Xin chào bạn đọc The Present Writer!
Nếu bạn thường xuyên theo dõi trang Facebook của blog, chắc chắn bạn đã biết về series #30DaysofGratitude tôi khởi động 15 ngày trước đây. Để đồng hành với chuỗi bài viết về Tư duy tích cực, tôi đã quyết định viết gratitude journal của mình ngay trên Facebook trong vòng 1 tháng (30 ngày). Mỗi ngày, tôi viết 1 điều tôi cảm thấy biết ơn (bắt đầu bằng: “I’m grateful for…”) và kể một mẩu chuyện nhỏ giải thích lý do tôi chọn điều đó trong ngày. Mục đích của tôi là muốn tạo cảm hứng cho bạn đọc thực hiện gratifute journaling và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là một thử nghiệm rèn luyện khả năng tập trung và quản lý thời gian của tôi để có thể viết được một đoạn văn ngắn mỗi ngày trong vòng 1 tháng.
Để giữ cho những chia sẻ được tự nhiên và gần gũi nhất, tôi không viết trước, và cũng không biên tập khắt khe. Tôi hy vọng series này giúp bạn hiểu hơn về hành trình cuộc sống của tôi và qua đó, tạo cảm hứng để bạn viết gratitude journal hàng ngày.
Dưới đây là 15 ngày đầu tiên của #30DaysofGratitude:
Day 1: I’m grateful for my mom’s unconditional love 🙏. Hồi nhỏ, mẹ hay dẫn tôi đi khắp nơi và giới thiệu với mọi người: “Đây là bạn thân của em!” nên tôi lớn lên với suy nghĩ mẹ là một người bạn, không phải hình mẫu người lớn với quyền lực đanh thép. Tôi từng nghĩ người mẹ nào cũng như vậy nên không biết trân trọng cách dạy con “dân chủ” của mẹ. Cho đến khi tôi thấy các bạn mình bị bố mẹ áp lực, bắt phải học ngành này, bắt phải lấy người kia mà không chịu tìm hiểu tâm tư của con cái, tôi mới nhận ra mẹ mình tuyệt vời thế nào. Câu nói để đời của mẹ tôi là: “Ai có khen con đến mấy cũng không làm con tốt lên, mà ai có chê con đến mấy cũng không làm con xấu đi”. Vì vậy, điều tốt nhất có thể làm là bỏ ngoài tai dư luận, cứ làm những điều mình cho là đúng, và luôn là chính mình. I love you, mom! 💕
Day 2: I’m grateful for being stupid, arrogant, and careless when I was younger 🙏. Có bao giờ bạn cảm thấy xấu hổ khi nghĩ về một lời nói hay một hành động mình từng làm trong quá khứ? Tôi có một số chuyện mà mỗi lần nghĩ đến chỉ muốn tìm ra cỗ máy thời gian của Doraemon, quay lại thời điểm trong quá khứ để tát cho chính mình một cái thật đau và gào lên: “Shut tf up!” Hồi còn nhỏ tôi rất nhút nhát và thiếu tự tin nên thường tỏ ra khiêm tốn quá mức, không dám thể hiện khả năng của mình. Đến những năm đầu của tuổi 20, tôi lại được khuyến khích đưa ra ý kiến của mình một cách thái quá, cộng với việc có cơ hội nhìn ra thế giới từ sớm, tôi từng nghĩ mình biết nhiều hơn mọi người, từng nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ 😖. Chỉ cho đến khi tôi trưởng thành hơn và gặp nhiều người giỏi hơn mình rất nhiều, khiêm nhường hơn mình rất nhiều, tôi mới nhận ra mình chẳng có gì đặc biệt cả. Vì từng có một thời “trẻ trâu”, tôi cảm thấy thông cảm và rộng lượng hơn cho những sai sót mà học trò của tôi hay những người trẻ tôi quen mắc phải. Tôi cũng cảm thấy tự hào vì bản thân đã trưởng thành qua từng ngày, tôi của năm 27 tuổi chắc chắn tốt hơn, khiêm tốn hơn tôi của năm 19-23 tuổi. Tuy vậy, với tư duy “trẻ trâu”, tôi từng làm được những việc mà có lẽ bây giờ tôi không dám làm, ví dụ như, phỏng vấn nguyên thủ quốc gia nước ngoài khi chẳng biết tý gì về chính trị của họ, bắt xe khách đi du lịch một mình trong đêm ở một thành phố xa lạ, hay dõng dạc tuyên bố với nhà tuyển dụng: “Tôi rất thông thạo công cụ này” trong khi tối về mới lần mò google xem đó là gì… 😈Nhờ những lần liều lĩnh ấy, tôi mới có được những trải nghiệm và những mối quan hệ rất thật và có ý nghĩa lớn đối với quá trình trưởng thành của tôi hôm nay. Ôi, những năm tháng “trẻ trâu”! 😂
