Một buổi chiều tan tầm chạy xe trên phố Hà Nội, tôi bắt gặp hai ông cháu nọ dắt nhau đi trên đường. Bóng to bóng nhỏ dập dìu, ríu rít vui tươi. Tôi lại nhớ về một chiều hè năm 1996, ông ngoại đạp xe từ Thành Công đến Nguyễn Thái Học đón tôi đi học về. Thấy ông, tôi nhảy vội lên xe, chiếc xe đạp cũ lọc xọc nghiêng hẳn sang một bên hè. Ông xuýt xoa: “Ối chà chà”, rồi đẩy mạnh tay lái, lấy lại được thăng bằng. Trên đường về, tôi ngồi sau níu áo ông, xấu hổ:”Mình lớn quá rồi” – tôi nghĩ – “phải sớm biết đi xe để chở ông thôi”. Thế mà chẳng bao giờ tôi có dịp làm điều đó cả. Bóng hai ông cháu nhà kia kia cứ xa dần, chỉ còn tôi đứng lại giữa đường, òa khóc.
Ông ngoại tôi
Khi còn nhỏ, tôi thường nghe người lớn nói là ông cháu tôi hợp nhau vì tôi ẩn tuổi ông, ra đời cách ông đúng 60 năm. Rồi mọi người cũng hay hỏi: “Có đúng là vậy không? Hai ông cháu có thân nhau không?” Tôi cũng không biết nữa. Tùy theo định nghĩa “thân” của mỗi người. Nếu thân nhau có nghĩa là tíu tít nói chuyện suốt ngày, làm mọi việc cùng nhau, chơi với nhau mãi không chán … thì không, ông cháu tôi không giống như thế. Nhưng nếu thân nhau là tôn trọng lẫn nhau bất kể tuổi tác, người này không làm phiền đến không gian riêng của người kia, và hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi bên nhau một lúc lâu không nói câu gì… thì đó là cách “ông cháu tôi ‘trông’ nhau”, như lời ông thường nói.
Từ khi tôi mới có ý thức về cuộc sống xung quanh, tôi đã thấy ông hầu như ngày nào cũng đến nhà trông hai anh em tôi mỗi buổi chiều. Lần nào ông cũng mang theo vài tờ báo, mấy tập giấy màu ngà, và một cây bút – tất cả được xếp gọn trong một chiếc túi ni-lông dày, gài lên gióng xe đạp. Và thế là cả buổi chiều, ông cứ ngồi đọc báo hoặc viết báo, còn tôi thích chơi gì một mình cũng được. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại chia sẻ với nhau những điều thực sự thú vị, ví dụ như một trích đoạn hay ông mới viết được hoặc một bức tranh nguệch ngoạc tôi mới hoàn thành, và chúng tôi bình luận tác phẩm của nhau – như hai người bạn.
Ông tôi có cách đọc báo rất đặc biệt. Luôn sẵn cây bút trong tay, ông vừa đọc vừa gạch chân, sửa chữa dấu chấm, phẩy, khoảng cách, thay từ, và đặc biệt là viết lời bình hài hước bên lề cột báo. Hàng chồng báo trong nhà, không có trang nào là không có nét bút của ông, nhiều khi đọc lời bình của ông bên lề còn thú vị hơn cả bài báo chính. Sau này tôi mới biết đó là một thói quen nghề nghiệp của ông đã ăn sâu vào máu – luôn đặt mình trong trạng thái đang biên tập, sửa bài cho người khác. Khi tôi bắt đầu đi học và biết viết chữ, thi thoảng ông cũng cho tôi “đóng góp” vào mục bình luận bằng cách viết ra những câu hài hước giúp ông bên lề. Ví dụ có bài bác tác giả kể lể lịch sử một vấn đề từ cổ đến kim nhưng không liên quan mấy đến nội dung chính, ông bảo: “Chi viết vào đấy cho ông, viết là: ‘Khoe kiến thức quá!’“; rồi có lần ảnh minh họa cho một bài báo có hình cô gái ăn mặc trang điểm lòe loẹt, tạo dáng kỳ cục, ông bảo: “Chi viết vào đấy hai chữ: ‘nỡm ạ’” 😂. Cứ thế, ông cháu tôi rúc rích cười cả ngày bên trang báo.
