mình mà ta góp phần làm rối lên cuộc sống của người khác? Khi nói không với đồ miễn phí, tôi cũng nói không với việc đem đồ của mình cho/tặng người khác mà không thông qua họ một cách kỹ lưỡng. Khi mua quà tặng mọi người nhân dịp lễ tết hoặc về chơi, tôi cố gắng chọn những món có thể sử dụng hết ngay (ví dụ, kem đánh răng, sữa tắm) hoặc đồ cụ thể những người tôi định tặng đang cần (ví dụ, sách chuyên ngành, thuốc). Đối với mọi người có ý định tặng quà cho tôi, tôi cũng cố gắng gửi thông điệp này, mong được nhận những món có thể sử dụng hết hoặc đồ tôi thực sự cần. Từ khi chia sẻ với mọi người về lối sống mới, tôi và Joe bắt đầu nhận được nhiều hơn những món quà đơn giản mà ý nghĩa, hơn là chỉ thuần vật chất như trước đây. Món quà sinh nhật vừa rồi Joe tặng tôi là một bộ vé đi xem biểu diễn của ca sĩ cả hai đều thích và chúng tôi cùng nhau đi xem 1 tháng sau đó. Đây là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong năm nay của tôi.
4. Hiểu rằng hạnh phúc là ở ngay trong cuộc sống thường nhật. Tôi nghĩ một phần lý do tại sao chúng ta chịu bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc để mua sắm là bởi vì ta thường cảm thấy cuộc sống hàng ngày nhàm chán, cần phải làm gì đó cho vui lên. Với nhiều người, mua sắm, ăn nhà hàng, đi du lịch…, những thứ thường đi kèm với việc tiêu tiền, là niềm vui, thậm chí là niềm vui duy nhất. Khi tôi và Joe chuyển nhà từ Philadelphia sang State College, chúng tôi không ngừng than phiền rằng mình nhớ cuộc sống ở thành phố lớn đến thế nào. Chúng tôi không ngừng nghĩ rằng mình sẽ vui hơn biết bao nếu bây giờ đang ở thành phố lớn, thường xuyên ghé thăm các nhà hàng mới mở, và mua sắm ở những trung tâm thương mại đắt tiền. Đó cũng là lý do tại sao năm đầu tiên ở State College, chúng tôi đi du lịch rất nhiều để thay đổi cuộc sống “bình thường” của mình. Nhưng sự thật là, hạnh phúc luôn ở ngay trong cuộc sống tưởng như buồn tẻ ấy. Từ khi sống theo Chủ nghĩa tối giản, chúng tôi không còn cảm giác muốn đi xa vào mỗi ngày nghỉ nữa, chúng tôi bắt đầu tiết kiệm tiền để dành cho những khoản tiêu có ý nghĩa hoặc những chuyến đi du lịch lớn hơn sau này. Cũng từ khi chọn ở lại State College, chúng tôi nhận ra ở thành phố nhỏ này có rất nhiều điều thú vị mà trước đây chúng tôi chưa từng biết. Ví dụ như vài tháng trước, chúng tôi mới “khám phá” ra một khu công viên cây xanh tuyệt đẹp ở cách nhà chỉ khoảng 15 phút. Đây là khu vực mà ngày ngày chúng tôi đều lái xe qua nhưng chưa bao giờ rẽ vào. Tôi vẫn còn nhớ khi mình đứng trên cây cầu gỗ giữa công viên, dưới chân nước chảy róc rách, bên trên cây xanh xào xạc và chim hót ríu rít, tôi cảm thấy rất hạnh phúc— một niềm hạnh phúc giản đơn, ý nghĩa mà tất cả tiền bạc, váy áo, du lịch trước đây chưa từng mang lại.
