Những ai theo đuổi ước mơ đi du học, đặc biệt là du học với học bổng, chắc chắn hiểu được tầm quan trọng của mentoring—một hình thức tư vấn giữa mentor (người định hướng) và mentee (người cần định hướng). Nôm na như người Việt thường nói là quá trình chỉ bảo giữa “đàn anh” và “đàn em”. Ở bất cứ hoàn cảnh xã hội và ngành nghề nào, ít người có thể thành công mà không có mentor. Tuy nhiên, đối với du học, có được một mentor tốt lại càng trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi vì cánh cửa du học mở ra là cả một thế giới rộng lớn (bao nhiêu quốc gia, trường học, ngành học, quy trình nộp học…), nếu không có người đi trước dẫn đường, bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức để mò mẫm mà chưa chắc đã tìm được đúng con đường dẫn đến thành công.
Bản thân tôi để sang được Mỹ học Thạc sĩ, Tiến sĩ với học bổng cũng là nhờ công rất lớn của nhiều anh chị mentor đã giúp đọc hồ sơ, góp ý, và chỉ cho tôi con đường đi đúng đắn. Sau này, khi nộp học thành công, tôi cũng tình nguyện trở thành mentor, tự hào đã giúp cho ít nhất 20 bạn du học thành công với học bổng toàn phần hoặc bán phần.
Những năm gần đây, tôi không có điều kiện trực tiếp tham gia làm mentor nữa nhưng vẫn theo dõi các hoạt động mentoring trong nước. Tôi nhận thấy rằng, trái với thời điểm tôi nộp học ngày xưa có rất ít thông tin, ngày nay các bạn trẻ lại có quá nhiều thông tin và lựa chọn, dẫn đến hoang mang, không biết nên bắt đầu từ đâu. Những câu hỏi: Tìm mentor ở đâu? Chương trình mentoring nào tốt? Làm sao “xin” được người ta làm mentor cho mình? ngập tràn các forum du học.
Bởi vậy, trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu ba (3) hình thức mentoring phổ biến tại Việt Nam và phân tích điểm mạnh-yếu của từng hình thức. Tôi cũng sẽ đưa ra quan điểm của mình về hình thức tối ưu nhất và lời khuyên về một chương trình mentoring tôi ủng hộ. Hy vọng, bài viết này sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ ràng hơn về mentoring và từ đó, sớm đạt được ước mơ du học của mình.
Ba Hình Thức
I. Mentoring từ các mối quan hệ cá nhân (Personal Mentoring)
Hình thức mentoring đầu tiên, tạm gọi là “personal mentoring”, là khi mentee tìm được mentor từ các mối quan hệ cá nhân và nhờ giúp đỡ trong quá trình làm hồ sơ du học. Thường hình thức mentoring này là tình nguyện, mang yếu tố cá nhân cao, giúp đỡ nhau theo kiểu “cây nhà, lá vườn”, biết gì giúp nấy.
Đây có lẽ là hình thức mentoring phổ biến nhất và lâu đời nhất. Ở thời điểm những năm đầu 2010 khi tôi bắt đầu tìm hiểu du học, đây gần như là cách duy nhất để tìm được ai đó có kinh nghiệm xem hộ hồ sơ cho mình.
Ưu điểm: Đối với mentee, ưu điểm lớn nhất hình thức này là không mất chi phí. Ưu điểm tiếp theo là vì personal mentoring xây dựng trên nền tảng quan hệ cá nhân, nó có thể giúp mentor và mentee trở nên gần gũi, gắn bó hơn. Đối với mentor, đây cũng là một cách nhân văn để giúp những người mình quen đạt được ước mơ du học.
Nhược điểm: Đối với mentee, cái khó nhất của personal mentoring là bạn phải có mối quan hệ với những người đã nộp hồ sơ du học thành công và phải mở lời nhờ họ giúp đỡ. Không phải ai cũng có những mối quan hệ như vậy, và nếu có cũng chưa chắc người mình nhờ sẵn sàng trợ giúp vô điều kiện. Ngoài ra, nhược điểm lớn nhất của hình thức này là vì lời khuyên theo kiểu “cây nhà lá vườn”, không có ràng buộc trách nhiệm nên bạn có thể nhận được cả lời khuyên tốt lẫn lời khuyên xấu, có thể gặp phải mentor không sâu sát, làm lỡ deadline của mình.
