Vậy là đã một tháng kể từ ngày cuốn sách đầu tay của tôi, “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” ra đời. Cầm lên tay cuốn sách, tôi thực sự rất mãn nguyện. Mãn nguyện không phải vì cuốn sách hoàn hảo tuyệt đối mà mãn nguyện bởi vì tôi đã đi được đến cùng để cho ra đời một sản phẩm mà mình có thể tự hào. Lần đầu xuất bản khó tránh khỏi bỡ ngỡ, va vấp, nhưng chính vì thế, tôi đã học được thêm nhiều điều, từ quá trình viết lách, đến xuất bản, và nhận góp ý của độc giả. Tôi thực sự biết ơn vì nhờ cuốn sách, nhờ bạn đọc mà tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Người ngoài khó có thể nhận ra những thay đổi này nhưng tôi có thể khẳng định rằng: Tôi của ngày hôm nay đã là một con người khác tôi của 4 tháng trước (!).
Tôi vui vì phần đông bạn đọc cảm thấy nội dung sách hữu ích, thiết kế ưa nhìn, văn viết dễ hiểu, và truyền cảm hứng. Tôi càng vui hơn khi thấy nhiều bạn đọc, dù đã quen với khái nhiệm Chủ nghĩa tối giản và từng tham khảo nhiều nguồn tài liệu, vẫn nhận ra điểm khác biệt rõ nét giữa “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” và những cuốn sách khác cũng đề tài. Là một người làm nghiên cứu, tôi không bao giờ muốn làm một dự án nào lặp lại y hệt ý tưởng của những người đi trước. Thế nên, tôi chỉ đặt bút viết cuốn sách khi biết chắc chắn mình đã tìm ra một con đường (tương đối) mới và đặc biệt cho bản thân và cho bạn đọc Việt. Những khác biệt này là gì? Có lẽ câu hỏi này sẽ bỏ ngỏ để bạn đọc tự trả lời sau khi đọc hết cuốn sách.
Một tháng nay, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc, tôi cảm thấy như mình “nợ” một câu chuyện hậu trường — câu chuyện đằng sau sự ra đời cuốn sách. Vậy nên bài viết này là câu chuyện đó — những chuyện “bây giờ mới kể” về những con người và những ý tưởng đã tạo nên “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”
Cái duyên
Mọi người hay hỏi tôi: “Từ bao giờ Chi có ý định viết sách?” Chà, đây là một câu hỏi tưởng dễ nhưng rất khó để trả lời. Có lẽ, tôi luôn biết mình sẽ sáng tạo ra một cái gì đó nhưng chưa biết “cái đó” cụ thể là gì. Khi bắt đầu có ý tưởng viết blog The Present Writer, tôi có nói chuyện với mẹ tôi và mẹ tôi có động viên là nếu tôi viết tốt, viết đều đặn thì sau này có thể bỏ tiền tự xuất bản hoặc gửi bản thảo cho nhà xuất bản để ký hợp đồng cho ra sách. Khi đó, tôi có cười và nói với mẹ tôi rằng: “Con thích viết cho con thì con viết thôi, còn ra được cái gì cụ thể hay không còn tùy duyên. Nhưng con tin nếu mình làm hết sức, cơ hội sẽ tự đến với mình”. Và cứ thế, tôi cứ viết, cứ nuôi dần, nuôi dần cho blog lớn lên theo từng tuần —như chăm bón một cái cây non mà không đợi ngày hái quả. Ý định về một (vài) cuốn sách dần hiện lên theo những chủ đề lớn tôi viết nhưng tất cả chỉ rất mơ hồ, và tôi hầu như không nghĩ mấy về chúng.
Sau này, có nhiều người cũng hỏi tôi về “mục đích cuối cùng” của việc viết blog là gì, tôi thực sự không biết và cũng không muốn biết. Tại sao cái gì cũng phải có “lộ trình”, “mục đích”, “đầu ra” cụ thể? Chỉ là viết, là viết thôi, có được không?
