Cách đây một thời gian, tôi bắt đầu series bài viết về Tự chủ tài chính bằng việc review hai cuốn sách nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính cá nhân, trong đó có “The Total Money Makeover” (Thay Đổi Diện Mạo Tài Chính) của tác giả Dave Ramsey. Sau đó, tôi tiếp tục viết thêm một số bài nữa dựa trên quan điểm của Dave về tiền bạc, bao gồm “Quản lý tài chính bằng ‘zero-based’ budget” và “Đặt cho mỗi đồng tiền tiết kiệm một mục đích“. Từ đó đến nay, tôi đã đọc thêm một cuốn sách nữa của Dave Ramsey (“Complete Guide to Money” – Chỉ dẫn hoàn thiện về tiền), hoàn thành một khóa học online do chính ông daỵ (Financial Peace University), và thường xuyên nghe podcast hoặc xem kênh Youtube của The Dave Ramsey Show về quản lý tài chính cá nhân. Có thể nói, tôi là “fan” cứng của Dave Ramsey.
Tôi thích cách tiếp cận của vị tác giả này về tài chính vì không giống với những chuyên gia tài chính khác thường bàn đến những vấn đề cao siêu như đầu tư tỷ giá lãi suất lớn như thế nào hay làm cách nào để giàu nhanh, Dave chỉ dùng những ngôn ngữ rất bình dân với ý tưởng đơn giản, con số tính toán cơ bản để người bình thường nào cũng có thể hiểu được. Dave chỉ cho mọi người cách làm chủ tài chính của mình bằng việc tập trung vào những gì mình đang có, cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm, làm thêm tăng thu nhập, quyết tâm trả dứt nợ và làm giàu một cách ổn định, chân chính. Nhưng không phải ai cũng thích cách làm này vì để đạt được mục tiêu, nó yêu cầu con người phải có tính kiên nhẫn, chịu đựng được hy sinh, kỷ luật, để tiết kiệm và đầu tư ổn định trong thời gian dài, thay vì nhảy ngay đến đợt sóng làm giàu mới. Nhưng cũng chính bởi vì cách làm này đánh vào hành vi, thói quen tiêu tiền của con người, nó có khả năng làm thay đổi cuộc đời con người mãi mãi. Tôi thích những thứ như vậy — những thứ có thể tạo ra thay đổi về mặt nhận thức, giúp con người đối diện với chính bản thân mình, và cam kết chuyển mình một cách tích cực và bền vững.
Điều cốt lõi nhất trong phương pháp của Dave Ramsey là 7 Bước Tiến Tới Tự Do Tài Chính mà ông gọi là “7 Baby Steps“. Trong bài viết này, tôi sẽ đi sâu vào giải thích cụ thể từng bước một, bổ sung ý kiến cá nhân về điểm mạnh/yếu (nếu có) của từng bước, và những ứng dụng thích hợp cho hoàn cảnh của người Việt Nam.
Bước 0: Kiểm soát chi tiêu hiện tại
Đây là một bước ít khi được nhắc đến nhưng lại rất quan trọng cho những người mới bắt đầu, đặc biệt là những người chưa biết cách quản lý tài chính hiệu quả. Đó là việc phải kiểm soát được chi tiêu hiện tại của mình (stay current!). Ví dụ, nếu bây giờ tôi hỏi bạn 3 câu: (1) Một tháng bạn kiếm được bao nhiêu tiền? (2) Một tháng bạn chi tiêu hết bao nhiều? (3) Tất cả các khoản nợ của bạn tổng cộng là bao nhiêu và lãi suất như thế nào? Bạn có thể nhắm mắt lại và trả lời ngay được không? Nếu không, bạn chưa sẵn sàng để tiếp tục. Bạn phải biết được mình làm được bao nhiêu, tiêu bao nhiêu, nợ bao nhiêu, và thêm nữa, tiền dôi dư dùng để tiết kiệm và đầu tư là bao nhiêu thì mới có thể tính toán được tình trạng tài chính hiện tại của mình. Rất nhiều người lo lắng mất ăn mất ngủ vì tiền nhưng chưa chắc họ đã biết được nỗi lo của mình nó có hình hài như thế nào, khối lượng bao nhiêu, và thực sự đáng lo đến thế nào.
Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy đọc bài viết này về lập kế hoạch chi tiêu (budgeting) và bắt đầu kiểm soát chi tiêu của mình ngay hôm nay!
Bước 1: Tiết kiệm $500 – $1,000 ban đầu cho Tài khoản Khẩn Cấp (Emgenency Fund)
Dave Ramsey kể rằng khi ông mới bắt đầu huấn luyện mọi người về tài chính (chủ yếu để trả nợ và tránh phá sản) bước 1 này chưa hề tồn tại. Ông thường khuyên mọi người bắt tay vào trả nợ ngay. Tuy nhiên, một thời gian sau, ông phát hiện ra rằng rất nhiều người thất bại vì cứ mỗi khi họ gom được tiền trả nợ thì một điều gì đó không may lại xảy ra (như ốm đau, tai nạn, mất việc) khiến cho họ lâm vào nợ nần còn chồng chất hơn. Bởi vậy, Dave nhận ra rằng ai cũng cần có khoản tiết kiệm ban đầu đề phòng khẩn cấp. Con số ông đưa ra là $500 (khoảng 11 triệu 500 ngàn đồng) nếu thu nhập của gia đình bạn dưới $2,000/tháng (tương đương 45-46 triệu/tháng) HOẶC $1,000 (khoảng 23 triệu) nếu thu nhập của gia đình bạn trên $2,000/tháng. Đối với thu nhập bình quân một gia đình Việt Nam làm công chức bình thường, theo tôi, mức $500 cho tài khoản khẩn cấp ban đầu là tạm ổn.
