Từ những bài đầu tiên của series Chủ nghĩa tối giản (Minimalism), tôi đã chia sẻ với bạn đọc rằng điểm cốt lõi của phong cách sống này là tập trung vào những điều quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống, và bỏ đi những thứ ngoài lề, tủn mủn, tiêu cực. Điều này không chỉ áp dụng cho các sản phẩm vật chất (ví dụ, quần áo, đồ đạc, sách vở) mà còn cho cả các giá trị phi vật chất (ví dụ, năng suất làm việc, độ tập trung, quan hệ xã hội). Nhưng làm sao để biết được cái gì là quan trọng, cái gì là không quan trọng? Đặc biệt đối với những vấn đề phức tạp như quan hệ xã hội, làm sao biết được mối quan hệ nào nên giữ, mối quan hệ nào nên buông bỏ?
Tôi cũng từng rất đau đầu về vấn đề này cho đến khi biết được Quy luật 80/20 (hay còn gọi là Quy tắc Pareto) – một quy tắc vàng để dưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ 80/20 với bạn đọc như là một công cụ hữu hiệu để giành quyền kiểm soát cuộc sống và để sống một cuộc đời giàu ý nghĩa mà bạn hằng mong muốn.
1. Quy luật 80/20 là gì?
Vào thế kỷ thứ 19, một nhà kinh tế người Ý tên là Vilfredo Pareto đã quan sát thấy hàng năm, khoảng 20% số cây đậu Hà Lan ông trồng trong vườn nhà cho ra đến 80% hạt đậu thu hoạch được. Cùng thời điểm đó, khi nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, Pareto lại phát hiện ra rằng 80% của cải và thu nhập của nước Ý được kiểm soát chỉ bởi 20% dân số. Nhận ra sự đặc biệt của tỷ lệ 80/20, Pareto cùng với hàng loạt nhà nghiên cứu sau đó đã lục tìm các số liệu trong kinh doanh, sản xuất kinh tế, xã hội và kết quả đều cho ra một những con số xấp xỉ với tỷ lệ 80/20. Ví dụ, 80% lợi tức của công ty được tạo bởi 20% khách hàng; 80% các vụ phạm pháp được gây ra vởi 20% tội phạm; 20% những người tham gia cuộc thi giành được 80% giải thường… Mặc dù các con số chỉ ở mức xấp xỉ, nhưng phần lớn những người nghiên cứu về 80/20 đồng ý rằng: 80% output (đầu ra/thành quả/hậu quả) được tạo bởi 20% input (đầu vào/đóng góp/hành động).
Bắt nguồn từ tư duy kinh tế, Quy luật 80/20 được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh và sản xuất. Nắm được 80/20, chủ doanh nghiệp có thể tìm hiểu 80% lợi nhuận của mình được tạo ra bởi 20% nhóm khách hàng nào. Từ đó, thay vì chăm sóc tất cả các khách hàng một cách dàn trải, doanh nghiệp có thể đầu tư quan tâm nhiều hơn tới nhóm 20% khách hàng tiềm năng nhất, tìm hiểu xem họ thích gì, nhu cầu của họ là gì, mình cần làm gì để khiến họ tiếp tục ủng hộ cho doanh nghiệp. Tương tự như vậy, người nông dân có thể tìm hiểu 20% hạt giống tốt đã cho ra 80% sản lượng của mình là loại giống nào, được nuôi trồng trong hoàn cảnh nào, và làm sao để nhân rộng thêm số lượng những hạt giống tốt này để cho sản lượng cao hơn trong năm tới.
