Từ đầu năm 2018 tới nay, tôi viết khá nhiều về quản lý tài chính cá nhân—một mảng đề tài mà trước đây tôi chưa từng viết, và cũng phải thú thực, chưa từng nghĩ mình có thể viết về nó bao giờ. Tôi vốn không thích những con số, cũng không hiểu những thuật ngữ to tát về tiền, lại càng không phải tuýp người hay để ý nhiều đến vật chất. Bởi vậy chính tôi cũng bất ngờ về sự thay đổi trong nhận thức và đam mê của mình đối với lĩnh vực tài chính cá nhân này. Nhìn lại hành trình (vừa bắt đầu) của mình trong lĩnh vực mới mẻ này, tôi nhận ra rằng việc học quản lý tài chính đã làm thay đổi cuộc đời tôi ở rất nhiều khía cạnh, bao gồm cả những mặt không liên quan trực tiếp đến tiền.
Trong khi đó, đa phần các tài liệu viết về đề tài này thường chỉ tập trung vào con số (thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư…) hay cái đích cuối cùng của đồng tiền (tự chủ tài chính, thịnh vượng), mà ít khi nói đến quá trình thay đổi trong tư duy và nhận thức của con người khi bắt đầu để ý hơn đến thói quen tiêu tiền của mình. Đây quả là một thiếu sót lớn, bởi vì chính những bài học nhỏ mà quan trọng này mới là dấu hiệu để mọi người nhận thấy những bước chuyển mình tích cực của bản thân hàng ngày và có thêm động lực để quản lý chi tiêu tốt hơn nữa. Bởi vậy, bài viết này nêu ra 5 thay đổi lớn nhất tôi có được từ quá trình học quản lý tài chính cá nhân. Hy vọng nó có thể truyền cảm hứng cho bạn bắt tay vào kiểm soát tài chính của mình, dù bạn đang ở vị trí nào trên thước đo về “tự do tài chính” đi chăng nữa.
1. Tận hưởng tự do tuyệt đối trong khuôn khổ
Buổi học đầu tiên năm cấp ba, khi nói về nội quy của năm học mới, cô giáo chủ nhiệm lớp tôi có nhắc một câu nghe chừng rất mâu thuẫn: “Kỷ luật là tự do”. Suốt nhiều năm sau này, tôi chiêm nghiệm câu nói ấy và thử áp dụng nó vào công việc và cuộc sống; nhưng phải đến khi bắt đầu quản lý tài chính cá nhân chặt chẽ hơn, tôi mới hiểu hết được ý nghĩa và “sức mạnh” của câu nói này.
Trước đây, tôi từng nghĩ rằng nếu mình có nhiều tiền để mua bất cứ cái gì mình muốn, mua không cần nhìn giá, mua không cần phải suy nghĩ gì thì mình sẽ hoàn toàn tự do. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, càng làm ra nhiều tiền, tôi lại càng thấy mình có nhu cầu tiêu tiền nhiều hơn. Thay vì tự do tiều xài đồng tiền mình kiếm được, tôi cảm thấy đồng tiền ngày càng siết chặt, khiến tôi căng thẳng nhiều hơn khi mua sắm, đặc biệt trong những tuần cuối tháng. Ngoài cảm giác bị gò bó về tiền, tôi còn cảm thấy mình bất lực vì mất kiểm soát, mất phương hướng—không rõ đồng tiền mình làm ra đi vào những đâu. Kèm với đó là cảm giác tội lỗi, tự trách bản thân, xấu hổ khi chia sẻ với người khác về các vấn đề liên quan đến tiền.
Nhưng từ khi đặt sự tự do vào trong khuôn khổ với việc lập ra kế hoạch chi tiêu (dựa vào zero-based budget) và theo đuổi nó sát sao từ đầu cho đến cuối tháng, tôi mới cảm thấy tự do hoàn toàn với đồng tiền mình làm ra. Giờ đây, với kế hoạch chi tiêu đã có sẵn, tôi có thể mua bất cứ thứ gì tôi muốn, miễn là nó ở trong vòng tiền quy định hàng tháng (điều ngạc nhiên nhất là mức quy định này không những không gây cảm giác siết chặt, ngột ngạt mà còn khiến đồng tiền dường như “giãn nở” ra hơn trước, chi tiêu được nhiều khoản có ích hơn).