Ông tôi không nấu ăn mấy nhưng có 3 “món” ông làm là số 1: cà phê, bánh mỳ nướng, và mỳ Miliket vắt chanh, và hình như ông cũng chỉ thích ăn có 3 món đấy. Tôi vẫn còn nhớ những buổi sáng thức dậy ở nhà ông bà với mùi cà phê thơm lừng, tiếng nước sôi lục sục trong ấm, và tập nhật báo mới tinh. Ông thường hỏi tôi có thích uống cà phê không để ông dành cho phần nước sái; nếu tôi đồng ý, ông sẽ làm cho tôi một tách cà phê riêng, đựng trong chiếc cốc thủy tinh có hình con chim hòa bình mà ông (hay bà?) mua về trong chuyến công tác Đông Âu. Cho đến bây giờ, đó vẫn là ly cà phê ngon nhất tôi từng uống, và cũng gần như, là ly cà phê cuối cùng tôi uống. Nhưng bánh mỳ nướng và mỳ tôm ăn liền thì vẫn là hai món khoái khẩu của tôi. Tôi rất tự hào được ông “chân truyền” lại cách nướng bánh trên bếp ga chỉ bằng một chiếc đũa gỗ – “Bánh thì ai cũng có thể nướng được nhưng nướng ngon lại là một chuyện khác” – ông hay bảo thế khi chỉ cho tôi cách xoay bánh đều trên ngọn lửa xanh đỏ. Tôi thích nghĩ đó là bí mật riêng của hai ông cháu tôi, mặc dù có lẽ nó cũng không phải là bí mật gì to tát lắm.
Ông tôi rất thích sưu tập các loại bút, đặc biệt là những loại bút có kiểu dáng khác lạ. Tôi cũng có cùng sở thích này, có những thời kỳ tôi mê mẩn đồ văn phòng phẩm đến mức tuần nào cũng đến Hiệu sách Tiền Phong (hồi đó trên đường Nguyễn Thái Học) để xem bút và thếp giấy mới vài ba lần. Nếu kiếm được cây bút nào hay, tôi lại mang về khoe với ông, và có đôi lần, vì thích quá, ông còn “gạ” tôi đổi bút 😄. Hồi tôi học cấp 2, có một lần ông đạp xe đến tiệm văn phòng phẩm cạnh trường tôi học ở phố Hàm Long để xem bút vì biết tôi thỉnh thoảng mua được mấy loại bút đặc biệt ở đây. Sau này biết chuyện, tôi cứ tiếc mãi, tiếc tại sao ông đến gần như vậy không vào trường gọi cháu ra gặp, tiếc nữa vì không được “khoe” ông với các bạn.
Chỉ khoảng nửa năm sau, ông tôi ốm nặng phải nằm viện. Vào gần những ngày cuối cùng, tôi kiếm được một cây bút chì kim màu xanh trong rất đẹp, nút bấm chì lại nằm ở thân bút (chứ không phải trên đầu bút như các loại thông thường) nên có thể vừa viết vừa bấm chì một lúc. Biết chắc ông sẽ thích cây bút này, tôi xin bố mẹ cho vào bệnh viên ngay để tặng bút cho ông. Tôi vẫn còn nhớ như in từng chi tiết giường bệnh chiều hôm đó, từ tấm màn chống muỗi gài vào mép chiếu, đến bộ quần áo ông mặc, cả chiếc mũ bê-rê bò tôi mang theo, và đặc biệt là chiếc bút chì kim màu xanh trong vắt… nhưng tôi không tài nào nhớ nổi gương mặt ông và những gì ông đã nói với tôi trong ngày cuối cùng ấy. Thật kỳ lạ, có những chuyện muốn nhớ thì lại không thể nhớ được rõ ràng, nhưng có những chuyện muốn quên thì lại nhớ đến từng chi tiết. Nhưng cũng có thể đó là điều ông tôi mong muốn – muốn tôi chỉ nhớ về những kỷ niệm đẹp của hai ông cháu và hình ảnh của ông khi khỏe mạnh, vui tươi. Có lẽ là như vậy…
Nhà báo Nguyễn Hải
Khi tôi ra đời, ông tôi đã nghỉ hưu, vì vậy tôi chỉ có khái niệm ông tôi là “ông ngoại”, chứ không phải là “nhà báo Nguyễn Hải” như mọi người thường nhắc tới. Cả gia đình tôi đều có truyền thống làm báo và nói về nghề báo với đủ niềm tự hào, nhưng ông bà tôi rất hiếm khi kể chuyện ngày trẻ xông pha tiền tuyến, đạp xe đi lấy tin, nằm vùng viết lách… như thế nào. Cả hai đều rất khiêm tốn, làm cho tôi có cảm giác rằng nghề báo cũng là một nghề bình thường như mọi nghề nghiệp khác trên đời, thậm chí có phần buồn tẻ nữa. Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra nhiều hình ảnh của ông bà lúc còn đi làm trên mặt báo, rồi trong album ảnh gia đình – như ảnh ông đi cùng với Bác Hồ, rồi đứng cùng trong đoàn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Tôi ngạc nhiên lắm, thì ra ông bà từng có một sự nghiệp rực rỡ, một thời tuổi trẻ thật sự đáng sống.
