Hôm nay (5/15/2018) là kỷ niệm 3 năm ngày cưới của vợ chồng tôi. Ba năm có thể không phải là quá nhiều cho một cuộc hôn nhân lâu dài nhưng là khoảng thời gian không hề nhỏ trong thời kỳ đầu kết hôn. Mọi người thường nói 3 năm đầu tiên là những năm hạnh phúc nhất và cũng khó khăn nhất của một cuộc hôn nhân. Quan trọng hơn, nó là nền móng cho những năm tiếp theo đó, khi mà trách nhiệm gia đình ngày càng nhiều hơn, đòi hỏi cặp vợ chồng phải dựa trên niềm tin và sự hỗ trợ lẫn nhau để cùng gánh vác. Chúng tôi chắc chắn còn rất nhiều điều phải học về nhau, về hôn nhân, và về cuộc sống. Nhưng 3 năm vừa qua đã giúp vợ chồng tôi trưởng thành lên rất nhiều và có một số bài học được rút ra mà tôi nghĩ sẽ hữu ích cho những bạn trẻ mới kết hôn hoặc đang suy nghĩ về hôn nhân trong tương lai.
Dưới đây là 3 điều tôi học được sau 3 năm đầu kết hôn:
1. Tất cả phải bắt đầu từ lựa chọn. Và một khi đã lựa chọn, hãy ngừng than vãn!
Có ai từng kết hôn mà không than thở một lần về cuộc sống hôn nhân của mình? Tất nhiên, không có cuộc hôn nhân nào là hoàn hảo bởi vì con người về bản chất là không hoàn hảo. Hoàn cảnh cuộc sống lại càng không thể lúc nào cũng được như ý mình muốn. Vì vậy, đôi khi chúng ta phải than thở với bạn bè, với đồng nghiệp, với gia đình để giải tỏa áp lực. Nhưng từ thẳm sâu bên trong, hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng than vãn cũng chẳng giải quyết được gì. Tại sao? Bởi vì hầu như những vấn đề khó giải quyết nhất trong hôn nhân đều đã có mầm mống từ trước khi kết hôn rồi. Chúng đến từ những khiếm khuyết trong nhân cách của đối tượng mình kết hôn, đến từ những khác biệt trong nền tảng gia đình của người ấy, đến từ hoàn cảnh cuộc sống, lối sinh hoạt, quan điểm sống đã hình thành rất lâu rồi, trước cả khi hai người quen biết nhau… Nhưng dù biết tất cả (hoặc một phần) những điều này, bạn vẫn lựa chọn người ấy. Đúng không? Do vậy, mọi thứ về sau này đều phải quay lại đây, quay lại điểm xuất phát ban đầu, quay lại lựa chọn này của bạn.
Đã qua rồi cái thời mà:”Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày” – phụ nữ và đàn ông thời nay (nếu thực sự có hiểu biết và biết suy nghĩ cho tương lai của mình) đều tự đưa ra lựa chọn về người mà mình muốn kết hôn. Tất nhiên, sẽ có những trường hợp vô cùng éo le buộc phải lấy người này, người kia vì gia đình, tiền bạc, hay con cái nhưng suy cho cùng, đó cũng là lựa chọn hay hậu quả của lựa chọn của bạn; không ai ép được ai làm bất cứ điều gì nếu ta thực sự không muốn. Tuy vậy, đa phần các trường hợp kết hôn ngày nay, ai cũng có ít nhiều tiếng nói riêng trước cuộc hôn nhân của mình. Hay nói cách khác, chính bạn chọn người đó để làm bạn đời và hẳn nhiên, bạn có lý do của riêng mình để làm điều đó.
