Ngày nay, càng ngày càng có nhiều công cụ hiện đại giúp cho việc học và sử dụng tiếng Anh được dễ dàng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá nhiều lựa chọn cũng khiến người học bối rối khi đưa ra quyết định và tốn nhiều thời gian thử nghiệm trước khi tìm được công cụ phù hợp với mình.
Bởi vậy, trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu tới bạn đọc những công cụ học tiếng Anh hữu ích mà bản thân tôi đã và đang sử dụng để hoàn thiện hơn khả năng tiếng Anh của mình.
Đúng vậy, sau hơn 20 năm học tiếng Anh, trong đó có gần 10 năm sống ở nước ngoài, và từng lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Mỹ, tôi vẫn cố gắng tiếp tục trau dồi và phát huy hơn khả năng ngoại ngữ của mình.
Một số công cụ tôi giới thiệu dưới đây không chỉ được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng những người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai (như chúng ta!) mà còn được dùng bởi người coi tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ; thậm chí nhiều giảng viên-giáo sư người Mỹ mà tôi biết cũng sử dụng những công cụ này hàng ngày để trau chuốt hơn ngôn ngữ của mình.
Vậy hãy cùng cập nhật những công cụ học tiếng Anh hữu ích này:
Grammarly*
Grammarly là ứng dụng sửa lỗi sai văn bản vô cùng tiện ích mà tôi đang sử dụng hàng ngày. Grammarly cho phép người dùng đánh máy ngay trên ứng dụng, copy/upload bài viết lên website, hoặc cài phần mở rộng lên Google Chrome browser (Chrome expension) để nhặt lỗi ngay khi người dùng đang đánh máy. Như vậy, bạn có thể rà soát lỗi tiếng Anh ngay khi đang viết email, viết bài luận, thảo hợp đồng… rất tiện lợi.
Cái hay nhất của Grammarly là nó không những chỉ ra lỗi sai mà còn giải thích cho người dùng biết tại sao nên sửa lỗi này. Qua đó, người dùng học được thêm về ngữ pháp, câu cú, và cách dùng từ tiếng Anh để tự nâng cao trình độ.
Grammarly hoàn toàn miễn phí nhưng nếu cần thêm trợ giúp, người dùng có thể upgrade lên phiên bản trả phí nếu muốn nhặt ra những lỗi nhỏ kỹ hơn, đưa ra giải thích cặn kẽ hơn. Bạn có thể đăng ký sử dụng Grammarly tại đây.
ELSA SPEAK*
ELSA là ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh toàn diện nhất mà tôi biết hiện nay. ELSA sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói để thu âm giọng nói của bạn, đưa ra phản hồi tức thì về những lỗi sai và hướng dẫn chỉnh sửa lại theo chuẩn bản xứ tới từng âm tiết. ELSA đánh giá trình độ đầu vào và đưa ra chương trình học, luyện tập hàng ngày phù hợp với trình độ của bạn. Mới đây, ELSA còn có bài test cho điểm số dự đoán phần IELTS Speaking, hỗ trợ rất tốt cho những bạn dự định thi IELTS.
Gần đây, ELSA mới nhận được đầu tư hơn 7 triệu đô USD từ Gradient Ventures – quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào trí tuệ nhân tạo của Google. Bởi vậy, chắc chắn ứng dụng này còn tiếp tục được cải tiến và phát triển tốt hơn nữa trong tương lai.
ELSA có bản miễn phí tương đối tốt cho người dùng test trình độ, sử dụng từ điển giọng nói, và một số bài luyện tập cơ bản. Tuy nhiên, nếu bạn muốn mở khoá tất cả bài học thì cần mua bản pro với đầy đủ tính năng hơn.
Tìm hiểu thêm về ELSA tại đây (nhập mã “thepresentwriter” ở phần thanh toán để được giảm giá 10%)
Magoosh*
Magoosh là nền tảng ôn luyện các kỳ thi tiếng Anh chuẩn hoá như GRE, GMAT, TOEFL, SAT, ATC… Trong quá trình nộp hồ sơ cao học tại Mỹ, kỳ thi GRE thực sự là nỗi ác mộng với tôi; nhưng may nhờ một người chị giới thiệu tôi mới biết đến Magoosh. Đây là một nền tảng học trực tuyến rất hiện đại, dễ sử dụng, bám sát với đề thi gốc; người dùng có thể làm bài luyện tập ngay trên ứng dụng hoặc tải về làm trên giấy. Ngoài ra, đội ngũ Magoosh còn thường xuyên cập nhật thay đổi của các kỳ thi, giúp cho các bài tập và bài thi thử sát nhất với thực tế.