Nhưng nếu có điều gì tôi biết chắc về ông tôi, thì đó là ông chưa bao giờ ngừng làm việc. Ngày nào ông cũng đọc rồi viết, viết rất nhiều, và gửi đi rất nhiều cho các báo. Nhưng khác với những người viết non tay phải gửi bài đi rồi hồi hộp đợi xem báo có đăng không, ông tôi biết chắc chắn bài viết của mình sẽ được đăng, ông chỉ quan tâm là đăng lúc nào (có đúng thời điểm hay không) và người làm biên tập có sửa bài một cách hợp lý không. Tôi từng nghe ông điện thoại cho một tòa báo: “Chú Hải đây, bài hôm trước chú gửi sao vẫn chưa thấy đăng trong số hôm nay? Chú ý nhé, vấn đề nóng đấy, đăng trong tuần này luôn nhé!” và tôi nghĩ: “Bao giờ mình mới tự tin với những gì mình viết ra được như vậy?”
Sau này tôi mới nhận ra một phần tự tin ông tôi có là ở niềm tin sắt đá rằng ngòi bút của mình có thể tạo ra thay đổi tích cực cho xã hội. Và niềm tin đó hoàn có cơ sở. Có rất nhiều lần nhờ bài ông viết cho những tờ báo chính luận lớn, các vấn đề nhức nhối được lãnh đạo để tâm hơn và thay đổi ngay tức thì. Ví dụ như một lần mẹ tôi kể với ông về hàng gạch trên con phố nới chúng tôi ở, nó ở ngay trên mặt đường nhưng lổn nhổn, xấu xí, tạo điều kiện cho những người vô ý thức thường xuyên đái bậy, ô uế cả khu vực trong một thời gian dài. Ông tiếp nhận ý kiến và viết bài đăng báo; ngay sau khi bài đăng, hàng gạch được chính quyền dẹp bỏ. Ông tôi cũng viết nhiều bài góp ý cho ban biên tập các báo và đài truyền hình trung ương để thay đổi cách đặt tên bài/chương trình và nội dung thông tin cho phù hợp. Ông tôi là một cây bút “về hưu” sắc bén như thế.
Cũng có rất nhiều kỷ niệm vui giữa ông ngoại, chúng tôi, và tòa báo. Ví dụ như hồi nhỏ anh tôi được theo ông đi lấy nhuận bút, vừa lấy được tiền chưa ra khỏi cửa, anh tôi đã oanh oang: “Ông lấy nhuận bút về nhớ đưa cho bà đi chợ nhé!” làm ông vừa xấu hổ vừa buồn cười.
Lần khác ông từ tòa báo về, kể chuyện cho tôi: “Hôm nay ông đi lấy nhuận bút, có mấy đứa chắc sinh viên viết tin bài ngắn với 1-2 cái ảnh được đâu có vài chục ngàn. Ông nghe thấy chúng nó bảo nhau: ‘tụi mình đi ăn kem đi'”. Tôi mới bảo: “Ông ơi, thế chắc sau này cháu không làm báo đâu, làm báo nghèo lắm!”. Ông chỉ cười.
