Từ khi blog ra đời, tôi đã viết khá nhiều bài về Chủ nghĩa tối giản, đa phần tô đậm ý nghĩa tích cực của phong cách sống này. Đây là bởi tôi thực sự tin vào Chủ nghĩa tối giản và khả năng của nó để làm thay đổi cuộc sống của con người theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cũng như mọi thứ trên đời, Chủ nghĩa tối giản cũng có những điểm hạn chế nhất định. Mặc dù những hạn chế này, theo quan điểm của tôi, là không quá lớn, việc đề cập đến chúng là rất quan trọng để ta có cái nhìn đa chiều hơn về phong cách sống này. Tôi hy vọng bài viết này giải đáp được những khúc mắc của bạn đọc trong quá trình tìm hiểu và thực hiện phong cách sống tối giản.
5 Hạn Chế của Chủ Nghĩa Tối Giản
1. Phải giặt đồ thường xuyên. Với việc có một số lượng ít quần áo, thường xuyên được quay vòng và mặc đi mặc lại nhiều lần trong thời gian ngắn, ai đang xây dựng tủ quần áo tối giản đều cần cân nhắc đến việc giặt đồ nhiều hơn mỗi tuần. Ở Mỹ, việc giặt đồ này đối với tôi không phải vấn đề quá lớn vì hầu như nơi nào cũng có máy giặt và máy sấy khô (dryer machine). Loại máy sấy khô này có công suất rất cao, cho phép sấy quần áo mới giặt từ khi còn ướt lẹp nhẹp ra thành khô cong như được phơi nắng mấy ngày. Môi trường bên đó cũng khá sạch sẽ và khô ráo nên quần áo sáng màu có thể mặc ra ngoài đường vài ngày mà vẫn chưa thấy cần giặt lắm. Trong khi đó, loại máy sấy khô này lại chưa phổ biến ở Việt Nam (mặc dù các cửa hàng điện máy đã có bán), quần áo chủ yếu được giặt ướt rồi treo lên dây phơi đợi hong khô. Điều này dẫn đến việc ta phải đợi vài ngày mới có thể mặc được món đồ mới giặt, chưa kể những ngày mưa ẩm rồi thiếu nắng thì thời gian chờ đợi có thể phải lâu hơn nữa. Môi trường sống ở các thành phố lớn ở Việt Nam cũng bụi bặm và ô nhiễm hơn, khiến nhu cầu giặt giũ cũng nhiều hơn.
Để khắc phục hạn chế này, nếu có điều kiện về vật chất và không gian, mỗi gia đình hoặc các hộ gia đình sống chung/liền kề rất nên cân nhắc mua một cái máy sấy khô. Ngoài lý do nêu trên, máy sây khô còn tiết kiệm được nhiều thời gian phơi phóng, rút quần áo (đặc biệt ở những nhà đông người mà thiếu không gian phơi) và rất tiện dụng cho những ai đang có con nhỏ cần giặt giũ hàng ngày. Chỉ có lưu ý là không nên quá lạm dụng máy giặt – máy sấy, ví dụ như vẫn nên giặt tay những món đồ không thể giặt máy hoặc cho đồ mỏng manh vào túi giặt máy chuyên dụng… Nếu chưa có điều kiện sắm máy sấy khô, ta cũng có thể giảm thiểu tần suất giặt đồ bằng cách mặc một cái áo khoác nhẹ, tối màu, size lớn bên ngoài để ngăn bụi bặm, mưa bẩn khi đi ngoài đường. Ngoài ra, mỗi lần tắm rửa có thể tranh thủ giặt và phơi nhanh những món đồ nhỏ, nhẹ để tránh tình trạng đồ bẩn bị dồn ứ, dẫn đến thiếu quần áo mặc hàng ngày.
2. Không còn liều “doping” mua sắm. Một điều mà tôi rất phản đối nhưng không thể phủ nhận, đó là cảm giác hưng phấn ngay tức thì sau khi mua được một món đồ mới. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều chị em vạ vật, bờ phờ xếp hàng tới 2-3 giờ sáng trước các cửa hiệu thời trang dịp Black Friday bên Mỹ. Một phút trước khi được vào mua, trông họ khổ sở tưởng như sắp gục đến nơi, nhưng một phút sau khi mua được hàng rồi thì thần thái họ khác hẳn hoàn toàn, vui vẻ cười nói, đi lại chạy nhảy hệt như vừa được tiêm một liều doping vậy. Mặc dù cảm giác hưng phấn này có thể chỉ diễn ra trong vài phút, nó cũng là cái bẫy khiến mọi người không ngừng mua sắm, thậm chí coi mua sắm là liều thuốc tiên để giải toả tâm lý khi buồn chán. Với việc tối giản hoá cuộc sống và nói không với mua sắm vô độ, vô hình chung ta cũng mất đi liều “doping” này.
