Cách đây hơn hai năm, tôi đăng bài review cuốn sách Bốn Thoả Ước (The Four Agreements) của Don Miguel Ruiz trên blog. Bốn thỏa ước này bao gồm:
1. Không phạm tội với lời nói của mình (Be impeccable with your words)
2. Không quy mọi việc về mình (Don’t take anything personally)
3. Không giả định, phỏng đoán (Don’t make assumption)
4. Luôn làm hết khả năng của mình (Always do your best)
Bài review nhận phản hồi tích cực từ bạn đọc. Rất nhiều người nói với tôi rằng nhờ bài viết này, họ đã tìm đọc (một số thì đọc lại) cuốn sách. Cảm nhận chung của mọi người là nếu sống đúng như triết lý của bốn thỏa ước này thì ai cũng có thể tự giải thoát bản thân ra khỏi suy nghĩ tiêu cực khi gặp tình huống khó khăn. Nhưng đáng tiếc là từ lý thuyết đến thực tế còn một khoảng cách rất xa. Tại sao đến tận ngày hôm nay chúng ta vẫn phải nhắc đi nhắc lại cho nhau bốn điều ngắn ngủi, giản đơn như thế này? Bởi vì chúng cực kỳ khó để thực hiện. Trừ những ai đã “tu luyện” được tới cảnh giới mà tâm hồn tĩnh lặng như hồ nước mùa thu, đầu óc không màng “tham, sân, si” ra thì khó có ai (kể cả những người lạc quan, tốt bụng nhất) cũng có thể tự tin rằng mình không bao giờ nói lời nào đụng chạm đến người khác, không cảm thấy tổn thương khi người khác nói xấu về mình, không phỏng đoán ngầm xem người khác đang nghĩ gì, và không có lúc nào chán nản, muốn buông xuôi.
Sau hơn hai năm viết bài review nói trên và bốn năm rèn luyện bản thân theo triết lý của bốn thỏa ước, tôi nhận ra rằng cùng với thời gian, trưởng thành, và va chạm xã hội, việc thực hiện bốn điều này sẽ càng khó hơn. Hoàn cảnh mới đòi hỏi ta phải thường xuyên nghiền ngẫm và suy xét bốn thỏa ước theo những góc cạnh khác nhau. Bởi vậy, bài viết này là cái nhìn ngược về những gì tôi đã viết hơn hai năm trước và suy nghĩ thêm về những gì tôi muốn thay đổi, hoàn thiện hơn trong những năm tiếp theo với bốn thỏa ước.
Ngẫm lại “Bốn thỏa ước”
1. Không phạm tội với lời nói của mình: Nói cách khác là không tạo ra “khẩu nghiệp”, thỏa ước này nhắc chúng ta không dùng lời lẽ của mình để gây tổn thương cho người khác bởi vì chẳng mấy chốc, chính những lời lẽ này sẽ gây tổn thương lại cho ta. Hơn hai năm trước, nghĩ về những gì từng xảy ra với mình xuất phát từ miệng lưỡi thế gian và những câu chuyện ngồi lê đôi mách, tôi viết:
“… Những năm gần đây, khi đã trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng một khi tôi không quan tâm đến người khác nghĩ gì và không cần cảm thấy phải chứng mình cho ai hết, tôi mới dần “hoá giải” được những lời nguyền này để làm điều mình muốn. Đồng thời, tôi cũng tránh tham gia những câu chuyện ngồi lê đôi mách, hạn chế nói về người khác sau lưng họ và ngừng nghe người khác tào lao về mình. Sống và làm việc trong môi trường nhiều nữ giới, việc không tham gia ngồi lê đôi mách có thể khiến tôi có vẻ khó gần và ít “thú vị” hơn đối với một số người. Nhưng đối với tôi, đó không phải là giá trị quan trọng của cuộc sống. Tôi biết tôi là ai, có sống tốt hay không, có ảnh hưởng như thế nào tới mọi người, đó mới là điều quan trọng…”
Nhìn lại, đối với tôi, đây có lẽ là điều dễ nhất để thực hiện trong số bốn thỏa ước. Thứ nhất là bởi bản chất của tôi là nội tâm, trầm lắng, tôi không phải tuýp người có thể xôn xao, nhốn nháo chuyện trò cả ngày để mà có điều kiện ngồi lê đôi mách, góp ý vào cuộc sống của người khác. Thứ hai là vì khi còn đi học, tôi đã từng là nạn nhân của mấy vụ đặt điều nói xấu của hội con gái mới lớn nên sau này tôi không mong mang rắc rối đến cho bất kỳ ai khác. Cuối cùng cũng bởi vì đã quen sống “lành lạnh”, một mình độc lập đã lâu, tôi không cảm thấy có vấn đề gì lắm nếu bị người khác cho là “ít thú vị” hay thậm chí, “khó gần”, “thiếu hòa đồng” trong tập thể (mặt khác, đây cũng chính là khiếm khuyết trong tính cách của tôi).
