Đầu tuần trước, tôi tuyên thệ để trở thành công dân Mỹ. Vậy là sau 12 năm kể từ lần đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ khi mới 19 tuổi và sau 7 năm định cư tại Mỹ, cuối cùng tôi cũng chính thức được gọi nơi này là “nhà”.
Trên đường trở về sau lễ tuyên thệ, tôi lan man nghĩ lại chặng đường mình đã đi qua và những gì mình đã và đang làm để hiện thực hoá cái gọi là “Giấc Mơ Mỹ” (the American Dream). Những dòng suy nghĩ này đưa tôi đến với một cái tên bất ngờ: Forever 21—một thương hiệu thời trang nhanh (fast fashion) tại Mỹ.
Tại sao?
Bởi vì giữa tôi, Forever 21, và Giấc Mơ Mỹ có một câu chuyện đáng để kể. Dưới đây là câu chuyện đó.
Tôi & Forever 21
Tôi từng rất thích Forever 21 (F21).
Thật vậy.
Thời tôi còn ở Việt Nam, hầu hết các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới chưa mở đại lý chính thức trong nước. Nếu muốn mua một món đồ thời trang có tên tuổi một chút—kể cả thương hiệu bình dân như Zara, H&M—thì chỉ có thể order hàng xách tay, lùng mua hàng Việt Nam xuất khẩu, hoặc mắt nhắm mắt mở mua hàng nhái từ Trung Quốc. Vì thế, giờ nói ra nghe hơi ngây ngô, vật chất một chút, nhưng một phần lý do tôi muốn ra nước ngoài khi đó là có thể mua những món thời trang tên tuổi mà không phải lo hàng giả, hàng nhái.
F21 là một trong những thương hiệu hàng đầu tôi muốn tìm mua ngay khi sang Mỹ. Lý do là bởi vì khác với các thương hiệu thời trang bình dân khác, F21 (ở thời điểm đó) có thiết kế trẻ trung, nhiều màu sắc, nhắm vào khách hàng gốc Á có vóc dáng nhỏ nhắn, ưa những bộ váy áo kín đáo, dễ thương. Sở dĩ có điều này là bởi người sáng lập ra F21 là hai vợ chồng người Hàn Quốc sang Mỹ nhập cư: Do Won Chang và Jin Sook Chang. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng với chỉ bằng tốt nghiệp trung học, họ xây dựng lên cả một đế chế thời trang bắt đầu bằng thị trường ngách là những người Mỹ gốc Á—những người vốn có gu thẩm mỹ và vóc dáng khác với những người Mỹ gốc Âu. Thành công của F21 đã đưa gia đình người Hàn Quốc này lên tầm tỷ phú và đưa thương hiệu F21 đi khắp toàn cầu.
Đối với tôi, F21 là biểu trưng cho sự thành công của người nhập cư gốc Á đối với Giấc Mơ Mỹ. Tôi ngưỡng mộ sự thành công này và luôn cảm thấy vui khi mua đồ ở F21 vì có cảm giác như là mình đang ủng hộ “đồng hương”— những người đại diện cho sắc tộc và văn hoá Châu Á của mình.
Tôi từng thích F21 đến mức chọn mặc chiếc váy của thương hiệu này trong lần hẹn hò đầu tiên với chồng tôi tại Mỹ (ảnh phải). Và đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ chiếc váy ấy (ảnh trái).
Nhưng rồi tôi dần thay đổi, và F21 cũng thay đổi.
Sau 2 năm đầu trên đất Mỹ, tôi trưởng thành lên nhiều và chuyển đổi phong cách sống cũng như phong cách thời trang theo xu hướng tối giản. Tôi tập trung nhiều hơn vào những món đồ trung tính, cổ điển, xây dựng capsule warddrop (tủ quần áo cơ bản) tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Vì thế, tôi dần nói “không” với các hãng thời trang nhanh, ăn liền, trong đó có F21.
Trong thời gian đó, F21 lại thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Thương hiệu này phát triển rộng khắp hơn đến mọi nơi trên nước Mỹ và lan ra nhiều nước khác trên thế giới, thiết kế không còn chỉ tập trung vào nhóm khách hàng gốc Á mà mở rộng thêm nhiều phong cách và hướng đến nhóm khác hàng chung hơn, số lượng hàng hoá nhiều và đa dạng hơn nhưng chất lượng lại đi xuống (để giữ giá thành thấp). Phát triển quá nhanh với quy mô quá lớn như vậy khiến F21 lâm vào nhiều vụ lùm xùm kiện tụng như đánh cắp bản quyền thiết kế, ngược đãi nhân công, in slogan trên áo với thông điệp nhạy cảm… Nhưng mặc những vấn đề về chất lượng này, F21 vẫn tiếp tục mở thêm cửa hàng mới ở khắp mọi nơi theo cấp số nhân.
