Không còn gì phải bàn cãi, hai vấn đề thường trực nhất trong đầu mọi người dân hiện nay là: “COVID-19” và “kinh tế”. Mọi người còn chưa dứt nỗi lo dịch bệnh thì đã hoang mang vì khó khăn kinh tế khi ngày càng nhiều cửa hàng, doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, cắt giảm nhân công khiến hàng triệu người đang làm việc chăm chỉ, đàng hoàng thành ra thất nghiệp. Khắp nơi trên thế giới, người dân cầu cứu chính phủ ra chính sách hỗ trợ cho lao động mất việc, ngừng siết nợ các khoản vay của nhà nước, bảo vệ các gia đình khỏi nguy cơ màn trời chiếu đất giữa lúc cần phải ở trong nhà nhất. Nhưng trong khi đợi phương án cứu trợ vĩ mô của chính phủ (có thể phải rất lâu mới thành hiện thực), chúng ta phải làm gì để cứu lấy chính mình và gia đình giữa thời điểm khó khăn này?
Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, chồng tôi—người làm lâu năm trong lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ—thuộc nhóm người đầu tiên mất việc. Tôi còn nhớ như in buổi tối sau khi thống đốc bang hạ lệnh đóng cửa kinh tế, hai vợ chồng ngồi lại trên bàn ăn—mặt bàn trải dài hoá đơn, bảng thuế, chứng từ tài sản, sổ sách…—cố gắng bóc tách từng vấn đề kinh tế trong gia đình và tìm ra con đường để tồn tại với chỉ duy nhất thu nhập của tôi. Đó là một buổi tối căng thẳng, lo âu, với nhiều câu hỏi chưa lời giải đáp.
Ngày hôm nay, gần 6 tháng sau buổi tối lo âu ấy, tôi vui khi được thông báo rằng kinh tế gia đình tôi vẫn ổn định, thậm chí phát triển tốt hơn thời kỳ trước khi dịch bệnh nổ ra. Chồng tôi vẫn chưa đi làm trở lại, con nhỏ vẫn ở nhà, tôi vẫn làm việc từ xa. Nhìn qua cuộc sống của chúng tôi không có gì khác, nhưng từ bên trong, chúng tôi đã nỗ lực học hỏi và thay đổi rất nhiều để đáp ứng với tình hình kinh tế mới. Nói cách khác, COVID-19 đã dạy cho chúng tôi rất nhiều bài học quý báu về tài chính cá nhân để vượt qua và phát triển tốt hơn trong giai đoạn khó khăn lịch sử này.
Dưới đây là 7 bài học lớn nhất:
7 Bài Học Về Tài Chính Cá Nhân Từ COVID-19
1. Luôn dự phòng cho tình huống xấu nhất
Bài học nhất từ COVID-19 có lẽ là: Ở đời, không có gì là chắc chắn. Bạn có thể đang làm một công việc ổn định, kiếm ra tiền, có cơ hội thăng tiến nhưng không có nghĩa là điều này sẽ là mãi mãi; chỉ một cú sốc về kinh tế, một sai phạm trong công việc, hay một thay đổi lãnh đạo thôi, bạn cũng có thể mất tất cả. Vì vậy, luôn luôn, luôn luôn phải dự phòng cho tình huống xấu nhất.
Dù bạn còn độc thân hay đã có gia đình, phải bằng mọi giá tiết kiệm cho mình một quỹ khẩn cấp (ít nhất 10 triệu VNĐ cho tới 3-6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản) để khi gặp khó khăn không lâm vào cảnh nợ nần, đói kém, vô gia cư. Luôn sống dưới mức thu nhập để có khoản dôi dư cho vào tiết kiệm, trả nợ, đầu tư. Cố gắng có ít nhất 1 việc làm thêm để nếu việc làm chính mất đi thì vẫn có thể tồn tại được bằng nguồn thu khác. Đọc thêm bí quyết tiết kiệm tiền trong “Đặt Cho Mỗi Đồng Tiền Tiết Kiệm Một Mục Đích“.