Với bạn, số tiền $500 hay $1,000 có thể là rất nhiều hoặc cũng có thể là rất ít. Nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm làm chuyên gia tài chính, Dave nói rằng Bước 1 này thường là bước khó nhất trong 7 bước ông đề ra. Nó khó bởi vì đối với những người vốn không tiết kiệm hoặc không tìm đâu ra đủ tiền hàng tháng thì rất khó họ mới để ra được một khoản riêng – đòi hỏi kỷ luật cao, sự hy sinh, và nỗ lực lớn. Nó cũng khó với những người giỏi tiết kiệm vì họ thường muốn số tiền tiết kiệm phải nhiều hơn cho an toàn, họ không muốn giảm xuống mức $500 hay $1,000 để chỉ phập phồng lo đủ cho tới khi trả hết nợ. Rất nhiều người cũng tranh cãi về số tiền khẩn cấp này. Liệu nó đã đủ để lo cho một trường hợp khẩn cấp xảy ra hay chưa?
Theo quan điểm của tôi, mức $500-$1,000 này là hoàn hảo, dù cho bạn đang ở trong hoàn cảnh nào. Thứ nhất, nó không quá nhiều để cho những người ở vào tình trạng kinh tế cạn kiệt cảm thấy không thể nào với tới được (đồng nghĩa với việc họ từ bỏ ngay khi mới bắt đầu). Thứ hai, nó cũng đủ ít để những ai đang trong cảnh nợ nần không cảm thấy thoải mái, an toàn với khoản tiền tiết kiệm này. Chính vì sự bấp bênh mà khoản tiền này đem lại, những người đang mắc nợ sẽ có động lực lớn hơn để trả dứt nợ, để có thể tiết kiệm được nhiều hơn, và cảm thấy an toàn hơn. Chính vì thế, số tiền này là xác đáng cho tất cả mọi người ở mọi hoàn cảnh tài chính để có thể bắt đầu.
Trong quá trình trả nợ (Bước 2), nếu không may bạn gặp trường hợp khẩn cấp phải dùng đến khoản tiết kiệm này, hãy cứ sử dụng nó (và biết ơn là mình có để ra một khoản này). Sau đó, tạm ngừng Bước 2 lại để bồi hoàn đủ tiền cho Bước 1 rồi mới tiếp tục làm tiếp Bước 2. Điều này đảm bảo cho bạn luôn có một khoản nhất định, không quá nhiều nhưng cũng không quá ít, để đề phòng bất trắc.
Bước 2: Trả TẤT CẢ các khoản nợ (trừ tiền trả góp nhà, nếu có)
Nếu bạn đang có khoản nợ, đây thường là bước khó khăn, cần phải tập trung nhiều nhất. Quan điểm của Dave Ramsey là bằng mọi giá, phải trả dứt nợ (trừ khoản tiền trả góp nhà vì khoản này thường yêu cầu nhiều thời gian hơn, mức lãi cũng thường thấp hơn các khoản vay khác – Tham khảo Bước 6). Do vậy, mặc dù có nhiều lời khuyên về quản lý tài chính như chia tiền hàng tháng ra nhiều khoản như đầu tư, tiết kiệm, trả nợ…, Dave cho rằng nếu bạn đang mắc nợ, bạn phải dừng hoàn toàn tất cả các khoản đầu tư và chỉ tập trung trả nợ. Nhiều người có thể tranh luận rằng nếu khoản tiền lãi suất phải trả cho nợ nần thấp hơn khoản tiền lãi nhận được khi đầu tư thì tại sao không giữ nợ mà kiếm tiền từ đầu tư? Nhưng thực sự về mặt tâm lý mà nói, mắc nợ là một điều rất đáng sợ (người mang nợ không khác gì nô lệ cho chủ nợ) bởi vậy, nếu muốn tự do, ta phải thoát được nợ thì mới có thể ngẩng cao đầu. Đối với những người không có tâm lý này và coi nợ nần là chuyện bình thường, đương nhiên phải có để làm giàu thì càng đáng ngại hơn. Bởi vì đối với những người này, họ có thể sẵn sàng nhảy vào rủi ro lớn mà không có suy nghĩ, không cẩn trọng tính toán. Có thể bất cứ ai trong chúng ta, đặc biệt là những người làm kinh doanh, đều phải có lúc nợ tiền học, tiền hàng hóa, tiền người thân, tiền khách hàng… nhưng điều khác biệt là tư tưởng, tâm lý, cái nhìn của ta về nợ nần; nếu không cảm thấy sợ nợ nần, rất khó có thể tập trung trả được dứt nợ.
Phương pháp trả nợ Dave Ramsey ủng hộ là Debt Snowball – Phương pháp trả từ khoản nhỏ nhất đến lớn nhất, không kể lãi suất (đọc thêm về so sánh phương pháp Debt Snowball và Debt Avalanche tại đây). Đối với phương pháp này, bạn trả khoản tối thiểu hàng tháng (có thể đa phần là tiền lãi) cho tất cả các khoản nợ mình đang có, nhưng tập trung trả nhiều hơn và trả dứt điểm khoản nợ nhỏ trước (không cần quan tâm khoản này lãi suất cao hay thấp). Cách làm này đánh vào tâm lý và hành vi của người mang nợ. Đó là, khi bạn tập trung trả khoản nợ nhỏ trước, bạn sẽ đỡ cảm thấy choáng ngợp hơn và tin là mình có thể cố gắng làm được (thay vì bắt tay vào khoản nợ lớn nhất và cảm thấy đuối). Mỗi khi trả được dứt một khoản nợ, bạn sẽ cảm thấy phấn chấn hơn, tự tin hơn vào bản thân, và từ đó, càng tập trung trả nợ nhanh hơn. Cách làm này đã được nhiều nghiên cứu (nghiên cứu độc lập, không phải từ Dave Ramsey) chứng minh rằng giúp cho nhiều người thoát nợ nhanh hơn hẳn các phương pháp khác vì nó đánh vào tâm lý và hành vi con người.