Tuy nhiên, mặt tích cực của hạn chế này là nó bắt con người phải tìm ra những giải pháp tốt hơn để giải toả tâm lý. Ví dụ như thay vì cứ có chuyện khúc mắc là lại rẽ ngay vào hàng quần áo hay đi ra siêu thị, chúng ta buộc phải ngồi lại ngẫm nghĩ một chút về nguyên nhân của sự việc, đối mặt với vấn đề của bản thân, và nói chuyện thẳng thắn với những người làm tổn thương mình. Đối với tôi, việc từ bỏ liều “doping” mua sắm là một dấu hiệu của sự trưởng thành. Ngoài ra, vì các món đồ mình mua đều được cân nhắc kỹ, theo dõi lâu dài trên danh sách, cân đo giữa “muốn mua” và “cần mua” (xem kỹ hơn so sánh này ở đây), cảm giác khi được sở hữu một món đồ mới còn thoả mãn hơn và kéo dài lâu hơn khi mua chộp giật, vội vàng như trước đây nhiều lần.
3. Khó để giải thích với những người khác lối sống. Bởi vì Chủ nghĩa tối giản là một khái niệm trừu tượng, là một phong cách sống mà chỉ có mỗi cá nhân mới có thể hiểu được qua trải nghiệm thực tế, rất khó để giải thích với người khác thế nào là Chủ nghĩa tối giản. Sẽ không có người ông, bà, bố, mẹ nào thấy ổn khi con mình tự dưng bỏ đi hết đồ đạc mà tốn bao nhiêu công của có được, cũng không có người con nào hiểu được ngay khi bố mẹ tự nhiên bỏ đi hàng loạt các món đồ bao năm của gia đình. Và chúng ta cũng không có quyền để ép người khác thay đổi lối sống của họ. Tối giản hay không tối giản đó là nhận thức và quyền lựa chọn của riêng của mỗi người, không có lý do gì để áp đặt lên người khác (đọc thêm về ý này ở đây). Do vậy, đôi khi sống theo Chủ nghĩa tối giản cũng đồng nghĩa với việc đơn độc đi ngược lại thói quen của số đông. Bạn sẽ nhận ra rằng mình phải nói “không” nhiều hơn (với đồ miễn phí, đồ cũ người khác cho mình, các lời mời đi mua sắm…), trong khi đó lại rất khó để giải thích tại sao mình phải từ chối. Làm sao để giải thích cho những người ở thế hệ trước, những người quen sống với nhiều đồ đạc, những người ít dọn dẹp… thế nào là Chủ nghĩa tối giản và cảm giác nhẹ nhõm, tự do, thanh thản khi có ít đồ như thế nào?
Điểm hạn chế này thực ra cũng là động lực để tôi viết về chủ đề này trên blog. Tôi nghĩ rằng quá trình đọc sẽ cho phép mọi người tiếp nhận thông tin một cách chủ động hơn, bạn đọc sẽ có thời gian để suy nghĩ, nghiền ngẫm về phong cách sống này, và tự cân nhắc xem nó có phù hợp với cuộc sống của mình không. Điều này hiệu quả hơn nhiều việc trực tiếp tìm người nghe để kể lể, diễn giải bằng lời. Vì vậy, nếu bạn đọc cảm thấy muốn chia sẻ với những người thân của mình về Chủ nghĩa tối giản, bạn có thể chia sẻ ngay blog này và những kênh thông tin online/sách báo tương tự để người thân tự ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm.
