Đối với tôi, chị Trang là một người rất đặc biệt. Ở chị có một nét gì đó dung dị, mộc mạc mà cũng rất ngọt ngào, cuốn hút. Khi mới quen, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết chị hơn mình nhiều tuổi (chị Trang sinh năm 1982) bởi vì hình thức, tác phong, và suy nghĩ của chị đều rất trẻ – mà chị lại còn làm cô giáo😁. Càng có cơ hội tiếp xúc với chị Trang, tôi lại càng thích cái nhìn tích cực và trong sáng vào cuộc sống của chị, và tôi biết chắc một ngày nào đó, tôi sẽ giới thiệu chị trên blog.
Bài phỏng vấn này được thực hiện trong một quán cà phê sách gần trường chúng tôi học, trong một buổi chiều mà vì nhiều việc cá nhân, tâm trạng của tôi hơi trùng xuống. Nhưng sau khi nói chuyện với chị Trang, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn rất nhiều và bước ra khỏi quán với một tư duy hoàn toàn khác. Tôi mong bạn đọc cũng được truyền cảm hứng từ bài viết này nhiều như tôi đã từng, và cảm ơn chị Trang đã dành thời gian và tâm huyết chia sẻ với bạn đọc The Present Writer.
Một cô giáo trẻ năng động
Chi: Chị Trang có thể bắt đầu giới thiệu bản thân, đặc biệt là quá trình trưởng thành, học tập, và làm việc tới bây giờ được không ạ?
Trang: Chị tên đầy đủ là Phạm Thị Thu Trang, sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Chị học cấp 3 trường Trần Phú, chuyên Lý. Nhưng đến năm lớp 12, vì không tự tin vào khả năng thi Hoá của mình, chị quyết định chuyển sang thi khối D vào Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia và đỗ vào Khoa Tiếng Anh – Ngành Sư Phạm Anh. Vào những năm đầu chị học Đại học thì gia đình cũng chuyển lên Hà Nội, nên chị cũng có may mắn là không phải xa gia đình hay ở ký túc xá như các bạn khác. Sau khi tốt nghiệp Đại học, chị bắt đầu đi dạy học Tiếng Anh tại trường Lô-mô-nô-xốp từ năm 2004, và đến năm 2010 thì chị chuyển sang dạy tại trường Phổ Thông Chuyên Ngoại Ngữ cho đến bây giờ. Song song với việc dạy học, chị cũng hoàn thành khoá Thạc sĩ tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc Gia, chuyên ngành Ngôn ngữ (Linguistics).
Năm 2015, chị nhận được học bổng Fulbright và chuẩn bị hồ sơ đến Mỹ du học. Đến năm 2016, chị lên đường học tiếp Thạc sĩ ngành Quản lý Giáo dục (Educational Leadership) tại trường Đại học Bang Pennsylvania (The Pennsylvania State University).
Chi: Em muốn hỏi thêm chị Trang một chút về việc chọn ngành và chọn trường Đại học. Em hiểu lý do tại sao chị học chuyên Lý rồi chuyển sang thi khối D nhưng tại sao chị lại chọn học Sư phạm mà không phải một ngành nào khác?
Trang: Chị thích làm giáo viên từ bé. Cũng không rõ tại sao nhưng từ bé chị đã thích rồi (cười). Ở nhà chị có một cái bảng đen từ bé bố dạy chữ cho trước khi vào lớp 1, và có nhiều lần, nhớ nhất là hồi lớp 5, chị đã đưa các bạn đến nhà chơi, bắt các bạn ngồi dưới và mình đứng phía trên bảng để dạy học ôn thi. Gia đình chị không ai theo ngành sư phạm (họ hàng thì có bác và cô ruột là giáo viên) nhưng từ khi học cấp 2, chị đã chắc chắn mình sẽ làm giáo viên rồi, chỉ chưa biết sẽ dạy môn nào thôi. Ban đầu chị nghĩ mình sẽ dạy Toán, rồi dạy Lý, cuối cùng lên đến Đại học thì học Sư phạm Anh và trở thành cô giáo dạy tiếng Anh. Mọi người cũng nói chị rất may mắn vì được làm công việc mình yêu thích, đúng với đam mê từ nhỏ của mình.
Chi: Em nghĩ đây thực sự là một may mắn lớn vì không có nhiều người biết mình thích gì và muốn làm gì từ khi còn nhỏ như vậy.