Đối với mentor, việc có quá nhiều lời nhờ vả có thể gây phiền nhiễu, khó chịu. Trong khi đó, mentee lại dễ không “toàn tâm toàn ý” với quá trình nộp hồ sơ vì có nhiều người mới nhen nhóm ý định nộp học đã nhờ vả khắp nơi, hỏi đủ mọi thứ trên đời nhưng chưa chắc đã bắt tay vào làm đến nơi đến chốn, gây bức xúc cho mentor.
Quan điểm của tác giả: Đã từng ở cả phía mentor và mentee, tôi biết ơn vì hình thức mentoring này tồn tại vì nếu không có nó và những anh chị đi trước hướng dẫn, tôi có lẽ không thể có ngày hôm nay. Vì vậy, tôi đã giúp đỡ trở lại rất nhiều người mình quen theo cách này. Tuy nhiên, đây không phải là một hình thức mentoring tối ưu và bền vững. Tại sao?
Thứ nhất, như đã viết, vì personal mentor thường không chuyên nghiệp và không có nhiều kinh nghiệm mentoring, những lời khuyên họ đưa ra chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân nên có thể đúng và sai, không có tính khái quát cao (đọc trải nghiệm này của tôi tại đây). Thứ hai, trong quá trình làm mentor, tôi từng gặp không biết bao nhiều mentee “vô tâm”. Họ gửi bài luận dài hàng trang nhờ chỉnh sửa, hỏi hàng chục câu một lượt dài như tâm thư, vậy mà khi mentor trả lời thì không một email/tin nhắn phản hồi là đã nhận được, không một lời cảm ơn, kể cả khi đã nhận được kết quả tốt đi du học cũng ngó lơ luôn mentor.
Bản thân tôi khi làm personal mentoring thì quan điểm của tôi là đáp đền tiếp nối (pay-it-forward) như một hình thức để cảm ơn những anh chị đã giúp tôi ngày xưa, do vậy nếu mentee “vô tâm” thì tôi cũng bỏ qua luôn, không bao giờ để trong đầu quá lâu. Tuy nhiên, tôi không khỏi bức xúc khi có những trường hợp các bạn hỏi nộp ngành học tôi không biết rõ (như Kiến trúc, Hội hoạ) nên tôi có gửi đến bạn bè, đồng nghiệp nhờ giúp thêm. Đáng tiếc nhiều bạn mentee sau này ứng xử không đẹp khiến bản thân tôi cũng bị “mắng vốn” và từ đó hết cửa gửi mentee khác đến nhờ giúp đỡ.
Vì personal mentoring không có liên kết trách nhiệm, tài chính, hay đạo đức gì cả nên mối quan hệ hợp tác giữa mentor và mentee không bền vững. Vài năm gần đây, chính tôi cũng phải nói “không” với phần lớn các lời nhờ vả personal mentoring vì bản thân không còn thời gian để trợ giúp các cá nhân đơn lẻ nữa, đặc biệt là những người không có ý định nghiêm túc ngay từ đầu. Thay vào đó, tôi cố gắng xây dựng nội dung blog để giúp cộng đồng lớn hơn (xem mục “Du học” trên The Present Writer). Ngoài ra, quyết định này cũng xuất phát từ quan điểm của tôi rằng có các hình thức mentoring (dưới đây) tốt hơn cho mọi người.
II. Mentoring từ các tổ chức, nhóm, forum phi lợi nhuận (Collective Mentoring)
Hình thức thứ hai là các chương trình mentoring được hoạt động bởi các tổ chức phi lợi nhuận hoặc các nhóm/forum trong cộng đồng du học. Trong cộng đồng này, mọi người cùng chia sẻ thông tin, học hỏi lẫn nhau, và kết nối với những người đi trước để được dẫn đường. Tôi tạm gọi hình thức này là “collective mentoring”.
