Bạn đã bao giờ gặp một người “bình thường đặc biệt”? – tuýp người mà nếu chưa hiểu rõ, ta dễ để họ đi thoáng qua trong đời; nhưng nếu nán lại một lúc lâu, lắng nghe câu chuyện của họ, ta sẽ trầm trồ nhận ra họ đặc biệt đến thế nào. Đối với tôi, đây luôn là Nguyễn Hương, cô bạn thân từ thời cấp 2 và cũng là người sáng lập, cô giáo Mỹ thuật của Kitty Art.
Mặc dù biết nhau đã hơn 15 năm nhưng mỗi lần gặp Hương, nhìn thấy những việc Hương làm, nghe những chuyện Hương kể… tôi đều không khỏi ngạc nhiên vì nội lực mạnh mẽ, sự độc lập, sáng tạo của cô bạn này trong từng bước đi. Nhưng vì Hương vốn là người kín tiếng, lại khiêm nhường nên ít ai, kể cả bạn bè hay gia đình, biết được Hương đã trải qua những gì để trưởng thành và có được ngày hôm nay. Bởi thế, tôi muốn mượn cơ hội này để chia sẻ một góc nhỏ, nhưng đầy tự hào của Hương, và để bạn đọc tự chiêm nghiệm về những người “bình thường đặc biệt” mình gặp hàng ngày.
Thăng trầm đường đến cổng trường Mỹ thuật
Chi: Hương có thể bắt đầu bằng giới thiệu bản thân cho bạn đọc blog The Present Writer được không?
Hương: Mình tên là Nguyễn Thu Hương, tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật. Trước mình có đi dạy ở một vài trường Quốc tế và trường Liên cấp tại Hà Nội. Khoảng 5 năm trở lại đây, mình mở lớp Mỹ thuật cho trẻ em có tên là Kitty Art. Ngoài ra, mình còn làm thêm những công việc phụ cũng liên quan đến nghệ thuật như vẽ và bán tranh sơn dầu, làm hoa cưới, hoa tươi, làm thiệp thủ công, vẽ bích báo, tập san, setup tiệc các dịp lễ tết….
Chi: Có một điều này về Hương mà mình muốn hỏi lâu rồi nhưng chưa có dịp. Đó là, khi còn học cấp 2, bọn mình thường hay vẽ vời linh tinh với nhau trong lớp. Hồi đó, mình và một số bạn khác cũng rất thích vẽ và hay vẽ kiểu “truyện tranh Nhật Bản”. Nhưng Hương thì rất khác, kiểu vẽ của Hương không giống truyện tranh chút nào mà rất chân thật, mộc mạc, rất “Việt Nam”. Nếu quay lại thời đó mà nói trong mấy đứa bọn mình chơi với nhau, ai sau này sẽ sống bằng nghề vẽ, thành thật mà nói mình không nghĩ là Hương đâu (cười). Thế nhưng mà lớn lên rồi nhóm mình chỉ có Hương là theo nghệ thuật. Đây là điều làm mình rất ngạc nhiên. Hương có chia sẻ gì về kỷ niệm hồi nhỏ này không?
Hương: Nghĩa là hồi nhỏ mình vẽ xấu phải không? (cười). Thật ra là như thế này… Nói về vẽ kiểu Nhật Bản như các bạn hay thích ngày xưa thì mình không biết vì mình chưa từng được mua một cuốn truyện tranh nào bao giờ. Nhà mình hình như chỉ có một tập truyện Đô-rê-mon thôi – không biết ai cho, chứ bố mẹ mình không mua thêm cuốn nào cho mình đọc để mà biết là nét vẽ Nhật là như thế nào để bắt chước theo. Cả tuổi thơ mình cũng ít được cho đi chơi, chưa bao giờ được đi xem tranh hay triển lãm gì để thấy người ta vẽ như thế nào.
Vì mình ít được tiếp cận cái đẹp nên mình âm thầm vẽ dựa vào quan sát thực tế. Ví dụ như mình thấy hình người đi đứng như thế nào thì vẽ lại thế ấy, nhà mình có con chó trông như thế nào trông nó như thế nào thì cũng vẽ lại thế ấy. Chứ mình không biết đến các loại tranh mẫu [với đường nét đã đơn giản hóa] như các bạn để học theo. Mình chỉ vẽ theo thực tế thôi. Vui, buồn gì mình đều vẽ.
Chi: Vậy từ bao giờ Hương quyết định học theo ngành Mỹ thuật chuyên nghiệp?