Và vì chi tiêu có trách nhiệm, tôi không còn cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ khi mua sắm những gì mình cho là cần thiết. Đặc biệt, để nới thêm nữa khoảng trống tự do trong khuôn khổ, trong budget của gia đình, vợ chồng tôi mỗi người đều có một khoản gọi là “Fun Money” (Tiền Cho Vui). Khoản tiền này có thể được tiêu vào bất cứ thứ gì mình thích mà không cần phải trao đổi trước trong gia đình, cũng không bao giờ bị đánh giá—mặc cho chúng có phung phí hay vớ vẩn đến đâu; vì tiền suy cho cùng, cũng là để cho cuộc sống chúng ta “fun” hơn mà thôi.
Chính sự tự do trong khuôn khổ này đã cho phép tôi thoải mái trong chi tiêu mà không phải nơm nớp lo lắng là quyết định của mình hôm nay có thể làm ảnh hưởng đến các kế hoạch tiết kiệm và đầu tư trong tương lai như thế nào. Tất cả đã được tính toán cẩn thận ngay từ ban đầu. Trái với suy nghĩ của nhiều người là quản lý tài chính thì mệt mỏi, ngột ngạt, khó chịu, tôi luôn cảm thấy vui khi học được thêm điều mới về đồng tiền và càng biết nhiều, tôi càng cảm thấy mình được “cởi trói” nhiều hơn. Kỷ luật, thực sự, chính là tự do!
2. Xây dựng mối quan hệ tin tưởng và khăng khít hơn với bạn đời
Lớn lên ở Việt Nam, tôi nhận thấy hầu hết các cặp vợ chồng xung quanh mình đều quản lý tiền theo kiểu: chồng đưa tiền lương về nhà cho vợ “tay hòm chìa khóa”, vợ chịu trách nhiệm chi tiêu mọi thứ trong nhà. Với cách làm này, tiền được quy về một mối rất dễ kiểm soát. Tuy nhiên, vì chỉ có một người cầm tiền, người vợ thường phải mang quá nhiều trọng trách chi tiêu, hạch toán; đầy đủ thì không sao nhưng mỗi khi “thiếu trước hụt sau” thì khó có thể chia sẻ cho chồng vì chồng có suy nghĩ là tiền mình làm ra đã đưa hết cho vợ rồi là hết trách nhiệm. Người chồng vì thế cũng mặc nhiên xem là tiền mình kiếm ra đã đủ chi tiêu trong gia đình và cũng ít động lực kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình khi thiếu thốn (trừ khi phải nghe vợ cằn nhằn, than vãn suốt ngày về chuyện tiền).
Cá nhân tôi cảm thấy mình không hợp với cách quản lý tiền kiểu này vì bản thân không phải là tuýp người vợ có thể theo sau quản thúc chồng nộp tiền, sau đó phát lại “tiền tiêu vặt” cho chồng, rồi “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” hàng tháng để xem mình có dư được khoản nào cất đi không. Vì thế, khi mới lập gia đình, tôi quyết định quản lý tiền theo cách hoàn toàn ngược lại, tức là tiền ai người ấy tiêu, còn đóng góp chung vào gia đình chia đều. Kể cả khi có tài khoản chung đứng tên cả hai vợ chồng, tôi vẫn khăng khăng chia đều và tiêu riêng như thế.
Sau vài năm, tôi nhận ra cách quản lý tiền có vẻ hiện đại này cũng có nhiều hạn chế không kém cách làm kiểu truyền thống kia. Thứ nhất, với cách chia tiền riêng rẽ như thế này, đồng tiền không quy về một mối rất khó kiểm soát xem tổng thu nhập hai vợ chồng bao nhiêu, tổng chi hàng tháng bao nhiêu, và để ra một khoản tiết kiệm cho gia đình như thế nào cho các kế hoạch tương lai. Thứ hai, việc tách biệt chi tiêu còn khiến cho việc bàn bạc về tiền giữa hai vợ chồng ngày càng thưa thớt. Dần dần, tiền còn trở thành một đề tài nhạy cảm vì người này tiêu cái này người kia không đồng ý nhưng chưa chắc đã dám lên tiếng vì “tiền anh”, “tiền tôi” tách biệt.