4. Cuộc sống có thể vẫn bị đồ đạc chi phối. Điểm trớ trêu của việc thay đổi phong cách sống (bất cứ phong cách nào) là con người rất dễ đi từ cực này sang cực kia. Nếu như Chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) khiến mọi người sống nặng nề về mua sắm, tích trữ vật chất, khiến đồ đạc leo thang chi phối, bóp nghẹt cuộc sống của mình thì Chủ nghĩa tối giản lại khiến nhiều người trở nên “ám ảnh” với việc ngày nào cũng phải nghĩ ra bỏ đi một vài món đồ. Họ còn có xu hướng không ngừng đếm đồ đạc của mình và so sánh bản thân với người khác xem ai “tối giản” hơn ai. Quay trở lại mục đích cốt lõi của Chủ nghĩa tối giản là giải phóng con người khỏi đồ đạc và những thứ không còn ý nghĩa để tập trung thời gian và năng lượng vào những điều tích cực hơn, việc suốt ngày quay quanh đồ đạc của mình, dù là để mua thêm hay để bỏ đi, cũng là không hiệu quả.
Khá nhiều bạn đọc blog đã email hoặc comment chia sẻ rằng bạn dần trở nên “ám ảnh” với việc bỏ đồ đạc và hỏi tôi cách vượt qua vấn đề tâm lý này. Cá nhân tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác như vậy nên cũng phải mất một thời gian phân tích, tìm hiểu tôi mới có thể phần nào giải đáp được vấn đề này. Thứ nhất, tôi nhận thấy những người trải qua giai đoạn “ám ảnh” này thường mới sống theo Chủ nghĩa tối giản được một thời gian không lâu, mà khi vừa tiếp xúc với cái mới, ta thường dễ phấn khích và trở nên quá đà. Cái này có thể điều chỉnh dần dần qua thời gian và trải nghiệm. Thứ hai, cá nhân tôi cảm thấy việc đếm đồ đạc là hơi thái quá (đọc thêm quan điểm của tôi ở đây), vì vậy bạn có thể cân nhắc ngừng việc này nếu cảm thấy bị “ám ảnh” với việc phải bỏ đồ đi hàng ngày. Thứ ba, bạn có thể chuyển năng lượng của mình sang một việc khác. Tôi nghĩ sở dĩ mình không mắc phải vấn đề này là vì khi vừa trải qua một cuộc “cách mạng” về lối sống vào mùa hè năm 2015, tôi bước ngay vào một kỳ học mới đầy bận rộn. Chính sự bận rộn này giúp tôi chuyển hoá năng lượng vào những việc có ích khác, thay vì chỉ quay quanh đồ đạc của mình. Vì vậy, tôi rất khuyên bạn nào cảm thấy bị mất cân bằng có thể tập trung vào học tập, công việc, tập thể thao… liên tục trong một thời gian để tìm lại sự cân bằng tốt hơn.
5. Không biết sử dụng thời gian rảnh hiệu quả. Sau một thời gian áp dụng tư duy tối giản vào mọi mặt của cuộc sống, bạn sẽ bỗng chốc cảm thấy mình có thêm nhiều thời gian rảnh. Và điều này có thể sẽ rất “có vấn đề”. Ví dụ như trước đây buổi sáng cuống cuồng nhảy ra nhảy vào nhà tắm, lặn ngụp trong đống quần áo chất như núi mà vẫn “không biết mặc cái gì”, rồi định trang điểm cũng không tìm đâu ra cây cọ chuẩn trong số hàng chục cây hỏng mà không vứt… mất đứt một tiếng rưỡi đồng hồ. Bây giờ tất cả các công đoạn trên chỉ mất chừng 15-30 phút vì thời gian tắm rửa đã đi vào nếp, mặc quần gì áo gì chỉ liếc qua là biết, trang điểm cũng nhanh hơn, các bước thao tác nhanh gọn, tối giản. Vậy hơn một tiếng dôi dư ra nên làm gì? Đó chỉ là buổi sáng, nếu áp dụng tư duy tối giản vào công việc, tập trung cao độ để đạt hiệu quả cao nhất, bạn sẽ còn dôi dư ra thêm nhiều thời gian nữa. Đột xuất trở nên “nhàn” cũng sẽ khiến ta lúng túng. Từ đó dễ sa đà vào điện thoại, máy tính, mạng xã hội, chơi game online…dẫn đến tốn nhiều thời gian hơn và có thể càng ngày càng lười hơn nữa.