Hương: Khi lên lớp 10 thì mình bắt đầu chọn khối thi Đại học. Hồi đó, nhà mình không có máy tính, không có Internet, mà bố mẹ mình thì cũng không phải là những người có điều kiện tìm hiểu định hướng nhiều cho con cái, nên mình phải tự tìm đường. Mọi thứ cái gì mình cũng không rõ, nhưng chỉ biết rõ một một điều là mình muốn theo ngành Vẽ. Học Kiến trúc, Mỹ thuật… gì cũng được, miễn là được vẽ. Nhưng sau này, khi hiểu biết hơn rồi mình mới biết là mỗi một ngành, một trường, một trường phái lại là một cách vẽ khác nhau, rất khác nhau… Nhưng hồi đó thì mình không biết vì thiếu định hướng quá. Mình chỉ nói chuyện qua với một người anh họ xa, và được anh dẫn đến học vẽ ở chỗ người bạn anh ở trường Kiến Trúc. Sau mình học thêm bác họa sĩ gần nhà, học thêm ở Đê La Thành và nhiều nơi nữa.
Chi: Còn tại sao Hương chọn học Sư phạm?
Hương: Năm đầu mình học Thiết kế Thời trang. Ban đầu mình đi học thì việc học cũng không tốn kém mấy nhưng càng ngày chi phí càng đội lên vì tiền vải vóc, cắt may… Mình không thể tiếp tục ngành này nữa và quyết định thi lại. Cùng lúc đó, gia đình mình có biến cố, không thể giúp mình trang trải được chí phí học tập nữa. Khó khăn lúc này phải nói là đỉnh điểm khi mình không có gì: Tiền–không, xe–không, nên mình quyết định chọn trường Sư phạm vì học Sư Phạm khi đó được miễn phí hoàn toàn tiền học. Đợt đầu vào trường phải đóng đâu 1-2 triệu tiền đầu năm gì đấy. Thế là mình đi làm thêm, đi bán hoa đợt 8/3 và tiết kiệm đủ số tiền đóng đầu năm này.
Vô vàn việc làm thêm & Một lần tự tử “hụt”
Chi: Vậy trong suốt mấy năm học, không có sự hỗ trợ của gia đình, Hương làm gì để trang trải các chi phí ngoài học phí đã được miễn giảm?

Hương: Hồi đi học, do hoàn cảnh gia đình nên mình phải làm thêm nhiều, không có điều kiện đến lớp đều như các bạn. Mình hầu như toàn bỏ học lớp chính, rồi xin thầy cô cho mang bài về nhà làm buổi tối rồi sáng hôm sau mang đến lớp nộp. Hôm nào không phải đi làm thì mình “nhảy” sang các lớp khác ngồi ké, nghe để học bù. Có nhiều hôm thầy giáo dạy phía trên thì phía dưới mình vừa nghe giảng vừa gói hoa, làm thiệp cho khách, tất nhiên là với sự cho phép của thầy.
Hồi đầu mình đi làm chỉ lấy lương thấp hoặc làm miễn phí, với hy vọng là sau một thời gian làm tốt người ta sẽ nhận mình hoặc giới thiệu cho người khác nhận mình. Công việc chính của mình lúc đó là dạy vẽ, vẽ tranh minh họa, soạn giáo án, và bán giáo án cho các trường. Cũng mất rất nhiều thời gian đi phỏng vấn công việc rồi đi làm không công cho nhiều nơi. Trong thời gian này, để trang trải thì mình cũng lấy chỗ nọ bù chỗ kia. Ví dụ sáng đi dạy học không lương cho các trường thì buổi chiều đi bán đồ lưu niệm, gói quà, hoặc bán hoa, tối lại đi dạy gia sư. Ngày nào cũng đi từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Được một thời gian thì mình cũng được tăng lương lên từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, rồi đến tiền triệu. Nhưng thực sự rất mệt mỏi, cứ về nhà là mình kiệt sức, không ăn uống gì mấy.
Chi: Quả là một thời kỳ bận rộn, khó khăn! Nhưng làm sao Hương tìm được nhiều việc làm thêm đến vậy? Người ngoài thì có thể không biết, nhưng là bạn lâu năm thì mình biết là Hương vốn rất “mù Internet”; hồi học cấp 3 mà chat chit Yahoo cũng không có, chưa từng dùng máy tính nối mạng bao giờ.
Hương: Đúng rồi! Thậm chí học ra trường rồi mình còn biết chưa dùng Internet đâu! Hồi đó có tờ báo Mua & Bán, hầu như ngày nào mình cũng mua một tờ. Mình xem mục “Người tìm việc-Việc tim người” rồi gọi đến từng nơi, cho từng người một. Cũng bị lừa khá là nhiều nữa!. Có nơi tuyển làm spa, gọi đến thì nghe giọng nam nói bảo đến chỗ này, chỗ này. Thế xong rồi họ bảo là: “Việc này thì cần học rồi thực hành nhưng có lẽ chỉ cần anh và em cùng làm với nhau là được”. Mình nghe thế sợ quá chạy luôn. Có lần đóng tiền cho trung tâm môi giới việc làm thì bị họ “xù” luôn nữa.