Mặc dù COVID-19 khiến gia đình tôi mất đi một nguồn kinh tế nhưng vì chúng tôi vốn có thói quen chỉ sống với 30-50% thu nhập (tiết kiệm ở mức 50-70%/tháng) nên không quá khó khăn để cân bằng chi tiêu hàng ngày. Ngoài ra, vì chúng tôi luôn duy trì một tài khoản tiết kiệm với ít nhất $1,000 (theo chuyên gia tài chính Dave Ramsey) nên luôn cảm thấy an tâm là nếu rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì cũng không đến nỗi túng quẫn. Rất may là 6 tháng qua chúng tôi chưa phải đụng vào khoản khẩn cấp này!
2. Quản lý chi tiêu là tối quan trọng
Quản lý chi tiêu (budgeting) là tối quan trọng trong mọi hoàn cảnh, nhưng đặc biệt cần thiết trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Nếu bạn không biết từng đồng tiền mình kiếm được đã và đang “đi đâu về đâu” thì rất khó có thể hoạch định cho tương lai khi đối diện với thâm hụt kinh tế lớn.
Theo quan điểm của tôi, quản lý chi tiêu bằng “zero-based budget” (thu – chi = 0) là phương pháp đơn giản và tối ưu nhất. Vợ chồng tôi đã theo đuổi phương pháp này được gần 4 năm nay và nó thực sự đã thay đổi đời sống tài chính của gia đình tôi hoàn toàn. Đọc thêm về zero-based budget tại đây.
3. Hạn chế tối đa tất cả các loại nợ nần
Đúng vậy. Ý tôi là tất cả các loại nợ nần, bao gồm nợ bạn bè-người thân, nợ ngân hàng, nợ kinh doanh, nợ tín dụng, và cả mua nhà, mua xe trả góp. Tất cả, tất cả các loại nợ nần cần hạn chế tới mức tối đa nhất có thể và trả dứt điểm càng sớm càng tốt.
Mỗi lần tôi đề cập đến đề tài trả nợ là y như rằng một ai đó sẽ comment: “Nhưng mấy đại gia toàn vay tiền kinh doanh để tiền đẻ ra thêm tiền”, hay “Ai mà không vay tiền để mua nhà cơ chứ”, hoặc “Nếu vay người thân không tính lãi thì không sao”… Tôi hy vọng là mọi người đã học được bài học xương máu qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế này.
Sở dĩ COVID-19 khiến các doanh nghiệp nhỏ điêu đứng và khiến nhiều người đứng trước nguy cơ mất nhà, gia đình tan đàn xẻ nghé là vì mọi người nợ tiền quá nhiều hơn mức mình có thể chi trả. Nếu kinh tế đi lên bình thường, vay cái này đập vào cái kia mà có tiền luân chuyển trả nợ lãi thì không sao; còn nếu có biến động về thị trường, đau ốm, mất việc, đồng tiền không luân chuyển được thì sẽ vô cùng, vô cùng bế tắc.
Ngay hàng xóm kế nhà tôi, hai vợ chồng lương tháng cộng lại khá cao khoảng $10,000 nhưng tiền trả góp nhà cộng với các khoản thuế đã lên tới $6,000 (tức là 60% thu nhập, trong khi các chuyên gia tài chính luôn khuyên tiền nhà chỉ nên ở mức 20-24% thu nhập sau thuế). Ngay khi người vợ mất việc vì COVID-19, cả nhà điêu đứng vì lương của chồng thôi không thể cáng đáng nổi tiền nhà, chứ đừng nói là sinh hoạt phí. Họ đã phải ngừng đóng tiền nhà 4 tháng nay và ngày nào cũng khóc vì lo bị mất nhà khi ngân hàng đến siết nợ. Rất may là tiến trình eviction (đuổi khỏi nhà) ở Mỹ hiện đang tạm ngừng và có một số hỗ trợ trả tiền nhà cho những người bị mất việc nên hàng xóm của tôi vẫn chưa tới mức phải ra đường. Nhưng chỉ cần các chính sách này hết hạn thôi là họ sẽ mất gần như tất cả.