Rồi có lần nghe anh em tôi kể chuyện các bạn cùng lớp chơi điện tử cả mấy đêm không về nhà, ông hỏi: “Có đúng thật không?”, chúng tôi bảo đúng, ông đi xác minh với bố mẹ tôi và các phụ huynh khác rồi về ngẫm nghĩ, viết bài. Nhưng ông cũng rất “chuyên nghiệp” – ông hứa với chúng tôi như thế – khi viết báo chỉ viết tắt tên của các bạn hoặc đặt cho mỗi bạn một tên mới. Ông khiến chúng tôi có cảm giác như việc gì xảy ra trong cuộc sống cũng là chất liệu viết và viết có sức mạnh thay đổi xã hội một cách mạnh mẽ.
Nhưng có lẽ, phải đến khi ông tôi ra đi, nhìn thấy đoàn người đến viếng đông và kính cẩn đến thế nào, cảm nhận được những gì ông để lại cho hậu thế, tôi mới hiểu được một cách rõ ràng tầm vóc của “nhà báo Nguyễn Hái”. Bài báo dưới đây của nhà báo lão thành Thọ Cao là tóm tắt rõ nét nhất về sự nghiệp và đóng góp của ông tôi:
Nhà báo Nguyễn Hải ra đi giữa mùa Xuân
(Tác giả: Thọ Cao. Bài viết đăng trên báo Hànộimới ngày 21/3/2003)
Chiều hôm ấy, thấy trong người đau ê ẩm, ông Nguyễn Hải nói với vợ – nhà báo Mai Hân – gọi tắc xi đưa ông đi khám bệnh. Không ngờ căn bệnh cũ từ hơn hai chục năm trước đã trở thành bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuốn. Bệnh viện Hữu nghị buộc ông phải nhập viện ngay và chỉ sau 19 ngày, ông lặng lẽ ra đi giữa mùa xuân. Thương tiếc bạn đồng nghiệp, tôi viết những dòng này.
Nguyễn Hải – chàng trai Hà Nội – chào đời ở phố Hàng Cót vào một ngày cuối năm 1929 với tên khai sinh Trần Tất Thắng. Suốt tuổi ấu thơ đến tới tuổi học trò, ông đều ở căn nhà cuối phố Lò Đúc, đầu Ô Đông Mác. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đang học lớp đệ tứ trường Phan Chu Trinh, ông xếp bút nghiên, tham gia tự vệ chiến đấu khu phố Lò Đúc, rồi đi kháng chiến, công tác trong ngành An ninh Hà Nội 10 năm liền, mang bí danh Nguyễn Hải.
Tới đầu năm 1957, nhà báo Thép Mới (đã mất) đến chơi nhà, nói với Hải: “Này, Thành ủy Hà Nội đang tuyển người để ra báo Thủ Đô, mày thích viết, mà viết được đấy, sang làm báo đi”. Nghe bậc đàn anh khuyến khích, lại trúng với ước nguyện làm báo, và được ngành An ninh ủng hộ, Hải sang làm báo, có mặt từ số Thủ đô đầu tiên, khổ nhỏ, ra ngày 24-10-1957.
Kể từ đó suốt 24 năm lăn lội trong nghề, hai lần hợp nhất, ba lần đổi tên báo (Thủ đô, Thủ đô Hà Nội, Hànộimới) ông được theo dõi nhiều ngành, đi qua nhiều bộ phận, mở rộng tầm hiểu biết, từng bước trưởng thành. Từ phóng viên Tổ Thời sự – chính trị, Tổ Công nghiệp, Tổ Nội chính, đặc phái viên của Ban biên tập, Tổ trưởng Tổ Thư ký tòa soạn, Phó trưởng Ban Thư ký tòa soạn.
Ông xông xáo và viết khỏe, viết đủ các thể loại: tin, tường thuật, ghi nhanh, phóng sự, phóng viên điều tra, bút ký, xã luận, chính luận, lại tham gia viết các tiểu phẩm của báo. Chính ông là tác giả chuyên mục “Chuyện phố tôi” và trang “Gia đình” ra hàng tuần. Đó là những nét sinh hoạt đời thường, làm “tươi” một góc báo Thủ đô, xem cũng thấy thú.