Cho đến cuối năm 2019 vừa rồi, F21 bất ngờ tuyên bố phá sản.
Tôi còn nhớ mình đã choáng váng thế nào khi thấy đồng loạt cửa hàng F21 treo biển “Out of Business” (đóng cửa kinh doanh) khắp mọi nơi và xả hàng bán như cho (99 cent, $1) mà không có người mua. Đây cũng chính là những cửa hàng mà mới chỉ vài năm trước thôi vẫn còn sáng bóng, lung linh; tôi vẫn còn đến lựa đồ và thấy khấp khởi cảm thấy mình được là một phần của Giấc Mơ Mỹ mang tên F21.
Nói là ngạc nhiên, là bất ngờ, là choáng váng, nhưng thực ra kết cục của F21 dường như đã được báo trước. Ngay cả một người từng là fan hâm mộ như tôi mà tới vài năm không mua gì ở F21 thì chắc chắn nhiều người cũng đã từ bỏ thương hiệu này.
Từ đây, tôi có thêm nhiều suy nghĩ sâu hơn và đa chiều hơn về tôi, về F21, và về Giấc Mơ Mỹ.
Tôi, Forever 21 & Giấc Mơ Mỹ
Câu chuyện thành công và thất bại của F21 dạy cho tôi 3 bài học lớn về Giấc Mơ Mỹ:
1. Giấc Mơ Mỹ là hoàn toàn có thể
Kể cả với kết cục phá sản, cặp vợ chồng Do Won Chang và Jin Sook Chang đã thực hiện được Giấc Mơ Mỹ một cách vô cùng thành công—từ xuất phát điểm là dân nhập cư với hai bàn tay trắng, họ trở thành tỷ phú và xây dựng một đế chế thời trang lớn. Tôi tin rằng cặp vợ chồng này vẫn đang hạnh phúc hưởng thụ thành quả của mình vì mặc dù doanh nghiệp phá sản nhưng tài sản riêng của họ vẫn còn (có thể không còn con số hàng tỷ nhưng chắc chắn cũng ở mức hàng triệu đô-la đủ để sống sung túc cả đời) và họ đã có những đứa con thành đạt trên nước Mỹ. Tất cả những điều này có được vì hai vợ chồng dám nghĩ, dám làm, thông minh tìm được con đường ngách trong thị trường thời trang Mỹ, và làm việc không mệt mỏi để thực hiện ước mơ.
Tôi không có giấc mơ trở thành tỷ phú hay lập doanh nghiệp đa quốc gia, nhưng tôi có thể thấy nước Mỹ đã và đang mở ra cho mình rất nhiều cơ hội. Cuộc sống năng động-không ngừng thay đổi, khuyến khích kinh doanh-đầu tư, và lối tư duy cởi mở-tôn trọng sự khác biệt khiến tôi cảm thấy mình luôn có nhiều năng lượng và ý tưởng hơn để thử những cái mới. Điều này rất khác so với tôi khi ở Việt Nam khi thường xuyên cảm thấy mình trì trệ và có xu hướng “nghiện sự chắc chắn“. Bởi vậy, tôi tin rằng nếu mình cũng làm việc hết mình, không ngừng sáng tạo để tìm ra con đường riêng thì Giấc Mơ Mỹ của mình cũng có thể trở thành hiện thực.
2. Để thành công, phải không ngừng thay đổi về chiều sâu
Cuộc sống thay đổi, con người thay đổi, gu thời trang thay đổi. Bởi vậy, thay đổi về mô hình kinh doanh là tất yếu. Tuy nhiên, mấu chốt cho sự thất bại của F21 là mở rộng quá nhanh, dẫn đến tăng mạnh về số lượng nhưng mất kiểm soát về chất lượng. Đây cũng là cái khó chung của nhiều thương hiệu đang đà đi lên, nhận được tiền từ các nhà đầu tư và chịu sức ép mở rộng để kiếm thêm tiền; nhưng khi đã mở rộng với quy mô lớn như vậy thì rất khó để duy trì chất lượng. (Chúng ta cũng chứng kiến hiện tượng này ở Việt Nam với thất bại của mô hình Món Huế, The KAfe sau khi mở rộng).