Rồi có lần mình được nhận làm thời vụ cho một shop giày. Lúc đó họ đang đợt nhập hàng, cần tuyển gấp nhân viên bốc dỡ, đóng gói, sắp xếp giày… – những việc cần nhiều sức lao động ấy. Họ cho mình thử việc 3 ngày không lương. Nhưng sau 3 ngày mình làm vất vả, họ nhập hàng xong xuôi rồi thì bảo là không tuyển nữa. Thế là thôi, mình lại ra về tay trắng. Nói chung cũng nhiều thứ vất vả lắm. Còn nhiều vụ nữa hay ho lắm, hồi đó thì sợ, nhưng giờ nghĩ lại chỉ thấy buồn cười thôi.
Chi: Hương có đợt còn làm người mẫu nữa đúng không? Vì mình nhớ có lần hồi mới vào Đại học, hai đứa còn đi chụp hình ở đâu đó nữa…
Hương: Ừ, đúng rồi. Mình chụp ảnh quảng cáo cho các shop thời trang. Hồi đấy, cả ngày mặc đủ các bộ quần áo, đi đi lại lại chụp ảnh được có 50 nghìn/ngày, cao nhất là 150 nghìn/ngày thôi. Được một thời gian ngắn thấy thu nhập ít, rồi phải đi ra đi vào tạo dáng kỳ cục quá, mình “bỏ nghề” người mẫu luôn (cười).
Có một việc làm thêm nữa mà mình chưa kể, đó là nghề bưng bê. Có một thời gian, mình đi làm bưng bê cho một nhà hàng Pháp. Tiếng Anh mình chưa tốt, Tiếng Pháp thì không biết nhưng không hiểu sao vẫn được nhận vào làm. Vào đấy mình được học nhiều lắm, cách bưng bê một tay cả hai tô súp nóng, hai tay bê đủ sáu đĩa salad to, rồi cách phục vụ thực khách nước ngoài… Mình thấy thú vị lắm. Đi làm nhiều thì cũng giúp mình quen được thêm nhiều người, giao tiếp mạnh dạn hơn, hiểu hơn về cuộc sống. Mình hiểu được thêm là nghề nào cũng có cái vất vả của nó.
Chi: Đi làm thêm nhiều như vậy thì việc học ở trường của Hương như thế nào?
Hương: Mình không có điều kiện đi học đều nhưng tự học ở nhà và làm bài vẽ tốt nên chưa bao giờ bị nợ môn, điểm đôi khi lại cao hơn cả những bạn đi học đầy đủ. Một số bạn trong lớp không hiểu hoàn cảnh của mình nên thấy vậy cũng không hài lòng, cảm thấy ghen tị vì nghĩ mình được “đối xử đặc biệt”, rồi cũng kiện cáo thắc mắc với các thầy cô. Trong khi đó, thực ra mình đã trình bày với các thầy là phải đi làm thêm kiếm sống, mình sẽ vẫn tự học và nộp bài đầy đủ nên các thầy thông cảm đồng ý không bắt buộc phải đến lớp đủ. Có thầy còn dặn mình cứ lặng lẽ mà đi học rồi đi làm bởi vì thấy viết ở lớp cũng có người này, người kia…
Chi: Các bạn không bằng lòng vì họ không biết là Hương phải đi làm thêm?
Hương: Biết chứ! Nhưng cuộc sống mà, ở môi trường nào cũng có người này, người kia. Họ biết mình khó khăn nhưng vẫn không bằng lòng rồi ghen tị với mình là chuyện bình thường. Tính mình cũng thẳng thắn, có gì nói nấy nên cũng không được lòng nhiều người. Nhưng không sao cả, mỗi lần nghĩ lại mình lại nhận ra là vì gặp những người như thế nên mình mới có động lực cố gắng hơn. Nhưng cũng vì thế mà, có lần mình suýt bị đuổi học.
Chi: Chuyện như thế nào?
Hương: Thì cũng vì mình không có điều kiện đi học đầy đủ, các bạn kiện cáo thầy cô nói không công bằng. Các bạn còn ghi rõ giờ giấc mình đi, mình đến để làm bằng chứng phản đối mình. Còn trong khi đó, mình thì chỉ lo xem sẽ đi phỏng vấn ở đâu, hôm nay kiếm được bao nhiêu tiền thôi (cười). Các bạn gây áp lực thế nên ngay trên lớp, mình bị dọa đuổi học.
Lúc đó, mình không giận gì các bạn đâu, nhưng mình cảm thấy uất ức đến phát khóc lên được. Mình cảm thấy cuộc sống của mình lúc đó đã đủ khó khăn rồi mà lại thêm chuyện này nữa. Các bạn tuổi mình bình thường gặp khó khăn trong cuộc sống hay điểm kém thì có thể về tâm sự với bố mẹ, nhưng mình chẳng có ai cả, cứ lầm lũi một thân một mình làm hết việc này đến việc kia. Đến lúc mình kiệt quệ rồi mà lại bị một cú như thế thì lại càng kiệt quệ hơn.
