Chào bạn đọc The Present Writer (hay giờ là “The FIRE Starter“? 🔥)
Bài viết tuần trước trên blog về Trào lưu FIRE (Financial Independence: Độc lập tài chính & Retire Early: Nghỉ hưu sớm) không ngoài mong đợi đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ bạn đọc. Nhiều bạn nói rằng mặc dù mô hình FIRE còn rất mới ở Việt Nam, nhưng mong muốn độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm thì đã có từ lâu và nhiều người đang thực hiện mục tiêu này với những cách tiếp cận khác nhau. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này—sẽ luôn có nhiều hơn một con đường để tới đích. Tuy nhiên, cái được lớn nhất của FIRE là nó cho ta một con số (4%), một công thức cụ thể (x 25) để tính toán thời điểm ta có thể đạt đến mục tiêu tự do về tài chính. Chính sự cụ thể này tạo nên động lực để mọi người hành động—thay vì chỉ “gật gù” trước những khóa học làm giàu, những workshop về quản lý tài chính… mà không bao giờ bắt tay vào thực hiện.
Tuy vậy, như đã đề cập ở bài viết trước, FIRE không dành cho tất cả mọi người, không tuyệt đối hoàn hảo, và mỗi người phải tự tìm ra con đường riêng để đến được mục tiêu FI/RE của mình. Ý nghĩa chữ “cá nhân” trong “tài chính cá nhân” (personal finance) chính là ở đây.
Để làm rõ hơn khái niệm FIRE và để tạo động lực cho bạn đọc bắt đầu con đường tiến tới tự chủ tài chính (dù có theo FIRE hay không), tôi sẽ trả lời một số câu hỏi thường gặp nhất về FIRE trong bài viết này:
I. FIRE có điểm gì đặc biệt (so với các cách tiếp cận tài chính khác)?
Hiện tại, có vô vàn các cách quản lý tài chính, làm giàu, kinh doanh, đầu tư, tạo nguồn thu nhập thụ động… khác nhau, thượng vàng, hạ cám đủ cả. Bởi vậy, rất khó để so sánh FIRE với các cách tiếp cận tài chính khác nếu không đặt nó vào trong một tham chiếu cụ thể. Theo quan điểm của tôi, nếu đặt tất cả các cách tiếp cận tài chính vào cùng một tham chiếu với cấp độ thấp nhất là “ổn định tài chính” và cấp độ cao nhất là “làm giàu”, thì FIRE có lẽ rơi vào chính giữa. (Xem minh họa dưới đây).
Để làm rõ hơn tham chiếu này, tôi minh họa cấp độ thấp nhất bằng cuốn “The Total Money Makeover” (Thay Đổi Diện Mạo Tài Chính) của Dave Ramsey và cấp độ cao nhất bằng cuốn “Rich Dad, Poor Dad” (Cha Giàu, Cha Nghèo) của Robert Kiyosaki. Cả hai cuốn sách này đã được review và so sánh tại đây.
1. Ở cấp độ “Ổn định tài chính”, các phương pháp tập trung xây dựng một quá trình “chậm mà chắc” để một con người bình thường (ý chỉ phần đông mọi người trong xã hội, làm công ăn lương, không quá kiệt xuất, có xuất thân bình thường) có được tự chủ tài chính. Theo con đường này, một người bình thường cũng có thể trở nên giàu có nhưng cả quá trình sẽ phải mất rất nhiều thời gian vì nó được thiết kế dựa vào các yếu tố: chắc chắn, ổn định, ít rủi ro. Đây là cấp độ mà tất cả mọi người, dù ở hoàn cảnh kinh tế nào, cũng cần phải nỗ lực đạt được để quản lý đồng tiền tốt nhất.
Tiếng nói mạnh mẽ của cấp độ này là chuyên gia tài chính Dave Ramsey với mô hình 7 Bước Nhỏ (7 baby steps). Bạn có thể đọc bài giới thiệu cụ thể 7 bước này tại đây. Tuy nhiên, nói một cách ngắn gọn, 7 bước bao hồm: (1) Tiết kiệm $1,000 cho Quỹ khẩn cấp ban đầu, (2) Trả tất cả các khoản nợ (trừ tiền trả góp nhà), (3) Tiết kiệm 3-6 tháng tiền chi tiêu cho Quỹ khẩn cấp đầy đủ, (4) Đầu tư 15% thu nhập vào tài khoản hưu trí, (5) Tiết kiệm tiền học cho con, (6) Trả hết nợ trả góp nhà, và (7) Xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh.
