Tôi không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, thậm chí cũng không phải là người giỏi bếp núc. Thành thật mà nói, tôi mới bắt đầu học làm bếp thực sự từ khi sống một mình ở nước ngoài — còn trước đó, những gì bà, mẹ, với cô giáo lớp nấu ăn dạy đều như “nước đổ đầu vịt” 😂. Nhưng may mắn từ nhỏ tôi lớn lên trong gia đình Hà Nội gốc, được nếm những món ăn chuẩn vị, biết được lịch sử lâu đời của từng món nên vị giác của tôi khá tốt. Nhờ vậy mà sau này, dù mới học nấu ăn, tôi có thể tự rút ra được thế nào là ngon/không ngon và làm sao để gia giảm cho tốt hơn trong lần sau. Được vài năm nấu nướng một mình rồi ông trời cũng khéo xe duyên làm sao, để “chuột sa chĩnh gạo” là tôi lấy ngay anh chồng làm nghề nhà hàng nên càng được ăn thêm nhiều món mới. Lấy chồng đầu bếp rồi, tôi không phải nấu ăn mọi bữa nữa mà chỉ nấu những khi tôi thích và thèm các món “ngày xưa” thôi. Dần dà, tôi nhận ra rằng những món mình thích nhất và hay nấu nướng nhất là những món gợi lại một kỷ niệm nào đó, với một ai đó, và điều này làm cho món ăn đặc biệt hơn, thú vị hơn.
Trong bài viết này, tôi sẽ kể về những món ăn tôi thích nấu nhất, sơ lược cách làm, và kỷ niệm liên quan đến món đó. *** Lưu ý: Vì tôi không phải đầu bếp chuyên nghiệp và cũng không có thói quen ghi chép khi nấu nướng, công thức các món ăn chỉ là “ang áng”. Nếu bạn muốn thử nghiệm làm mấy món dưới đây, bạn sẽ cần quyết định lượng nguyên liệu, tỷ lệ gia vị … theo khẩu vị của riêng mình. Nấu ăn với tôi là một niềm vui nho nhỏ thôi, nên tôi chưa bao giờ nặng nề việc người ngoài đánh giá món này ngon hay món kia không ngon, hay làm như thế nào mới là đúng, là chuẩn “nữ công gia chánh” … gì hết. — tôi hy vọng bạn đọc cũng tiếp nhận bài viết này với tinh thần vui vẻ, nhẹ nhàng như vậy 😊
Đây là một trong những bài viết thuộc series “The Chi List” – nơi tôi chia sẻ những gì mình thích nhất tới bạn đọc. Tất cả những bài viết trong series này đều được cập nhật thường xuyên, lần cuối cùng bài viết này được cập nhật là 8/5/2018.
1. Nui Nước “Của Mẹ”
Năm thứ hai tôi ở Mỹ cũng là năm tôi chuyển sang ở một thành phố mới và bắt đầu có một căn hộ riêng sống một mình. Tôi cũng học được cách cân bằng công việc-cuộc sống tốt hơn và vì thế, có nhiều thời gian hơn để nấu nướng tại nhà. Một đêm, tôi ngủ mơ thấy mình quay lại thời bé, vẫn ở Việt Nam với bố mẹ và anh trai. Sáng đi chợ, mẹ nói hôm nay mẹ sẽ nấu món “nui nước” (một món, theo tôi, là sự kết hợp hoàn hảo giữa