Mà hôm đó mình lại không được về nhà ngay vì phải đi dạy gia sư đến tận tối muộn mới được ra về. Tối hôm ấy, chị phụ huynh mới nói là hai em học sinh sẽ chuyển về nhà ngoại nên quyết định nghỉ học một thời gian. Điều đó có nghĩa là mình lại mất một nơi làm việc. Hồi đó mình đi dạy gia sư thì không lấy tiền hàng tháng đâu mà để vài tháng mới lấy một lần. Chị phụ huynh mới thanh toán hơn 10 triệu tiền lương để mình ra về. Mình cất tiền trong cốp xe, chạy xe máy từ nhà học sinh ở Hồ Tây để về nhà ở Tân Mai, lúc đó đã 7-8 giờ tối rồi.
Mình vừa đi vừa khóc. Mọi chuyện không vui dồn từ sáng đến tối, lại thêm cú mất việc cuối ngày nữa, mình cảm thấy chịu không nổi. Mình mới nghĩ thế này, mình sẽ mang hơn 10 triệu này cất vào tủ để cho bố mẹ, còn đâu mình sẽ phóng xe máy thật nhanh để đâm vào đâu thì đâm cho chết đi. Mình lại còn viết thư để lại, dặn là: “Không phải tài xế đâm vào tôi, mà tôi tự tử” để người nào mình đâm vào khỏi liên lụy
Chi: Trời, kế hoạch tự tử mà còn suy nghĩ cho người khác quá vậy à?
Hương: Ừ, mình còn định viết vào thư địa chỉ của bố mẹ để nếu chết người ta mang xe về trả cho bố mẹ, chứ không muốn mất đi cái xe nữa cơ (cười) — bởi xe này của bố mình mới mua mà chưa kịp làm biển số nữa. Lúc đó mình chán nản quá rồi. Quyết tâm sẽ làm như thế, chuẩn bị sẵn sàng rồi. Mình về nhà, lên nhà cất tiền vào tủ cho bố mẹ. Thế rồi biết sao không?
Chi: Không. Sao?
Hương: Mình xuống đến tầng 1 khu tập thể thì phát hiện là mất xe máy! Thế là kế hoạch tự tử của mình tan tành mây khói và mình sống đến bây giờ đấy!
Chi: Trời ơi, đúng là số phận!
Hương: Mất đi chiếc xe, tự nhiên mình lấy lại được ngay tinh thần. Mình cảm thấy nhẹ nhõm hẳn lại. Mình cảm thấy đây là động lực để mình lại làm việc tiếp để kiếm lại cái mình đã mất. Hôm sau, mình và bố đến trường nói chuyện, được thầy cô thông cảm, và mình lại được tiếp tục học. Nghĩ lại mình vẫn thấy vừa buồn cười, vừa thương, vừa tội nữa
Lập Kitty Art & Lập gia đình
Hương: Khoảng năm 2012-2013, khi mà mức lương của người ngoài mời mình dạy vẽ kha khá, lúc này mình được mời đến các trường và có thể ra giá mức lương cũng như yêu cầu về điều kiện làm việc. Mình cũng tự tin hơn về khả năng của mình hơn thì mới bắt đầu có ý định mở Trung tâm mỹ thuật riêng. Khi đó cũng chưa biết tên lớp sẽ là gì đâu, chỉ muốn mở một lớp riêng của mình thôi. Thế nên mình quyết định đi gặp gỡ mọi người để xin lời khuyên. Mình có một thói quen là mỗi khi cần quyết định điều gì lớn, mình hay tìm đến sếp cũ, thầy giáo, những người nhiều kinh nghiệm… để hỏi ý kiến. Hồi đó, mình gặp được 5 người, cả 5 người đều cho lời khuyên. Và 3 trong số đó quyết định đầu tư vốn cho mình để mở lớp. Một trong số 3 người đó là anh Nam, chồng mình sau này. Đó là khi mà lớp còn mới chỉ ở ý tưởng thôi.
Ban đầu nghe thế thì rất là vui, vì cảm thấy mình được người khác tin tưởng. Nhưng mình cũng lại lo lắng, nghĩ là nếu mình không làm được thì không lấy tiền đâu mà trả người ta. Đó là người ngoài, còn với anh Nam thì mình lại nghĩ là giờ chưa cưới nhau, nếu sau mà lỡ chia tay thì lấy gì mà trả anh ấy (cười). Thế nên cuối cùng mình quyết định không nhận một đồng tài trợ nào, và quyết định độc lập mở lớp riêng, đi từng bước nhỏ tiến tới Trung tâm lớn sau này.
Chi: Đúng là một quyết định dũng cảm, nhưng cũng đúng với tính cách Hương thích độc lập, tự chủ.
