Vậy nên, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới của tôi (Chi) và chồng tôi (Joe hay còn gọi là “The Present Husband” 🙊), tôi tổng hợp lại một số bài viết ngắn về chúng tôi: Chuyện của Chi & Joe. Ngoài ra, tôi cũng làm một điều mà tôi chưa từng làm bao giờ ở Mini Post, đó là viết thêm cập nhật (update) để bình luận vào nội dung bài viết cũ. Tôi cảm thấy đây sẽ là một Mini Post thú vị vì nó cho bạn đọc thấy hết được câu chuyện của chúng tôi từ lúc mới quen tới khi lấy nhau, có em bé; và đồng thời cùng tôi nhìn lại những gì mình đã viết và trải nghiệm trong quá khứ.
Chi & Joe quen nhau như thế nào?
Bài viết dưới đây được đăng ngày 16/2/2017, trong chuyến đi Sapa—một dịp hiếm hoi chúng tôi về cùng Việt Nam.
Năm đó tôi đi du lịch từ Việt Nam cùng bà ngoại, còn Joe từ Mỹ đến thăm gia đình ở Việt Nam và đi sang Trung Quốc chơi. Vì chồng tôi sinh ra ở Mỹ nên vốn tiếng Việt của anh ấy rất hạn chế (mặc dù bố mẹ là người Việt). Trong khi đó, tour chúng tôi đi lại là tour tiếng Việt, sử dụng nhiều từ vựng Hán Việt khá khó. Vì thương cảm cho bạn cùng đoàn tour không biết tiếng, tôi giúp phiên dịch cho Joe một vài đoạn và chúng tôi dần thành bạn của nhau. Nghĩ lại thời đấy, ấn tượng của tôi về chồng tôi là một cậu con trai bắng nhắng, suốt ngày chọc tôi cười, và lẽo đẽo đi theo bà cháu tôi hết nơi này đến nơi khác.
Sau chuyến du lịch Trung Quốc, chúng tôi có gặp lại ở Hà Nội trước khi Joe về Mỹ và trao đổi email với nhau. Lúc đó Joe (không hiểu tại sao) chợt nói là anh tin rằng chúng tôi sẽ gặp lại nhau tại Mỹ, lấy nhau, và sẽ sống rất hạnh phúc. Nghe thế tôi tròn mắt nghĩ: “Trời, cái tay này điên thật! Mình phải chuồn lẹ thôi”.
Ấy thế mà lại không chuồn được! 6 năm sau đó là 6 năm xa cách. 4 năm đầu chúng tôi vẫn giữ liên lạc như 2 người bạn bình thường (tôi có nhiều bạn ở nước ngoài). Bắt đầu từ khi còn chưa có smartphone chỉ email và chat yahoo đến khi có điện thoại Blackberry để nhắn tin, rồi đến khi có Skype rồi Samsung/Apple.
Đến khi tôi sang Mỹ học, chúng tôi gặp lại và bắt đầu hẹn hò lần đầu tiên. Khoảng cách dù gần hơn nhưng cả hai lại ở hai đầu nước Mỹ, phải bay tới hai chặng mới tới được. Vậy mà suốt gần 2 năm, một tháng 1-2 lần chúng tôi đều cố gắng gặp nhau ở đâu đó trên đất Mỹ. Yêu xa rồi lại yêu gần, yêu gần rồi lại yêu xa. Đến năm vừa rồi chúng tôi mới về lại được một nhà, lần đầu tiên ở cùng một thành phố, lần đầu tiên sắm Noel cùng nhau, lần đầu đi tìm nhà ở, lần đầu nấu ăn chung… Những ngày này ở Sapa càng làm tôi nhớ lại chặng đường chúng tôi đã vượt qua để bên nhau. Chung quy có lẽ cũng là một chữ “duyên”. Vậy mà cũng sắp kỷ niệm 2 năm ngày cưới rồi./.
Nói đùa vậy thôi nhưng dù lời bác nói có đúng hay không, tôi cũng nghĩ việc bọn tôi lấy được nhau thực sự đúng là “kỳ tích”. Mọi người ai cũng nói yêu xa sẽ không thành, nói tôi gặp nhau sai thời điểm, sai địa điểm, nói rằng chúng tôi quá khác nhau về tính cách, sở thích, văn hóa… Nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn thành đôi. Bởi vậy Chi & Joe ở đây là minh chứng sống cho những ai đang yêu và đang tìm tình yêu là: yêu xa hoàn toàn có thể đưa đến cái kết có hậu; nếu bạn tìm được đúng người thì dù có gặp mặt ở sai địa điểm, sai thời điểm, các bạn cũng sẽ tìm lại được nhau. (Nghe hơi giống lời thoại phim “Hạ cánh nơi anh” của Hàn Quốc 😅)
Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 được biết đến với người làm nghiên cứu về Giáo dục tại Mỹ là thời gian diễn ra một hội thảo đầu ngành, có tên là AERA (American Education Research Association). Còn đối với riêng chúng tôi, đây là thời gian kỉ niệm lần Joe cầu hôn tôi ở Chicago (tháng 4/2015).
Thời đó, chúng tôi còn ở hai đầu nước Mỹ, mỗi lần muốn gặp là phải bay tới hai chặng mới đến được chỗ nhau. Vì vậy, tôi thường dùng thời gian đi hội thảo ở thành phố khác (thường ở giữa hai đầu Nam-Bắc) để gặp Joe. AERA 2015 ở Chicago là một trong những lần như thế. Ai đã từng nộp bản thảo hay thuyết trình ở AERA thì cũng biết hội thảo này có tính cạnh tranh rất cao, và vì thế, thường xảy ra các cuộc tranh luận kiểu “cutthroat” giữa các học giả. Sau khoảng 2-3 ngày liên tục ngồi nghe và tranh luận trong môi trường như thế, đầu óc con người cũng thường trở nên sắc nhọn, thực tế, luôn sẵn sàng đặt ra những câu hỏi hóc búa cho mọi vấn đề. (Một chi tiết tưởng chừng không liên quan nhưng có ảnh hưởng lớn đến diễn biến câu chuyện sau này 😂).