Collective mentoring bắt đầu nở rộ tại Việt Nam vào thời điểm mạng xã hội trở nên phổ biến. Mọi người tìm đến nhau qua quá trình nộp hồ sơ vào những học bổng chính phủ như VEF, Fulbright hoặc thông qua nhưng cộng đồng du học như USGuide, VietPhD… Trong quá trình nộp hồ sơ du học, tôi cũng lang thang trên mạng tìm kiếm và kết nối được nhiều người bạn tốt, cùng chí hướng du học nhờ có những cộng đồng như thế này.
Ưu điểm: Đối với mentee, tham gia collective mentoring có nhiều lợi thế như: không mất phí (hoặc có cũng không nhiều), mở rộng mối quan hệ, và được tham gia một cộng đồng lớn hơn với những người cùng mục tiêu và đam mê. Đối với mentor, collective mentoring không chỉ tạo ra cơ hội để đáp đền tiếp nối mà còn giúp mentor được biết đến nhiều hơn trong giới du học sinh, đóng góp của mentor được cộng đồng công nhận (chứ không phải hoàn toàn “áo gấm đi đêm” như personal mentoring)
Nhược điểm: Vì collective mentoring thường hoạt động có tổ chức, nhiều chương trình có yêu cầu “đầu vào” đối với mentee. Ví dụ như đối với một số nhóm học bổng chính phủ, mentee phải vượt qua vòng sơ khảo của học bổng rồi mới được ghép với mentor luyện tiếp các vòng tiếp theo; hay một số chương trình yêu có sát hạch bài luận và phỏng vấn rồi, qua được rồi mới ghép đôi mentee-mentor. Bởi vậy không phải ai cũng được chọn, nhất là đối với mentoring 1 kèm 1.
Đối với mentor, collective mentoring giúp sàng lọc lấy mentee nghiêm túc, có định hướng rõ ràng hơn với việc du học hơn personal mentoring. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các mentee đều tốt và theo sát mentor vì mentor-mentee không có ràng buộc về tài chính. Ngoài ra, một số chương trình còn yêu cầu trách nhiệm lớn từ mentor (mặc dù mentor làm việc chủ yếu tình nguyện) gây ra cảm giác nặng nề, tốn thời gian.
Quan điểm của tác giả: Theo quan điểm của tôi, collective mentoring là một hình thức tốt, tích cực cho cả mentor, mentee, lẫn người tổ chức (thường cũng là những bạn tình nguyện viên có mơ ước du học), mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và rất nên duy trì. Tuy nhiên, đây cũng không phải là hình thức mentoring tối ưu. Tại sao?
Trước hết, như đã viết, không phải ai trong cộng đồng collective mentoring cũng có cơ hội được làm việc 1:1 với mentor. Bản thân tôi trong quá trình làm hồ sơ du học cũng từng ứng tuyển làm mentee cho một chương trình collective mentoring nhưng bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Điều buồn cười là ngay năm sau (khi tôi đang du học ở một trường danh tiếng), chương trình lại mời đích danh tôi làm mentor 🙈.
Ngoài ra, kể cả khi chương trình đã qua quá trình sàng lọc, chất lượng mentee cũng không được đảm bảo đồng đều, trong khi đó sức ép cho mentor lại khá lớn. Ví dụ như tôi từng làm mentor cho một chương trình nọ, sau quá trình tuyển chọn gắt gao các bạn đưa cho tôi 2 mentee để kèm: bạn thứ nhất rất cầu tiến nhưng nộp ngành khác hẳn ngành học của tôi (nhưng chương trình nài nỉ tôi nhận vì thiếu mentor), bạn thứ hai sau email đầu tiên là biến mất một hơi không lời từ biệt. Trong khi đó, chương trình cứ khoảng 2-3 tuần là email yêu cầu tôi cập nhật kết quả mentoring, đã gặp nhau mấy lần, trao đổi email bao nhiêu chiếc, mentor có chủ động “tìm kiếm” mentee biến mất kia hay chưa… làm tôi cảm thấy không hiểu mình đang làm tình nguyện hay đang làm dự án sale tỉ đô cần truy dấu nhà đầu tư 🙉.
Tôi vẫn ủng hộ collective mentoring và vẫn tiếp tục tham gia tình nguyện làm khách mời cho các buổi workshop, talkshow của nhiều tổ chức. Tuy nhiên, tôi không còn tham gia mentor trực tiếp nữa mà khuyến khích cho các bạn trẻ hơn, có kinh nghiệm nộp học còn mới mẻ hơn tham gia.