Day 3: I’m grateful for my mistakes and failures that have allowed me to grow, learn, and understand 🙏. Tôi không hoàn hảo. Tôi mắc nhiều sai lầm, đôi khi khá thường xuyên, và kể cả khi tôi nghĩ mình đã trưởng thành, có lúc chính tôi cũng phải lắc đầu về cách suy nghĩ và cư xử còn “con nít” của mình. Tôi không hoàn hảo. Ác mộng lớn nhất của tôi là ai đó đọc blog này và nghĩ tôi đang sống một cuộc sống màu hồng trên tận mây xanh. Do vậy, tôi không ngại kể về những va vấp trong quá trình trưởng thành của mình, những khó khăn mà hàng ngày tôi phải đối mặt, những thất bại mà đến giờ tôi vẫn gắng khắc phục hậu quả… Ngay như hôm trước, tôi vừa nghĩ mình đã hiểu lý lẽ lắm, đã học được cách kiềm chế bản thân lắm, vậy mà ngay sau đó, tôi lại mất bình tĩnh khi tranh luận với một người bạn. Mặc dù không lấy gì làm tự hào, những lỗi lầm tôi mắc phải trong cuộc sống đều dạy cho tôi bài học về sự khiêm tốn, rằng tôi không và có lẽ sẽ không bao giờ hoàn hảo, và rằng tôi có rất nhiều điểm cần phải thay đổi để tốt hơn. Nhưng có vẻ như đó là điều tuyệt vời nhất của cuộc sống? Khi biết được rằng mình còn có thể sống tốt hơn nữa và có nhiều điều tuyệt vời hơn còn đang chờ đón mình? “I am better than I was yesterday but not as good as I will be tomorrow” (Anonymous) 😇
Day 4: I’m grateful for surviving these crazy busy days 🙏. Từ đầu tuần tới giờ, ngày nào tôi cũng đi làm và đi học ở trường từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Sau đó về nhà làm việc tiếp đến nửa đêm 😖. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, những bận rộn này đều do bản thân tôi tự chọn lấy. Tôi tự quyết định lấy 5 lớp một kỳ (kỷ lục của tôi từ trước tới nay) để có thể hoàn thành toàn bộ khoá học bắt buộc trong năm nay. Tôi cũng tự chọn đi làm 20 giờ/tuần cho giáo sư để có thêm kinh nghiệm và tài chính cho việc học. Và tất nhiên, cũng chính tôi quyết định viết blog này hàng tuần và viết status này hàng ngày để chia sẻ trải nghiệm của mình. Với suy nghĩ rằng nguồn cơn bận rộn là ở mình, tôi đã thôi than vãn từ lâu 😂. Tôi tập trung năng lượng vào làm tốt nhất khả năng của mình, đồng thời luyện tập và ăn uống khoa học để có sức khoẻ tốt vượt qua những ngày này. Tôi cũng may mắn quen được những bạn học tốt bụng thường xuyên chia sẻ khó khăn và hợp tác trong nghiên cứu. Và may mắn ở cùng ông chồng biết nấu ăn để an tâm có đồ ăn ngon ngày 3 bữa. Cũng không thể không nói lời cám ơn bạn đọc blog The Present Writer vì những comment tích cực của mọi người luôn giúp tôi có động lực viết tiếp. All I can do is do my best! 😊
Day 5: I’m grateful for my group meditation practice 🙏. Vào thứ 5 mỗi tuần, tôi tham gia một nhóm thiền ở trường từ 6-7:30 tối. Tuần trước tôi không tới được vì sau tiết học cuối ngày, tôi đã mệt và đói lả, chỉ muốn về nhà ngay. Nhưng hôm nay tôi ăn uống đầy đủ hơn và có tinh thần tốt hơn nên quyết định đến nhóm tập thiền. Hôm nay là ngày đặc biệt. Thay vì tập trong phòng học, chúng tôi ngồi thiền bên ngoài trời, ngay thảm cỏ khuôn viên trường 🌳. Ai đã từng tập thiền ở nhà một mình chắc cũng biết ngồi 10-15 phút đã là rất khó. Nhưng tập thiền trong nhóm, tôi có thể ngồi tới 60 phút như không. Cảm giác thở cùng một nhịp, tập trung tư tưởng cùng một hướng với nhiều người khác là một trải nghiệm rất đặc biệt. Thiền trong nhà và thiền ngoài trời lại là cả một sự khác biệt nữa. Hôm nay tôi ngồi tĩnh trên mặt đất ngoài trời, lặng yên nghe những âm thanh cuối ngày vội vã, hít thật sâu vào bầu không khí thanh trong, ngai ngái mùi cỏ mới xén. Ra khỏi buổi tập thiền, tôi luôn cảm thấy mình nhẹ nhõm và tích cực hơn. Nếu bạn thấy thiền một mình ở nhà khó tập trung thì nên thử tìm đến các nhóm tập thiền bên ngoài. Bạn cũng có thể tự lập nhóm, chỉ cần một vài người bạn muốn thiền, một khoảng không để ngồi, và audio đơn giản hướng dẫn tập. 24 giờ ngày hôm nay của tôi trở nên dễ chịu hơn nhiều nhờ vào 1 tiếng ngồi thiền đó 😇.