Sáng hôm đó, tôi có hẹn với một giáo sư để bàn công việc nên ra ngoài từ sớm. Sau cuộc hẹn, tôi đến gặp Joe ở trung tâm thành phố, không quên mang theo hộp giấy đựng mấy cái bánh còn thừa từ bữa sáng. Chúng tôi đi bộ quanh dòng sông Chicago, đi qua nhiều dãy phố cổ, ngắm rất nhiều du thuyền. Trong suốt chuyến đi, tôi nói (luyên thuyên) rất nhiều, về cuộc hẹn với giáo sư, về đồ ăn sáng, về hội thảo, về kế hoạch trong ngày… trong khi Joe hầu như im lặng (mặc dù thường ngày anh ấy rất thích nói).
Cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở một công viên cây xanh nhỏ, yên tĩnh, nhìn ra bến đỗ thuyền. Bên bộ bàn ghế gỗ ngoài trời, tôi lăng xăng chụp ảnh hoa cỏ, còn Joe lẳng lặng ăn hết số bánh thừa tôi mang đi từ sáng. Được một lúc, tôi ngồi lại xuống ghế, lúi húi cất đồ vào túi. Tôi vừa quay lưng lại thì đã thấy Joe cúi xuống, tay cầm một chiếc nhẫn, hỏi với giọng hồi hộp: “Will you marry me?” (Em sẽ lấy anh chứ?) Đây là một trong những khoảnh khắc khó quên nhất mà cũng khó nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Có lẽ vì có quá nhiều cảm xúc và suy nghĩ đến cùng một lúc, tôi không còn tâm trí để ghi nhớ mọi chi tiết của khoảnh khắc ấy, tất cả bây giờ đều mơ hồ, lung linh, ảo ảnh.
Thông thường ra mà nói, trong trường hợp như thế này, các cô gái sẽ nhảy cẫng lên nói “Có” hoặc cúi mặt xuống, thở dài nói “Không”. Nhưng vấn đề là tôi thuộc tuýp người luôn có những hành động và suy nghĩ “khác lạ” (từ của mẹ tôi), nhất là trong những thời khắc quan trọng 😅. Và vì tôi mới đi ra từ một cuộc hội thảo “cutthroat”, dưới đây là phản ứng của tôi với lời cầu hôn: (dịch từ tiếng Anh)
. Chi: Anh có thể kể ra 3 lý do tại sao em NÊN lấy anh được không?
. Joe: …. Em nên lấy anh là vì anh yêu em, anh làm cho em hạnh phúc, và vì chúng ta bổ sung cho nhau, làm cho nhau tốt lên
. Chi: (Gật đầu) Anh có thể kể ra 3 lý do tại sao em KHÔNG NÊN lấy anh được không?
. Joe: Không nên á? Không có lý do gì cả. Chúng ta hoàn hảo mà.
. Chi: Không, làm gì có hoàn hảo tuyệt đối. Chắc chắn phải có một điểm nào đó… Anh nói đi.
. Joe: Ừm… Em không nên lấy anh vì anh chưa hoàn toàn trưởng thành, vì anh không biết tiếng Việt, và vì em quá thông minh cho anh [Khổ thân Joe-y 😂]
. Chi: (Cười) Em có 2 điều kiện để kết hôn, đó là …. và …. [Đoạn này xin phép giữ bí mật]. Anh có đồng ý không?
. Joe: Anh đồng ý. Em sẽ lấy anh chứ?
. Chi: Có, em sẽ lấy anh (Cười toe toét)
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Đọc đến đây bạn đọc có thể nghĩ rằng tôi không chỉ là một người thiếu lãng mạn mà còn có phần xấu tính nữa. Và đó là sự thật. Kể từ khi chúng tôi mới quen nhau, Joe luôn là người tình cảm hơn, lãng mạn hơn, và tin tưởng hơn vào tương lai của chúng tôi. Tôi là người nhạy cảm hơn và giàu cảm xúc hơn, nhưng (có lẽ vì làm khoa học) tôi cũng hay hoài nghi về sự thật và thường xuyên đặt những câu hỏi “khác lạ” để lật lại vấn đề. Và vì chồng tôi đã quá quen với cách suy nghĩ và hành xử của tôi trong những tình huống kiểu như thế này, anh ấy biết chắc tôi sẽ không bao giờ nói “Có” hoặc “Không” một cách dễ dàng. Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm cầu hôn này, anh ấy lại cười và nói (bằng tiếng Việt): “Ối giời ơi em ơi!” 🤣 ./.
Update 6/2020: Khi viết bài này cách đây 3 năm, tôi nghĩ lại đoạn mình “thương thảo” điều kiện kết hôn và viết về nó một cách hài hước. Nhưng càng sống lâu hơn với nhau, càng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, tôi càng nhận ra mình đã đúng như thế nào khi quyết định đặt ra tất cả các câu hỏi và ra điều kiện trước khi kết hôn. Có thể thời điểm không thực sự phù hợp nhưng tôi không nuối tiếc bất cứ điều gì mình đã nói hôm ấy. Nếu bạn đọc các bài viết trước của tôi về tình yêu và hôn nhân (như “Người ấy” và “Đôi điều về tình yêu”), bạn biết tôi có quan điểm rõ ràng với đối tượng kết hôn: nếu trong mối quan hệ có những điều tôi không chấp nhận được (deal-breaker) tôi sẽ không tiến tới với người đó, còn lại các vấn đề khác tôi có thể bỏ qua hoặc chấp nhận trong giới hạn nhất định. Trong 5 năm kết hôn, chúng tôi nhắc lại 2 điều kiện ban đầu này của tôi rất nhiều lần, và khẳng định chúng tôi sẽ cùng nhau làm gì để không vi phạm 2 điều kiện đó. Ngoài ra, sau ngần ấy năm bên nhau, tôi vẫn là người “khác lạ” như thế 🐵. Tôi đặt rất nhiều câu hỏi và đưa ra các quy tắc trong gia đình. Nếu chồng tôi vì lý do nào đó phải phá vỡ lời hứa/kế hoạch đã định với tôi, anh ấy phải đi vào quá trình “thương thảo” để trình bày lý do, hoàn cảnh, và giải pháp rõ ràng. Tôi từng ngại ngần khi bộc lộ nét tính cách này của bản thân vì người ngoài có thể cho rằng hơi thái quá, nhưng giờ tôi hoàn toàn thấy thoải mái với nó. Những nét tính cách khác lạ và thái quá này khiến tôi là tôi—là Chi của Chi, và là Chi của Joe.
