Ngay từ khi tôi mới bắt đầu viết về Chủ nghĩa tối giản (khoảng 3 năm trước), rất nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi: Làm sao để thực hiện lối sống tối giản nếu có con nhỏ?. Ai cũng nói rằng, một em bé ra đời sẽ làm phát sinh thêm rất nhiều thứ lặt vặt trong nhà không dễ gì bỏ được, thêm nữa là chăm trẻ con rất bận nên không phải bố mẹ nào cũng có thời gian dọn dẹp đồ đạc thường xuyên và cân nhắc kỹ trước khi mua món mới. Thời điểm đó, kể cả trên blog cũng như trong “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản“, tôi đểu trả lời câu hỏi này bằng việc đưa ra dẫn chứng những minimalists nổi tiếng là người có gia đình với con nhỏ (thậm chí có tới 6 đứa con như Leo Babauta) hay giới thiệu những cuốn sách viết riêng về chủ đề này (như “Clutterfree with Kids” của Joshua Becker). Tuy nhiên, bản thân tôi không có trải nghiệm thực tế nên chưa bao giờ trực tiếp đưa ra suy nghĩ riêng. Nhưng mọi chuyện giờ đã khác (!) vì kể từ 9 tháng trước, tôi đã làm mẹ của một bé trai đáng yêu tên Jaden. Hành trình làm mẹ cho tôi cái nhìn mới về Chủ nghĩa tối giản và khiến tôi cảm thấy mình bắt đầu tự tin hơn để trả lời câu hỏi của mọi người về Chủ nghĩa tối giản trong gia đình.
Nói một cách ngắn gọn: Có thể thực hành lối sống tối giản khi có con nhỏ không? Hoàn toàn có thể! Tối giản khi có con nhỏ có khó hơn khi chưa có con không? Không hẳn khó hơn nhưng đòi hỏi tập trung và kỷ luật hơn. Có nên sống tối giản khi có con nhỏ không? HELL YEAH! Nên quá đi chứ! Thậm chí, sau khi có con, tôi càng cảm thấy mạnh mẽ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của lối sống tối giản, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho con nhỏ và cho cả gia đình nữa.
Ngay buổi sáng khi viết bài này thôi, tình cờ, Jaden có một cô y tá đến nhà thăm khám định kỳ. Ngồi một lúc trong phòng khách nhà Jaden, cô nhận xét: “Tôi rất thích là nhà bạn không bày ra nhiều đồ chơi cho em bé. Có mấy nhà tôi đến khám họ để đồ chơi ra nhiều quá, ngộn lên chóng mặt, đến đứa trẻ cũng không biết nên chơi cái gì”. Đó, theo tôi, là minh chứng lớn nhất cho lợi ích của Chủ nghĩa tối giản với trẻ nhỏ.
Dưới đây là 10 gợi ý của tôi để bạn có thể bắt đầu hoặc duy trì lối sống tối giản khi trong nhà có trẻ nhỏ:
1. Chấp nhận rằng mọi thứ sẽ không hoàn hảo trong thời gian đầu
Có con là một trong những trải nghiệm mà không ai có thể chuẩn bị được hoàn toàn. Dù có đọc bao nhiêu sách vở, có lên danh sách đầy đủ những thứ cần thiết, có hỏi han mọi người thế nào đi chăng nữa… thực tế sẽ vẫn cho thấy những điều chỉ đúng và cần cho con mình, chỉ gia đình mình, và cho cuộc sống của mình thôi. Bởi vậy, thời gian đầu sẽ không tránh khỏi trục trặc, mọi thứ sẽ rối bời. Những ai làm bố mẹ lần đầu thì cái gì cũng mới, cả đồ đạc lẫn đầu óc cứ rối tung hết cả lên. Những ai có con thứ hai, thứ ba, hoặc nhiều hơn nữa thì mọi thứ cũng khó tránh được rối ren vì có thêm trẻ con trong nhà, kinh nghiệm đứa này chưa chắc áp dụng được đứa kia… Vậy nên rất khó có thể đưa cuộc sống vào quy củ ngay từ ngày đầu tiên, kể cả bạn có kế hoạch chặt chẽ thế nào đi chăng nữa. Bởi vậy, hãy cứ thư giãn, chấp nhận rằng thời gian đầu (khoảng 3 tháng) mọi thứ sẽ như vượt ngoài vòng kiểm soát. Nhưng tin tôi đi, đó chỉ là tạm thời thôi vì nếu bạn đã có một tư duy tối giản, bạn sẽ có lại cuộc sống của mình dễ thôi.