Nhưng nếu bạn là người bản chất sôi nổi, hướng ngoại, cần thiết phải là một phần của đám đông, hoặc bạn là tuýp người nóng tính, thỏa ước này có thể sẽ khó để thực hiện hơn. Đôi khi, không phải bạn cố tình nói lời làm tổn thương đến ai khác nhưng trong cuộc trò chuyện thầm thì, thật khó có thể không hùa vào một hai câu “góp vui”. Khi nóng giận mất khôn, cũng rất dễ để buông ra những lời lẽ khó nghe như xát muối vào người đối diện. Nếu bạn bắt gặp mình trong trường hợp như vậy, hãy cố gắng đặt bản thân vào vị trí người bị chỉ trích và tự hỏi nếu mình nhận được lời chỉ trích như vậy, mình sẽ nghĩ và phản ứng như thế nào? Nếu bản thân mình cũng cảm thấy bị tổn thương thì đừng nên nói ra những lời đó cho người khác, hoặc nếu có nói, hãy cố gắng nói một cách nhẹ nhàng, có tình, có lý.
Mặc dù tự cảm thấy mình đã thực hiện khá tốt thỏa ước này, trong những năm vừa qua, tôi nhận ra mình còn có thể làm tốt hơn nữa trong giao tiếp với những người thân trong gia đình. Ở ngoài xã hội, việc cẩn trọng lời ăn tiếng nói đã trở thành một thói quen, một phản xạ tự nhiên. Nhưng ở trong gia đình, với chính những người thân nhất, đôi lúc tôi cảm thấy mình thiếu kiên nhẫn, ăn nói thiếu suy nghĩ hơn nhiều bên ngoài. Thật may mắn là vì trong cùng gia đình, mọi người dễ bỏ qua cho nhau hơn. Nhưng từ năm nay, khi đại gia đình tôi có thêm vài thành viên và với việc tôi sinh con đầu lòng, mọi người giao tiếp nhiều hơn, gặp gỡ nhau nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày, tôi muốn mình làm tốt hơn nữa thỏa ước thứ nhất này. Mục tiêu của tôi là không chỉ “không phạm tội với lời nói của mình” mà còn nói ra những lời lẽ đẹp đẽ, tích cực hơn nữa với mọi người.
2. Không quy mọi việc về mình (Don’t take anything personally). Mỗi con người đều nhìn cuộc đời dưới một con mắt riêng và sống trong thực tế riêng của mình. Bởi vậy, mặc dù cùng xem xét và đánh giá một sự việc giống hệt, nhận định của mỗi người có thể rất khác nhau. Do đó, mỗi khi nhận được một lời chỉ trích hay một lời tâng bốc, không nên quy hoàn toàn đó là lỗi lầm hay công trạng của mình. Nếu có thể “bỏ ngoài tai” mọi lời nói của người ngoài, dù là khen hay chê, cuộc sống của ta sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Cách đây hơn hai năm, tôi viết:
“…Đối với tôi, đây là điều khó nhất trong bốn thoả ước. Rất khó để không cảm thấy bị xúc phạm khi nghe người khác chỉ trích mình. Rất khó để không đổ lỗi cho bản thân khi người khác quy tội về mình. Rất khó để ngừng ảo tưởng về bản thân khi mọi người tâng bốc mình..”