Đám cưới của Chi & Joe như thế nào?
Rất ít người biết về đám cưới của chúng tôi. Ngay cả bạn bè và người thân trong gia đình (trừ bố mẹ hai bên) cũng chỉ biết đến lễ ăn hỏi/đính hôn của chúng tôi ở Hà Nội, chứ không rõ cụ thể chúng tôi tổ chức đám cưới ở bên Mỹ như thế nào. Nói thế nào nhỉ… Đám cưới của chúng tôi tốn tất cả $14 (~300.000 đồng), diễn ra trong 15 phút, tại toà án nơi tôi ở; thành phần khách mời: 01 người.
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Từ khi còn nhỏ, tôi đã không có ước mơ đám cưới “thần tiên”, cô dâu mặc váy trắng đi vào lễ đài tung hoa, hàng trăm quan khách vỗ tay, bánh cưới, sâm-panh nổ đùng đoàng… như các bạn gái khác (mặc dù tôi rất thích đi dự và tổ chức những đám cưới kiểu như thế này). Tôi còn nhớ hồi học lớp 4, tôi có viết vào sổ nhật ký là: “mơ ước thầm kín: tổ chức đám cưới ngoài đảo hoang không có một bóng người” 😅. Cũng không biết từ đâu tôi có ý tưởng “ngược đời” như thế, nhưng tôi luôn biết chắc rằng mình sẽ không có một đám cưới truyền thống.
Vào giữa tháng 5/2015, tôi và Joe trở lại Mỹ sau khi tổ chức lễ ăn hỏi ở Hà Nội, bọn tôi bắt đầu bàn xem kế hoạch tổ chức đám cưới ngoài đảo (hoang) sẽ ra như thế nào (không hiểu thế nào tôi lại tìm được ngay đối tượng kết hôn có cùng chung ý tưởng như vậy). Tuy nhiên, thời điểm đó chúng tôi vẫn ở 2 đầu nước Mỹ và đều rất bận công việc, tính toán phải đến 1 năm sau mới có điều kiện tổ chức. Cùng thời gian đó, trong quá trình tìm hiểu về đăng ký kết hôn, chúng tôi phát hiện ra mình có thể tổ chức “legal ceremony” – một đám cưới “hành chính” tại toà án. Tất cả chỉ cần 1 tờ giấy đăng ký kết hôn ($14) và một thẩm phán đồng ý làm lễ ($0). Vậy là trong 1 tuần duy nhất Joe còn ở lại State College, chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới.
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Ban đầu tôi định mặc một cái váy trắng ngắn có sẵn ở nhà, đi bốt cao cổ, đầu đội mũ phớt đến làm lễ (không hiểu tại sao luôn 🤣). Nhưng về sau, xem lại bộ ảnh đám hỏi ở Hà Nội, nhớ mẹ chăm chút cho tôi từ cái tất chân đến hoa cài tóc, tôi cảm thấy nếu làm cho (hơi hơi) giống đám cưới truyền thống một chút, mẹ có thể sẽ vui hơn. Vì thế, tôi chọn mua và mặc một cái váy trắng dài, hở lưng ở một tiệm chuyên phong cách Bô-hê-miêng, còn Joe thắt nơ (bow ties) và mặc gi-lê thay vì com-lê, ca-vát. Buổi sáng ngày tổ chức đám cưới, tôi tự trang điểm và làm tóc cho mình, còn Joe mua hoa cầm tay cho tôi ở một tiệm gần nhà. Khách mời duy nhất, kiêm người làm chứng, và kiêm luôn thợ chụp ảnh là một người bạn tốt của tôi, Tiệp Vũ (nhân vật tôi từng phỏng vấn trên blog).
Cả ba bọn tôi chạy xe đến toà án, ngồi đợi bà thẩm phán giải quyết xong một vụ kiện tụng, lổm nhổm giữa một loạt các bác da trắng trông rất “đầu gấu” (thử tưởng tượng cảnh ba đứa Châu Á ngồi ngơ ngác ở một toà án địa phương, một trong hai đứa mặc váy dài sườn sượt, môi đỏ chót, cài hoa trên đầu 😳)
⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀⠀
Bà thẩm phán rất thân thiện, vừa nhìn thấy chúng tôi đã cười, nói “Chúc mừng nhé” và dẫn cả ba vào phòng làm lễ. Tôi và Joe đứng quay mặt vào nhau còn bà thẩm phán đứng giữa (giống như trong phim Mỹ). Bà đọc câu thề nguyền (vows) trước và chúng tôi lặp lại sau. Đây có lẽ là một trong những thời khắc kỳ lạ nhất trong đời tôi vì nó diễn ra rất, rất, rất chậm. Tưởng như mọi thứ xung quanh đều dừng lại, cả thế giới chỉ còn có chúng tôi và lời của bà thẩm phán. Có một cảm giác gì đó vô cùng thiêng liêng và xúc động ở thời điểm đó mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được. Buổi lễ chính thức diễn ra chỉ khoảng 5-7 phút nhưng tôi có cảm giác như 1 giờ đồng hồ. Sau khi được tuyên bố chính thức là vợ chồng, chúng tôi hôn nhau, cầm giấy kết hôn lên và chụp một tấm ảnh. Tất cả chỉ có thế.
