Khi nói đến khoảng cách giàu-nghèo, điều đầu tiên hiện ra trong đầu mọi người thường là tiền. Nhiều tiền tức là giàu, ít tiền tức là nghèo. Tuy nhiên, trong thực tế, khác biệt giữa giàu và nghèo phức tạp nhiều hơn thế.
Đầu tiên, khái niệm giàu, nghèo chỉ mang tính tương đối. Ví dụ, một gia đình công chức ở thành phố có thể được xem là giàu so với một gia đình thuần nông ở nông thôn, nhưng lại là nghèo so với mức sống cao ở thành phố; hay một gia đình nông thôn có kinh tế kém hơn gia đình thành phố, nhưng họ lại có đất canh tác, chuồng trại lớn hơn nhiều những gia đình khác cùng thôn… Tất cả so sánh đều chỉ có tính tương đối. Thêm nữa, sự khác biệt lớn nhất giữa giàu và nghèo đôi khi không nằm ở đồng tiền mà ở những-thứ-đồng-tiền-mang-lại một cách gián tiếp như cơ hội, kiến thức, tư tưởng, lối sống…
Trong bài viết này, sử dụng dẫn chứng từ nghiên cứu giáo dục, tôi sẽ phân tích một số điểm khác nhau giữa “con nhà giàu” và “con nhà nghèo”. Bài viết lý giải tại sao quá trình phân hóa giai cấp giàu-nghèo không ngừng tiếp diễn, kể cả khi các cá nhân đã nỗ lực học tập, dùng giáo dục làm công cụ giúp vươn lên trong xã hội. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ đưa ra một số gợi ý nhằm giúp những người có xuất phát điểm thấp vượt lên hoàn cảnh và chính mình để đạt được những điều mong muốn trong cuộc sống.
Mọi trích dẫn đều được bôi đậm kèm theo đường link đến nghiên cứu gốc và tài liệu tham khảo bổ sung.
Con nhà giàu và con nhà nghèo khác nhau ở điểm nào?
Thứ nhất, giàu đồng nghĩa với có thêm nhiều lựa chọn.
Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện sẽ dễ có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức cập nhật hơn, được đầu tư theo học ở những trường tốt hơn, nhiều nguồn lực phục vụ học tập-hướng nghiệp hơn, dẫn đến lại càng có thêm nhiều cơ hội tốt hơn khi trưởng thành.
Trong nghiên cứu đã được xuất bản thành sách “Choosing colleges: How social class and schools structure opportunity” (Chọn trường đại học: cách giai tầng xã hội và trường học cấu thành cơ hội), tác giả Patricia McDonough quan sát và phỏng vấn các nhóm học sinh từ 4 trường phổ thông trong tiểu bang California, Mỹ vào cuối những năm 1990. Nghiên cứu chỉ ra rằng lựa chọn trường đại học của các em có ảnh hưởng lớn bởi bộ máy nhà trường, gia đình, người cố vấn trong nhà trường và hoàn cảnh xã hội. Những em gia đình có điều kiện được định hướng chọn trường đại học từ rất sớm; hệ thống cố vấn hùng mạnh ở những ngôi trường danh giá các em theo học cung cấp nhiều thông tin quý báu, hỗ trợ viết thư giới thiệu, sửa bài luận, kết nối với cựu sinh viên… để tăng thêm cơ hội vào đại học và sự nghiệp tương lai. Ngược lại, những em gia đình kinh tế eo hẹp, cha mẹ ít hiểu biết về giáo dục, lại theo học ở những trường phổ thông đông học sinh, nguồn lực eo hẹp thường gặp rất nhiều thiệt thòi trong việc tìm trường đại học. Lựa chọn được đưa ra cho các em rất ít và hiếm em nào có người chỉ dẫn tận tình từ đầu đến cuối quá trình nộp hồ sơ.