Hương: Mình không nhận tiền nhưng nhận được nhiều lời khuyên của mọi người. Khi quyết định mở lớp rồi mình còn đến gặp bác rể của mình – một người khá thành công trong con mắt của mình. Mình muốn hỏi thuê nhà của bác để mở lớp vẽ vì nhà bác ở một vị trí rất đẹp ở quận Ba Đình, Hà Nội. Sau khi nghe mình trình bày, bác đã từ chối và nói: “Hữu xạ tự nhiên hương” và bảo là nếu mình làm tốt thì không cần thiết phải có địa điểm đẹp, người ta cũng sẽ tự tìm đến mình. Thế là mình xin phép bác ra về, và cảm thấy như có một cú “huých” lớn để mình bắt đầu đi con đường của mình.
Mình khởi đầu rất đơn giản thôi. Mở lớp học vẽ ngay trong phòng ngủ của mình ở nhà bố mẹ ở Khu tập thể. Thế là lớp Kitty Art hình thành! Hồi đầu chẳng có gì hết, đồ đạc bữa bài, chẳng có bàn ghế, còn lấy bàn uống nước ra để cho học sinh ngồi vẽ. Ban đầu mình mở lớp miễn phí cho mấy bé hàng xóm quanh nhà đến học. Không lấy tiền đâu vì mình dạy thử thôi mà. Rồi mình cũng chụp ảnh các bé vẽ, rồi chụp cả hình vẽ của học sinh mình dạy ở các trường ngoài nữa. Hồi đó mình vẫn đi dạy cả tuần kín lịch, chỉ có cuối tuần đi dạy ở nhà thôi.
Mãi sau thì có một em học sinh đầu tiên, nhà ngay gần khu Tân Mai nhà mình. Hồi đó học một cô-một trò với giá 20 nghìn/buổi, bao gồm cả màu vẽ, giấy vẽ, mình không thu thêm gì cả. Đó là cách đây 5 năm rồi. Sau rồi anh Nam hỗ trợ mình đi in ấn quảng cáo rồi dán thông báo ở ngoài đường về lớp học. Thế là phụ huynh họ biết rồi gửi con đến học nhiều hơn. Phụ huynh thấy con mang bài vẽ về nhà thấy hình vẽ lạ, đẹp mắt, con cũng học vui thì giới thiệu cho nhau. Lớp mình bắt đầu đông lên. Đặc biệt, mình có một chị phụ huynh rất thích lớp mình và quyết định tài trợ cho lớp một cái bảng mi-ca đầu tiên; chị cũng giúp mình giới thiệu đến nhiều học sinh nữa. Thời kỳ ấy lớp cũng khó khăn, sơ sài lắm, nhưng cũng may mắn được nhiều người tin tưởng, hỗ trợ cho ít nhiều.
Khi lớp bắt đầu được mọi người biết đến nhiều hơn thì mình cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ các nơi mời đến dậy. Hình thức hợp tác khi đó là người ta có lớp sẵn rồi, có đầy đủ đồ dùng, dụng cụ, họ mời mình đến dạy với tên lớp Kitty Art và sử dụng các phương pháp của mình. Thế là mình bắt đầu ở rộng lên khu Linh Đàm, Điện Biên Phủ, rồi Thụy Khuê… Sĩ số Kitty Art các nơi khi đó lên tới hơn 150 học sinh. Duy trì như vậy khoảng 3-4 năm. Một mình mình làm kín lịch tất cả các ngày trong tuần, không thuê trợ giảng, cứ chạy từ nơi này đến nơi kia có khi mấy lần trong ngày. Cũng khá kiệt sức.

Thế rồi mình quyết định tiến tới hôn nhân năm 2016 rồi có bầu sinh bé Nem [con gái đầu lòng của Hương]. Khi có bầu Nem, mình đi làm nhiều quá nên cơ thể yếu; bác sĩ yêu cầu mình phải nghỉ ở nhà hoàn toàn để giữ con. Rồi sinh con ra cũng phải mất một năm chăm cho con cứng cáp nữa vì không nhờ ai trông hộ được. Thế nên Kitty Art tạm nghỉ khoảng hai năm. Giữa năm 2017 vừa rồi Kitty Art mới mở lại. Đến bây giờ học sinh quay lại cũng được gần một nửa và thêm học sinh mới. Hiện mình hoạt động lại ở Linh Đàm và Hà Đông để tiện vừa trông con vừa đi dạy.
Chi: Thời gian Hương nghỉ Kitty Art ở nhà chăm con thì mình cũng có về Việt Nam gặp được hai mẹ con mấy lần nên mình biết là mặc dù nói là nghỉ thôi nhưng Hương chẳng nghỉ hẳn đâu. Có những hôm đến nhà thấy Hương còn tranh thủ vừa bế con vừa gọi điện cho người mang hoa đến, rồi cắm hoa bán cho khách trong khu chung cư nữa …
Hương: Ừ. Thực ra hồi bầu Nem thì mọi người vẫn gọi điện đặt tranh, muốn mình vẽ tranh cho họ treo trang trí nhà cửa, hội trường, làm quà tặng, rồi làm báo tường, giáo án, đặt hoa tươi nữa. Mình vốn rất thích vẽ, cắm hoa nên làm việc này cho vui, cũng là để kiếm đồng ra đồng vào.