Day 6: I’m grateful for a relaxing evening 🙏. Sau một tuần làm việc hết công suất, cuối cùng tôi cũng có một tối thứ 6 nghỉ ngơi. Tôi và chồng cùng dọn nhà, bỏ đi một số hoá đơn giấy tờ không cần thiết, xem lại hệ thống giày dép và áo khoác chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Sau đó chúng tôi đi siêu thị, mua đồ về tự làm bánh pizza, ăn tối, rồi đi dạo quanh khu nhà. Buổi tối kết thúc bằng việc nằm dài trên ghế sofa xem một tập TV show chúng tôi cùng thích. Đôi khi có những việc tưởng như vô cùng bình thường của một người lại đặc biệt với người khác, và ngược lại. Hôm nay tôi thấy rất vui, đơn giản vì có thể lên giường đi ngủ trước nửa đêm 😴
Day 7: I’m grateful for my grandpa’s lesson on “being present” 🙏. Năm tôi học cấp hai, khoảng từ lớp 6 lên lớp 7, ông bà ngoại tôi quyết định sang sửa lại căn hộ tập thể được Nhà nước phân cho hàng chục năm trước (hình dưới) cho sáng sủa hơn và tiện nghi hơn. Trong khi đợi căn hộ sửa xong, ông bà tôi ở nhờ căn phòng trống nhà người hàng xóm sát vách. Bố mẹ vẫn đưa anh em tôi qua đó thăm ông bà hàng tuần. Trong một buổi tối ngồi chơi hết sức bình thường, ông tôi chợt nói: “Tôi đã đi xem thầy ở nhiều nơi, ai cũng nói tôi khó có thể sống hết năm sau. Tôi cố gắng sửa nhà sớm cho yên tâm”. Cả nhà ngơ ngác nhìn ông bởi vì ông tôi lúc đó còn rất khoẻ mạnh, minh mẫn, hàng tuần còn đạp xe ra Bờ Hồ uống cà phê với bạn và viết bài đăng báo thường xuyên (ông tôi là nhà báo lão thành). Kỳ lạ nhất là ông tôi không phải người mê tín, chưa ai từng nghe ông đi xem bói bao giờ. Lúc đó, mọi người đều gạt đi, coi như ông chưa từng nói gì. Chỉ có trên đường về, mẹ tôi mới bảo ba tôi: “Này, bố tự nhiên hôm nay nói gì sợ thế nhỉ!” Sau đó, dường như không có ai nhắc lại chuyện này. Nhưng không hiểu sao, tôi rất nhớ và ám ảnh với câu nói đấy của ông. Trong đầu óc của con bé 12-13 tuổi lúc bấy giờ, tôi nghĩ: Dù lời nói của ông có thành sự thật đi chăng nữa, cứ coi như năm nay là năm cuối cùng có thời gian bên ông để ghi nhớ mọi ký ức về ông! Trong năm đó, âm thầm, tôi chủ đích dùng tất cả sự tập trung của mình để ghi nhớ từng chi tiết về ông. Mỗi lần tới thăm ông bà, tôi thường xán ngay vào lòng ông, để bàn tay cầm bút tài hoa, gầy guộc, nhăn nheo của ông sát vào mắt mình. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ từng đường gân, từng vết đồi mồi trên bàn tay ông. Tôi còn tâm sự với ông rất nhiều trong năm đó, tôi chia sẻ từng bản nháp bài văn tôi viết, hình tôi vẽ, và những chiếc bút máy tôi thích cho ông (ông tôi thích sưu tầm các loại bút lạ). Kỷ niệm trong năm đó là có lần ông đạp xe từ nhà ở Thành Công đến tiệm văn phòng phẩm cạnh trường cấp 2 tôi học khi đó ở phố Hàm Long, chỉ để mua chiếc bút chì kim tôi từng khoe với ông một lần. Khi nghe ông kể lại, tôi đã nói ước gì ông đợi một chút đến khi tôi tan học, tôi sẽ dẫn ông đi ăn chè ở ngõ Hàm Long (ông rất thích đồ ngọt) và giới thiệu ông với bọn bạn của tôi.