Magoosh là giải pháp hoàn hảo cho những ai cần thời gian học thoái mái, tự ôn luyện tại nhà thay vì đến các trung tâm, nhóm học. Nhìn lại quá trình học và thi GRE, tiếc nuối lớn nhất của tôi là không bắt đầu với Magoosh sớm hơn và không sử dụng hết các nguồn tài nguyên của nền tảng này.
Bạn có thể tham khảo tất cả các chương trình của Magoosh tại đây và cụ thể hơn chương trình GRE tại đây.
MochiMochi
MochiMochi là ứng dụng học từ vựng tiếng Anh cơ bản với nhiều chủ điểm như Tiếng Anh văn phòng, Tiếng Anh phổ thông trung học, Tiếng Anh du lịch, Tiếng Anh IELTS… Điểm đặc biệt nhất của app này là được xây dựng theo phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại cách quãng) đã được khoa học chứng minh là tốt cho trí nhớ. Ngoài ra, thiết kế app dễ thương, cổ vũ người dùng đăng nhập sử dụng app để học tiếng Anh. Xem giới thiệu về phương pháp và demo sử dụng app của tôi tại đây
App có bản miễn phí cho phép người dùng học từ vựng ở những bài đầu tiên trong mỗi chủ điểm (rất tốt cho người mới bắt đầu và muốn thử nghiệm phương pháp). Nếu bạn muốn học tất cả các khoá học với tất cả các từ vựng thì cần upgrade lên bản trả phí tại đây (link giảm giá 30%).
Blinkist*
Blinkist là ứng dụng sách nói tiếng Anh dạng rút gọn, cung cấp cho bạn những kiến thức cô đọng nhất của một cuốn sách chỉ trong khoảng 15 phút. Bạn cũng có thể vừa nghe, vừa đọc phần tóm tắt của Blinkist để tăng cường cả hai kỹ năng: nghe và đọc, đồng thời bổ sung kiến thức cho mình. Ngoài sách, Blinkist còn có một số nội dung audio, podcast bổ ích khác.
Blinkist cho bản thử nghiệm miễn phí 7 ngày và bản trả phí cho người dùng lâu dài. Tìm hiểu Blinkist tại đây(link giảm giá 20%).
Audible*
Một trong những cách luyện kỹ năng nghe tiếng Anh tốt nhất là qua sách nói (audio book) bởi vì bạn không chỉ được nghe giọng tiếng Anh chuẩn mà còn được tiếp nhận thông tin, kiến thức thú vị từ cuốn sách mình yêu thích.
Tôi thường nghe sách nói qua Audible. Audible là nền tảng sách nói hùng hậu của Amazon, nơi bạn có thể chọn nghe trong hàng ngàn đầu sách mới nhất và nổi tiếng nhất. Với Audible app trên điện thoại, bạn còn có thể chỉnh tốc độ nói nhanh, chậm theo ý mình và ghi chú khi nghe; chất lượng đọc của Audible cũng rất tốt, thậm chí có nhiều cuốn được đọc bởi chính tác giả—điều mà các ứng dụng sách nói khác chưa làm được.
Một số cuốn sách nói yêu thích nhất của tôi trên Audible là: Lean In (Sheryl Sandberg) về phụ nữ và sự nghiệp, The 4-Hour Workweek (Tim Ferriss) về tối ưu hoá công năng làm việc, và Bringing up Bébé (Pamela Druckerman) về nuôi dạy em bé kiểu Pháp.
Amazon Kindle*
Cùng với sách nói, không thể không nhắc đến kho sách điện tử (digital book) của Amazon Kindle—một nơi không thể thiếu cho những người mê đọc sách tiếng Anh. Lợi thế lớn nhất của việc đọc sách điện tử là bạn có thể tra cứu từ mới rất nhanh ngay trên máy/ứng dụng và vì thế, dễ tập trung đọc hơn và nâng cao trình độ đọc nhanh hơn.