Chi: Nghe kể vậy cũng biết Hương là người “tham công, tiếc việc”. Nhưng thành thật mà nói, hoàn cảnh của Hương giờ đã khác xưa. Mình biết anh Nam làm kỹ sư – công việc ổn định cũng đủ chu cấp cho hai mẹ con. Tại sao Hương vẫn cố gắng làm nhiều như vậy kể cả lúc mang bầu rồi chăm con nhỏ?
Hương: Nói như thế nào nhỉ… Một phần vì mình sợ cuộc sống thiếu thốn, sợ con mình phải khổ… Có lẽ vì những biến cố gia đình trước đây, mình hay tưởng tượng, lo nghĩ đến tình huống xấu nhất. Ví dụ nếu như một ngày nào đó mà bố Nem không thể chu cấp cho hai mẹ con nữa, rồi nếu Nem muốn một cái gì đó lớn mà bố mẹ không lo được, hay rồi lúc ốm đau… Lúc nào dường như mình cũng có tâm lý đề phòng. Một phần nữa vì mình thích làm việc. Mình kiếm được thì mình cầm đồng tiền tiêu cũng thoải mái hơn. Tư tưởng của mình luôn là như thế.
Chi: Mình muốn hỏi sâu hơn một chút về Kitty Art. Bản thân mình là người học vẽ từ nhỏ, nhưng lần đầu thấy tranh Kitty Art đưa lên mình cũng rất bất ngờ vì kiểu vẽ và cách vẽ khá lạ. các bé còn nhỏ, mới học vẽ mà tiến bộ rất nhanh, vẽ được nhiều bài phức tạp. Vậy Hương có thể nói thêm điểm gì khiến Kitty Art khác biệt so với những lớp học vẽ khác không?

Hương: Thật ra là như thế này… Ban đầu mình cũng không biết là Kitty Art khác biệt như thế nào đâu. Mình cứ dạy theo cách mình nghĩ là hợp lý, rồi dựa vào kinh nghiệm của mình để dạy. Chỉ có một điểm khác rõ nhất là những hình mình chọn cho học sinh vẽ không giống bất cứ nơi nào. Ví dụ, giáo viên trên trường thì hầu hết họ chỉ dùng hình trong sách giáo khoa có sẵn, còn giáo viên ở các trung tâm dạy vẽ thì họ lại hay lấy hình từ trên mạng. Nhưng mà hình trên mạng thì cái đơn giản thì lại đơn giản quá, mà phức tạp thì lại phức tạp quá. Thế nên mình phải chọn lọc, vẽ những hình mà không có trên mạng cũng không có ở đâu khác để về dạy học sinh của mình. Mình cũng vẽ thêm rồi học hỏi nhiều để sáng tạo ra hình độc đáo. Sau này, mỗi lần nhìn thấy một hình nào đó của Kitty Art, phụ huynh và học sinh cũng nhận được ra ngay.
Điểm khác biệt thứ hai thì có thể là do cách mình hướng dẫn học sinh vẽ màu. Ngày trước khi còn đi học mình rất khá phần vẽ màu, lần nào cũng được điểm cao về màu nên sau này đi dạy mình cũng rất tự tin. Giờ mình cũng nhìn thấy học sinh Kitty Art của mình vẽ màu rất đẹp. Mình nghĩ kỹ thuật tô màu thì học không khó, nhưng làm sao để biết được màu nào đặt cạnh màu nào cho đẹp, đó mới là cái khó. Học sinh học lâu của mình thì sẽ biết cơ bản bảng màu và sáng tạo thêm màu dựa vào bảng cơ bản đó.
Các bé đến lớp Kitty Art của mình không chỉ học vẽ, các bé còn học mọi thứ liên quan đến cái đẹp, đến nghệ thuật và tạo hình: Cắm hoa, làm Bánh, làm đất nặn tạo hình 3D… Vẽ rất nhiều chất liệu khác nhau đa dạng: Màu nước, sơn dầu, sơn mài, lụa, tranh kính, tranh gỗ, điêu khắc… Hơn nữa mình còn tuyển chọn học sinh chứ không nhận bừa bãi , mình chọn các em ngoan và thích vẽ, vẽ không đẹp mà thích vẽ mình sẽ dạy cho bé vẽ đẹp, đặc biệt hơn nữa là mình chọn cả phụ huynh!
