Khoảng vài năm trở lại đây, từ khi viết về tài chính cá nhân, tôi đã bắt đầu nghiên cứu một trào lưu đang phát triển mạnh ở Mỹ và các nước Châu Âu có tên là FIRE, viết tắt cho Financial Independence (Độc lập tài chính) & Retire Early (Về hưu sớm). Năm 2018, tôi từng đề cập vắn tắt về trào lưu này trong một bài viết về tiết kiệm tiền.
Hai năm trôi qua, FIRE vẫn tiếp tục lan tỏa rộng khắp, bản thân tôi cũng tham gia vào nhiều cộng đồng viết lách, tranh luận về đề tài này. Vậy mà hôm nay tình cờ tôi gõ hàng loạt từ khóa về FIRE bằng tiếng Việt trên Google nhưng không tìm nổi một bài viết nào có đầu có cuối, rõ ràng về trào lưu này. Tôi thực sự rất ngạc nhiên. Giống như cảm giác lần đầu tiên tôi viết về Chủ nghĩa tối giản năm 2016, tôi ngạc nhiên tại sao một trào lưu tuyệt vời, tích cực, đầy tiềm năng đang vẫy vùng ở trời Tây như vậy mà ở Việt Nam hầu như chưa ai biết đến.
Bởi vậy, lần này đối với FIRE, tôi có cảm giác mình lại có được cơ hội, thông qua The Present Writer, giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam một hệ tự tưởng mới có thể làm thay đổi cuộc đời bạn mãi mãi.
Hãy cùng tìm hiểu FIRE:
I. FIRE LÀ GÌ?
Phiên bản rút gọn:
FIRE là một trào lưu sống hướng tới mục tiêu làm chủ hoàn toàn về tài chính. Mục tiêu này được thực hiện bằng cách tiết kiệm và đầu từ 50-70% thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được (tiền mặt hoặc tiền trong quỹ đầu tư) bằng khoảng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm. Khi đó, bạn đạt tới mức độc lập tài chính. Nếu hàng năm bạn rút ra khoảng 4% số tiền đầu tư để sống, khối tài sản của bạn không vơi đi quá nhiều và tiếp tục sinh lãi cho những năm tiếp theo. Nói cách khác, bạn không cần thiết phải đi làm để có thu nhập nữa. FIRE vì thế tạo cơ hội nghỉ hưu sớm (ở độ tuổi 30s, 40s).
Hãy dành một phút nghĩ về việc bạn vẫn có thu nhập đầy đủ không cần phải làm bất cứ việc gì (không còn nắng nôi chạy lo công việc, không phải quan hệ công sở phức tạp, không phải đón ý sếp, chiều lòng khách hàng…) và có khả năng về hưu sớm hơn bố mẹ mình 20-30 năm. WOW! Hãy dành một phút để nghĩ về điều đó thôi…
Phiên bản đầy đủ:
FIRE = Financial Independence (FI) + Retire Early (RE)
FIRE: Như đã viết, FIRE gồm có hai vế: (1) Độc lập tài chính và (2) Về hưu sớm. Nhiều người nghe thấy vế “về hưu sớm” (RE) là đã giãy nảy, kiểu “tôi không thể về hưu được!” nhưng thực sự vế “độc lập tài chính” (FI) mới là vế quan trọng. RE không dành cho tất cả mọi người, nhưng FI là cái mốc tài chính tuyệt vời mà ai cũng nên nhắm đến.
FI-Độc lập tài chính: Trong tiếng Việt, chúng ta thường nghe cụm “độc lập tài chính” hay “tự chủ kinh tế” trong hoàn cảnh mà doanh nghiệp hoặc cá nhân cần thoát ra khỏi sự phụ thuộc về tiền bạc. Ví dụ như công ty con muốn tự chủ tài chính khỏi công ty mẹ hay người vợ làm nội trợ muốn đi làm để độc lập kinh tế, không phụ thuộc vào đồng tiền người chồng mang về. Ở đây, FI cũng có nghĩa tương tự như vậy nhưng toàn diện và triệt để hơn: Bạn không những không phụ thuộc vào bất cứ ai, mà còn không phụ thuộc vào công việc, khách hàng, không phải làm thêm bất cứ điều gì mà vẫn có đủ tiền chi trả cuộc sống hàng ngày. Đây là ý tưởng lớn nhất và táo bạo nhất của FI.
4% Rule (Quy tắc 4%): Làm sau để đạt được FI? Phần lớn người theo đuổi FI dựa vào một con số duy nhất: 4% (Quy tắc 4%). Quy tắc này xuất phát từ một xuất bản năm 1994 của nhà tư vấn tài chính William Bengen, sử dụng số liệu về đầu tư chứng khoán/trái phiếu (portfolio) trong 50 năm, bao gồm cả giai đoạn thị trường đi xuống (1930s-1970s), để nghiên cứu con số rút tiền đầu tư (withdrawal rate) an toàn. Nghiên cứu chỉ ra rằng kể cả trong giai đoạn thị trường khó khăn, nhà đầu tư rút ra 4% mỗi năm thì portfolio vẫn không hết tiền trong vòng khoảng 30 năm.
Sau Bengen, một nghiên cứu nữa tổng quát hơn được xuất bản năm 1998 bởi ba giáo sư trường đại học Trinity (“Trinity Study”) cũng khẳng định rằng 4% là con số an toàn để rút tiền đầu tư hàng năm. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng làm rõ hơn một số điểm như để đạt được lợi tức hàng năm đủ cho quy tắc 4%, portfolio phải nặng về đầu tư cổ phiếu (stock) thay vì trái phiếu (bond). Nghiên cứu cũng tính toán tỉ lệ thay đổi dựa vào lạm phát theo từng năm, và chỉ ra một con số an toàn, có khả năng duy trì portfolio lâu hơn nữa là 3%, thay vì 4%.