Một thời gian ngắn sau đó, ông mất. Ông tôi bị ung thư, từ khi phát hiện bệnh đến khi mất chỉ khoảng vài tuần. Không ai có thể đoán được là ông ra đi nhanh như thế (có lẽ trừ tôi và ông). Mặc dù ông ngoại mất đi để lại khoảng trống lớn trong tôi, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi nghĩ đến toàn bộ thời gian 1 năm trước đó tôi đã dành để ghi nhớ ký ức đẹp nhất về ông. Tôi thực sự sống với thực tại mỗi khi ở bên ông, tôi không nghĩ về quá khứ, không nghĩ về tương lai, không phí hoài thời gian, không chúi mũi vào tivi, điện thoại. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần đầu óc lan man, xao nhãng, tôi lại nhớ đến câu chuyện này để nhắc mình quay lại với thực tại và dành 100% năng lượng cho những người thân yêu. Cám ơn ông vì bài học làm người đắt giá ông để lại cho con!
Day 8: I’m grateful for reaching a thousand “Likes” on TPW blog’s Facebook page today 🙏. Cám ơn hơn 1,000 bạn đọc đã “like” và ủng hộ blog trên trang Facebook này! Khi blog mới chỉ có trong ý tưởng, tôi đã tâm niệm rằng chỉ cần bài viết của mình có ý nghĩa với hơn 1 người, tôi sẽ tiếp tục viết. Không ngờ sau 2 tháng ra mắt, blog nhận được ủng hộ tích cực của nhiều người – hơn rất nhiều những gì tôi tưởng tượng. Nhưng điều bất ngờ nhất có lẽ là những gì tôi học được từ việc viết blog và làm quen với bạn đọc. Từ ngày viết blog, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thăng bằng hơn và nhẹ nhõm hơn khi được viết ra suy nghĩ của mình. Tôi cũng quen được nhiều bạn mới và kết nối lại với những người bạn cũ. Tôi có cảm giác rằng tất cả bạn đọc đến với blog này đều có tâm hồn hướng thiện và mong muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn. Vì thế, mọi người luôn yêu quý và gửi đến tôi những lời động viên chân thành nhất. Tôi thực sự biết ơn vì điều này 🤗. Để cho ra 1 bài viết mỗi tuần là cả một quá trình lao động kiên trì và bền bỉ (nhiều full-time bloggers chỉ đăng bài 2-3 lần một tháng). Thật sự trong 2 tháng qua đã không ít lần tôi nghĩ sẽ bỏ qua một tuần hay post bài chậm vài ngày vì lịch học và làm của tôi rất dày đặc. Nhưng mỗi lần đăng nhập vào blog, tôi lại có cảm hứng viết tiếp, tưởng như đâu đó bạn đọc đang cổ vũ, chờ đợi bài viết mới hôm nay. Cám ơn bạn rất nhiều vì nguồn năng lượng bạn mang đến cho tôi!🙏
Day 9: I’m grateful for having a productive day 🙏. Hôm nay là lần đầu tiên, sau 3 tuần ngụp lặn trong công việc, tôi hoàn thành mọi mục tiêu đề ra trong ngay 😁. Không có gì thoả mãn hơn là nhìn thấy tất cả đầu việc trên sổ Productivity Planner đều được check. Thành quả lớn nhất hôm nay có lẽ là đọc xong một cuốn sách chuyên ngành 380 trang trong 1 tiếng rưỡi. Khi mới bắt đầu học cao học, tôi đọc rất chậm và thường xuyên ngáp ngủ, nhưng sau vài năm đọc tài liệu với số lượng nhiều và dưới áp lực thời gian, tôi đã xây dựng được một số phương pháp để đọc nhanh và đọc tập trung, nắm ý chính. Nếu bạn đọc quan tâm, có lẽ tôi sẽ chia sẻ về phương pháp đọc nhanh trên blog trong tương lai 🤓
Day 10: I’m grateful for knowing some random computer tricks 🙏. Có lẽ phi vụ post bài tối qua là chật vật nhất từ trước tới nay 😂. Đầu tiên là quá trình biên tập bài tốn nhiều thời gian hơn tôi dự tính, phần vì đề tài khá tế nhị, phần vì sau cả ngày ngày sử dụng tiếng Anh, tôi cần thêm một chút thời gian để diễn đạt lại bằng tiếng Việt. Sau khi đăng bài trên blog, tôi theo thông lệ gửi email thông báo đến subcribers. Nhưng email gửi mấy lần đều hỏng. Sau một hồi tìm ra nguyên nhân do lỗi từ domain, tôi quyết định dùng một công cụ khác là MailChimp để gửi thông báo đến subcribers. Thế là lại cả một quá trình xuất ra, nhập vào email list, sửa template, copy nội dung. Cuối cùng cũng gửi được thông báo 😅. Sau đó lại đến lượt Facebook dở chứng đăng lên đăng xuống mà không thấy bài đâu. Tiện đây, tôi xin lỗi bạn nào nhận được email thông báo hay news feed trên Facebook nhiều hơn một lần 😭. Đến khi post được bài trên blog, email, Facebook thì đã hết cả buổi tối. Tuy nhiên, tôi rất vui vì gửi được bài viết đúng hạn. Tôi cũng biết ơn những kỹ năng máy tính cóp nhặt được từ chỗ này chỗ kia giúp tôi xử lý tình huống khi cần. Mặc dù blog còn chưa hoàn hảo, tôi tự hào vì đã tự mình thiết kế và xây dựng trang web từ con số 0. Trong giấc mơ hoang đường nhất, tôi cũng ko nghĩ có ngày mình biết viết code, dùng HTML, tạo Listserv…😅. Làm blog khiến tôi có động lực học thêm những điều mới và tự tin hơn khi sử dụng công nghệ (nghe có vẻ giống tâm sự của bà ngoại khi mới biết dùng điện thoại di động). Like để chia sẻ khó khăn với blogger 😆!