phở và mỳ Ý). Như thường lệ, mẹ hỏi anh em tôi thích ăn “nui ống” (loại mỳ hình ống rỗng hai đầu) hay “nui hoa” (loại mỳ vặn hình hoa). Và cũng như thường lệ, tôi chọn nui ống — tôi luôn thích cảm giác xì xụp húp nước súp qua … từng cái ống nui (kiểu như ống hút vậy!). Khi mẹ vừa nấu xong, bát nui nước thơm phức, nghi ngút khói, sóng sánh nước hầm vừa bưng lên đến miệng thì tôi tỉnh ngủ 😭. Tỉnh dậy, tôi vẫn nhớ như in vị nui mềm mịn trong miệng, nhớ từng miếng thịt bò viên mềm ngọt, đến cọng hành rau thơm quyện với từng ống nui … ám ảnh đến mức 6 giờ sáng phải chạy ngay ra siêu thị mua nguyên liệu về làm. Cho đến nay, đây là có lẽ món ăn ngon nhất từ mẹ mà tôi học được (và học được từ trong giấc mơ 😋)
Nguyên liệu (2 người ăn):
- Thịt bò xay 100g hoặc nửa khay ở siêu thị
- Tôm tươi 100g hoặc 5-6 con to, 10 con nhỏ (tương ứng theo số thịt)
- Rau thơm (cilantro) 2-3 nhánh
- Hành lá 2 cây
- Hành khô 1 củ
- Nui ống nửa gói
- Gia vị (bột nêm, muối, tiêu… tùy khẩu vị)
Cách làm
- Ninh nước dùng: Ướp thịt với gia vị, trộn đều; sau đó viên thịt lại thành những viên tròn, nhỏ (*chú ý: viên đừng to quá, chỉ để vừa miệng ăn). Trong lúc viên thịt, đặt lên bếp lửa lớn đun 2 nồi nước (một nồi làm nước dùng, một nồi luộc nui). Nồi nước dùng sôi rồi thì cho thịt viên vào. Ban đầu để lửa to cho sôi nhanh, hớt hết bọt bẩn. Nước trong rồi thì hạ lửa xuống đun thật nhỏ để ninh nước ngọt. Ninh gần được rồi thì cho gia vị thêm vào, nêm nếm hơi đậm vị là được (*chú ý: đừng cho quá tay gia vị vì còn có tôm mặn cho vào nước dùng sau này)
- Luộc nui: Nồi nước thứ hai sôi lên thì cho nui vào, luộc cùng một chút muối. Ban đầu để lửa to đóng vung, sau rồi hạ lửa, mở vung luộc đến khi nui chín — khoảng 10 phút (*chú ý: để một cái thìa gỗ dài ngang nồi nước sôi sẽ đỡ trào ra ngoài hơn)
- Làm rau: Trong lúc đợi nui và nước dùng, tranh thủ làm rau thơm và hành. Rau, hành rửa sạch. Rau thơm nhặt kỹ, xắt khúc hoặc lấy nguyên lá. Hành lá xắt khúc, đầu trắng xẻ dọc, mảnh (như làm hành ăn phở). Hành khô bóc vỏ, xắt nhỏ để xào.
- Làm tôm: Tôm bóc vỏ, rửa sạch, xắt nhỏ chừng đốt ngón tay. Lên lửa chảo dầu nóng, xào sơ hành khô cho dậy mùi lên rồi cho tôm vào. Tôm chín khoảng 80% thì cho chút muối và tiêu vào. Xào đến khi tôm hơi săn lại thì vớt ra cho vào bát riêng (*chú ý: chắt mỡ bỏ đi và bỏ bớt hành khô lại, chỉ lấy tôm)
- Phối hợp: Nước dùng ninh được một lúc ngọt rồi thì để lửa lớn lên, cho tôm đã xào vào. Nêm nếm nước dùng cho vừa vị.