Học sinh của mình nhận được rất nhiều giải thưởng. Đợt trước khi mình nghỉ dạy sinh em bé, học sinh của mình 20 em đi thi vẽ thì đến tới 18 em đoạt giải, mà đoạt giải cao. Có em đạt được giải trị giá lên tới 100 triệu và nhiều quà tặng nữa. Qua những cuộc thi như thế thì Kitty Art cũng được để ý nhiều hơn và phụ huynh liên hệ nhiều hơn. Thời gian mình nghỉ dạy nhiều phụ huynh cũng nhắn là mặc dù cho con đi học những lớp vẽ khác, được đầu tư lớn, tiền học gấp mấy lần lớp mình nhưng con họ không thích. Mình cũng không rõ là điểm gì các con thích ở lớp mình nhưng nghe nhiều phụ huynh nói: “Con chỉ thích học lớp cô Hương” làm mình rất tự hào. Mình rất muốn được làm nhiều hơn nữa cho các con.
Chi: Thế bây giờ một tuần của Hương như thế nào?
Hương: Từ thứ hai đến thứ sáu thì buổi sáng, mình ở nhà chăm Nem và chuẩn bị cơm nước cho hai bố con; buổi tối hai bố con ngủ thì mình lại làm việc. Mùa hè rồi mình định cũng gửi con đi trẻ và mở rộng Kitty Art thêm mấy địa điểm nữa nhưng con đi học ốm, nên mình lại phải ngừng phát triển Kitty Art một thời gian để chăm con. Còn cuối tuần thì anh Nam giúp mình trông Nem để mình làm việc kín lịch từ sáng đến tối. Mình đi làm cả ngày cuối tuần nhưng vẫn chuẩn bị đồ ăn cho hai bố con, dậy sớm nấu cơm, rồi về buổi trưa giữa giờ chăm con nữa. Ra Tết, Nem cứng cáp hơn thì mình muốn gửi con rồi tiếp tục kế hoạch mở rộng Kitty Art. Mong muốn lớn nhất của mình là lớp có đông học sinh hơn. Mình hy vọng lớp có thể lên tới 500 em, lúc đó mình sẽ mở một trung tâm Mỹ thuật riêng và có bản quyền của riêng mình – vì mình cũng viết sách từ rất lâu về Mỹ thuật tạo hình.
Bài học về trưởng thành
Chi: Nghe những câu chuyện của Hương thì thấy rằng Hương là một người vô cùng độc lập. Không có hỗ trợ của gia đình, Hương tự đưa ra những quyết định lớn, tự chèo chống con đường đi của mình, tự mở ra thương hiệu riêng… Nhưng vì mình là bạn từ nhỏ, mình biết là để được như ngày hôm nay, Hương đã vượt lên bản thân rất nhiều. Nhớ hồi nhỏ đi học, Hương rất nhút nhát, rụt rè, đến phát biểu ý kiến trên lớp còn run rấy nữa. Làm sao Hương thay đổi nhiều đến vậy?
Hương: Hồi đó mình nhát lắm! Thậm chí, khi đi học vẽ, anh dạy vẽ bảo mình lên sờ vào tượng mẫu vật trên lớp thôi mà mình còn không dám đứng lên cơ (cười). Cứ đến tập thể đông, gặp những người không quen là mình lại co rúm lại. Thế nên, giờ có những người gặp lại mình họ không nhận ra nữa. Ngay anh dạy vẽ mình ngày trước cũng thế, giờ gặp lại nói chuyện với mình vài câu cũng còn … trố mắt lên ngạc nhiên nữa.
Chi: Nói ai đâu xa. Mình đây này… trố mắt lên nhiều lần rồi (cười) mà mình quen nhau từ năm 12 tuổi
Hương: Mình nghĩ là do cuộc sống, mình giao tiếp nhiều, đi xin việc nhiều, làm thêm nhiều chỗ rồi cũng thay đổi, mạnh dạn hơn. Rồi cũng thất vọng nhiều nữa. Hồi xưa mình kỳ vọng nhiều thì mình thất vọng nhiều. Trước mình cứ chờ đợi người khác giúp mình. Giờ mình chẳng tin ai ngoài bản thân mình cả, mình tập trung vào sức mình chăm cho bản thân, chăm cho chồng con. Cứ như thế, mình cảm thấy tự tin hơn
Chi: Hương có thể nói rõ hơn về ý kỳ vọng này được không?
Hương: Ví dụ như ngày nhỏ mình chờ đợi, kỳ vọng vào bố mẹ lo cho mình, đến khi bố mẹ không lo được cho mình thì mình thất vọng; rồi dần dần mình cũng quen đi, không kỳ vọng nhiều nữa. Hay như khi lớn lên đi xin việc chẳng hạn, mình nộp đơn rồi chờ đợi mãi mà không thấy gì thì mình thất vọng, mình buồn. Nhưng sau mình xin việc nhiều, mình “chai” rồi thì mình nghĩ: “Không xin được chỗ này thì ta xin chỗ khác”, mình mặc kệ họ thì họ lại gọi mình (cười). Cứ theo cái kiểu như vậy… Không hy vọng nhiều thì mình không thất vọng nhiều….