Bạn có thể thấy, đối với cấp độ này, sự tập trung nhằm vào việc trả dứt điểm các khoản nợ và xây dựng nền tảng tài chính một cách từ từ (với 15% đầu tư vào hưu trí). Điểm mạnh của phương pháp này là sự chắc chắn, ít rủi ro. Điểm yếu là chậm. Nếu bạn bắt đầu muộn, phải dành thời gian đầu để trả nợ, và lương không quá cao, thì với tỷ lệ đầu tư 15% bạn phải đầu tư đến tận tuổi nghỉ hưu trung bình (55-60 tuổi) mới có thể đạt được độc lập tài chính.
2. Trái lại, cấp độ “Làm giàu” nhấn mạnh vào các phương pháp kiếm tiền mạnh bạo để có thể xây dựng nền tảng tài chính hùng mạnh bằng việc tự làm chủ (mở doanh nghiệp, thầu nhà đất), đầu tư lớn, vận động vốn làm giàu. Điểm mạnh của con đường này là nếu thành công, cơ hội sẽ mở ra rất nhiều, tiền đẻ ra tiền, và thực sự được làm chủ sự nghiệp, tiền tài của mình. Điểm yếu là nhiều rủi ro, thành công phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: tài năng, cơ hội, tiềm lực, tham vọng, mối quan hệ…
Tư tưởng làm giàu này thấm đẫm trong cuốn sách “Cha Giàu, Cha Nghèo” của Robert Kiyosaki. Mặc dù cuốn sách không nói cụ thể các bước làm giàu nhưng về cơ bản, tác giả kêu gọi người đọc chuyển biến về tư duy, nhìn mọi sự dưới con mắt của cơ hội kinh doanh, của người làm chủ, sẵn sàng đặt cược, chấp nhận rủi ro để đạt được mục tiêu. Mục tiêu ở đây là giàu có và siêu giàu có (ultra rich) như triệu phú, tỉ phú, chứ không chỉ dừng ở mức độ độc lập tài chính. Đây cũng là cơ sở của rất nhiều khóa học kiếm tiền, làm giàu hiện nay.
3. Nhìn vào tham chiếu này, FIRE dường như đứng ở giữa. FIRE có xuất phát điểm là “ổn định tài chính” nên những bước đi ban đầu (đặc biệt là loại trừ nợ nần) giống với mô hình 7 Bước Nhỏ. Tuy nhiên, sau khi đã trả hết nợ, thay vì chỉ để ra 15% đầu tư hưu trí, FIRE đặt tiêu chí tiết kiệm 50-70% thu nhập để có thể đạt được khả năng độc lập và hưu sớm trước tuổi 50. Điểm này khiến cho FIRE có sự khởi đầu chắc chắn nhưng không chậm như cách tiếp cận “ổn định tài chính”. Đây là cách để những người bình thường có thể đạt được thành quả phi thường về tài chính.
Sau khi đạt được FI/RE, mọi người hoàn toàn có thể nối tiếp với phương pháp “làm giàu” để tiếp tục mục tiêu trở nên giàu/siêu giàu. Tuy nhiên, đây không phải mục đích lớn nhất của FIRE. Vì FIRE hướng đến những người bình thường—những người có thể không muốn làm chủ (không phải ai cũng ôm mộng làm lãnh đạo) và có thể chỉ muốn được dành thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống sau khi đạt được FI/RE—làm giàu không phải là lựa chọn bắt buộc đối với FIRE. Những người theo FIRE cũng thường không thuộc tuýp có thể đánh cược, chấp nhận rủi ro lớn, vay vốn đầu tư hùng mạnh như tuýp “làm giàu”. Bởi vậy, họ chọn con đường tiết kiệm để đầu tư ổn định, với rủi ro ở mức trung bình.
4. Tóm lại, điểm khác biệt lớn nhất của FIRE so với các cách tiếp cận tài chính khác là nó tạo ra mô hình cụ thể cho những người bình thường đạt được độc lập tài chính một cách chắc chắn, trong khoảng thời gian tương đối ngắn (từ 5 đến 15 năm, tùy theo mức thu nhập và khả năng tiết kiệm), mà không cần phải đặt cược lấy rủi ro cao hay làm chủ doanh nghiệp với trách nhiệm lãnh đạo lớn.