Trong một bài viết trước về chủ đề tình yêu và hôn nhân với tiêu đề: “Người ấy”, tôi từng viết khá nhiều về sự lựa chọn, cách chúng ta dùng cả tình yêu và lý trí để xác định nét tính cách nào ta có thể chấp nhận được và không thể chấp nhận được ở một đối tượng kết hôn. Đó là bởi vì không ai có thể được tất cả ở một cuộc hôn nhân. Nếu bạn yêu và chọn lấy mẫu người hiền lành, nhỏ nhẹ, kín đáo thì không thể cùng lúc trông chờ anh ấy hay cô ấy khi có việc cần thì “đột nhiên” trở nên năng động, xông xáo, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, đối đầu để bảo vệ gia đình được. Nếu bạn yêu và chọn lấy mẫu người trực tính, ưa hành động hơn lời nói, mạnh mẽ, dữ dội, thì cũng không thể yêu cầu anh ấy hay cô ấy khi có việc gì nóng giận lên có thể kìm chế, biết lắng nghe, không to tiếng được. Một khi bạn đã chọn một ai đó, bạn chọn toàn bộ con người của họ, không trừ bất kỳ một điểm xấu-tốt nào, và đừng trông chờ họ sẽ thay đổi ngay một sớm một chiều.
Nhưng kết hôn còn phức tạp hơn thế, vì bạn không chỉ chọn người đàn ông hay người phụ nữ của mình mà bạn còn chọn cả gia đình, sự nghiệp, bạn bè, tài sản/nợ nần, thói quen… và hàng loạt những mặt khác trong cuộc sống của người đó. Tất cả những lựa chọn này đều có hệ quả riêng của nó; và hãy nhớ rằng, bạn cũng đã chọn những hệ quả này. Nếu bạn đã chọn kết hôn vào gia đình truyền thống, đừng nên nghĩ rằng mình sẽ có thể thích thể hiện tư tưởng hiện đại, phóng khoáng, quyết định ra ở riêng, hay sống theo kiểu “Tây” mà không vấp phải mâu thuẫn từ gia đình. Nếu bạn đã chọn kết hôn vào gia đình hiện đại, khuyến khích con cái tự lập không dựa vào bố mẹ thì đừng than vãn khi không được chăm bẵm, trợ giúp, quan tâm thường xuyên như những gia đình khác. Tương tự như vậy, nếu bạn chọn lấy những người yêu công việc, kiếm được ra tiền, chia sẻ tài sản với bạn thì đừng nên kỳ vọng họ cũng có thể bếp núc phụ giúp gia đình, lau nhà quét dọn, trông con… Nếu bạn lấy chọn lấy những người thiếu chỉ tiến thủ, nợ nần chồng chất, lười vận động thì đừng nên nghĩ rằng lấy nhau rồi người đó sẽ tự khắc năng động, lăn lộn ra đường kiếm tiền trả nợ, thăng tiến ngay được.
Thay vào đó, tôi cho rằng, đầu tiên bạn cần phải đưa ra được một lựa chọn đúng đắn cho chính mình trước khi đi đến hôn nhân (nhấn mạnh là cho chính mình chứ không phải cho gia đình mình, cho con cái của mình, hay cho bất kỳ ai khác). Sau đó, khi đã chọn lựa được rồi, hãy ngừng than vãn, và bắt đầu sống! Sống ở đây có nghĩa là sống với lựa chọn của mình, với một con mắt nhìn tích cực. Thay vì lúc nào cũng chăm chăm vào điểm xấu của vợ/chồng, của gia đình thông gia, của cuộc sống chung… hãy nhìn vào những mặt tích cực — những điều mà vì nó bạn đã đưa ra quyết định ban đầu. Ví dụ như nếu người chồng/vợ của bạn không năng động được như bạn mong muốn, bạn liệu có thể chuyển giao cho chồng/vợ mình làm những công việc không cần năng động (như dọn nhà, trông con, hỗ trợ việc bàn giấy…) và bản thân mình thử năng động hơn được không? Nếu cuộc sống chung trong gia đình truyền thống với nhiều thế hệ quá ngột ngạt, bạn có thể dọn ra ở riêng được không? Nếu tiếp tục chọn ở chung (hãy nhớ rằng không ai có thể ép mình làm gì nếu mình không thực sự muốn), hãy nhìn vào mặt tốt của gia đình đa thế hệ như ông bà giúp đỡ trông con nhỏ, hỗ trợ mình khi ốm đau, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Nếu quyết định ra ở riêng, hãy tận hưởng sự tự do của mình, đừng nên chê trách gia đình không quan tâm và hỗ trợ kịp thời như các gia đình sống gần nhau khác.