Đối với chúng tôi, đây là một lễ cưới hoàn hảo. Nó hoàn hảo đến mức cả hai không còn nhu cầu tổ chức đám cưới ngoài đảo nữa, để lại cho kỷ niệm mãi mãi vẹn nguyên là ngày hôm đó. (Hay có thể viết là “ngày hôm nay” (26/5) – Kỷ niệm 2 năm ngày cưới) 😊./.
Update 6/2020: Khi kết hôn, tôi chưa biết đến Chủ nghĩa tối giản, thậm chí khi đó còn sống tương đối “tối đa”. Nhưng sau này nghĩ lại, đám cưới có lẽ là điều tối giản nhất tôi từng làm. Mỗi khi tôi chia sẻ câu chuyện này, rất nhiều bạn ngạc nhiên không hiểu họ hàng, làng xóm hai bên sao có thể để chúng tôi tổ chức tiệc riêng như vậy— họ hỏi: “Mọi người nói sao?”. Sự thực là, tôi không quan tâm 🙉. Có lẽ vì khoảng thời gian trước đó (nói đúng hơn là 25 năm đầu đời) tôi đã sống với tâm lý của một người con gái Việt ngoan ngoãn, nhũn nhặn, đón ý, chiều lòng mọi người rồi. Riêng với đám cưới của mình, tôi cảm thấy mình đã sống quá đủ để chiều lòng tất cả, giờ mình chỉ làm điều hợp với mình và Joe mà thôi. Tôi không cổ xúy mọi người theo phong cách đám cưới tối giản này vì tôi biết không phải ai cũng làm được. Nhưng thông điệp của tôi là nếu bạn có mơ ước gì cho đám cưới của mình (dù có “điên rồ” đến đâu) hay cứ làm nó nếu bạn muốn, đừng miễn cưỡng làm điều gì mình không muốn chỉ vì để chiều lòng bất kỳ ai.
Chi & Joe và những giai đoạn khó khăn
Bài viết dưới đây được đăng vào 26/9/2018 trong một thời điểm tương đối buồn và khó khăn với hai vợ chồng và bạn bè chung.
Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã chứng kiến ít nhất 3 cặp vợ chồng bạn mình chia tay, 2 trong số đó đã có con chung. Tất cả đều còn trẻ, có học thức, từng có tình yêu đẹp, và đặc biệt đều là những người có nhân cách tốt, hành xử văn minh. Bởi vậy, thật khó có thể đoán được lý do tại sao hôn nhân của họ lại đổ vỡ nhanh như thế.
Tất nhiên, “ở trong chăn thì mới biết chăn có rận” — không cặp đôi nào là hoàn hảo cả; nhưng gần đây tôi có cảm giác là nhiều đôi vợ chồng tối ngày mắng chửi nhau, gọi nhau “tao-mày”, thậm chí đánh nhau lại vẫn có thể chịu đựng ở bên nhau ngọt nhạt được, còn nhiều đôi bình yên, lịch sự, biết tôn trọng lẫn nhau thì lại có những đợt sóng ngầm nào đó khiến họ chia tách rất nhanh. Đôi khi, tôi nhìn vào Joe và tự hỏi: “Liệu có lúc nào bọn mình buông tay?” … Người ta nói chuyện gì trên đời cũng có thể xảy ra được, nhưng dù vì lý do gì đi chăng nữa, chia lìa một người mà mình từng cho là “nửa kia của tâm hồn” cũng thật xót xa.
Nhìn lại những giai đoạn khó khăn nhất trong những năm đầu kết hôn, tôi nhận ra vợ chồng mình xa cách nhất khi: (1) sống xa nhau trong khoảng thời gian dài, (2) thiếu giao tiếp, trao đổi thẳng thắn, trung thực về các vấn đề trong cuộc sống, và (3) ít thời gian riêng tư chỉ dành cho hai người. Đôi khi những rạn nứt nho nhỏ trong đời sống hàng ngày dần dần tích tụ cũng sẽ gây ra những tổn thương lớn không kém gì những hành động tồi tệ như bồ bịch, bạo hành.
Tôi thường nghĩ tình yêu như một cái cây non trong chậu, nếu mình quan tâm chăm sóc, tưới tắm, sưởi nắng cho nó mỗi ngày nó sẽ lớn dần lên. Một lúc nào đó nó lớn quá mức mình sẽ bỏ ra khỏi chiếc chậu chật chội và gieo nó vào mặt đất màu mỡ, rộng rãi hơn để rễ của nó được bện chặt, chắc chắn hơn nữa. Nhưng không phải vì nó đã yên vị ở mặt đất rồi mà mình có thể mặc kệ để thiên nhiên tự xoay vần, nắng mưa đổ lên nó thế nào cũng được. Cây to cũng cần phải được yêu thương và quan tâm như cây non vậy… Để cho những tán cây tiếp tục vươn ra mạnh mẽ, trưởng thành, vững chãi, nhưng tâm hồn thì vẫn non trẻ tựa mầm xanh…
Update 6/2020: Khi bài viết này mới được đăng, một số bạn có nhận xét rằng: khi có con mọi thứ sẽ thay đổi, vợ chồng không còn thời gian cho nhau, không tâm sự, không chia sẻ được như trước. Ở thời điểm đó tôi mới có bầu nên chưa có kinh nghiệm thực tế để phản hồi những nhận xét này. Giờ con chúng tôi đã gần 2 tuổi, tôi có thể tự tin nói rằng: Tất cả những điều tôi viết trên đây đều áp dụng được cho vợ chồng với con nhỏ, thậm chí, khi có con, bạn càng cần làm những điều trên hơn ai hết. Tất cả mọi tâm tư trong cuộc sống, bao gồm cá những việc phức tạp liên quan đến con và nội ngoại hai bên, nếu không có sự trao đổi thường xuyên, cởi mở, hai vợ chồng sẽ rất dễ trở nên bận rộn, thờ ơ, đi qua nhau như người dưng. Thường xuyên làm mới mối quan hệ là điều vô cùng, vô cùng quan trọng và cần thiết trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào, dù bạn có con hay không.