II. FIRE dành cho những ai?
FIRE dành cho những người bình thường, không quá tài giỏi, không nhất thiết phải có kỹ năng lãnh đạo, có thể chỉ làm công việc bình thường (làm công ăn lương), xuất thân không quá nổi trội NHƯNG có khả năng kỷ luật cao, tiết kiệm triệt để, có thể hy sinh những thú vui trước mắt (như quần áo, nghỉ dưỡng…) vì mục đích tài chính lớn phía trước.
- Ý kiến cá nhân: Hầu hết những người nghĩ rằng FIRE không dành cho mình vì ưu tiên cuộc sống của họ không phải là tiết kiệm để đạt được độc lập tài chính. Điều này là hoàn toàn bình thường. Không phải ai cũng có thể tiết kiệm được 50-70% thu nhập, đặc biệt với thu nhập thấp. TUY NHIÊN, tiết kiệm đôi khi dễ hơn bạn nghĩ. Trong phần comment trả lời bạn đọc ở bài viết trước, tôi có tiết lộ là vợ chồng tôi hiện đang tiết kiệm thu nhập ở mức 50-70%. Cách tôi làm rất đơn giản. Từ tháng 6/2019 trở về trước, tôi làm nghiên cứu sinh với mức lương tương đối thấp. Hai vợ chồng đã quen chi tiêu trong vòng mức lương đó được 3-4 năm nay. Chúng tôi sống tối giản nên chỉ chi tiêu vào những thứ thực sự có chất lượng và ý nghĩa. Từ tháng 6/2019 tới nay, tôi đi làm chính thức với mức lương Data Analyst cao hơn nhiều lương nghiên cứu sinh eo hẹp trước đây. Nhưng quỹ chi tiêu của gia đình vẫn giữ ở vị trí như cũ. Nói cách khác, lương tăng nhưng chi tiêu trong cuộc sống không thay đổi (kể cả khi có con). Bạn cũng có thể làm theo cách như vậy. Nếu có cơ hội tăng lương, tăng thưởng, hay kiếm thêm tiền từ làm dự án ngoài, bạn tiết kiệm toàn bộ số tiền phụ trội này thay vì đổ nó vào chi tiêu hàng ngày. Đừng để bản thân quen với việc có thêm tiền để chi nhiều tiền hơn vào những thứ không có mục đích. Đây là cách chính tôi đang làm để thực hành tiết kiệm trong giai đoạn hiện nay.
III. FIRE không dành cho những ai?
FIRE không dành cho những người không thể, hoặc không muốn tiết kiệm, hy sinh, chắt bóp quá nhiều. FIRE cũng không dành cho những người thỏa mãn với cuộc sống hiện tại của mình—nếu công việc bạn đang làm hoàn toàn tốt đẹp, bạn không có mưu cầu gì để độc lập tài chính, bạn hoàn toàn hạnh phúc với việc lĩnh lương hàng tháng và nghỉ hưu ở tuổi 55-60—thì bạn không cần làm FIRE. FIRE có lẽ cũng không dành cho những người có mộng làm kinh doanh lớn, tạo ra mức thu nhập khủng, vì họ hợp với những cách làm giàu khác nhanh và mạnh mẽ hơn.
IV. Quan điểm của FIRE về vay nợ?
FIRE có quan điểm khá “cứng rắn” về nợ nần: Trả nợ nhanh nhất có thể! Đây là vì xuất phát điểm của FIRE là sự ổn định, chắc chắn, ít rủi ro, tập trung vào yếu tốt tự thân (tiết kiệm) thay vì dựa vào các yếu tốt bên ngoài (nợ nần, gọi vốn vay). Chính vì thế, con đường đi của FIRE chậm hơn nhưng chắc chắn hơn, độc lập hơn các phương pháp “làm giàu”, như đã trình bày phía trên.