Nếu hỏi liệu những người sáng lập F21 có cố tình để thương hiệu của mình copy thiết kế, trả rẻ nhân công, giảm sút chất lượng hay không? Tôi nghĩ câu trả lời là “không, hoàn toàn không”, tuy nhiên khi phát triển thương hiệu với quy mô lớn như vậy thì rất dễ bị mất quyền kiểm soát, nhân sự trở nên phức tạp, nhiều lỗi sai xảy ra mà không kịp chỉnh sửa. Bởi vậy, bài toán thành công trong môi trường cạnh tranh và chuyển động không ngừng như ở Mỹ là làm sao thay đổi nhanh nhưng phải đi vào chiều sâu và duy trì kiểm soát về chất lượng.
Đối với quá trình phát triển bản thân, tôi cũng gặp phải bài toán tương tự. Tôi biết mình cần học thêm nhiều kỹ năng, thử sức thêm ở nhiều lĩnh vực, nhưng làm sao để có thể phát triển một cách có chất lượng, không làm mất đi những giá trị tốt đẹp mình vốn có? Làm sao có thể thử sức ở những dự án vì sở thích, đam mê mà vẫn đảm bảo được công việc chính? Làm sao có thể phát triển sự nghiệp trong khi vẫn phải cân đối thời gian cho gia đình? Đó là một bài toán khó. Là một người theo Chủ nghĩa tối giản, câu trả lời của tôi hiện nay là: phải phát triển một cách chậm và chắc, lập thứ tự ưu tiên, tối đa hoá hiệu suất làm việc, tập trung vào chiều sâu. Tuy nhiên, con đường để thực hiện Giấc Mơ Mỹ “một cách có chất lượng” này chắc chắn sẽ không hề dễ dàng.
3. Giấc Mơ Mỹ đẹp nhất là khi thực hiện nó theo cách riêng của bạn
F21 thành công là bởi vì khi bắt đầu, Do Won Chang và Jin Sook Chang không chạy theo xu hướng thời trang thường thấy ở Mỹ, mà họ dựa vào cái cốt lõi của mình là văn hoá và thẩm mỹ của người gốc Á. Họ hoàn toàn có thể bắt chước các nhà mốt khác để phục vụ thị trường lớn hơn, nhưng họ đã không làm. Tìm ra được con đường đi riêng là chìa khoá dẫn tới thành công của F21. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi phát triển rộng hơn, F21 buộc phải mở rộng phạm vi khách hàng và sản xuất hàng loạt cho thị hiếu chung. Điều này làm mất đi bản sắc ban đầu của thương hiệu và phần nào dẫn đến sự thất bại ngày nay.
Để hiện thực hoá Giấc Mơ Mỹ của mình, tôi biết mình cũng phải tìm ra con đường đi riêng—một con đường chỉ của riêng tôi, do tôi thiết kế, mà có thể đi ngược lại xu hướng chung. Tôi nghĩ không ai từng thành công mà chưa bị người khác gàn, nói rằng không thể, rằng phải làm theo người này-người kia mới được; nhưng thành hay bại là ở việc mình có kiên định và dám đi trên con đường mình tin tưởng hay không. Đối với tôi, tôi đang ở trong giai đoạn mà mình có thể thử nghiệm nhiều hướng đi mới; có thể nó sẽ tốn thời gian, tối tiền bạc, tốn công sức, nhưng nếu không thử sẽ không biết được có thành hay không. Bởi vậy, một trong những cam kết của tôi đối với bản thân khi thực hiện Giấc Mơ Mỹ là sẽ dần bước ra khỏi vùng an toàn và làm những điều mà mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được. Đó là cách duy nhất tôi nghĩ có thể dẫn mình đến với con đường riêng đúng đắn cho mình.