Từ quy tắc 4% này, chúng ta tính được số tiền cần thiết để đạt được FI bằng cách nhân số tiền cần tiêu hàng năm với 25 (= 100% chia 4%). Cụ thể:
- Tại Mỹ, ví dụ một gia đình trung bình chi tiêu tối thiểu hết $50,000/năm. Vậy con số tiền gia đình Mỹ này cần có để đạt được FI là: $50,000 x 25= $1,250,000 (1 triệu 250 ngàn đô)
- Tại Việt Nam, ví dụ một gia đình trung bình chi tiêu tối thiểu hết 180 triệu đồng/năm (15 triệu đồng/tháng). Vậy con số gia đình Việt này cần có để đạt được FI là: 180,000,000 x 25=4,500,000,000 (4 tỷ 500 triệu đồng)
Ghi chú:
- Nếu bạn độc thân hoặc có thể cắt giảm chi tiêu càng nhiều thì con số FI sẽ càng nhỏ, càng dễ đạt được hơn. Phần đông, nếu muốn FI hay FIRE trước tuổi 50 thì mọi người cần tiết kiệm và đầu tư 50-70% thu nhập hàng tháng (bằng cách cắt giảm chi tiêu hoặc kiếm nhiều tiền hơn) để tiến được tới đích nhanh hơn.
- Tổng số tiền FI không phải chỉ để không trong tủ hoặc nằm trong ngân hàng thu lãi nhỏ giọt mà cần để trong tài khoản đầu tư chứng khoán hoặc trong các kênh đầu tư thu lãi ròng hàng tháng. Điều này cho phép bạn rút 4% hàng năm nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến tổng tiền FI.
- Dựa vào quan sát của tôi tại Mỹ, phần lớn những người độc thân cho rằng họ có thể đạt được FI với portfolio khoảng $500,000 còn những người có gia đình thì portfolio phải lên tới ít nhất 1 triệu đô la.
RE-Về hưu sớm: Một khi bạn đạt được FI, bạn thực chất không cần phải đi làm nữa vì bạn không cần đồng lương hàng tháng từ công sở để sinh tồn (như đại đa số mọi người). Bởi vậy, bạn có điều kiện để về hưu sớm—thường trước tuổi 50.
Rất nhiều người chán ngán với công việc họ đang làm hoặc muốn được có thêm thời gian du lịch và tận hưởng cuộc sống trước khi quá già. Bởi thế, về hưu sớm là động lực để họ tiết kiệm, đầu tư hướng tới FI. Tuy nhiên, không phải ai trong trào lưu FIRE cũng về hưu theo cái nghĩa truyền thông là không làm gì, chỉ nghỉ ngơi hàng ngày. Phần lớn những người thành công với FIRE sau khi “về hưu” thì đều làm một công việc sở thích nào đó mang lại thu nhập như Youtube, blog, viết sách, thuyết giảng truyền cảm hứng… Có những người lại tiếp tục làm công việc bình thường của họ vì họ yêu và không muốn rời bỏ vị trí của mình
Điểm khác biệt lớn nhất ở đây là một khi đạt được FI, bạn không bị buộc làm bất cứ điều gì vì đồng tiền—vì miếng cơm, manh áo—bạn làm chỉ vì bạn thích thôi. Rất nhiều người trong chúng ta muốn điều này nhưng ít ai làm được, trừ những người sinh ra trong gia đình có điều kiện, lấy được người giàu có, hay bất ngờ kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng FIRE mở ra cho những người bình thường một hướng đi tài chính mới—một cơ hội để có thể tự mình thiết kế cuộc sống “giàu có” theo cách riêng. Đây chính là giá trị quan trọng nhất của FIRE.
II. Làm sao để FIRE? (Việt Nam vs. Thế giới)
Làm sao để thực hiện FIRE ở Việt Nam (so với các nước khác)? Đây là điểm mà tôi chưa từng thấy bất kỳ một tài liệu nào đề cập đến ở thời điểm này, nên tôi sẽ đóng góp với hiểu biết và suy nghĩ của cá nhân mình.
Nhìn chung, theo tôi, các bước cơ bản để thực hiện FIRE là không đổi. Nhưng cụ thể về đầu tư và tiết kiệm ở Việt Nam có thể cần điều chỉnh để phù hợp hơn với hoàn cảnh. Năm (5) bước cơ bản để thực hiện FIRE như sau:
Bước 1. Trả hết toàn bộ nợ nần (debt-free): Có lẽ không cần giải thích nhiều, những ai đã từng vay mượn đều biết rằng nợ nần, đặc biệt là nợ lãi cao, có ảnh hưởng lớn như thế nào đến tình trạng tài chính của mình. Nó như thể bạn vừa lĩnh lương được 10 đồng thì 3 đồng phải đội nón ra đi trả nợ gốc, 2 đồng đi trả nợ lãi; chỉ còn 5 đồng vừa lo chi trả cuộc sống, vừa tiết kiệm thì rất khó khăn. Bởi vậy, yếu tố tiên quyết của FI/RE (hay thực ra là tất cả các hình thức làm giàu chân chính khác) là không vay nợ, bao gồm nợ tín dụng, nợ học tập, nợ trả góp xe, nợ trả góp nhà… Nợ càng trả xong sớm, bạn sẽ càng nhanh bắt kịp với mục tiêu FI/RE.
Bước 2. Tính toán con số FI của mình: Bạn cần có bao nhiêu tiền để trở nên độc lập hoàn toàn về tài chính (hãy nhớ công thức là: FI = Số tiền tiêu hàng năm x 25)? Bạn có biết mình hàng tháng chi tiêu hết bao nhiêu không? Đây là những câu hỏi mà ai sử dụng tiền hiệu quả cũng cần có câu trả lời, chứ không nhất thiết là những người theo trào lưu FIRE. Một khi bạn đã có con số của mình rồi, bạn mới có thể tính toán mình cần bao nhiêu năm để tới được FI.
Có 2 khái niệm: Lean FIRE (FIRE gầy) và Fat FIRE (FIRE béo). Lean FIRE chỉ lối sống tần tiện, tiết kiệm sau khi “về hưu sớm” (chỉ sống cơ bản, ít chi tiêu, ít du lịch), tạo điều kiện cho số FI nhỏ hơn, dễ đạt được hơn. Fat FIRE chỉ lối sống thoải mái hơn sau khi “về hưu sớm” (chi tiêu phóng khoáng, du lịch thường xuyên), để đạt được lối sống này, con số FI cần phải cao hơn.
Bước 3. Cắt giảm chi tiêu, tăng thêm thu nhập: Dù cho con số FI của bạn có là lean hay fat thì hầu như ai cũng cần cắt giảm chi tiêu mới có thể đạt được mức tiết kiệm 50-70% thu nhập để đầu tư. Trên thực tế, rất nhiều người theo đuổi con đường FIRE đã chuyển nhà to sang nhà nhỏ, từ thành phố lớn về quê, sang nước phát triển sống… để giảm bớt tối đa chi phí. Nhiều người khác làm việc thêm, xin chuyển công việc lương cao hơn, buôn bán phụ việc chính… để tăng thêm thu nhập hàng tháng phục vụ mục đích FIRE. Đây là cách duy nhất để những người bình thường—không con ông cháu cha, không trúng độc đắc, không quá tài năng—vẫn có thể độc lập tài chính.