Nghiên cứu tôi thực hiện tại Việt Nam vào năm 2017-2018 cũng có quan sát tương tự. Nhiều em học sinh nông thôn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn chỉ được hướng đến hai lựa chọn: con gái theo học sư phạm, con trai theo học quân sự. Hai lựa chọn này được gia đình cho là tối ưu để tiết kiệm chi phí ăn học và hy vọng ra trường có việc làm ngay. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết về điểm chuẩn, kết cấu nhà trường và cơ hội tuyển sinh, nhiều em trượt nguyện vọng đầu (do không đủ điểm hoặc không đủ yêu cầu nhập học) và phải rất chật vật mới tìm được nguyện vọng thứ hai (do không có sự chuẩn bị tốt). Đó là chưa kể đến những vấn đề nảy sinh do quá trình định hướng bó hẹp trong định kiến về giới hoặc tập trung vào thi cử chứ không phải nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của các em.
Đây là một hiện tượng mà Herbert Simon (1947) khái quát hoá trong khái niệm “bounded rationality” (lý trí bị hạn chế). Bounded rationality hiểu một cách đơn giản là những hành vi lý trí nhưng bị hạn chế bởi thiếu hụt về tư duy, kiến thức trong quá trình đưa ra quyết định.
Bounded rationality refers to behavior that is rational but limited by the cognitive constrains on decision making (McDonald, 1997, p. 10)
Ví dụ, khi đối diện với hàng chục, thậm chí hàng trăm trường đại học tiềm năng, những học sinh có nguồn lực tốt sẽ có điều kiện tìm hiểu kỹ lưỡng từng trường học, từng ngành nghề, nắm được những thông tin bổ ích nhất để chọn cho mình cơ hội hoàn hảo nhất. Còn những học sinh không có đủ kiến thức, nguồn lực sẽ chỉ hạn chế cơ hội và lựa chọn của mình trong khuôn khổ những gì mình thấy trước mắt hay những gì người ta nói cho mình thôi, dẫn đến việc phải chấp nhận những lựa chọn chưa thực sự tốt.
Chính vì tư duy này, “con nhà nghèo” dễ đưa ra những lựa chọn sai lầm, khiến cơ hội học tập và sự nghiệp bị thu hẹp. Do đó, khoảng cách giữa “con nhà giàu” và “con nhà nghèo” tiếp tục tồn tại, thậm chí không ngừng nới rộng thêm.
Thứ hai, giàu giúp sửa sai, làm lại từ đầu dễ dàng hơn.
Ai trong đời cũng không khỏi mắc sai lầm, đặc biệt ở tuổi trẻ. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn ở thanh thiếu niên sinh ra trong gia đình có tiềm lực tài chính lớn và địa vị xã hội cao là họ có thể làm lại từ những sai lầm của mình rất nhanh. Đó là bởi khi họ mắc sai lầm, những người xung quanh thường có đủ hiểu biết để ngăn chặn, khuyên can trước khi sai lầm trở nên quá lớn. Khi họ muốn sửa sai thì có cả hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ cả về tiền bạc lẫn nhân lực, trí lực, mối quan hệ… giúp họ trở lại đường đi đúng đắn. Trong khi đó, đối với thanh thiếu niên ở hoàn cảnh khó khăn, một sai lầm dù nhỏ cũng có thể mang đến hệ quả lâu dài vì không có người chỉ dẫn, tha thứ, dọn đường phía trước để làm lại từ đầu. Giai tầng xã hội thấp cũng dễ dẫn đến hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn, hàng ngày nhìn thấy cái xấu, giao du xã hội hạn chế, tiêu cực… khiến thanh thiếu niên này dễ mắc sai lầm hơn.
Trong một nghiên cứu nổi tiếng kéo dài hơn một thập kỷ (nghiên cứu chính diễn ra từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 1990), Jay MacLeod theo dấu hai nhóm thanh niên nghèo tại Mỹ từ trung học đến khi trưởng thành. Hai nhóm thanh niên đều ở giai tầng xã hội thấp tại Mỹ, đều lớn lên từ những dự án nhà ở hỗ trợ của chính phủ, nhưng họ có cái nhìn khác biệt về tương lai và học tập. Nhóm thứ nhất (“Hallway Hangers”) xem nhẹ việc học, có cái nhìn u ám về tương lai, nghĩ rằng mình sẽ chỉ tốt nghiệp cấp 3 và đi làm một công việc gì đó với thu nhập tối thiểu. Nhóm thứ hai (“Brothers”) đề cao việc học, nghĩ rằng học vấn có thể giúp thoát nghèo; họ có cái nhìn tích cực về tương lai, tin rằng sau khi ra trường có thể xây dựng sự nghiệp tốt với địa vị xã hội cao.