Đặc biệt, bạn không cần có máy đọc sách Kindle của Amazon để đọc sách điện tử mà có thể đọc qua Kindle app trên điện thoại, máy tính, hoặc máy tính bảng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trải nghiệm máy đọc sách Kindle thì có hai loại phổ biến và dễ dùng nhất là Kindle (classic) và Kindle Paperwhite.
Một số cuốn sách hay tôi từng đọc trên Kindle là The Total Money Makeover (Dave Ramsey)—từng được review tại đây, Big Magic (Elizabeth Gilbert), và Quiet (Susan Cain) —cũng từng được review tại đây.
The Five Minute Journal*
Một cách tuyệt vời để vừa luyện kỹ năng viết tiếng Anh và vừa tiếp nhận nguồn năng lượng tích cực là sử dụng The Five Minute Journal. Cuốn journal này có cả dạng sổ giấy và app điện thoại.
Tôi đã sử dụng The Five Minute Journal được hơn 4 năm nay và từng giới thiệu nó nhiều lần tới bạn đọc (đọc thêm về journaling tại đây). Cuốn sổ này bắt đầu mỗi ngày bằng một quote tiếng Anh ý nghĩa tích cực và truyền cảm hứng, kèm theo đó là một số câu hỏi để bạn viết trả lời khi bắt đầu ngày mới và tổng kết vào cuối ngày. Đây là một công cụ rất hiệu quả để luyện tập thói quen viết tiếng Anh ngắn, súc tích, đều đặn mỗi ngày và viết chú trọng vào những điều tích cực, những bài học cuộc sống hàng ngày.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về cuốn journal này tại đây. Journal này cũng có phiên bản app điện thoại.
Medium
Vừa được đọc, được viết tiếng Anh, lại còn kiếm được tiền? Medium—nền tảng xuất bản mở—cho phép bạn có thể làm cả ba điều trên cùng một lúc.
Medium mở cho tất cả mọi người viết và xuất bản bằng mọi ngôn ngữ (nhưng chủ yếu tiếng Anh) và Medium trả tiền “nhuận bút” cho bạn dựa vào thời lượng đọc bài của thành viên Medium. Bài viết của bạn càng chất lượng cao thì càng nhiều người vào đọc và đọc kỹ hơn, từ đó bạn có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn. Bạn không cần phải là thành viên của Medium để kiếm tiền nhuận bút nhưng nếu bạn muốn đọc nhiều hơn 3 bài viết/tháng trên Medium thì phải trả chi phí nhỏ là $5/tháng hoặc $50/năm. Các bài viết tiếng Anh xuất bản trên Medium và được Medium chọn phân phối (curate) đến bạn đọc có chất lượng tốt, dễ đọc, thiết kế tối giản, ưa nhìn. Đây thực sự là một nền tảng tuyệt vời cho những ai muốn luyện đọc và luyện viết bằng tiếng Anh, đồng thời kiếm thêm tiền từ viết lách.
Lưu ý nhỏ là vì Medium trả tiền qua Stripe—một ứng dụng hiện mới chỉ có ở 31 quốc gia, không bao gồm Việt Nam—nên nếu ai ở Việt Nam muốn nhận tiền nhuận bút từ Medium có thể phải nhờ tài khoản của người thân ở nước ngoài để nhận khoản nhuận bút này.
Thesaurus
Thesaurus là trang từ điển đồng nghĩa-trái nghĩa online đã có từ lâu và rất uy tín trong giới viết học thuật. Đối với người dùng tiếng Anh, cả người mới học lẫn người đã sử dụng thành thạo, việc tra loại từ điển này khi viết giúp việc sử dụng từ ngữ (đặc biệt tính từ) được linh hoạt hơn, tránh lặp đi lặp lại. Đây là một công cụ hữu ích cho tất cả những ai đang học và sử dụng tiếng Anh, đặc biệt những người cần thông dịch tiếng Anh hàng ngày.
Collocation dictionary
Kèm với từ điển đồng nghĩa-trái nghĩa, Collocation là loại từ điển thứ hai mà tôi không thể thiếu khi viết tiếng Anh. Nói nôm na, Collocation dictionary được dùng để tra một từ hay đi kèm với loại từ nào khác (ví dụ danh từ này đi với động từ kia, động từ này đi với trạng từ kia). Sử dụng Collocation tốt giúp việc viết bài tiếng Anh được mềm mại hơn và “bản ngữ” hơn nhiều.