Day 11: I’m grateful for having a great class discussion today on the Marxist theory of social reproduction 🙏. Hồi ở Việt Nam, mỗi lần học “Chủ nghĩa Mác Lênin” là một lần tôi cảm thấy khô khan, rập khuôn, thiếu liên hệ thực tế. Nhưng tôi lại rất thích đọc triết học Mác bằng tiếng Anh và các bài phân tích xã hội hiện đại dưới góc nhìn của Mác. Tôi cảm thấy dường như cách dạy đại trà, khuôn mẫu ở Việt Nam không làm nổi bật lên được những điểm sâu sắc mà Mác muốn truyền tải về xã hội. Khi bắt đầu học cao học, tôi rất ngạc nhiên về hiểu biết sâu sắc của các giáo sư Mỹ về Chủ nghĩa Mác và ứng dụng vào ngành Giáo dục. Hôm nay trên lớp, chúng tôi lại có một cuộc thảo luận sôi nổi về các nghiên cứu sử dụng học thuyết Mác để giải thích vấn đề bất công trong xã hội và trường học. Nếu có dịp trở lại đứng lớp ở Việt Nam, tôi rất muốn dạy một khoá về Chủ nghĩa Mác trong Giáo dục. Khoá học sẽ đa chiều, thảo luận cả mặt mạnh và mặt hạn chế của Chủ nghĩa Mác, cũng như ứng dụng và liên hệ thực tế của học thuyết này với việc dạy và học. Tôi thường hạn chế viết về những điều học thuật trên blog, nhưng học thuật thực ra là một phần (lớn) cuộc sống của tôi. Hôm nay tôi đi học từ 9h sáng đến 9h tối nhưng không thấy mệt vì có những cuộc thảo luận hay như thế này. #nerd
Day 12: I’m grateful for everything I learned in Taiwan. Vào mùa hè năm tôi vừa sang tuổi 21, tôi sang Đài Loan thực tập 2 tháng cho một tổ chức phi chính phủ. Công việc của tôi là dạy tiếng Anh, văn hoá, và nghệ thuật cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và thanh niên khiếm thị. Vào thời điểm đó tôi đã đi dạy được 2 năm rưỡi nên khá tự tin về khả năng truyền đạt của mình đối với trẻ em, nhưng tôi hầu như chưa từng có kinh nghiệm làm việc với học sinh khuyết tật. Vào tuần đầu tiên, ngay khi tôi vừa đặt chân đến Đài Bắc, tổ chức tôi thực tập tiến hành training cho đội ngũ giáo viên nước ngoài (ngoài tôi còn có một số bạn khác đến từ Nga, Ý, Hà Lan, Singapore, Malaysia…). Một hoạt động training mà tôi không bao giờ quên đó là: bịt mắt qua đường. Chúng tôi được cấp cho một cái băng che mắt, một cây gậy, và một người bạn đồng hành chỉ đường. Nhiệm vụ của chúng tôi là bịt mắt qua đường (ngay ngã 4 đèn xanh đèn đỏ), người bạn đồng hành sẽ đi sát ngay cạnh để đưa ra hướng dẫn bằng giọng nói (không cầm tay dắt đi). Ban đầu tôi rất hớn hở tham gia vì nghĩ không có gì khó cả. Nhưng ngay khi vừa đeo băng bịt mắt, tôi đã lập tức hoảng sợ, co rúm người lại, lập cà lập cập. Tôi cảm thấy bị bao chùm bởi màn đêm đen kịt, không có lối ra, mênh mông, hoang dại. Tiếng xe cộ qua lại nườm nượp và tiếng hò reo của các bạn để tôi qua đường càng làm tôi thấy sợ hơn, tôi cảm thấy mình đang ở trong một thế giới khác hẳn mọi người. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của bạn chỉ đường, tôi cũng mò mẫm qua được bên kia đường. Lúc đó, bạn bảo tôi: “Trước mặt là khoảng trống, cậu thích đi đâu cũng được. Mình sẽ quan sát từ đây.” Vậy là tôi nhón chân đi từng bước một. quờ quạng tìm đường trong màn đêm, trong nỗi sợ hãi, hoang mang. Điều đáng sợ nhất là cảm giác TRỐNG RỖNG. Tôi không biết đi vào đâu, không biết bấu víu vào ai, cứ chìm trong hố sâu hun hút. Đây có lẽ là một trong những cảm xúc khó tả nhất mà ai phải qua thực tế mới hiểu được. Sau trải nghiệm đó, tôi có cái nhìn hoàn toàn khác về việc dạy học cho học sinh khiếm thị, tôi thay đổi giáo án để không chỉ dạy học bằng lời nói (giảng bài), mà còn bằng việc cầm tay dò theo học sinh trên bảng chữ nổi, sử dụng nhiều công cụ có thể cầm, nắm, sờ để minh hoạ cho bài. Tôi cũng cố gắng nói chậm, phát âm rõ ràng, và kiên trì với mức độ tiếp thu của từng học sinh.