Sau đây chắc ai đó lại nhận xét là: Nhưng nếu có 2 con hoặc hơn thì sao? 🙈 Sự thật là, mặc dù hơi khó nghe, nhưng bố mẹ cần ngừng việc đem con cái ra làm lý do cho mọi vấn đề hôn nhân của mình. Có con tất nhiên nhiều việc hơn, có nhiều con thì càng nhiều việc hơn nữa, nhưng đây là lựa chọn của bố mẹ từ ban đầu đề sinh con—con không có lỗi. Khi bố mẹ đã quyết định có con thì cũng coi như bố mẹ đã cam kết phải cố gắng hơn nữa để cho con một gia đình tốt, điều này cũng bao gồm bố mẹ cố gắng gắn kết, hàn gắn hết mức có thể. Tuy nhiên, có những trường hợp bố mẹ không thể tiếp tục đi cùng nhau nữa, bố mẹ cần làm rõ cho con hiểu: đó không phải là lỗi của con.
Vài hôm trước tôi đọc được câu này trên mạng: “Đằng sau một người đàn ông thành đạt có bóng dáng người phụ nữ. Còn đằng sau người phụ nữ thành đạt là…cái bóng của chính cô ấy.” Tôi bật cười. Nếu là cách đây 5-7 năm, có lẽ tôi đã đập đùi đen đét, vỗ tay với câu nói này. Nhưng sau khi kết hôn, bắt đầu cuộc sống mới ở nước ngoài, và có con nhỏ, cái nhìn của tôi khác đi rất nhiều.
Mặc dù là tuýp phụ nữ độc lập, tôi có thể khẳng định rằng mình không thể đứng ở vị trí ngày hôm nay nếu không có sự hỗ trợ từ rất nhiều người, đặc biệt trong số đó là chồng (hay gọi với cái tên mỹ miều là: “người đàn ông của tôi” ). Đừng hiểu lầm. Tôi không nghĩ mình đã thành đạt, vì sự nghiệp của tôi mới chỉ bắt đầu. Nhưng nghĩ lại từ điểm xuất phát là một cô sinh viên mới ra trường mang giấc mơ sang Mỹ du học đến bây giờ khi sắp có bằng Tiến sĩ, đã có việc làm và gia đình ổn định tại Mỹ, tôi nghĩ mình đã đi được một chặng đường dài. Và con đường đó tôi đã không, và có lẽ cũng không thể, bước một mình.
Khi chúng tôi kết hôn năm 2015, chồng tôi là chủ một nhà hàng đang làm ăn phát đạt ở Florida, còn tôi mới vừa học hết năm đầu tiên Tiến sĩ ở Pennsylvania. Những ai từng đọc câu chuyện của chúng tôi thì cũng biết rằng ngay từ khi mới quen cho đến lúc cưới, chúng tôi hầu như sống xa nhau—hàng năm trời cách nhau hai nửa địa cầu, rồi lại đến hai đầu nước Mỹ. Bởi vậy, ý nghĩ cưới nhau rồi lại tiếp tục sống xa nhau thực sự mệt mỏi. Nhưng hoàn cảnh của tôi rất khó di chuyển vì phải đi làm ở trường theo chương trình học bổng. Vì thế chồng tôi quyết định hy sinh sự nghiệp, ngừng công việc làm ăn ở Florida và chuyển đến Pennsylvania ở cùng tôi. Đây là lần đầu tiên trong 6-7 năm quen nhau chúng tôi mới ở chung một nhà!
Kế hoạch ban đầu là chồng tôi sẽ mở một nhà hàng mới ở nơi thành phố nơi tôi theo học. Chúng tôi đã tiến xa đến mức đặt cọc tiền mặt bằng một cửa tiệm. Nhưng tính toán về thời gian và thời điểm không phù hợp nên chồng tôi quyết định gác lại ý tưởng kinh doanh và đi làm thuê trước để học hỏi kinh nghiệm. Nghĩ lại, đây là một quyết định sáng suốt vì cuộc sống hôn nhân ban đầu rất nhiều điều phải thích nghi; nếu cộng thêm áp lực mở nhà hàng, hôn nhân chúng tôi có lẽ đã không êm đềm được như ngày nay.
Nhưng từ vị trí ông chủ, có tiếng nói, có thu nhập cao chuyển xuống làm những vị trí bình thường (quản lý nhà hàng, đầu bếp, bồi bàn…) với mức lương thấp hơn hẳn không phải là một sự chuyển đổi dễ dàng. Đổi lại nếu là tôi ở vị trí đó, chưa chắc tôi đã làm được. Nhưng chồng tôi lại rất khác. Anh ấy thích nghi rất nhanh, đổi vị trí làm thường xuyên để học thêm nhiều góc cạnh của công việc kinh doanh nhà hàng, và sẵn sàng giảm bớt nhu cầu cá nhân để phù hợp thu nhập mới (#minimalism). Mỗi lần bắt gặp ánh mặt ái ngại và tội lỗi của tôi khi thấy chồng đi làm về mồ hôi ướt áo, trầy tay, bỏng da…, chồng tôi thường nói: “Anh thích những công việc này mà! Bớt stress hơn hẳn khi làm chủ nhà hàng, lại còn học thêm được bao nhiêu điều mới… Thật mà! Xem này, nếu còn như ngày xưa thì ai mà về giờ này làm pizza cho em ăn được!” Đúng là tôi ăn nhiều pizza thật.
