Hôm nay là sinh nhật lần thứ 31 của tôi. 31. Ba-mươi-mốt. Một con số tương đối lớn.
Năm ngoái vào sinh nhật lần thứ 30, tôi có đăng một bài viết (Chào em, Chào 30!) kể về cảm giác của tôi khi bước vào tuổi “băm”: vẫn trẻ trung, trong trẻo, và có phần “ngây ngô” giữa đường đời.
Thật buồn cười vì mới chỉ qua đúng một năm thôi nhưng ở tuổi 31, tôi cảm thấy mình đã “già” đi nhiều. Già ở đây không có nghĩa tiêu cực như lão hóa về hình thức hay trí tuệ. Mà đúng hơn là sự đào sâu hơn, vươn xa hơn trong tư duy về bản thân và cuộc sống.
Có lẽ quá trình làm việc toàn thời gian tại Mỹ, tốt nghiệp Tiến sĩ, tạm ngừng viết blog, và những xáo trộn gần đây trong cuộc sống vì Covid-19 đã khiến tôi thay đổi nhiều. Hoặc cũng có lẽ, đây đơn thuẩn là sự biến chuyển không thể tránh khỏi của tuổi 31?
Bài viết này ghi lại 3 thay đổi lớn nhất của tôi từ tuổi 30 lên 31:
I. Tôi đấu tranh cho bản thân nhiều hơn
Vì bản chất tôi là tuýp người nhẹ nhàng, không ưa xung đột (non-confrontational), lại chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Á Đông thiên về nhường nhịn, thuận hòa, tôi rất ít đặt mình vào tình huống phải đối đầu với ai đó hay phải tranh đấu để lấy quyền lợi về mình. Hầu hết những thành quả tôi đạt được không phải vì tôi cạnh tranh với người ta để giành lấy, mà là vì tôi âm thầm làm việc để đạt được mục tiêu. Vì thế, có nhiều điều tuyệt vời tôi làm được nhưng ít ai biết vì tôi không mấy khi PR cho bản thân—phần vì lười (haha), phần vì bận bắt nhịp ngay cho mục tiêu tiếp theo, phần vì thả lỏng bản thân để theo “slogan” truyền thông nổi tiếng của người Việt: “Hữu xạ tự nhiên hương”. 🙈
Nhưng quá trình một năm làm việc chính thức ở Mỹ đã làm tôi thay đổi rất nhiều về quan niệm này. Văn hóa công sở của người Mỹ rất khác với Việt Nam. Theo quan sát của riêng tôi, so với người Việt, người Mỹ thể hiện bản thân nhiều hơn trong công việc, ít khoảng cách trên-dưới hơn nhưng cạnh tranh nhiều hơn để chứng tỏ mình trước cấp trên, cộng tác với nhau nhiều hơn nhưng cũng dễ “lấn sân” sử dụng đồng nghiệp nhiều hơn. Bởi thế, nếu không thể hiện rõ giá trị của mình, không đấu tranh để đòi quyền lợi, không bảo vệ bản thân thì rất dễ bị thay thế và đào thải. Nói một cách khác, “hữu xạ” vẫn có thể “tự nhiên hương” nhưng hương thơm không “nồng nàn, quyến rũ” ở môi trường này. 🙊
Là một người phụ nữ da màu, là người thiểu số tại Mỹ, tôi nhận ra mình phải đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của bản thân nhiều hơn. Ngày nay, mỗi khi có cuộc họp báo cáo cấp trên, tôi đều chuẩn bị trước một danh sách dài, chi tiết về những việc tôi đã làm và thành quả tôi đã đóng góp cho đơn vị (hoàn toàn sự thật, không gian dối) để họ nắm được tôi đã và đang làm việc hết sức mình. Hay những thời điểm tôi quá tải công việc, tôi không ngại chia sẻ một cách cụ thể với người quản lý và đồng nghiệp: “Thời điểm này mình bận kinh khủng, mình phải làm dữ liệu cho chương trình X, phải hoàn thành dự án cho bên Y, trong khi đó phần mềm Z thì không hiệu quả…” Cách chia sẻ cụ thể này giúp mọi người nhận ra tôi đang bận rộn với công việc chính đáng nhưng không tạo cảm giác than vãn vu vơ, vô căn cứ. Tôi nhận ra đây là một cách rất tốt, không chỉ để thể hiện bản thân, khẳng định vị trí cần thiết của mình, mà còn bảo vệ thời gian quý giá của mình, không để người khác lợi dụng.