5. Tập trung vào những điều có ý nghĩa tích cực. Đây là điều khó nhất để thay đổi nhưng cũng là điều có ảnh hưởng nhất đối với tôi. Có lẽ do lớn lên dưới nền văn hoá Á Đông, tôi từng mất rất nhiều thời gian và tâm sức để lo xem người khác nghĩ gì về mình. Và để làm hài lòng tất cả mọi người, tôi sẵn sàng dành thời gian nghe than vãn hoặc nghe chuyện ngồi lê đôi mách từ những người tôi không quan tâm và chắn chắn cũng không quan tâm mấy đến tôi. Trong khi đó, tôi thường xuyên trì hoãn việc liên lạc với người thân và những người bạn luôn trân trọng tôi vì chính con người và cá tính của tôi. Ai cũng nghĩ là tôi bận. Đúng, tôi rất bận! Tôi bận đến mức 10 phút ngồi thiền để tâm hồn tốt đẹp hơn, suy nghĩ tích cực lên cũng không có, nhưng có thể dành ra hàng giờ đồng hồ để “tiếp thu” những điều hết sức tiêu cực từ người hoàn toàn chỉ sử dụng tôi làm nơi xả stress. Tôi bận đến mức phải vừa ăn cơm vừa viết bài, nhưng có thể bỏ ra hẳn một ngày nghỉ cuối tuần để viết hộ bài cho người khác, chỉ vì tôi ngại không dám từ chối lời nhờ vả. Từ khi sống theo Chủ nghĩa tối giản, tôi bắt đầu suy nghĩ kỹ hơn về những tư duy, con người, và sự việc nào thực sự đem lại ý nghĩa tích cực cho cuộc sống của tôi. Có thể tối giản đi cuộc sống sẽ làm tôi bớt “hoàn hảo” đi trong mắt một số người nhưng quan trọng hơn, nó khiến tôi trở nên hạnh phúc hơn.
Tôi tin rằng sống theo Chủ nghĩa tối giản hay không không quan trọng. Điều quan trọng là ta chọn cho mình một phong cách sống để phát triển bản thân cả về nhân cách và trí tuệ, để tìm được bản ngã của mình, để biết rằng mình đang sống chứ không chỉ đang tồn tại, và để ngày hôm nay sống tốt hơn ngày hôm qua.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Viet Duc Nguyen says
Cám ơn vì những chia sẻ của chị! Em cũng đang thực hành điều này và hy vọng sẽ tiến bộ mỗi ngày. Have a nice day!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc! Em có trải nghiệm gì hay trong quá trình thực hiện chia sẻ lại với chị và mọi người trên blog nhé! 🙂
Nguyen Phuong says
Thanks bạn. Mình tình cờ đọc bài này trong trang blog của bạn và trong khi mình đang cần tư vấn về sắp xếp công việc, gia đình, các mối quan hệ cũng như hoạt động khác. Mong bạn tiếp tục chia sẻ nhé
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc blog! Còn rất nhiều ý tưởng mình định viêtd tiếp về đề tài này. Bạn có thể Like Facebook blog: https://www.facebook.com/PresentWriter/ hoặc subcribe email list của blog: https://thepresentwriter.com/?page_id=143 để nhận được bài mới nhé! Cám ơn bạn nhiều!
Linh Nguyen says
Em rất cảm ơn chị Chi đã chia sẻ nhiều bài viết hay và ý nghĩa như thế này. Em đọc blog của chị cũng lâu lâu rồi nhưng bây giờ mới để lại comment đầu tiên 🙂
Đọc xong blog này em càng có thêm động lực để từ bỏ thói quen mua sắm vô tội vạ vào ngày black friday. Năm nào cũng thế cứ đến đợt này em lại chăm chăm mở mạng để săn đồ. Chưa kể đây còn là khoảng thời gian em rất hay có paper due và kiểm tra cuối kỳ sau đợt nghỉ Thanksgiving. Em cũng đã rất nhiều lần bỏ bê bài vở và bị xao nhãng bởi những món đồ tưởng rẻ nhưng lại ngốn của mình biết bao thời gian quý báu. Hầu hết chỉ có 1/3 những món đồ em order là thấy ưng, còn lại em đều phải return, vừa mất thời gian vừa mất công sức.