- Lên món: Đổ nui vào nửa bát, xếp hành và rau thơm vào, thêm thịt viên và tôm. Chan nước dùng. Ăn khi còn nóng 😋
2. Bánh Mỳ Tôm “Em Tom”
Năm đầu tiên ở Mỹ, tôi thuê một căn hộ có 3 buồng ngủ, chung bếp và nhà tắm với 2 em sinh viên Đại học (học vô cùng giỏi!) tên là Nga và Thành (còn gọi là Tom). Ba chị em thỉnh thoảng cũng nấu nướng chung, nấu mấy thứ đơn giản, linh tinh thôi như cơm rang thập cẩm với mỳ Hàn Quốc. Thành chính là người dậy cho tôi cách nấu món “bánh mỳ tôm” này mà em ấy cũng được truyền lại bởi một anh người Việt Nam đã ở Mỹ lâu năm. Bởi thế, món bánh này cũng có vẻ gì đó là sự kết hợp giữa Tây và Ta. Sau này, khi đã chuyển ra ngoài ở một mình rồi, tôi vẫn thường hay làm lại món này và nhớ đến hồi đầu sang Mỹ, bỡ ngỡ, ngây ngô, được hai em chỉ cho rất nhiều về đời sống du học sinh. (Cảm ơn Nga & Thành!🤗)
Nguyên liệu (2-3 người ăn)
- Một chiếc bánh mỳ Pháp dài (ví dụ, bánh mỳ “Big C”)
- Tôm sống 5-6 con to hoặc 10 con nhỏ
- Sốt Mayonnaise
- Gia vị (muối, tiêu… tùy khẩu vị)
Cách làm:
- Tôm trộn mayonnaise: Tôm xắt nhỏ chừng nửa đốt ngón tay hoặc bằm nhỏ (tùy bạn thích ăn rõ miếng tôm trong sốt hay ăn sốt mềm, mịn). Sau đó, trộn tôm với mayonnaise (áng chừng sốt và tôm tỷ lệ 1:1 hoặc trộn đủ đến khi quyện vào nhau là được). Trộn xong cho chút muối và tiêu vào (*chú ý: đừng nên cho quá tay muối giai đoạn này vì sau có thể bị mặn). Trộn xong để riêng hoặc cho vào tủ lạnh.
- Chuẩn bị bánh và lò nướng: Bánh cắt khúc ngang, bề dày khoảng 2-3 đốt ngón tay (tùy bạn thích ăn bánh đế mỏng hay dày). Vặn lò 450 độ F (230 độ C).
- Trộn và nướng bánh: Phết tổ hợp tôm + mayonnaise lên trên mặt bánh, phết cao lên chừng gấp đôi bề dày của bánh. Sau đó, xếp bánh lên khay, cho vào lò. Khoảng 7-10 phút lại kiểm tra một lần xem tôm chín chưa, có bị cháy không để điều chỉnh nhiệt độ (*chú ý: nhiệt độ và thời gian nướng còn phụ thuộc vào từng lò). Đến khi bề mặt tôm và mayonnaise xém cháy như caramen, tôm đỏ đều là chín! 😋
3. Nem Cuốn “Hội Nhập”
Hồi ở Việt Nam, tôi cũng rất hay ăn nem cuốn/gỏi cuốn (summer roll) và rất thích món này vào mùa hè vì nó thanh, mát, nhiều rau. Nhưng không biết có phải do thói quen gia đình tôi hay thói quen ăn uống người miền Bắc không mà khi làm món này, các mẹ, các chị hay cuốn sẵn cả đĩa, đến bữa cả nhà chỉ cần lấy ra ăn, chấm nước mắm. Nhưng đến khi tôi sang Mỹ và có dịp ăn tối ở các gia đình từ nhiều vùng miền khác nhau tại Việt Nam, tôi thấy mọi người ăn món này hơi khác. Đầu tiên là nguyên liệu đượcbày ra ngoài, cả nhà ai thích ăn gì thì cuốn vào cái đó. Lại còn có một cái dụng cụ để nước ấm chuyên xoay nhúng vỏ nem cho nềm để cuốn nữa chứ! Dần dần, tôi trở nên thích cách ăn kiểu như thế này vì cả nhà cùng quây quần, rôm rả, ai thích gì người đó lấy, không ai phải “phục vụ” ai cả. Điểm khác biệt thứ hai là nước chấm. Thay vì chấm nước mắm thì mọi người chấm tương đậu phộng (peanut sauce) và thực sự món này rất hợp! Tôi thỉnh thoảng làm món này khi có bạn đến chơi, nhất là các bạn nước ngoài, để cùng “cuốn cuốn, gói gói, chấm chấm, ăn ăn” 😋. Mỗi lần làm món này, tôi lại cảm nhận được sự thay đổi của mình qua thời gian, khi mình không chỉ học hỏi từ những người bạn ngoại quốc, mà còn từ chính những người Việt đến từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam mà tôi chưa có dịp đặt chân đến. Bữa ăn và cách ăn nói lên rất nhiều điều về con người và văn hóa.