2. Tạo thêm không gian trống
Có thêm trẻ nhỏ cần thêm rất nhiều không gian. Trước đây khi nghe lời khuyên này, tôi thường nhíu mày: “Một đứa trẻ bé tí xíu thì chiếm mấy diện tích?” nhưng sau này có con rồi, tôi nhận ra rằng không gian trống là rất cần, không chỉ cần cho em bé mà còn cho cả bố mẹ nữa. Đối với trẻ nhỏ, nhất là độ tuổi 0-6 tháng, vì khả năng tự vận động chưa nhiều và phụ thuộc chủ yếu vào bố mẹ, các em cần rất nhiều thứ lặt vặt như bỉm, tã quấn, khăn quấn, bình sữa, dụng cụ rửa bình sữa, chậu tắm, dầu tắm, kem bôi hăm, khăn lau… —đó đều là những thứ cơ bản cần thiết. Do vậy, dù có tối giản đến đâu, một em bé ra đời cũng kèm thêm rất nhiều thứ mà không đủ không gian trống thì chẳng mấy chốc đồ đạc sẽ tăng với cấp số nhân.
Đối với bố mẹ, không gian trống là vô cùng quan trọng (thậm chí còn quan trọng hơn trẻ nhỏ!) bởi vì khi có con, bố mẹ mất đi rất nhiều khoảng không riêng tư. Hầu hết các gia đình có con nhỏ đều có thêm ông bà, họ hàng, anh chị, bạn bè thường xuyên đến thăm em bé hoặc đến ở hẳn để giúp chăm em bé một thời gian; một số gia đình thì thuê thêm người giúp việc, vú em toàn thời gian hoặc theo giờ để phụ chăm em bé… Đây có thể là cú sốc đối với những ai quen sống một mình hoặc chỉ có vợ chồng son. Gia đình nào đã có con rồi thì thêm một đứa trẻ nữa sẽ càng thêm chật chội, các bé phải chia sẻ không gian với nhau, bố mẹ càng có ít sự riêng tư hơn; khi đó, không gian trống là rất cần.
Để có thêm không gian, rất nhiều người quyết định chuyển ra khỏi nhà bố mẹ (nếu ở chung) hoặc chuyển sang căn hộ lớn hơn (nếu ở riêng) khi có con. Đây là một phương án tốt, mặc dù việc chuyển nhà, đặc biệt khi có con nhỏ, vô cùng vất vả và tốn kém. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để di chuyển. Bởi vậy, cách làm thực tế hơn là ngay khi con còn chưa ra đời, bố mẹ nên chuẩn bị dọn dẹp lại nhà cửa, không chỉ mua đồ mới đón con về mà còn phải… bỏ bớt đồ cũ để dọn chỗ cho con nữa. Càng bớt đi được những món đồ cồng kềnh, không cần thiết thì sẽ càng có thêm không gian cho cả con lẫn bố mẹ được hít thở sau này. Hãy xem đây là động lực để bắt tay vào tối giản hóa nhà cửa một cách triệt để nhất!
Tôi còn nhớ khi mới biết tin có bầu Jaden, mặc dù đã sống tối giản được một vài năm, tôi lập tức cảm thấy căn hộ một phòng ngủ của mình sẽ “co” lại đến như thế nào với chỉ một cái cũi và một chiếc tủ nhỏ cho con. Phần “minimalist” trong tôi bắt đầu thấy ngộp thở. Mấy tháng đầu ốm nghén qua đi, tôi và chồng bắt tay dọn dẹp nhà cửa, bán hết những thứ không cần thiết trên mạng và cho các cửa tiệm đồ cũ, tặng lại số còn lại cho các tổ chức từ thiện. Vậy mà đến khi em bé ra đời, đồ đạc bỏ ra dùng nhiều hơn, nhà có thêm người chăm em bé, có thêm khách đến thăm…, khoảng 1 tháng đầu, tôi vẫn cảm thấy như mình đang sống trong một chiếc hộp diêm bé xíu (!) Nỗ lực dọn nhà, bỏ bớt đồ, hạn chế mua mới vẫn tiếp tục. May mắn đến khi Jaden khoảng 3 tháng, chúng tôi có cơ hội dọn đến một căn hộ lớn hơn hẳn. Và mặc dù chuyển nhà vô cùng vất vả nhưng phải khi sống ở căn hộ mới rồi, chúng tôi mới cảm thấy giá trị của không gian trống lớn đến thế nào, và vô cùng biết ơn vì có cơ hội di chuyển.