Em cũng sẽ thử tìm đọc cuốn sách mà chị nói tới trong bài viết này. Thanks chị Chi lần nữa vì bài viết và mong chờ những bài viết sắp tới của chị 😀
Chi Nguyễn says
Cám ơn Linh! Có gì hay trong quá trình tối giản hoá cuộc sống chia sẻ lại với chị nhé! Chị trước cũng cuồng nhiệt mua sắm Black Friday lắm nhưng từ năm ngoái chỉ mua những món mình định mua từ lâu rồi thôi 🙂
Kiến Lá says
Em cám ơn chị Chi vì những chia sẽ tường tận và bổ ích này. Em biết đến Minimalism qua 1 bài báo khoa học phân tích nguyên nhân dẫn đến sự thành công của nền giáo dục Phần Lan. Theo cảm nhận của riêng em khi du học ở đây, tinh thần Minimalism thấm đẫm trong đời sống và văn hóa nước này luôn chị ạ. Càng tìm hiểu em càng thấy nó hay ho và thú vị. Nay lại vô tình đọc được bài viết của chị. Chắc em phải “triển” ngay thôi hi hi.
Chúc chị sức khỏe và luôn vui! 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã theo dõi blog! Chị vốn rất muốn đi Phần Lan một chuyến vì chị học Giáo dục. Nay lại biết thêm về tinh thần minimalism ở Phần Lan thì lại càng phải đi thôi :D. Mong em ghé blog thường xuyên nhé!
Quyen Nguyen says
Cam on chi! Nhung bai viet cua chi rat hay va y nghia! Rat vui vi em duoc biet blog cua chi
Mạc Tiểu Đình says
Chào chị,
Mình đọc bài của chị thông qua một người bạn chia sẻ link trên Facebook về chủ nghĩa tối giản. Thật sự mình rất thích hai bài là “chủ nghĩa tối giản” và sống theo quy luật 80/20.
Bài viết phía trên mình rất đồng ý về phần “Hiểu rằng hạnh phúc là ở ngay trong cuộc sống thường nhật”, mình có thể tìm thấy niềm vui trong những niềm vui nho nhỏ của cuộc sống. Sáng dậy nghe tiếng chim hót, chạy xe trên đường thấy nụ cười sáng rỡ dưới ánh sáng ban mai của mấy đứa nhỏ kế nhà…. Niềm vui đâu phải tìm đâu xa, nó ở ngay trong những điều nhỏ nhặt của cuộc sống, vấn đề là ta mình có bỏ chút tâm trí để cảm nhận hay đang chỉ xoắn óc nhăn nhó với bao thứ của cuộc sống này …. ^^
Chi Nguyễn says
cám ơn bạn đã đọc và comment trên blog. Mình thích nhận ra những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống như thế, chúng làm mình cảm thấy đáng sống hơn và yêu những gì mình đang có hơn. Mình sẽ viết thêm về chủ đề này
Canh Van Le says
Vừa rồi mình mua thêm 1 ổ cứng ngoài để lưu trữ, mà mua xong thấy cũng không thực sự cần thiết lắm, giờ lại nghĩ thấy tốn tiền rồi 🙁 . Bài viết này vô cùng có ích với mình, cảm ơn Chi Chi nhiều.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã theo dõi blog! Mình cũng có 1 ổ cứng ngoài để lưu dữ liệu nghiên cứu nhưng mình cố gắng chỉ dùng 1 ổ ngoài thôi, ko thêm nữa để có động lực xóa bỏ bớt những file không cần thiết đi 🙂
Võ Ngọc Nam says
Không biết quá muộn hay không nhưng mình nghĩ mình sẽ theo điều này, chủ nghĩa tối giảng, thật sự thì mình biết nó cách đây 1 năm rồi nhưng đến giờ mình mới thật sự thực hành nó, có lẽ đôi khi sống sao cho bản thân hạnh phúc là một điều tuyệt vời hơn việc sống sao cho hoà nhập với xã hội, cám ơn chị đã chia sẻ những bài viết hay như vậy.