Trang: Đúng vậy. Có rất nhiều bạn cấp 3, thậm chí Đại học bây giờ mà được hỏi “Sau này muốn làm gì?” có lẽ phải mất rất lâu mới có thể trả lời được, thậm chí chỉ có thể đưa ra câu trả lời: “Không biết”. Vì thế, chị cảm thấy may mắn khi luôn biết mình muốn làm gì.
Chi: Lý do chính để em mời chị Trang đến buổi phỏng vấn này là vì em thấy chị rất đặc biệt. Chị luôn vui vẻ, yêu đời, năng nổ, tham gia rất nhiều hoạt động ở trường và ngoài xã hội – em cảm thấy chị đang có một cuộc sống tràn đầy năng lượng. Chị có thể chia sẻ động lực nào để chị tham gia nhiều hoạt động như vậy không ạ?
Trang: Về hoạt động cộng đồng thì chị bắt đầu làm từ thời còn học phổ thông nhưng phải đến khi sang Mỹ lần đầu năm 2011 theo chương trình “Thủ lĩnh thanh niên Đông Nam Á” chị mới thực sự suy nghĩ sâu và làm nhiều hơn về mảng này. Chương trình này là do trường Đại học Bắc Illinois và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phối hợp tổ chức, hàng năm họ chọn ra từ mười Đông Nam Á 5 học sinh lớp 10 hoặc 11 và 1 giáo viên để sang Mỹ học về kỹ năng lãnh đạo và môi trường. (Mỗi năm có thể có thêm các chủ đề khác nhau, ví dụ năm 2014 có 3 chủ đề chính ngoài Kĩ năng lãnh đạo, bao gồm: Doanh nghiệp xã hội, Môi trường, và Nhóm yếu thế. )Năm đó, chị có tên trong danh sách các giáo viên được đề cử, và qua các vòng phỏng vấn, chị được chọn đi. Tham gia chương trình này làm chị cảm thấy mở mang thêm rất nhiều, chị nhận ra rằng hoạt động cộng đồng thực chất không quá xa vời, mình chỉ cần cố gắng thêm một chút là có thể đóng góp được cho cộng đồng rồi.
Sau khi kết thúc chương trình thì mỗi nhóm ở mỗi nước được cấp kinh phí để xây dựng và tiến hành một dự án cộng đồng, và đó là khởi đầu cho tổ chức Water Wise Vietnam mà chị đồng sáng lập năm 2012. Dự án này xoay quanh trại hè tập huấn cho các bạn thanh thiếu niên từ 14 đến 22 tuổi về kỹ năng lãnh đạo, giáo dục và môi trường. Cho đến nay, dự án vẫn hoạt động ổn định và thu hút một lượng không nhỏ các bạn thanh thiếu niên tham gia hàng năm. Đây là một dự án đầu tay nhưng đã truyền cảm hứng cho chị rất nhiều. Ngoài trại hè thì Water Wise Vietnam vẫn có các hoạt động cộng đồng về bảo vệ môi trường xuyên suốt trong cả năm.
Chi: Như vậy là trước khi tới Penn State, chị Trang đã có thời gian dài tổ chức hoạt động cộng đồng nên khi vừa tới môi trường mới chị đã quen và bắt nhịp nhanh?
Trang: Đúng rồi. Mà có lẽ vì chị cũng nhiều tuổi hơn các bạn mới đi học (cười), mình từng trải nhiều nên hiểu rằng khi tới một môi trường mới, càng vươn ra ngoài, càng làm quen với nhiều người thì càng đỡ đi cảm giác sốc văn hoá. Ví dụ như, thông thường những người mới sang học ở nước ngoài thì tháng đầu tiên hay thu mình, quan sát nhiều hơn là hoạt động; nhưng chị thì khác, ngay tháng đầu tiên đến Penn State chị đã tham gia tất cả các hoạt đông trong trường, kín đủ lịch thì thôi, cuối tuần nào chị cũng động viên bản thân ra ngoài nói chuyện với mọi người, làm quen với các bạn mới. Điều này làm cho chị cảm thấy không bị lạc lõng, làm quen nhanh, và biết nhiều hơn về cuộc sống xung quanh. Chị hầu như không bị sốc văn hoá.