Nhưng còn nợ trả góp mua nhà thì sao? Ngày nay, ít người trẻ có thể độc lập mua nhà hoàn toàn bằng tiền mặt, nếu không có sự trợ giúp của gia đình. Vì vậy phương án mua nhà trả góp (nợ tiền ngân hàng để mua nhà) là phương án gần như duy nhất đối với nhiều người. Bởi vậy, ngay cả 7 Bước Nhỏ của Dave Ramsey cũng xếp việc trả nợ tiền nhà lại sau đến bước thứ 6 vì đây thường là khoản nợ lớn nhất. FIRE không có quy định cụ thể nào về việc này, nhưng những người thành công với FIRE đều trả dứt tiền nhà từ rất sớm (sớm hơn con số 15 hay 30 năm thường vay trả góp cho phép). Trả dứt tiền nhà đảm bảo sự ổn định và chắc chắn trong tài chính—nền tảng của FIRE.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, bạn không cần phải đợi đến khi trả dứt tiền nhà mới thực hiện FIRE. Vì nếu bạn đợi quá lâu có thể mất nhiều thời gian và cơ hội quý giá để tích lũy về hưu, nhất là nếu mức lãi suất vay trả góp nhà thấp hơn mức tiền lời bạn có thể kiếm được từ đầu tư. Mặc dù vậy, mục tiêu trả nợ nhà vẫn cần được đặt lên hàng đầu; trả nợ được càng sớm thì khả năng đạt được FI/RE càng lớn và càng vững chắc hơn.
V. Quan điểm của FIRE về rủi ro trong đầu tư?
Như đã phân tích bằng tham chiếu phía trên, FIRE được xây dựng với mô hình rủi ro trung bình, không quá thấp, nhưng cũng không quá cao. Điểm đặc biệt nhất của FIRE là đầu tư dài hạn, không rút tiền ra khỏi tài khoản đầu tư, để găm sinh lãi kép trong nhiều năm cho đến khi đạt FI thì mới rút 4%/năm. Điều này cho phép đầu tư được ổn định, kể cả trong giai đoạn thị trường đi xuống thì tổng lợi tức không bị ảnh hưởng (đã được chứng minh bằng 2 nghiên cứu độc lập).
Tuy vậy, vì mức độ chịu đựng rủi ro (risk tolerance) của mỗi người mỗi khác, nên có người sẽ nghĩ là đầu tư 50-70% thu nhập như vậy là quá mạo hiểm, có những người lại nghĩ vậy là chưa đủ cần đầu tư thêm để về đạt được hiệu quả cao hơn. Nhưng nhìn chung, đã đầu tư thì phải có rủi ro. Đây là quy luật chung ở tất cả các phương pháp tài chính và tất cả các hình thức đầu tư, không chỉ riêng gì FIRE.
Vấn đề lớn nhất của những người hay đặt câu hỏi: “Nếu… thì sao…?” (ví dụ: Nếu đầu tư chứng khoán mà bị lỗ thì sao? Nếu đầu tư làm nhà cho thuê mà không có người thuê thì sao? Nếu đầu tư địa ốc mà bán không được lời thì sao?) là cuối cùng họ chẳng làm gì cả! Đây chính là vấn đề mà tôi thấy rất nhiều ở thế hệ trước tại Việt Nam: mọi người làm công chức nhà nước, ăn lương 3 cọc 3 đồng, chắt bóp chi tiêu nhưng không dám đầu tư, chỉ cất trong tủ, mua vàng, hoặc gửi ngân hàng lãi suất thấp. Rồi đến khi con cái cần tiền đi học, xây nhà, cưới hỏi… thì lại phải cắt xẻ khoản tiết kiệm cho bản thân này đi để lo cho con, trong khi đó mình đã về hưu, không còn nhiều khả năng kiếm thêm như trước nữa. Đây không phải là điều gì xấu xa (bản thân tôi ăn học được đến ngày nay cũng là nhờ bố mẹ hy sinh kinh tế cho rất nhiều). Tuy nhiên, đây không phải là cách tối ưu để xây dựng một nền tảng tài chính cá nhân vững mạnh. Đầu tư là cách duy nhất để nối dài hơn đồng tiền mình kiếm được, nhất là khi đã về hưu—thay vì cứ ăn dần, ăn mòn vào từng đồng, từng hào mình làm lụng vất vả, chắt bóp cả đời mới có được.