Thoáng cái hơn ba năm trôi qua, tôi gần hoàn thành chương trình Tiến sĩ và bắt đầu tìm việc; tưởng như cơ hội cho sự nghiệp và dịch chuyển của cả hai sắp trở lại. Thế nhưng cuộc sống có nhiều ngã rẽ bất ngờ: Chúng tôi có em bé (!) và gần đây nhất, tôi có việc làm ngay trường đại học mình theo học. Cả hai điều này đều tuyệt vời nhưng đưa đến một câu hỏi lớn: Ai sẽ là người chăm con nếu cả hai vợ chồng đi làm cả tuần, từ sáng đến tối? Cân nhắc nhiều lựa chọn, cuối cùng, chồng tôi tự đưa ra quyết định anh ấy sẽ ở nhà chăm con hoàn toàn — chỉ đi làm vào cuối tuần hoặc buổi tối khi con ngủ. Ít nhất cho đến khi con đủ cứng cáp để gửi đi nhà trẻ (theo tính toán của chúng tôi là tới cuối năm nay). Vậy là một lần nữa, chồng tôi lại hy sinh sự nghiệp, hy sinh bản thân cho gia đình nhỏ của chúng tôi.
Phải những ai đã chăm em bé một mình thì mới hiểu rằng ở nhà trông con vất vả HƠN RẤT NHIỀU đi làm. Trẻ nhỏ cần để ý 24/7, không lúc nào được nghỉ ngơi; con ngủ thì cũng phải tranh thủ dọn dẹp, nấu ăn, rửa bình sữa, giặt quần áo; con dậy thì phải cho con ăn, tắm cho con, đọc sách cho con, chơi với con… Đó cũng là một phần lý do tại sao chồng tôi khuyến khích tôi đi làm vì anh ấy từng thấy tôi bơ phờ như thế nào khi ở nhà. Nhưng chồng tôi thì khác, anh ấy tiếp tục thích nghi rất nhanh. Những việc cho con ăn, thay tã, tắm cho con, cho con ngủ… chồng tôi đều làm rất khéo. Anh ấy cho con làm chung tất cả mọi việc, ăn khi con ăn, ngủ khi con ngủ, mang con đi siêu thị, đưa con đi thư viện, đọc sách cho con hàng ngày… Chồng tôi còn kiêm luôn việc đưa đón tôi đi làm và chuẩn bị đồ ăn cho tôi hàng ngày. Những ngày đầu đi làm bỡ ngỡ, vất vả, nhưng mỗi lúc giữa giờ mở hộp cơm trưa chồng khéo léo sắp xếp xinh xắn, ngon lành, tôi lại cảm thấy biết ơn là vì sự hy sinh của chồng, mình mới được ở đây, trong ngày hôm nay, và được làm những gì mình thích.
Đừng hiểu lầm. Chồng tôi không phải là người hoàn hảo. Hôn nhân của chúng tôi cũng có những vấn đề riêng. Nhưng cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn cảm thấy mình may mắn khi có người bạn đồng hành tin cậy bước chung một con đường. Đằng sau một người phụ nữ thành đạt, đối với tôi, là hình bóng một người đàn ông dám hy sinh.
Chúc mừng Ngày Của Bố đầu tiên tới bố Jaden!
Update 6/2020: Tiếp nối câu “cuộc sống có nhiều ngã rẽ bất ngờ” trong bài này, sau khoảng nửa năm Joe ở nhà chăm Jaden cả ngày và đi làm ca đêm 3 buổi/tuần (vất vả không thể kể thành lời), thì Jaden bắt đầu đi nhà trẻ. Joe trở lại đi làm và chúng tôi mới vừa bắt đầu bàn bạc mở doanh nghiệp trở lai. Ai ngờ đâu Covid-19 ập đến, nhà trẻ đóng cửa đã 3 tháng nay và chúng tôi lại trở về vạch xuất phát ban đầu. Thời gian này, tôi vẫn làm việc ở nhà; may mắn là trong nhà cho phòng riêng để làm việc nên tôi có thể đóng cửa vào tập trung làm còn Joe trông Jaden bên ngoài. Chúng tôi tiếp tục trong vai working mom (mẹ đi làm) và stay-at-home-dad (bố ở nhà). Đây không phải là mô hình gia đình “truyền thống” nhưng là điều tốt nhất cho gia đình của tôi.
Rất nhiều người, kể cả những người đã quen Joe từ tấm bé, đều ngạc nhiên làm sao Joe có thể làm bố toàn thời gian như vậy được. Nhưng nếu bạn theo dõi câu chuyện của chúng tôi từ những ngày đầu tiên, bạn có thể thấy được lý do rất rõ ràng: Tất cả những điều Joe làm từ trước tới nay là vì anh ấy yêu vợ. Thật vậy. Chồng tôi không phải loại đàn ông cho những việc vợ hy sinh vì mình là hiển nhiên và bóc lột sức lao động của vợ để phục vụ cho gia đình mình và gia đình chồng đến tả tơi mà chưa chắc đã hài lòng. Chồng tôi làm rất nhiều điều cho tôi vì anh ấy không muốn tôi quá vất vả.