Nguyên liệu:
- Dưa chuột chẻ dọc, mỏng
- Lá hẹ (không bắt buộc)
- Rau sống, rau thơm (tùy khẩu vị)
- Bún tươi (*hoặc bún khô luộc)
- Thịt 3 chỉ luộc
- Tôm luộc
- Tương đậu phộng (làm từ bơ đậu phộng (peanut butter) và sữa tươi — công thức tuyệt vời của mẹ chồng tôi! — khi nào tôi sẽ nhờ mẹ ghi lại rõ tỷ lệ bơ và sữa để cập nhật cụ thể hơn ở đây)
Cách làm
- Mọi người chỉ cần nhúng bánh đa vào nước ấm rồi cuốn những thứ mình thích vào ăn 😋
4. Thịt Luộc “Cơm Nhà”
Thịt luộc chấm nước mắm chanh thì chắc không phải giới thiệu nhiều nữa vì đã trở nên quá quen thuộc trong những bữa cơm nhà của người Việt rồi. Tôi thích món này vì nó thực sự đơn giản, tiện lợi, và còn tiết kiệm nữa. Một miếng thịt 3 chỉ luộc lên chín ăn rồi nước luộc thịt còn để lại làm món canh ngon nữa. Nhưng “fan” đặc biệt của món này phải nói đến chồng tôi 😁. Bình thường, chồng tôi rất ngại ăn các món có mắm, nhưng riêng món này bưng ra là anh ấy lại xếp tất cả thành một hàng thẳng trước mặt: (1) thịt, (2) mắm, (3) cơm trắng để biến đây thành một dây chuyền: thịt chấm mắm, mắm rót vào cơm, cơm và vào miệng 😆. Nhiều hôm hai vợ chồng ngồi ăn món này với cà pháo ngoài hiên nhà mà cứ nghĩ như hai vợ chồng nông dân ở một vùng vùng quê đồng bằng Bắc Bộ (kiểu như hình minh họa câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” trong sách giáo khoa ngày xưa 😆)
Nguyên liệu:
- Thịt 3 chỉ
- Nước mắm ngon
- Chanh
- Rau thơm
- Hành lá
- Gia vị (bột nêm, muối, tiêu… tùy khẩu vị)
Cách làm:
- Lên lửa nồi nước sôi, luộc thịt 3 chỉ với chút muối và vài lát gừng cho thơm. Sôi lên hớt thật sạch bọt bẩn, rồi đun lửa nhỏ cho đến khi thịt vừa chín mềm
- Thịt chín rồi để ra thớt cho nguội rồi thái miếng mỏng vừa ăn
- Nước luộc thịt còn thả hành lá và rau thơm vào, cho gia vị vừa miệng
- Đổ nước mắm vào bát con, vắt chanh
- Ăn kèm với cơm trắng và cà muối là ngon nhất 😋
5. Mỳ Ý “Tuổi Thơ”
Tôi còn nhớ hồi nhỏ mẹ hay làm món mỳ Ý này cho hai anh em tôi trước khi đi làm. Mẹ tôi thường làm sẵn để trên chảo, buổi trưa chúng tôi chỉ cần rắc phô-mai lên trên và đảo nóng lại là ăn được. Sau này lớn hơn, tôi hay đi học và đi làm ở bên ngoài, ít ăn cơm nhà hẳn nên không mấy khi ăn món mỳ Ý này của mẹ và cũng quên luôn không học mẹ cách làm. Bẵng đi vài năm tôi đi du học. Một ngày nọ, tôi bất chợt nhớ đến món này, nhớ cảm giác ngủ dậy muộn buổi trưa bước xuống nhà đã thấy mẹ đi làm, trên bếp là chảo mỳ Ý ngon lành chờ sẵn, nhớ cảm giác được bàn tay mẹ nấu nướng, chăm nom. Vậy là tôi quyết định làm món này từ trong trí nhớ. Mặc dù chưa từng học công thức của mẹ nhưng ngay lần đầu tiên tôi đã làm đạt và cho đến bây giờ, đây vẫn là một trong những món “sở trường” của tôi. Có thể nói, đây là công thức mỳ Ý đơn giản nhất, dễ làm nhất, và cũng dễ ăn nhất mà tôi từng biết.