Từ khi bắt đầu học quản lý tiền, tôi hay nói đúng hơn là vợ chồng tôi bắt đầu thay đổi quan niệm, cách đặt vấn đề, và quản lý đồng tiền mình làm ra. Chúng tôi quyết định kết hợp cả hiện đại và truyền thống bằng cách quy toàn bộ tiền về một mối (tiền lương cả hai vợ chồng cho vào tài khoản chung, dưới tên cả hai, và cả hai đều có thể sử dụng) nhưng vợ chồng cùng tham gia lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng, dùng chung app điện thoại để theo dõi mức chi tiêu, và có thẻ tiêu dùng/tiền mặt riêng trích từ tài khoản chung nói trên. Như vậy đảm bảo cả chung và riêng, cả hai người đều chịu trách nhiệm và có hiểu biết về chi tiêu trong gia đình tương đương nhau, mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng. Tất nhiên, vì trong một mối quan hệ, mỗi người có điểm mạnh-yếu riêng nên việc phân chia trách nhiệm chưa chắc đã 50-50. Ví dụ, vợ kỹ tính hơn, hay đi chợ hơn thì sẽ phải theo dõi tiền sâu sát hơn, có nhiều trọng trách hơn chồng; nhưng vì chồng cũng tham gia vào lập kế hoạch chi tiêu và thường xuyên theo dõi dòng tiền vào-ra, chồng cũng biết được khó khăn của vợ khi mua sắm cho gia đình và có động lực làm việc chăm chỉ hơn để giúp chi tiêu trong gia đình được thoải mái hơn.
Từ khi thay đổi cách quản lý tiền, chúng tôi đều cảm thấy việc giao tiếp hàng ngày giữa hai vợ chồng (không chỉ về vấn đề tiền) được cởi mở hơn. Chia sẻ gánh nặng về tài chính cũng giúp cho chúng tôi có thêm động lực để cùng nhau giải quyết các vấn đề khúc mắc hàng ngày, cùng nhau lập kế hoạch cho tương lai, và tin tưởng nhau hơn khi đứng trước những quyết định quan trọng. Bởi thế, nếu có cỗ máy thời gian quay lại năm đầu tiên kết hôn, chúng tôi chắc chắn sẽ cùng nhau theo học một khóa về quản lý tiền trong gia đình, cùng đọc sách và tìm hiểu thông tin về tài chính, và hợp nhất chi tiêu sớm hơn nữa. Tôi tin rằng, điều này không chỉ tốt cho tài chính gia đình mà còn cải thiện mối quan hệ của hai vợ chồng một cách sâu sắc và bền vững.
3. Trở nên sáng suốt và trưởng thành hơn
Điều kỳ diệu nhất của quản lý tài chính là một khi bạn bắt đầu để ý kỹ hơn đến đồng tiền mình làm ra, bạn cũng sẽ trở nên sáng suốt hơn trong các mặt khác của cuộc sống—bởi vì hầu như mọi thứ trên đời đều liên quan đến tiền. Đây là điều không chỉ tôi, mà rất nhiều người từng theo đuổi con đường tự chủ tài chính cũng có cùng nhận xét như vậy: Học quản lý tiền khiến chúng ta trưởng thành hơn.
Trước đây, khi chưa thực sự sát sao với đồng tiền, tôi rất hay phung phí những thứ nhỏ nhặt hàng ngày, nghĩ rằng nó không thực sự quan trọng. Thực phẩm dư thừa, rác thải sinh hoạt, đồ nhựa hại môi trường, những món thời trang “ăn liền”, những nhãn hàng thiếu đạo đức… chẳng hạn—trước đây, tôi không thực sự để tâm đến chúng. Nhưng từ khi kiểm soát tiền chặt chẽ hơn, tôi trở nên quý trọng đồng tiền mình làm ra hơn. Tôi muốn những đồng tiền mình vất vả mới kiếm được phải được chi tiêu vào những thứ có ích, không hoang phí, không làm hại đến sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Tôi cũng muốn dùng tiền của mình ủng hộ những nhãn hàng có trách nhiệm với thiên nhiên, với người lao động, và với chất lượng của chính sản phẩm họ làm ra. Bởi thế, quản lý tài chính khiến tôi trở thành “người tiêu dùng thông thái”, sáng suốt hơn và trưởng thành hơn với các quyết định chi tiêu, dù là nhỏ nhất, của mình.