III. Mentoring từ các trung tâm, tổ chức tư vấn du học (Professional Mentoring)
Hình thức này là mentoring chuyên nghiệp (professional mentoring) từ các trung tâm hỗ trợ học bổng, các tổ chức tư vấn du học. Professional mentoring đưa đến dịch vụ có trả phí từ mentor là những người đi trước, đã từng nộp học/học bổng thành công ở nước ngoài và mentee là những người có nhu cầu du học nghiêm túc.
Hình thức này mới bắt đầu phát triển mạnh những năm gần đây khi số lượng và chất lượng cựu du học sinh Việt càng cao hơn với nhiều người có mong muốn làm việc trong mảng tư vấn du học. Điều này khác hẳn so với thời điểm tôi nộp học vì khi đó, các trung tâm tư vấn du học chỉ tập trung vào giới thiệu trường học có liên kết để nhận hoa hồng, còn lại rất ít dịch vụ mentoring dẫn dắt, chỉ bảo theo đúng nghĩa.
Ưu điểm: Ưu điểm lớn nhất của professional mentoring là mang lại lợi ích cho cả mentee lẫn mentor. Đối với mentee, các bạn được làm việc với mentor chuyên nghiệp, đã từng xử lý hàng chục, thậm chí hàng trăm bộ hồ sơ ở nhiều ngành, nhiều cấp học nên chất lượng mentorship, tính hiệu quả, và độ cập nhật thông tin của mentor tốt hơn và đồng đều hơn. Vì mentor-mentee có ràng buộc về hợp đồng tài chính nên đôi bên cũng hợp tác chủ động và có trách nhiệm hơn.
Đối với mentor, đây là một cơ hội tốt vì các bạn không những giúp đỡ thế hệ sau mà còn kiếm được thêm thu nhập từ công việc có ý nghĩa này. Vì mentee bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ nên tính nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm, và sự hợp tác cũng tốt hơn mentee ở các chương trình tình nguyện, không trả phí khác.
Nhược điểm: Nhược điểm lớn nhất của professional mentoring là các bạn mentee phải trả phí để tham gia, chi phí cao hay thấp tuỳ thuộc vào từng nơi, từng gói hỗ trợ, và từng nhu cầu của mentee. Ngoài ra, cái khó cho mentee là phải tìm được nơi tư vấn có trách nhiệm và chất lượng để đảm bảo kết quả mentoring được tốt nhất. (Đọc thêm phía dưới lời khuyên của tôi về nơi tư vấn)
Đối với mentor, nếu bạn được tuyển vào làm professional mentoring thì hầu như không có nhược điểm nào ngoài việc phải cam kết thời gian, công sức làm việc với mentee theo như cam kết hợp đồng—một điều không quá khó nếu bạn vốn là một mentor có trách nhiệm.
Quan điểm của tác giả: Cá nhân tôi chưa từng được trực tiếp tham gia professional mentoring vì khi tôi nộp học, những chương trình này còn chưa phát triển. Nhưng những năm gần đây, tôi biết rất nhiều trường hợp các bạn nhận được học bổng toàn phần, bán phần ở các trường danh tiếng nhờ làm việc sát với các chương trình professional mentoring tốt. Có những bạn được mentor chỉ cho những loại học bổng ít người biết, khớp với ngành học hẹp của mình nên cơ hội được học bổng cao hơn nhiều so với việc nộp các học bổng chung chung, nhiều người biết đến khác. Có thể nói, đây là hình thức mentoring tối ưu nhất, nếu bạn có điều kiện tài chính và tìm được chương trình chất lượng. Tại sao?
Thứ nhất, professional mentoring đặt metee vào vị trí người sử dụng dịch vụ—chứ không phải người đi “nhờ vả” giúp đỡ như personal hay collective mentoring—bởi vậy các bạn có quyền chọn mentor, đổi mentor nếu không phù hợp, thoải mái đặt ra câu hỏi, và không ngại giục mentor trả lời khi gần đến deadline. Vì là mentoring chuyên nghiệp nên các thông tin học bổng, quy trình nộp học cũng được cập nhật thường xuyên, giúp mentee đỡ thời gian tra cứu, mày mò. Ai cũng muốn nhận được giúp đỡ miễn phí nhưng thực sự, bỏ ra một chút tiền đầu tư có thể giúp bạn đi đúng hướng, nhận được học bổng lớn hơn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần chi phí ban đầu thì hoàn toàn xứng đáng.