3. Cân nhắc kỹ trước khi mua thêm đồ mới cho con
Ông bố, bà mẹ nào khi mới có con cũng có cảm giác “muốn mua cả thế giới” cho con. Tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, 4 năm sống tối giản và gần 10 năm làm giáo dục dạy cho tôi rằng trẻ con không cần nhiều đồ đạc để hạnh phúc, và không phải vì là trẻ con nên đồ dùng lúc nào cũng phải mới tinh, mới cóng. Bởi vậy, tôi tin rằng các quy tắc tối giản đồ dùng người lớn hoàn toàn có thể áp dụng với trẻ nhỏ, như: (1) cân nhắc rất kỹ trước khi mua đồ mới, (2) ưu tiên mua đồ second-hand và nhận lại đồ bé khác dùng rồi, và (3) cất/bỏ/quyên góp bớt đồ ngay khi bé không mặc nữa.
Đối với những món đồ có nhu cầu cần mua mới, bố mẹ nên dành thời gian nghiên cứu các lựa chọn (trên mạng hoặc ở cửa hàng), suy nghĩ xem món đồ này có nhất thiết cần mới không, và nếu mua mới thì “vòng đời” món đồ là bao lâu và có đáng tiền không vì trẻ con thay đổi rất nhanh. Nếu có thể, hãy mang em bé đến cửa hàng “thử” đồ trước khi mua hoặc đến nhà ai đó có món đồ mình cần mua để tham khảo trước. (Ví dụ: chúng tôi từng mang Jaden đến siêu thị cho ngồi thử ghế ô-tô, ghế ăn, xe đồ chơi… để chắc chắn kích cỡ vừa với con và con thực sự thích rồi mới mua).
Đối với những món đồ cũ, bố mẹ cần vệ sinh sạch sẽ trước khi cho con sử dụng. Nhiều người từ chối sử dụng đồ cũ vì sợ con bị kích ứng, nhiễm vi trùng… nhưng thực sự nếu bé không có vấn đề gì về dị ứng hay miễn dịch thì vệ sinh đồ dùng bằng nước ấm và xà phòng dành riêng cho bé là đảm bảo. (Cho tới nay, đến 90% đồ dùng của Jaden là đồ cũ từ quần áo, đồ chơi, đến sách, truyện và con vẫn tiếp tục sử dụng rất tốt).
Đối với những món đồ con không còn nhu cầu sử dụng nữa, bố mẹ có thể lọc lựa lại. Cái nào thực sự thích và còn tốt thì giữ lại (nếu có nhu cầu cho bé tiếp theo hoặc cho ai đó cần) để vào hộp riêng cất đi — cố gắng giới hạn số lượng những món này hết sức có thể. Số còn lại có thể bán, quyên góp từ thiện, hoặc bỏ đi. Đừng tiếc của! Bạn hãy tin tôi đi, dù có sống “tối đa” đến thế nào, không ai có thể giữ lại tất cả đồ đạc con mình từng qua tay vì trẻ nhỏ tuổi này thay đồ với tốc độ chóng mặt và mỗi một thời kỳ lại có những món đồ tiện ích mới bạn muốn sắm thêm cho con mình.
Một kinh nghiệm nữa để giảm tải số đồ mang về nhà mà con vẫn có cái để chơi và khám phá là đưa con đi thư viện trẻ em, những trung tâm giải trí cho bé, hay trường mẫu giáo — những nơi này vốn đã có sẵn đồ chơi rồi, con chỉ cần đến tham gia chơi và cũng có thêm cơ hội tương tác với các bạn đồng lứa. Gia đình nào có con tuổi sàn sàn nhau cũng có thể làm “play date” nho nhỏ để các bé đến nhà nhau chơi chung và đổi đồ chơi cho nhau. Ngoài ra, bố mẹ cũng rất nên cho con đi chơi ngoài trời, khám phá thiên nhiên — những thứ mà không loại đồ chơi nào có thể so sánh được.
4. Thả lỏng các “luật lệ” tối giản đối với đồ dùng trẻ con
Bên cạnh những quy tắc tối giản cơ bản (như đã viết phía trên), tôi cho rằng những “luật lệ” khắt khe thường thấy của những người sống theo phong cách tối giản không thực sự phù hợp với việc nuôi con nhỏ và nên thả lỏng hơn.