Mọi người cũng hay hỏi là tại sao ngày trước rụt rè vậy mà mình dám gõ cửa đi xin việc nhiều nơi như vậy. Cái này là bởi vì khi đó mình không còn đường lùi nữa rồi, không có gia đình hỗ trợ, muốn độc lập kinh tế, muốn được đi học bằng tiền của mình thì mình phải thúc đẩy bản thân thôi. Nhiều khi không còn đường lùi là cách duy nhất để mình tiến lên.
Chi: Câu hỏi cuối cho Hương là Hương có lời khuyên gì cho các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành hội họa không?
Hương: Mình suy từ mình ra để giúp các bạn nào muốn thoát khỏi khó khăn nhé ! Thứ nhất là phải có đam mê. Thứ hai là chăm chỉ. Thứ ba là kỹ tính. Mình phải có đam mê, mình phải thích nghệ thuật thì mới theo được nghề. Có thể cùng thích vẽ nhưng có những người chỉ thích ngồi vẽ để trở thành họa sĩ, có những người thích giao tiếp với trẻ con như mình thì muốn trở thành giáo viên. Tùy vào tính cách và sở thích cá nhân mà chọn nghề. Còn chăm chỉ thì là chăm chỉ học hỏi, chăm chỉ tìm tòi, nghĩ ra những phong cách riêng để dạy cho học sinh của mình. Kỹ tính nghĩa là mình làm mọi việc cho đến nơi đến chốn, cái gì mình làm cũng phải cẩn thận, chứ không bỏ dở giữa chừng. Mình nghĩ có đủ 3 yếu tố này chắc chắn làm nghề gì cũng sẽ có cơm ăn! (cười)
Chi: Cảm ơn Hương!
—
Tôi hy vọng bạn đọc cũng thích bài viết này nhiều như tôi thích trò chuyện với Hương. Là bạn thân lâu năm, tôi luôn thấy Hương là tổng hợp của rất nhiều sự mâu thuẫn. Hương vừa trưởng thành vừa ngây thơ, vừa cứng rắn vừa mềm mỏng, vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ… Những bài vẽ của Hương cũng vậy, đa phần chúng có màu sắc tươi sáng, nét vẽ thơ ngây nhưng ẩn trong đó là cả một nội lực, sự hy sinh, và sức bật để trưởng thành vô cùng lớn.
Tôi thực sự tự hào vì có một người bạn như Hương và tin rằng những học sinh theo học Kitty Art cũng có một thời gian thực sự ý nghĩa với một cô giáo có tài và có tâm như thế này.
***Thông tin liên hệ với nhân vật Nguyễn Hương và lớp Mỹ thuật Kitty Art: https://www.facebook.com/Kitty.Kid.Art/
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Cảm ơn chị vì bài viết sâu sắc và đầy ý nghĩa nhân dịp đầu năm. Bài viết đến rất đúng lúc đối với em ở thời điểm này. Em vốn học kinh tế nhưng ra làm ngành liên quan đến mỹ thuật thiết kế vì đam mê nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn vì so với những người học chuyên ngành ra óc tư duy thẩm mĩ, màu sắc của em có phần kém hơn, gặp khó khăn trong cv nhiều hơn. Lắm lúc cũng buồn nản nhưng e vẫn quyết định tiếp tục, bài viết đã cho e nhiều động lực và dũng khí hơn với lựa chọn của mình. Tiếc là em không ở hà nội nhưng nếu có dịp em hy vọng có thể đến thăm quan lớp của chị Hương
Cảm ơn em đã đọc bài viết! Hương chắc chắn cũng rất vui khi đọc comment này của em. Chị cũng có một người bạn không học về nghệ thuật nhưng sau đi làm nghệ thuật vì đam mê; bạn ấy cũng gặp khó khăn vì đồng nghiệp dùng những thuật ngữ riêng nói chuyện với nhau mà mình không biết. Nhưng sau bạn ấy đi học thêm va học cả trên mạng nữa, bây giờ rất ổn, đang dự định mở công ty riêng. Chúc em nhiều điều may mắn nhé!
Chị Hương thực sự cho em thêm tin vào cuộc sống này rồi đó. Đúng là trải qua gió bão nhiều, con người ta tự khắc sẽ hoàn thiện hơn thôi. Kiên trì và chăm chỉ mới là thứ quyết định thành công mà!
Chị cũng phải học Hương tính kiên trì và chịu khó vượt qua nghịch cảnh
Bài viết hay lắm chị ơi, cảm ơn chị rất nhiều ạ! :3
Cảm ơn em đã theo dõi blog nhé Phương!
Câu chuyện rất đời, cảm ơn Chi nhé 🙂
Cảm ơn Chi, bài phỏng vấn rất hay và chất lượng.
Đã đọc hết và kỹ cả bài. Mình nghĩ Hương là 1 tấm gương nỗ lực!
Bài viết dạy rất chi tiết mình rất thích, cảm ơn các bạn nhé