Bởi vậy tránh xa nợ nần hoặc hạn chế tối đa vay nợ và trả ngay khi có thể là cách duy nhất để “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm với cuộc sống của mình. Đọc thêm về hai phương pháp trả nợ tốt nhất tại đây.
4. Đầu tư vào thị trường chứng khoán lâu dài là cách tốt nhất để tạo thu nhập thụ động
Trái với suy nghĩ của mọi người là thị trường chứng khoán rủi ro rất lớn (đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay), tôi có trải nghiệm hoàn toàn khác với hình thức đầu tư lâu dài, ổn định qua index fund (quỹ đầu tư theo chỉ số). Khi COVID-19 bùng nổ, thị trường lao dốc rất nhanh khiến mọi người hoảng hốt bán cổ phiếu, rút tiền; bản thân portfolio của tôi cũng từng mất $2,000 chỉ trong vòng một ngày. Tuy nhiên, vì phương pháp đầu tư của tôi hướng tới lâu dài, tập trung vào index fund, nên tôi tiếp tục đầu tư đều đặn suốt thời gian qua. Cho tới nay, portfolio của tôi không những đã phục hồi mà còn tăng 38% so với thời điểm trước COVID-19.
Sau nhiều năm đọc sách, tập đầu tư, và nghiên cứu thị trường Mỹ và quốc tế, tôi vẫn tin tưởng rằng đầu tư chứng khoán lâu dài là cách tối ưu nhất để tạo thu nhập thụ động—tức là khi bạn không làm gì cả thì tiền vẫn tiếp tục “làm việc” để đẻ ra thêm tiền. Tất nhiên, đầu tư vào bất cứ đâu thì cũng có rủi ro (kể cả bạn không đầu tư gì, giấu tiền dưới gối thì cũng có rủi ro lạm phát) nhưng đầu tư chứng khoán vẫn được xem là một trong những hình thức đầu tư tốt nhất ở xã hội hiện đại.
*Index Fund: Trái với hình thức chọn và đầu tư vào từng cổ phiếu nhỏ lẻ (như chúng ta thường thấy các nhân vật ở Wall Street gào rú trước hàng chục màn hình máy tính xanh đỏ như trong phim Mỹ), index fund là tổng hợp rất nhiều cổ phiếu, trái phiếu khác nhau với portfolio được xây dựng dựa theo xu hướng chỉ số (index) của thị trường. Vì là tổng hợp nhiều loại cổ phiếu, người đầu tư không mất thời gian và trí lực để nghiên cứu và chọn từng loại cổ phiếu một và cũng không quá bị ảnh hưởng bởi thị trường lên xuống và sa sút của công ty mình chọn đầu tư. Việt Nam cũng đã có hình thức đầu tư tương tự như index fund thông qua quỹ ETF (Exchange Traded Fund), theo VNEconomy.
5. Rất cần mở kênh kiếm tiền độc lập, có yếu tố online
COVID-19 có lẽ đã dạy cho rất nhiều doanh nghiệp cũng như người lao động tầm quan trọng của online business.
Đối với doanh nghiệp, kể cả khi làm ăn phát đạt vẫn cần phải có website (hoặc ít nhất listing trên Google) và tài khoản trên mạng qua Facebook, Instagram, Yelp… để khách hàng có thể tìm thấy mình dễ dàng trên mạng và order online khi không thể trực tiếp đến mua hàng.
Đối với người lao động, việc phụ thuộc vào một công việc duy nhất, cố định, giờ giấc công sở bình thường đã không còn mang tính an toàn tuyệt đối nữa. Thời buổi này, nếu muốn thực sự đa dạng hoá thu nhập, online business là kênh kiếm tiền độc lập rất tốt cho những người năng động. Online business có thể dưới nhiều hình thức như bán hàng qua Facebook, Instagram, Shopee; dạy học qua Zoom; làm Blog/YouTube…
6. Tận dụng triệt để các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của chính phủ
Đối diện với một khủng hoảng lớn cả về sức khoẻ cộng đồng lẫn kinh tế quốc gia như COVID-19, chính phủ nào cũng có chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân như: phát tiền trợ cấp toàn xã hội (Mỹ, Canada), tăng tiền trợ cấp thất nghiệp (Mỹ, các nước Châu Âu), và giảm lãi suất ngân hàng (rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam). Những thông tin chính sách này luôn được đăng công khai trên các phương tiện đại chúng. Nhiệm vụ của chúng ta là cập nhật thông tin chuẩn xác và nhanh chóng tìm cách tận dụng triệt để các chính sách này để mang lại nguồn lợi kinh tế quý báu cho mình trong giai đoạn khó khăn.