Thật bất ngờ (cho người đọc và có thể cho cả tác giả), kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người trong cả hai nhóm này đều bước vào thời kỳ trưởng thành u ám, không đạt được kỳ vọng về cả sự nghiệp lẫn địa vị như mong muốn; nhiều người sa ngã, tù tội, thậm chí qua đời khi còn trẻ. Một trong nhiều lý do dẫn đến kết cục đáng thất vọng này là vì những thanh thiếu niên ở giai tầng thấp dễ mắc sai lầm khi trưởng thành và một khi đã sa chân mắc sai lầm (dù là rất nhỏ) cũng rất khó quay trở lại con đường đúng đắn để làm lại từ đầu, mà thậm chí còn bị đẩy sâu hơn nữa vào hố đen tiêu cực.
Bởi vậy, một trong những khuyến nghị của MacLeod là thông điệp “giáo dục có thể làm thay đổi vận mệnh con người” cần thay đổi vì thực tế, có rất nhiều yếu tố bên ngoài giáo dục chi phối sự thành công của một cá nhân.
Thứ ba, giàu giúp tự tin, vững vàng hơn.
Trưởng thành từ những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, người trẻ thường tự tin hơn vì họ không phải chịu nhiều áp lực cơm áo, gạo tiền. Họ cũng thường cảm thấy vững vàng hơn vì biết rằng nếu mắc sai lầm dễ có thể (có người giúp) sửa sai và làm lại từ đầu dễ dàng. Điều này giúp cho họ dám nghĩ, dám làm hơn. Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình khá giả thường được giáo dục theo hướng ươm mầm, khuyến khích phát triển tích cực nên sẽ có xu hướng tự tin vào bản thân hơn những đứa trẻ thường xuyên bị chỉ trích hoặc bị gò ép vào khuôn khổ nhất định.
Rất nhiều nghiên cứu ở các quốc gia trên thế giới (ví dụ: Kusserow, 2004; Ladson-Billings, 2006; Willis, 1977) chỉ ra rằng giáo dục từ gia đình tới nhà trường rất khác nhau ở các giai tầng xã hội. Trẻ em và thanh thiếu niên ở tầng lớp xã hội cao hơn thường được giáo dục theo chiều hướng trở thành lãnh đạo (leader). Các em được khuyến khích sáng tạo, cho phép phản biện, tranh luận với những người lớn có quyền uy hơn (authority figures như bố mẹ, thầy cô). Trong khi đó, trẻ em và thanh thiếu niên ở tầng lớp xã hội thấp hơn lại được giáo dục theo chiều hướng trở thành những người theo sau (follower) như phải luôn tuân thủ luật lệ số đông, không khuyến khích phản biện, hạn chế tư duy sáng tạo, độc lập của cá nhân.
Điều này dẫn đến khác biệt lớn trong độ tự tin, tự chủ, tâm thế vững vàng của “con nhà giàu” và “con nhà nghèo”— ảnh hưởng tới quá trình phát triển sau này và những quyết định thay đổi vận mệnh của cả hai nhóm này.
Làm sao để vượt lên hạn chế giai tầng xã hội?
Bạn có thể đang tự hỏi, nếu nhiều nghiên cứu chỉ ra khoảng cách giàu-nghèo không ngừng tiếp diễn như vậy, tại sao lại có những cá nhân xuất phát điểm thấp nhưng thành công, và những cá nhân xuất phát điểm cao nhưng thất bại? Rồi những gia đình giàu có nhưng không đầu tư cho con học hành, tu dưỡng, mà những gia đình nghèo lại chắt chiu mọi thứ cho con có tương lai sáng lạn?
Với vai trò người làm nghiên cứu, tôi có thể lý giải cho bạn rằng tất cả nghiên cứu, dù sâu sắc, chất lượng đến đâu cũng không thể bao quát mọi trường hợp, đặc biệt những trường hợp đặc biệt; phân tích nghiên cứu thường chỉ tập trung vào xu thế chung lớn nhất, bức tranh tổng quát rõ nét nhất về sự vật, hiện tượng trong xã hội thôi. Với vai trò người đọc bình thường, tôi nghĩ rằng những trường hợp đặc biệt— “lội ngược dòng” như vậy là những nhân tố thú vị, đưa lại cho chúng ta niềm tin ở giáo dục, niềm tin và động lực để không ngừng vươn lên, tạo thay đổi tích cực trong xã hội.
Vì thế, kết hợp cả hai vai trò này, tôi có một số lời khuyên cá nhân dưới đây. Hy vọng những lời khuyên này có thể giúp các bạn đang ở hoàn cảnh khó khăn vượt lên hạn chế về xuất phát điểm của mình để thành công:
1/ Hiểu rằng giáo dục đơn lẻ không đủ để đóng lại khoảng cách giàu-nghèo
Có cái nhìn thực tế vào giáo dục, như Jay MacLeod khuyến nghị, sẽ giúp bạn nhìn nhận cuộc sống đúng với giá trị của nó hơn. Là một người làm giáo dục, tôi luôn khuyến khích tất cả thanh thiếu niên tập trung vào học tập, cố gắng vươn lên, học hỏi những điều bổ ích cho mình và cho xã hội… Tuy nhiên, bạn đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào giáo dục, không phải cứ có tấm bằng là ra trường bạn sẽ có công việc ngay và vị trí xã hội của bạn sẽ hoán đổi hoàn toàn. Giáo dục chỉ là một trong nhiều yếu tố để thành công mà thôi.
2/ Đừng chỉ ngồi một chỗ và than phiền về bất công xã hội, hãy hành động!
Hiểu được sự bất công của xã hội và điểm hạn chế của giáo dục là một chuyện, nhưng hành động để tự mình thay đổi vận mệnh là một bước đi khác hẳn. Trong những năm nghiên cứu giáo dục, điều lớn nhất tôi học được là để có thể “thắng” được sự áp đặt từ giai tầng xã hội, bạn phải nỗ lực không ngừng. Càng ở xuất phát điểm thấp, bạn lại càng cần phải học tập và làm việc hơn gấp đôi, gấp ba người khác để đạt được thành công mình mong muốn, đặc biệt trong những năm đầu sự nghiệp.
Điều này có bất công không? Có chứ! Nhưng nếu chỉ ở đó than vãn về sự bất công, chúng ta cũng vô hình chung tiếp tay cho sự bất công đó tiếp tục xảy đến với mình. Mình phải tự cứu mình trước!
Bản thân tôi tự nhận mình có xuất phát điểm tốt hơn nhiều người vì lớn lên trong gia đình bố mẹ là công chức ở thành phố. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình trung lưu không có điều kiện đầu tư học ngoại ngữ với người bản xứ, rèn luyện kỹ năng mềm… từ nhỏ nên sau này tôi cũng gặp thiệt thòi khi phải cạnh tranh với những bạn có điều kiện sống cao hơn. Bởi vậy, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều mới có được ngày hôm nay. Ví dụ, tôi đã phải thử nghiệm nhiều phương pháp, mò mẫm tự tìm đường để “lội ngược dòng” từ 0 điểm phát âm tiếng Anh đại học đến tiến sĩ tại Mỹ:
3/ Tập trung vào những mặt mạnh mà tiền không thể mua được.
Đây là lời khuyên mà mẹ tôi thường nói mỗi khi thấy tôi so sánh bản thân với các bạn “con nhà giàu” khác hoặc khi bị người khác lấy đồng tiền ra coi thường mình.
Thực chất, tiền không mua được cả thế giới.
Có những người dù dát lên người vàng bạc, kim cương, xoè tay ra là cả nắm đô-la nhưng không thể che dấu tính nhỏ mọn, tủn mủn, sự thiếu hiểu biết của mình. Nhiều phẩm chất con người như thần thái, nhân cách, tri thức… không tiền nào mua được. Và dù có “mua” được để giả vờ khoác lên người, bản chất bên trong sớm muộn cũng lộ ra nếu không phải là “hàng thật”. Những ai dùng đồng tiền để coi thường bạn, bạn đừng nên bận tâm tới. Sự dè bỉu này thường cũng xuất phát từ tâm lý bất an của chính họ—những người hàng ngày dùng tiền để che dấu khiếm khuyết do sợ bị người khác coi thường.
Bởi vậy,
Nếu tôi và bạn, chúng ta tìm ra được mặt mạnh nào đó trong mình và đào sâu vào phát triển nó thì chúng ta sẽ có niềm tự hào, tự tôn riêng. Mỗi khi yếu lòng, so sánh mình với người khác hay khi bị người khác coi thường, chúng ta sẽ lấy niềm tự hào đó ra để trân quý và để ngẩng cao đầu, tự tin tiến về phía trước.
4/ Chọn bạn mà chơi
Có câu: “Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn dành nhiều thời gian nhất”, hay “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” ý muốn nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của những người bạn giao du. Như đã phân tích, xuất phát điểm thấp dễ đi kèm với hoàn cảnh sống tiêu cực, những mối quan hệ xấu và khả năng mắc sai lầm cao khi còn trẻ.
Bởi vậy, hãy thực sự dành thời gian để chọn lựa bạn bè, đừng ngại cắt bỏ những mối quan hệ “ung nhọt” khiến mình thụt lùi trong cuộc sống và nên gắn kết với những người mang lại ảnh hưởng tốt, nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống của mình.
Bạn không nhất thiết phải chơi với những người ở giai tầng xã hội cao hơn để vươn lên nhưng nên gắn mình với những người có tâm, có tầm, có tài để dẫn dắt mình vượt qua những giai đoạn khó khăn và soi sáng cho mình khi mình mất phương hướng.
Mỗi khi nghĩ về tình bạn, tôi thường quay lại định nghĩa về bạn bè, đâu là “bạn vì lý do, bạn cho một thời điểm và bạn cả đời”? Xem video dưới đây để hiểu thêm khái niệm này:
—
Đã lâu rồi mới có một bài đúng chất cho hạng mục: “Học từ sách vở và nghiên cứu khoa học“. Hy vọng bài viết này giúp bạn đọc có thêm góc nhìn khoa học về khoảng cách giàu-nghèo, các yếu tố khách quan và chủ quan chi phối, cũng như hướng đi để vượt lên áp đặt của giai tầng xã hội. Tôi cũng mong là bạn và tôi, những người đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, có thể trở thành những “mẫu số đặc biệt” trong nghiên cứu—những người thành công khi lội ngược dòng xu thế chung để thay đổi vận mệnh của chính mình.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Na Nguyễn Thị says
Cảm ơn chị Chi đã mang đến một bài viết súc tích, thấu đáo và mang tính khách quan, tích cực ah!
Quynh Quang Ngo says
As usual, this post is also very thoughtful and well-invested. Just some research questions: each individual is special and unique, so why is it good to classify them into groups and stereos? What are the purposes of those classification efforts – polarized approaches? Thank you. 🙂
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn anh đã đọc bài viết. Anh đặt ra câu hỏi rất thú vị: Tại sao mỗi cá thể đặc biệt mà mình lại phải phân định vào từng nhóm (như giàu nghèo, tầng lớp trung lưu, thượng lưu..) những phân định này có nghĩa gì? Em xin trả lời bằng tiếng Việt để các bạn có thể đọc và thảo luận thêm.
Theo quan điểm của em, sự phân định này trong phạm vi nghiên cứu xã hội học là cần thiết vì nó cho cái nhìn tổng thể vào những vấn đề mang tính hệ thống như bất bình đẳng xã hội, phân biệt chủng tộc, sai lầm trong chính sách giáo dục… Mình có thể kể ra cá nhân này thế này, cá nhân kia thế kia đặc biệt khác với tổng thể nhưng nó là những mảnh ghép đơn lẻ không mang tính đại chúng và thể hiện xu thế chung. Nếu mình chỉ ra được vấn đề chung mà đại đa số người dân gặp phải thì mình có thể kêu gọi cộng đồng đấu tranh hay đòi thay đổi chính sách để giải quyết tận gốc vấn đề này, còn nếu là cá nhân thôi thì tiếng nói rất nhỏ và đơn lẻ, khó có thể tạo ra làn sóng thay đổi lớn.