Nguyên liệu (2 người ăn):
- Nửa gói mỳ Ý spaghetti (loại sợi dài, đặc, tròn đều)
- Thịt bò bằm (xay nhuyễn) 100 gram hoặc nửa khay ở siêu thị
- Nửa củ hành tây to hoặc một củ hành tây nhỏ
- 1-2 hộp nước sốt cà chua (tomato sauce)
- Muối
- Tiêu
- Đường
- Lá thơm/ngò tùy ý (tôi hay dùng parsley, basil, hoặc cilantro)
- Phô-mai tùy chọn (tôi hay dùng Mozzarella hoặc Parmesan Cheese)
Cách làm:
- Luộc mỳ: Cho mỳ vào nồi nước sôi cùng một chút muối. Ban đầu để lửa to đóng vung, sau rồi hạ lửa, mở vung luộc đến khi mỳ chín — khoảng 10 phút (*chú ý: để một cái thìa gỗ dài ngang nồi nước sôi sẽ đỡ trào ra ngoài hơn). Mỳ chín rồi thì để ra rổ cho ráo nước. Vẩy lên mỳ chút dầu ăn hoặc dầu ô liu và trộn đều để các sợi mỳ không dính vào nhau
- Trong lúc đợi mỳ chín, xắt nhỏ hành tây và các loại lá thơm, để riêng
- Cho thịt bò bằm vào xào với hành tây, cùng muối và tiêu. Nếu thịt ra nhiều mỡ thì nên chắt bớt ra.
- Khi thịt chín khoảng 80% thì đổ nước sốt cà chua vào và cho thêm một chút đường (ít hay nhiều tùy khẩu vị bạn thích ăn ngọt hay chua) và xào đến khi thịt chín hoàn toàn. Nếm thử thịt và nước sốt, nếu cần thêm gia vị (muối, tiêu, đường) thì thêm vào.
- Đổ mỳ vào cùng với hỗn hợp thịt và sốt cà chua, trộn đều
- Trước khi ăn, làm nóng lại chảo mỳ, cho phô-mai vào tan chảy, trộn đều để quyện vào mỳ. Rắc lá thơm lên trên trước khi cho ra đĩa.
Món này có thể để ngăn mát tủ lạnh được 2-3 ngày, khi ăn hâm nóng lại trên chảo hoặc trong lò vi sóng rất tiện lợi, không làm giảm mùi vị.
6. Thịt ba chỉ rang cháy cạnh (mặn ngọt)
Thịt ba chỉ rang cháy cạnh là một món ăn rất phổ biến trên mâm cơm của người Bắc. Nhưng khi ở Việt Nam, mỗi lần ăn món này trong bữa cơm gia đình hay ở ngoài nhà hàng, tôi thường để ý thấy vị của nó rất khác nhau. Có khi món này rất mặn (như kiểu món thịt lợn xào hoặc rim), có khi món này lại rất ngọt (như kiểu món thịt lợn kho tàu nhưng nhiều đường hơn). Khi sống một mình, tôi hay thử nghiệm món này, khi mặn, khi ngọt khác nhau và mỗi lần đều cảm thấy mình như đang nấu một món mới. Một lần tình cờ nấu ăn cùng chồng tôi, anh ấy mới kể là có lần ăn thử món này ở nhà quen (cũng là người Việt Nam), họ làm món này rất ngon nhưng gia vị không được đều, có những miếng còn nguyên hạt đường chưa tan hết, có miếng lại thiếu đường nên ăn chỉ thấy vị mặn của muối thôi chứ không thấy vị ngọt.