Còn nếu vì hoàn cảnh nào đó, bạn đã đưa ra lựa chọn sai cho mình từ đầu và không thể nào cứu vãn được; hoặc mặc dù bạn đã đưa ra lựa chọn đúng ở thời điểm ban đầu, người bạn chọn sau này lại thay đổi trở thành một người khác hẳn, không thể quay lại như xưa được, bạn hoàn toàn có quyền bước ra khỏi lựa chọn ban đầu. Tôi không có ý cổ xúy việc ly hôn nhưng tôi hiểu trong cuộc sống ai cũng có thể mắc sai lầm và có những sai lầm, có những khác biệt không thể sửa chữa, hàn gắn được. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh này, hãy tin rằng ở ngoài kia còn rất nhiều lựa chọn khác cho mình, đừng sợ!
2. Đối thoại! Đối thoại! Đối thoại!
Một cuộc hôn nhân tốt không thể thiếu đối thoại hai chiều. Từng làm “quân sư bất đắc dĩ” cho nhiều cặp đôi, tôi thực sự chán ngán hai kiểu đối thoại như thế này: Thứ nhất là đối thoại kiểu “tàu ngầm” như: “Tao chán chả thèm nói, cứ để yên không nói gì xem “lão ấy” phản ứng thế nào, có biết nghĩ gì đến vợ đến con hay không. Cứ để yên đấy xem nó ra thế nào“. Thôi! Thôi! Thôi! Thôi ngay! Không có bất kỳ ai, đặc biệt là đàn ông, có khả năng siêu nhiên đọc được suy nghĩ của bạn, nếu bạn không nói thẳng ra cả. Bản thân tôi là phụ nữ, cũng thuộc dạng nhạy cảm, nhưng khi gặp ai không nói thẳng mà cứ “nói bóng, nói gió” cho mình là tôi cũng chủ động bỏ ngoài tai vì tôi cho rằng những lời nói như vậy không có sức nặng và chưa chắc đã là sự thật. Nếu là sự thật, dù có khó đến đâu, cũng cần được nói ra thành lời. Đừng bao giờ âm ỉ nén nhịn chịu đựng, cũng đừng thử lòng người khác bằng phản ứng im lặng của mình, im lặng không thể giải quyết được tận gốc vấn đề trong hôn nhân, nó chỉ làm vấn đề ăn sâu, bám rễ hơn mà thôi. Thứ hai phải kể đến đối thoại kiểu “tàu chiến” như: “Tao nói thẳng vào mặt “nó”, ngay trước mặt bố mẹ nó, anh em nhà nó. Tao nói thẳng luôn, chửi thẳng luôn. Nói cho một tràng mấy đứa kia không ngẩng mặt lên được, không mở mồm ra được nói lại câu nào” Thôi! Kiểu này cũng xin cho thôi vì như thế khác gì tra tấn, nói đến mức để người khác không còn ngôn từ nào phản ứng lại, mà “người khác” ấy lại là người thân trong gia đình nữa thì thôi, có nói thêm nữa cũng chỉ gây đau đớn thêm thôi chứ cũng không giải quyết được vấn đề gì. Vậy cuối cùng, chúng ta nên đối thoại như thế nào?