VI. Đạt được FIRE có đồng nghĩa với giàu có không?
FIRE ≠ Rich. Một lần nữa, FIRE có nghĩa là độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm, không có nghĩa là bạn có thể tiêu tiền không tiếc tay theo nghĩa “giàu có” thông thường. Tại sao? Vì khi đạt được FI, bạn chỉ có thể rút tối đa 4%/năm để chi tiêu. 4% này đã được tính toán vừa đủ cho chi tiêu cơ bản. Rút nhiều hơn 4% có thể làm quỹ đầu tư hao hụt không thể đủ để chi tiêu cho 30 năm hoặc hơn sau khi nghỉ hưu sớm. Bởi vậy, đối với những người đã đạt được FIRE, chi tiêu của họ cũng chỉ như những người bình thường, thậm chí thấp hơn bình thường vì họ đặt mục tiêu tiết kiệm lên đầu.
Tuy vậy, cái “giàu có” riêng của họ là được tự do làm bất cứ điều gì mình muốn, mà không phải lo sợ rằng nếu ngày mai mất việc, kinh doanh đổ vỡ thì mình sẽ bị đẩy ra đường tay trắng. Họ hoàn toàn an tâm về nền tảng tài chính của mình. Họ có thể theo đuổi những dự án nhiều tham vọng hơn, có thể làm việc sở thích không gắn với lợi ích tiền bạc nhiều hơn… Đây chính là định nghĩa của sự “giàu có” trong FIRE.
VII. Nên bắt đầu FIRE từ đâu?
Đây là câu hỏi mà rất nhiều người có chung, nhưng câu trả lời luôn là bạn phải tìm được con đường đi riêng của mình. Con đường chung là 5 bước tiến tới FIRE tôi đã vạch ra ở bài viết trước.
Nhưng để đầu tư vào ngạch nào, mua cổ phiếu nào, mua nhà đất nào, đầu tư công ty nào, làm ra sao… bạn phải tự tìm hiểu. Đừng mù quáng làm theo tất cả những điều dạy ở khóa học làm giàu mà chưa kiểm chứng, đừng chỉ thoáng thấy “chuyên gia tài chính” nào đó thở ra tên cổ phiếu nào là đổ tiền vào cổ phiếu đó, đừng mua bất cứ cái gì bạn không thực sự biết rõ và đầu tư thời gian, công sức tìm hiểu về nó. Đừng tin hoàn toàn vào bất kỳ ai trên mạng Internet (bao gồm cả tôi!). Luôn luôn tìm hiểu, nghiên cứu, đọc sách, hỏi han, học hỏi… rồi tự đưa ra quyết định cho mình. Kể cả nếu bạn có thuê chuyên gia tài chính để định hướng cho bạn đầu tư thì bạn cũng cần phải làm “homework” riêng cho mình rồi mới khẳng định rót vốn.
Do vậy, thực sự nếu nói là nên bắt đầu FIRE từ đâu, lời khuyên chân thành nhất của tôi là bắt đầu từ chính mình. Mình phải tự nâng cao kiến thức về tài chính (financial literacy), học hỏi thêm những người đi trước, quan sát, nghiên cứu thị trường, đi thực địa… thì mới có thể là một người quản lý tài chính cá nhân và người đầu tư tốt được. Bản thân tôi cũng vẫn đang học hàng ngày.
VIII. Kết: Nghĩ về FIRE khi thành phố chìm trong lửa cháy
Bài viết này được thực hiện vào những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020, khi các thành phố lớn ở nước Mỹ chìm trong biểu tình, bạo động. Tạm để sang một bên những lý do sắc tộc, chính trị, văn hóa gây nên sự vụ này, thì hệ lụy kinh tế-tài chính từ đó là điều rất đáng bàn trong khuôn khổ FIRE.
Nước Mỹ vừa rục rịch mở cửa kinh tế trở lại sau Covid-19 thì lập tức bị “phủ đầu” bởi biểu tình, bạo động. Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhỏ mới thoi thóp cầm cự được qua mùa bệnh, giờ lại bị đập phá. Theo dõi cô gái khiếm thị người Việt, Masterchef Christine Ha, vất vả xây dựng được nhà hàng đầu tiên ở Houston chưa được bao lâu để rồi bị trộm cướp tôi thực sự rất xót xa. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: “Hy vọng Christine có nền tảng tài chính cá nhân vững mạnh để sa sút kinh doanh không làm ảnh hưởng đến gia đình chị ấy”
Đây thực sự là một bài học, không chỉ cho nước Mỹ, mà còn cho toàn thế giới: Trên đời, không có cái gì là ổn định mãi mãi. Đừng trông chờ vào bất cứ ai và bất cứ cái gì để tạo nên sự ổn định. Bản thân mình phải độc lập tạo ra sự ổn định cho riêng mình. Đây chính là điều bản thân tôi thích nhất ở FIRE vì nó cho phép bạn dựa vào chính bản thân mình để tiết kiệm và đầu tư chắc chắn, lâu dài.