Áp dụng vào cuộc sống ở Việt Nam, với mức sống thấp hơn nước ngoài, việc tiết kiệm ở Việt Nam về lý thuyết không quá khó. Tuy nhiên, người Việt hàng tháng chi trả rất nhiều tiền vào những thứ “không tên” như đi đám cưới, đám hỏi, biếu sếp, tết nhất, mời đồng nghiệp ăn uống, họ hàng, hỗ trợ cho gia đình ở quê… Chính vì mối quan hệ con người phức tạp hơn xã hội phương Tây, để có thể tiết kiệm được ở Việt Nam, tôi nghĩ mọi người cần phải rành rõ từng khoản chi tiêu, hạn chế chi tiền vào những mối quan hệ không cần thiết, không khoa trương về tiền mình kiếm được. Ngoài ra, người Việt cũng chi trả cho con cái rất nhiều, kể cả khi chúng đã trưởng thành—khác với văn hóa phương Tây cho con độc lập tài chính sớm hơn. Vì vậy, ở Việt Nam, hoặc là mọi người cần để ra khoản riêng cho con, hoặc là giúp con độc lập tài chính, không dựa vào gia đình khi đã trưởng thành. Tất cả những điều này đều yêu cầu sự chuyển mình về văn hóa, chứ không đơn thuần là tài chính.
Bước 4. Đầu tư rất nhiều tiền: Như đã viết, nếu để có thể đạt được FIRE trước tuổi 50, thậm chí trước tuổi 40, bạn cần đầu tư phần lớn thu nhập. Các kênh đầu tư phổ biến là:
- Đầu tư vào thị trường chứng khoán một cách lâu dài: Xây dựng một portfolio chứng khoán đa dạng, lâu dài là phương án phổ biến nhất mà những người theo FIRE áp dụng để xây dựng nền tảng tài chính của mình. Tại sao? Vì chứng khoán cho phép đồng tiền mình đầu tư tự động kiếm thêm tiền cho mình—hay còn gọi là “thu nhập thụ động” (passive income). Ở Mỹ, phần lớn những người theo trào lưu này đầu tư vào index fund hay Certificate of Deposite (CD) vì những quỹ này có tính ổn định cao hơn và rủi ro thấp hơn là đầu tư vào từng cổ phiếu lẻ. Đầu tư lâu dài (thay vì “lướt sóng” chứng khoán) là yếu tố mấu chốt của FIRE vì portfolio phải đủ để duy trì chi phí cho bạn ít nhất 30 năm sau khi về hưu sớm. Tương tự, nếu như ở Việt Nam ta có thể tìm những quy đầu tư lâu dài, rủi ro thấp như trên hoặc nghiên cứu biết được cổ phiếu nào có giá trị ổn định qua thời gian, đầu tư lâu dài vào đó là cách dễ dàng nhất để đạt được FIRE.
- Đầu tư vào thị trường bất động sản: Nhiều người theo đuổi FIRE nhưng không mạnh về chứng khoán chọn đầu tư thêm vào nhà đất. Họ mua nhà rồi cho thuê lấy tiền hàng tháng, rồi dùng tiền này để đầu tư một phần vào chứng khoán, kinh doanh, một phần cho bất động sản mới để sinh lời. Đây là kênh đầu tư mà theo tôi, Việt Nam có lợi hơn nhiều Mỹ và các nước phương Tây vì gánh nặng thuế và chi phí phụ thấp. Ví dụ như ở Mỹ, kể cả khi bạn đã mua đứt căn nhà của mình, hàng tháng bạn vẫn phải trả thuế (có thể lên tới hàng ngàn đô/tháng), bảo hiểm, cùng đủ các loại phí khác (HOA fees, condo fees…) cho căn nhà. Chi phí này rất thấp ở Việt Nam, trong khi đó nhu cầu về nhà đất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bởi vậy, bất động sản là một kênh rất tốt để đạt được FIRE một cách chắc chắn, tính rủi ro thấp.
- Đầu tư góp vốn kinh doanh: Nếu như có doanh nghiệp nào đang gọi vốn mà bạn cảm thấy có tiềm năng, trở thành nhà đầu tư nhận phần trăm từ lãi suất kinh doanh cũng là một con đường tốt để đạt được FIRE. Bản chất của việc đầu tư góp vốn này là bạn không phải trực tiếp kinh doanh mà vẫn có được thu nhập từ thành công của doanh nghiệp—một hình thức passive income. Tuy nhiên, nếu bạn có doanh nghiệp riêng, bạn cũng có thể thuê người quản lý hoặc thiết lập các hệ thống tự động hóa để doanh nghiệp vẫn có thể làm ra tiền mặc dù bạn đã “về hưu” (không có mặt trực tiếp duy trì hoạt động). Rất nhiều nhà đầu tư đã và đang thành công ở Việt Nam.
- Các hình thức đầu tư khác: Mỗi người sẽ cần phải tìm ra một hình thức đầu tư hợp lý cho mình. Có những người không ngại rủi ro nhưng người khác lại muốn đầu tư chắc chắn hơn. Có những người hoàn toàn muốn passive income để không phải làm gì nhiều nhưng người khác lại muốn được làm việc để sát sao hơn với đầu tư của mình. Tùy từng hoàn cảnh và khả năng, mọi người cần tìm ra còn đường riêng cho mình.
Bước 5. Tìm cho mình một sở thích để sẵn sàng “nghỉ hưu”: Điểm cuối cùng này dành cho những ai muốn thực hiện vế RE (về hưu sớm). Khi còn đang bận rộn công việc, bạn sẽ rất muốn được nghỉ ngơi. Nhưng khi đã về hưu rồi (nhất là về hưu sớm), bạn sẽ cảm thấy buồn chán, mất phương hướng nếu không có một sở thích hay kế hoạch rõ ràng. Bạn thích làm điều gì mà từ trước tới nay chưa làm được do hạn chế thời gian, công việc? Hãy chuẩn bị ngay khi gần đạt đến FI (độc lập tài chính).