Cách đây vài tuần, tôi có đăng bài viết về “Cult (cuồng giáo/cuồng tín)”, trong bài có giải thích một số thủ thuật kiểm soát tâm lý mà lãnh đạo các tổ chức (cult) này sử dụng để “tẩy não” hoặc khuyến khích những người theo đuổi tổ chức tự nguyện làm những việc mà trước đó, dù có mơ, họ cũng không thể nghĩ là mình sẽ làm. Một trong những thủ thuật này là cách tiếp cận tâm lý đúng thời điểm con người đang mềm yếu, dễ bị tổn thương, rung động nhất, đưa họ vào những cộng đồng thân thiện, vui vẻ, gần gũi không khác gì gia đình, tạo niềm tin lớn trong họ, và “tẩy não” bằng cách ngày nào cũng truyền tải thông điệp lặp đi lặp lại, gắn liền với đó là những lời hứa về lợi ích mật thiết cho bản thân họ (ví dụ: “sẽ được lên thiên đường”, “sẽ được nhiều tiền” hay “nếu mời được thêm người vào tổ chức sẽ được thêm cơ hội lên thiên đường/sẽ kiếm được thêm nhiều tiền”…). Chính vì vậy mà những người này hoàn toàn tin tưởng vào lãnh đạo cult, vào cult, và sẵn sàng lao đi như con thiêu thân để làm những việc mà cult giao phó…
Những điều tôi sắp viết tiếp theo nghe sẽ có vẻ hơi kinh khủng nhưng sự thật, để thành công với đối thoại hai chiều trong hôn nhân cũng cần sử dụng những kiến thức và thủ thuật tâm lý không khác gì cult (!). Trước khi bạn nghĩ rằng tôi bị điên hay tôi đã biến hôn nhân của mình thành một loại cult mà chính tôi làm “giáo chủ”, hãy kiên nhẫn đọc tiếp những phân tích này. Bạn nghĩ liệu người ta có thể bỗng dưng bỏ thời gian, tiền bạc, danh dự đi để chạy theo cult mà không có người nào tiếp cận tâm sự, trao đổi tỷ tê một thời gian dài? Bạn nghĩ liệu người ta có thể dễ dàng rũ bỏ gia đình bao năm gây dựng để sống lang bạt với cult mà không có cộng đồng cult hàng ngày quan tâm, ngọt ngào chuyện trò, truyền thông điệp? Bạn nghĩ liệu người ra có thể lao ra đường dụ dỗ người mới theo cult hay bán hàng cho cult mà chỉ vì lợi ích của cult chứ không phải của riêng cá nhân đó? Những điều này là không thể!
Tương tự như vậy, trong mối quan hệ gia đình, nếu bạn không thường xuyên đối thoại, trao đổi với người bạn đời của mình, đặc biệt vào những lúc họ mềm yếu, dễ lắng nghe nhất thì rất khó để họ có thể hiểu và thông cảm cho bạn. Rất nhiều người đối thoại kiểu “tàu ngầm” cả năm nín nhịn không nói năng gì, đến khi có chuyện vợ chồng cãi nhau to rồi thì mới được dịp trút ra một tràng kiểu: “À nhân tiện đây tôi cũng xin nói luôn ngày này…tháng này…năm này… anh/cô đã làm việc này không phải với tôi…” Ở vào hoàn cảnh như thế thì kể cả thánh nhân hay thiên thần cũng không thể bình tĩnh mà nghe lời bạn nói được. Tương tự, nếu bạn thường đối thoại kiểu “tàu chiến” thì mỗi lần về nhà vợ/chồng của bạn sẽ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, bị coi thường rồi sớm muộn họ cũng tìm đến một nơi chốn khác ngọt ngào hơn, biết cách chăm sóc và ủng hộ họ tốt hơn mà thôi. Nhiều người, đặc biệt là người vợ, rất kỳ vọng chồng mình phải đứng ra che chở, bảo vệ cho mình trước áp lực tài chính, hay áp lực từ gia đình nhà chồng. Nhưng những cuộc đối thoại này thường chỉ dừng ở “thông điệp” lặp đi lặp lại: “Anh phải làm việc này cho em, vì em, và tại em!” trong khi đó, lợi ích của người chồng trong việc đương đầu với xã hội, với những mối quan hệ phức tạp trong gia đình chính mình thì lại không thấy đề cập hay cứ coi là hiển nhiên. Vì thế, nếu muốn có được sự ủng hộ một cách tự nguyện và vui vẻ của vợ/chồng mình trong những việc khó, bạn nên đối thoại thường xuyên, trao đổi mặt có lợi cho cả hai vợ chồng nếu công việc được hoàn thành, nhấn mạnh vào tương lai tươi vui, hạnh phúc của vợ/chồng khi được như ý muốn. Thông điệp này cũng cần được nhắc lại thường xuyên (cũng như cult, để ý tưởng dần nhuần nhuyện, quen thuộc) nhưng cần nhắc đúng thời điểm, với cách tiếp cận nhẹ nhàng, và tư duy tích cực.