Chi: Tức là qua trải nghiệm, chị hiểu cách tốt nhất của mình để thích nghi với môi trường mới và chủ động bước ra khỏi vùng an toàn của mình để thích nghi nhanh hơn?
Trang: Đúng vậy. Ngay trong buổi Định hướng của Fulbright họ cũng có tập huấn về vấn đề sốc văn hoá, ví dụ như làm sao để nhận định được rằng mình đang bị sốc văn hoá, các dấu hiệu nào cho thấy mình đang bị sốc, và mức thang đánh giá mình đang ở trong giai đoạn nào… Biết được điều đó, chị nghĩ khi mà mình chủ động được để chuẩn bị và đối phó với sốc văn hoá, mình sẽ dễ thích nghi hơn nhiều.
Nhìn cuộc đời bằng con mắt lạc quan
Chi: Chị Trang có vừa nói là mình nhiều tuổi hơn các bạn mới đi học nhưng sự thực là nhìn chị rất trẻ. Nếu chị không nói, có lẽ em sẽ không bao giờ đoán được chị đã 35 tuổi; em nghĩ chị có thể lẫn vào trong nhóm sinh viên Đại học cũng được (cười). Chị có thể chia sẻ bí quyết nào để mình luôn trẻ trung, yêu đời vậy được không ạ?
Trang: Chị nghĩ thái độ lạc quan, tích cực vào cuộc đời luôn làm cho mình nhìn thấy mọi thứ vui vẻ, tươi trẻ hơn. Ví dụ như, khi biết rằng có điều gì không hay sắp xảy đến, nếu mình có suy nghĩ tiêu cực thì mình sẽ đau khổ, giận dữ, vật vã; nhưng nếu mình có thái độ tích cực, nhìn thấy điều không hay sắp đến và chấp nhận nó, mình sẽ không còn dằn vặt, tự trách bản thân nhiều như trước, và vì thế sẽ sớm vượt qua được hơn. Ngoài ra, nếu mình quen biết và làm bạn được với những người có tư duy tích cực, bản thân mình cũng sẽ nhận được ảnh hưởng và cảm thấy tích cực hơn. Thêm nữa là có thể vì chị làm giáo viên cấp 3 và thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ nên góc nhìn và thói quen của mình cũng được trẻ hoá, trong trẻo hơn. Việc đi dạy học cực kỳ có lợi cho việc làm mình trẻ hơn (cười).
Chi: Chị ơi, vụ dạy học làm cho mình trẻ ra ấy, mẹ em mà nghe được chắc chắn sẽ lắc đầu ngay. Mẹ em lúc nào cũng nghĩ giáo viên là rất “mô phạm”, nguyên tắc, cứng nhắc nên ngày trước thấy em đi dạy học, mẹ em hay dặn là cẩn thận không khéo là trở thành “bà giáo già” khó tính. Giờ nghe chị Trang nói khác hẳn (cười).
Trang: Chị từng nghe nói là nếu dạy luyện thi (thi Đại học, học sinh giỏi, chuyển cấp…) thì sẽ rất mau già vì chịu nhiều sức ép từ học sinh, phụ huynh, và cả trách nhiệm của bản thân nữa. Còn lại thì chị nghĩ cũng tuỳ vào phương pháp và quan điểm dạy học của mỗi người. Chị thì ít khi tham gia luyện thi, chị thích dạy thoải mái, truyền cảm hứng cho học sinh hơn là gò vào khuôn khổ, áp lực căng thẳng.
Chi: Quay lại lời khuyên vừa rồi chị vừa chia sẻ là khi biết sự việc không hay xảy đến và mình bắt đầu cảm thấy tiêu cực thì chị nhận ra và thay đổi góc nhìn của mình theo hướng tích cực hơn. Em nghĩ đây là một điều nói ra thì có vẻ dễ nhưng để nhận ra tiêu cực và điều chỉnh bản thân ra khỏi nó là điều rất khó. Bắt đầu từ khi nào chị nhận ra được điều này và làm thế nào để chị có cái nhìn tích cực hơn vào cuộc sống?