Vì thế, tôi quyết định thử nghiệm làm lại món này với tiêu chí “mặn ngọt” – không mặn quá, không ngọt quá, và cố gắng để hai vị hòa với sau. Tôi nhận ra rằng bí quyết của món này là ở thời điểm và cách cho gia vị. Nhiều người thường rang thịt lên rồi mới cho nước mắm, muối, đường vào trộn lên, khi đó mặt thịt đã se lại nên gia vị thấm không đều. Để có thể tránh được tình trạng này, ta nên làm tổ hợp gia vị trước, cùng với chút nước ấm để gia vị hòa quyện với nhau trước khi trộn cùng với thịt; chút nước ấm này cũng khiến cho gia vị cùng nước thịt quyện sệt lại sau khi nấu để tạo thành loại nước sốt rất ngon. Khi đã xử lý được khâu gia vị rồi, món này trở nên rất dễ nấu, thơm ngon, và cực kỳ “đưa cơm”
Nguyên liệu (2-3 người ăn)”
- Một miếng/dẻ thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ, có da
- Một củ hành tím xắt nhỏ
- 2-3 cây hành lá, cắt khúc dài bằng đốt ngón tay
- Hỗn hợp gia vị (cơ bản): 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh muối, 1 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước ấm, ớt (không bắt buộc). Trộn đều gia vị, thêm bớt tùy khẩu vị, nêm nếm làm sao để hỗn hợp này vừa mặn, vừa ngọt đậm đà là đạt
Cách làm:
- Cho thịt vào nồi nước lạnh và đun lên cùng chút muối và chút gừng tươi. Đun khoảng 5-8 phút nước sôi, thịt ra bọt bẩn thì vớt ra, đổ nước đi, rửa sạch thịt. (Bước này rất quan trọng để thịt không bị hôi, đừng nên bỏ qua).
- Thái thịt ra từng miếng mỏng (thịt lúc này chưa chín vì mới chỉ trần sơ qua thôi)
- Cho một ít dầu vào chảo (chỉ đủ để làm bóng lòng chảo). Để chảo dầu nóng lên thì cho thịt vào đảo đều. Chú ý để lửa tương đối lớn để thịt có thể rút mỡ nhanh và “cháy cạnh” (đây là bước quan trọng, tùy xem bạn thích ăn mềm hay ăn giòn để làm miếng thịt “cháy cạnh” đến mức nào).
- Khi miếng thịt rút mỡ nhỏ lại, cháy cạnh đủ rồi thì hạ lửa. Lúc này mỡ trong thịt sẽ ra chảo rất nhiều, cần chắt bớt đi ra bát riêng (mỡ này có thể giữ lại để xào rau, thịt, nấm rất ngon)
- Cho hành tím xắt nhỏ vào đảo cùng với thịt
- Hành tím dậy mùi thơm rồi thì đổ hỗn hợp gia vị trên vào đảo cùng thịt. Chú ý đảo đều để mọi mặt của thịt đều ngấm được vào gia vị. Đến khi hỗn hợp gia vị cô lại sền sệt, thịt ngấm chín rồi thì cho hành lá vào đảo thêm một lần cuối trước khi bắc ra.
- Món này ngon nhất ăn với cơm trắng khi còn nóng.
Dưới đây là video một bạn làm món này tương tự với cách làm của tôi để bạn đọc tham khảo thêm từng bước:
7. Ngô/Bắp xào tôm khô
Món này tôi học được của một em gái người miền Nam rất dễ thương trong một bữa tiệc. Em nói là món này là món ăn chơi, làm ăn cho vui trong khi chờ món chính. Nó vừa mặn, vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm – làm tôi nhớ đến những món ăn vặt hay bán ở cổng trường. Tôi chưa từng có dịp ăn món này ở trong Nam bao giờ nhưng từ ngày ở Mỹ, tôi đã từng làm cho mình và các bạn ăn rất nhiều lần “lai rai”. Đây là một món rất dễ làm và tôi đoán cả trẻ con và người lớn đều sẽ thích.