Thành công trong việc thu hút con người của lãnh đạo cult đa phần dựa vào cách họ lợi dụng kiến thức tâm lý học để điều khiển hành vi con người một cách tiêu cực. Nhưng nếu người bình thường như chúng ta cũng có thể học các các kiến thức này và vận dụng vào cuộc sống của mình với dụng tâm tốt để giao tiếp tốt hơn với gia đình mình thì kết quả ta thu được sẽ rất tích cực.
3. Vợ chồng cũng là “đối tác”
Vợ chồng thường xem nhau như thành viên thân thiết trong gia đình, như tay chân, ruột thịt nên thường thoải mái khi ở bên nhau, không nề hà so sánh thiệt hơn, thậm chí chịu thiệt thòi vì nhau. Nhưng, trong khuôn khổ bài viết này, hãy thử tưởng tượng, quan hệ vợ chồng bạn sẽ như thế nào nếu là đối tác? Sẽ như thế nào nếu các bạn cùng tôn trọng và giao trách nhiệm cho nhau như đồng nghiệp, đối tác làm ăn?
Trong mối quan hệ đối tác bình đẳng, mỗi người sẽ phải chia sẻ trách nhiệm tương đối đồng đều và có quyền lợi tương đương nhau. Chúng ta có thể “sa thải” đối tác nếu như trách nhiệm của họ không hoàn thành và đối tác cũng có thể từ chối hợp tác với ta nếu quyền lợi của họ không được bảo đảm. Bởi vậy, việc giao trách nhiệm cho nhau và đảm bảo quyền lợi được chia đều là điều quan trọng nhất để giữ mối quan hệ hợp tác bền vững. Tất nhiên, sẽ có những lúc đối tác của ta vì lý do nào đó không thể hoàn thành trách nhiệm (như bị bệnh, đi công tác, bận những kế hoạch khác), ta có thể giúp đỡ làm hộ một phần trách nhiệm đáng ra phải của người đó nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Ngoài ra, lý do ta tuyển đối tác là vì muốn có người lấp đầy khoảng trống công việc mình không thể thực hiện được một mình hoặc bản thân mình khiếm khuyết. Bởi vậy, tùy vào tương xứng khả năng của bản thân và đối tác, ta có thể chia sẻ những loại trách nhiệm khác nhau; có những đối tác tốt hơn khi ra ngoài xã hội, có những đối tác lại tốt hơn khi ở sau hậu trường — tất cả sự bàn giao trách nhiệm này phải có ngay từ ban đầu và được tôn trọng trong suốt quá trình hợp tác.
Soi vào mối quan hệ vợ chồng, nếu như ta xem bạn đời của mình là đối tác thì chúng ta cũng phải giao cho nhau những trách nhiệm riêng, bình đẳng, với những quyền lợi rõ ràng. Đã là đối tác thì mỗi người phải có trách nhiệm hoàn thành trách nhiệm riêng của mình, không ai giúp đỡ hay làm hộ, trừ khi có lời nhờ vả thiện chí hoặc trong trường hợp đặc biệt cần hỗ trợ. Tôi từng đọc rất nhiều “tâm thư” của các chị em luôn làm việc tay năm tay mười, đầu tắt mặt tối cả ngày còn chồng chỉ việc đi làm rồi đi về bấm điện tử hay chơi điện thoại, chưa kể có những người chồng còn coi thường vợ khi vợ chỉ biết loanh quanh ở nhà toàn bỉm, với sữa, lại hay “vòi tiền”. Tại sao lại thế? Một số chị em cho rằng chồng lười làm việc nhà, nhờ năm lần bảy lượt mới được, làm thì không đến nơi đến chốn nên họ chán, họ nản, họ nghĩ mình tự làm luôn cho xong. Dần dà lâu rồi thành nếp, trách nhiệm bị đẩy hết cho một người, trong khi đóng góp và quyền lợi thì lại không được xác nhận. Một số chị em khác lại cho rằng mình đang hy sinh vì chồng vì con, làm những việc “vặt” trong gia đình, để cho chồng ra ngoài làm “việc lớn”. Nhưng rốt cục “việc lớn” đó là gì? Đó có phải là trách nhiệm mà cả hai bạn, như hai đối tác, đã bàn giao cho nhau từ ban đầu hay không? Hay chỉ là do chính bạn, với tư tưởng nam-nữ truyền thống đã tự quy trách nhiệm cho chồng mình phải làm gì đó to tát hơn mình, trong khi chưa chắc khả năng của người chồng đã được đến như thế, và bản thân họ cũng không tự nhận cho mình trách nhiệm này. Tại sao không chia đều tất cả trách nhiệm, cả hai cùng phải làm việc nhà, cùng phải ra ngoài xã hội, cùng phải chăm sóc nội ngoại hai bên? Cho đến một khi nào đó hai bạn cảm thấy một người cần “lui về hậu phương” để làm nội trợ chẳng hạn, người kia ra ngoài kiếm tiền, khi đó, bạn chia lại trách nhiệm cũng chưa muộn. Và người làm nội trợ trong nhà, lẫn người kiếm tiền bên ngoài đều cần phải được tôn trọng tương đương nhau vì cả hai đều đã hoàn thành trách nhiệm của mình.