Trang: Chị cũng không rõ từ khi nào mình nhận ra được sự khác biệt khi thay đổi góc nhìn từ tiêu cực sang tích cực. Nhưng có lẽ là từ khi bắt đầu làm giáo viên, chị được nghe nhiều tâm sự khó nói của các em, và dần trở nên nhạy cảm hơn với những vấn đề như thế. Chị lắng nghe và cũng thấy được một phần của mình trong đó, chị nhận ra rằng: “À, lúc đó mình cảm thấy như thế…. và vì thế mình có hành động như thế…” Rồi nhưng môn như Tâm lý hay Triết học cũng cũng chuẩn bị cho mình cái nhìn chủ động, khách quan vào mọi mặt cuộc sống và chuyển biến tâm lý, suy nghĩ của chính mình.
Đặc biệt hơn 1 năm trước, khi chị mới sang Penn State, chị có tham gia 1 khoá tập huấn của Woman Resource Center tại State College để trở thành tình nguyện viên tư vấn và tuyên truyền về chống bạo lực trong gia đình và quấy rối tình dục. Khoá học này có một mảng rất lớn về tâm lý và nhờ vào việc theo học khoá này, chị mới hiểu được thực chất trầm cảm là gì, rồi sang chấn tâm lý sau tổn thương là gì… Và cũng đồng thời nhận ra là trước đây mình cũng có thời gian gặp phải những vấn đề này, nhẹ thôi, nhưng mình không biết đó chính là trầm cảm, đó chính là sang chấn tâm lý. Từ đó, chị cũng có khả năng nhìn nhận ra được cho chính mình và người khác những biểu hiện và hành vi khi có vấn đề về tâm lý và can thiệp được kịp thời.
Chi: Em cũng biết về Woman Resource Center và các hoạt động tình nguyện của trung tâm này. Em thấy rất khâm phục chị vì chị mới sang đây, bận rộn nhiều việc học và sắp xếp cuộc sống như vậy mà vẫn để được ra thời gian tham gia tình nguyện và tập huấn nghiêm túc như thế.
Trang: Để được làm tình nguyện viên cho trung tâm này, bọn chị được yêu cầu tập huấn 80 giờ, trong 3 tháng – họ làm việc rất nghiêm túc. Bọn chị cũng phải cam kết làm tình nguyện trong vòng 1 năm, hoặc là trả lời hotline điện thoại hoặc là trực tiếp giải quyết tình huống khi có người bị lạm dụng cần giúp đỡ.
Đây là một chương trình rất có ý nghĩa và kiến thức chị thu được từ công việc tình nguyện cũng giúp chị nhìn cuộc sống theo cách rất khác. Ví dụ như ở Việt Nam hiện nay cũng bắt đầu tuyên truyền nhiều hơn về bạo hành gia đình giữa vợ và chồng, nhưng học ở đây, chị còn biết thêm nhiều hơn về bạo hành trong các mối tình cảm và các mối quan hệ khác nữa. Gần đây có một bạn mới tâm sự với chị về quan hệ của bạn ấy với người bạn trai, nghe chuyện, chị nhận ra là mối quan hệ này có dấu hiệu của bạo hành và chị chia sẻ lại kiến thức mình được học với bạn ấy.
Chi: Đúng là trước đây khi nghĩ đến bạo lực hay bạo hành trong quan hệ, người ta thường chỉ nghĩ là phải “động chân, động tay”, bầm dập thì mới là có vấn đề. Nhưng thực chất, bạo hành còn có cả bạo hành về ngôn ngữ (như chửi mắng, sỉ nhục) hay bạo hành về tinh thần (như đe doạ, đàn áp, tra tấn tâm lý). Em cũng rất muốn mọi người biết nhiều hơn về chủ đề này.
Trở lại vấn đề về sức khoẻ tâm lý, bản thân em là người từng trải qua các giai đoạn khủng hoảng tâm lý và qua kinh nghiệm, thời gian, kiến thức, bây giờ em đã có thể nhận ra khi nào mình có vấn đề và cần can thiệp. Tức là em, cũng như nhiều bạn đọc trưởng thành trên blog từng liên hệ với em, không còn gặp khó khăn trong việc nhận ra vấn đề của mình nữa. Nhưng em cảm thấy mình và mọi người vẫn gặp khúc mắc trong việc để sự việc đó qua đi; rất nhiều bạn email cho em hỏi rằng: “Làm sao để không nghĩ về chuyện tiêu cực xảy ra với mình?”, có những người nhắm mắt lại là lại nghĩ ra hình ảnh người yêu mình đi với người khác, sếp mắng mình xối xả, hay bị mất tiền… cứ lặp đi lặp lại như vậy. Chị Trang có cách nào để vượt qua vấn đề này không ạ?