Vào ngày cuối cùng của đợt thực tập, một học sinh của tôi có trả lời phỏng vấn của truyền hình địa phương, ý nói rằng rất biết ơn sự kiên trì, nhẫn nại, và tính sáng tạo trong sử dụng giáo cụ của tôi đã giúp em học tiếng Anh tốt hơn. Tôi cảm thấy rất xúc động và có phát biểu lại rằng tất cả những gì tôi làm đều xuất phát từ trải nghiệm ngắn mà đáng nhớ trong đợt training của tổ chức (khoảnh khắc này được lưu lại trong tấm hình dưới đây). Đã 6 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in chuyến thực tập ở Đài Loan và những điều tôi học được về giáo dục, xã hội, tình người, và chính bản thân mình. Khi nào có dịp, tôi sẽ chia sẻ thêm về chuyến đi này trên blog 🙂
Day 13: I’m grateful for being at home today 🙏. Sau một tuần đi học và đi làm ở trường từ sáng tới tối, cuối cùng tôi cũng có một ngày được ở nhà. Tôi là một “homebody” thực thụ, tôi cảm thấy mình làm việc và nghỉ ngơi hiệu quả nhất khi ở nhà. Tôi luôn sắp xếp ít nhất 12 tiếng/tuần để ở nhà một mình. Khi mới ra trường, tôi đi làm một công việc văn phòng từ 8h sáng đến 4h chiều, từ thứ 2 đến thứ 6. Mặc dù công việc tốt và trong lĩnh vực tôi yêu thích, việc làm theo giờ hành chính thực sự khiến tôi mỏi mệt, héo hon 😢. Tôi biết nhiều đồng nghiệp và bạn bè thích đi làm theo giờ hành chính, việc đến văn phòng hàng ngày khiến họ năng động hơn. Rất tiếc tôi lại không phải tuýp người như vậy. Tôi cảm thấy thoải mái nhất với loại công việc kết hợp vừa văn phòng vừa ở nhà – những công việc tôi có thể tự quyết định được lịch làm việc của mình. Tôi cũng thuộc tuýp người hướng nội, mặc dù rất thích giao lưu trò chuyện với mọi người, tôi cần có khoảng thời gian ở một mình để tự “sạc” lại năng lượng. Khi ở Việt Nam, tôi cảm giác mình không được biết đến nhiều lựa chọn. Hầu như mọi người xung quanh tôi đều làm cho nhà nước, và kể cả những người làm cho doanh nghiệp bên ngoài, họ cũng làm theo giờ hành chính. Vì vậy, việc kiếm một công việc “ổn định” làm ngày 8 tiếng, 5 ngày/tuần được xem như là lẽ đương nhiên, là cách duy nhất để “đi làm”. Vì thế, rất khó để tâm sự hay giải thích cho những người vốn thích hoặc đã quen với việc làm hành chính về cảm giác ngột ngạt, bức bối của tôi. Mỗi lần tôi mở lời lên là một lần bị dập xuống: “Ông bà, bố mẹ, các chú các bác, các anh các chị đều làm như thế cả đời có ai than thở gì đâu mà mới đi làm đã kêu như thế là thế nào!” Cho đến khi tôi sang Mỹ bắt đầu vừa đi học vừa đi làm với lịch trình tự sắp xếp, kết hợp vừa làm ở trường vừa làm ở nhà, mọi thứ dường như “có lý” hơn hẳn. Hiện nay ở Việt Nam, với sự phát triển của các công ty start-up, rồi kinh doanh online, dường như mọi người cũng cởi mở với những công việc “không theo giờ hành chính” hơn trước đây. Đây là một điều đáng mừng bởi vì những ai đi ngược lại số đông, không muốn một công việc “ổn định” có thể tìm được tiếng nói hơn và có nhiều cơ hội làm việc phù hợp hơn. Nhiều người nói: “Có việc để làm cho là tốt rồi”, nhưng đối với tôi, làm việc mà mình không thích 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần trong hàng năm trời thì không khác gì lao động trong trại cải tạo 😂. Hôm nay tôi vui vì một niềm hạnh phúc giản đơn là được ở nhà một mình.