Nhưng quan trọng hơn cả, sự phân công trách nhiệm, quyền lợi, và quá trình hợp tác này cần phải diễn ra từ những ngày đầu tiên, những năm đầu tiên kết hôn. Bạn đừng nên nghĩ rằng mình đã làm thay trách nhiệm của đối tác mình hàng chục năm trời rồi đến khi họ 40, 50, hay 60 tuổi mà bạn nghĩ mình có thể thay đổi lại mối quan hệ này được. Điều này vô cùng khó, thậm chí không thể! Bởi vì chính bạn đã “làm hư” đối tác và làm hỏng quan hệ hợp tác của mình từ ban đầu rồi. Tôi từng chia sẻ quan điểm “vợ chồng cũng là đối tác” này với rất nhiều bạn bè ở Việt Nam, tôi nói rằng vợ chồng tôi – mặc dù không phải lúc nào cũng hoàn hảo – luôn cố gắng chia sẻ với nhau mọi công việc nhà. Có những việc chồng tôi nhận trách nhiệm làm (như đổ rác, hút bụi, giặt quần áo…) tôi chủ động không đụng chạm tới, trừ những trường hợp đặc biệt chồng bận rộn cần hỗ trợ; tương tự, có những việc tôi nhận trách nhiệm làm (như lau dọn nhà tắm, sắp xếp giấy tờ, kiểm tra thư…), chồng tôi cũng không đụng chạm tới, trừ khi tôi cần giúp; còn lại những việc chúng tôi luôn làm cùng nhau hoặc chia sẻ cho nhau (như nấu ăn, rửa bát, làm kế hoạch chi tiêu hàng tháng…). Nghe “bảng phân công này”, bạn bè tôi thường nguýt dài, nói rằng sở dĩ chúng tôi làm được là vì chồng tôi lớn lên ở phương Tây nên sẵn sàng chia sẻ công việc, rồi vì chúng tôi ở riêng nên muốn làm gì cũng được, không có bố mẹ chồng đánh giá hàng ngày; họ cho rằng những sự chia sẻ kiểu đối tác thế này không thể tồn tại ở Việt Nam. Những lúc như thế, tôi chỉ muốn gào lên rằng: Chính vì thế, các cặp vợ chồng ở Việt Nam lại càng phải trở thành đối tác hơn bất kể ở đâu hết! Đối với những cặp vợ chồng (tạm cho là “Tây” hay hiện đại) như chúng tôi, nếu quan hệ hợp tác của chúng tôi không may bị va vấp hoặc bị lỗi lầm ở đâu đó, chúng tôi có thể quay lại chia sẻ, bình đẳng, quyền lợi… dễ dàng hơn vì về tư tưởng, chúng tôi đã đồng ý làm đối tác rồi. Nhưng ở hoàn cảnh như ở Việt Nam, nếu vợ/chồng bạn vốn không có tư tưởng chia sẻ không được uốn nắn để thay đổi ngay từ ban đầu mà, rồi lại còn tiếp tục dựa vào hoàn cảnh khách quan để lấy lý do người này phải chịu nhiều trách nhiệm hơn người kia, người kia nhận được nhiều quyền lợi hơn người này … thì đương nhiên về lâu về dài sẽ không thể thay đổi được nữa. Càng ở những xã hội như Việt Nam, bạn lại càng phải chủ động tạo ra mối quan hệ đối tác sớm hơn nữa và cùng nhau nỗ lực duy trì lâu hơn nữa trong suốt những năm đầu kết hôn để tạo thành nếp. Đừng để đến khi kết hôn 10 năm, 20 năm hoặc hơn rồi mới nghĩ: “À, mình chịu thiệt thòi nhiều quá!” Không gì có thể thay đổi được khi đã đến giai đoạn này.