III. Hỏi-Đáp về FIRE
Trước hết, tôi không phải là chuyên gia về FIRE và rất khó để đề cập hết mọi khía cạnh của cả một trào lưu tài chính, bao gồm nhiều khái niệm phức tạp, trong một bài viết ngắn. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng trả lời một số câu hỏi mà theo tôi, bạn đọc có thể đang băn khoăn:
- FIRE có khả thi không? Có nhưng không phải cho tất cả mọi người. Ý tưởng của FIRE thực sự phá cách và vĩ mô; có thể nói, nó là sự khuyếch đại của quản lý tài chính cá nhân lên mức cao điểm. Rất nhiều người đã và đang thành công với FIRE, kể cả trong giai đoạn hiện nay khi thị trường chứng khoán xuống thấp. Bởi vậy, FIRE khả thi. Tuy nhiên, nó không dành cho tất cả mọi người vì không phải ai cũng có thể đầu tư 50-70% thu nhập; kể cả với thu nhập cao, điều này đòi hỏi khả năng tiết kiệm, hy sinh rất lớn. Ngoài ra, nhiều người bằng lòng với công việc hiện tại, lĩnh lương và sống cuộc sống bình thường—những người này không cảm thấy có nhu cầu và không cần thiết để thực hiện FIRE. Nếu FIRE không dành cho bạn, bạn có thể tìm hiểu 7 bước quản lý tài chính một cách vi mô, bớt áp lực hơn.
- FIRE có hoàn hảo không? Không. Có nhiều chỉ trích hướng tới FIRE. Nhiều người nói con số 4% rút tiền hàng năm không chắc chắn đảm bảo về hưu lâu dài quá 30 năm, vì vậy con số 3% được đưa ra để chắn chắn hơn. Thay đổi 1% này yêu cầu người theo FIRE phải tiết kiệm hơn cho cuộc sống hàng ngày. Nhiều người cũng chỉ trích nhiều FIRE portofolio không tính đến lạm phát. Vì vậy, những ai muốn ăn chắc hơn nữa có thể tính toán thêm cả phần trăm lạm phát này.
- Người Việt có làm được FIRE không? Hoàn toàn được. Trên thực tế, bản thân tôi từng chứng kiến rất nhiều người ở Việt Nam cho thuê nhà, mặt bằng kinh doanh, dãy nhà trọ… và sống hoàn toàn bằng tiền thuê nhà. Với passive income như vậy, họ hoàn toàn đã đạt được FI (mà có thể không biết về khái niệm này). Tuy nhiên, điểm mấu chốt là độ tuổi của những người đạt được đến độ dồi dào tài chính này thường cao (trên 40-50 tuổi), trừ khi họ được gia đình hậu thuẫn hoặc rất tài năng để kiếm tiền sớm. Những người trẻ bình thường (như đại đa số chúng ta) nếu có thể nắm bắt được xu hướng FIRE từ sớm và bắt đầu đầu tư ngay từ bây giờ thì cũng có thể đạt được FI sớm hơn, và có thể cả RE nữa, nếu muốn.
- Có thể đạt được FIRE với thu nhập thấp không? Có thể nhưng chậm và khó. Với thu nhập thấp, bạn sẽ phải cắt giảm chi tiêu nhiều hơn hoặc làm thêm việc kiếm thêm thu nhập thì mới có thể đạt được FIRE sớm. Nếu không, sẽ mất rất nhiều năm mới đạt được mức độc lập tài chính—có khi lúc đó bạn đã đến tuổi nghỉ hưu thông thường. Nhưng nếu xem FIRE là đích đến, biết đâu bạn sẽ có động lực để đưa thu nhập của mình lên cao hơn?
- Tác giả có ý định thực hiện FIRE không? Có. Hiện nay tôi đang làm việc tại Mỹ và quỹ nghỉ hưu (403b) của tôi đã được đầu tư vào thị trường tài chính sẵn rồi nên tôi nghĩ mình có điều kiện thực hiện FIRE. Nhưng hết bao năm để đạt được FI/RE, con số đó tôi vẫn đang tính toán. Tôi mới đi làm chính thức được 1 năm và nửa năm qua có nhiều biến động do Covid-19 nên con số thu nhập chưa thực sự ổn định để tính được chính xác. Kế hoạch của tôi là từ năm sau (2021), khi có đầy đủ số liệu, tôi sẽ bắt tay vào con đường thực hiện mục tiêu FI. Còn RE, tôi chưa có quyết định.
- Tìm hiểu thêm về FIRE ở đâu? Nếu bạn đọc quan tâm đến đề tài này, tôi sẽ viết thêm trên The Present Writer, vì hiện nay rất ít tài liệu tiếng Việt về FIRE. Nếu bạn đọc/nghe được bằng tiếng Anh thì những kênh sau rất bổ ích:
- Blog: Mr. Money Mustache, Budgets are Sexy, Four Pillar Freedom, Retireby40
- Youtube: Our Rich Journey, Series “FIRE starters” của MarketWatch, Exploring Alternatives
Đọc thêm bài Hỏi & Đáp về FIRE tiếp theo của tôi tại đây
Bạn nghĩ thế nào về trào lưu FIRE? Bạn đã từng nghe về trào lưu này trước đây chưa? Bạn nghĩ mình có thể thực hiện FIRE được không? Chia sẻ với tôi nhé!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
KineNg says
Thật là hữu duyên quá chị ơi, em là một người trẻ sắp chạm ngưỡng tuổi “băm” và qua nhiều bài học về tiền bạc, em bắt đầu nghiêm túc hơn về vấn đề tiết kiệm và thực sự hướng đến một cuộc sống mà mình mong muốn. Tình cờ biết đến FIRE nhưng thực sự các bài viết hầu hết ở nước ngoài và bối cảnh các nước phương Tây sẽ khác so với tại VN nên mình không thể áp dụng hoàn toàn được, cám ơn chị với một bài viết súc tích và cặn kẽ. Mặc dù có nhiều tranh cãi về vấn đề này, và trong đợt COVID vừa rồi không ít người theo trào lưu FIRE đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ, nhưng đối với em việc tối ưu hóa tiền tiết kiệm càng sớm càng tốt là điều hoàn toàn hợp lý và đảm bảo an toàn tài chính.
Gửi chị và các bạn đọc một bài viết về trào lưu này:
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-46501986
Trong đó một số phần khiến em tâm đắc”
“Phần “nghỉ hưu sớm” của trào lưu này có thể bị nhiều người hiểu nhầm. Rất nhiều tín đồ của trào lưu FIRE không có ý định dành hẳn 50 năm để chơi bài bridge hay đi du thuyền nghỉ dưỡng.
