Lần đầu tiên tôi cầm lên cuốn “Đắc Nhân Tâm” là năm 15 tuổi. Khi đó tôi mới học cấp hai, thường xuyên lang thang cuối tuần với cô bạn thân ở phố sách Đinh Lễ; tâm hồn tôi lúc đó như tờ giấy trắng, hầu như chưa biết gì về đối nhân xử thế cuộc đời. Dòng giới thiệu: “Tác giả Dale Carnegie – ‘ông tổ’ của dòng sách self-help (giúp bản thân)” in đậm trên bìa sách khiến tôi chú ý, cầm lên ngó nghiêng. Thấy vậy, cô bạn tôi dòm vào bảo: “Tao chúa ghét những kiểu sách mà tác giả dạy đời mình phải sống thế này, thế kia! Đọc sốt ruột lắm!” Nghe thế, tôi vội buông ngay cuốn sách xuống. Mặc dù khi đó khái niệm “self-help” mới chỉ rất lờ mờ trong đầu, lời nói của người bạn khiến tôi lập tức cảm thấy xấu hổ vì bị “bắt quả tang” quan tâm đến loại sách này. Cảm giác ngượng ngùng này theo tôi đến vài năm sau đó, chộn rộn trong lòng tôi mỗi khi thoáng nhìn thấy “Cha Giàu, Cha Nghèo”, “Súp Gà Cho Tâm Hồn”… giăng đầy trên các tiệm sách. Cứ như thể là nếu ai đó bắt gặp tôi cầm lên những cuốn sách này, họ sẽ đánh giá ngay rằng cuộc sống của tôi đang “có vấn đề” và tôi đang cầu cứu người khác chỉ cho mình biết sống thế nào mới là đáng sống. Đối với một cô bé tuổi “teen” ngượng nghịu, cảm giác này thật sự không dễ chịu chút nào.
Lần thứ hai tôi cầm lên cuốn “Đắc Nhân Tâm” là năm 19 tuổi. Khi đó tôi đã là sinh viên năm hai đại học, với nhiều vấn đề về trưởng thành, va vấp trong quan hệ giữa người với người. Tôi cầm lên bản tiếng Anh của cuốn sách này tại một hiệu sách ngoại văn cũ ở gần Hồ Tây; cái tên tiếng Anh (tiêu đề gốc) của cuốn sách khiến tôi nhập tâm: “How to win friends and influence people” (tạm dịch: Làm sao để có bạn bè và tạo ảnh hưởng tới mọi người). Ngay trong tiệm sách, tôi đọc lời giới thiệu ở trang bìa, tập gấp, và lượt qua nội dung chính của cuốn sách. Thì ra đó là cuốn sách được viết bởi một doanh nhân (Dale Carnegie xuất thân là một người chào hàng) và sách được xây dựng dựa trên các câu chuyện kinh doanh, đối nhân xử thế của các doanh nhân lớn, những người tạo ra ảnh hưởng (ít nhất là về mặt kinh tế) cho xã hội hiện đại. “Chà, khá là thú vị đấy nhỉ” – tôi nghĩ thầm, định bụng sẽ quay lại đọc tiếp cuốn sách hai tháng sau – khi tôi về nước. Thời điểm đó, tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên tới Mỹ và Peru để dự hội nghị APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương).
Đó là năm 2008, cả thế giới chao đảo vì khủng hoảng tài chính. Là một sinh viên ngành Quốc tế học, tôi cũng đã nghe nói ít nhiều về cuộc khủng hoảng này, nhưng phải đặt chân đến hội nghị APEC rồi, tôi mới thấm thía được ảnh hưởng của nó lớn đến như thế nào. Hầu hết mọi nguyên thủ quốc gia, chuyên gia tài chính, chủ doanh nghiệp lớn đều xuất hiện trong hội nghị với những cái chau mày mệt mỏi. (Chỉ trừ Jack Ma – một người có góc nhìn về kinh tế rất thông minh mà tôi có may mắn được gặp trực tiếp tại thời điểm đó, nhưng đó lại là một câu chuyện khác). Tôi còn nhớ ông trưởng đoàn của tôi, một giáo sư người Mỹ, đưa cho sinh viên truyền tay tờ quảng cáo của chương trình năm ngoái (năm 20o7) và nói hãy nhìn vào các thương hiệu tài trợ in ở bìa sau: General Motors, Lehman Brothers … Trời ơi, họ đều đã phá sản hoặc đang bên bờ vực phá sản! – tôi sững sờ. Càng theo dõi sát hội thảo, càng nghe thêm nhiều điều về khủng hoảng kinh tế, tôi càng nhận ra những cái tên – những doanh nhân “sừng sỏ” mà cuốn “Đắc Nhân Tâm” nhắc đến nay đang khốn đốn như thế nào. Nghĩ về lời hẹn quay lại đọc cuốn sách, tôi chần chừ: Liệu lời khuyên của họ có giá trị không khi bản thân họ hiện rơi vào tình huống như thế này? Nếu thực sự là “vĩ nhân”, tại sao họ còn gặp thất bại lớn đến thế? Tất nhiên, bây giờ nhìn lại, tôi hiểu rằng việc thất bại trong kinh doanh không đồng nghĩa với những bài học về cuộc sống của họ là sai, hay cách đối nhân xử thế của họ không hợp lý. Chúng ta đôi khi học được nhiều hơn từ những câu chuyện thất bại. Nhưng tôi của năm 19 tuổi thì không nghĩ được đến thế.