Trang: Chị cũng không biết như thế nào nhưng chị cảm thấy mình rất may mắn vì nhiều lần mình bắt đầu hơi trùng xuống là tự dưng có ai đó lại tìm đến nhờ mình giúp đỡ. Có khi chỉ là một câu hỏi vu vơ về công việc, trò chuyện ngắn, hay tìm lời khuyên về cuộc sống thôi. Nhưng nhờ thế, bản thân mình cũng cảm thấy phấn chấn hơn, thấy giá trị của mình được khẳng định (chứ mình không vô dụng, thiếu tự tin như mình từng nghĩ) và dễ quay lại trạng thái tích cực hơn. Tất nhiên, vấn đề chính gây tiêu cực cho bản thân thì có thể chưa giải quyết được nhưng mình sẽ có thêm động lực để đối diện với nó.
Còn trong trường hợp mình không hay có ai tìm đến nhờ giúp đỡ thì chị nghĩ mình nên ra ngoài gặp gỡ mọi người, tiếp xúc nhiều hơn để khuây khoả. Đừng nên ở nhà một mình khi buồn vì không gian ở nhà kín, bí bức, sẽ làm mình cảm thấy áp lực nhiều hơn. Đi ra ngoài để thay đổi môi trường, hít thở không khí sẽ khiến mình cảm thấy tốt hơn. Tập luyện thể dục thể thao cũng là một cách. Ví dụ như khi chị đi bơi chẳng hạn, chị phải tập trung toàn bộ đầu óc và cơ thể vào nhịp bơi và thở, bởi vì nếu không chị sẽ bị sặc nước ngay (cười). Do vậy, mỗi khi đi bơi là không nghĩ về một vấn đề gì khác, từ đó kiểm soát được cảm xúc và suy nghĩ của mình hơn. Cũng có một số người chọn viết lách hoặc tô màu để giải toả tâm lý – đó cũng là một cách hay để chuyển sự tập trung và năng lượng của mình vào việc khác.
Chi: Chị Trang có nói là chị may mắn khi mỗi lần trầm xuống là có người tìm đến nhờ giúp đỡ, nhưng em không nghĩ đó là may mắn. Chắc chắn chị bình thường là người hay mở lòng và giúp đỡ người khác thì người khác mới tin tưởng ở chị; chứ không phải bỗng dưng có người lại tìm đến chị nhờ giúp đỡ.
Trang: Có thể là như vậy. Cách mình hành xử hàng ngày, cả khi bình thường vui vẻ hay khi buồn bã trầm cảm ảnh hướng rất nhiều đến suy nghĩ của mọi người về mình. Ví dụ như, nhiều người không thích, thậm chí tẩy chay Facebook nhưng chị nghĩ Facebook là công cụ giao lưu vô cùng hữu hiệu nếu mình biết sử dụng nó hợp lý. Như khi chị làm dự án cộng đồng chẳng hạn, chị và các bạn sử dụng Facebook group để quảng bá chương trình và tương tác với mọi người; mọi người đều hiểu Facebook group là nơi làm việc nên không có chuyện cãi nhau, quảng cáo các thứ riêng tư trên đó. Còn Facebook cá nhân thì đối với riêng chị, là giáo viên thì chị không bao giờ chủ động kết bạn với học sinh; nếu các bạn muốn thì có thể chủ động kết bạn với cô giáo. Đây cũng là một cách mà để chị nắm được tâm tư, tình cảm của các bạn, âm thầm like những comment tích cực để học sinh biết được là cô giáo có theo dõi và đồng tình/không đồng tình với những bài viết của mình. Có những trường hợp chị vừa like comment thì học sinh vào inbox luôn cho chị để trình bày hay tâm sự rõ hơn vấn đề của mình, vậy nên, chị rất thích dùng Facebook như là một công cụ để hiểu học sinh hơn.
Chi: Nói về Facebook thì em thấy chị từng có một cái challenge viết hàng ngày trên Facebook rất hay. Chị có thể chia sẻ thêm về challenge này được không ạ?