Một lợi thế nữa của việc lên tiếng cho quyền lợi của bản thân một cách chính đáng là người khác cũng sẽ hiểu và lên tiếng hộ mình khi cần thiết. Tôi may mắn vì có sếp cấp trên và một số đồng nghiệp tốt, sẵn sàng bảo vệ tôi khi người khác có ý định “lấn sân” hay chèn ép. Ví dụ cách đây vài ngày, một đồng nghiệp nữ của tôi kể rằng trong một cuộc họp (tôi không tham dự), một nhóm đồng nghiệp nam đưa ra ý định nhờ tôi “làm hộ” họ một số việc; cô ấy nghe vậy lên tiếng nói: “Tôi không nghĩ đây là việc thuộc phạm vi của Chi, cô ấy còn rất nhiều đầu việc khác quan trọng hơn”. Nhờ vậy mà nhóm đồng nghiệp nam kia phải lùi bước, tôn trọng ranh giới công việc của tôi. Hay như có lần một giảng viên nhờ tôi lấy hộ dữ liệu cho sinh viên, tôi có trợ giúp (vì phép lịch sự). Nhưng khi sếp tôi biết chuyện, ông ấy rất bức xúc: “Sao giảng viên kia có thể lấy thời gian quý báu của Chi như vậy, lại còn tạo tiền lệ không tốt cho sinh viên; tôi sẽ nói chuyện với ông ấy!” Ngay sau đó, vị giảng viên đã viết email xin lỗi tôi (mặc dù tôi có nói là không sao cả); và từ đó, những vụ “lấn sân”, nhờ vả không chính đáng như vậy bớt hẳn.
Nếu mình không lên tiếng để đầu tranh cho quyền lợi của mình, người khác cũng sẽ không biết để bảo vệ mình—đó là bài học lớn nhất tôi có được sau một năm đi làm full-time tại Mỹ.
Tôi hy vọng bạn đọc (nhất là nữ giới) có thể học được bài học này sớm hơn tôi và lên tiếng nhiều hơn cho mình ở nơi công sở. Ranh giới giữa làm việc hết mình, giúp đỡ đồng nghiệp, cộng tác vô tư và việc bị lấn lướt, lợi dụng, sử dụng thời gian không chính đáng là rất mong manh. Bởi vậy, chúng ta phải bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau (đặc biệt phụ nữ bảo vệ phụ nữ) để có thể làm việc hiệu quả, cân bằng công việc-gia đình, và thăng tiến hơn.
II. Tôi ít quan tâm hơn tới những gì người khác nghĩ về mình (cả tiêu cực lẫn tích cực)
Từ khi sống tối giản, tôi đã bớt dần việc lo nghĩ, quan tâm xem người khác nghĩ gì về mình. Trong những năm qua, tôi cảm thấy mình đã tiến bộ hơn rất nhiều trong việc loại bỏ khỏi cuộc sống hoặc hạn chế tiếp xúc tối đa những người mang lại năng lượng tiêu cực cho mình. Nói một cách khác, tôi không còn quan tâm nếu những người này nghĩ xấu về mình. Đây là một tiến bộ rất lớn so với tôi thời còn chưa sống tối giản và chưa áp dụng tư duy tích cực.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình đôi lúc vẫn hy vọng người khác nghĩ tốt về mình. Mặc dù đây là một mong muốn rất con người (có ai là không muốn được yêu thương?) nhưng nó có thể trở nên thái quá khi mình cảm thấy phải lăn xả, đón ý, thậm chí hy sinh quyền lợi của mình để chiều lòng người khác. Đây là một nét tính cách mà rất nhiều phụ nữ, đặc biệt phụ nữ Á Đông, hay có.
Năm vừa qua, sau một số biến cố, tôi nhận ra rằng mình chỉ có thể hoàn toàn “tự do” khi không quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình, cả tiêu cực lẫn tích cực. Tại sao? Vì khi ta không màng đến việc người khác nghĩ xấu về mình, ta có thể bỏ những lời đàm tiếu ra khỏi đầu, ta không còn khao khát làm thay đổi suy nghĩ của người khác, ta cũng không nặng lòng với những ý định “trả đũa” xấu xa. Ta chỉ cần tập trung vào làm những điều mình cho là đúng. Còn khi ta không quan tâm người khác có nghĩ tốt về mình hay không, ta có thể làm những điều thiện, những điều tốt cho mọi người mà không phải tính toán rằng một ngày nào đó họ sẽ “đền đáp” lại cho ta cái gì. Khi đó, và chỉ khi đó, ta mới thực sự có được tự do.