Em đồng ý là mình không nên biết mọi tranh luận thành “hai cực” và nhiều nghiên cứu hiện nay cũng so sánh 3-4 nhóm hay vì 2 nhóm như truyền thống (ví dụ, thay vì “giàu-nghèo” thì có thể so sánh, tầng lớp thấp- trung lưu – thượng lưu hay thay vì “nông thôn-thành thị” thì có thể so sánh nông thông, ngoại thành, thành thị…). Những phân định này nhiều khi cũng không rõ ràng, mình phải có định nghĩa cụ thể trong nghiên cứu và giải thích tại sao mình quy nhóm này, nhóm kia… như vậy bởi vì thực tế phức tạp và đa chiều hơn nhiều.
Cảm ơn anh đã đặt câu hỏi. Em hy vọng câu trả lời phần nào mở đường cho thảo luận thêm về đề tài này 🙂
Quynh Quang Ngo says
Cảm ơn em vì câu trả lời, Chi nhé. Rất nhiệt tình.
Như vậy, em trả lời từ góc nhìn của người quản lý, quản trị xã hội để chỉ ra sự cần thiết của sự phân nhóm cho việc hiểu được dải phổ chung của xã hội, cái distribution của tập dữ liệu nhiều chiều.
Anh quả thật rất ngưỡng mộ cách em tìm câu trả lời cho mình. Xuất phát từ góc nhìn toàn cảnh xã hội rồi quay về bài học cho cá thể. Anh chỉ hơi chút lăn tăn với lời khuyên về chọn bạn. Thực tế, ngoài câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” thì cũng có ca dao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Thành công hay không do chính bản thân của mỗi con người, không phải lỗi của bố mẹ (giàu, nghèo), không phải lỗi của xã hội, không do ai cả ngoài bản thân.
Anw, anh rất tâm đắc với bài học em nói: just do it, or don’t do it, there is no try. 🙂
Giữ sức khỏe nhé Chichi. 🙂
Đắc Ngân says
Bản thân mình rất tán đồng với vấn đề chọn bạn mà chơi, nhất là trong giai đoạn niên thiếu, giai đoạn chưa trưởng thành. Nếu ta may mắn ở gần những người có tâm sáng, trí sáng thì dần dần sẽ lan tỏa và giúp ta cũng sáng lên, ngược lại nếu ta ở gần những người tiêu cực thì nó cũng ảnh hưởng tiêu cực tới ta (tất nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ, nhưng mình thấy số đông sẽ phát triển theo hướng này). Mà điều nguy hại của tác động của môi trường xung quoanh là nó ngấm dần dần, từ từ mà ta không hay. Nên đến khi nào ta trưởng thành, vững vàng cả thân và trí thì mới đạt tới ” gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn được”. Do vậy, mình nghĩ là tùy vào từng giai đoạn phát triển, trưởng thành của bản thân mà có những lựa chọn cho phù hợp. Mình xin chia sẻ chút suy nghĩ của mình về vấn đề này. Cảm ơn các bạn đã đọc.
bp says
Em cũng đồng tình với ý kiến này. Năm nay em 19 tuổi, và em biết ở độ tuổi này em chưa đủ vững vàng để tiếp xúc với những người bạn có xu hướng tiêu cực mà em vẫn giữ được sự tích cực, nên em lựa chọn sẽ tránh đi. Em cảm thấy rất rõ ràng sự ảnh hưởng của những người xung quanh đối với cuộc sống của mình. Khi em mới bắt đầu đi định cư ở nước ngoài, cuộc sống rất khó khăn và em phải đi làm thêm thì em luôn tự hỏi tại sao em phải làm thêm, tại sao bố mẹ lại không hỗ trợ em và vâng vâng. Em của lúc đó luôn phàn nàn và trách móc từ hoàn cảnh, đến người thân. Nhưng khi em đi làm được một thời gian, tiếp xúc với những chị những bạn đồng nghiệp rất độc lập và tự lập thì em mới dần ra là “à, mình lớn rồi, mình cần phải tự lập và đầu tiên là cần có tư duy tự lập.” Em rất biết ơn vì lúc đó em đã bắt đầu đi làm, gặp được những người bạn, người chị rất chăm chỉ và tử tế. Nếu em chỉ ở nhà và trách móc số phận, và so sánh bản thân với người khác thì em sẽ không có tư duy như thế.