Tôi cũng chưa quên ông cùng anh chị em trong bộ phận của mình tuyen truyền tập trung dài ngày các phong trào lớn của thành phố: phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công nghiệp và xây dựng cơ bản, điển hình là Nhà máy cơ khí Hà Nội và công đường Đ.; phong trào “ba sẵn sàng” trong thanh nhiên; phong trào “ba đảm đang” trong phụ nữ; phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới…
Tới mùa thu năm 2002, giữa lúc tôi đang biên tập những hồi tưởng của các nhà báo hưu trí để in vào Kỷ yếu 45 năm ngày báo Hànộimới ra số hàng ngày đầu tiên thì Nguyễn Hải đến chơi. Vui chuyện, tôi hỏi: “Ông viết nhiều phóng sự, vậy ông còn nhớ phóng sự đầu tiên của ông không?” Hải nâng ly cà phê nóng, trà lời: “Nhớ chứ. Đó là “Đám cưới ngông” – thiên phóng sự – điều tra đầu tiên đăng trên báo Thủ đô hồi báo mới ra. Phóng sự đề cập đến một cán bộ tỉnh ngoài về Hà Nội, ăn tiêu xa xỉ, có dấu hiệu tham ô, buôn lậu, kén chọn gái Hà Nội có nhanh sắc, tổ chức cưới xin linh đình. Phóng sự – điều tra đăng ba kỳ liền, được đông đảo bạn đọc đón xem từng ngày, lôi cuốn cả mấy tờ báo hàng ngày cũng vào cuộc. Bài báo làm tăng số lượng phát hành lên gấp 10 lần. Có thể coi đây là kỷ niệm đáng nhớ đầu đời làm báo của mình”. Tôi lại hỏi: “Sau “Đám cưới ngông”, ông còn những phóng sự nào được bạn đọc chú ý?” Hải tiếp: “Còn “Những người thợ thép” (Ký – phóng sự) đăng nhiều kỳ, sau đưa NXB Lao động in vào sách; “Bàn tay thợ”(Ký – phóng sự) cũng được NXB Phổ thông in vào sách; “Đây Quảng Bình anh dũng” (phóng sự – tường thuật) được đánh giá là bức tranh toàn cảnh về trận chiến đầu tiên chống máy bay Mỹ ở Quảng Bình đất lửa ….
Sau gần 10 năm đạp xe đi và viết, Nguyễn Hải được điều sang làm công tác thư ký tòa soạn. Đã quen chân chạy, nay suốt ngày phải ngồi trên ghế tòa soạn – đúng với chức năng “thầy ký nhật trình” – tưởng ông khổ sở lắm, ai ngờ, ông lại thích thú với công việc mới. Bởi ông đã đọc và hiểu rằng muốn trở thành một nhà báo toàn diện, lúc mới vào nghề cần làm phóng viên đi săn tin, rồi lần lượt đi qua các bộ phận và phải làm tòa soạn mới có đủ các mặt nghiệp vụ của một nhà báo. Bởi vậy, để đánh giá thời kỳ gần 15 năm làm “thầy ký nhật trình”, có thể thấy ở ông mấy nét nổi. Ông đọc, sửa kỹ các tin, bài và rất quan tâm đến việc trình bày báo; sắp xếp trật tự, ngăn nắp các vấn đề, chú ý tin lớn, tin nhỏ sao cho nổi bật những vấn đề quan trọng, trọng tâm, chú ý đến hình thứ của bài và tin. Rất nhiều trường hợp ông tự quyết định kiểu chữ, co chữ, chú ý đến cả các vi-nhét để hướng dẫn bạn đọc về các khu vực riêng và làm sinh động trang báo. Ông còn mày mò và quyết định các vi-nhét dùng trong thời gian dài: vi-nhét máy bay Mỹ bốc cháy dành cho khu vực tin bắn rơi máy bay Mỹ của miền Bắc; vi-nhét anh giải phóng quân đội mũ tai bèo, ngắm bắn giặc dành cho khu vực tin chiến sự miền Nam…
Nguyễn Hải ơi, tôi sẽ nhớ mãi các buổi chiều vào bệnh viện thăm ông. Có lẽ tôi là người được ông trò chuyện nhiều nhất. Ông tâm sự: “Mình còn nhiều cái muốn viết quá!” Và ông lau nước mắt nói tiếp: “Thế hệ làm báo bọn mình hầu hết là những năm tháng chiến tranh và bao cấp, có biết bao vùng cấm. Còn thời mở cửa bây giờ tha hồ viết, sướng thật. Tám trang báo Hànộimới ngày càng đẹp. Chóng nhỉ, mới ngày nào”. Tôi nắm chặt tay ông, tiếc thương cho một cây bút đến phút cuối của cuộc đời vẫn còn nghĩ tới nghiệp nhà báo. Tôi chúc ông: cố chữa khỏi bệnh để gặp nhau Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 tới. Nhưng, đau thương quá, hôm nay ông đã vĩnh biệt chúng ta.