Ví dụ, khi mới mang bầu Jaden, tôi mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu và lên cho mình một “danh sách tối giản các loại đồ dùng cho em bé”, thậm chí còn làm bảng Excel tính toán cần bao nhiêu cái tã, bao nhiêu cái áo, bao nhiêu cái quần… với hy vọng mình không vi phạm quy tắc tối giản. Nhưng sau đó, tôi nhận ra việc làm này thực ra không mang lại lợi ích gì vì thứ nhất, dù có chuẩn bị kỹ đến đâu, khi con ra đời vẫn có những món mình đã mua rồi không dùng được hoặc những món quyết định không mua lại có nhu cầu dùng (đặc biệt những bà mẹ nuôi con lần đầu thiếu kinh nghiệm). Thứ hai, các em bé ra đời có chiều dài, cân nặng, sở thích, nhu cầu… khác nhau nên không có một danh sách nào hoàn hảo cho trường hợp của con mình, cho gia đình mình cả. Thứ ba, việc đếm số đồ dùng, rồi áp dụng những quy tắc như “1 in, 1 out” (một món đồ mới vào, một món đồ cũ ra) dễ tạo ra những mệt mỏi, stress không đáng có trong thời kỳ vất vả ban đầu có con nhỏ.
Bởi vậy, lời khuyên của tôi là: khi mới có con, hãy sống tối giản “một cách khái quát”, đừng sa đà vào tiểu tiết, đừng quá lo lắng về số đồ đạc, đừng dành quá nhiều thời gian vào sắp xếp. Thời gian đầu, hãy cứ để mọi thứ nhẹ nhàng một chút, tự nhiên một chút, tập trung vào hiện tại. Mọi thứ dù rối ren đến thế nào rồi cũng sẽ dần dần vào quy luật. — Take your time!
5. Xây dựng những hệ thống sắp xếp riêng cho con
“Người nào, vật nào, chỗ nấy”. Cũng như đồ dùng của người lớn, từng món đồ của con nhỏ nếu có “nơi chốn” riêng của nó thì sẽ dễ sắp xếp và đỡ cảm giác “ngộp” hơn khi sinh hoạt trong nhà. Xây dựng hệ thống sắp xếp riêng cho con không chỉ giúp bố mẹ dễ thu dọn nhà cửa và còn giúp bé con tập dần thói quen tìm đồ của mình đúng chỗ và để đồ vào chỗ cũ.
Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, hệ thống này chủ yếu dành cho những người chăm sóc bé. Nó có thể chỉ là một vài cái hộp, giỏ để đồ chơi cho em bé ở mỗi phòng, bé muốn chơi lấy ra chơi, chơi xong thu gọn lại để vào hộp, khi nào hộp đầy thì cũng là tín hiệu để bố mẹ cần xem xét lọc lựa, bỏ bớt đồ trong hộp. Nó cũng có thể là một chiếc tủ hoặc một ngăn kéo để riêng quần áo cho con; trong đó quy định (rõ ràng hoặc ngầm hiểu) hộc nào để áo, hộc nào để quần, hộc nào để yếm… để mọi người trong gia đình có thể sắp xếp quần áo cho bé dễ dàng ngay sau khi giặt. Nó cũng có thể là một giá đựng đồ riêng trong bếp để đồ ăn của con như sữa, bình, nước, đồ ăn dặm…để khi bé đói bố mẹ, ông bà biết ngay mình cần tới đâu để chuẩn bị đồ ăn cho bé nhanh nhất có thể.
Đối với trẻ nhỏ lớn hơn 2 tuổi, hệ thống này nên là sự kết hợp giữa bé và người chăm sóc bé. Từ 2 tuổi trở lên, hầu hết các bé đã đi lại thành thạo, nghe hiểu bố mẹ nói những hiệu lệnh cơ bản, và biết làm một số việc cá nhân (nhất là những bé đi nhà trẻ sớm và được huấn luyện các kỹ năng này). Hệ thống này có thể là những hộp đồ riêng cho con, con chơi xong khuyến khích để lại chỗ cũ, dọn dẹp cùng bố mẹ, ông bà. Nó cũng có thể là khoảng không riêng an toàn cho con chơi một mình, không cần sự giám sát quá sát sao của bố mẹ, như một phòng riêng, góc riêng, hay một chiếc “lều” xinh xinh dựng bằng chăn và vỏ đệm. Hệ thống này cho con biết đâu là khu vực riêng của con, những gì là sở hữu riêng của con, và phải làm gì để giữ cho những thứ của mình được gọn gàng, sạch sẽ.