Quy luật 80/20 cũng thường xuyên được áp dụng để nâng cao năng suất lao động. Nếu cho rằng 80% thành quả công việc của mình được tạo ra bởi 20% thời gian làm việc hiệu quả, bạn có thể theo dõi xem 20% thời gian đó rơi vào thời điểm nào trong ngày, ở hoàn cảnh nào, được làm với chu trình nào… Từ đó, bạn có thể mô phỏng lại và mở rộng 20% thời gian hiệu quả nhất này để nâng cao hơn nữa thành quả lao động của mình. Cá nhân tôi thường sử dụng 80/20 để đưa ra quyết định về công việc cần ưu tiên. Khi lập kế hoạch cho ngày/tuần/tháng tới, tôi thường nhìn vào danh sách các công việc cần phải làm và tự hỏi: “20% công việc nào làm được trong số này sẽ cho tôi 80% thành quả?”. Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp tôi ưu tiên và tập trung vào những công việc quan trọng nhất (thường cho nhiều thành quả nhất) và nới dần những công việc thứ yếu, không mang lại nhiều thành quả.
* Xem video về Quy tắc 80/20, dựa vào cuốn sách cùng tên của tác giả Richard Koch:
Đọc đến đây, bạn có tin vào Quy luật 80/20 chưa? 🙂 Khi mới nghe về quy luật này, tôi rất hoài nghi về độ chính xác của nó. Nhất là khi công việc của tôi không liên quan nhiều đến số liệu và cũng khó để dùng số liệu chứng minh ngược lại tỷ lệ này có đúng với tất cả mọi trường hợp không. Nhưng từ lúc xây dựng blog này và theo dõi các con số về lượng xem và tương tác của bạn đọc với blog trong 6 tháng, tôi hoàn toàn sửng sốt trước ứng dụng của 80/20. Ví dụ, xấp xỉ 80% lượng view blog được tạo bởi 20% bạn đọc thường xuyên; trong 80% bạn đọc thường xuyên, khoảng 20% tương tác trực tiếp trên blog (comment, like, share); có khoảng 20% bài viết nổi bật được mọi người đọc đi, đọc lại, đóng góp cho 80% lượng view của blog… Từ việc quan sát và nghiên cứu những con số này, tôi đã, đang, và sẽ thay đổi nội dung và cách tương tác của blog để đáp ứng được mong muốn và nhu cầu của nhóm 20% bạn đọc tích cực nhất – những người thực sự quan tâm đến sự phát triển của blog.
Quy luật 80/20 cũng được tôi sử dụng khi bắt đầu tối giản hoá đồ đạc. Tôi nhận ra rằng tôi chỉ sử dụng thường xuyên khoảng 20% trong số 80% quần áo của mình (chứng minh qua ảnh chụp hàng ngày, nhu cầu giặt là hàng tuần…). Tương tự như vậy, mỗi lần chuyển nhà và phải lôi hết đồ đạc trong ngóc ngách, hầm, tủ…ra, tôi phát hiện ra mình đang sử dụng chưa đến 20% trong tổng số đồ mình tích trữ (chứng minh qua thực tế là rất nhiều món đồ tôi đã quên hẳn về sự tồn tạo của nó). Vì vậy, khi bắt đầu con đường đến với Chủ nghĩa tối giản, tôi đã mạnh tay bỏ đi 80% đồ đạc của mình (80% quần áo, 80% đồ gia dụng, 80% giày dep, 80% giấy tờ…). Đó thực sự là một cuộc cách mạng trong phong cách sống!
2. Ứng dụng của 80/20 trong quan hệ xã hội
Mặc dù có rất nhiều người đã nghiên cứu và viết về Quy luật 80/20, rất ít tài liệu tập trung vào ứng dụng của quy tắc này trong các mối quan hệ xã hội. Có lẽ bởi vì quan hệ xã hội thường phức tạp, khó có thể cân đo-đong đếm, chưa kể là không có một cơ sở dự liệu nào có thể so sánh giữa output và input trong quan hệ người với người. Tuy nhiên, trong 2 năm tối giản hoá cuộc sống vừa qua của mình, tôi nhận thấy 80/20 đã có ảnh hưởng rất lớn tới cách tôi nhìn nhận các mối quan hệ của mình và đặt ưu tiên cho những người/những mối quan hệ có ý nghĩa tích cực nhất.
Tôi nhận ra rằng, trong khoảng 80 người tôi quen biết, chỉ khoảng 20 người thực sự quan tâm đến tôi và luôn mong muốn điều tốt nhất đến với tôi. Điều này càng rõ ràng hơn khi tôi sống ở nước ngoài và việc gặp gỡ, liên lạc không dễ dàng như trước đây — đồng nghĩa với việc tôi nhìn được rõ hơn (và biết ơn nhiều hơn) những người thường quan tâm đến mình. Những người này bao gồm các thành viên thân thiết trong gia đình, những người bạn cũ, và một số người không quen thân nhưng luôn dõi theo và động viên tôi. Tôi cũng nhận ra rằng, chỉ 20% những người tôi quen mang lại tới 80% hạnh phúc của tôi khi tiếp xúc với họ. Số còn lại phần nhiều là những mối quan hệ xã giao, bạn trên mạng xã hội, hoặc những người có liên lạc nhưng không thực sự quan tâm đến tôi.
Khi bắt đầu nhận ra điều này, tôi nhìn lại bản thân và ngỡ ngàng nhận ra mình đã dành quá nhiều thời gian (có khi đến 80% quỹ thời gian trống trong tuần) để tiếp chuyện, xã giao, và chiều lòng những người không hề quan tâm đến tôi – những người có lẽ chỉ cho tôi chưa tới 20% năng lượng tích cực. Còn nhóm 20% những người thân thiết – những người thực sự quan tâm đến tôi, mang lại 80% hạnh phúc của tôi – thì tôi lại thường dửng dưng, cho tình cảm ấy là hiển nhiên và hiếm khi nhắn tin, gọi điện, nói chuyện với nhóm người này. Từ khi bắt đầu tối giản hoá cuộc sống, tôi dần thanh lọc những mối quan hệ không cần thiết, bớt đi thời gian chiều lòng, đón ý những người không thực sự tốt với tôi. Thay vào đó, tôi tập trung phần lớn thời gian rảnh của mình để xây dựng và tiếp nối những mối quan hệ tích cực. Khi ở bên những người tôi quan tâm, dù chỉ có 20% quỹ thời gian trong ngày thôi, tôi cũng cố gắng dành đến 80% sự tập trung hướng về họ — đây là lúc mà việc sống cho hiện tại trở nên vô cùng có ích bởi vì từng phút, từng giây đều được trân trọng và nâng niu.
Nghĩ về ứng dụng của 80/20 cho quan hệ xã hội, tôi nghĩ rằng đây là một tham chiếu tốt (mặc dù không hoàn hảo tuyệt đối) để mọi người nhìn lại các mối quan hệ của mình. Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của mình bị kiểm soát bởi những mối quan hệ không đâu, bị bao vây bởi những luồng tư duy tiêu cực, và bị áp đảo bởi suy nghĩ phải chiều lòng tất cả mọi người, đây là cơ hội để bạn thay đổi. Dùng Quy luật 80/20 cho các mặt khác nhau trong cuộc sống, bạn sẽ có khả năng định giá lại các vấn đề còn tồn tại, nhìn ra được định hướng cần tập trung đầu tư cho tương lai, và giành lại quyền kiểm soát cuộc sống.
***Trước ra khỏi blog này, tôi muốn bạn tự hỏi bản thân mình 3 điều sau đây:
1. 20% nào trong số những người bạn quen tạo ra 80% hạnh phúc/niềm vui của bạn?
2. Bạn giành 80% thời gian trong ngày làm gì? Bạn có hạnh phúc, có vui không khi làm công việc đó?
3. Thử tưởng tượng đêm nay trộm vào nhà cuỗm đi 80% đồ đạc của bạn và bạn chỉ giữ lại được 20% trong số đó. 20% đồ đạc bạn muốn giữ lại là những món gì? Tại sao phải giữ lại 100% đồ đạc trong khi bạn có thể sống tốt với chỉ 20%?
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Phuong Nguyen Linh says
3 câu hỏi cuối bài thiết thực quá Chị ạ! Hôm qua Po cũng xem được 1 đoạn clip trong đó thầy giáo dùng 1 cái bình thuỷ tinh rỗng ẩn dụ cho cuộc sống của mỗi người, ông bỏ vào đó vài quả bóng golf, sau đó là sỏi vụn, cát và cuối cùng là beer. Lần lượt mỗi lần bỏ vào ông đều hỏi sinh viên xem cái lọ đã đầy chưa. Cuối cùng ông giải thích những vật ông bỏ vào tượng trưng cho những điều trong cuộc sống mỗi người, độ lớn của mỗi vật tượng trưng cho thứ tự quan trọng những thứ nó tượng trưng. Vậy là nếu chúng ta bận lấp đầy cuộc sống bằng những thứ nhỏ nhặt như những hạt cát thì sẽ chả có chỗ cho những quả bóng golf, những thứ quan trọng nhất. Sáng nay thì đọc được bài viết này, Po thấy ‘connect’ lắm!
Chi Nguyễn says
Comment hay quá, Po! Keep on moving! <3
Duong Cao says
Reflection ngay sang chị là cảm thấy chỉ 20% thông tin mình đọc hàng ngày mang lại cho mình 80% năng lượng tích cực, và The Present Writer nằm trong 20% đó. Nên mục tiêu năm tới là giảm thiểu tối đa các nguồn thông tin không cần thiết và không mang lại năng lượng tích cực cho mình, nhất là mạng xã hội. Thanks Chi for the useful article 🙂
Chi Nguyễn says
WOW! Em rất tự hào là blog nằm trong 20% nguồn tạo 80% năng lượng tích cực cho chị. Em sẽ cố gắng nhiều hơn để tiếp tục ra những bài viết chất lượng cho những bạn đọc như chị Dương <3
Kiến Lá says
Cảm ơn chị Chi về bài viết. Nhờ chia sẻ của chị mà nhìn nhận của em sáng tỏ hơn hẳn 🙂
Em đặc biệt thích phần về các mối quan hệ xã hội. Em từng rất quảng giao, nhiều khi thấy mệt vì có vẻ mình gồng gánh nhiều mối quan hệ quá, đến nỗi không biết sắp xếp thời gian thế nào cho trọn vẹn với tất cả mọi người. Chỉ đến lúc em học xa nhà thì mới nhận ra những ai là thật sự quan tâm đến mình và luôn sẵn lòng vun đắp mối quan hệ với mình. Họ cũng thường là người truyền cho mình nhiều năng lượng tích cực. Thế nên em thấy việc tối giản hóa và đầu tư có chọn lọc rất ư là cần thiết cho đời sống cá nhân 😛
Chi Nguyễn says
Kiến lá: Chị rất đồng cảm với chia sẻ của em. Việc học xa nhà và sống một mình thực sự khiến chị trưởng thành lên rất nhiều. Cũng vì nhịp độ học và làm việc ở nước ngoài rất nặng nên nếu không biết cách giữ gìn năng lượng tích cực và block năng lượng tiêu cực thì sẽ rất khó cân bằng được cuộc sống. Cám ơn em đã đọc và gửi comment chia sẻ <3
Loan says
Tuyệt vời quá Chi ạ. 😍😍😍
Trước kia mình cũng từng biết đến quy tắc này, nhưng chưa bao giờ có 1 hình dung rõ ràng và thiết thực đến như vậy cho đến hôm nay.
Trời ơi, mình cảm ơn Chi nhiều nha.
P/s: mình đã lưu, in và đọc đi đọc lại loạt bài về Chủ nghĩa Tối Giản của Chi đấy. Mình hy vọng sớm cho Chi biết kết quả. 😊☺😊
Chi Nguyễn says
Cám ơn Loan nhiều! Mình rất vui là bạn có đồng cảm với nội dung blog. Có trải nghiệm gì về Chủ nghĩa tối giản chia sẻ cho mình biết với nhé! 😀
VanDo says
Very great content! Many thanks :)))
Chi Nguyễn says
Thank you! <3
Linh Phạm says
Đọc đến 3 câu hỏi cuối bài thấy thấm quá c ạ. Thời điểm đọc bài của c cũng là lúc em đang bị ngộp trong các mối quan hệ phức tạp nhất là trong công việc và đúng là sống không thể chiều lòng tất cả mọi người và bản thân mình cũng không thể ao ước vẹn toàn mọi thứ. Em sẽ lưu lại quy tắc này và trải nghiệm nó!