Bài viết kết thúc đau thương, có lẽ vì cảm xúc rất thật của tác giả, nhà báo Thọ Cao dành cho ông tôi. Nhưng sự thật, ông tôi ra đi rất nhẹ nhàng, không mấy đau đớn, và chính ông cũng đã nhìn trước được sự ra đi của mình (tôi từng kể câu chuyện này tại đây).
Mỗi lần nghĩ về ông ngoại, tôi thường nhớ đến câu nói của nhân vật Andy Dufresne trong phim Nhà tù Shawshank: “I guess it comes down to a simple choice, really. Get busy living or get busy dying” (Tôi nghĩ mọi thứ trên đời này đều quy lại ở một lựa chọn đơn giản: Bận rộn với việc sống hay bận rộn với việc chết). Tôi có thể sống như thế nào trong cuộc đời này tùy theo ý tôi, nhưng khi chết đi, cái tôi để lại cho hậu thế là gì? Khi tôi chết đi, bia mộ tôi sẽ ghi những gì? sẽ có bao nhiêu người thành tâm đến viếng?, mọi người sau này có còn nhắc đến tôi, còn nhớ đến tôi vì điều gì?
Có những thời điểm tôi thật sự mệt mỏi, tôi cảm thấy chẳng có động lực gì để cố gắng, tại sao tôi lại muốn làm cái này, cái kia, tại sao tôi không bằng lòng sống một cuộc sống bình thường, lặng lẽ bên lề xã hội? Tôi hoàn toàn có thể thu mình làm người vợ nội trợ, sinh con, viết lách cho riêng mình tôi, đọc sách chỉ để tôi biết. Nhưng nghĩ đến ông ngoại tôi, tôi lại khát khao được sống một cuộc sống có ý nghĩa. Dường như ông ra đi là để chỉ cho tôi thấy giá trị của con người nhìn từ phía bên kia của cuộc đời. Và vậy là tôi vẫn viết, nhiều khi viết không phải vì lý do gì to tát cả, mà chỉ vì tôi là cháu gái của ông ngoại tôi, nhà báo Nguyễn Hải.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Phuongthu says
Bài viết xúc động quá c ạ. Em thấy cả 1 Hà Nội vừa bình dị vừa sống động qua câu chuyện của chị.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em <3
Nguyen Vu says
Chi Nguyen, bai viet rat hay.
Em sửa lại chủ thích ảnh: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Nguyễn)
Chi Nguyễn says
Em cám ơn anh/chị nhiều đã chỉ ra lỗi đánh máy ạ, Em đã sửa lại chú thích ảnh. 🙂
Như Quỳnh says
Bài viết cảm động quá chị. Em cảm nhận được tình cảm mà chị giành cho Ông, giản dị, thân thương và vô cùng sâu sắc. Chắc Ngoại hãnh diện về chị lắm. Chúc Chị luôn vui và mạnh khỏe để chia sẻ những bài viết đầy bổ ích đến mọi người chị nhé! ☺💗
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết! Ông chị chắc cũng rất vui nếu đọc được comment này của em <3
.SS. says
Bài viết rất hay và cảm động, cảm ơn chị Chi. Ông của chị chắc chắn sẽ rất tự hào về chị. Luôn mong chờ hàng tuần để được đọc những câu chuyện từ chị 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều <3
Mai Anh says
Chị Chi ơi,
Gõ sai xíu xíu “sphongs”.
Đọc bài viết của chị em nhớ ông nội em. Ông nội em đã mất từ lâu. Khi còn sống ông là một nhà giáo. Niềm đam mê đọc sách của em cũng do ảnh hưởng từ ông nội.
Cảm ơn chị vì những bài viết tình cảm chất chứa như vậy
Mai Anh
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Mai Anh đã comment nhé. Chị đã sửa lại bài viết 🙂 Chị không có may mắn được biết ông nội vì ông nội chị mất từ trước khi chị ra đời, may mắn vẫn được gặp ông ngoại
Trang says
Bài viết rất xúc động em ạ.
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị đã đọc và đồng cảm ạ
Duy says
Cảm ơn chị về bài viết này ạ.