Đây là một điểm hạn chế của Chủ nghĩa tối giản mà tôi ước mình biết được sớm hơn vì bản thân tôi đã từng rất lúng túng để tận dụng thời gian trống của mình thuở ban đầu. Sau này, khi mọi thứ đã ổn định, tôi có xây dựng một hệ thống habits & routines để sống tích cực hơn và tối ưu hoá thời gian mình có. Bạn đọc có thể tham khảo những bài viết về chủ đề này ở bài viết này để có thêm ý tưởng sử dụng tốt nhất thời gian rảnh của mình. Nếu được quay lại, tôi sẽ lập kế hoạch trước cho khoảng thời gian rảnh sau khi tối giản hoá cuộc sống, tránh xa smartphone, dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và trò chuyện nhiều hơn với những người tôi yêu thương.
***
Tôi hy vọng bài viết này giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về Chủ nghĩa tối giản. Tôi muốn bạn biết rằng đây không phải là một phong cách sống hoàn hảo bởi vì cuộc sống vốn không hoàn hảo. Nhưng chúng ta có thể tối ưu hoá cuộc sống, để nó dần hoàn hảo theo cách riêng của mình 🙂
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Chị Phương says
Sống theo chủ nghĩa tối giản, cận Tết chị vẫn đi làm bình thường đến 7-8h tối mới về. Không còn cái cảnh như hồi xưa là buổi trưa tranh thủ đi sắm đủ thứ từ quần áo, giày dép đến đồ Tết cho bố mẹ và Tết tha lôi đi xe khách về nhà. Hay việc mệt mỏi khi nghĩ đến chuyện dọn căn phòng mình đang ở để về Tết.
Sáng nay, chị dành ra khoảng 15phút để pack đồ chỉ gồm 1 vài bộ quần áo mặc Tết, dây sạc, kindle đọc sách rồi để đó và đi làm. Chiều nay làm xong ung dung nhẹ nhàng bế em chó về quê.
Năm 2016, điều tuyệt vời nhất là đọc được các bài viết của em Chi về CNTG, cuộc sống của chị đã thay đổi theo hướng rất tích cực. Cám ơn em Chi nhiều!
Chúc em đón Tết vui vẻ bên người thân!
Chi Nguyễn says
Đọc chia sẻ của chị về việc chuẩn bị Tết em thấy thật bình yên. Lần này về Hà Nội em cảm thấy cuộc sống nhanh hơn trước nhiều, càng thấy khâm phục hơn những người sống chậm lại được ở môi trường như thế này. Em rất vui vì được trở thành một phần trải nghiệm của chị trong năm 2016. Em chúc chị thật nhiều niềm vui trong năm mới <3
Giang Đỗ says
Em có cảm giác cả đời em sống với chủ nghĩa tối giản – tiếp thu từ cả lối sống gia đình, hồi chuyển nhà ngoài mấy đồ furniture lớn vứt lại nhà cũ thì đồ còn lai của cả gia đình đóng ra mỗi mấy cái thùng các tông, xe gia đình chở 2 chuyến thì hết. Từ lúc biết đây là 1 kiểu phong cách sống và mọi người ngoài kia khổ sở với đồ đạc thì tặc lưỡi “ô hóa ra thế giới này khác biệt với mình vậy à” :))
Chi Nguyễn says
Nếu em đã sống được theo Chủ nghĩa tối giản từ khi còn nhỏ rồi thì chắc chắn là có nhiều điều là hiển nhiên với em những lại khác biệt với người khác :). Đặc biệt những người chưa bao giờ chuyển nhà hoặc ở một chỗ từ 20-30 năm trở lên thì lại càng khó để thay đổi tư duy hơn. Chị nghĩ cuộc sống của em hẳn sẽ dễ chịu hơn nhiều những người lúc nào cũng ôm khư khư đồ đạc cũ. Có trải nghiệm gì thú vị khi em gặp những người nhiều đồ đạc không?
Giang Đỗ says
Thật ra thì em không thấy thú vị, em chỉ thấy họ sao nặng nề quá, phiền quá chừng. Với người đứng tuổi thì hay có kiểu đồ đạc cũ cả năm chả dùng nữa, chai lọ hộp tích đầy sân thương/gác mái/gầm cầu thang, hoặc nhà có ít người nên nồi niêu to to nặng nặng sẽ bỏ xó năm thì mười họa mới động… dọn nhà mà em mang quẳng sẽ bù lu bù loa và kêu em không biết tiết kiệm =)))) rồi kêu em hời hợt không biết trân quý đồ kỷ niệm (đồ em được tặng mà k có giá trị sử dung, chỉ để trưng bày thì em toàn pack vào hộp cất tủ, lâu lâu dọn thì chụp lại cái ảnh rồi …thôi giải tán – bụi lắm).