Tới tận ngày hôm nay, tôi vẫn xem đây là thỏa ước khó nhất để thực hiện. Chỉ trong năm nay, đã không biết bao nhiêu lần tôi phải tự nói với bản thân: “Don’t take it personally! Don’t take it personally! DON’T TAKE IT PERSONALLY!!!” bởi vì nó thực sự rất khó. Những năm gần đây, tôi nhận ra rằng, cùng với việc luyện tập tính nhẫn nại, tăng sự cầu tiến, giảm bớt kỳ vọng… tôi không còn quá quan tâm đến những lời chỉ trích của người khác về học tập, công việc, hay thậm chí về hình thức của mình nữa. Lý do lớn nhất là bởi những lời chỉ trích này đến từ những người không thực sự gần gũi, thân thiết, ruột thịt với tôi. NHƯNG với những người tôi đặc biệt quan tâm, ý kiến của họ về tôi cũng có trọng lượng và tầm ảnh hưởng hơn rất nhiều. Có thể cùng một câu nói nhưng người ngoài nói ra tôi không mảy may để trong đầu nhưng với người thân thiết — những người tôi muốn chứng minh bản thân cho họ, muốn nhận được tình cảm của họ— lời lẽ đó sẽ đọng lại rất lâu. Nếu đó là lời khen, nó có thể khiến tôi vui rất lâu, thậm chí còn vì nó mà trở nên tự tin thái quá, chủ quan. Nếu đó là lời chê, nó có thể khiến tôi cảm thấy như mình bị chỉ trích, lên án, thậm chí sự xúc phạm nặng nề.
Gần đây mỗi lần cảm thấy bản thân đang quy chụp mọi chuyện về mình và có vẻ phản ứng thái quá với lời góp ý của người khác, tôi thường cố gắng cười và hướng mọi chuyện theo chiều nhẹ nhàng hơn. Nhưng để làm được vẫn rất khó. Khó bởi lẽ đó là tâm lý bình thường của con người. Thành thật mà nói tôi chưa từng gặp ai, kể cả những người sống đơn giản, bất cần, vô tư nhất có thể bỏ ngoài tai những lời người ngoài nói về mình. Rất nhiều người khi nghe người khác than phiền vì bị điều tiếng lại phủi tay: “Ồi giời, cứ coi như gió thoảng qua tai. Đừng nhạy cảm thái quá, đừng suy nghĩ nhiều quá, đừng để những lời đó động chạm đến mình…” Ấy thế nhưng chính những người này khi đến lượt mình bị điều tiếng thì lại giẫy nảy lên ngay được và cũng “nhạy cảm” không kém.
Mặc dù chưa nghĩ ra giải pháp nào có thể giúp mình giải phóng bản thân và hoàn toàn thực hiện được theo thỏa ước thứ hai này, tôi nhận ra trước hết mình phải biết chấp nhận thực tế. Mình cần hiểu rằng cảm xúc của mình là bình thường và rằng ai trong tình huống tương tự cũng phải một khoảng thời gian điều chỉnh để bình tâm trở lại. Đây cũng là mục tiêu của tôi trong vài năm tới. Hy vọng theo năm tháng và trải nghiệm, khi có nền tảng tâm lý vững vàng hơn, tôi sẽ tìm ra những giải pháp tốt hơn để đưa mình về trạng thái yên bình nhanh hơn nữa.