Mãi đến khoảng tháng 3/2017, khi đó tôi đã viết được gần 1 năm và có dịp về lại Hà Nội, một người bạn học phỏng vấn tôi cho VOV. Buổi nói chuyện rất vui vẻ, đến cuối, bạn hỏi: “Vậy Chi có nghĩ tương lai của blog là gì không?” Lúc đó, không biết là vì tôi đang cảm thấy hứng khởi vì cuộc nói chuyện hay căng thẳng dưới áp lực thu âm trực tiếp nhưng lần đầu tiên, tôi “dám” trả lời rành rọt: “Có lẽ là một cuốn sách!”. Wow! Thật sự chính tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên về mình bởi vì tôi thường hay giấu kín những dự định mà mình chưa hoàn thành. Nhưng từ khi nói ra thành lời ý định này, tôi tự nhiên cảm thấy chắc chắn mình có thể ra được một cuốn sách (!).
[Có lẽ vì thế mà một số bài tập về “tư duy tích cực” khuyến khích chúng ta nói biết ơn ngay cả với những gì chưa thành sự thật (ví dụ, khi đang thất nghiệp thì nói: “Tôi biết ơn vì mình đã có một công việc thu nhập tốt, có tiền đồ tươi sáng) vì việc nói ra thành lời thế này khiến ta cảm thấy mình đã ở vào vị thế tốt hơn, tự tin hơn vào tương lai.]
Ngay khi tôi vừa trở lại Mỹ và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc viết sách thì gần như ngay lập tức nhận được tin nhắn làm quen và mời xuất bản đến từ bạn Đặng Mai Linh (hay tác giả văn học Lynh Miêu), quản lý của thương hiệu sách Bloom Books. Khi nhận được tin nhắn của Linh, tôi thực sự rất vui vì cảm thấy đây như một cái duyên – là dấu hiệu mà vũ trụ nói với tôi rằng: Đã đến lúc tôi cần phải cho ra đời cuốn sách này! Bởi thế, mặc dù thời điểm viết sách cũng là một trong những thời điểm bận nhất trong năm của tôi (vừa đi làm, đi dạy học, đi hội thảo, xuất bản…) nhưng tôi vẫn quyết tâm viết, hầu như tuần nào cũng viết và gửi bản thảo đúng hạn. Đôi lúc mệt mỏi, tôi lại nhóm lên niềm tin rằng, nếu đã có cái duyên may mắn rồi thì việc gì cũng sẽ thành, chỉ cần mình tập trung và làm hết sức.
Cái tên
Không biết bạn đọc blog lâu rồi có để ý không nhưng sự thật là tôi không mấy sáng tạo trong việc đặt tên bài viết :D. Cái này chắc phải quay lại nghề nghiệp chính là làm nghiên cứu nên tôi có thói quen xem bản chất nội dung xuất bản là cái gì thì tiêu đề phải phản ánh đúng cái đó — tôi chưa bao giờ được đào tạo làm sao để viết tiêu đề hay, “giật tít” thế nào để thu hút người đọc. Chủ yếu tiêu đề các bài trên blog đều là tôi viết nội dung hoàn chỉnh, đến lúc gần phải post bài rồi mới cuống cuồng gõ đại mấy chữ làm tên bài. Thế nên, tiêu đề cuốn sách đối với tôi là cả một vấn đề.
Ban đầu, vì tôi chưa nghĩ ra một cái tiêu đề nào nghe “kêu kêu” cả mà lại phải đề xuất tiêu đề trong hợp đồng xuất bản. Thế là tôi viết vào trong hợp đồng như thế này: “Tiêu đề sách: [Hiện chưa có, tạm gọi là] Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” và gửi vội cho Linh. (True story!). Sau này, khi dùng dần cái tên tạm đặt này quen rồi, tôi lại cảm thấy nó dễ thương, giản dị, chân phương. Linh cũng nói là tên sách này hay và đúng với tinh thần “tối giản”. Vậy là “Một cuốn sách về chủ nghĩa Chủ nghĩa tối giản” chính thức ra đời.
(Vài hôm trước, một người bạn của tôi làm về nhận diện thương hiệu có hỏi ai đã giúp tôi chọn được ra được tên sách có tính truyền thông tốt thế … À ừm… Giờ thì bạn biết rồi đấy….)
Cái chữ
“Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” là một cuốn sách nhỏ và tương đối mỏng (khoảng 44,000 từ). Nếu bạn chờ đợi một cuốn sách “hoành tráng” thì có lẽ bạn sẽ thất vọng khi cầm lên cuốn sách này. Nhưng hãy để tôi nói cho bạn một sự thật rằng: chỉ có 20% thời gian tôi dành để viết thô (viết dài, viết tự do) và đến 80% dành ra để thu gọn, cô đọng lại cuốn sách. Người biết rõ nhất hành trình này có lẽ là Thùy Chi, cô bé biên tập viên tài năng của Bloom, người giúp tôi hoàn thành bản thảo cuốn sách. Thùy Chi gợi ý rất tốt cho tôi những phần viết thừa và từng bước cùng tôi tìm cách biên tập để bản thảo gọn hơn, tập trung vào chủ đề chính hơn, và chứa đựng được nhiều thông tin hơn trong số lượng chữ hạn chế.
Tôi biết khi học Văn ở trường phổ thông, chúng ta hay có thói quen là viết bôi ra, viết dài ra để thầy/cô thấy mình chăm chỉ viết được nhiều cho điểm cao hơn. Nhưng bất cứ ai làm nghề viết thực thụ, đặc biệt là những ấn phẩm cần cô đọng như báo chí, nghiên cứu, phân tích… thì ắt hiểu rằng viết ngắn khó hơn rất nhiều viết dài. Đây thực sự là một kỹ năng! Khi còn học chuyên Văn, tôi từng được dạy rằng nếu muốn viết ngắn, có thể viết một câu mà hàm nhiều nghĩa (kiểu “vẽ mây nảy trăng”) hay viết khó hiểu một-cách-có-dụng-ý để người đọc tự luận ra nhiều ý. Nhưng thú thực, gần 6 năm làm nghiên cứu, 5 năm đi dạy học đã dạy cho tôi rằng viết hay chưa chắc đã tốt bằng viết để cho người khác hiểu một cách rõ ràng. Những cuốn sách mà tôi thích là những cuốn mà tôi có thể đọc một lèo trong vòng 1-2 ngày, lời văn đủ dễ hiểu để có thể đọc nhanh mà vừa lôi cuốn để mình không thể buông sách xuống được. Vì đây là thể loại sách tôi thích, giọng văn tôi theo đuổi, và phong cách viết-tư duy viết tôi hướng tới, “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” cũng thể hiện điều này.
Có thể với nhiều bạn đọc Việt, đây là một cách viết khá “lạ” nhưng với những ai thường đọc The Present Writer, tôi tin rằng bạn đã quen với giọng văn này.
Cái đẹp
Mọi người đều thích bìa sách! (Yay!!!!) Thành thật mà nói, tôi hồi hộp với phản ứng của bạn đọc về bìa sách hơn cả nội dung. Bởi vì nếu nội dung “lạ” 1 thì bìa sách chắc “lạ” 10 … vì tôi là người vẽ tay toàn bộ ý tưởng hình ảnh bìa sách (và hầu hết các hình vẽ minh họa bên trong) trước khi gửi cho họa sĩ vẽ máy. Ảnh bên là hình gốc tôi vẽ cho bìa sách (đừng cười nhé! :D).
Linh cũng giúp tôi rất nhiều trong việc trao đổi qua lại với họa sĩ để thêm thắt ý tưởng màu sắc, font chữ, trình bày… Nhờ vào tư duy thẩm mỹ tốt và phong cách làm việc vô cùng trách nhiệm của Linh và các họa sĩ của Bloom mà những ý tưởng sơ khai của tôi về cuốn sách mới được thành hình. Khi sách ra, nhờ vào team truyền thông của Bloom (với bàn tay chụp ảnh/mẫu ảnh của Anh Thư) thì mới ra được những bức ảnh đẹp cho cuốn sách — trước cả khi sách đến tay tác giả. Đằng sau một cuốn sách đẹp… là những người rất đẹp.
Cái còn lại
Suốt một tháng nay, tôi nghĩ: Nếu cái còn lại của bạn đọc sau khi đọc hết cuốn sách là kiến thức, thông điệp, cảm hứng về cuộc sống, thì cái còn lại của mình là gì? Chắc chắn không phải là tiền bạc (vì chẳng ai làm giàu được bằng viết sách), cũng không phải là địa vị (vì đây cũng không phải là một ấn phẩm gì có thể làm thay đổi cục diện chính trị, xã hội ngay lập tức), càng không phải sự nổi tiếng. Cho đến khi viết bài này, thậm chí viết đến những dòng này, tôi mới nhận ra rằng cái còn lại của tôi là tình yêu và sự biết ơn.
Yêu những việc mình đang làm, đã làm, và sẽ làm. Biết ơn những con người thầm lặng đã đóng góp cho sự ra đời của một ấn phẩm chân thành, sâu sắc, có chất lượng.
Yêu những dòng tin nhắn của những bạn đọc đồng cảm, yêu quý cuốn sách như chính mình. Biết ơn những lời góp ý, chỉ trích mang tính xây dựng để những lần tài bản sau, những cuốn sách sau được hoàn thiện hơn.
Yêu những hình ảnh và câu chuyện đẹp của mèo Friday được lưu lại mãi mãi trong cuốn sách. Biết ơn vì hai trong số ba năm ngắn ngủi trên đời, Friday đã cùng tôi sáng tạo ra bao nhiêu bài viết, làm nền tảng vững chắc cho cuốn sách này.
Yêu và biết ơn rất nhiều.
Be Present,
Chi Nguyễn
P/S: Sách đã phát hành trên toàn quốc và các kênh online như: Tiki & Shopee
TA says
Chúc mừng Chi với duyên hiền cùng con chữ và cả những nét vẽ dễ thương.
Chúc Chi sẽ như một cây xanh có thêm nhiều mầm và lá mới sau chiếc lá đầu tiên này.
Quan trọng là được khám phá chính mình và chia sẻ!
Chi Nguyễn says
Lời chúc êm dịu quá ạ. Cảm ơn TA!
Vi says
Chúc mừng Chi và hành trình trở thành một con người mới 🙂
Tháng 5 về VN, Vi cũng sẽ tranh thủ sách của Chi.
Hy vọng Chi sẽ có nhiều dự án mới cũng đầy tâm huyết, đam mê, động lực và những cái duyên vàng trong cuộc sống.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Vi. Tháng 5 sắp đến tới nơi rồi!
Nguyen Thanh Nhan says
Hi Chi,
Mình là người chưa có hiểu biết nhiều về chủa nghĩa tối giản và mới biết đến nó từ cuối năm trước. Sau khi đọc xong sách của Chi, mình đã có cái nhìn và mong muốn theo đuổi lối sống này. Cám ơn Chi rất nhiều.
P/s: Vào năm 2015 mình đi du lịch vào một căn phòng mà tường, chăn màn phối màu xanh dương và trắng nhìn rất dễ chịu và tạo mình cảm giác đơn giản mà đẹp nên khi thấy bìa sách của Chi mình rất thích 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Thanh Nhan vì đã đọc sách của mình. Mình cũng rất thích màu xanh dương và màu trắng, cảm giác dịu mắt và sạch sẽ, đáng yêu. Chúc bạn may mắn khi theo đuổi lối sống này! Có gì mới học được quay lại chia sẻ với mình nhé <3
Minh Tâm says
Cảm ơn Chi vì cuốn sách, một cuốn sách đẹp về cả nội dung và hình thức trình bày! Điều mình hài lòng nhất ở cuốn sách là nó không đơn thuần là tuyển tập những bài viết đã từng viết trên blog như 1 số tác giả khác làm khi xuất bản sách. Mình đã từng follow blog của Chi được 1 thời gian và nhận thấy rằng nội dung của blog và cuốn sách đều hướng về một hành trình khám phá bản thân, sống với hiện tại (be present), và mình càng thấy trân trọng những gì mình đang có.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Minh Tâm đã đọc sách và gửi lời động viên <3. Mình hầu như viết lại từ đầu đến cuối cuốn sách, có nhiều bài nội dung xuất phát từ blog nhưng để ra thành sách mình (và team biên tập) cũng chỉnh sửa rất nhiều. Vì thế nên mình cảm thấy trưởng thành hơn khi viết/sửa lại ngay chính những gì mình đã từng viết. Thật vui vì bạn nhận ra được điểm này 🙂
Bao Yan says
Đã đặt mua sách này trên Fahasa.
Chúc chị nhiều sức khẻo để tiếp tục cho ra mắt những quyển sách tiếp theo về Chủ nghĩa tối giản.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều! Hy vọng em thích cuốn sách
Chi Lam says
Ngày đầu tiên quay lại Sài Gòn sau đợt nghỉ tết ở quê, tôi và chồng đi nhà sách để mua tiểu thuyết tặng cho ba tôi. Chồng tôi đi thẳng vào khu sách ngoại văn, còn tôi, “kẹt cứng” ở khu sách ngoài cùng của Cá Chép. Không hề có ý định mua cái gì cả, nhưng tôi đã chọn hẳn 3 cuốn, và đều là về chủ nghĩa tối giản. Sau đó tôi đã mua 1 cuốn, để thấm, rồi mới mua tiếp sau. Tôi chọn sách của Chi.
Càng đọc tôi càng thấy Chi không chỉ giống tôi về cái tên mà còn là những trải nghiệm, những chia sẻ rất thành thật Đối với tôi cuốn sách này rất tuyệt vời, rất cần thiết, giúp tôi hình dung rõ hơn mình đang ở đâu và cần suy nghĩ, hành động theo hướng nào để hạnh phúc hơn. Tôi sẽ đọc thêm sách về đề tài này nữa, nhưng sách của Chi luôn là cánh cửa đầu tiên của tôi. Cảm ơn Chi nhiều 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn người bạn cùng tên đã cầm lên cuốn sách :). Mình cũng thích hiệu sách Cá Chép mặc dù mới đến được có một lần. Mình rất vui vì bạn xem sách cuả mình là cánh cửa mở ra lối sống mới. Chúc bạn cuối tuần vui vẻ!
Quy Pham says
Vừa đọc được nửa cuốn sách của chị, chị Chi có áp dụng chủ nghĩa tối giản để dọn dẹp các tài liệu số hoá không, máy tính em có đủ loại tài liệu em download về, coi lướt qua, quăng nó vào thư mục khác và chẳng bao giờ mở ra 1 lần nữa 🙂
Chi Nguyễn says
Chào em! Chị có viết bài về tối giản hóa không gian số, em thử đọc xem nhé: https://thepresentwriter.com/minimalism-digital-declutter-don-dep-khong-gian-so-cua-ban/
K says
Cảm ơn chị đã cho ra đời một tác phẩm thật đẹp và vô cùng hữu ích 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Hai chữ “tác phẩm” nghe thật trân trọng và ấm áp <3
Trần Anh Tuấn says
Chúc mừng Chi, mình cũng là người theo dõi bạn ngay từ những bài viết đầu tiên. Quả là một chặng hành trình dài và rồi cái gì đến cũng sẽ đến.
Chúc mừng CHi một lần nữa
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn Tuấn đã theo dõi từ những ngày đầu tiên. Hy vọng hành trình này của mình sẽ tiếp tục mãi mãi. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng mình <3
Trang Đoàn says
Chị Chi ơi, cuốn sách đã về tay em đúng buổi sáng sinh nhật tuổi 25 của mình ^^ Ngay trong hôm đó thì em có 1 cuộc cãi nhau khá lớn, bất đồng quan điểm với bạn trai của mình. Tối đó về nhà lau hết nước mắt giận dữ, em ngồi xuống đọc “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”.
Em đã mong chờ cuốn sách này CHỈ VÌ em cực kỳ yêu mến văn phong và cách viết của chị thôi. Em cũng không kỳ vọng quá nhiều về lối sống mới. Thế mà chị ơi, điều hay nhất em bất ngờ nhận ra là cuốn sách của chị ẩn chứa rất nhiều suy nghĩ cá nhân, mà em nghĩ là đã dạy em nhiều bài học về tình yêu!! Tối đó khi em đọc những dòng sau, em đã có thể tự bình tĩnh lại, ngưng giận dữ để suy nghĩa thấu đáo hơn:
“..người ta chỉ có thể tự thay đổi khi chính họ có khác biệt về nhận thức mà thôi.” – trang 67.