Thay vào đó, mục tiêu là tập trung vào sự độc lập tài chính: với mục đích tiết kiệm đủ tiền, và sống đơn giản, để nhiều thập niên sau họ có thể làm việc gì đó khác hơn thay vì chạy theo việc tăng lương và thăng tiến trong một công ty, hay lo lắng vì nợ ngân hàng khoản tiền lớn.”
Mong chị sẽ có nhiều các bài phân tích quanh chủ đề này,
Thân mến,
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết và comment. Chị hoàn toàn đồng ý là vế Độc lập tài chính nên là ưu tiên hàng đầu rồi sau đó có về hưu hay không là quyết định ở mình. Chị sẽ cố gắng viết thêm về chủ đề này khi có thêm kiến thức và trải nghiệm
Trang says
Thật tuyệt khi bắt đầu buổi sáng thứ Tư bằng việc đọc bài trên blog của chị đầu tiên. Cảm ơn chị vì đã quay lại với blog <3
Về trào lưu Fire này, sau khi đọc được bài viết về tự chủ tài chính của chị, em đã tìm hiểu sâu hơn và có biết đến trào lưu này và các vấn đề cơ bản liên quan. Nhưng quả thật, để áp dụng vào môi trường ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn vì chưa có người chia sẻ kinh nghiệm nhiều (có chia sẻ nhưng chủ yếu là kết quả chứ không phải quá trình). Do vậy, em vẫn đang trên con đường tìm hiểu và tính toán để hướng đến mục tiêu FI.
Hy vọng nhận được nhiều bài viết trong tương lai của chị về chủ đề này để học hỏi thêm ạ.
Chúc chị ngày mới tốt lành!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Đúng là khó khăn lớn nhất của FIRE ở Việt Nam là chưa có “nhân chứng sống”. Ngay kể cả ở Mỹ thì những người có trải nghiệm này cũng chưa lâu (mới khoảng 10 năm trở lại đây). Đây là một trào lưu mới nên mọi người cũng mò mẫm. Chị có may mắn là ở Mỹ nên cơ cấu đầu tư chứng khoán cho hưu trí khá ổn định. Chị sẽ tham khảo thêm ở Việt Nam có những hình thức nào. Hy vọng ai đó đọc được bài viết này ở Việt Nam và thành công để báo cáo lại cho chúng ta sau 10-20 năm nữa 🙂
Thi Thi says
Hi chị, cảm ơn chị đã viết về FIRE khi mà ở Việt Nam vẫn còn rất ít những bài viết chất lượng và cung cấp thông tin bổ ích về FIRE như thế này. Em đã từng đọc khá nhiều sách tài chính nước ngoài viết về việc tiết kiệm và đầu tư cho hưu trí, nhưng các phương pháp mà họ đưa ra chủ yếu phù hợp với bối cảnh xã hội ở đất nước họ nhiều hơn. Em hy vọng sẽ đọc được một cách chi tiết và cụ thể về các phương pháp đầu tư, tiết kiệm hiệu quả phù hợp với bối cảnh Việt Nam ạ.
Em cảm ơn chị nhé! Chúc chị sức khỏe và luôn tạo ra những bài viết chất lượng.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Bản thân chị cũng sống ở nước ngoài nên cũng phải cân nhắc, tìm hiểu them thị trường Việt Nam. Chị sẽ cố gắng viết thêm đề tài này khi có thêm tư liệu
Lê Vân says
Cảm ơn Chi nhé, bài viết này đầy đủ thông tin và dễ hiểu lắm!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chi rất vui vì bạn thấy đọc dễ hiểu vì nhiều thông tin và hơi phức tạp nên mình cũng phải sửa đi sửa lại để văn tiếng Việt được rõ.
Thu says
Bài viết rất bổ ích. Chi viết nhiều hơn nhé. Cám ơn em!
Chi Nguyễn says
Comment từ bạn pumpkinximat trên Instagram (cảm ơn bạn!):
Cảm ơn bài viết rất chi tiết và sâu sắc của chị Chi ạ
Ở Việt Nam, cách đây 1 năm, trong một số bản tin sáng cũng đã có một số bản tin Cafe sáng mời các chuyên gia chia sẻ về Cách để có tự do tài chính, về quy tắc 4%, …. Em search thì mọi người có thể tham khảo ở link này ạ
https://www.youtube.com/watch?v=e3LlH32yUrY&list=PL9sQZSuWRgmqKlQUEXLO7M8BHP_CbS6uO
Ngoài ra thì gần đây, công ty chứng khoán VNDirect cũng đã phát triển sản phẩm Dịch vụ đầu tư Tích sản, Quản lý tài chính cá nhân Dwealth, mô hình Private Wealth Management của nước ngoài, đồng thời tư vấn tài chính, mọi người có thể tham khảo ở đây ạ
https://www.vndirect.com.vn/san-pham-ca-nhan/dich-vu-dau-tu/tich-san-huu-tri/
Linh says
Cảm ơn bài viết, chi tiết và rõ ràng quá! Tuy nhiên càng đọc càng thấy mình khó mà thực hiện được, nhất là khi sắp quay về lại môi trường đi làm công sở ở Việt Nam :))
Viet Nguyen says
Hi Chi,
Em có quan tâm đến những chủ đề giống anh quá, chủ nghĩa tối giản rồi bây giờ là FIRE nữa. Bài viết rất hay, nhưng chủ đề khá rộng nên chắc em còn phải viết dài dài. Lúc nào ra sách mới về FIRE thì báo mọi người nhé để anh lại tìm mua 😀
Anh đọc và biết về FIRE vào những năm cuối PhD, hồi đó stipend chi trả cho gia đình với em bé khá eo hẹp, nên tự hứa là ra trường đi làm phải save aggressively để bù đắp những năm tuổi trẻ đáng lẽ ra phải kiếm được nhiều nhất. Anh cũng đi làm được gần 1 năm như em, cũng đang save và invest heavily in the market. Anh có mấy random comments thế này (biết đâu là ý tưởng để em viết thêm blog :D) :
– Một phương án là làm việc đến 40 tuổi rồi về các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam sống như anh chị này: https://www.millennial-revolution.com/
– Những người có gia đình muốn FIRE thì khó khăn hơn vì cả 2 người phải cùng chí hướng. Tương tự như người này muốn sống tối giản mà người kia chỉ muốn mua đồ thì vô phương, vợ muốn FIRE mà chồng muốn mua nhà nhiều phòng có vườn rộng chẳng hạn thì làm sao FIRE?