Thứ hai, mentor tham gia vào professional mentoring được trả lương xứng đáng cho thời gian và công sức, giúp các bạn mentor làm việc có trách nhiệm, động lực, và cam kết cao hơn là khi chỉ làm tình nguyện. Điều này giúp cho hoạt động mentoring nói chung được bền vững, lâu dài, và có chất lượng hơn.
Nhưng câu hỏi lớn nhất là: Tìm đâu ra một chương trình professional mentoring đáng tin cậy?
Dưới đây là lời khuyên của tôi.
Một Lời Khuyên
Trong hơn 4 năm viết blog về du học, rất nhiều bạn đọc comment trên website, nhắn tin và email hỏi tôi về nguồn thông tin du học-học bổng. Và ngay từ những ngày đầu tiên cho tới tận bây giờ, tôi chỉ giới thiệu một địa chỉ duy nhất, đó là: Nguồn Học Bổng (NHB). Mặc dù The Present Writer hay cá nhân tôi chưa từng nhận được nguồn tài trợ hay có liên hệ vật chất gì với NHB (trừ việc chị Hoài—CEO dễ thương của NHB cũng là độc giả blog), tôi vẫn vô tư giới thiệu NHB vì tôi rất thích trang này.
Tôi thích NHB trước hết vì NHB không phải là trung tâm tư vấn du học tự túc mà là nền tảng thông tin mở, kết nối những bạn có nhu cầu tìm học bổng với các đàn anh, đàn chị có nhiều kinh nghiệm săn học bổng du học thành công. Đây là điểm đặc biệt nhất khiến NHB khác hẳn các trung tâm tư vấn du học đang mọc lên nhan nhản hiện nay. Những năm qua, NHB tổng hợp nhiều thông tin hữu ích và cho ra đời tới tận 3 ebook về du học miễn phí hoàn toàn cho mọi người. Tinh thần vì cộng đồng này của NHB giống với tâm huyết của tôi với The Present Writer.
Bởi vậy, gần đây khi chị Hoài chính thức mời tôi làm partner truyền thông cho chương trình Mentoring của NHB, tôi đã đồng ý ngay vì tôi biết bạn đọc blog rất quan tâm đến đề tài này và đây là một chương trình (gần như là duy nhất ở Việt Nam hiện nay) mà tôi có thể tin tưởng giới thiệu tới bạn đọc.
“Hướng Dẫn Săn Học Bổng Du Học 1 KÈM 1” (Mentor 1:1) Của Nguồn Học Bổng
Mentor 1:1 của NHB là chương trình kết nối mentee có nhu cầu săn học bổng và mentor đã tốt nghiệp các trường hàng đầu tại nước ngoài (1 kèm 1) trong suốt hành trình làm hồ sơ săn học bổng cho tất cả ngành nghề và bậc học.
Lợi ích lớn nhất của mentee khi tham gia chương trình là được mentor dẫn dắt từ đầu đến cuối, từ định hướng chọn học bổng, làm hồ sơ, đến phỏng vấn thử, review hồ sơ trước khi nộp. Đặc biệt, không có giới hạn số lần hướng dẫn và sửa bài luận (giấc mơ của mọi mentee 😌). Mentor cũng có cam kết trách nhiệm với mentee qua NHB nên mentee sẽ không rơi vào tình trạng bị “bỏ rơi” giữa chừng hoặc chỉ nhờ vả được một phần nào đó trong quá trình làm hồ sơ như các hình thức mentoring tình nguyện. Ngoài ra, mentee còn có thêm một số quyền lợi khác như khoá học kỹ năng tiền du học miễn phí, bảo mật hoàn toàn thông tin học viên…
Yêu cầu lớn nhất của chương trình đối với mentee là phải có ý định nghiêm túc về du học, tập trung tìm kiếm học bổng trong vòng 1-2 năm tới. Tôi tin tưởng bạn đọc The Present Writer là những người cầu tiến, nghiêm túc, quyết tâm thực hiện mơ ước của mình, nên nghĩ rằng đây không phải là yêu cầu gì quá khó so với các bạn.