Việc học quản lý tài chính cũng khiến tôi thoải mái hơn khi trao đổi với người khác về tiền, thay vì coi đó là đề tài nhạy cảm. Chính việc cởi mở trong giao tiếp, thường xuyên đặt câu hỏi về tài chính đã giúp tôi có thêm nhiều mối quan hệ tích cực với những người cùng hoàn cảnh và cùng tư duy về quản lý tiền. Và đặc biệt, từ đó, tôi có thêm nhiều thông tin bổ ích để tiết kiệm và kiếm thêm tiền. Một ví dụ đơn cử là khoảng vài tháng gần đây, từ khi có bầu, tôi tham gia vào một “Câu lạc bộ bà mẹ” và vì cùng ở hoàn cảnh bầu bí, muốn chuẩn bị tài chính tốt nhất cho con, chúng tôi trao đổi với nhau thường xuyên về tiền. Chính từ Câu lạc bộ này, tôi mới biết được thông tin về nguồn hỗ trợ tài chính cho các bà mẹ, luật nghỉ thai sản ở Mỹ, nơi xin miễn giảm chi phí y tế cho sinh nở, những tổ chức tặng quà và khám bệnh miễn phí cho các em bé từ khi còn trong bụng mẹ… Gần đây ngồi lại, tổng kết sơ sơ, tôi giật mình nhận ra chính nhờ những thông tin có được từ những người bạn “thông thái” này, tôi đã tiết kiệm được cả ngàn đô la tiền khám chữa bệnh và mua sắm cần thiết cho em bé. Tất cả chỉ bắt đầu từ sự cởi mở trong trao đổi hàng ngày về tài chính giữa bạn bè với nhau. Đôi khi, một câu hỏi đúng lúc cũng có giá trị cả ngàn $$!!!
4. Quyết tâm hơn với ước mơ của mình
Tôi có rất nhiều ước mơ và dự định cho tương lai. Nhưng hầu như mơ ước nào cũng gắn đến tiền, thậm chí rất nhiều tiền để thực hiện. Trước đây, mỗi lần nghĩ đến vấn đề này tôi lại chỉ muốn thở dài, buông xuôi. Sau này, được truyền cảm hứng bởi câu chuyện của Lisa Nichos, một người mẹ đơn thân da màu làm việc không mệt mỏi để cách tuần gửi đến ngân hàng một tấm séc viết “Tiền đầu tư cho giấc mơ của tôi”, tôi cũng bắt đầu để ra khoản riêng cho ước mơ của mình.
Khi mỗi khoản đầu tư, mỗi dự định trong tương lai được gắn với một giá trị đồng tiền, nó hiện hữu rõ ràng, thực tế hơn rất nhiều. Thay vì cảm thấy mình chỉ mơ mộng viển vông thôi, tôi biết mình đang làm những gì hàng ngày để đặt nền tảng biến ước mơ của mình thành sự thật. Và điều này khiến tôi có thêm quyết tâm và động lực hơn nữa để thực hiện ước mơ của mình. Mặc dù mới ở những giai đoạn đầu tiên, tôi rất vui được thông báo với bạn đọc rằng năm tới đây, mọi người sẽ thấy nhiều hơn nữa những dự án cá nhân mà tôi đang ấp ủ. Đúng là ước mơ nào cũng có cái “giá” của nó, nhưng tôi tin rằng, mình có thể bắt đầu kế hoạch, tính toán, và “chi trả” cho nó ngay từ bây giờ.