– Thị trường Mỹ có nhiều cơ hội vì các công ty Mỹ có khả năng innovation cao và vì thế tiềm năng growth khá cao. Qua đợt COVID này mới thấy sức mạnh của các công ty. Các thị trường khác (châu Âu, Nhật) nền kinh tế hơi trì trệ thì khó mà theo stock được, phải có cách đặc thù khác. Tuy nhiên, Mỹ 10-20 năm tới chưa biết thế nào với tình hình chính trị thế này, trong khi đó các nước châu Á sẽ có tiềm năng growth cao hơn, xứng đáng để đầu tư. Anh có bạn bè ở Việt Nam, Nhật mà cũng không chia sẻ được nhiều với nhau về cách đầu tư vì khác nhau quá. Ở đây các bạn đều chia sẻ đúng là cách đầu tư ở Mỹ khó áp dụng ở Việt Nam quá. Nếu em có đủ tâm sức để cover different markets trong những post tiếp theo thì thật sự khâm phục khả năng research của em ^^
– Nếu được thì em nên bắt đầu save aggressively từ bây giờ (tại thấy em bảo đến 2021 mới bắt đầu). Compound interest is a true thing. Tiền tiết kiệm được dù ít những năm đầu lại là cực nhiều 10-20 năm tới.
Chúc em tuổi mới nhiều niềm vui và gia đình luôn vui khỏe. Cheers!
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn anh Việt đã đọc và comment rất nhiều thông tin hữu ích cho cả em và bạn đọc. Em hiện đang save khoảng 50-70% thu nhập 2 vợ chồng (chồng em cũng rất đồng lòng). Em vẫn đang đầu tư qua 401k/403b ở chỗ làm. Chỗ anh Việt làm có 401K matching không ạ? Bên em được cái lương ko quá cao nhưng được cái match 9% nên khá tốt cho đầu tư FIRE
Viet Nguyen says
Có em ạ, công ty anh thì chỉ match 401K 5% thôi. Cái đó có thể coi là free money, thế mà đi làm industry anh mới thấy nhiều người cũng không contribute, thật phí phạm 🙂
Chi Nguyễn says
Chi xin phép copy-paste comment của chị “Minh Minh” trên Facebook về đầu tư nhà đất tại Việt Nam. Đây có thể là hình mẫu FIRE phù hợp tại nước mình. Cảm ơn chị đã chia sẻ:
“Chào em, rất vui vì đọc được bài viết này của em. Đúng FIRE lần đầu chị mới biết qua bài viết này của em, nhưng chị nghĩ về từ ngữ tiếng Việt như ” Tự do tài chính” và “nghỉ hưu sớm” thì cũng rất nhiều người VN mình đã và đang thực hiện từ lâu. Lấy ví dụ bản thân chị là 1 người rất bình thường, gia đình bình thường hoàn toàn không giàu có, tự lực cánh sinh là chính, năm nay chị 36t, sinh sống ở VN, ra trường đi làm mười mấy năm nhưng chị sớm thực hiện mục tiêu “tự do tài chính” nên hiện tại có thể nói đã đạt được mục tiêu (1 triệu USD) hoàn toàn thông qua những bước 1,2,3,4 như em đề cập đến trong bài viết. Mùa covid vừa rồi cuối cùng chị cũng tìm được sở thích để thực hiện khi về hưu (bước 5 trong bài viết của em) nhưng chị chưa sẵn sàng về hưu ở tuổi này. Có lẽ chị vẫn còn bất an với những gì mình có được chưa đủ để an toàn để sống không lo nghĩ, không phiền con cháu sau này.
Hi vọng 7 năm nữa đến lúc đi định cư, cũng là lúc chị về hưu sớm, vẫn còn đủ khoẻ để thực hiện sở thích của mình.
Chị vẫn luôn theo dõi các bài viết trong blog em. Rất hay bổ ích và thiết thực.
Chúc em và gia đình bình an nhiều sức khoẻ <3
Chị không rành về chứng khoán nên hoàn toàn không đầu tư mảng này. Chị cũng không giỏi về đầu tư nên nói thật chị đầu tư khá thận trọng vào bất động sản, rủi ro đi kèm lợi nhuận mà, liều ăn nhiều, nhưng thôiii, chị cứ từ từ ít ít, tới đâu chắc tới đó. Cách đây 7 năm chị rón rén mua mảnh đất thổ cư đầu tiên 100m2 ở ngoại thành giá khoảng 500tr, 2 đến 3 năm sau đó lên khoảng 1 tỷ, hiện tại chắc cũng hơn 2 tỷ, chị cũng chưa hỏi lại giá, mua rồi cứ để đó chưa có nhu cầu bán. Cùng năm đó chị mua thêm 1 miếng đất vườn 300m2 khoảng 700tr, giá hiện tại ít nhất cũng hơn 2 tỉ. Năm sau đó chị thế chấp nhà, hùn vốn với người quen mua đất nông nghiệp rồi chia ra bán, chị lời được khoảng 1,2 tỷ. Chị mượn bạn 100tr nữa được 1,3 tỷ đi mua nhà chung cư ở quận 2 theo dạng uỷ quyền (khá rủi ro), nợ nhà nước 600tr với lãi ưu đãi vcb 3%/năm chị không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ mỗi năm túc tắc trả cả lãi và 1 phần gốc là gần 5tr trong 20 năm, khi nào trả hết thì mới làm sổ hồng được. Ở chung cư được 1 năm thấy ổn, sạch sẽ gọn gàng, gần chỗ làm 10 phút, gần chợ siêu thị bệnh viện 2 phút, gần trường con học 2 phút, có công viên dưới nhà, phí quản lý rẻ 4k/m2 dù không có hồ bơi hay gym nhưng ở thoáng mát và tốt, chị bán nhà phố trung tâm đi được 5,7 tỷ, ai cũng chửi chị khùng vì bán nhà (nhà này lúc trước nhà cấp 4 dột nát tứ bề, mẹ chồng chị để lại cho 2 vợ chồng, sau đó 2 vợ chồng chị làm hùng hục xây lên 3,5 tấm, xây xong ở được 6 năm thì thấy hối hận vì ở quá mệt, dọn dẹp khờ người). Bán nhà xong thấy nhẹ nhõm hẳn. Chị tiếp tục mua bất động sản. Mua 1 miếng thổ cư khoảng 100m2 giá lúc đó khoảng 1,8 hay 2 tỉ gì đó, 2 mặt tiền hẻm, lâu rồi chị cũng chưa hỏi lại giá thị trường giờ bao nhiêu. Rồi