Ví dụ như, lãi suất ngân hàng giảm thì ta nên làm gì đối với các khoản vay và tiết kiệm của mình? Đột ngột thất nghiệp thì phải làm gì để lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp? Làm sao để nhận được tiền trợ cấp xã hội?… Những câu hỏi tương tự như thế này ta cần đặt ra cho mình ngay lập tức và tìm lời giải đáp cũng như hướng hành động sớm nhất để tận dụng thời điểm vàng với chính sách ưu đãi.
Vào thời điểm chồng tôi buộc phải nghỉ làm vì COVID-19, tôi lên mạng hàng ngày để đọc thông tin sức khoẻ, chính trị, và kinh tế Mỹ Là người học chuyên về chính sách công, tôi biết chắc chính phủ phải làm gì đó khẩn cấp để ổn định nền kinh tế. Vì thế, khi tiểu bang tôi ra chính sách hỗ trợ thất nghiệp cho những người mất việc vì COVID-19, tôi nắm được thông tin qua Twitter chỉ trong vòng vài giờ sau thông báo và nhắn cho chồng tôi làm hồ sơ. Rất may là chồng tôi thao tác nhanh và gửi hồ sơ ngay ngày hôm đó; bởi vì chỉ đến ngày hôm sau là trang chủ của tiểu bang đã “sập” vì có quá nhiều người đăng ký. Cũng nhờ hồ sơ gửi sớm tại tiểu bang, chồng tôi tiếp tục nhận được tiền hỗ trợ của liên bang, khiến cho thu nhập sau thất nghiệp bình quân còn cao hơn khi anh ấy còn đi làm (!).
Rất nhiều người tôi biết hoặc không để ý đến thông tin hoặc có biết thông tin nhưng chần chừ làm hồ sơ khiến cho thất thoát cơ hội, tiền bạc không đáng có; đến khi không chịu được nữa mới nhờ vả khắp nơi để gửi hồ sơ thì đã muộn và bị trì hoãn rất nhiều. Bởi vậy, trong thời điểm khó khăn, rất cần phải nắm thông tin chính sách ưu đãi và hành động sớm để tận dụng cơ hội.
7. Cách duy nhất để hoàn toàn yên tâm về tiền bạc là Độc lập tài chính
Cuối cùng, COVID-19 làm cho tôi nhận ra rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của Độc lập tài chính (FI: Financial Independence). Khi và chỉ khi ta có được một lượng tiền tiết kiệm và đầu tư đủ để sống cả quãng đời còn lại mà không phải lo nghĩ (được tính bởi 25 lần chi phí sinh hoạt hàng năm theo quy tắc 4%) thì ta mới hoàn toàn yên tâm về tiền bạc. Đọc thêm về chủ đề này qua series bài viết về Trào lưu FIRE (Financial Independence, Retire Early).
Tôi biết đến FIRE từ lâu nhưng chưa từng chia sẻ trên blog, cũng như nghĩ rằng mình sẽ bắt đầu FIRE ở tuổi 30. Phải đến khi COVID-19 xảy ra, tôi mới thay đổi nhận thức của mình và quyết tâm thực hiện FI/FIRE. Tôi cũng hy vọng bạn đọc được truyền cảm hứng thực hiện FI/FIRE qua bài viết trên blog và qua thực tế kinh tế-tài chính giữa thời COVID-19.
Trước khi kết bài, tôi muốn gửi lời cảm thông sâu sắc tới tất cả những ai mất việc làm, giảm thu nhập, hoặc đang chật vật trong quá trình tìm việc vì COVID-19. Bản thân chồng tôi và nhiều người thân thiết với tôi trong gia đình, trong nhóm bạn đều đang trải qua giai đoạn này, nên hơn ai hết, tôi hiểu nỗi vất vả và mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần của mọi người.
Nếu bạn cũng đang ở trong hoàn cảnh này, tôi muốn gửi một cái ôm qua mạng (virtual hug) đến bạn. Và tôi cũng muốn nhắn nhủ với bạn rằng: Biết đâu, khó khăn này lại là một tấm vé vàng để mở ra một cơ hội mới. Biết đâu, qua sự kiện lịch sử này, cũng như tôi, bạn học được bài học về tài chính cá nhân, về online business, về đầu tư chứng khoán, về sự năng động-sáng tạo cần có cho công việc lâu dài. Và biết đâu, cơ hội lớn hơn, tốt hơn đang chờ bạn ở phía cuối đường hầm, nếu ta kiên trì bước tiếp.
Tôi tin rằng những điều tốt đẹp còn ở phía trước, cho tất cả chúng ta.
The best is yet to come, for me, for you, and for everyone!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Diu Dinh Duong says
Cảm ơn chị Chi nhiều ạ!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết 🙂
Phong thanh thai says
Em biết ơn chị nhiều!
Em theo dõi từ kênh youtube về cách học từ vựng và lần mò tới web này!
Em học đc nhiều điều về cách học tiếng anh; quản lý tài chính, cách tối giản cho cuộc sống đơn giản và bình an!
Em cảm ơn những bài viết của chị! Chị đã trải nghiệm và đúc kết thành bài học và chia sẽ thông qua các bài viết rất giá trị!
Em chúc chị vui, khoẻ, và ngày càng lan toả những điều tốt đẹp tới những người muốn phát triển hoàn thiện bản thân!
I would appreciate your sharings!
Chi Nguyễn says
Chào mừng em tới với blog của chị! Chị rất vui vì qua YouTube có thể kết nối được với bạn đọc mới. <3
Trang Pham says
Cảm ơn Chi nhiều, đọc các bài viết của Chí cảm thấy mở mang hơn. Nếu được mong Chi có 1 bài viết về hình thức đầu tư chứng khoán lâu dài.
Mình cảm ơn Chi nhiều. Chúc gia đình bạn luôn mạnh khỏe 🙂
Nam Nguyễn says
Em cám ơn bài viết của chị ạ! Chị có thể viết 1 bài về đầu tư chứng khoán lâu dài và các tài liệu để người mới bắt đầu có thể tham khảo và thực hiện được không ạ?
Nam Nguyen says
Em cám ơn bài viết của chị ạ. Chị có thể viết 1 bài về đầu tư chứng khoán dài hạn và các tài liệu dành cho người mới tham khảo được không ạ?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Chị sẽ cân nhắc viết về đầu tư vì kiến thức của chị tập trung vào thị trường Mỹ mà đa số bạn đọc lại ở Việt Nam nên chị sẽ phải làm thêm nghiên cứu để so sánh hai thị trường.
Lita says
Cám ơn Chị Chi đã chia sẻ con đường một cách đơn giản và gần gũi 🙂
Ninh Xuan says
Cảm ơn chị Chi về bài viết. Bài viết rất hay, dễ hiểu và hữu ích.
Nhung Tran says
Cám ơn bạn nhiều về bài viết.
Phạm Tuấn Đức says
Cám ơn bài chia sẻ cực kỳ thiết yếu của em cho cuộc sống.
hienmv says
Cảm ơn chị Chi nhiều ạ.
Bài viết nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc ạ.
Jade says
Cảm ơn chị về bài viết, best things for you family!
Hoang says
Mình may mắn khi công việc không bị ảnh hưởng bơi Covid nhưng đọc bài viết của bạn thực sự hiểu ra nhiều điều. Cảm ơn bạn và rất mong chờ những bài viết tiếp theo!
Thân!
Trà Mi says
Cảm ơn Chị Chi về bài viết hay, dễ hiểu và gắn với thực tế hiện nay ạ! Chúc chị và gia đình 1 ngày an yên ạ!! <3