Ngay như đối với The Present Writer, có những thời điểm tôi quá bận với việc học và việc làm hành chính nhưng đêm xuống vẫn vùi đầu vào viết lách (mà không thu lại bất kỳ lợi nhuận gì, chỉ viết vì đam mê). Chồng tôi từng rất bức xúc, anh ấy nói: Anh làm mọi việc trong nhà, anh đưa đón em, anh nấu ăn cho em chỉ để em có chút thời gian nghỉ ngơi, thư giãn; mà tại sao em vẫn “điên rồ” đêm ngày vất vả làm blog? Bỏ nó đi! Nhưng sau này, khi thấy tôi có niềm vui khó diễn tả với viết lách, khi thấy tôi hạnh phúc hơn vì được viết, chồng tôi thay đổi thái độ hoàn toàn. Dù vẫn nhắc tôi phải nghỉ ngơi, anh ấy tham gia vào giúp tôi nhiều hơn. Tất cả plug-ins xây dựng website này là do chồng tôi tìm tòi và thử nghiệm, mặc dù anh ấy không đọc được tiếng Việt 😊
—–
Tôi viết ra những điều này không phải vì muốn “khoe chồng” vì như tôi đã viết, mối quan hệ của chúng tôi không hoàn hảo. Chúng tôi từng đi tư vấn tâm lý cho cặp đôi (couple therapy) rất nhiều lần (có những lần lên tới hàng tháng trời); nhưng sau mỗi đợt tư vấn, chúng tôi luôn bước ra cảm thấy rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, và tin tưởng nhau hơn. Người ta vẫn nói chuyện vợ chồng khó mà đoán trước được tương lai, hôm nay như thế nhưng biết ngày mai sẽ thế nào… Tôi lại nghĩ khác, nếu nhìn từ khía cạnh tích cực thì điều đó có nghĩa là chuyện vợ chồng là một câu chuyện mở—câu chuyện của Chi & Joe là câu chuyện mở— và vì nó vẫn mở, chúng tôi sẽ có nhiều điều mới để kể cho mọi người. Nếu mọi chuyện đã an bài, chúng ta biết mình sẽ nắm tay nhau đi đến hết con đường đời thì có lẽ ta đã chán nản, đã không muốn cố gắng cho nhau, đã không nỗ lực viết tiếp những trang mới thú vị của chuyện chúng mình, đúng không nhỉ?
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Giang Nguyen says
Thật sự em rất ngưỡng mộ những tình cảm và hi sinh của cả 2 anh chị trong công việc và cuộc sống. Bài viết này còn là 1 nguồn động lực để các cô gái yên tâm bước vì sẽ yêu đúng lúc gặp đúng người ở một thời điểm đúng. chúc gia đình nhỏ của chị Chi anh Joe và bé Jaden luôn hạnh phúc <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều! Các cô gái cứ yên tâm bước nhé, tình yêu sẽ luôn ở đó 🙂
Tùng says
Chúc mừng chị và gia đình. Quả thực ai có con nhỏ mới biết cực như thế nào. Người này đi làm đừng nghĩ là người kia ở nhà “có mỗi việc trông con thôi mà làm cũng không xong”, đó là cả một cuộc chiến vất vả, với đàn ông lại càng vất vả. Chúc gia đình chị mãi hạnh phúc.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Tùng đã đọc và comment. Quả thực câu: “Có mỗi việc trông con mà làm cũng không xong rất gây tổn thương. Hy vọng đừng ai nói câu này cho người ở nhà
Minh Hương says
Em đang bầu bé đầu sắp sinh, nghĩ tới cảnh 12h đêm chồng em lọ mọ rửa chén ngâm đậu sáng sớm nấu xôi cho vợ mang đi làm ăn em và thêm bài viết sáng nay của chị nữa em ko cầm được nước mắt. Thật là những ông bố vĩ đại, sâu sắc và đầy tình cảm. Chúc gia đình chị Chi nhiều sức khoẻ và chị luôn giữ được tâm hồn “non trẻ tựa mầm xanh“.
P/s: không liên quan nhưng cái đoạn xin lỗi người yêu cũ của chị làm em cười đau cả ruột. Chị Chi dí dỏm phết 😂
Chi Nguyễn says
Chúc em sớm mẹ tròn con vuông nhé! Có con hai vợ chồng sẽ bận thêm lắm đây, nhưng có chồng chịu khó mình cũng yên tâm phần nào em nhỉ. P/S: Chị hồi trẻ dở hơi, ẩm ương lắm nên lúc nào có cơ hội xin lỗi là phải xin lỗi các nyc ngay 😀
Thảo says
Đọc thích thật đó. Chị vẫn mãi mãi là fan của em.
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị <3
Huong says
E thật sự học được rất nhiều từ các bài viết của c, c viết rất giản dị chân thật, như kiểu câu chuyện nghe từ chị gái kể lại vậy. mong chị và gia đình sẽ luôn khoẻ để e tiếp tục đón đọc các bài viết của c.
E cũng mới bước vào cuộc sống hôn nhân và e đồng ý là mối quan hệ nào cũng sẽ có up down quan trọng là 2 ng trong cuộc có cùng nhau giải quyết hay không mà thôi. Đúng là cái cây phải chăm bón nó mới lớn lên được. Mỗi 1 bài mới c viết e đều học hỏi được điều gì đó và áp dụng cho cuộc sống, ngày hnay tốt hơn ngày hqua là được.
Wish you all the best chị ơi <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết và chia sẻ. Chị thích viết những thứ mà chị ước ngày xưa lúc mình mới có trải nghiệm (như lấy chồng, đi du học, sống một mình…) có ai đó chỉ cho mình mà khi đó không có. Chị rất vui vì em thấy có nhiều điều học được qua trang viết của chị 🙂
Hai-Anh says
Em chào chị Chi.
Em được biết đến chị qua một cô bạn gái mà em rất thích (vì cô bạn này rất hay ho, thông minh và sâu sắc) và em đã thích chị Chi ngay lập tức luôn!
Trong tất cả các bài mà chị viết, bài nào em cũng thích, cũng thấy hay, nhưng có lẽ em thích bài viết này hơn tất cả, chẳng hiểu sao. Có lẽ vì bản tính em hay thích đọc về relationships/ marriage, bài này chị Chi viết hay và chân thành ấm áp, đọc lúc thì buồn cười (đoạn pizza) lúc lại xúc động (những đoạn anh Joe “hi sinh” cho sự nghiệp của chị)
Em chúc gia đình nhỏ của chị luôn đầm ấm và nhiều tiếng cười chị nhé x) Em cảm ơn chị vì bài viết rất rất hay ạ!