dat nguyen says
rất ý nghĩa ạ <3
Thảo says
Bài viết hay lắm Chi. Bài mở ra được nhiều góc nhìn mới về nhận thức quanh việc giàu nghèo. Chị thích những lời khuyên. Khá thực tế. Chúc em vui khỏe.
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị đã đọc bài viết <3
Chu says
Em chào chị! Bản thân cũng là một người gia đình không mấy khá giả em hiểu được tầng ý nghĩa của bài viết đem lại! Thực ra giàu cũng là một con đường tốt, nhưng cái chủ chốt ở đây là sự ý thức trong việc học tập. Nếu anh có tài mà không tầm thì “vứt”. Nhưng nếu anh có tâm mà không có tầm thì chưa chắc anh đã sống được trong môi trường khắc nghiệt như bây giờ-lời mẹ nói.
Ý kiến của em không dài như cái bài học mà bài blog này đem lại là rất đáng để chiêm nghiệm vào cuộc sống. Đáng tiếc là em đã ra đời sống, ra ngoài xã hội làm việc rồi! Nếu như còn theo chân Bộ giáo dục em sẽ thử, sẽ cố gắng vươn lên cái nghèo mà trông đợi vào đồng lương ít ỏi của cha mẹ.
Chân thành cảm ơn bài blog này của chị! Hi vọng trong tương lai chị sẽ cố gắng làm ra thật nhiều bài blog chất lượng hơn nữa dành đến cho những bạn đọc như em!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đock bài viết. Lời mẹ em nói rất đúng, người thành công phải hội đủ rất nhiều yếu tố và có rất nhiều điều để suy nghĩ về con đường phía trước để mình vừa có tài, có tâm, lại có tầm
Duc Fam says
Dear Chi,
Cảm ơn bài viết rất thực tế của e. Nhưng bài viết có sự đào sâu nghiên cứu cùng nhưng dẫn chứng đầy đủ quả thực có sức thuyết phục rõ ràng.
Duc Fam
Thành says
Cảm ơn chị đã có những bài viết mang tính phân tích thực tại, k lý thuyết. Nhìn nhận ra bản chất của giáo dục và sự thành công. Rất mong chị có nhìu nghiên cứu or bài viết đến cho mọi người.
Thanh Vu says
Bài viết hay quá chị Chi. Em đọc xong cảm thấy thoải mái hơn nhiều và nhẹ nhỏm lắm.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em. Đọc comment của em chị cũng thấy nhẹ nhõm
Giang Phan says
Cảm ơn Chi về bài viết rất hay và thực tế. Khi quan sát những bạn bè xung quanh mình và nhìn nhận bản thân, mình thấy những đúc kết của Chi rất đúng. Ngoài giáo dục còn rất nhiều yếu tố khác chi phối đến sự thành công của một con người, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta ngừng cố gắng vươn lên trong học tập, tích lũy kiến thức.
Ngan Pham says
Gần một năm rưỡi đến hai năm về trước em có theo dõi blog của chị một thời gian, nhưng sau đó thì ngừng xem vì những chủ đề khi đó chưa thực sự nhức nhối và thu hút. Nhưng bài viết này của chị khiến em chính thức quay lại làm fan cứng, vì chủ đề rất thực tế, nội dung kết hợp giữa lý thuyết, nghiên cứu và từ chính trải nghiệm của chị. Em thật sự rất thích chủ đề này và cả series “Học từ sách vở và nghiên cứu khoa học” của chị. Cám ơn chị rất nhiều. Chúc chị một ngày vui vẻ.
Thiên Thuận says
Cảm ơn chị gái 🤩