“Tôi tin “phép màu” sẽ đến với bạn và người thân của bạn, nếu chúng ta…. sẻ chia tình cảm với nhau thay vì áp đặt nặng nề”-trang 69.
“Do vậy, đối với người khác, thay vì đặt kỳ vọng, hãy cố gắng đặt niềm tin.”-trang127.
Ôi, em thật sự phải cảm ơn chị nhiều lắm!!!
Chi Nguyễn says
Chúc mừng sinh nhật 25 tuổi của em!!! Chị cảm thấy mình cũng 25 chỉ vừa mới đây thôi :). Cảm ơn em đã đọc cuốn sách. Những câu em vừa trích là những gì chị ước mình biết trước khi bước vào một mối quan hệ. Giờ ngộ ra rồi, cuộc sống cũng dễ thở hơn. Chị hay nghĩ: “không ai giống ai và bản thân mình cũng không hoàn hảo” nên cố gắng bớt áp đặt lên người khá. Chị cũng vẫn đang học hàng ngày. Mong em và bạn trai sớm vui vẻ trở lại nhé!
Van Anh Nguyen says
Em cảm ơn chị Chi về cuốn sách nhé. Blog của chị và cuốn sách đã giúp em có thêm nhiều cảm hứng để phát triển blog và cuốn sách của riêng mình.
Em chúc chị sớm có thêm nhiều cuốn sách hay nữa chị nhé. <3
Duy Trần says
Chi Nguyễn thân mến!
Khi search “Chủ nghĩa tối giản với Google” thật ngạc nhiên khi chỉ thấy những căn phòng trống trơn, những chiếc ngăn tủ trống trải? Mình đã bắt tay tiến hành theo Chủ nghĩa này nhưng do sai phương pháp nên ko thành công. Đọc tất cả các bài viết của Chi mình đã hình dung ra phải làm những gì? Nhưng có 1 băn khoăn mà mình suy nghĩ mãi về cách Người Nhật dọn dẹp. Về quần áo, nội thất,…thì rất đồng ý với bạn nhưng về đồ đạc trong bếp hay một số đồ đạc khác, Mình không hiểu nếu ít như vậy giả sử có bạn bè, người thân ở lại nhà mình thì lấy gì cho họ dùng? Tâm lý giữ đồ để “phòng hờ” không phải không có lý? Khi kinh tế eo hẹp, tận dụng đồ cũ, hay để lại để “sửa chữa” đều giúp chúng ta an tâm hơn? Dù vẫn biết Chủ nghĩa tối giản là chỉ “giữ lại những thứ có ích và hữu dụng nhất” nhưng làm thế nào để loại bỏ tư tưởng “tận dụng” đồ cũ?
Chi Nguyễn says
Mình vừa trả lời một câu hỏi tương tự từ bạn trên một post khác. Bạn ghé xem lại nhé! Riêng về bếp núc thì mình nghĩ đơn giản như thế này. Bạn xem lại tất cả những món đồ trong bếp của mình. Lọc ra những thứ bạn cho là không cần thiết (nhưng vẫn chưa nỡ bỏ đi) vào một cái hộp và cất ra một chỗ khác xa căn bếp. Sau 3 tháng (tức là có đủ thời gian để bạn, bạn bè, người thân bạn đến sử dụng bếp rồi) mà không ai hỏi đến đồ dùng nào trong hộp và bạn quên sự có mặt của cái hộp, thì lúc đó bạn biết chắc mình có thể bỏ đi không hối tiếc. Tập sử dụng ít đồ đạc mà có nhiều chức năng theo mình tốt hơn là có nhiều đồ đạc nhưng mỗi món chỉ có một chức năng nhất định và hầu như không bao giờ dùng đến
Huyền Nguyễn says
Chị đã đọc hết các bài blog post của em, nhưng khi đọc thử vài trang của cuốn sách chị vẫn quyết định mua về nghiền ngẫm thêm, vì thấy thêm nhiều điều để học hỏi.
Cám ơn Chi nhiều nhé, chúc em một ngày mới nhiều niềm vui! <3
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị đã ủng hộ sách! Sách khác nhiều so với blog (mặc dù cùng tinh thần và nội dung viết) nên em nghĩ chị sẽ tìm được ít nhất một vài điều mới lạ. Em cảm ơn chị!