Trang: Nó bắt đầu từ một hôm chị nói chuyện với một học sinh ở lớp chị từng chủ nhiệm. Hôm đó, bạn ấy inbox chị và tâm sự: “Cô ơi, con buồn lắm…” Nghe những chia sẻ của học sinh về áp lực học tập, cuộc sống, thiếu người tâm sự, chị mới nói: “Vậy con có muốn tham gia một thử thách với cô không?” và nghĩ ra thử thách này. Ban đầu, luật chơi chỉ là hàng ngày viết ra 3 điều: (1) Một mình cảm thấy biết ơn, (2) Một điều mình muốn làm cho ai đấy, và (3) Một điều mình cảm thấy vui trong ngày, và dần thêm vào các câu khác như (4) Một điều mình làm lần đầu tiên trong ngày, (5) Một điều mình làm cho mình trong ngày, (6) Một điều mình làm cho ai khác trong ngày, và (7) Một kỷ niệm đẹp. Ngày nào chị cũng viết trong vòng 100 ngày. Bây giờ, sau 100 ngày, chị vẫn tiếp tục viết nhưng không post lên nữa. Em học sinh đó cũng viết theo, rồi thêm mấy em nữa cùng cũng viết.
Đó theo chị là một cách để giúp mình suy nghĩ tích cực vì tất cả những câu hỏi trên đều hướng về sự tích cực. Thêm nữa, để viết được câu (6) Một điều mình làm cho người khác trong ngày thì mình cần phải đi ra ngoài, hoặc có ở nhà thì cũng cần phải tương tác với người khác; challenge này buộc mình phải năng động hơn để viết được nhiều thứ hơn.
Chi: Em cũng từng có một challenge tương tự trên blog (#30daysofgratitude) viết về 1 điều mình cảm thấy biết ơn trong ngày. Ngoài ra, ngày nào em cũng viết những điều tích cực trong cuốn 5 Minute Journal và em thấy thói quen này thực sự đã làm thay đổi cuộc sống của em. Em rất thích challenge của chị và em rất mong những bạn đang đọc bài viết có thể thử những challenge tương tự để có được trải nghiệm tuyệt vời này.
Kết hôn có làm cuộc đời nhuộm màu xám?
Chi: Nói chuyện với chị Trang em cảm thấy rất dễ chịu vì chị trẻ trung, nhẹ nhàng, vui vẻ. Cũng lại về vấn đề trẻ (cười), em muốn hỏi chị một câu hơi riêng tư: Có bao giờ chị nghe người ngoài nói kiểu như là: “À, Trang tất nhiên là trẻ rồi vì Trang chưa lập gia đình, chưa có con, chưa phải lo toan” và chị nghĩ gì về điều này?
Trang: Có. Chị biết nhiều người nói rằng lập gia đình rồi thì cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều vì có nhiều lo toan hơn, nhiều trách nhiệm hơn, và áp lực hơn với hai bên nội, ngoại, con cái… Chị chưa trải qua những việc đó nên chưa biết được sức ép đó lớn và ảnh hưởng đến tinh thần như thế nào, nhưng chị biết chắc mình cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Chi: Vậy chị Trang có sợ kết hôn vì sợ đánh mất bản thân mình không? (cười)
Trang: Không! (cười lớn). Chị thực sự rất muốn kết hôn, thích cuộc sống của gia đình, đông con cái. Chị biết nhiều bạn không thích lập gia đình, thậm chí các em học sinh cấp 2, cấp 3 ở Việt Nam cũng có tư tưởng không muốn lấy chồng. Một lý do các em đưa ra là mình bị mất niềm tin vào hôn nhân vì sụp đổ hình tượng người bố. Cũng không cần biến cố lớn lắm đâu, có thể chỉ xuất phát từ những hành động nhỏ như bố nóng tính, ít giúp đỡ việc nhà, gia trưởng với mẹ… – những việc người lớn không để ý nhưng có tác động rất lớn với trẻ con; ở tuổi 12-14, con gái rất nhạy cảm. Cũng có những trường hợp chị biết bố mẹ ly hôn hoặc bố/mẹ nuôi con đơn thân thì con cũng rất khó khăn để đối diện và vượt qua cú sốc tâm lý và dễ tổn thương hơn các trẻ khác.
Chi: Em có một câu hỏi cuối cho chị Trang. Hiện nay chị Trang vẫn chưa kết hôn nhưng nếu nhìn vào cuộc hôn nhân trong tương lai, em nghĩ dù hôn nhân hạnh phúc đến đâu cũng không thể tránh được các xáo trộn về tâm lý. Vậy chị có dự định gì để tiếp tục sống có ý nghĩa, vui trẻ, hạnh phúc trong tương lai khi đã kết hôn?