Nguyên liệu (cho 3-4 người ăn nhẹ):
- Ngô/Bắp non tách hột (bạn có thể mua khoảng 4-5 trái tươi về tách hột; tôi hay mua 1-2 hộp ngô đóng hộp hoặc 1 túi ngô đông lạnh đã tách hột cho dễ làm)
- 30 gram tôm khô (ngâm khoảng 30 phút trước khi nấu bằng nước ấm cho mềm)
- 30-40 gram bơ
- 1-2 cây hành lá (cắt nhỏ, để riêng phần đầu trắng)
- Gia vị, bột nêm (tùy ý)
Cách làm:
- Bật bếp, để một chiếc chảo lên bếp. Khi chảo nóng, cho bơ vào cho tan
- Khi bơ tan hẳn rồi thì cho đầu trắng của hành lá vào, xào đến khi dậy mùi thơm
- Cho tôm khô vào chảo, đảo đều đến khi tôm ngấm bơ, mềm và săn lại (Chú ý nếm thử tôm, tránh để tôm chưa chín sẽ khô và sượng)
- Khi tôm chín mềm rồi thì cho ngô vào xào tiếp cùng gia vị (bột nêm, muối, hạt tiêu – tùy ý)
- Khi tôm, ngô chín đều, nêm nếm đủ rồi chỉ cho phần xanh của hành lá vào đảo đều một lần trước khi bắc ra
- Món này ăn ngon khi nóng, hợp để ăn chơi, ăn vặt, hoặc khai vị
X. Những món ngon khác
Đây là những món tôi thường xuyên làm, công thức của một số trang nấu ăn trên mạng. Chỉ cần theo sát công thức là có thể thành công:
- Salad quả bơ kiểu Mexico (Guacamole): http://www.savourydays.com/salad-qua-bo-kieu-mexico-guacamole/
- Bánh bông lan: http://www.savourydays.com/gateau-co-ban-bat-bai-no-fail-sponge-cake/
(Còn tiếp tục cập nhật)
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
N - Shameless Monsters says
Ý tưởng ăn nem cuốn với sốt bơ đậu phộng rất hay, em sẽ thử làm món này vào mùa hè! Đây là món yêu thích của em (cùng với bún đậu mắm tôm) nhưng chỉ làm khi về nhà với mẹ vì partner mắt xanh mũi lõ không ăn được nước mắm chấm (và cũng rất sợ mùi này trong nhà) 😅 Giải pháp bơ động phộng thực sự rất là … hội nhập 😄
Chi Nguyễn says
Thử đi em ạ! Hồi đầu chị cũng “nghi ngờ” lắm vì chị nghĩ bơ đậu phộng chỉ cho món ngọt thôi. Nhưng bất ngờ là rất hợp. Mấy nhà hàng Việt Nam ở Mỹ họ cũng toàn làm sốt đậu phộng thôi.
Hương says
Mình đi ăn nhà hàng chay ở Hà Nội. Họ có món rau cải cuốn, trong có cả bơ đậu phộng, rất lạ miệng và siêu ngon!
thuphuongpham says
hồi mình du học mình cũng ở chung các bạn quốc tế và mới biết dùng lò nướng, các bạn dạy cho mấy món bánh nướng đơn giản mà mê lắm và nhớ lắm luôn! cảm ơn Chi về list đáng iu này! hôm trước vừa xem Intern trong list phim của bạn, giờ mình sẽ xem dần list trong những lúc relax cuối tuần
Chi Nguyễn says
Lò nướng đúng là tuyệt vời đấy ạ! Bây giờ em thấy ở Việt Nam nhiều gia đình cũng có lò nướng mini, tiện ơi là tiện
Vi says
Mấy bạn Quốc tế mê sốt đậu phộng lắm luôn Chi. Có lần V làm món bò bía. Bọn nó cứ rúc rích hỏi cái sốt đậu phộng làm như thế nào 😀
Chỉ có điều là vài đứa nó bị dị ứng đậy phộng nên V phải nhắc đi nhắc lại cho tụi nó cân nhắc trước khi ăn.
Chi Nguyễn says
À. Đúng là hơi khó hiểu thật. Chị sẽ cố gắng diễn tả lại. Khi nước sôi mà bếp vẫn bật lửa to, mình bỏ vung nồi ra không đậy thì nước sẽ dễ trào ra ngoài. Vì thế, mình để một cái thìa gỗ gang nồi đang mở (không đậy vung) thì sẽ ngăn trào. Tip này chị học trên mạng nên có thể có video em xem trực quan thêm ẵ dễ hiểu hơn