Nếu bạn đang ở Mỹ, đừng nên nghĩ rằng cứ sang được Mỹ (hay bất đất nước phát triển nào khác) là đột nhiên mình sẽ kiếm được rất nhiều tiền và nhanh chóng đạt được độc lập tài chính. Đừng nên nghĩ rằng thị trường chứng khoán phát triển là mình có thể dựa vào đó để “lướt sóng” kiếm tiền ăn sổi. Đừng nên chờ vào chính phủ ban ân huệ cho mình để đạt được những gì mình muốn. Một thay đổi bất ngờ về visa nhập cư, một dấu ghi chú bé tí xíu trên đạo luật kinh doanh, một quyết định bộc phát của chính quyền… có thể làm mọi kế hoạch về tài chính, cuộc sống của bạn bị đảo lộn hoàn toàn. Đạt được FI càng sớm thì bạn càng ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất định bên ngoài này.
Nếu bạn đang ở Việt Nam, đừng nên trông chờ vào những thay đổi của chính sách, thị trường còn non nớt, bất ổn để đưa ra quyết định kinh tế-tài chính lớn cho mình. Đừng nên nghe theo bất kỳ ai tuyên truyền về những khóa học làm giàu, những cơ hội có 1-0-2 để bạn trở thành triệu phú, tỷ phú chỉ trong thời gian ngắn. Cũng đừng nên yên chí rằng bố mẹ bạn khi về già sẽ chia cho bạn, cho con cái bạn nhà đất, tài sản mà không bắt tay vào xây dựng nền tảng tài chính riêng cho riêng mình ngay từ bây giờ. Một ca bệnh nặng, một biến cố lớn trong gia đình, một cái lắc đầu của người thân cũng có thể làm mọi dự định (nhất là dạng “đếm cua trong lỗ”) của bạn tan thành mây khói. Đạt được FI càng sớm thì bạn càng có thể tự tin vượt qua mọi yếu tố bất định trong cuộc đời và có thể tích lũy để giúp đỡ trở lại cho gia đình, thay vì chỉ dựa vào gia đình.
Viết về FIRE khi thành phố chìm trong lửa cháy khiến tôi càng hiểu thêm tầm quan trọng của độc lập tài chính. Có rất nhiều con đường dẫn đến cái đích này. Nhưng điều quan trọng là ta phải bắt đầu đi những bước đầu tiên ngay tại đây, ở chính ngày hôm nay để đạt được những gì mình muốn.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Thanh Ta says
Rất cảm ơn chị !
Linh Nguyen says
Rất cảm ơn những chia sẻ của chị Chi ạ.
Thanh Ta says
Em sẽ tìm hiểu và bắt đầu FIRE em nghĩ nó phù hợp với mình
Thanh Ta says
Cảm ơn chị Chi rất nhiều ạ !
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã theo dõi blog. Chị sẽ cố gắng viết nhiều hơn về đề tài này khi có thêm trải nghiệm
Phạm Tuấn Đức says
Cám ơn Chi đã chia sẻ bài viết này.
Nguyen Quynh says
em rất thích các bài viết về chủ đề tài chính của chị ạ. Em đã học được rất nhiều điều bổ ích <3
Phuong Le says
Chị ơi. Chị có thể chia sẻ quan điểm của chị về bảo hiểm nhân thọ không ạ? Em cảm ơn chị ạ.