Hệ thống này có thể khác nhau tùy theo nhu cầu và không gian của từng gia đình. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, tốt nhất là không để lẫn đồ của bé vào với đồ của bố mẹ vì càng để lẫn sẽ càng khó dọn dẹp. Ví dụ, ở rất nhiều gia đình, nếu bước vào phòng ngủ của bố mẹ, ta dễ bắt gặp hình ảnh bình sữa và đồ chơi của bé để lẫn trên bàn, cùng với chai nước hoa của mẹ hay đồ điện tử của bố… Thực ra không có gì sai ở đây cả, đặc biệt nếu không gian hẹp, bố mẹ cho con ăn, cho con chơi rồi tiện ở đâu để đồ đó là chuyện bình thường. Nhưng nếu tiếp tục như vậy và không có sự dọn dẹp thường xuyên, chẳng mấy chốc đồ đạc sẽ trở nên lộn xộn, khó tìm đồ, và cũng khó dọn đồ. Không có gì khó chịu hơn là khi con đói cần bình sữa hoặc khi con khóc đòi một món đồ nào đó mà không tìm ra nổi vì lẫn vào chăn nệm của bố mẹ; rồi khi đang cuống lên cần ra khỏi cửa để đi làm, đi học mà không tìm đâu ra chìa khóa xe hay thỏi son vì lẫn cùng quần áo, đồ chơi của con (Argg!!!). Bởi thế, một hệ thống đơn giản, rõ ràng, giản tiện là vô cùng quan trọng.
(Còn tiếp)
5 gợi ý tiếp theo sẽ được giới thiệu trong Phần 2 bài viết .
(Đăng ký theo dõi blog để nhận được thông báo bài viết mới qua email)
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Huyền says
Cảm ơn Chi vì những chia sẻ trong bài viết này và trong cả blog. Mình cũng là một NCS (ở Việt Nam thôi) và mình cũng là bà mẹ bỉm sữa :))) Trước đây mình rất hay bị bấn loạn vì quá nhiều công việc, quá nhiều áp lực nhưng từ khi đọc “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” và phát hiện ra được blog này, mình như tìm được một người bạn tâm giao. Mình vẫn đọc lại sách nhiều lần và đọc blog hằng ngày (mình thấy càng đọc càng thấm, cứ thích đọc đi đọc lại). Hiện giờ mình ổn hơn nhiều, có nhiều thời gian hơn, biết sắp xếp kế hoạch hơn, thực hiện tối giản ngay cả khi có con nhỏ và cố gắng từng ngày. Chúc Chi một ngày mới thật vui :))))
Huyền Nguyễn says
Cảm ơn Chi vì những chia sẻ trong bài viết này và trong cả blog. Mình cũng là một NCS (ở Việt Nam thôi) và mình cũng là bà mẹ bỉm sữa :))) Trước đây mình rất hay bị bấn loạn vì quá nhiều công việc, quá nhiều áp lực nhưng từ khi đọc “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” và phát hiện ra được blog này, mình như tìm được một người bạn tâm giao. Mình vẫn đọc lại sách nhiều lần và đọc blog hằng ngày (mình thấy càng đọc càng thấm, cứ thích đọc đi đọc lại). Hiện giờ mình ổn hơn nhiều, có nhiều thời gian hơn, biết sắp xếp kế hoạch hơn, thực hiện tối giản ngay cả khi có con nhỏ và cố gắng từng ngày. Chúc Chi một ngày mới thật vui :))))
Phạm Việt says
Cảm ơn Chi vì những chia sẻ trong bài post này. Nói không quá chứ nuôi dạy con trẻ là cả một nghệ thuật :)) Mình rất ưng quan điểm”Thả lỏng các “luật lệ” tối giản đối với đồ dùng trẻ con” của Chi. Nhiều khi quá khắt khe và để ý tiểu tiết sẽ lại càng khiến mọi thứ trở nên “rối bời” hơn. Thôi thì cứ để mọi thứ tự nhiên đến, chấp nhận và tìm cách khắc phục nó sẽ khiến mình thấy nhẹ đầu hơn nhiều.
Chúc Chi một ngày vui vẻ!