5. Hào phóng với mọi người và trân trọng hơn những gì mình đang có
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng tiết kiệm sẽ gắn với ki bo, dè sẻn. Từ hành trình của riêng mình, tôi nhận thấy rằng mình càng kiểm soát tốt đồng tiền mình làm ra, mình sẽ lại càng quý trọng hơn những gì mình đang có, sẽ bớt sân si hơn, và sẽ hào phóng hơn với mọi người. Trước đây, tôi rất hay cảm thấy thiếu tiền và việc để ra một khoản làm từ thiện hay giúp đỡ trở lại cho cộng đồng đôi lúc thật khó khăn và gượng ép. Nhưng từ khi lấy lại kiểm soát về tiền, tôi nhận ra mình thực sự đủ đầy (trong phạm vi của bản thân). Và mặc dù còn nhiều việc cần đến tiền, mình vẫn có thể đóng góp từ thiện và cộng đồng bằng cách đi làm tình nguyện (đóng góp thời gian, công sức) hay cho, tặng lại những vật dụng không cần thiết trong gia đình tới những người cần. Tôi cũng mở những “lớp học” nho nhỏ trong nhóm bạn bè để chia sẻ những nguồn thông tin về tài chính, tiết kiệm tôi học được từ sách vở, truyền thông, và các cuộc thảo luận với những bà mẹ “thông thái”. Ngay việc viết những bài chia sẻ kiểu như thế này cũng là một cách tôi chọn để chia sẻ lại kiến thức của mình cho cộng đồng.
Đối với tôi, việc hiểu biết hơn về quản lý tiền (chứ không hẳn là kiếm được thêm nhiều tiền) khiến cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều. Nó giúp ta vững tâm hơn, tự tin hơn để nhìn vào những góc khuất trong cuộc sống của mình mà trước đây ta từng sợ, từng ngại chạm đến. Tôi vẫn sẽ tiếp tục trên cuộc hành trình đến tự chủ tài chính của mình, mặc dù con đường còn rất dài, tôi thực sự tự hào và hạnh phúc khi nghĩ đến những thay đổi tích cực mình có được. Tôi hy vọng rằng bạn cũng đã và đang đi trên con đường của chính mình.
Quản lý tài chính thực sự là cho TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, chứ không riêng gì những người làm kinh doanh, những người có nhiều tiền, những người ki bo, dè sẻn… Ai trong chúng ta cũng có thể học thêm điều mới mẻ khi nhìn vào sâu hơn nữa vào những đồng tiền mình hiện có trong tay.
Be present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
mindolla says
Em mới bước vào cuộc sống đại học và thấy việc quản lí tiền thật khó chị ơi T.T
Chi Nguyễn says
Chị thì ước mình có những cái này để đọc khi còn học Đại học như em. Nếu biết được những thông tin này, chị nghĩ mình sẽ ổn hơn rất nhiều
Minh Thuy says
Cảm ơn em về bài chia sẻ vô cùng hữu ích này! Chị đã tìm đọc lại QUẢN LÝ TÀI CHÍNH BẰNG “ZERO-BASED BUDGET” và bắt đầu từ đó!
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị đã đọc bài viết. Bài Quản lý tài chính bằng zero-based budget là bài em cũng hay gửi lại link cho các bạn mới bắt đầu, nhất là hướng dẫn 3 cách làm budget ạ. Nhưng em thấy biết phương pháp là một chuyện, mình phải thực hành thường xuyên mới thạo được ạ 😀
Tịnh Thường says
Dạ em cảm ơn Chị Chi nhiều lắm!
Em Kính chúc Chị cùng gia đình luôn An Vui và nhiều Sức Khỏe.
Hưng Nguyễn says
Cám ơn Chi về bài viết. Ngay cả một người học và làm về mảng tài chính như anh đây vẫn thấy thông tin này thiết thực và cần học tập. Budget control là cái mà ko phải cứ học hay biết mà thực hành được. Chúc Chi và gia đình vui khỏe!
P/S: Ở Mỹ thì làm sao mua sách về minimalism của Chi được nhỉ?
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn anh đã đọc bài viết. Em có nhiều bạn học tài chính, còn làm tư vấn tài chính cho doanh nghiệp hàng triệu đô la nhưng riêng quản lý tài chính cá nhân thì lại yếu. Em nghĩ có lẽ trường lớp không dạy về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân với cả kỹ năng này mình phải thực hành hàng ngày mới được ạ. Sách em hiện chưa có ở Mỹ (tương lai em cũng muốn làm bản mềm trên Amazon), các bạn bên này hay nhờ người mua hộ gửi sang ạ.
begin again says
cảm ơn bài viết của chị
em biết đến blog thông qua sách của chị. Em là sinh viên. chưa làm ra tiền nhưng có khoản tiền hàng tháng bố mẹ cho và em rất khó khăn trong việc chi tiêu hợp lý nên thường hay thiếu hụt tiền vào cuối tháng.