Tôi hiểu, làm được điều này không dễ dàng, và có thể cũng không hoàn toàn thực tế. Bản thân tôi nghĩ mình khó có thể đạt được tới cảnh giới vô ưu, vô lo để hoàn toàn không màng đến mọi người và mọi thứ trên đời. Nhưng năm vừa qua, tôi cảm thấy mình đã “giác ngộ” được thêm nhiều điều mới về mối quan hệ giữa người với người, và những điều này khiến tôi thấy đầu óc mình được thảnh thơi hơn.
III. Tôi suy nghĩ xa hơn về tương lai
Một năm qua, cùng với những khó khăn trong việc duy trì blog, nhiều vấn đề sức khỏe, và xáo trộn trong cuộc sống vì Covid-19, tôi càng hiểu hơn rằng: Ở đời này, không có cái gì là ổn định mãi mãi. Có thể ngày hôm qua ta còn khỏe mạnh, nhiều dự định, cuộc sống tuần tự tiếp diễn; nhưng ngày hôm nay sức khỏe ta đột ngột xấu đi, mọi dự định bị gác lại, cuộc sống đảo ngược hoàn toàn. Những thay đổi này khiến tôi nghĩ xa hơn về tương lai.
Sau nhiều đêm trăn trở, tôi nhận ra mình không thể trông chờ vào bất cứ ai khác, ngoài bản thân mình, để bảo vệ những gì mình trân trọng. Nếu mình muốn sự ổn định, mình phải tự tạo ra sự ổn định.
Đối với tôi, một tương lai ổn định có thể được quy lại bằng 3 nhân tố cốt lõi: độc lập (independence), tự động hóa (automation), và bền vững (sustainability). Cụ thể, tôi đang xây dựng các hệ thống thông minh xung quanh cuộc sống và công việc của mình để mọi thứ vẫn có thể vận hành trơn tru, phát triển ổn định kể cả trong hoàn cảnh khó khăn bất thường. Ví dụ, tôi muốn mình hoàn toàn độc lập về tài chính để trong trường hợp mất việc, mất sức lao động vẫn có thể sống thoải mái, ít nhất tới khi tìm được cơ hội mới. Tôi muốn tự động hóa nhiều mặt trong công việc để kể cả khi không có tôi tham gia 24/7, mọi thứ vẫn duy trình và diễn ra theo nhịp độ bình thường. Tôi muốn những thứ tôi dành nhiều tâm huyết để xây dựng, như The Present Writer, có thể phát triển một cách bền vững, chứ không phải đứng trước nguy cơ tan vỡ chỉ vì tôi không còn có khả năng đầu tư hơn được nữa.
Đây cũng là lý do tôi viết “Tương lai của The Present Writer” để chia sẻ với bạn đọc kế hoạch thay đổi blog và tại sao tôi mong muốn người đọc cùng chung tay để duy trì và phát triển blog—để tương lai của blog không chỉ nằm trong tay tôi mà còn trong tay tất cả mọi người.