Đây, đối với tôi, là điều khó nhất để thực hiện nhưng cũng là điều quan trọng nhất chúng tôi đã làm cùng nhau trong 3 năm vừa qua. Những năm tới đây, chắc chắn cuộc sống của chúng tôi sẽ có nhiều thay đổi, gia đình có thể thêm thành viên, sự nghiệp có thể có bước ngoặt lớn, nơi ở có thể thay đổi… Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ vẫn cố gắng trở thành đối tác tốt của nhau, dựa vào những điểm mạnh và điểm yếu của nhau để bù trừ, trưởng thành, và phát triển.
Tôi biết ơn tất cả những thăng trầm, những ngày tháng đã qua trong 3 năm vừa rồi vì đã giúp chúng tôi trở thành một gia đình thực sự. Tôi thành thật hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp được ít nhất một ai đó ngoài kia tự tin hơn khi bước vào một cuộc hôn nhân mới và vững chắc bước ra khỏi 3 năm đầu kết hôn đầy sóng gió. Hãy tin rằng, nếu tôi làm được thì bạn cũng sẽ làm được, thậm chí với những kiến thưc này, bạn sẽ còn làm tốt hơn nữa!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Van Anh Nguyen says
Em cảm ơn chị Chi nhiều nhé. Bài viết của chị Chi có góc nhìn rất thực tế mà bản thân cũng đã gặp và trải qua. Đúng là bước vào đời sống vợ chồng giống như một thế giới khác mà ở đó có đủ hỉ, nộ, ái, ố mà mình cần phải chấp nhận, đối mặt và vượt qua.
Em cũng mới chỉ lấy chồng được hơn 1 năm nhưng bản thân cũng đã nhận ra nhiều bài học quý giá. Hành trình còn rất dài và hy vọng là mình sẽ luôn vững tâm.
Em chúc chị Chi luôn hạnh phúc nhé. <3
Phạm Thu Phương says
Gia đình mình đã kỉ niệm ngày cưới 6 năm, có 2 bạn sinh đôi 4 tuổi. 3 năm qua mình bắt đầu ở riêng và cũng thực hiện đúng như Chi nói, vợ chồng là đối tác, chia sẻ công việc hàng ngày, chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ nhau phát triển. Mình thực sự thấy hạnh phúc!❤️❤️❤️
Dù vậy những lời khuyên mục 1-2 cũng rất hữu ích vì đôi khi mình quên mất những điều này, nó khiến mình có lúc buồn phiền , than vãn.
Đọc bài của bạn, mình hiểu mình đang duy trì gia đình trên nền tảng tốt đẹp, và tiếp tục có thể làm tốt hơn như mục 1-2❤️❤️❤️
Chúc mừng kỉ niệm ngày cưới Chi và Joe! Mong chờ các bài viết của Chi hàng tuần!❤️❤️❤️
Trang Đoàn says
Em đang hẹn hò thôi nhưng 2 chúng em đều luôn cố gắng chia sẻ, thống nhất suy nghĩ, giải quyết mâu thuẫn một cách thực tế và tôn trọng nhau nhất có thể. Em thấy cả 3 điều trên đều có thể áp dụng cho giai đoạn hẹn hò, lúc mà tình yêu lãng mạn nhất mơ mộng nhất. Nếu chuẩn bị tinh thần sớm, mọi thứ sau này chắc sẽ đều có cách giải quyết, em nghĩ thế 😀
Chúc mừng kỉ niệm ngày cưới của Chi và Joe <3
Minh Nguyen says
Em có cùng suy nghĩ như chị đã viết trong bài. Đặc biệt hoàn toàn ủng hộ quan điểm ở những xứ như VN rất cần sự thay đổi để cuộc sống gia đình trở nên tốt hơn.