Thanh Trâm says
Em cảm ơn chị vì những bài viết của chị trên blog.
Em đã ngừng đọc blog hay các bài viết trên mạng khá lâu vì thấy nội dung của nó bị chung chung và lặp lại quá nhiều.
Em tìm thấy những bài viết quả chỉ sau khi đọc cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” và em cảm thấy tìm được những bài viết của chị là một điều thật tuyệt vời cho em lúc này.
Em muốn đi theo lối sống tối giản nhưng cách sống của tác giả sách khá là khó áp dụng đối với sinh viên và còn là con gái như em. Nhưng khi em tìm thấy được blog của chị em thấy mọi thứ là có thể và những câu chuyện, những kỹ năng mà chị đưa ra thật sự làm ảnh hưởng đến em rất nhiều.
Cảm ơn chị vì đã viết và chia sẻ những điều cần thiết nhất cho mọi người! ^^
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã tìm đến blog vì chủ đề tối giản. Chị có ra một cuốn sách đề tài này mới đây – “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” với nội dung tựa như blog nhưng cô đọng và xuyên suốt thống nhất hơn. Em quan tâm thì đọc thêm nhé. Chị nghĩ là rất hợp cho các bạn đang bắt đầu thực hành lối sống này. <3
Trâm Nguyễn says
Cảm ơn những chia sẻ rất thực tế và hữu ích của chị. Đọc về series Minimalism của chị làm em liên tưởng đến câu chuyện của một người bạn của mẹ em. Một câu chuyện mới nghe tưởng như đùa nhưng hoàn toàn có thật. Cô bạn ấy của mẹ em theo nhiều người nhận xét thì có 1 cách sống “khuôn khổ”. Về trang phục, cô làm công việc văn phòng và rất thích áo dài nên có hẳn 5 bộ để mặc mỗi ngày và cứ mỗi năm cô sẽ may những bộ mới đi đôi với việc bỏ /biếu những bộ không mặc nữa, thêm vào đó là vài ba bộ đồ mặc thường ngày và cho các dịp đặc biệt và những đồ này cũng có chung quy tắc, mỗi năm sẽ mua mới 1-2 bộ và bỏ/biếu bộ cũ không mặc đến, giày dép cũng tương tự. Đối với cô gần như không có khái niệm “nhà kho” như đại bộ phận người Việt đã và đang có, những đồ qua 1 năm không xài đến sẽ được tiễn đi, những đồ hư cũ không sửa được thì ngay sau khi có cái mới cũng sẽ được tiễn đi. Về ăn uống, cô đi chợ và nấu ăn cho 1 tuần rồi chia sẵn khẩu phần và để vào tủ lạnh (trừ rau củ quả thì nấu mỗi 2-3 ngày). Không khái niệm “tủ đông riêng” dành trữ các đồ đông lạnh…Và thế là mỗi dịp Tết đến khi mọi người quay cuồng với dọn dẹp nhà cửa thì cô lại tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Và cô không hề độc thân hay sống một mình, gia đình cô có 4 người và đều sống được cô “rèn” cách sống này. Không biết em có hiểu đúng không nhưng với em, cô bạn của mẹ em có lẽ đã là bậc thầy của lối sống tối giản (vì cô đã sống như vậy cũng chục năm nay rồi). Đằng sau “khuôn khổ” mà mọi người thấy có lẽ là hàng tấn thời gian cô tiết kiệm được để làm nhiều điều hơn cho bản thân cũng như gia đình nhỏ của mình. Và em cũng không nghĩ “tối giản” là khô khan và cứng nhắc, tối giản có thể là chìa khoá đến một cuộc sống ít áp lực hơn, vui vẻ và thoải mái hơn.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều vì đã chia sẻ. Chị nghĩ phong cách của cô giống với “1 in 1 out” tức là cô mua đồ mới 1 món thì cô bỏ đi 1 món (hoặc nhiều hơn). Đây là cách rât hay để duy trì lối sống tối giản, cũng giúp mình hạn chế mua sắm nếu không muốn bỏ món đồ này đi.