—
Với việc chia sẻ câu chuyện của tôi, Forever 21 & Giấc Mơ Mỹ, tôi hy vọng bạn đọc học được điều gì đó có ích về thành công và thất bại. Có thể bạn sẽ không bao giờ tới Mỹ và không có ý định thực hiện Giấc Mơ Mỹ, nhưng hãy nhớ rằng Giấc Mơ Mỹ chỉ là một biểu trưng cho cơ hội, cho sự thành công của những người bắt đầu tay trắng nhưng nỗ lực hết mình để đạt được ước mơ. Dù bạn ở đâu và ước mơ của bạn là gì, tôi chúc bạn có thêm năng lượng và sự dũng cảm để bước lên phía trước và hiện thực hoá giấc mơ của mình.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Hương Trang says
Cám ơn Chi vì bài viết của em đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chị rất đúng lúc. Tự đẩy mình ra khỏi vùng “ổn định an toàn” ở tuổi 35 để tiếp tục khai phá năng lực bản thân và thực hiện ước muốn của mình. Giờ đây chị cũng đang bước những bước chân đầu tiên khó khăn trên một con đường mới. Đôi lúc vẫn còn những vọng tưởng, tiếc nuối về miền an toàn cũ khi đối diện với những khó khăn ở hiện tại. Lần nữa cám ơn em vì đã tiếp thêm sức mạnh đúng lúc chị cần
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị đã đọc bài viết. Ra khỏi vùng an toàn là một bước đi dũng cảm, nhất là khi như chị em mình đã ở tuổi “băm” :D. Em thường nghĩ mình đang ở tuổi trẻ nhất mình có thể rồi (từ giờ trở đi chỉ già đi chứ không trẻ lại được) nên nếu mình không làm bây giờ thì càng về sau càng khó làm hơn. Em chúc chị thành công và may mắn trên con đường phía trước
Tèo says
Bạn ơi, mình thật sự thích bạn quá, bạn viết 1 bài như vầy hết bao nhiêu thời gian? Mình nhìn thấy bạn trau chuốt từng từ từng câu. Thật ngưỡng mộ bạn. Cảm ơn bạn rất nhiều vì năng lượng tích cực của bạn.
Chi Nguyễn says
Bài này mình viết trong một buổi chiều và đọc lại khoảng 30 phút ngày hôm sau. Đây là bài dễ viết nên mình viết nhanh, còn bình thường có thể lâu hơn đến 1 ngày hoặc 2 ngày. Cảm ơn bạn đã ghé blog nhé!
diki.truong says
Cảm ơn chị đã mang đến những bài viết, góc nhìn thực sự bổ ích. Đọc post của chị mỗi tuần giống như nạp thêm năng lượng để em sống tốt hơn vậy đó. Em mong chị sẽ luôn viết với niềm đam mê của mình. Em thấy biết ơn vì đã “gặp” chị và blog của chị trong quãng đời tuổi trẻ ^^
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã ghé blog. Chị sẽ cố gắng viết đều vì những độc giả như em. Cảm ơn em đã “gặp” chị nhé! 🙂
Duyen says
Cám ơn chị Chi rất nhiều. Bài viết hay, giúp em nhận ra được nhiều điều. Nhờ có blog của chị mà cứ mỗi cuối tuần nhàn hạ, có thời gian rãnh, em lại lên đọc những bài viết dài của chị, cảm giác yên bình, nhẹ nhàng mà lại hiểu biết thêm nhiều thứ. Bỗng nhận ra, ghé thăm blog của chị cũng như một thú vui mà em tự thưởng cho mình sau một tuần.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều. Đọc comment chị cũng thấy nhẹ nhõm quá 🙂
L says
Tình cờ thấy một người chị trong friends list chia sẻ fanpage của chị Chi. Em có vào xem thử một số bài viết ở topic Chủ nghĩa tối giản trên website này, vì chưa có thời gian nên chưa thể lướt qua hết được. Thấy văn phong chị viết rất hay, ngắn gọn đơn giản nhưng rất cuốn hút, chắc trong tương lai chị sẽ phải viết nhiều hơn vì sẽ có nhiều bạn đọc biết đến không chừng. Hi vọng sẽ được chị truyền nhiều thông điệp, năng lượng tích cực qua những bài viết như thế này. Cảm ơn chị rất nhiều! Chúc chị luôn nhiều sức khỏe và niềm vui.
Chi Nguyễn says
Chào mừng em đến với blog! Chị rất welcome bạn đọc mới và tới đây còn nhiều dự định nữa để tạo thêm content cho blog. Em ghé lại thường xuyên nhé! <3
Mạnh Tiến says
Em cảm ơn chị Chi vì những bài học sâu sắc mà chị nhắn gửi qua bài viết!
“Làm sao có thể thử sức ở những dự án vì sở thích, đam mê mà vẫn đảm bảo được công việc chính?” – Đây cũng là câu hỏi của chính em. Nhưng có lẽ, như chị đã viết trong 1 bài viết khác, đại ý là: Tập trung hết sức, hoàn thành “công việc chính” với hiệu suất, hiệu quả cao và trong thời gian nhanh nhất; thì mình sẽ có thời gian để làm những việc mình thích, đam mê.
Em sẽ tin tưởng và nỗ lực, cho giấc mơ của chính mình!
Chi Nguyễn says
Đúng vậy em ạ! Chị thường cố gắng làm việc chính thời gian ngắn nhất hoặc làm gộp trong một số ngày nhất định và thời gian dôi ra làm việc sở thích. Ngày nào đó mà việc sở thích thành được việc chính thì không biết sẽ thế nào :). Chúc em thành công nhé!