Chi Nguyễn says
Bảo hiểm nhân thọ có thể là một đề tài rất gây tranh cãi đó nha (mặc dù không đáng phải như thế :D). Chị có mua bảo hiểm nhân thọ cho cả chị và chồng chị sau khi bọn chị có con đầu lòng vì quan điểm của chị là nếu có việc gì xảy ra cho mình/chồng mình thì con không phải bơ vơ. Trong gia đình nếu ai là trụ cột kinh tế thì nên có bảo hiểm nhân thọ cho người đó (có thể cả vợ hoặc chồng nhưng cũng có thể chỉ một trong hai người). Tuy nhiên, chị chỉ mua term-life insurance thay vì universal life/whole life insurance hay những loại bảo hiểm nhân thọ cả đời có yếu tố đầu tư (chị không biết mấy từ này dịch ra tiếng Việt tương ứng là gói bảo hiểm nào nhưng em có thể xem đường link này để tìm hiểu thêm: https://www.daveramsey.com/blog/types-of-life-insurance). Lý do cho quyết định này là vì: term-life insurance giá thành một tháng rất rẻ, như chồng chị là $20/tháng tức là chỉ bằng tầm 4 cốc cà phê (!). Đối với term life người thụ hưởng chỉ nhận được tiền khi người đứng tên bảo hiểm chết, chứ không phải cả đời và nếu mình không chết thì coi như tiền mất chứ không phải vẫn được lĩnh tiền như các hình thức bảo hiểm nhân thọ khác.Tuy nhiên, chị chấp nhận điều này vì thứ nhất, tiền đóng hàng tháng ít mà mình vẫn được yên tâm về số tiền lĩnh được nếu có gì bất trắc xảy ra. Thứ hai, chị tự tin rằng khi mình đủ già để nhận tiền kiểu các hình thức nhân thọ khác thì mình và con mình đã vững vàng về tài chính và không cần khoản tiền đó nữa. Thứ ba, với số tiền hàng tháng thường rất cao của các hình thức bảo hiểm nhân thọ khác thì chị có thể đầu tư vào những kênh khác mang lại lãi suất cao hơn rất nhiều hình thức đầu tư qua bảo hiểm. Chân thành mà nói, nếu em hỏi những người làm bảo hiểm thì phần lớn họ sẽ hướng em đến mua bảo hiểm cả đời như whole life, universal life, permanent life insurance vì tiền thưởng hoa hồng là rất lớn đối với những gói này (vì phí hàng tháng rất cao), kể cả có đầu tư thì phí đầu tư/quản lý quỹ cũng rất cao (so với việc mở tài khoản chứng khoán tự đầu tư riêng mình) nên công ty bảo hiểm được rất nhiều. Vì vậy, nếu hỏi chị thì chị chỉ bỏ tiền vào term life insurance mà thôi. Không phải chỉ mình chị mà rất nhiều chuyên gia tài chính Mỹ cũng có cùng quan điểm này (tuy vậy mỗi lần có ai lên tiếng về term life insurance là dường như bị cả thế giới bán bảo hiểm ném đá :P). Em nên tự tìm hiểu các gói bảo hiểm và đưa ra nhận định riêng cho mình nhé!
Hoàng Minh Trang says
Em góp thêm 1 tẹo vào câu trả lời của chị Chi nhé chị.
– Term Life trong Tiếng Việt là BH tử kì (chi trả cho quyền lợi tử vong), đóng năm nào được hưởng năm đó.
– Whole life là BH trọn đời, trong ngành là các gói BH truyền thống
– Investment Linked Lìe Insurance (BH liên kết đầu tư) tại VN thì hiện nay đang có 2 loại:
+ Universal life là BH liên kết chung (vì phí đóng được mang đi đầu tư vào các quỹ liên kết
+ Unit-Linked (BH liên kết đơn vị), tức KH đc quyết định xem mình sẽ lựa chọn quỹ đầu tư trong số các lựa chọn cty đưa ra (các quỹ này phân theo danh mục đầu tư và mức độ rủi ro)
Còn lựa chọn sp nào thì e thấy do “gu” và do nhu cầu của KH nữa. Trên thế giới cũng tranh cãi nhau nhiều về việc sp nào lợi hơn lắm 😂😂😂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Trang nhiều vì đã bổ sung thêm nhiều thông tin bổ ích với hoàn cảnh ở Việt Nam <3
Khanh says
Bài viết rất hay, cám ơn chị
Lài Trần says
Bài viết hay và đáng để ngẫm nghĩ lắm chị Chi xinh đẹp ạ. Em bị ấn tượng bởi tất cả mọi thứ chị chia sẻ qua Blog, Utube và Podcast ạ ^^
Love u <3
Thế nam says
Bài viết này thực sự rất hay , nó dường như thay đổi hoàn toàn nhận thức của em về khái niệm nghỉ hưu . Em thực sự cảm ơn