Trang: Khi học về tâm lý, chị biết rằng mỗi người đều có một hệ thống hỗ trợ (support system) riêng và từng người/từng mảng trong hệ thống này giúp mình ổn định. Tưởng tượng như một quả khinh khí cầu dựng lên được là nhờ nhiều sợi dây ở các góc kéo, đỡ; khi có đủ các dây, quả cầu sẽ rất vững; nhưng nếu chỉ phụ thuộc vào một dây thôi, quả cầu sẽ sụp ngay. Con người cũng vậy, mình cũng có những sợi dây ràng buộc đến người khác, mình có thể với đến họ, nhờ họ giúp mình thăng bằng khi gặp khó khăn. Điều này rất quan trọng! Khi học về bạo hành chẳng hạn, một trong những thủ thuật của kẻ bạo hành là chúng cắt bỏ các sợi dây hỗ trợ này, buộc mình phụ thuộc hoàn toàn vào kẻ đó, khiến mình sợ không dám bỏ đi hay tố cáo. Vì vậy, nếu muốn có một sức khoẻ tâm lý vững, mình cần phải nắm chắc các sợi dây hỗ trợ, ví dụ như gia đình, bạn bè, người quen tốt, đồng nghiệp, các nhóm hoạt động xã hội … đối với chị, học sinh cũng là một nguồn hỗ trợ rất lớn về tinh thần.
Thế nên, sau này khi có gia đình, chị cũng sẽ giữ vững những sợi dây liên hệ đó. Có gia đình không có nghĩa là cắt bỏ bạn bè, công việc, liên hệ xã hội; nếu như vậy, khi gia đình có chuyện, mình biết bấu víu vào đâu? Vậy nên phải có những mối quan hệ ngoài gia đình, chẳng may cãi nhau với chồng thì còn có chỗ mà “xả” (cười). Thêm nữa, chị nghĩ phụ nữ bây giờ cần hiện đại, phải biết tự chăm sóc mình. Có một câu nói chị rất thích, đó là “Mình không thể bắt được người khác yêu mình, nhưng có thể làm cho mình trở nên đáng yêu” (cười). Tức là mình hoàn toàn chủ động, tự tin vào bản thân, biết chăm sóc và trân trọng các giá trị riêng, thì mình sẽ tự khắc giành lại được cân bằng trong cuộc sống.
Chi: Em đã học được rất nhiều điều trong buổi phỏng vấn này. Em cảm ơn chị!
—-
Tôi hy vọng bạn đọc cũng được truyền cảm hứng nhiều như tôi đã từng khi thực hiện bài phỏng vấn này. Nói chuyện với chị Trang khiến tôi nghĩ về cuộc sống một cách trong trẻo và bình an hơn. Tôi đặc biệt thích challenge mà chị Trang đề cập trong bài và mong bạn đọc (nhất là những ai chưa từng theo dõi #30daysofgratitude) cân nhắc thực hiện ngay trong tháng này. 7 điều mà chị Trang gợi ý để bạn đọc viết hàng ngày là: (1) Một mình cảm thấy biết ơn, (2) Một điều mình muốn làm cho ai đấy, (3) Một điều mình cảm thấy vui trong ngày, (4) Một điều mình làm lần đầu tiên trong ngày, (5) Một điều mình làm cho mình trong ngày, (6) Một điều mình làm cho ai khác trong ngày, và (7) Một kỷ niệm đẹp. Chúng ta cũng viết nhé! 🙂
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Giang Pham says
Cám ơn Chi đã mang tới buổi phỏng vấn nhiều ý nghĩa.
Em cũng đồng ý với c Trang ở 1 điểm: Mình không thể bắt người khác yêu mình nhưng có thể làm mình trở nên đáng yêu 😍
Chúc c Trang và Chi nhiều sức khoẻ và thành công 😘
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn vì comment cũng đáng yêu 😍
Hang Bui says
Thử thách của Trang rất hay – mình sẽ thử. Chi cho chị xin facebook của Trang được không em? Cám ơn em
Chi Nguyễn says
Facebook chị Trang đây ạ: https://www.facebook.com/trangphamcfl