chị laị mua tiếp 1 miếng đất ở quận 9 giá 1 tỷ 7, giờ chắc gần 3 tỷ. Trong thời gian đó, ông xã chị rảnh rỗi nên cũng mua mua bán bán thêm 1 vài miếng nữa, chị cũng không nhớ rõ. Tiền nhàn rỗi vẫn còn, chị trả hết tiền nợ ngân hàng để ra sổ nhà chung cư. Năm ngoái căn góc chung cư chỗ chị có view xuống công viên rất xanh mát đăng bán nhà trống không nội thất, tình cờ chị đi xem giùm người quen mà họ không đủ tiền mua, nên chị bán căn chị đang ở full nội thất đẹp (nhưng view nội khu) cho họ giá rẻ hơn thị trường 100tr, rồi mua lại căn trống view đẹp đó 3 tỷ và làm lại nội thất đẹp hết 200tr, giá hiện tại nếu bán lại khoảng 3,6 tỷ. HIện tại chị đang mua theo tiến độ 1 căn chung cư cao cấp khác, cũng đã đủ tiền thanh toán hết, nên nếu trong thời gian chờ 2 năm nữa giao nhà, nếu có cơ hội chị vẫn đầu tư thêm đất, dù bây giờ không còn dễ dàng như trước và giá cũng không còn rẻ như trước nữa. Vì thực hiện lối sống tối giản nên chi phí gia đình không nhiều. Như trong bài của em, chi phí 15tr là đủ cho gia đình chị đã bao gồm ăn uống, điện nước, phí quản lý, gửi xe, tiền học trường công cho con, tiền học piano, võ vẽ các kiểu. Anh văn nhà tự dạy+ tự học bằng đọc sách tiếng Anh từ nhỏ nên không tốn tiền học thêm. Thêm dự phòng hiếu hỉ du lịch các thể loại nữa là đủ trong đầu lương của chồng chị. Còn lương chị mỗi tháng thì tiết kiệm trong đó chị có 1 khoản thu nhập thụ động tầm 15tr+ lương khoảng 85tr đã trừ thuế.
Em hỏi thì chị chia sẻ chứ không hề có ý khoe gì cả, vì nói thực chị vẫn thấy bấp bênh nhưng cũng bớt lo lắng nhiều rồi. HIện tại chị vẫn đi làm bình thường. Nhưng nếu đi làm quá mệt mỏi thì chị cũng không ngại nghỉ làm để nghỉ ngơi 1 thời gian vì với chị mọi thứ đã được kiểm soát khá ổn.
Công việc chị làm thực ra cũng khá stress và vất vả, tuần chị nghỉ 2,5 ngày. Công việc chồng chị nhàn hơn, tuần nghỉ 3 ngày, tất nhiên đi kèm lương cũng thấp hơn. Tất cả những thời gian không phải đi làm, tụi chị đều dành cho gia đình, cho nhau và con cái. Chị là người theo chủ nghĩa gia đình, thấy tiếc thời gian nếu cứ đàn đúm shopping chơi bời. Tất nhiên sẽ có nhiều người lại bảo sống như chị thì chán chết, không biết enjoy cuộc đời hihihiii 🙂 . Chị cứ kệ và theo đuổi mục tiêu của mình thôi. Mùa covid được cái lợi là chị có thời gian rèn luyện thêm để nâng cao sức khoẻ, có sức khoẻ thì mình mới làm được tất cả những gì mình muốn."
Tash Hoang says
Có 1 cuốn sách nói về đề tài này do tác giả người hàn quốc với tựa đề Thịnh vượng tài chính tuổi 30. Các bạn tham khảo thêm nhé, có nhiều nguyên tắc khá hay để áp dụng.
LinhTrang says
Cám ơn Chi rất nhiều về những kiến thức tuyệt vời này. Chị ước gì mình đã được biết về FIRE từ năm 22 tuổi, vì chị bắt đầu kiếm tiền từ lúc đó tới giờ đã 12 năm rồi và luôn tự thấy mình kiếm tiền tốt hơn khá nhiều người xung quanh đi làm công ăn lương (chị kinh doanh) nhưng tới tận giờ 34 tuổi rồi tài sản không có gì nhiều. Tiền đi đâu hết rồi? Giờ thì chị có câu trả lời rõ ràng hơn và chắc chắn sẽ có kế hoạch hẳn hoi để đạt FIRE sớm nhất có thể. Hi vọng là năm 45 tuổi (hơi muộn so với lí thuyết nhỉ nhưng với chị chắc thế là thành công lắm rồi).
Một lần nữa cám ơn Chi rất nhiều. Ngoài lề chút, chị hi vọng Chi sẽ có nhiều bài chia sẻ thêm về giáo dục như ng hành học của em vì chị có 3 bạn nhỏ.
Yêu blog của Chi rất nhiều <3
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị đã đọc blog và comment. Em cảm thấy nhất là kinh doanh (vì chồng e cũng kinh doanh) mà mình không quản lý tiền chặt là dễ bị mất dấu ngay vì lương tháng mình không ổn định, rồi còn thuế má, thuê nhà, thuê nhân viên… nữa nên rất khó để truy dấu tiền. Em chúc chị thành công trên con đường FIRE.
Thanh Hà says
Ở bài viết sau nếu được chị có thể chia sẻ suy nghĩ sâu hơn của bản thân về nghỉ hưu sớm không ạ? Vì em thấy ở VN việc một người nghỉ hưu ở tuổi 30 + 40+ không phổ biến, và thường những người nghỉ hưu đồng nghĩa với ở nhà quanh quẩn qua ngày, trông cháu :))). Bên trên chị nói là khi đạt được tự do tài chính, chúng ta hoàn toàn có thể chọn lựa nghỉ hưu về viết sách, du lịch,… hoặc tiếp tục làm việc nhưng làm vì đam mê. Nhưng không phải ai cũng có những đam mê của riêng mình, họ hướng tới tự do tài chính chỉ vì không thích công việc hiện tại, nhưng họ vẫn làm vì nó nhiều tiền. Hoặc 1 ví dụ chị lấy đó là VN có những người mua được mảnh đất rồi chỉ ở nhà chẳng làm gì mà sống bằng tiền cho thuê đất. Hoặc có người yêu du lịch nên sau khi đạt được TDTC họ dành toàn bộ thời gian đi du lịch, nhưng đi ít thì vui nhưng đi liền 2 3 năm cũng chán. Túm lại e thấy sau khi nghỉ hưu sớm một thời gian họ rất có khả năng rơi vào nhàm chán, không có mục đích sống, quan điểm của chị thế nào ạ?