Minh Hương says
Em đọc mà cứ tưởng tượng lúc chị đánh lại những dòng tin từ bài báo tri ân viết về ông ngoại chắc chị tự hào lắm phải không ạ?
Thật là bồi hồi khi viết hay nghĩ về những người thân đã xa phải không chị? Tự nhiên đọc bài viết này em muốn sống bận rộn và tốt đẹp hơn quá
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em. Ông Ngoại chị là người rất tài hoa và rất có tâm. Chị tự hào về ông lắm và sau này chị hy vọng khi mình ra đi thì người ở lại cũng nghĩ đến mình đẹp như ông đó 🙂
Linh H. Nguyễn says
Cảm ơn chị Chi về bài viết đầy xúc động này. Chắc hẳn ông ngoại chị rất tự hào về chị. Bài viết này lại làm em nhớ tới ông ngoại em thật nhiều, những người tuyệt vời.
Có một câu nói em khá thích: ” In life, we should have 4 letters “l”: live, love, learn and leave legacy.” Cảm ơn chị Chi một lần nữa ạ. Nhờ bài viết này mà em lại càng thấm từ “leave legacy”.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em. Chị cũng muốn sau này có thể “leave legacy” như vậy <3
Đoàn Nhật Hào says
CẢM ƠN vì chị đã có một người Ông Ngoại tuyệt vời.
Và cảm ơn vì Ông Ngoại chị đã có một người cháu đầy niềm hãnh diện, và tự hào… và cũng đang toả sáng giữa đời thường, chia sẻ nhiều bài viết ý nghĩa, kiến thức vô cùng bổ ích,… hầu mong muốn trao đi một giá trị vô cùng to lớn dành cho thế hệ trẻ ngày này. TRÂN TRỌNG.
* Em cũng góp vui một bài thơ nhỏ về Ông Nội yêu dấu của mình.
NHỚ NGƯỜI ĐÁNG KÍNH, Ông Nội!
💌Nhật Bản, 02.12.2020
☘️🌿🌱
Hôm nay năm thứ mười ba
Kể từ ngày Người rời xa chúng con
Nhớ ông nội, nhớ nhiều lắm
Từ lúc lọt lòng, đến năm tám tuổi
Ngày ngày bên ông ba buổi
Sáng tinh sương, cùng ông, vườn hoa sứ
Núp dưới lá, nhìn kìa Nội
Tay con chụp vội, con sâu xanh bự
Nội tủm tỉm, xoa xoa đầu
Con sâu bự, con không sợ nó ư?
Con thơ ngây ngô đáp lại:
“Sao phải sợ vì có nội kề bên”…
_______________________
Ngày ông từ giã, con nổi đoá
Lần duy nhất, xuống tóc buồn rầu
Có phải đâu, con đâu thích ngầu
Nhưng con thèm nhớ, cái xoa đầu
Nhớ một người, con hằng ngưỡng mộ
Bức di thư, tựa LỜI TÂM HUYẾT
Con là cháu, khắc ghi từng lời
Ông trên trời, có đang tủm tỉm
Giống như ông, thần tượng cuộc đời
Con đây khôn lớn, biết yêu người
Cầm kỳ thi hoạ, chuỗi Mân Côi
Mến Chúa, yêu người, sống ngay thẳng
Dẫu cho con, sức cùng lực kiệt
Hãy yên tâm, vì con luôn ráng
Người tốt, việc tốt, vô vị lợi
Mong ngày gặp lại, ông xoa đầu
“Tự hào lắm, đứa cháu của ông!!!”
_______________🌱🌾🌞
Như lời ông ví von, đàn con cháu
Còn quý hơn vàng bạc châu báu
Ở trên trời, người hãy dõi theo
Từng người chúng con sẽ sống đáng
Yêu Thương – Thánh Thiện – Luôn Phó Thác
Cảm ơn Nội, cuộc đời bi tráng
Nhắc tên ông, lòng đầy hãnh diện
Cháu ông Kiểm, con sẽ sống đáng
Ước mơ của con đơn giản lắm
Một mai sau, người con tự hào
Rồi cũng sẽ tự hào vì con….
******* Tặng ông Nội:
Phaolo Đoàn Văn Kiểm
Anh says
Bài báo rất hay, bài viết chi tiết với các thông tin rất hữu ích, cảm ơn bạn.