3. Không giả định, phỏng đoán (Don’t make assumption). Thỏa ước này xoay quanh việc con người có xu hướng thường xuyên đưa ra phỏng đoán về người khác/việc người khác làm thay vì tìm hiểu sự thật. Ngoài ra, chúng ta cũng có thói quen áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác, cho rằng họ cũng phải có cùng lối tư duy với mình, đọc được suy nghĩ của mình để làm theo đúng ý mình muốn. Ta ít khi chịu ngồi lại để cân nhắc góc nhìn, tâm tư riêng của họ. Hơn hai năm trước, dùng một ví dụ nhỏ trong quan hệ tình cảm Á-Âu của vợ chồng mình, tôi viết:
“…Chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Á Đông, tôi từng rất ngại nói thẳng suy nghĩ của mình cho người khác. Tôi từng nghĩ người ý nhị, thông minh là phải nói nửa vời (“ý tại ngôn ngoại”) để người khác “nghe một hiểu mười”. Cho đến khi tôi gặp chồng tôi, một người sinh ra ở một nền văn hoá khác, tôi mới nhận ra mình nói chuyện khó hiểu đến thế nào […] Suốt 3 năm qua, tôi luyện tập nói ra 100% những gì mình muốn với mọi người với tất cả sự tôn trọng và lịch sự mình có. Mặc dù còn nhiều điểm hạn chế, đến nay tôi đã nói được nhiều hơn những suy nghĩ của mình và điều này thực sự làm các mối quan hệ của tôi thành thật và dễ chịu hơn…”
Hai năm trở lại đây, tôi nhận thấy mình không những đã làm tốt thỏa ước này, mà thậm chí còn làm quá tốt. Tốt đến mức ngày nay, nếu gặp những ai có cách nói chuyện nửa vời, ấn ý, xách mé, tôi hầu như không để vào đầu lâu để có thể phân tích ra xem họ đang có ý gì, mình có thể đã làm gì để họ nói “cái ý nho nhỏ trong một câu thoáng qua” ấy. Vì bản thân tôi không ngại thành thật nói ra những gì mình nghĩ, tôi cũng có xu hướng thích giao du với những người có xu hướng sống như vậy. Dần dà sống lâu trong môi trường như thế, “nơ-ron nhạy cảm Á Đông” để giả định, phóng đoán, đón ý người khác của tôi dường như cũng thui chột dần. Cũng bởi thế, tôi có thể sống đơn giản, nhẹ nhõm, và tự tin hơn trước nhiều.
Tuy vậy, thời gian gần đây, tôi nhận ra mình cũng không thể hoàn toàn không quan tâm đến ẩn ý của người khác bởi vì không phải ai cũng có thói quen (và có khả năng) nói ra hết những gì họ nghĩ. Việc mình không để ý đến những dấu hiệu ngầm, những chi tiết nhỏ từ người khác có thể biến mình trở thành kẻ vô tâm, thiếu tế nhị trong ứng xử. Cuối cùng, mặc dù bản thân có thể thay đổi nhiều đến đâu, văn hóa Á Đông vẫn là dòng chảy trong mạch máu của tôi, của những người thân thiết trong gia đình tôi, của cộng đồng tôi gắn kết. Bởi thế, có những điều sẽ mãi mãi không thể thay đổi hoàn toàn.
Trong những năm tới đây, tôi muốn mình cân bằng hơn việc thực hiện thỏa ước thứ ba này. Thay vì giả định, phỏng đoán, tôi hy vọng mình vẫn có thể tiếp tục thành thật với bản thân và với mọi người xung quanh. Nhưng song song cùng với đó, tôi muốn mình rèn dũa khả năng quan sát nhạy cảm hơn và mở lòng chia sẻ nhiều hơn với mọi người. Đây có lẽ là thỏa ước duy nhất trong bốn thỏa ước tôi muốn bổ sung, thay đổi.