Bạn có thể đang tự hỏi: Nhưng tiền đâu để trả nợ? Tiền trước hết đến từ thu nhập hiện tại của bạn, tiền sau đó đến từ việc bạn cắt giảm chi tiêu, và tiền cũng đến từ việc bạn làm thêm tăng thu nhập. Trên thực tế, hầu hết mọi người khi làm budget để quản lý chặt tài chính sẽ đều phát hiện ra lỗ hổng mà mình từng tiêu xài hoang phí (ví dụ, một cốc cà phê hàng sáng cộng lại 30 ngày/tháng cũng là rất nhiều tiền, vài bát phở ăn ngoài đường trong khi nhà đã có cơm ăn sẵn cộng lại cũng là rất nhiều tiền…) nên việc có thêm khoản tiền nhỏ đổ vào trả nợ là không quá khó. Ngoài ra, khi bạn tập trung cao độ trả nợ, bạn cũng sẽ có thêm động lực để làm thêm tăng thu nhập (ví dụ, nhận thêm việc, làm tăng ca, buôn bán thêm bên ngoài…) do vậy, thu nhập cũng sẽ tăng lên. Một điều quan trọng nữa trong giai đoạn này là hết sức tránh để tăng thêm nợ (không nên dùng thẻ credit card – thẻ tiêu trước trả tiền sau vì đó cũng là một hình thức nợ, không nên đi du lịch, mua sắm khi không có đủ tiền mặt, không nên vay tiền chỗ này để trả bù vào chỗ kia vì nó chỉ gây nợ sâu hơn mà thôi).
Suy cho cùng, nếu bạn có quyết tâm thì cơ hội sẽ mở ra cơ hội, tiền sẽ mang đến thêm tiền, năng lượng sẽ được tiếp sức để bạn về đến đích. Luôn luôn còn hy vọng, nếu ta hành động ngay hôm nay!
Bước 3 + 3B: Tiết kiệm 3-6 tháng tiêu dùng hàng tháng, cho vào Tài Khoản Khẩn Cấp (đầy đủ) + Tiền đặt cọc cho căn nhà (nếu cần mua trả góp)
Sau khi đã trả được dứt nợ, bạn sẽ muốn tìm đến sự an toàn, bình an để tiếp tục tiến tới các mục đích tài chính mới. Do vậy, ở Bước 3 này, Dave khuyên mọi người nên tiết kiệm 3-6 tháng tiền tiêu dùng hàng tháng (chỉ tính chi tiêu cơ bản nhất như tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn, tiền học cho con..). Khoản tiền này sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn đến bất chợt như đột ngột mất việc, ốm không đi làm được, khủng hoảng lớn ảnh hưởng đến chi tiêu cả gia đình… Với số tiền này, bạn có thể “mua” thêm thời gian tĩnh dưỡng, tập trung tìm việc, phục hồi khó khăn mà không quá căng thẳng, mệt mỏi.
Mỗi gia đình, tùy vào số lượng người trong nhà và chi tiêu hàng tháng mà bạn tính toán xem số tiền 3-6 tháng này là bao nhiêu. Đối với một gia đình bình thường ở Việt Nam, nếu bạn sống ở thành phố với mức chi tiêu từ trung bình đến trên trung bình, tôi nghĩ khoảng 100 trăm đến 200 triệu đồng là khá ổn để tiết kiệm cho bước này.
Nếu bạn đang nghĩ đến việc mua nhà riêng, Dave khuyên bạn cũng có thể tiết kiệm cho tiền đặt cọc nhà (down payment) ở bước này – gọi là Bước 3B. Bước 3B có nghĩa là sau khi bạn đã tiết kiệm được 3-6 tháng tiền tiêu dùng rồi, bạn sẽ tiếp tục tiết kiệm cho đủ số lượng tiền đặt cọc nhà yêu cầu. Tùy vào nơi bạn muốn mua và giá trị căn nhà, tiền đặt cọc có thể sẽ khác nhau nhưng về cơ bản, bạn muốn tiết kiệm khoảng 20% giá trị toàn căn nhà để không phải vay nợ trả góp quá nhiều. Để biết bạn có khả năng trả góp phần còn lại của căn nhà hay không, Dave cho rằng bạn không nên mua căn nhà nào mà tiền nhà + tiền lãi hàng tháng lớn hơn 25% thu nhập của bạn sau thuế. Con số 25% này cho phép bạn có thể duy trì được căn nhà và tập trung khoản tiền dư trả nợ nhà dứt điểm. Nhiều hơn 25% thì quá mạo hiểm, nếu có vấn đề gì xảy ra với thu nhập thông thường của bạn thì bạn cũng sẽ dễ mất luôn căn nhà.
Một số bạn đọc từng hỏi ý kiến của tôi về cuộc tranh luận Thuê nhà vs. Mua nhà. Theo quan điểm của tôi (dưới sự ảnh hưởng không nhỏ từ Dave Ramsey), bạn hoàn toàn không nên mua nhà khi chưa sẵn sàng, kể cả khi tiền thuê nhà có thể lớn hơn tiền trả góp nhà hàng tháng vì chủ sở hữu một căn nhà đi kèm với nhiều khoản chi hơn thuê nhà (như sửa chữa, nội thất, thuế nhà đất…). Nhưng sẵn sàng là như thế nào? Sẵn sàng là khi bạn đã (1) Trả hết nợ, (2) Có đủ 3-6 tháng tiền tiết kiệm, và (3) Đủ tiền trả đặt cọc 20% giá trị toàn căn nhà và trả góp tiền nhà + tiền lãi không quá 25% thu nhập hàng tháng. Ngày nay, đối với những người trẻ, trừ khi được hưởng thừa kế từ bố mẹ hay được gia đình hỗ trợ, ta rất khó có thể ngay lập tức bỏ ra tiền mặt một cục mua hẳn một căn nhà. Do vậy, xu hướng vay tiền ngân hàng để mua nhà càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, nhất là ở thành phố lớn. Bởi vậy, bạn có thể cũng sẽ phải vay và phải trả tiền nhà, nhưng nếu biết tính toán cẩn thận về căn nhà và về khả năng tài chính của mình, bạn sẽ vẫn có thể sở hữu nhà sau một thời gian kiên trì, nỗ lực trả góp theo đúng cách.