Đặc biệt, bạn đọc The Present Writer có ưu đãi giảm 1,000,000 VND khi đăng ký tham gia chương trình. (Cảm ơn chị Hoài!)
Để tham gia chương trình, bạn điền thông tin vào form này (tư vấn ban đầu hoàn toàn miễn phí): https://forms.gle/t7BwzeGhUfCqzkgz7
—
Là một người từng đứng ở cả hai vị trí mentee và mentor, hơn ai hết, tôi hiểu mentoring quan trọng như thế nào đối với thành công trong quá trình nộp hồ sơ và săn học bổng du học. Bản thân tôi mặc dù đã cố gắng trở thành một mentor tốt và giúp được nhiều bạn thế hệ du học sinh sau mình, nhưng tôi vẫn luôn trăn trở về một hình thức mentoring bền vững, tối ưu cho cả mentee lẫn mentor cho tương lai xa. Nhất là khi ngày càng nhiều người có nhu cầu du học hơn và độ cạnh tranh giành học bổng cũng lớn hơn trước.
Bởi vậy, tôi hy vọng bài viết này đem lại cho bạn đọc cái nhìn rõ hơn về mentoring tại Việt Nam cho các mentee đang có ý định nộp hồ sơ du học. Đồng thời, thông qua bài viết, tôi cũng muốn nói lên phần nào những khó khăn, hy sinh “âm thầm” của các mentor. Cảm ơn các bạn đã và đang làm công việc mentoring, dù ở bất cứ hình thức nào, để giúp đỡ thế hệ trẻ Việt Nam vươn ra quốc tế; và chúc các bạn mentee sớm đạt được ước mơ của mình!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Đặng Phương Thảo says
Cảm ơn bạn rất nhiều vì bài viết hữu ích! Mình muốn hỏi nếu mình từng được học bổng và muốn trở thành mentor trong một chương trình professional mentoring thì cần phải làm gì hả bạn? Thank bạn nhiều!
Chi Nguyễn says
bạn có thể liên hệ đến các tổ chức để hỏi thêm về đợt tuyển mentor. Ngày trước thỉnh thoảng mình cũng được mọi người giới thiệu làm mentor rồi sửa bài cho các trung tâm tư vấn du học, chủ yếu là qua biết nhau giới thiệu thôi, nên mình nghĩ nếu bạn có ai làm trong lĩnh vực này thì liên hệ với họ sẽ có thêm cơ hội
Anonymous says
Cảm ơn bạn nhiều!
Thúy hà says
Thật sự rất cảm ơn những chia sẻ của chị. Nhờ những chia sẻ nhiệt tình, tận tâm của chị mà em đã biết thêm được nhiều thông tin hữu ích và có thêm rất nhiều động lực để tiếp tục con đường mình đã chọn. Cảm ơn chị rất nhiều!!!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhé! Chúc em nhiều may mắn!
Hoài says
Thảo ơi,
Thảo có thể cho Hoài email của Thảo không? Hoài thấy Thảo muốn làm Mentor. Thanks Thảo nghen.
Hoài
Linh Nguyen says
Chào chị, cảm ơn bài chia sẻ của chị.
Em đang có dự định học MBA với chi phí tiết kiệm và có tìm hiểu về chương trình học của trường the University of People. Chị cho em xin đánh giá của chị về tổ chức giáo dục này cũng như chương trình học MBA ở đây được không ạ.
Em xin cảm ơn chị.
Nguyễn Quốc B says
Chào chị!
Em có một thắc mắc là em muốn đăng ký du học thạc sĩ, nhưng đa số các trường đại học ở Mỹ thì thường ghi học bổng có giá trị vài ngàn đô, không đủ 1/5 học phí hàng năm. Còn học bổng fully funded thì hầu như rất ít.
Chị cho em hỏi là em nên tìm học bổng nào để khi đi học thì qua không phải lo ngại về học phí nữa ạ!
Finding School says
Bài viết thật hữu ich và chi tiết! Cảm ơn bạn, chúc bạn thật nhiều sức khỏe.