Nói một cách khác, bước vào tuổi 31, tôi nhận ra nhiều hạn chế của mình trong việc nắm định tương lai. Nếu tôi muốn bảo vệ những điều tôi trân trọng, tôi cần trở nên mạnh mẽ và độc lập hơn. Nhưng đồng thời, tôi cũng cần bước ra khỏi vỏ kén của mình để nhận sự giúp đỡ của mọi người khi cần thiết. Và tôi cũng cần sáng tạo hơn để “thiết kế cuộc sống” vận hành thông minh, tự động, trơn tru hơn. Có ai ở tuổi đầu 30s nghĩ đến những điều này không? Hay tôi lại là “một bà già” thiểu số? 🙈
—
Nếu bạn đọc đến cuối bài viết này, CẢM ƠN bạn đã lắng nghe những tâm sự của tôi trong thời điểm bước sang tuổi 31. Trong dịp sinh nhật này, mong muốn lớn nhất của tôi là The Present Writer có thể tiếp tục duy trì và phát triển một cách bền vững, lâu dài thông qua ủng hộ của bạn đọc. Nếu bạn đang cân nhắc ủng hộ cho blog, hãy cứ xem là bạn tặng một món quà sinh nhật nhỏ cho tôi 🐵
Thực tình, nếu có một ước mơ nào đó từ nay cho tới khi về già (già thật là già ấy), tôi chỉ muốn mình được chuyên tâm làm công việc sáng tạo—được trở thành một “creator” thực thụ với những đam mê riêng của mình. Biết đâu điều này năm 32 tuổi lại trở thành hiện thực? Hãy cứ mơ thôi!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Hoa says
Chúc mừng sinh nhật chị 🙂
Chúc chị luôn khỏe mạnh để tiếp tục truyền cảm hứng sống tối giản cho bạn đọc 😊
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Hoa. Mong em ghé blog thường xuyên nhé~
Lê Tường Vi says
Cảm ơn chị Chi rất nhiều vì những bài viết và những trải lòng rất chân thành của chị. Đọc blog của chị e học được rất nhiều và cũng khiến em có động lực tốt hơn mỗi ngày. Em chúc chị luôn mạnh khỏe, lạc quan và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống nhé
Minh Hương says
Bài viết thật nhẹ nhàng, thấp thoáng đâu cũng thấy bóng dáng của mẹ, của dì, của bạn bè em và cả em nữa. Ôi những người phụ nữ á Đông ngại xung đột và luôn muốn chu toàn việc nhà.
Chị Chi ơi, lúc nào chị viết thêm về topic tự động hoá trong công việc, gia đình thêm nhé chị.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Ảnh hưởng của văn hóa Á Đông đến phụ nữ qua nhiều thế hệ đúng là rất lớn. Chị sẽ viết thêm nhiều về đề tài này
Phuong Thanh says
Vậy là bạn sn 89 bằng mình rồi 🙂 Có một ý trong bài về tự lên tiếng bảo vệ quyền lợi của bản thân, mình thấy rất tâm đắc, cũng như bạn Huyền chip từng chia sẻ bạn í cũng học được điều này khi ở xứ người. Mình không nâng bản thân lên thì chẳng ai rảnh làm hộ cả. Tư tưởng Á Đông ăn sâu trong đầu chúng ta là phải khiêm nhường phải hy sinh cho người khác. Nhưng cái gì quá cũng đều không tốt, bất cứ điều gì cũng đều có một trạng thái lành mạnh nhất định của nó.
Nên mình vốn cũng là một người rụt rè nhút nhát, là một INFJ, giờ cần phải thức tỉnh và refresh lại bộ não để tránh bị người khác lợi dụng. Cảm ơn bài viết của bạn và chúc mừng sinh nhật bạn nhé!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc blog. Mình thấy ngoài tư tưởng Á Đông ra thì phụ nữ (nhất là phụ nữ trẻ) thường có xu hướng nhường nhịn và không đấu tranh cho bản thân. Mình gặp rất nhiều bạn như vậy ở nước ngoài và thấy rất đồng cảm. Bản thân chúng mình đã là phụ ữ lại thêm hệ tư tưởng Á Đông thì lại càng nặng hơn về vấn đề đó, mình cũng đang học để thay đổi
An Nhiên says
Cám ơn chị! bây giờ em mới biết về chị, mới mày mò đọc và xem lại các clip của chị, hy vọng chị sẽ có nhiều bài viết hay hơn nữa ah!!! rất thích chị! <3
Linh says
Chúc mừng sinh nhật Chi! Gần 1 tháng nữa mình cũng bước vào tuổi 31 như Chi rồi đây, cũng cảm thấy vừa già mà vừa non nớt vì còn nhiều điều thiếu sót lắm lắm! Mình cũng rất đồng cảm về việc cảm thấy tương lai ngày một bất định, và mình cần chuẩn bị tốt hơn nữa cho sự bất định đó. Mình cũng đang phấn đấu độc lập về tài chính, (mà xem ra con đường còn xa xôi lắm); cũng như chuẩn bị cho những tình huống rủi ro bất trắc không ngờ tới bằng việc mua bảo hiểm nhân thọ :))
Cảm ơn bài viết của bạn nhé! Chúc ngày mới vui vẻ nữa nha!
Chi Nguyễn says
Linh ơi. Bài viết tới đây (trong tuần này) là về độc lập tài chính nhé. Mong bạn ghé blog để đọc thêm. Chi chúc mừng sinh nhật bạn sớm nha 😀
Linh says
Hehe, thanks for your reply! Mình vừa đọc bài viết đó đây. 🙂 Mà đọc xong tính ra con số FI cho mình mà toát mồ hôi luôn huhu. 🙁
Nguyen Zehe says
Chúc mừng sinh nhật bạn Chi, cảm ơn bạn vì những bài viết hữu ích !