Còn bạn bè người trẻ mà nhiều đồ thì chủ yếu là shoppingholic :)) chà bá ơi holic đúng nghĩa luôn, mấy chục đôi giày rải dọc nhà với vài tủ quần áo chẳng hạn – giày túi thì lâu lâu phải mang ra lau phơi, quần áo chả nhớ là mình có gì để mặc luôn ấy – nên em mãi mãi không hiểu tại sao mọi người lại muốn mua việc vào người và tốn kém đến vậy 🙁
Chi Nguyễn says
Comment của em súc tích mà nói lên rất nhiều vấn đề chị thấy ở các gia đình Việt Nam. Chị copy lại share cho các bạn đọc khác trên Facebook nhé?
Giang Đỗ says
Dạ ok chị 😀 Em rất willing ạ
Trang says
Em tự nhận mình là một người sống từ trước đến giờ hoàn toàn …. trái ngược với CNTG. Bởi em thích SƯU TẦM và hoài cổ nên rất dễ tích trữ đồ cũ và ham mua những thứ trông có vẻ hay ho. Nhưng đương nhiên là cái gì quá cũng không tốt. 9 lần chuyển nhà trọ đã làm em nhận ra việc mình ôm đồm đồ đạc chỉ khiến bản thân thêm vất vả. Hoài cổ thì sao chứ khi mà công nghệ phát triển rất nhanh những thứ như đài cát xét, tv hộp, đt đen trắng đã không còn có thể tiếp tục tồn tại (mà có cố để nó tồn tại thì chất độc từ những công nghệ cũ cũng làm hại môi trường) và như một bạn cmt ở trên là đóng thùng cất xó thi thoảng đem ra chụp cái ảnh rồi lại cất thì cũng chẳng giải quyết vấn đề gì dù mình có nhung nhớ và có tình cảm với chúng đến đâu.
Tuy nhiên em thấy việc cân bằng mọi tư duy quan trọng hơn bám víu cố thủ một tư tưởng nào đó quá đà. CNTG có lẽ dành cho những bạn có lối sống thực dụng (ý nghĩa tốt), sống đủ những nhu cầu cơ bản chứ không có những thú vui vô bổ, thừa thãi. Thế nhỡ mà bởi chót sống theo lối sống tối giản, mà ta bỏ qua những thứ thú vị của cuộc đời thì sao ạ? Nếu mình sống theo lối tối giản và con cái mình cũng vậy, liệu chúng có vì cách sống ấy mà đánh mất sự sáng tạo và trải nghiệm nên có không ạ? Bản thân chúng ta cũng hời hợt hơn với mọi thứ hơn thì sao (vd như nhìn thấy hàng hóa, k có có cảm xúc, nhìn thấy đồ kỉ niệm, không có cảm xúc, nhìn thấy những thứ đẹp đẽ, không có cảm xúc….)
Trải nghiệm cuộc sống đã giúp e tự ý thức về sự không tốt của việc tha lôi và tích trữ đồ đạc. Nhưng cá nhân em thấy, đồ đạc nên đủ, chứ không nên hạn chế đến mức tối đa. Dù mục đích để giúp chúng ta không bị phụ thuộc vào đồ đạc, nhưng thực tế thì chúng ta vẫn đang phụ thuộc vào chúng theo cách nào đó đấy chứ ạ? 🙂
Sống tối giản hay đầy đủ em thấy đều có cái hay, khi mà chúng ta vẫn dành thời gian để tư duy về mọi vấn đề của cuộc sống. 🙂
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em đã đọc bài viết và comment rất thẳng thắn về Chủ nghĩa tối giản. Chị đồng ý với những điều em viết và rất hiểu tư duy của một người thích sưu tầm vì chị có nhiều người thân cũng có sở thích như vậy. Tuy nhiên, theo chị, mình nên biết ranh giới giữa sưu tầm (collect) và tích trữ mà không muốn bỏ đi (hoard). Em có thể đọc một số nét phân tích về sự khác nhau giữa collector và hoarder ở đây:https://www.adaa.org/understanding-anxiety/obsessive-compulsive-disorder-ocd/hoarding-basics. Khi nào có điều kiện, chị cũng muốn viết bài thêm về chủ đề này.
Đối với Chủ nghĩa tối giản, mỗi người có thể có cách ứng dụng khác nhau vào cuộc sống riêng của mình – không có quy luật nào cho Chủ nghĩa tối giản. Có người sẽ tối giản một cách triệt để như bỏ hết đồ đạc, chỉ sống với một ba-lô, trong nhà chỉ có độc một cái bàn (có hẳn một trào lưu tại Nhật sống theo phong cách này). Nhưng cũng có người sẽ chỉ ứng dụng Chủ nghĩa tối giản vào một mặt rất nhỏ trong cuộc sống, như không mua sắm vô độ, thiếu kiểm soát, hoặc tối giản lại tủ quần áo thôi. Đọc comment của em, chị thấy có lẽ em đã ứng dụng Chủ nghĩa tối giản vào cuộc sống rồi khi em nhận ra mặt trái của việc có nhiều đồ đạc. Còn tối giản đến đâu, đó hoàn toàn là ở em, đừng để bất kỳ ai (kể cả chị) nói cho em biết em nên tối giản đến mức độ nào mới là đủ, là đúng. 🙂
Chị thích cách nghĩ của em về thế hệ sau, nếu bố mẹ sống tối giản, con cái sẽ như thế nào? Chị nghĩ trái ngược với suy nghĩ rằng bớt đồ đạc sẽ bớt cảm xúc, không có nhiều kỷ niệm, chị cảm thấy từ ngày sống bớt đồ đạc, chị có nhiều cảm xúc hơn, và ghi nhớ được nhiều kỷ niệm rõ ràng hơn (mà không cần có đồ đạc để ghi nhớ). Nghe qua có vẻ rất mâu thuẫn đúng không nhỉ? Nhưng dường như có bớt đồ hơn, con người sẽ sống chọn lọc hơn, sâu sắc hơn, và trân trọng hơn những cái đang có. Chị có viết một chút về vấn đề này ở đây: https://thepresentwriter.com/7-hieu-lam-thuong-gap-ve-chu-nghia-toi-gian/. Vì vậy, cá nhân chị sẽ chọn hướng cho con cái theo con đường tối giản (nhưng không bắt ép, và cho phép con chọn tối giản đến mức độ nào chúng thấy hợp lý).
Cám ơn em một lần nữa đã đọc và comment. Hy vọng có dịp để trao đổi thêm với em về tối giản vs. sưu tập
Hanie Nguyen says
Mình từng đọc qua quyển “Lối sống tối giản của người Nhật” trong đó họ bỏ hết tất cả giường, bàn ghế, chỉ còn 5-6 bộ đồ. Nhưng mình họ chọn lối sống ấy một phần vì ở Nhật hay có động đất và phải di chuyển nên việc sống tối giản sẽ tốt hơn cho họ
Lối sống tối giản mình không phải áp dụng khư khư như họ mà mình phải chọn lọc cách nào tốt và phù hợp với bản thân mình, với nơi đang sống.
Lúc mới tiếp cận cách sống này mình cũng nghĩ như bạn Trang, mang trong lòng nổi lo sợ và bức rức hơn là thoải mái với lối sống ấy, nào là sợ bỏ hết rồi khi cần phải làm sao lại tốn tiền mua lại hay sống vậy sợ người khác nói này nọ phải đi giải thích cho từng người. Nhưng lâu ngày mình mới nhận ra rằng đây là cuộc sống của mình chả cần giải thích cho người khác làm gì. Còn việc bỏ bớt đồ không phải nói bỏ là bỏ mà phải có như 1 lộ trình. Có nhiều blogger từng đề cập đến các tips để mình bỏ bớt quần áo bằng cách chia ra 3 phần trong đó 1 phần là quần áo cần thiết dùng hàng ngày, 1 phần là lưỡng lự không biết nên dùng hay bỏ và 1 phần là không dùng nữa. Phần không dùng nữa dĩ nhiên sẽ thanh lý hay làm từ thiện. Phần lưỡng lự sau 1 tháng quan sát nếu mình có dùng lại thì cho nó qua đống đồ cần dùng, còn sau 1 tháng mình chả động tới nó thì mình cho qua đống đồ cần thanh lý
Một ít chia sẻ của bản thân mình!
hằng đỗ says
Bạn nói đúng suy nghĩ của mình quá lun. Mình theo CNTG nhưg những đồ kỷ niệm thì vẫn giữ, chỉ đến khi nào bỗng nhiên hết cảm xúc khi nhìn món đồ đó và đủ can đảm vứt hay cho đi thì mới làm vậy. Quan trọng nhất là CNTG giúp con gái tiết kiệm cả đống tiền 🙂
Lee says
Dear Ms Chi,
E đã đọc và rất thích bài viết này. Em đã mua máy sấy quần áo. Thật tuyệt. Nó giải phóng sức lao động,ko còn phải phơi quần áo và lấy quần áo xuống nữa. Giờ thì giặt xong e cho vào máy sấy luôn. Mặt dù hơi tốn điện,nhưng quần áo rất khô và mềm.