Em thấy ở VN trọng mặt mũi, trọng để ý người khác đánh giá về mình thế nào quá. Trong khi những người đánh giá mình có khi họ đã sống sai, mình biết là sai nhưng cũng không dám làm trái ý vì sợ bị nói bị đánh giá. Trong gia đình, nhiều người nhu nhược, không dám đứng lên giữ vai trò làm chủ mà cái gì cũng phải nghe theo lời cha mẹ, bảo ngày xưa thế này, ngày xưa thế nọ thì ngay nay cũng nên thế. Theo em đó là hành động kéo lùi sự phát triển của xã hội, khi con người ở thế kỷ 21 được hưởng thành quả của phát triển khoa học kỹ thuật nhưng lại vẫn sống với tư tưởng của thế hệ trước.
Mình góp ý thì lại bị bảo là đi nước ngoài vài năm về “dạy đời”, “mất gốc” hay “cha mẹ mày ngày xưa cũng thế nên mới sinh ra mày đấy” nhưng càng nói thì em càng giữ quan điểm của mình, vì em hiểu rõ người VN họ rất trọng danh dự, khi mình đưa ra 1 tư tưởng mới, họ dễ cảm thấy cuộc sống trước nay mình sống và quan niệm mà trước nay họ vẫn tự hào là sai dẫn đến việc họ phải tự bảo vệ bản thân mình. Nên em cứ mặc kệ, ai cần nghe thì mình góp ý vì với em thay đổi được 1 người cũng đã là quý lắm rồi.
Chúc chị và gia đình luôn nhiều sức khoẻ và hạnh phúc,
Mong chờ những bài viết tiếp theo của chị.
Hoà says
Chúc mừng ngày cưới của hai anh chị 🙂 Thực sự là một bài học quý giá cho em vì em may mắn đọc được trước khi kết hôn. Cám ơn chị Chi!
Nhi says
Bài này là một trong những bài của c mà e có thể học hỏi cũng như đánh dấu lại sau này định hướng cho các con mình trong tương lai hihi e xin cảm ơn c
Hà Giang says
Cảm ơn bạn vì bài viết! Chúc mừng 2 vợ chồng bạn nha!
Phạm Như Quỳnh says
Chi ơi, bạn có thể chia sẻ thêm trong trường hợp khi hai vợ chồng đang có mâu thuẫn thì việc sử dụng thủ thuật cult lúc này như thế nào để hiệu quả?
Chi Nguyễn says
Ha! Mình không nghĩ có thể gọi là “thủ thuật cult” 😀 nhưng theo mình, khi vợ chồng đang có mâu thuẫn thì nên có một khoảng thời gian ngắn để hai người “hạ hỏa” và suy nghĩ kỹ hơn về mọi mặt trước khi tiếp tục bàn bạc, đâm sâu vào vấn đề đó. Khi hai người đã ổn ổn hơn rồi thì mình nhẹ nhàng lặp lại vấn đề, có thể bắt đầu bằng: “Em/Anh mấy hôm rồi nghĩ đi nghĩ lại về chuyện…, em/anh nghĩ là lần trước nói mình chưa nói rõ ý nên phản ứng thái quá có thể làm em/anh giận. Mấy hôm nay em/anh nghĩ đã thông suốt hơn rồi, em/anh muốn nói rõ hơn về chuyện… một lần cho rõ ràng, được không?” Sau đó mình trao đổi thêm, cũng tùy vào trường hợp, nhưng không nên gào thét, chửi bới, dằn dỗi vì như thế chỉ đẩy nhau ra mà thôi. (Mình nghĩ “cult leader” cũng đồng ý với điều này :P)
Trần Lệ Mẫn says
Cảm ơn Chi vì bài viết này, mình chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân nhưng đâu đó trong lòng đôi khi dâng lên những nỗi bất an, lo lắng thì bài viết này chính là liều thuốc kịp thời, có những điểm mình không hài lòng về anh ấy nhưng mình vẫn quyết định chọn thì sẽ vui vẻ chấp nhận, và điều quan trọng nhất mình nhận được từ bài viết này đó là hãy là đối tác của nhau, cùng hỗ trợ nhau thì đi với nhau mới bền được 🙂