Bước 4: Đầu tư 15% thu nhập vào tài khoản lương hưu tiết kiệm
Các bước 4, 5, và 6 tới đây thường được tiến hành song song vì nó yêu cầu thực hiện trong thời gian tương đối dài, đều đặn, và thường xuyên. Bước thứ 4 này là đầu tư 15% thu nhập hàng tháng cho khoản lương hưu tiết kiệm. Khác với mô hình về hưu có phần “bao cấp” tại Việt Nam khi người lao động làm việc cả đời và sau đó nhận một khoản tiền nhất định kiểu “một cục” hay một phần lương hàng tháng khi về hưu, lời khuyên của Dave Ramsey là người lao động chủ động đầu tư tiền vào một tài khoản có sinh lãi. Nếu ta chủ động đầu tư như vậy trong một thời gian dài khi mới bắt đầu đi làm (20-30 năm trở lên), khoản tiền lãi này sẽ tiếp tục lớn lên, tiếp tục sinh thêm lãi để đến khi về hưu, đây trở thành một khoản ổn định, tiếp tục chu cấp cho cuộc sống mặc dù ta không còn đi làm nữa.
Bước 4 này đặc biệt rất dễ để thực hiện cho những người sống ở các nước phát triển và làm việc trong cơ quan và tổ chức có chương trình đầu tư tiết kiệm cho người lao động. Ví dụ, chương trình ở Mỹ thường được Dave nhắc đến là (Roth) 401K và (Roth) IRA, trong đó người lao động đóng một khoản cố định hàng tháng vào một tài khoản đầu tư từ lúc bắt đầu đi làm đến khi khoảng 60 tuổi. Về cơ bản, tùy theo lựa chọn của người lao động và chương trình của từng cơ quan, số tiền này thường được đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu. Mặc dù thị trường chứng khoán có thể lên xuống bất ổn nhưng nếu người lao động đầu tư lâu dài, không rút tiền ra, kiên nhẫn theo đuổi thị trường lên xuống (thay vì “nhảy sóng” như cách làm chứng khoán thông thường) thì đến cuối cùng, khoản tiền nhận được sẽ vẫn tăng đều ổn định. Để khuyến khích sự đầu tư lâu dài này, chính phủ sẽ đánh thuế rất cao và phạt tiền nặng nếu người đầu tư rút tiền ra sớm trước khi đủ 60 tuổi (chính xác là 59 tuổi rưỡi); như vậy, người đầu tư sẽ có động lực và kiên nhẫn để tiền trong tài khoản lâu dài hơn. Một số công ty có chính sách khuyến khích người lao động đầu tư về hưu bằng cách “match” (đóng góp tương đồng) một phần trăm nhất định số tiền người lao động bỏ vào tài khoản này. Ví dụ, nếu bạn đầu tư $50 thì công ty cũng sẽ bỏ vào tài khoản cho bạn 50% số đó là $25. Đây là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai về hưu từ khi còn đang đi làm.
Ở xã hội Việt Nam, mặc dù những chương trình như thế này chưa tồn tại, chúng ta cũng có thể học hỏi những phương pháp đầu tư tương tự để chủ động chuẩn bị cho tương lai. Cách làm đơn giản nhất là trích 15% thu nhập hàng tháng để vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng có sinh lãi. Cách làm nhiều rủi ro hơn nhưng nếu kiên trì đầu tư sẽ cho hiệu quả lâu dài là đầu tư 15% thu nhập hàng tháng vào những cổ phiếu và trái phiếu ổn định, có sinh lãi hàng năm với rủi ro thấp. Cũng áp dụng quy luật đầu tư như trên, số tiền đầu tư này là ổn định, lâu dài; ta cũng cần tự tạo áp lực cho mình để không rút tiền ra trước khi về hưu dù kẹt tiền đến đâu chăng nữa vì đây là khoản “để dành” cho tương lai. Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, ta có thể thuê chuyên gia tài chính để phân tích ban đầu và hướng ta đầu tư đúng hướng từ những ngày đầu tiên. Hiện nay ở Việt Nam cũng có nhiều chương trình bảo hiểm kết hợp đầu tư nhưng theo quan điểm của Dave Ramsey, bảo hiểm và đầu tư nên tách rời để đảm bảo sự chủ động và linh hoạt tốt nhất cho người đầu tư.
Bước 5: Tiết kiệm tiền học đại học/du học cho con cái
Nếu bạn có con, đây là một bước vô cùng quan trọng vì học phí đại học, đặc biệt là đại học xa nhà hoặc du học, là vô cùng đắt đỏ. Nếu bạn muốn đưa con đến tầm học vấn mà mình và con cái đều mong muốn, cần phải tiết kiệm từ khi con còn nhỏ để đến khi cần là có tiền hỗ trợ cho con. Rất nhiều người trẻ và gia đình đã lâm vào hoàn cảnh nợ nần chỉ vì tiền học đại học/du học với suy nghĩ rằng khi ra trường có thể kiếm lại được dễ dàng. Nhưng với hoàn cảnh hiện nay, không phải ai ra trường cũng kiếm được việc làm ngay từ năm đầu, và không phải việc làm nào cũng kiếm được nhiều tiền để trang trải đủ tiền gốc và tiền lãi ngân hàng ngày càng leo thang. Bởi vậy, nếu có thể để được một khoản cho con ngay từ sớm, để riêng ra hàng tháng, đầu tư đều đặn hàng năm thì tương lai tài chính, học vấn của con cái và gia đình sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều. Không bố mẹ nào muốn đưa con ra đời với một khoản nợ lớn, phải không?
Tuy nhiên, đối với nhiều gia đình, việc để riêng ra một khoản đầu tư tiền học cho con như thế này là rất khó vì nuôi một đứa trẻ ngày nay cần rất nhiều khoản tiền nhỏ như tiền ăn, học chính, học thêm, quần áo, hoạt động ngoại khóa… Nhưng trong quan điểm của tôi, nếu chúng ta dạy trẻ biết tiết kiệm, hài lòng với cuộc sống hiện tại, không đua đòi để cắt bớt những khoản chi nhỏ bây giờ nhằm đầu tư cho những khoản lớn sau này thì không chỉ tốt hơn cho tương lai của trẻ mà còn dạy được cho trẻ cách nhìn cuộc sống với lăng kính rộng hơn. Những khoản tiền nho nhỏ như cái quần, cái áo, đôi giày, đồ chơi… nhiều khi là không cần thiết nhưng cha mẹ vẫn chiều và mua cho con, những khoản này nếu có thể cắt giảm đi để riêng cho tương lai của con sau này thì dần dần sẽ tạo được thành một khoản không hề nhỏ. Ngay chính bản thân tôi khi nhìn lại quá khứ tuổi thơ được bố mẹ yêu chiều cho mua nhiều thứ xa xỉ, lớn lên thì được cho đi làm đẹp như nhuộm tóc, sơn móng tay…; đôi lúc tôi ước những khoản tiền đó có thể dành lại để lo cho sau này thì tốt biết mấy. Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ rằng, “trời sinh voi, trời sinh cỏ” cứ nuôi con lớn lên rồi ắt sẽ có tiền lo cho con. Nhưng thực sự, nếu ta có mục tiêu rõ ràng hơn thì việc nuôi dạy con và tiết kiệm tiền cũng sẽ có mục đích hơn; không chỉ cha mẹ mà con cũng có thể đóng góp về tinh thần và vật chất cho mục đích lớn phía trước.
Bước 6: Trả hết tiền trả góp nhà — sở hữu hoàn toàn ngôi nhà của mình
Nếu bạn mua nhà trả góp (xem bước 3B phía trên), đây là bước mà bạn tiến hành trả hết toàn bộ tiền nhà và sở hữu toàn bộ căn nhà cho mình. Nếu bạn đã có nhà riêng, bạn có thể bỏ qua bước này. Về kế hoạch trả tiền nhà, Dave Ramsey cho rằng khi bạn chỉ nên lập kế hoạch trả hết trong vòng 15 năm mà thôi. Nghiên cứu cho thấy những người có kế hoạch trả lâu hơn 15 năm (như 20, 30 năm), thường bị mất động lực, kéo dài thời gian trả nợ lâu hơn hạn định; trong khi đó, những người đặt kế hoạch 15 năm thường trả hết nợ sớm hơn hạn định. Ngoài ra, trong thời gian dài hàng thập kỷ như vậy, có rất nhiều việc có thể xảy ra đối với một con người/một gia đình; bởi vậy, càng rút ngắn thời gian trả nợ, ta càng tập trung và giảm bớt xao nhãng, sai số, bất trắc trong kế hoạch của mình. Phương pháp trả hết tiền nhà cũng tương tự phương pháp trả nợ ở Bước 2.
Bước 7: Xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh và giúp đỡ cho người khác
Sau khi đã hoàn thành được hết 6 bước kể trên, ta đã hoàn toàn trở nên “độc lập về tài chính” – ta trả hết nợ, có đủ tiền tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp, đầu tư cho kế hoạch về hưu, đầu tư cho học tập của con cái, sở hữu nhà của mình. Bước cuối cùng chính là làm giàu và giúp đỡ cho người khác. Làm giàu ở đây có nghĩa là bên cạnh những khoản tiền đầu tư ổn định cho tương lai, nếu còn khoản rảnh rỗi, ta sẽ tiếp tục đầu tư vào những mặt mạo hiểm hơn nhưng có khả năng cho thu nhập cao hơn như kinh doanh, địa ốc, cổ phiếu mới… Khác với những cuốn sách dạy làm giàu, quan điểm Dave Ramsey hướng tới sự ổn định, tự chủ về tài chính trước (từ bước 1 đến bước 6), sau đó mới đến làm giàu (bước 7). Với cách làm này, ta có thể xây dựng nền tảng vững chắc về tài chính để nếu không may có thua lỗ, thất bại thì cũng không đến mức bị đẩy vào đường cùng. Đồng thời, ta cũng có thể lo cho gia đình và con cái mình một nền tảng tài chính tốt, song song với quá trình làm giàu thêm cho bản thân và phát triển sự nghiệp riêng.
Dave Ramsey cũng nhấn mạnh việc giúp đỡ người khác về mặt tài chính, thông qua quá trình làm từ thiện, quyên góp, tặng tiền cho các tổ chức và những người có hoàn cảnh khó khăn. Dave cho rằng sai lầm thường gặp nhất của mọi người là lối suy nghĩ càng bo bo giữ tiền thì sẽ càng giàu có. Nhưng thực tế, càng rộng rãi, càng thoải mái với đồng tiền thì con người sẽ càng được giải phóng khỏi đồng tiền, tự tin hơn, thu hút được nhiều người, nhiều mối quan hệ tốt hơn, và từ đó, trở nên giàu có hơn. Vì vậy, song song với việc kiếm tiền và tiết kiệm tiền, ta còn phải cho tặng tiền nữa. Đó không chỉ là việc nên làm mà còn là việc cần phải làm, theo quan điểm của Dave để có sự thịnh vượng tài chính. Là người theo đạo Thiên Chúa, Dave khuyên mọi người đóng góp 10% thu nhập hàng tháng cho nhà thờ để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn đang nương tựa nơi đây. Nhưng mỗi người đều có quyền tìm cho mình một địa chỉ hay một cá nhân nào đó thực sự cần để chia sẻ nguồn tài chính của mình, đó có thể là một người bạn quen biết đang gặp khó khăn, một tổ chức tình thương mái ấm cần hỗ trợ, hay những mảnh đời bất hạnh đang cần giang tay trợ giúp.
Bước thứ 7 này sẽ không chỉ giúp ta trở nên giàu có, mà con khiến cuộc sống của ta trở nên thịnh vượng, có ý nghĩa, và hạnh phúc hơn với đồng tiền mình kiếm được.
===
Tôi hy vọng bài viết về 7 bước tiến tới tự do tài chính này phần nào giới thiệu được tới bạn đọc góc nhìn của chuyên gia tài chính Dave Ramsey – dưới quan điểm liên hệ của tôi – một người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Sau một thời gian đọc rất nhiều sách và tài liệu về quản lý tài chính cá nhân, tôi vẫn luôn thấy mình quay trở lại 7 bước này vì dường như đây là con đường rõ ràng nhất, dễ hiểu nhất (mặc dù không hề dễ dàng) và đã được chứng minh hiệu quả, giúp được rất nhiều người thành công. Nó còn truyền cảm hứng cho những ai đang gặp khó khăn tài chính rằng bạn không cần có quá nhiều kiến thức thâm sâu về tài chính, thậm chí không cần quá giỏi tính toán – những quy luật đơn thuần về quản lý đồng tiền, cùng với những phép cộng trừ, nhân chia đơn giản nhưng với tinh thần và kỷ luật thép có thể đưa bất cứ ai (bất cứ ai!) đến với thành công.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Sweet Love says
Hi Chi,
Cám ơn Chi đã chia sẻ bài viết. Mình hiện tại đang là một nhân viên làm công việc hành chính tại Hà Nội. Sau 3 năm đi làm mình cũng đã tiết kiệm được một khoản tiền cho tương lai song mình luôn nung nấu ý định kiếm thêm nguồn thu nhập như: mình mới nghĩ đến đi học đầu tư chứng khoán hoặc buôn bán online, thậm chí nghĩ đến mở cửa hàng buôn bán cho riêng mình nhưng vẫn chỉ là ý tưởng? Chi có thể chia sẻ về cách làm thế nào để thu nhập của mình lớn hơn 1 nguồn được không? Cám ơn Chi <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Mình không phải là chuyên gia tài chính nhưng dựa trên những gì mình học hỏi được từ phương pháp nói trên, nếu bạn không có nợ nần và đã tích lũy được đủ 6 tháng tiền tiêu hàng tháng (không đụng tới) thì khoản nhàn rỗi có thể đầu tư. Mình nghĩ đầu tư hình thức nào là tùy vào khả năng của bạn. Nếu bạn không có nhiều thời gian rảnh và chỉ muốn đầu tư để đó, sinh lãi lâu dài thì nên để vào nhiều loại chứng khoán có tăng trưởng ổn đinh khoảng 8-12% hoặc hơn/năm (loại nào cụ thể thì bạn cần học, nghiên cứu thêm, hoặc tham khảo tư vấn). Nếu bạn có thời gian hơn và tâm huyết với kinh doanh một mặt hàng nào đó thì có thể mở cửa hàng buôn bán thêm, loại hình này bạn có tính linh hoạt và quản lý được tốt hơn nhưng cần nhiều thời gian đầu tư hơn. Chi chúc bạn sớm đạt được tự do tài chính!
Sweet Love says
Mình cám ơn Chi nhiều. Hy vọng sớm có được những bài viết mới của bạn. Mình mới biết đến Chi trong khoảng thời gian hiện nay và nhờ có Chi mình đã định hướng được nhiều điều hay trong cuộc sống. Xin tiếp tục được đồng hành cùng Chi.
Hảo Nguyễn says
Cảm ơn chị Chi đã viết bài thật bổ ích ạ. Em cũng đang tìm đọc về tự chủ tài chính và cũng gặp khúc mắc ở phần đầu tư ở Việt Nam ^^. Hi tuần nào cũng chờ bài đọc từ chị.
Thành says
“sỉnh ra và lớn lên tại Việt Nam”.
Sửa lỗi chính tả.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã góp ý. Mình đã sửa lại lỗi đánh máy trên bài viết 🙂
Hùng Nguyễn says
Em thực sự thích những bài viết về nội dung này. Mong chị sẽ có nhiều bài viết hơn nữa.
Ho thuc anh says
Hi Chi!
Cảm ơn Chi đã chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích cho bạn đọc thông qua Thepresentwwriter. Mình có một băn khoăn là Chi sẽ có một bài viết chi tiết hơn về làm thế nào để sở hữu một ngôi nhà riêng của mình không?. Mình ở Hà Nội và đã đổi nhà 2 lần nhưng chưa hề thấy thoải mái với quyết định của mình. 2 lần đổi này mình chỉ vay tiền người thân, chưa vay ngân hàng và đã trả hết nợ. Hiện tại, mình có nên vay tiền ngân hàng để đổi nhà một lần nữa không hay mình tiết kiệm để đầu tư vào bất động sản rồi đổi sau.
Thân.
Chi Nguyễn says
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã đọc bài viết! Vì mình chưa từng có kinh nghiệm mua nhà riêng cho bản thân mình nên mình chưa thể chia sẻ được chi tiết. Nhưng mình đang tiến tới kế hoạch mua nhà trong tương lai theo hướng dẫn của Dave Ramsey mình đã viết trong bài. Bạn có thể tham khảo về số lượng tiền đặt cọc và vay như tác giả giới thiệu, mình chủ quan nghĩ cũng có thể áp dụng được vào hoàn cảnh ở Việt Nam: “Nếu bạn đang nghĩ đến việc mua nhà riêng, Dave khuyên bạn cũng có thể tiết kiệm cho tiền đặt cọc nhà (down payment) ở bước này – gọi là Bước 3B. Bước 3B có nghĩa là sau khi bạn đã tiết kiệm được 3-6 tháng tiền tiêu dùng rồi, bạn sẽ tiếp tục tiết kiệm cho đủ số lượng tiền đặt cọc nhà yêu cầu. Tùy vào nơi bạn muốn mua và giá trị căn nhà, tiền đặt cọc có thể sẽ khác nhau nhưng về cơ bản, bạn muốn tiết kiệm khoảng 20% giá trị toàn căn nhà để không phải vay nợ trả góp quá nhiều. Để biết bạn có khả năng trả góp phần còn lại của căn nhà hay không, Dave cho rằng bạn không nên mua căn nhà nào mà tiền nhà + tiền lãi hàng tháng lớn hơn 25% thu nhập của bạn sau thuế. Con số 25% này cho phép bạn có thể duy trì được căn nhà và tập trung khoản tiền dư trả nợ nhà dứt điểm. Nhiều hơn 25% thì quá mạo hiểm, nếu có vấn đề gì xảy ra với thu nhập thông thường của bạn thì bạn cũng sẽ dễ mất luôn căn nhà”
HO THUC ANH says
Cảm ơn Chi!
Mình sẽ tìm đọc kĩ hai cuốn sách của Dave mà Chi đã chia sẻ. Hy vọng sẽ đọc được nhiều bài viết của bạn hơn nữa.
Hậu says
Bảo hiểm nhân thọ chính là một hình thức tiết kiệm có kỷ luật, ngoài ra bạn cũng có thể chọn gói sản phẩm đầu tư lâu dài. Mọi người nên nghiên cứu bảo hiểm nhé.
Dukas Fam says
Cảm ơn Chi về bài viết bổ ích, mình cũng muốn tìm cuốn sách này để đọc nhưng hiện ở Việt Nam chưa có bản dịch.
Phạm Thu Phương says
lần tìm lại bài viết của Chi để đọc, mỗi lần đọc lại có thêm nhiều suy nghĩ mới cho việc quản lí chi tiêu bản thân! Chúc Chi tuần mới vui vẻ
Robert Tran says
Dear Ms Chi,
Thật may mắn vì em đã được tiếp cận các bài viết của chị.
Em cảm ơn những chia sẻ vô cùng hữu ích của chị.
Chị Chi có thể vui lòng share ebook các cuốn sách của Mr Dave Ramsey (The total money makeover) không ạ? em đang rất muốn đọc các cuốn sách đó ạ.
em cảm ơn chị rất nhiều!
Chi Nguyễn says
Chào em. Em có thể mua và đọc tất cả ebook trên Amazon Kindle (nếu ko có Kindle em có thể dùng Kindle app trên điện thoại).
Sang Bui says
Dear Ms. Chi
Em cảm thấy rất may mắn khi biết đến blog này của chị, và ước giá như mình biết đến chị và blog này sớm hơn. Em đã mua cuốn sách của chị, và rất thích nó. Thực sự blog này đã thay đổi suy nghĩ và hành động của em rất nhiều. Em thực sự rất biết ơn về những năng lượng tích cực mà chị truyền tới. Nhân nói về tài chính, chị Chi có thể chia sẻ những suy nghĩ của chị về bảo hiểm được k ạ? E có ý định mua bảo hiểm, nhưng dạo gần đây bảo hiểm có quá nhiều scandal kể cả những hãng lớn. E thực sự thấy mất niềm tin và đắn đo, nếu có thời gian chị Chi có thể viết về bảo hiểm một kênh đầu tư được coi là an toàn được k ạ??? Chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe và luôn gặp nhiều niềm vui và may mắn ạ.
Chi Nguyễn says
Chào em. Chị ở Mỹ có 2 vợ chồng và con nhỏ thôi nên rất cần bảo hiểm. Chị có bảo hiểm sức khoẻ cho 3 người (từ chỗ làm) và mua thêm bảo hiểm nhân thọ cho 2 vợ chồng phòng trường hợp có gì bất trắc thì con không phải thiếu thốn (một phần bảo hiểm nhân thọ chỗ làm chị chi trả, một phần chị đóng thêm tầm $50/tháng cho cả 2 vợ chồng). Chị biết ở VN có nhiều hình thức bảo hiểm kèm với đầu tư nhưng chị không làm vì chị muốn đầu tư và bảo hiểm riêng rẽ. Nhưng nếu ở VN kênh đầu tư ít thì mình có thể tìm hiểu thêm hình thức này. Ở Mỹ thì chắc chắn chị không làm.
Slash Photography says
Chào Chi,
Bài viết rất hay, cám ơn Chi đã chia sẽ.
Hiện nay vợ chồng mình đang gặp vấn đề về quản lý tài chính, nên khi đọc bài này và 2 bài về FIRE mình nhận thấy đây là đích đến của mình.
Cám ơn Chi đã truyền thêm cảm hứng và kiến thức để mình có thể tự do trong cả cuộc sống và tâm hồn.
Phuong Bich says
Chào chị, em mới biết và follow chị qua kênh Youtube, thực sự rất cảm ơn chị đã share nhiều kiến thức, kỹ năng, lối sống cực kỳ hữu ích đối với em. Khi đọc bài này, em có thắc mắc sau mong được chị tư vấn thêm: Bước 2 là trả hết các khoản nợ nhưng mỗi khoản nợ là một số tiền lớn và cần góp một thời gian mới có thể trả được thì số tiền hàng kỳ góp vào để trả nợ nên để kênh nào ạ?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Nếu có thể, cách tốt nhất là em trả ngay lập tức từng phần của khoản nợ để giảm lãi suất hàng tháng, cách này không chỉ tốt về mặt tài chính mà còn tốt về mặt tinh thần vì nó thúc đẩy mình trả nợ nhanh hơn khi thấy số dư nợ đi xuống theo thời gian. Nếu khoản nợ của em bắt buộc phải trả “một cục” duy nhất thì em có thể để số tiền tiền kiệm vào đâu đó như tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn với mức lãi suất xấp xỉ (hoặc cao hơn càng tốt) với số tiền lãi hàng tháng em phải trả nợ. Nhưng tốt nhất là trả càng sớm càng tốt, càng trả vào gốc thì lãi mình sẽ càng giảm, quá trình trả nợ sẽ nhanh hơn
Phuong Bich says
Em cảm ơn chị nhiều đã phản hồi nhé, tiện đây em hỏi thêm em có thể mua cuốn sách “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” của chị ở kênh nào được ạ?
Hiện tại em tìm ở tiki, fahasa đều hết hàng rồi ạ
Chi Nguyễn says
Sách của chị đang trong quá trình tái bản. Chị sẽ thông báo khi có sách mới nhé!
Ngô Văn Qúy says
cảm ơn chị vì bài chia sẽ này, chị cho em hỏi quyển sách THE TOTAL MONEY MAKEOVER đã có bản dịch chưa ạ? hiện tại em mới biết đến nó nhưng không biết tìm mua ở đâu? cảm ơn ạ.
Minh Nguyễn says
Chào bạn,
Mình cũng đang tìm kiếm quyển sách Total Money Makeover bản tiếng Việt.
Tin vui là mình có biết được Quyển sách đã được dịch và phát hành ở Việt Nam với tựa là “Kế Hoạch Tài Chính Phù Hợp” và cũng có cả audiobook để nghe khá thuận tiện. Bạn có thể search để nghe.
Tuy nhiên, khi mình tìm mua sách giấy để đọc và thực hành thì hiện tại (năm 2021) không tìm thấy nơi nào có bán. Có thể do sách không còn được tái bản nữa.
Mình xin chia sẻ chút thông tin mình biết, hy vọng sẽ giúp được bạn và mọi người.
Nếu ai biết chỗ nào bán quyển sách bản tiếng Việt “Kế Hoạch Tài Chính Phù Hợp” của Dave Ramsey xin thông tin giúp mình.
Cám ơn Chi Nguyễn và các bạn rất nhiều.
Jason says
Chào Chị Chi Nguyễn,
Em thấy bài viết chị rất hay. Em muốn chia sẻ cho bạn bè trên FB được xem bài của Chị. Không biết chị có chấp nhận không ạ?
Em xin cảm ơn…
Chi Nguyễn says
Em có thể chia sẻ với dẫn link gốc nhé!
Hương Nguyên Thị Thanh says
Em cảm ơn chia sẻ của của chị Chi ah. Các bài viết của chị rất bổ ích. Em biết ơn chị ^^
Bố tủn says
Sách của Dave rất hay, và dòng suy nghĩ của CHi cũng rất hay. MÌnh log-in chỉ để cám ơn Chi vì đã làm rõ vấn đề hơn, cám ơn CHi rất nhiều
Quynh Sato says
Cảm ơn bài viết của chị Chi rất nhiều. thật sự em sắp bước sang tuổi 21 và em đang phải trải nghiệm cuộc sống từng chút một nhưng cứ loay hoay mãi và chẳng có gì rõ ràng cả, cũng không biết bắt đầu từ đâu. Em biết chị Chi lâu rồi, nhưng mà tới giai đoạn này lục lại xem những video về định hướng kế hoạch tương lai, Dream life hay là quản lý tài chính như thế nào của chị thật sự có ích luôn, kiểu như ồ thì ra cuối cùng mọi thứ đều có phương pháp và đều có từng bước thực hiện rõ ràng. Yay, em cũng mua cuốn sách của chị rồi, thật sự rất là hay và em được mở mang thêm nhiều góc nhìn mới về phong cách sống í. Cảm ơn chị Chi rất nhiều, em chúc chị ra nhiều nội dung hay và có ích như vậy nữa nhaa, chúc chị sức khỏe ạ!
Tracy Nguyen says
Cam on Chi! Minh cung o My ne, bai viet rat hay va bo ich. Minh se thuc hien theo. Rat ne phuc y chi kien cuong , hoc hoi cua Chi!
Nhi Tran says
Em cám ơn bài viết của chị nhiều lắm. Nhờ chị em đã tìm đọc thêm sách của Dave Ramsey trong giai đoạn tài chính của em đang xuống dốc. Chị có thể gợi ý nơi mình có thể giữ emergency fund được không chị? Vì em biết tại Mỹ có một số online banking có high yield interest cho saving account tuy nhiên em không biết tính thanh khoản có nhanh hay không? Và với các nguồn quỹ khác thì ngoài việc mình đầu tư thì đâu sẽ là nơi mình save money an toàn nhất ha chị? Em cám ơn chị rất nhiều.
Chi Nguyễn says
Chi gửi ở high yield saving account ở ngân hàng PNC bên Mỹ thấy rất nhanh, thanh khoản ngay lập tức