Chị có thể thêm 1 số vật dụng bên Mỹ như máy rửa chén bát, máy ủi đồ,… mà làm cuộc sống nhẹ nhàng hơn đc ko? Hoặc là căn bếp, phòng khách,phòng ngủ,phòng tắm của chị đc ko?
Rgs,
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Máy sấy đúng là giải phóng được nhiều sức lao động của con người. (Tuy nhiên một số món đồ thì vẫn cần giặt tay). Chị sẽ ghi lại những gợi ý của em để tổng hợp vào bài viết sắp tới nhé 🙂
Tani says
Chị rất thích bài viết của em về CNTG. Và chị cũng đang hướng cuộc sống mình theo hướng đó, nhưng không quá khắt khe, chỉ mua sắm những gì mình thấy thật cần thiết. Nhưng có vấn đề mà chị không khắc phục được. Vd, trước kia chị có sở thích mua túi và quần áo, những thứ khác thì không sao, nhưng riêng 2 thứ này mình rất chóng chán và có nhu cầu mua mới. Từ khi định theo CNTG, chị cố gắng hạn chế không mua những món này, nhưng thấy vô cùng khó khăn, luôn bị cám dỗ muốn mua nữa. Và cứ dùng cái túi cũ mãi thì thấy rất là chán, nó không tạo cảm giác hứng thú cho mình nữa.
Em nghĩ sao, em có sáng kiến gì giúp chị không.
Chi Nguyễn says
Em chào chị. Em đã viết 2 bài về duy trì tủ quần áo tối giản (bao gồm cả phụ kiện như giày, túi), chị có thể tham khảo tại đây ạ:
https://thepresentwriter.com/minimalism-wardrobe-lam-sao-de-duy-tri-tu-quan-ao-toi-gian-phan-1/
https://thepresentwriter.com/minimalism-wardrobe-lam-sao-de-duy-tri-tu-quan-ao-toi-gian-phan-2/
Ngoài những tips trên thì theo em, để có thể duy trì lâu dài, mình nên đặt ra những câu hỏi lớn hơn về tư duy như: Tại sao mình lại muốn mua mới những món đồ này? Tại sao chỉ là những món này mà không phải món khác? Tại sao những món này mình từng thích mà giờ lại không thích nữa? … Nhiều khi, theo đuổi thời trang chỉ là một phần, lý do chính khiến mình mua sắm thiếu kiểm soát là ở bên trong. Ví dụ như cá nhân em trước đây mua sắm nhiều là vì em stress với cuộc sống, thiếu tự tin vào bản thân, nghĩ là chỉ khi mình có những bộ đồ mới đẹp thì sẽ nổi bật và tự tin hơn trước người khác. Khi em nhận ra được điều này thì em mới có cách điều chỉnh lại mức độ mua sắm và suy nghĩ tích cực hơn về bản thân và cuộc sống mình hiện có. Nếu chị cũng tìm được câu trả lời cho mình thì chuyện kiểm soát mua sắm cũng sẽ dễ dàng hơn ạ. Em chúc chị may mắn!
Tani says
Cám ơn em vì những gợi ý đó. Chị đã tự hỏi bản thân và cũng tìm ra câu trả lời cho mình. Đó là vì mình chưa xác định được phong cách thời trang rõ ràng, và chưa biết rõ phong cách của món đồ của mình, nên khi kết hợp không phù hợp giữa túi và quần áo, dần dần mình sẽ thấy chán vì sự lệch điệu. Mỗi cái túi có phong cách và đặc điểm riêng của nó, khi mình tận dụng được điều đó, thì outfit của mình sẽ có hồn và quyến rũ hơn, mình cũng thấy hứng thú hơn.
À, chị đã đến cửa hàng Xéo xọ rồi, chị rất thích. Có nhiều thứ hợp với phong cách mình muốn hướng đến.
Chị cũng học được nhiều điều từ những bài viết của em. Keep it up 🙂