Lần thứ hai tôi cầm lên cuốn “Đắc Nhân Tâm” là năm 25 tuổi. Mọi thứ sau sáu năm đã hoàn toàn đổi khác; kinh tế thế giới dần ổn định, hiệu sách ngoại văn cũ năm nào đã chuyển sang một ngõ nhỏ ở phố Châu Long, còn tôi thì đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm (đồng nghĩa với việc được thực tế dạy cho thế nào là “đắc nhân tâm”), và chuẩn bị đi du học. Lần này tôi cầm cuốn sách lên, không ngại ngùng, không dấu diếm, không bị thúc ép về thời gian. Lần đầu tiên, tôi đọc nhập tâm từ đầu cuốn sách. Nhưng thật ngạc nhiên (ngay cả với chính tôi), tôi không hề thích cuốn sách này. Dù có cố gắng tập trung đến đâu, tôi cũng không thể đọc quá một nửa cuốn sách và cũng không cảm thấy thích thú, cuốn hút, gắn kết khi đọc. Đó là lần cuối cùng tôi cầm lên cuốn sách này.
Đừng hiểu lầm, đây thực sự là một cuốn sách thú vị. Tôi từng biết rất nhiều người, đặc biệt những người làm kinh doanh, đã học được nhiều điều bổ ích từ cuốn sách này. Nhiều người còn khẳng định đây là cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời họ. Đó là lý do tại sao dù “Đắc Nhân Tâm” ra đời năm 1936 nhưng vẫn tiếp tục được bán ra đều đặn, và cho tới tận bây giờ, vẫn là một cuốn sách được mọi người tìm đến nhiều nhất trong dòng self-help. Nhưng đối với riêng tôi, nó chưa bao giờ tạo được cú “click” – hay nói một cách đơn giản nhất, cuốn sách này và tôi không hợp nhau. Nhìn lại, khó có thể chỉ ra lý do tại sao tôi không thích cuốn sách này, có lẽ vì cách tiếp cận quá kinh doanh, quá “thị trường”, có lẽ vì phong cách viết, có lẽ vì lối suy nghĩ và tính cách của tác giả không trùng với tôi… Vì lý do gì đi chăng nữa, việc đọc cuốn sách này khiến tôi nhận ra điểm đặc biệt của dòng sách self-help. Sách self-help rất dễ đọc những cũng rất kén người đọc. Nếu hợp, sách có thể trở thành tài liệu thiêng liêng, quý giá, thân thiết – mỗi lúc gặp bế tắc trong cuộc sống thì mở ra xem (tựa như Kinh thánh vậy). Nhưng nếu không hợp, rất khó để đọc qua dù chỉ một chương.
Kể từ đó trở đi, tôi đọc rất nhiều sách self-help. Đặc biệt khi khả năng đọc tiếng Anh của tôi tốt hơn và tiếp cận được nhiều hơn những loại sách self-help hiện đại, tôi nhận ra rằng self-help có rất nhiều loại, không chỉ về kiếm tiền, về kinh tế, mà còn về cuộc sống, về con người. Như thể nếu ta có bất kể vấn đề gì trong cuộc sống, thị trường sách self-help sẽ có cuốn trả lời ngay chính vấn đề đó của ta. Có cả những loại sách self-help thiên về học thuật, sử dụng những tài liệu nghiên cứu khoa học để chứng minh cho luận điểm của mình (như “The Defining Decade” hay “Quiet”) – đây là loại sách mà cá nhân tôi thích đọc. Nhưng khi càng nhiều loại sách dòng này ra đời, tôi lại càng trở nên “kén đọc” hơn. Đối với sách self-help, trước khi quyết định đọc nghiêm túc, tôi thường đọc nhanh qua cuốn sách trước để biết nội dung chính, phong cách viết, và cách tiếp cận (tôi thường đọc ở tiệm sách hoặc lấy mấy chương đọc thử miễn phí trên mạng); tôi đọc bình luận, review của nhiều người từng đọc sách; nếu có thể, tôi tìm hiểu trước về tác giả, xem qua các bài phát biểu để hiểu phần nào về họ trước khi thực sự “cam kết” bản thân với một cuốn sách. Đối với tôi, chọn đọc sách self-help là chọn mở lòng mình cho tác giả chạm đến những phần mong manh, dễ đổ vỡ nhất của bản thân, để tìm được sự đồng cảm sâu sắc, để thay đổi cuộc sống của mình một cách tốt hơn. Bởi vậy, tôi luôn cảm thấy mình cần tin tưởng tác giả và cuốn sách trước khi mở lòng mình. Bạn thấy đấy, tôi là một độc giả khó tính :).