4. Luôn làm hết khả năng của mình (Always do your best). Thoả ước cuối cùng là sự cởi trói bản thân ra khỏi kỳ vọng và hướng tới thúc đẩy từ nội lực để tiến về phía trước. Ai khi bắt tay làm điều gì cũng muốn được thành công nhưng đa phần, kỳ vọng của thành công và khó khăn trên con đường thực hiện mục tiêu khiến ta thất vọng, tự ti, và chùn bước. Để vượt qua được tâm lý này, thỏa ước thứ tư khuyên ta làm hết sức mình, mặc cho kết quả có thể nào đi chăng nữa, bởi khi đã làm hết sức mình, ta sẽ không còn điều gì nuối tiếc. Hơn hai năm trước, tôi viết:
“…Luôn làm hết khả năng của mình là tôn chỉ làm việc của tôi. Tôi luôn nói với bản thân, bạn bè, và học trò của mình rằng không bao giờ nên hướng tới sự hoàn hảo mà chỉ nên tập trung vào những điều tốt nhất ở thời điểm hiện tại…”
Luôn làm hết khả năng của mình VẪN là tôn chỉ làm việc của tôi. Tuy nhiên, sau nhiều năm thăng trầm, cái nhìn của tôi về thành công thực tế hơn và bởi thế, kỳ vọng của tôi đối với thỏa ước thứ tư này cũng giảm đi nhiều. Trước đây, mỗi khi bước vào một cuộc cạnh tranh căng thẳng (như săn học bổng, đấu đá trong các cuộc thi, thăng chức, tìm việc…) tôi thường tự nhủ: “Hãy cứ làm hết sức mình rồi mình sẽ đạt được những gì mình muốn” (Hard work will pay off). Nhưng có đôi khi, dù có cố gắng đến đâu, có làm hết sức mình đến thế nào, kết quả cũng vẫn không được như mình mong muốn. Đây là một thực tế mà gần hai năm trở lại đây, khi càng ngày càng cạnh tranh ở những “đấu trường” khắc nghiệt hơn, “đối đầu” với những người giỏi hơn, tôi càng phải học cách chấp nhận. Thực tế là gì? Thực tế là ngày nay, mọi người giỏi đều rất cầu tiến — ai cũng nỗ lực làm hết sức mình, ai cũng vươn lên với niềm tin là làm hết sức rồi sẽ được thành quả như ý muốn. Với một xã hội đi lên như vậy, cạnh tranh càng ở mức độ cao hơn, cơ hội để mà đạt được những gì mình muốn (dù đã làm hết sức mình) sẽ càng thấp hơn. Vậy nên, việc kỳ vọng cứ làm hết sức rồi sẽ được thành quả đôi khi là kỳ vọng quá cao, nó có thể là niềm tin, là hy vọng, nhưng không nên là kỳ vọng ở mọi việc mình làm.
Tuy nhiên, ngay cả với việc chấp nhận thực tế này, tôi vẫn giữ thỏa ước thứ tư là tôn chỉ làm việc sống còn của mình. Tại sao? Bởi vì tất cả những gì ta có thể kiểm soát được trên đời này chỉ là bản thân mình mà thôi. Ta không thể kiểm soát được hoàn toàn kết quả công việc mình làm ra sẽ thế nào, không thể biết được mình sẽ cạnh tranh với những ứng viên giỏi tới đâu, không thể đoán được người khác đánh giá gì về mình. Bởi thế, cho đến tận cùng, những gì ta có thể làm được chỉ là làm hết mình mà thôi. Vẫn luôn làm hết sức mình nhưng giảm bớt kỳ vọng về thành quả và thực tế hơn với cơ hội của mình là mục tiêu của tôi trong những năm tới với thỏa ước thứ tư này.
====
Ngẫm lại bốn thỏa ước cùng bài review sách hơn hai năm trước, tôi cảm thấy mình đã thay đổi nhiều trong cách nghĩ và cách sống. Và tôi biết mình sẽ còn tiếp tục chuyển mình, trưởng thành nhiều hơn nữa trong những năm tới đây. Đối với tôi, mỗi lần viết một bài “ngẫm lại” như thế này là một dịp để thử thách chính bản thân mình.
Còn bạn đọc thì sao? Bạn đã đọc qua cuốn Bốn Thoả Ước (The Four Agreements) của Don Miguel Ruiz chưa? Bạn nghĩ gì về bốn thỏa ước này? Những suy nghĩ đó có thay đổi gì qua thời gian không? Tôi thực sự tò mò muốn nghe đấy – hãy chia sẻ với nhau qua phần comment dưới đây nhé 🙂
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog