Hai tuần trước, tôi đón sinh nhật lần thứ 29. Tôi còn nhớ năm 8 tuổi đi học thêm ở nhà cô giáo, nhìn thấy chị con gái cô 12 tuổi, vừa lên cấp hai, tự đạp xe về nhà, tôi đã trầm trồ: “Oa. Chị lớn quá. Mười hai – con số tuổi có đến tận hai chữ số!”. Rồi mỗi lần tôi tỏ ý muốn làm một điều gì đó khác biệt, người lớn lại nói: “Cứ tập trung vào học đi, rồi sau này lên đại học thích làm gì thì làm!”. Khi ấy, trong mắt tôi, các anh chị đại học sao mà lớn thế, họ cầm những chiếc cặp da đen và mặc áo sơ mi bỏ ra ngoài quần (như trong các bộ phim về sinh viên thời ấy), trông họ thật già dặn. Ấy thế mà “các anh, chị sinh viên” ấy chỉ mới 19-20 tuổi thôi. Còn tôi bây giờ đã 29 tuổi. Thật không thể tưởng tượng nổi!
Những ngày này, cuộc sống của tôi khá bình lặng. Đang trong kỳ nghỉ hè, tôi không phải lên lớp học, không đến văn phòng nghiên cứu, cũng không cả đi dạy học. Cả ngày của tôi dường như chỉ loanh quanh với nấu cơm, ăn cơm, rửa bát, tưới cây, đọc sách, nghiên cứu, viết lách… Đôi khi tôi cảm thấy như mình đang sống cuộc đời của người khác — một người phụ nữ ở nhà làm nội trợ, thi thoảng có những thú vui riêng, nhưng cơ bản vẫn là sắp xếp nhà cửa, nấu ăn, chờ chồng con về ăn uống, nghỉ ngơi, rồi lại dọn dẹp. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi cảm thấy mình tiến gần với hình mẫu một người phụ nữ truyền thống đến thế. Và điều này thực sự mới mẻ đối với tôi. Nó khiến tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm trong quá khứ, những lời giáo huấn về cách cư xử, về kỹ năng, và cả về suy nghĩ mà “người lớn” đã từng uốn nắn cho tôi để trở thành một “người phụ nữ Việt” truyền thống, và cả những lần tôi chống đối, nổi loạn—từ trong tâm tưởng đến hành động—để đi ngược lại những khuôn phép này. Ở tuổi 29, tôi tự hỏi: Liệu mình đã trở thành “người phụ nữ Việt” thực sự hay chưa?
—
Tôi lớn lên với hình ảnh mẹ và bà ngoại luôn tất bật, đầu tắt mặt tối với mọi việc trong nhà. Bà ngoại và mẹ tôi đều là nhà báo, đều có chồng làm nhà nước, đều có hai con – một trai một gái, đều rất bận công tác; nhưng bằng một sự nỗ lực kỳ diệu nào đó, vẫn đảm bảo chợ búa, cơm nước, chăm lo con cái chu toàn. Nhưng từ khi còn rất nhỏ, tôi đã nhận ra sự khác biệt rõ nét ở hai người. Mặc dù cả hai đều hết mực chăm lo việc nhà, hầu như không để chồng (và sau này cả con trai) phải động tay vào việc nhà, nhưng bà ngoại tôi xem đó gần như là điều hiển nhiên và hầu như không bao giờ phàn nàn, còn mẹ tôi thường bị ức chế vì phải làm quá nhiều việc và cảm thấy có nhu cầu phải được san sẻ (tuy nhiên, cuối cùng mẹ tôi vẫn ôm hết việc vào làm như một thói quen). Tôi nhìn hai người phụ nữ thân yêu ở hai thế hệ đi trước và tự hỏi: Tôi sẽ trở thành người phụ nữ như thế nào?
Nhưng tôi gần như không có một cơ hội nào để tự nghiền ngẫm, tìm câu trả lời cho mình bởi vì tất cả mọi người trong gia đình, họ hàng, thầy cô, hàng xóm, và cả xã hội đã thường xuyên đưa cho tôi những câu trả lời, gần như là mệnh lệnh: “Là con gái thì phải…”
Là con gái thì phải biết quán xuyến việc nhà, nhìn đâu thấy việc là phải tự biết làm ngay.
Là con gái thì phải giỏi bếp núc để sau này còn phục vụ chồng con.
Là con gái thì phải biết ăn trông nồi, ngồi trông hướng, để ý đến cử chỉ của người khác không khéo bị người ta đánh giá cho.
Là con gái thì phải chăm, phải khéo, phải nhanh nhẹn nhưng cũng lại phải từ tốn, nhẹ nhàng, nín nhịn.
Là con gái thì phải biết ý để lùi về hậu phương, tập trung vào làm những “việc nhỏ” để cho đàn ông làm “việc lớn”.
Là con gái học hành in ít thôi, chủ yếu bổ sung kỹ năng vun vén nhà cửa…
Tất nhiên, có nhiều điều trong số này là lời răn dạy về cư xử đúng mực, cần phải học theo. Nhưng nếu đã là phép cư xử, tại sao không áp dụng cho cả con trai/đàn ông? Nếu danh sách những gì con gái/phụ nữ cần làm dài đến như thế thì danh sách “Là con trai thì phải…” được bao nhiêu cái gạch đầu dòng?
Từ nhỏ tôi “nổi tiếng” là đứa vụng làm việc nhà. Tôi cảm thấy dường như bất cứ lúc nào nghe được ai khen “cháu học giỏi, cháu xinh xắn, cháu ngoan ngoãn…” được vài câu là người lớn trong nhà tôi cảm thấy ngượng ngùng quá hay sao mà phải chèn ngay vào một khuyết điểm: “À, nhưng mà cháu nó vụng việc nhà lắm cô/bác ạ”. Đến mức, một hôm tôi đang xếp hàng đi ăn cơm bán trú hồi học tiểu học, cô giáo vừa xúc một thìa cơm cho tôi và vừa “gắp” luôn cho một câu nói: “Này, nhớ chăm làm việc nhà hơn nhé!” Arggggg!!!! Tôi không biết các đứa trẻ dưới 10 tuổi khác như thế nào, liệu chúng có để những câu nói này vào trong đầu hay không, nhưng tôi thì có!!!!!
Và vì có để vào trong đầu, tôi cảm thấy vô cùng bức xúc. Và càng bức xúc, tôi lại càng ghét làm việc nhà. Tại sao?
Thứ nhất, mặc dù đúng là tôi không biết làm nhiều việc và phải cần học thêm nhưng mỗi lần dạy tôi làm một cái gì đó, người lớn thường nói rằng: “Đấy, nhớ mà làm để-sau-này-còn-phục-vụ-chồng-con”. Làm sao một người bình thường, nhất là một đứa trẻ con, có thể có hứng thú, vui vẻ học một cái gì mới khi mục đích và lợi ích của việc học đấy không phải để cho nó mà để cho những ai ở tận đẩu tận đâu nó còn chưa biết mặt?
Thứ hai, dù có phân chia việc nhà một cách không chính thức nhưng cách người lớn đối xử với tôi và anh trai tôi rất không công bằng. Anh tôi có thể mải chơi không làm việc nhà thì chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng, còn tôi thì luôn bị nói: “Con gái con lứa ai mà lại như thế à?” thậm chí còn mặc định nếu anh tôi quên làm gì thì tôi phải tự biết ý để…làm hộ. Tại sao lại có điều vô lý thế?
Thứ ba, những lần tôi làm việc nhà tốt thì rất ít được khen—coi như bình thường, những ngày đặc biệt hứng lên tập làm nhiều việc nhà hơn thì lại bị trêu: “A, hôm nay trời mưa hay sao?” hoặc bị quàng thêm việc vào người: “Tốt đấy, về sau cứ thế làm thêm việc này nhé. Nhân tiện làm thêm cả việc kia nữa…” Điều này không hề có ý nghĩa khuyến khích gì tích cực cho một đứa trẻ.
Thứ tư, ngay cả khi tôi có ý thức muốn giúp đỡ ba mẹ, ông bà làm việc nhà thì hầu như mọi việc người lớn đã giành làm hết rồi, và tôi cũng có quá nhiều áp lực đi học chính, học thêm, tham gia đội tuyển học sinh giỏi để đáp ứng được những kỳ vọng khác của gia đình. Rất khó để yêu cầu một đứa trẻ giỏi được tất cả mọi mặt, vừa thế này được lại cũng vừa thế kia được. (Đọc thêm: “Tròn hay Méo“)
Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã nhận ra rằng ở Việt Nam, các bé gái chịu quá nhiều kỳ vọng từ gia đình, vừa phải học giỏi, phấn đấu, vừa phải biết làm việc nhà, vừa biết để ý, chiều lòng người khác; trong khi các bé trai lại được nới lỏng hết sức, không bị yêu cầu làm nhiều việc nhà, cử chỉ, lời nói, hành vi cũng ít bị soi xét hơn. Tôi đã có hầu hết những suy nghĩ này ngay từ năm 6-7 tuổi—khi mới bắt đầu nhận thức về cuộc sống. Khi ấy, những khái niệm bình đẳng giới còn ít được đề cập tới, tivi cũng chỉ có 2-3 kênh thuần Việt chiếu vài tiếng trong ngày. Nên không thể có tư tưởng nước ngoài hay “Tây” hóa nào làm ảnh hưởng ở đây cả, tất cả chỉ xuất phát từ nhận thức non nớt của tôi mà thôi. (Vì vậy, người lớn xin đừng nói rằng trẻ con chẳng biết gì!).
——
Nhưng cũng vì sớm mang theo sự bức xúc về bất bình đẳng giới, tôi biến mình thành người chịu nhiều thiệt thòi. Bởi vì mỗi lần được bà, được mẹ chỉ cho một việc gì đó có vẻ “phụ nữ truyền thống”, “nữ công gia chánh”, tôi thường làm với thái độ miễn cưỡng, khó chịu nên không học hỏi được nhiều. Thậm chí, khi mới tốt nghiệp cấp 3, tôi còn được cho đi học một khóa nấu ăn ở trường nghề. Mặc dù khoá học cũng giúp tôi nắm được một số kỹ năng nấu ăn bài bản, phương pháp giảng dạy của cô giáo trên lớp cũng lại chỉ xoay quanh việc học viên nữ cần biết nấu món này món kia để “phục vụ chồng con” hay “cỗ bàn cho nhà chồng”, chứ không phải ở niềm vui nấu bếp hay xây dựng kỹ năng cần thiết cho chính mình. Bởi vậy, việc đi học cũng không làm cho tôi có thêm động lực hay sự tự tin để đứng bếp.
Vì thiếu hụt những kỹ năng này, khi bắt đầu sống một mình ở nước ngoài, tôi rất chới với. Tôi lúng túng khi đi chợ một mình, tính toán các món ăn, nấu ăn thế nào cho hợp lý, dọn dẹp nhà cửa như thế nào cho đúng cách…
Nhưng cũng chính thời gian đầu khó khăn ấy lại làm cho tôi chợt nhận ra điều tuyệt vời của một cuộc sống độc lập. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình có thể đưa ra quyết định làm tất cả mọi việc mà không còn phải nghe theo ý kiến của ai khác, không còn chờ đợi xem người khác đánh giá việc làm của mình. Điều này có nghĩa là tôi hoàn toàn tự do làm bất cứ điều gì mình muốn, và sống cho mình thôi chứ không phải cho ai khác! Từ đó, tôi bắt đầu có niềm vui, sự tự tin, và cả trí tò mò khám phá khi đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.
Tôi tự học rất nhiều trên mạng, học từ những bạn du học sinh, từ sách vở, nhưng nhiều hơn cả… từ ký ức của tôi khi nấu ăn cùng với bà, với mẹ ngày nhỏ. Tôi nhận ra những gì bà, mẹ, và những người thân từng dạy tôi đều xuất phát từ tình yêu thương chân thành, từ mong muốn giúp tôi vững vàng hơn trong tương lai, nhưng vì cách truyền đạt của mọi người không thực sự phù hợp, những điều được dạy thành ra phản tác dụng. Nhưng khi trưởng thành, tôi chọn chỉ nhớ lại những kỷ niệm vui, những ký ức được nấu ăn bên người thân trong gia đình, được nếm những món ăn khi còn đang nấu trên bếp… Và, những mảng ký ức này giúp tôi tái hiện lại rất nhiều món ăn gia đình quen thuộc (sau này tôi có tập hợp và viết lại trong “My Cooking List”).
Một chuyện khá khôi hài nữa là mặc dù lớn lên với thông điệp: “nấu cơm cho chồng” lặp đi lặp lại như một “thiên chức”, sau này tôi lại lấy chồng làm nghề nhà hàng, rất thích nấu ăn và nấu ăn giỏi hơn tôi nhiều. Như vậy, trên thực tế, chồng tôi cũng không cần tôi phải nấu ăn hộ. Tuy nhiên, tôi vẫn chọn được nấu ăn hàng ngày hay ít nhất vài ngày trong tuần vì tôi thích nấu một cách đơn thuần.
——
Ngày nay, tôi vẫn không nghĩ là mình giỏi việc nhà—hoặc ít nhất, tôi không giỏi như cách các bà, các mẹ, các chị tay năm tay mười làm đủ mọi việc từ sáng tới tối. Nhưng tôi nghĩ mình đã biết tương đối đủ để lo cho cuộc sống riêng của mình. Tôi có thể nấu tự tin và thành thạo hầu hết các món ăn gia đình; ngoài ra, vì hoàn cảnh sống ở nước ngoài không có nhiều hàng ăn ngoài đường tiện lợi như ở Việt Nam, tôi đã tự học làm được những món mà trước đây thường chỉ ăn ở ngoài hàng như: bún chả, phở, bún riêu, bánh bao, bánh giò, bánh xèo, tào phớ, sữa chua… Tôi cũng có niềm vui trong việc học làm bánh ngọt và đồ uống – một kỹ năng mà tôi chưa từng được học ở Việt Nam. Tôi cũng có những phương pháp riêng để dọn dẹp và sắp xếp nhà cửa tối giản, gọn gàng; cùng với niềm vui mới trong việc tự làm (DIY) các sản phẩm gia dụng từ chế phẩm thiên nhiên như bột giặt, nước tẩy rửa, nước xịt phòng…
Rất nhiều bạn bè, người thân quen biết tôi từ nhỏ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi có hứng thú và khả năng trong những công việc nội trợ. Có người nói rằng: “Không có ai chiều chuộng, giúp đỡ thì tự khắc phải biết làm” hay “Lấy chồng rồi thì cái gì cũng biết làm hết”. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ như vậy. Việc sống một mình hay việc kết hôn chỉ là hoàn cảnh, yếu tố lớn nhất tạo ra sự thay đổi của tôi là niềm vui của sự tự do, tự chủ, của việc được giải thoát khỏi những định kiến và kỳ vọng của xã hội về hình mẫu chuẩn của người phụ nữ truyền thống.
Tất nhiên, có rất nhiều phẩm chất khác nhau để tạo nên hình ảnh một “người phụ nữ Việt” – chứ không phải quẩn quanh công việc bếp núc, nội trợ. Bài viết này chỉ chạm đến một lát cắt rất nhỏ của một khái niệm lớn, trừu tượng, đa chiều. Và không phải chỉ ở Việt Nam hay châu Á, ở xã hội nào người đàn ông và phụ nữ cũng chịu những định kiến nhất định, những kỳ vọng mà xã hội, gia đình tạo ra để đóng chúng ta vào khung văn hóa đã ăn sâu bám rễ.
Nhưng năm nay, sau 29 năm “tập” làm một người phụ nữ Việt, tôi đã quyết định mình sẽ chính thức từ bỏ con đường này. Tôi vẫn sẽ tiếp tục học và phát triển bản thân thành một người phụ nữ hoàn thiện, nhưng không phải là mẫu phụ nữ Việt, cũng không phải mẫu phụ nữ Tây, và cũng không phải là mẫu phụ nữ như bà tôi, như mẹ tôi, hay bất kỳ chị em nào khác. Tôi quyết định sẽ tạo ra một hình mẫu phụ nữ của riêng tôi. Chỉ dành cho tôi và của riêng tôi mà thôi.
——
Nhìn lại 29 năm qua, dưới góc nhìn của một người làm con, tôi nghĩ người lớn không sai khi giáo dục tôi trở thành một “người phụ nữ Việt” hoàn hảo, vì đó là cách mọi người được truyền lại từ chính những “người phụ nữ Việt” khác ở thế hệ trước. Suy cho cùng, làm cha làm mẹ, bạn có quyền được nuôi dạy con cái theo cách riêng của mình, theo những gì mình tin là đúng đắn. Nhưng nếu bạn muốn nghe quan điểm của tôi, dưới góc độ của một người làm giáo dục, thì đây là một số lời khuyên của tôi cho những gia đình có bé gái:
1. Hãy để con gái được phát triển niềm vui và đam mê tự nhiên, đừng quàng thêm “thiên chức”, “trách nhiệm”, “tương lai” … vào những điều con gái đang tập làm. Những gì bạn cảm thấy nặng gánh khi trưởng thành thì cũng đừng nên đặt lên vai con trẻ.
2. Khuyến khích trí tò mò và tự khám phá theo niềm vui và bản năng của con. Dù có yêu con đến thế nào, cha mẹ cũng không thể theo chân con và dạy cho con tất cả mọi thứ trên đời, vì thế, thay vì kèm cặp thường xuyên, hãy giúp con tự học và tự khám phá. Hãy nhớ rằng, ở thời buổi hiện đại ngày này, cái gì cũng có thể tự học được, chỉ là có đủ đam mê và thời gian tìm tòi hay không. Bởi vậy, sẽ có những điều bạn không cần phải dạy, con cái cũng sẽ tự quan sát và học hỏi khi cần thiết.
3. Công bằng từ trong suy nghĩ, hành động, đến lời nói giữa con trai và con gái. Đối xử với con trai và con gái đều như nhau, phân chia công việc rõ ràng, không áp đặt lên con định kiến về giới. Sự công bằng này cũng cần được thể hiện trên mối quan hệ giữa bố và mẹ; bố mẹ có san sẻ công việc nhà, có bình đẳng trong hành xử, trong lời ăn tiếng nói thì con cái mới có thể học được một cách thiết thực nhất. Lời nói phải đi đôi với việc làm.
4. Khuyến khích các con tham gia vào việc nhà với mục tiêu và động lực cụ thể. Khi con còn nhỏ (dưới 5 tuổi) thì động viên, khích lệ con làm những việc dọn dẹp đồ chơi, gấp chăn màn… chung với mình như một trò chơi bổ ích. Nhớ khen ngợi khi con làm tốt. Khi con lớn hơn một chút (từ 5-15 tuổi), khuyến khích con làm thêm những việc lớn và có trách nhiệm hơn (như rửa bát, trông em, lau nhà, giặt quần áo…) bằng cách gắn cho mỗi đầu việc một số tiền nhỏ thưởng công. Ở tầm tuổi này, bạn cũng sẽ dần phải cho con tiền tiêu vặt và hướng dẫn con quản lý tiền, tại sao không gắn đồng tiền vào lao động thực chất để con hiểu được giá trị của đồng tiền và đồng thời, học thêm kỹ năng sống? Khi con trưởng thành hơn (16-18 tuổi), bạn có thể khuyến khích con đi làm một việc nào đó bán thời gian ngoài giờ học chính hoặc làm những việc gia đình cần trách nhiệm cao hơn, “trả lương” cho con đều đặn theo từng tuần và hướng con dùng khoản tiền đó để tiết kiệm cho việc lớn như đi học đại học, mua xe máy, … (bố mẹ có thể phụ thêm 50-70%, trao đổi trước tỷ lệ “góp vốn” với con).
5. Thường xuyên tâm sự, làm bạn với con (đặc biệt là mẹ với con gái) để nắm được suy nghĩ, tâm tư, và nguyện vọng của con. Đừng nên phản ứng gay gắt nếu con có những hướng suy nghĩ khác với mình—ngược lại hãy xem đó là điều tích cực. Bạn muốn con tập trung tiếp thu những điều mình dạy hàng ngày nhưng chính bạn cũng phải tập trung lắng nghe để học lại từ con nữa. Hãy nhớ lại những điều bạn ao ước mình được làm với mẹ mình, hãy làm điều đó với con gái của mình, đừng làm ít hơn thế!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Nguyễn Thị Vân Anh says
Em cảm ơn chị Chi về bài viết này với nhé. Không những giúp em quyết tâm theo đuổi mong muốn của riêng mình, mà còn cho em nhiều ý tưởng cho bài luận.
Tuần nào cũng đón đọc bài của chị Chi ạ. hihi
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Vân Anh <3
Dung says
Tớ rất chia sẻ những suy nghĩ của Chi trong bài viết này. Từ bé tớ cũng luôn bị mọi người nói chỉ được cái học giỏi ngoan ngoãn nhưng lười và vụng làm việc nhà, nhưng bây giờ khi có một gia đình nhỏ của riêng mình, tớ lại chủ động và thích nấu nướng dọn dẹp mặc dù công việc bận rộn… đôi lúc tớ khá ngạc nhiên về sự thay đổi đó của mình. Lúc đầu tớ nghĩ có thể do trẻ con thì ko thích làm việc nhà là chuyện bình thường, nhưng có thể là do cách dạy dỗ và kỳ vọng của bố mẹ như Chi nói nữa. Tớ sắp có 1 bé gái, hi vọng tớ có thể học được cách giáo dục để bé lớn lên yêu học tập lao động nhưng vẫn ý thức được quyền bình đẳng giới của mình 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Dung đã chia sẻ. Chúc cậu mẹ tròn con vuông, bé gái khỏe mạnh nhé! Nếu sau này tớ có con gái, đây cũng là những điều tớ tâm niệm khi nuôi dạy bé
Hien Dao says
Chi, bài viết tuần này hay quá. T4 nào tớ cũng đọc nhưng hôm nay mới comment 😀 Những gì bạn đã trải qua và viết lại tuy không xa lạ nhưng phát hiện thì rất thú vị và sâu sắc.
Bên cạnh đó, tớ nghĩ là các bạn (bé) trai cũng trải nghiệm một hành trình lớn lên đáng ra vui vẻ, tự chủ (và bình đẳng) hơn, mấu chốt nằm ở việc người cha/mẹ có ý thức, quan niệm về giáo dục, về vai trò của mình và hiểu con thế nào.
Tớ đồng ý với thông điệp bình đẳng giới, nhưng căn bản hơn là mỗi cá nhân đều xứng đáng được tôn trọng, được đối xử bình đẳng như chính-họ-là, đặc biệt là trẻ em.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bạn. Thực ra các bé trai cũng bị áp đặt những định kiến nhất định như: làm trụ cột gia đình, phải “ra dáng” đàn ông, đẻ con nối dõi… nên những bé chệnh khỏi chuẩn chung cũng rất dễ bị tự ti – nhưng tất nhiên là những áp đặt hàng ngày và soi xét ít hơn bé gái. Mình cũng mong cha mẹ hiểu điều này để tất cả các bé được phát triển tự nhiên, đối xử công bằng, lớn lên với đam mê và hoài bão.
Lan Nguyen says
Hi Chi,
Happy belated birthday nhé. Bài viết hôm nay của Chi hay quá, mình cảm thấy như được “gãi đúng chỗ ngứa” hay sao đó :D. Gia đình mình thì chỉ có hai chị em gái nên không có việc phân biệt trai gái cho lắm, nhưng vẫn có đầy đủ các “gia vị” như Chi miêu tả. Mình cũng từng rất ghét làm việc nhà hay nấu ăn, hiện nay chồng mình cũng thích nấu ăn và nấu ngon hơn mình nên mình chỉ tham gia phụ bếp và dọn dẹp rửa chén :D. Mình cũng đồng ý hai tay về việc nuôi dạy các bé gái, và con cái nói chung, nên hướng cho con mình theo giấc mơ con chọn. Đừng nên áp đặt cuộc đời ai khác, cho dù đó là con mình sinh ra đi chăng nữa.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Lan vì lời chúng sinh nhật! Mình có nhiều bạn con trai hồi ở nhà thì mẹ nấu cho hết xong cứ nói là nấu ăn là việc đàn bà nên không đụng đến bếp núc nhưng khi ra ở riêng không có mẹ nên phải nấu thì mới thấy là mình thực ra yêu nấu ăn. Có bạn mình là con trai mà nấu ăn giỏi lắm, mở cả nhà hàng cũng vì ngày trước đi du học không có ai nấu hộ nên tự mày mò. Thế nên nhiều khi phân biệt nam nữ trong việc bếp núc cũng làm thui chột tài năng của những đầu bếp nam nhí nữa cơ 🙂
Mink says
Bài viết rất hay và em cũng có chung suy nghĩ về việc phụ nữ Việt Nam nhiều áp lực quá. Cám ơn chị nhé.
Nhưng việc gắn tiền thưởng cho con thì theo em biết sẽ dẫn tới việc trẻ bị dẫn dắt bởi động cơ tiền, dù mình cho là số tiền nhỏ nhưng trẻ coi đó là mục tiêu phấn đấu. Khi đó trẻ sẽ dần “fake” để chỉ nhận tiền mà không phải làm. Ví dụ giả vờ đã gấp chăn nếu nhận ra bố mẹ không kiểm tra. Nội dung này em đọc từ một giáo sư ở Harvard khi phân tích hành vi. Không rõ trong các bài nghiên cứu chị đã xem có vấn đề này chưa ạ?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ. Việc gắn tiền thưởng cho con nếu mình làm đúng cách thì sẽ không gặp phải những vấn đề như em lo lắng. Ví dụ như cha mẹ có thể “nghiệm thu” và dùng những trường hợp em bé làm biếng hay “fake” như em nói để làm ví dụ trực quan để dạy về đạo đức trong công việc. Ngoài ra, mình cũng phải dạy con là không phải việc nào cũng là tiền. Ví dụ, ăn cơm xong cất bát, dọn mâm, thấy bẩn thì lau… là việc thành viên trong gia đình nào cũng phải làm, chứ không phải con làm gì cũng phải có tiền kèm theo. Nếu em quan tâm về mảng dạy trẻ con dùng tiền hay gắn tiền thưởng vào những công việc nhỏ em có thể đọc thêm những cuốn sách chuyên viết về mảng này như: “Smart Money Smart Kids” (Dave Ramsey & Rachel Cruze). Ở Việt Nam thì việc làm này không phổ biến nhưng rất nhiều người bạn ở Mỹ của chị đã làm và rất thành công. Nếu có con nhỏ chị cũng sẽ tự mình thực nghiệm phương pháp này và sẽ viết lại cho mọi người kết quả tham khảo 🙂
Do Quyen says
Cảm ơn chị Chi vì những bài viết của chị giúp em cảm thấy như mình có thêm một người bạn tâm sự về mọi khía cạnh trong cuộc sống.
Em cũng là một người làm Giáo dục, một “người phụ nữ không được truyền thống” cho lắm, và em nhìn thấy bản thân mình rất nhiều trong bài viết trên của chị.
Hồi bé khi làm việc nhà, mọi người hay thêm vào mấy câu kiểu “phải biết làm cái này, cái kia mới lấy được chồng” hay làm sai cái gì lại bị bảo “không biết làm thế thì về sau bố mẹ chồng đuổi bỏ”. Bây giờ nghĩ lại thấy mọi người chỉ nói vui thôi chứ không có ý gì nhưng mà hồi nhỏ nó cứ ám ảnh em với một nỗi sợ làm một việc gì đó không đúng, rồi ghét phải lấy chồng (cảm giác nó đồng nghĩa với việc sẽ phải làm việc nhà với nhiều con mắt đánh giá soi xét hơn).
Xong rồi mối tình đầu của em là bạn học từ thời cấp 2, cấp 3…bọn em thích rồi yêu nhau tới năm nhất Đại học thì thôi…mẹ bạn ấy là một người phụ nữ vô cùng truyền thống, luôn để ý xem em có “công, dung, ngôn, hạnh” hay không. Mỗi lần sang nhà bạn ấy chơi em lại lo bù đầu vào làm bếp, chăm chỉ dọn dẹp, làm cái này cái kia, mà vẫn bị nhận xét, rồi chỉ đạo, rồi giảng dạy là con gái phải thế lọ thế chai…em vô cùng tủi thân. Mẹ bạn ấy thấy ảnh em trên Fb còn than với bạn ấy là em suốt ngày đi du lịch thế thì về sau về nhà biết làm việc gì 😀
Em đã từng cố gắng thay đổi và làm vừa lòng người khác nhưng em thấy cuộc sống vô cùng ngột ngạt và em không còn là em nữa…
Sau này, em gặp được nhiều bạn bè cởi mở hơn, mọi người giúp em cảm thấy vui vẻ với tính cách của mình hơn và tự tin với những gì mình có chứ không bị ám ảnh và áp lực bởi những gì người khác muốn đặt lên mình.
Bạn trai hiện tại của em là người Anh và chúng em chuẩn bị đính hôn. Bọn em cũng coi nhau là “đối tác” như chị nói, cùng nhau san sẻ công việc và có cuộc sống độc lập với gia đình. Bạn ấy luôn bày tỏ sự cảm khích khi em nấu những bữa cơm đơn giản sau giờ làm hay dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, nhưng không coi đó là một nghĩa vụ em phải làm. Khi bận rộn hay mệt mỏi bạn ấy sẽ nấu cho em hoặc dẫn ra ngoài ăn mà vẫn vui vẻ. Em cảm thấy không còn gánh nặng phải “nấu ăn để phục vụ chồng con” nữa, mà khi đó được hạnh phúc nấu ăn bằng sự quan tâm, bằng tình cảm của mình, và cho chính bản thân mình.
Chúc chị nhiều niềm vui trong cuộc sống và chia sẻ nhiều bài viết hơn nữa để em được tâm sự nhiều hơn <3
Claire Ng says
Chào bạn
Mình lớn hơn bạn 2t, và có 1 anh trai
nhưng từ nhỏ mẹ mình ko bắt và ko dạy mình nấu ăn hay mình phải phục vụ anh trai hay ai cả vì mẹ mình bận làm nữ cường nhân. Việc nhà có người làm, ko thì tự mua tự nấu đơn giản, hoặc ăn ké nhà dì cô và ngoại.
Lớn lên ai cũng bảo mẹ mình chiều mình hư hay con nhà giàu tiểu thư. Lấy chồng thì mẹ chồng ép phải nấu ăn mỗi ngày để nấu cho chồng và con sau này (chồng ở xa).
Chồng mình bảo mình là con hư tại mẹ. Mình vẫn nấu ăn được từ Youtube từ khi ở chung vs chồng, mình cũng tự hào rằng tuy mình ko có kinh nghiệm nấu ăn nhưng mình có khả năng học hỏi và lương thiện.
Mình cũng cảm thấy ngạc nhiên khi mọi người phê phán mẹ mình vì đều ưu ái cho con trai lẫn con gái điều kiện học hành và phát triển tốt nhất, nhưng lại bị bảo là . Trong khi những người đó thì ưu ái cho con trai và áp đặt con gái phải làm việc nấu ăn và việc nhà từ nhỏ.
Đôi khi đúng hay sai nó cũng là ranh giới nhận thức, nhưng mình cũng như bạn, mẹ có thể sai nhưng mẹ cho mình sự lựa chọn.
Chúc bạn và gia đình vui vẻ và hạnh phúc.