Em sẽ tìm hiểu và thực hành phương pháp chị đã gợi ý trong bài.
Chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc ạ
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc sách chị viết. Khi còn là sinh viên chị cũng chi tiêu hoang phí lắm, nghĩ lại nhiều khi ước ngày xưa có những bài viết kiểu như thế này để thử thực hành thì tốt quá
Vu Thao says
Bài viết khá hay và hữu ích cho mọi người đang nhức đầu về việc làm sao đủ tiền để sống hàng tháng 🙂
Jane says
Cảm ơn chị Chi 😀 mới lập theme năm 2019 là Be Present thì em tìm thấy chị 💗
Chi Nguyễn says
Yay!!! Be Present!
Đức says
Quan ddiemr của mình là phải thật tiết kiệm, song song là làm việc chăm chỉ, khi đó cũng không có thời gian mà tiêu tiền nữa :)))
Kaokat says
Em cũng là người tìm hiểu và thực hành về quản lý tài chính cá nhân nhiều năm nay. Em rất thích bài viết của chị.
Chị có thể chia sẻ thêm về cách chị quản lý tiền của 2 vợ chồng được không? Hiện nay nhà em đang theo cách tiền ai người nấy tiêu ạ
Thúy says
E thực sự cảm ơn chị Chi rất nhiều. Trùng hợp vì gần đây em cũng bắt đầu tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân ( mà lại biết đến chị vì chủ nghĩa tối giản ) . Bố mẹ em là người thôn quê vậy mà vừa rồi về quê em phát hiện cả hai người đang tìm hiểu quản lý tài chính cá nhân qua mạng, còn khuyên em xem thử nữa. Đọc bài viết của chị xem e càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc này. Và cũng cần thật sự nghiêm túc thực hiện nó. Thank you chị Chi.
5ting Thúy!
NHU says
Cảm ơn chị đã chia sẻ, đọc câu chuyện của Lisa Nichos rất xúc động và đầy cảm hứng
Chau Tran says
Chào Chi, Chi có thể cho mình biết tên app để quản lý tài chính chung cho 2 vợ chồng đươc không? Mình cám ơn Chi.
Chi Nguyễn says
Nhà mình dùng app tên là Every Dollar có trên website và app điện thoại. Ở VN mình thấy các bạn hay dùng Money Lover
Phương Liên says
Chào bạn,
Bạn có thể chia sẻ cụ thể cách bạn quản lý tiền cùng chồng không ạ? Mình cũng đang băn khoăn không biến nên như thế nào để vẫn công bằng và dựa trên cái riêng của mỗi người. Mình cám ơn!
Chi Nguyễn says
Mình đang thực hiện bài viết riêng về chủ đề này, sẽ lên sóng khoảng 2-3 tuần nữa. Bạn đón xem nhé!
Khanh Nguyễn says
Chị Chi ơi em vẫn chưa hiểu zero-based budget là gì và cách áp dụng nó như thế nào ạ, đó giờ em có làm bảng ghi chú thu chi nhưng chưa thực sự quản lý được ạ, mong chị có thể làm sâu hơn về chủ đề này nữa ạ <3
Chi Nguyễn says
Chị đã viết riêng một bài về Zero-budget: https://thepresentwriter.com/quan-ly-tai-chinh-bang-zero-based-budget/
Thuy Linh Dang says
Một bài viết thật hữu ích. Những trải nghiệm của chị thật là vô giá và khi chia sẻ với mọi người thì quá tuyệt vời. Mình đã lập gia đình và sắp có bé thứ hai, mà vẫn phải loay hoay tìm cách quản lý tài chính cá nhân.
Cảm ơn Chi đã chia sẻ.
Thương chúc Chi sớm đạt được những dự định cá nhân của mình!
Linh