Hồi mới học tiếng Anh, đi đâu tôi cũng kè kè quyển từ điển Collocation to đùng trong cặp sách. Nhưng rất may ngày nay đã có app điện thoại để tra cứu dễ dàng. Hai app tôi từng sử dụng là English Collocation Dictionary (miễn phí, cơ bản) và Oxford Collocations Dictionary (có tính phí, chi tiết, nhiều ví dụ hơn).
Podcast
Podcast còn tương đối mới lạ với người dùng Việt Nam nhưng nếu bạn muốn luyện kỹ năng nghe kỹ, hiểu sâu tiếng Anh, đây thực sự là “mỏ vàng” của bạn. Podcast là một loại hình phát thanh như radio, có thể nghe trên nhiều ứng dụng như Podcast app trên iPhone, Spotify, SoundCloud, Stitcher… Nhiều người nói trên Podast có giọng chuẩn, rõ ràng, chất lượng âm thanh cao nên rất tốt cho người học nghe tiếng Anh.
Một số podcast tôi yêu thích là Optimal Living Daily và How I Built This. Đọc thêm review của tôi về hai podcast này tại đây.
YouTube
YouTube thì không còn xa lạ gì với người Việt nữa rồi, nhưng đa phần mọi người dường như mới sử dụng YouTube như một phương tiện giải trí (thay cho tivi) chứ chưa thực sự dùng YouTube để học tiếng Anh. Trong khi đó, đây là một công cụ rất tuyệt vời vì bạn không chỉ được nghe người bản xứ nói mà còn được thấy cử chỉ, hành động và hoàn cảnh nói của họ một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, khi nghe YouTube để học tiếng Anh, bạn nên chú ý chọn kênh có chủ đề rõ ràng, người nói âm giọng chuẩn, chậm rãi, dễ nghe—thay vì chọn xem những kênh gaming hay shopping haul vì dễ bị xao nhãng bởi những nội dung khác ngoài giọng nói và âm điệu. Hai YouTuber có giọng nói rõ, chậm, dễ nghe, và đưa thông tin thiết thực mà tôi có thể giới thiệu là Matt D’Avella (kênh về phát triển bản thân và sáng tạo) và Dearly Bethany (kênh về thời trang).
Ngoài ra, TED (kênh thuyết trình ý tưởng) cũng là một kênh bổ ích để vừa học tiếng Anh, vừa học hỏi ý tưởng mới. Các bài nói của TED cũng có trên website.
Ngoài ra, nếu các bạn chưa biết, tôi cũng có một kênh YouTube chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp học tiếng Anh 🙂
Bonus: Mentoring 1:1*
Trước khi khép lại bài viết về 10 công cụ học tiếng Anh, tôi muốn đưa thêm một gợi ý nữa (bonus) cho bạn nào đang học tiếng Anh mà có ước mơ đi du học với học bổng: Chương trình Mentoring 1:1 của Nguồn Học Bổng.
Đây là chương trình kết nối mentee có nhu cầu săn học bổng và mentor đã tốt nghiệp các trường hàng đầu tại nước ngoài (1 kèm 1) trong suốt hành trình làm hồ sơ săn học bổng cho tất cả ngành nghề và bậc học. Đọc thêm thông tin về chương trình và mô hình mentoring tại đây.
Đặc biệt, bạn đọc The Present Writer có ưu đãi giảm 1,000,000 VND khi đăng ký tham gia chương trình và nhận tư vấn ban đầu miễn phí. Bạn có thể đăng ký qua form này: https://forms.gle/t7BwzeGhUfCqzkgz7
—
Tôi hy vọng bài viết này mang lại thông tin hữu ích cho bạn về các công cụ học và sử dụng tiếng Anh tốt nhất hiện nay. Một số ứng dụng trong bài được demo và giới thiệu kỹ hơn trong video dưới đây:
Ngoài ra, nếu bạn thích những gợi ý của tôi thì có thể xem thêm danh sách những sản phẩm/dịch vụ tôi thích nhất tại đây.