Day 14: I’m grateful for my husband and cat 🙏. Hầu như ngày nào Gratitude Journal của tôi cũng bắt đầu bằng câu này. Khi tôi mới chuyển đến State College, một thành phố nhỏ trong thung lũng Happy Valley, tôi nghĩ mình sẽ buồn lắm, chỉ một thân một mình, sáng đi học, tối về nhà. Vì vậy, tôi đặt tên chú mèo mới nhận nuôi là Friday – theo tên nhân vật đồng hành của Robinson Crusoe ngoài đảo hoang 😊. Nhưng sau này, tôi nhận ra rất nhiều điều thú vị ở State College mà những thành phố trung tâm không có, tôi cũng quen thêm được nhiều bạn tốt, và lịch học và làm việc bận rộn khiến tôi không có thời gian mà buồn. Nhất là sau khi chồng tôi chuyển đến ở cùng, chúng tôi (2 người, 1 mèo) đã thực hiện nhiều chuyến phiêu lưu quanh Happy Valley và nhiều cuộc hành trình xuyên nước Mỹ. Nhiều khi tôi không thể nhớ cuộc sống trước đây của mình như thế nào trước khi có chồng và có mèo 😆. Cám ơn 2 bạn!
*Ảnh: Friday ngoan ngoãn trong vòng tay “bố” chờ bác sĩ tiêm chủng.
Day 15: I’m grateful for growing up reading manga 🙏. Trái với suy nghĩ của nhiều người, tôi hồi nhỏ không phải là “mọt sách” mà là “mọt truyện”. Tôi rất thích đọc truyện tranh. Hầu như cuối tuần nào anh em tôi cũng kéo nhau ra hàng thuê truyện tranh trong xóm để mượn truyện về đọc. Tôi đọc gần như tất cả các thể loại truyện hồi đó, từ những truyện “con trai” như Siêu Quậy Tép-pi, Bác Sĩ Quái Dị, Bảy Viên Ngọc Rồng… đến những truyện “mít ướt” như Candy Cô Bé Mồ Côi, Nữ Hoàng Ai Cập, Em Bé và Tôi… Bộ truyện tôi thích nhất cho đến tận bây giờ là Mặt Nạ Thuỷ Tinh (a.k.a. Cô Bé Chăm Chỉ), truyện kể về một cô bé đam mê diễn kịch và có một mối tình đặc biệt với người hâm mộ bí ẩn thường xuyên tặng hoa hồng tím. Bộ truyện này đến bây giờ vẫn chưa có hồi kết. Tôi bắt đầu đọc Mặt Nạ Thuỷ Tinh từ năm cấp 1 và mỗi lần truyện tái bản tôi lại mua, hầu như năm nào tôi cũng đọc lại, nếu không đọc được cả bộ thì cũng đọc một vài tập yêu thích. Mỗi lần đọc tôi lại phát hiện ra điều mới lạ từ bộ truyện mà mình không nhận thấy trước đây. Ví dụ như có nhiều diễn biến tâm lý, rung động cảm xúc của 2 nhân vật chính mà hồi nhỏ tôi không để ý, đến khi trưởng thành hơn tôi mới hiểu được nét vẽ và dụng ý của tác giả. Tôi lớn lên cùng bộ truyện.
Truyện tranh là cả một thế giới tuổi thơ của tôi. Tôi học được rất nhiều điều từ truyện tranh mà không cuốn sách thiếu nhi nào so sánh được. Tôi biết rất nhiều bạn hồi nhỏ bị bố mẹ ngăn cấm không cho đọc truyện tranh, thậm chí bị bố mẹ đốt truyện, bắt chỉ được đọc truyện chữ hoặc sách giáo khoa để “chuyên tâm vào học”. Ba mẹ tôi không bao giờ như thế. Mẹ tôi thường xuyên cho anh em tôi tiền thuê và mua truyện tranh. Ba tôi cũng đọc một số truyện tranh chúng tôi đem về nhà và thi thoảng trao đổi với chúng tôi ý nghĩa của truyện.