Cám ơn bài viết của c nhé!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc và chia sẻ! Chị cũng phải thường xuyên nhắc bản thân và đọc lại quy tắc này để nhớ không chìm đắm vào những mối quan hệ phức tạp. Chúc em nhiều may mắn nhé!
Kattie Cao says
Cảm ơn Chi, vô cùng hữu ích với những người đang bước vào độ tuổi middle age như mình. Biết chắt lọc những gì quan trọng trong cuộc sống để lưu giữ năng lượng tích cực cho một cuộc sống ý nghĩa hơn
Hoàng Thơm says
Cảm ơn bài viết hay! Mình xin phép được chia sẻ!
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc và chia sẻ blog <3
Linh Chi says
Gìn giữ những mối quan hệ cuộc sống bền lâu và khiến ta hạnh phúc không đơn giản. Đọc bài của chị mới nhận ra những thứ mình bỏ lỡ. Bài viết rất có ích ạ 😄
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Chị viết bài cũng để nhắc bản thân những điều không nên bỏ lỡ hàng ngày nữa 🙂
Thanh Thủy says
Cảm ơn bạn về bài viết rất hay và thiết thực. Thú thực là đến lúc này, khi tôi đã 41 tuổi tôi mới nhận biết được điều này. Và điều đáng tiếc nữa là tại sao đến bây giờ tôi mới được biết đến trang của bạn. Cảm ơn bạn về tất cả
Chi Nguyễn says
Cám ơn cô đã theo dõi blog ạ! Con nghĩ cô sẽ thích đọc một bài viết này: https://thepresentwriter.com/ban-dang-song-cho-hien-tai-qua-khu-hay-tuong-lai/ vì nó gợi nhắc về thời gian ạ.
Stella says
Lần đầu tiên mình vào blog của bạn và đã rất thích các bài viết của bạn, rất dễ hiểu (nên chắc sẽ dễ áp dụng) và cug rất sâu sắc. Cám ơn bạn đã bỏ thời gian và công sức để cho ra nhug bài viết bổ ích như vậy.
M sẽ lấy giấy bút viết trả lời 3 câu hỏi của bạn ngay tối nay :).
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đến với blog! Nếu bạn có trải nghiệm gì thú vị qua việc trả lời 3 câu hỏi thì chia sẻ với mình nhé! 🙂
Mai Khang says
Em đã tìm được thêm trong số 20% năng lượng tích cực cho mình. Cảm ơn chị nhiều ạ ^^
Chi Nguyễn says
YAY! Đọc comment này cũng làm chị tăng thêm 20% năng lượng tích cực 🙂
Hà Phạm says
Mình đã đọc xong loạt bài về Minimalism và thực sự rất thích. Mặc dù biết khái niệm về Minimalism từ lâu nhưng sau loạt bài của Chi mình mới tỉnh ngộ ra và hiểu vấn đề hơn. Loạt bài này như khai sáng và xác định lại lối sống của mình. Mình cũng đã đọc xong cuốn sách mà Chi giới thiệu của Marie Kondo và đang từng bước áp dụng lối sống theo chủ nghĩa tối giản. Cảm ơn Chi rất nhiều và rất mong Chi viết thêm nhiều bài hơn nữa về đề tài này.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn rất nhiều vì đã theo dõi blog! Chắc chắn sẽ còn nhiều bài hơn nữa về lối sống tối giản! 🙂
Madame Khanh says
cám ơn em! chị học hỏi được rất nhiều điều từ em, chúc em luôn bình an và hạnh phúc
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị đã theo dõi blog!