Be Present,
Chi Nguyễn
- Bài viết được cập nhật tháng 2/2021 với những ứng dụng mới
- Dấu (*) ghi chú cho affiliate link: nếu bạn đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc mua sản phẩm qua đường link này, blog sẽ nhận được khoản hoa hồng nhỏ để tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận (chi phí dịch vụ/sản phẩm không tăng thêm cho bạn)
- Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Minh An says
Cám ơn chị Chi về bài viết rất hữu ích này. Gần đây em cũng mới biết tới Magoosh, và rất thích công cụ này và em cũng đang tiếc là phải chi mình biết tới nó sớm hơn.
Chị cho em hỏi là lúc học từ mới chị có khó khăn gì khi cố gắng tìm hiểu xem từ đó có nghĩa tích cực hay tiêu cực kg ạ? (positive or negative connotation). Em thấy một số từ điển đôi khi có mở ngoặc ghi là positive/negative nhưng không phải từ nào họ cũng có ghi.
Khi học từ mới, em cứ phải loay hoay google một lát thì mới hiểu thêm được là từ mới đang học có nghĩa tích cực hay tiêu cực. Nếu chị có bí kíp gì (tools/online dictionary,…) thì chia sẻ giúp em với nhé 🙂
Chúc chị Chi & gia đình một tuần mới nhiều niềm vui!
Chi Nguyễn says
Chào em. Câu hỏi rất hay. Ý em muốn hỏi về connotation hay nuance của từ có nghĩa tiêu cực hay tích cực. Chị nghĩ cách học tốt nhất về cái này là (1) mình đặt nó trong ngữ cảnh và đoán nghĩa, sau đó tra lại từ điểm và (2) học trong thực tế như đọc sách báo, nghe/xem TV, podcast để hình thành phản xạ. Có những từ có nghĩa mỉa mai, hài hước nên có thể trên từ điển nghĩa khác mà dùng trong văn cảnh thực tế nghĩa khác. Vậy nên kinh nghiệm của chị là tìm văn cảnh/hoàn cảnh dùng từ cụ thể để luyện cho mình phản xạ. Sau này quen rồi mình “đoán” giỏi hơn và không cần tra từ mỗi lúc mỗi nơi nữa :). Nếu em theo Magoosh kiên trì thì cũng là một cách tốt để luyện tập khoản này.
Benny says
Hi Em!
Theo Bình thì có một công cụ nữa rất hữu ích là : https://youglish.com/
Link này giúp người học luyện nghe và phát âm chuẩn của các từ mới hoặc khó.
Cám ơn
Benny
Ho Huyen says
Cám ơn về bài viết của chị rất nhiều.
E có nhiều việc cần làm nhưng đang ưu tiên việc thích làm hiện nay là đọc bài viết của chị.
E là người thích tìm kiếm và thu thập, dần dần nhận thấy bản thân đang quá tải tài liệu và không biết dùng từ đâu và thu xếp thế nào, đôi khi e không nhớ mình có tài liệu này và không tận dụng được cái mình có. Hoặc đôi khi e nhớ để dùng nhưng chỉ sau 1 tháng, 2 tháng thì lại quên bén đi ứng dụng/ tiện ích, web hay mình đã học.
Chị có thể cho e kinh nghiệm làm thế nào để ghi dấu những cái mình có và phát huy thế nào cho hiệu quả không ạ?
Chi Nguyễn says
Chị nghĩ cách tốt nhất là em dùng thử trong vòng 3 tuần, nếu ngày nào cũng dùng trong 3 tuần đó mà ứng dụng không “stick” vào công việc hàng ngày của em thì chứng tỏ là tiện ích đó không thực sự phù hợp, và em thử nghiệm tiếp tiện ích khác 🙂 Chị hay thấy cái gì hay là dùng thử ngay chứ không lưu trữ rồi dùng tỏng tương lai, có lẽ nó giúp mình tránh trì hoãn chăng? Cảm ơn em đã đọc bài nhé — Chị sẽ cập nhật ứng dụng mới trong bài này trong tương lai gần
Ho Huyen says
E sẽ sắp xếp lại cái thật sự cần. Có lẽ e đã tham lam quá chừng…:)
và sẽ làm theo cách chị đã chỉ dẫn.
Dạ em xin cám ơn chị ạ.
TramN says
Cảm ơn chị Chi về chia sẻ hữu ích. Em đã thử Elsa Speak và khá thích nó. Công việc của em về tech khá nhiều và speaking cũng k tệ lắm nhưng để tiến xa hơn thì cải thiện accent và nâng cao kỹ năng nói rất cần thiết.