Chi Nguyễn says
Chi cảm ơn bạn 🙂
Phuong Loan says
Có lẽ là duyên khi mình đến với blog của bạn. Sau khi đọc vài bài trước của bạn thì mình mới đọc bài này – và cũng vô tình mình nhận ra bạn có cùng ngày tháng năm sinh với mình 🙂 23.05.89 nhỉ .
Mình cảm thấy là có lẽ đến hơn 30 tuổi, mình mới bắt đầu hình thành những suy nghĩ ổn hơn về bản thân hay nói cách khác là tìm kiếm bản thân sau những năm tháng bị trôi dạt vô định tự ti lo sợ về mọi thứ (lí do chủ yếu làm mình suy nghĩ khá tự ti và sợ sệt mọi thứ là vì mình đồng tính).
Còn về bài blog này – mình đồng ý với quan điểm của bạn lắm – chúng ta cần học cách sống cho chính mình.
Một dịp khác mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn những thay đổi của mình trong khoảng gần đây đến bạn nhé. Mình cũng hay viết blog – nhưng dạng nhật ký cá nhân thôi. Đọc blog của bạn làm mình có động lực viết nhiều hơn – viết cho chính bản thân mình 🙂 Cảm ơn bạn đã truyền cảm hứng và chia sẻ suy nghĩ tích cực.
Chi Nguyễn says
Wow! Đây là lần thứ 2 trong đời mình gặp người sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm (trước đó là một cô bạn học hồi cấp 3). Cảm ơn bạn đã tình cờ tìm đến với The Present Writer. Chắc chắn là ta có duyên rồi <3
Phương Loan says
Ui vậy hở – còn mình là lần đầu tiên biết ai đó sinh cùng ngày tháng năm 😀 nên bất ngờ lắm lắm. Mong đợi các bài viết của bạn.
Linh says
Chúc bạn thành công 🙂 Tình cờ đọc được bài viết của bạn và thấy có nhiều chia sẻ hay 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã ghé blog!
Hoai says
Hello Chi,
Chúc mừng sinh nhật (muộn) 😀 Mình bằng tuổi Chi và hiện cũng đang sống ở nước ngoài.
Qua blog thì mình được biết Chi đang làm Data Analyst sau khi học tiến sĩ. Mình cũng mới bắt đầu học Data Analyst nhưng theo kiểu mini program ở bên này (dạng như 1 năm master thôi). Chi có thể sắp xếp chia sẻ thêm về nghề nghiệp và định hướng của Chi được không? VD như data thì nhiều người muốn làm lên Scientist hoặc theo hướng Analyst nhưng chuyên sâu về 1 lĩnh vực nào đó.
Đây cũng là 1 mảng mới mà mình nghĩ ở VN cũng đang bắt đầu nở rộ, có bao giờ Chi nghĩ làm vài năm ở Mỹ rồi về nước k?
Tuy câu hỏi hơn random nhưng vẫn mong nhận được trả lời của Chi.
Chúc Chi và gia đình luôn vui vẻ!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn Hoai đã gửi lời chúc mừng sinh nhật cho mình. Mình làm nghiên cứu về Giáo dục chứ thực ra ko có chuyên về Data nhưng vì làm nghiên cứu nên xử lý dữ liệu hay các phần mềm dữ liệu mình cũng dùng quen, đúng lúc có vị trí mở cần tìm người vừa biết làm dữ liệu vừa biết về giáo dục nên mình ứng tuyển. Cũng là cơ duyên thôi. Mình cũng chưa chắc có theo vị trí này lâu không nhưng hiện nay mình thấy cũng khá phù hợp. Mình có thể viết kỹ hơn trong bài blog nào đó khi có dịp. Data Analyst nếu làm về marketing, finance… thì càng tốt vì đâu đâu giờ cũng cần dựa vào data để đưa ra quyết định. Chi định cư ở Mỹ vì chồng mình là người Mỹ và con cái cũng ổn định ở Mỹ rồi, nhưng có thể tương lai mình làm thêm dự án ngoài ở VN, còn về hẳn VN mình chưa có ý định. Mình sẽ ghi câu hỏi của bạn lại dành viết đề tài này thêm trên blog nhé 🙂