Tôi từng mơ ước làm hoạ sĩ vẽ truyện tranh. Hồi học cấp 1, tôi cũng với mấy bạn học sáng tác truyện tranh nhiều kỳ, photo-copy, “xuất bản” và bán cho các bạn trong lớp lấy tiền ăn quà vặt 😀. Hồi học cấp 3, tôi cùng một người bạn thân (cũng nhóm vẽ truyện tranh hồi cấp 1) lấy bút danh là “Gemini”- hai đứa cùng vẽ truyện chuyên nghiệp (vẽ bút mực, sửa photoshop, làm hiệu ứng) để gửi đi mấy tạp chí truyện tranh đang nổi hồi bấy giờ. Tôi cũng không nhớ tại sao dự án vẽ truyện tranh đó không đi đến hồi kết, đến bây giờ ở nhà tôi chắc vẫn còn bản vẽ raw của hai đứa hồi đấy. Người bạn trong nhóm “hoạ sĩ” Gemini của tôi giờ cũng đã lấy chồng, mới sinh con đầu lòng, đã tốt nghiệp Thạc sĩ ở Mỹ và sắp sửa học Tiến sĩ ngành…Ngôn ngữ học (Linguistics) 🙂. Đây là minh chứng lớn nhất để đập lại luận điểm của các bậc phụ huynh rằng con đọc truyện tranh thì sẽ kém phát triển ngôn ngữ và văn hoá đọc. #tuổithơdữdội
[Đọc phần 2 bài viết này tại: https://thepresentwriter.com/15-ngay-cuoi-30daysofgratitude/]
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Thúy Trần says
Cảm ơn chị vì đã chia sẻ những câu chuyện của chị. Em đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống và yêu bản thân hơn khi luôn tự nhủ ” Be Present” nó như câu thần chú ” mọi chuyện đều ổn” trong bộ phim “3 chàng ngốc ” em rất thích <333. Em đã xem youtube và đọc blog của chị về hầu hết các chủ đề và những điều chị viết ra có ý nghĩa đối với em rất nhiều như những phương pháp học tập hiệu quả, cách sống tối giản … Em đang trên con đường tìm hiểu bản thân và sắp tới khi hết dịch em muốn đi tình nguyện ở nước ngoài, chị cho em hỏi tên tổ chức chị đã tham gia đi tình nguyện ở Đài Loan là gì được không ạ?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhé. Chị làm ở Eden Foundation đó 😀
Tram says
Hi Chi,
Mình vừa biết đến Chi gần đây thôi và mình ngày nào cũng để blog của Chi trên Browser, cứ mở máy là lại hiện nguyên những topic về chủ để Tích cực Chi đã post. Đọc đọc và nghiền ngẫm và làm theo…. Đặc biệt cái The 5 minute Journal mình đã thực hiện được ngày thứ 4 rồi. Nhưng mình vẫn cảm thấy khó khăn khi phải nghĩ ra 3 điều grateful mỗi sáng. Cuộc sống hiện tại của mình vì dịch bệnh, mưa bão, thất nghiệp ở nhà với 2 con nhỏ, thật sự ko có nhiều trải nghiệm để biết ơn nữa. Mình bí thật sự rồi những vẫn ráng viết nhảm nhí cho đủ 3 điều mỗi ngày hihi. Cảm ơn Chi và mong mọi điều tốt lành đến với Chi nhé.
Chi Nguyễn says
Mình nghĩ 3 điều grateful buổi sáng giúp mình được nhiều nhất trong hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ khi dịch bệnh bùng nổ ở Mỹ mình cũng phải vừa làm ở nhà, vừa chăm con, chồng cũng bị nghỉ việc. Khi đó, điều mình ghi xuống là: biết ơn vì bọn mình vẫn khoẻ mạnh thời kỳ dịch bênh, biết ơn vì có thời gian thêm ở bên con, biết ơn vì mình biết mình sẽ học được điều gì đó giá trị sau khi vượt qua khó khăn này… Chúc bạn nhiều hạnh phúc nhé!
Tram says
Cảm ơn comment của Chi, những gì cần biết ơn về sức khỏe, thời gian… mình cũng đã viết hết rồi nè. Mình không nghĩ ra được những điều biết ơn mới nên chắc cứ thỉnh thoảng lặp lại những điều biết ơn mình đã viết trước đó nhỉ, cũng là một các khắc sâu hơn mà hihi
Tram NGUYEN says
Hi Chi,
Mình vừa biết đến Chi gần đây thôi và mình ngày nào cũng để blog của Chi trên Browser, cứ mở máy là lại hiện nguyên những topic về chủ để Tích cực Chi đã post. Đọc đọc và nghiền ngẫm và làm theo…. Đặc biệt cái The 5 minute Journal mình đã thực hiện được ngày thứ 4 rồi. Nhưng mình vẫn cảm thấy khó khăn khi phải nghĩ ra 3 điều grateful mỗi sáng. Cuộc sống hiện tại của mình vì dịch bệnh, mưa bão, thất nghiệp ở nhà với 2 con nhỏ, thật sự ko có nhiều trải nghiệm để biết ơn nữa. Mình bí thật sự rồi những vẫn ráng viết nhảm nhí cho đủ 3 điều mỗi ngày hihi. Cảm ơn Chi và mong mọi điều tốt lành đến với Chi nhé.