P/s: Đoạn chị hỏi: “Tại sao em nên lấy anh?” làm cho em nhớ lại lần bạn trai em hỏi em xem liệu là em có đồng ý làm bạn gái anh ấy không, em cũng hỏi: “Tại sao anh nên là bạn trai của em?” hahaha = ) Nhưng quả thật em thấy câu: “Tại sao em không nên lấy anh?” của chị Chi rất sâu sắc!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã tìm đến blog của chị :D. Câu hỏi cho bạn trai em dễ thương quá, để dành câu “Tại sao em không nên lấy anh” làm vốn sau này nhé (nhưng đừng tiết lộ là vì chị không là anh ấy tìm chị “mắng vốn” nha :D)
Phan Thu Trinh says
Các bài viết của chị Chi truyền cho em rất nhiều động lực và suy nghĩ tích cực về cuộc sống. Chúc chị Chi và gia đình nhỏ luôn luôn hạnh phúc! Và em chúc chị tiếp tục sự nghiệp viết lách để tiếp tục là nguồn cảm hứng cho những người như tụi em ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều <3
Hong Nguyen says
Không hiểu sao đọc bài viết này của chị mà em thấy xúc động, rưng rưng nước mắt. Hàng ngày em vẫn dõi theo chị trên instagram và cảm thấy rất biết ơn chị vì những giá trị chị dành cho cộng đồng ạ ❤️ Dù đôi khi chỉ là những bức ảnh hay video về Jaden thôi em cũng thấy vui ^^ chúc chị và gia đình luôn mạnh khoẻ và an yên.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều. Đọc comment của em chị cũng cảm thấy xúc động quá. Em làm chị muốn chia sẻ nhiều hơn <3
Hiếu Tâm says
Chị ơi, đọc đến đoạn chị in đậm “Tất cả những điều Joe làm từ trước đến nay là vì anh ấy yêu vợ.” Cảm động quá chị ạ. Nhìn chị và gia đình hạnh phúc mà em thấy ấm lòng!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều. Chúc em cũng có nhiều hạnh phúc với gia đình nhé!
Quỳnh Hương says
Em đã rơm rớm khi đọc bài của chị. Vừa thực tế, chân thành lại đầy tích cực. Chúc chị, anh Joe và bé luôn khoẻ mạnh, vui tươi để thực hiện được những kế hoạch lớn trong tương lai nhé. Yêu chị, cám ơn chị vì tất cả <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em vì sự đồng cảm <3
An Coong says
Thật tuyệt vời khi có thể ghi lại tất cả cảm xúc ở từng ấy thời điểm, qua từng năm tháng, đọc bài này của bạn khiến mình cảm thấy yêu đời và yêu người bên cạnh mình hơn, cảm ơn bạn
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và đồng cảm. Bao nhiêu năm tháng bên nhau có vui có buồn nhưng nếu nhìn lại từng khoảnh khắc thì mình vẫn thấy hạnh phúc 😡
Thanh Tâm says
Chúc mừng gia đình nhỏ của chị.
ước mơ của em cũng là tổ chức một đám cưới “bí mật” như anh chị đó ạ. Suy nghĩ đó hình thành đã rất lâu rồi nhưng bạn bè và những người xung quanh rất không ủng hộ “ý tưởng dễ thương” như vậy. Sau bài viết của chị, ước mơ đó của em lại quay trở về. Cảm ơn chị.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Đến giờ này thi thoảng cũng có người hỏi chị: “bao giờ tổ chức lại đám cưới vậy?” vì họ cảm thấy chưa được “ăn cỗ” to. Chị chỉ cười thôi, nói có thể sẽ tổ chức 50 năm ngày cưới chăng :). Mỗi người một quan điểm nhưng cả 2 đứa bọn chị đều thấy đám cưới của mình là hoàn hảo nhất
Nguyen Thu says
mình đã mua và đọc cuốn sách ‘một cuốn sách về lối sống tổi giản” của Chi.và được biết đến Blog này.Mỗi trang blog là một sự tâm huyết của người Viết gửi gắn vào đó và nó truyền cảm hứng đến người đọc 1 cách tự nhiên vô cùng.Mỗi khi mình căng thẳng mình lại tìm về những bài viết của Chi trên blog này để tìm lại sự “bình yên” trong cảm xúc trong suy nghĩ.Cám ơn Chi rất nhiều.chúc bạn và gia đình có nhiều sức khỏe để có thêm nhiều những bài blog hay và ý nghĩa.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn nhiều. Đọc comment của bạn Chi cũng thấy bình yên, nhẹ nhàng
Thuy Do says
C ơi c truyền cảm hứng lắm luôn từ việc học cho đến việc chia sẻ tình cảm.Đúng là nếu chỉ nghe sơ qua là 2 ng yêu xa và k đọc hết những khó khăn 2 ac đã trải qua thì k thể hiểu hết được 🥺. Bọn e cug ở châu âu và chỉ cách nhau có 2-3 tiếng thôi mà covid nên lần trước thì 5 thag ms gặp nhau bây h thì 6 thag r và vẫn kb phải đợi đến bao h….mà e đọc chia sẻ của ac e cảm thấy hâm hộ quá trời luôn 🥺🥺🥺
Cảm ơn c rất nhiều..🥰
Thảo Lê Thị says
Mỗi lần đọc bài của chị Chi em luôn cảm thấy rất nhẹ nhàng và ấm áp trong lòng chị ạ.
Dạo này em kể với mẹ em rất nhiều về chị Chi và hẹn mẹ sáng mai sẽ đọc bài viết này cho mẹ nghe hihi.
Chúc chị Chi và gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc ạ.
Love you!
Phan Thanh Ha says
Đọc bài nào của Chi đều thấy thú vị bởi sự chân thành, sâu sắc mà khiêm nhường! Cảm ơn cháu! Cô học được rất nhiều từ cháu!