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị! Mong chị ghé blog thường xuyên ạ <3
Đặng Thị Trang says
quá dễ hiểu và dễ áp dụng chị Chi nhỉ.em cảm ơn chị nhiều ạ
Chi Nguyễn says
Cám ơn em ❤️
SallyPhan says
Một bài viết xúc tích và hữu ích. Cám ơn bạn.
Emily_212zone says
Cảm ơn chị về bài viết súc tích , dễ hiểu và dễ nắm bắt. Em sẽ theo dõi các bài viết mới của chị thường xuyên hơn để phát triển tốt hơn cách quản trị thời gian bản thân khi đang đi học và làm việc một mình ở NYC.
Chúc Chị một ngày tốt lành!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! NYC mùa này chắc hoa nở rồi nhỉ? Chúc em nhiều niềm vui trong công việc mình đang làm <3
Vy Nguyễn says
Tình cờ hôm nay tại công ty em cũng thảo luận với mọi người về quy luật 80/20 này. Và tình cờ khi em đang cần tìm những ý tưởng cho dự án đang triển khai của mình và biết đến blog của chị. Em chỉ comment vì muốn chào chị khi đến thăm nhà chị thôi.
Luôn vui vẻ nhé chị!
Long Hùng says
Mình tình cờ biết được Blog của bạn và đọc gần như tất cả các bài viết. Quá nhiều thông tin hữu ích cho bản thân mình trong nhiều mặt của cuộc sống. Cám ơn Bạn Chi rất nhiều. Sẽ luôn dõi theo các bài viết của em. Mong em khỏe.
Chi Nguyễn says
Em cám ơn anh! Em sẽ tiếp tục viết nhiều hơn nữa!
Quynh Nguyen says
Mình cực kỳ thích trang Blog này của bạn. Nó đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình. Mình thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn và tự tin hơn. Mình đã làm một cuộc cách mạng dọn dẹp nhà cửa mất 2 tuần và giờ mình thấy hạnh phúc với cách sống này hơn bao giờ hết.
Mình đã viết Morning Page được 14 ngày với 42 trang giấy, đều mà trước giờ không bao giờ mình có thể tưởng tượng ra được, với morning page mình đã làm sạch đầu óc của mình vào mỗi sáng, mình cảm thấy mình tập trung vào công việc hơn.
Cám ơn bạn rất nhiều!♡
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn nhiều! Mình rất vui khi thấy blog có ích cho bạn. Đọc comment của bạn xong mình cũng dậy viết Morning Pages đây 🙂
Dat says
Mình mới bắt đầu đọc blog của bạn và cảm thấy rất hay. Nói thật minh cũng thích đọc sách nhưng ko phải quyển nào cũng vào đầu đc. Có quyển đọc mà chả hiểu ý nghĩa của nó. Có quyển lại đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn thấy hay. Phong cách viết của bạn làm mình rất thích. Mong bạn sẽ viết nhiều hơn nữa. Cảm ơn bạn về những điều đã chia sẻ, thực sự rất bổ ích.
Diễm Đặng says
Tình cờ biết được kênh Youtube của chị link qua Blog này. Bài viết thật hay và hữu ích.
Cám ơn chị!
Hữu Tài says
Thật sự không quá muộn để nói về việc tiếp cận thông tin rất bổ ích này từ chị Chi. Bản thân em là một người luôn để ý và chiều lòng cảm xúc, nuông theo suy nghĩ của người khác, dành rất nhiều thời gian cho những việc mà giờ nghĩ lại điều đó làm ảnh hưởng đến mối quan hệ xung quanh cũng như công việc hiện tại. 80/20 rất thực tế thông qua cảm xúc và câu chuyện mà chị Chi truyền đạt, tất cả cử chỉ hành động lẫn lời nói của chị Chi thật sự chân thành.
Em cảm ơn chị, cảm ơn vì đã là một phần động lực để em có thể thay đổi nhiều thói quen không tốt của bản thân và tạo ra suy nghĩ tích cực.
Phạm Ngọc Phương Linh says
Cảm ơn Chị rất nhiều nhé