Chi Nguyễn says
Wow! Em như đọc được suy nghĩ của chị vậy :)) Chị đang nghĩ sáng nay là sẽ làm podcast về chủ đề này, có thể chị sẽ chuyển thể lên blog nữa. Nhưng chắc chắn là sẽ có content về chủ đề này nha em <3
Dinh Long says
Bài viết rất cụ thể, rất hay, cám ơn tác giả, giờ mới hiểu cái quy tắc 4%. Ở VN lãi suất ngân hàng 7%; từ lạm phát 3%, lại thực 4 %, thực ra là tiền còn không hao mòn đi, ít nhất là trên lý thuyết!
Lao động là vinh quang, câu nói này luông đúng, lao động đem lại ý nghĩa cho đời người, do đó nói là về hưu nhưng ko có nghĩa là ko làm gì, mà là làm việc theo sở thích, theo đam mê. Cá nhân mình suy nghĩ, phong trào bỏ phố về quê rất phù hợp với người đã đạt FIRE, làm vườn theo sở thích của mình, vừa có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống, vừa có cs lành mạnh. Mặt khác vẫn có thể làm thêm một số công việc như tư vấn, đi dạy, viết blog hay đầu tư chứng khoán…
Duong Ha Phuc says
Just wonderful!
Thuy_Anh says
Cảm ơn bài viết của Chi nhiều nhiều. Hy vọng sắp tới có thêm nhiều bài viết, hoặc review sách liên quan đến vấn đề này.
Tình cờ mình đọc được bài review về “Cha giàu cha nghèo” và “Thay đổi diện mạo tài chính” của Chi, thế là đọc liền tù tì luôn mấy bài. Những chia sẻ của bạn rất hữu ích và dễ hiểu.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn nhiều. Chi đang làm review cuốn “The Simple Path to Wealth” — coming soon ạ <3
Ngoc Nguyen says
Hi Chi,
Chị 37 tuổi mới tập tễnh lần mò về vấn đề tự chủ tài chính, tự thấy mình già mà còn quá non nớt, hôm nay gặp được bài viết của em thực sự thấy hạnh phúc. Cám ơn em thật nhiều vì những bài chia sẻ thật bổ ích.
Hiện tại chị đang tìm công thức tính số tiền để dành được sau 10, 20 năm nếu mỗi tháng gửi vào tiết kiệm 1 khoản cố định với lãi suất cố định. Nếu em có file excel công thức tính này thì cho chị xin qua email với nhé. Chị cám ơn Chi thật nhiều. Sẽ đọc thật kĩ tất cả các bài viết của em và mong chờ những bài viết mới hơn nữa. Chúc em và gia đình bình an, nhất là trong mùa dịch này nhé.
Chi Nguyễn says
Em không có công thức sẵn nhưng chị có thể tự tạo công thức theo định mức lãi suất của chị ạ, hoặc chị có thể ra ngân hàng chị gửi tiền để họ tính giùm chị, em thấy các bạn ngân hàng ở Việt Nam cũng khá chu đáo cho các khách hàng gửi lâu dài
Huong Thanh says
Chào Chi. Mình đang tìm hiểu về Quỹ mở cho quỹ hưu trí của mình. Mình cũng có tìm hiểu về QCS ở VN và tham khảo ý kiến của các bạn làm tài chính ngân hàng thì mọi người có vẻ ko có xu hướng đầu tư vào Index Fund ở VN cho lắm, vì nhiều lý do, như thị trường chưa ổn định, có nhiều tiềm năng phát triển nên Quỹ mở có nhiều lợi thế hơn, QCS lại có tính thanh khoản thấp hơn nữa. Các thông tin về QCS mình cũng ko dễ tìm và cũng khó thấy có thông tin rõ như Quỹ mở. Không biết Chi có kiều kiến thức về Quỹ mở ko và có biết Quỹ mở nào uy tín ở VN ko, nếu có thì nhờ Chi cùng chia sẻ nhé. Xu hướng Quỹ mở ở Mỹ như thế nào nhỉ?
Cảm ơn Chi.
Chi Nguyễn says
Chi đồng ý là index fund ở Việt Nam chưa phổ biến (mà hình như mới chỉ có phiên bản ETF thôi chứ không có index fund “bao thầu” cả thị trường như bên Mỹ). Chi không có nhiều kiến thức về tài chính ở VN vì mình không ở VN; nhưng ở Mỹ thì index fund là con đường rất tốt để cho quỹ hưu trí (cụ thể là mã VTSAX như gợi ý trong cuốn sách nổi tiếng: “The Simple Path to Wealth”).
Cloe Ng says
Em là một sinh viên mới ra trường tại Việt Nam, chưa kiếm được việc làm để có thể xác định thu nhập hay chi tiêu, nhưng em tin đọc và ghi nhớ những bài viết của chị chính là bước đầu tiên để em có thể tiến tới việc độc lập tài chính. Mong là em sớm có cơ hội quay lại đây và chia sẻ với chị về trải nghiệm của bản thân mình.
Chi Nguyễn says
Chúc em thành công nhé!
Vũ Lê Minh Quân says
Bài viết rất hay và hữu ích ạ. Em cũng đang thử theo trào lưu FIRE này trong 5 năm tới ạ :3.
Mong chị viết thêm các bài về cách tính toán số tiền, độ tuổi để có thể tự do tài chính được không ạ ?
Em cảm ơn chị nhiều lắm ^^.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em. Chị thấy trên mạng có rất nhiều FIRE calculator nhưng về cơ bản, chị nghĩ phụ thuộc vào income của từng người và spending tối thiểu hàng tháng.
Cao Mai Huong says
Em chào chị .Bản thân em là một người trẻ mới bước quá tuổi 20 ,thì điều hấp dẫn em nhất trong tiêu đề bài viết của chị đó là “Độc lập về tài chính” .Có lẽ là do cảm nhận của những người trẻ về viễn cảnh tự do bay bổng,làm điều mình ước mơ khi mình đã hoàn toàn không phải đi kiếm tiền,lo lắng về khó khăn.Nhưng càng đi sâu vào bài viết em càng cảm thấy là “Ồ ,điều này thực sự rất khó,và mình phải đánh đổi rất nhiều” .Nhưng em rất muốn thử một lần thực hiện Fire .Cảm ơn chị rất nhiều về bài viết ạ