Nhưng có thể nói, đây là dòng sách tôi thích nhất. Tôi yêu sách self-help vì những cuốn sách này luôn dạy cho tôi những điều mới lạ, chạm đến những phần thầm kín trong tôi mà những cuốn giả tưởng hay học thuật không thực sự với tới được. Tác giả thành công của dòng sách này, hoặc là họ phải làm nghiên cứu rất lâu, hoặc họ phải sống qua rất nhiều thăng trầm (hoặc cả hai?) để viết được những cuốn sách nhiều thông tin và sâu sắc đến như vậy. Mỗi lần gấp lại một cuốn self-help hay, tôi đều cảm thấy mình được truyền thêm cảm hứng, đầu óc được gợi mở, và có thêm động lực để làm những điều tôi muốn. Mặc dù trong thâm tâm, tôi, cũng như người bạn thân năm 15 tuổi của mình, không thích nghe người lạ “lên lớp” về cuộc sống. Chẳng có ai trong chúng ta thích điều đó cả. Chẳng có ai vui vẻ khi đọc cuốn sách nói rằng cuộc sống hiện tại của ta chưa thật sự tốt và hô hào ta phải làm gì đó để thay đổi lối sống của mình. Nhưng liệu có ai trong chúng ta có thể khẳng định rằng cuộc sống của mình hoàn hảo? Liệu có ai trong chúng ta có thể vỗ ngực và nói rằng ta không cần phải học thêm, không cần phải thay đổi thêm gì cho cuộc sống tốt hơn?
Tất cả những người thành đạt nhất mà tôi biết, họ đều đọc rất nhiều. Họ đọc cả những cuốn sách về thành công được viết bởi những người dưới tầm thành công của họ; họ đọc và họ học, vì họ biết, mình vẫn có thể phát triển hơn nữa, để ngày mai có thể khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn hôm nay… Nếu Bill Gates, Mark Zuckerberg, Warren Buffett – những tỷ phú có khả năng thay đổi cục diện thế giới mà còn sắp xếp thời gian đọc và học hỏi hàng ngày từ sách, tại sao những người bình thường như chúng ta có thể nói rằng mình “không cần phải đọc” hay “không có thời gian để đọc”?
“Triết lý” đọc sách của tôi rất đơn giản. Nếu như tôi đầu tư thời gian và tâm sức đọc một cuốn sách và học được ít nhất một điều mới (chỉ một điều thôi cũng được) từ cuốn sách đó, tôi cho vậy là hài lòng. Coi như mọi công sức, thời gian, sự tập trung của tôi đều đã được đền đáp. Bởi vậy, thật tuyệt vời biết bao khi bạn đọc một cuốn sách mà học được 2-3 điều mới, hay nhiều hơn thế nữa. Hãy thử tưởng tượng bán cầu não trước của bạn đã phát triển thêm thế nào, rồi trong tương lai bạn có thể áp dụng những điều mới học này đến đâu, chúng giúp được bạn kiếm thêm bao nhiêu tiền, quen được bao nhiêu người, tránh được rủi ro nhiều đến thế nào… Đó, theo tôi, là sự kỳ diệu của dòng sách self-help. Cũng bởi thế, tôi thường ít khi đọc sách giả tưởng, mặc dù nếu cầm lên một cuốn tiểu thuyết hay, tôi có thể đọc hàng giờ không chán, thậm chí, lên cơn “nghiện” đọc quên hết mọi thứ trên đời. Bản thân tôi là một người yêu văn học và từng viết truyện ngắn và thơ rất nhiều khi còn đi học. Nhưng càng lớn lên, thời gian đọc càng ngắn lại, tôi buộc phải ưu tiên sách phi giả tưởng lên trên giả tưởng. Hơn cả yếu tố giải trí hay làm giàu cho tâm hồn, tôi luôn khát khao học được những bài học rõ ràng, có tính ứng dụng cao, có khả năng làm thay đổi cuộc sống của mình một cách sâu sắc. Đó là lý do tại sao tôi thích đọc sách self-help.
Tuy vậy, self-help cũng đồng thời là dòng sách gây cho tôi sự khó chịu nhiều nhất. Có quá nhiều sách self-help hiện nay trên thị trường. Đôi lúc tôi cảm thấy như ai cũng có thể xuất bản sách self-help, với chỉ một ít trải nghiệm, một ít khả năng viết lách, (và một ít tiền?). Có những cuốn bìa ngoài, tiêu đề “hoành tráng” nhưng ruột thì mỏng tang, viết lách vụng về, loanh quanh một vài câu chuyện gượng ép. Có những cuốn viết tốt, nội dung phong phú, khiến cho người đọc cuốn vào, nhưng đọc cho đến cuối cùng cũng chỉ quanh đi quẩn lại một thông điệp cũ rích. “400 trang sách chỉ để lặp đi lặp lại một ý: ‘Muốn thành công hãy làm việc chăm chỉ hơn’ – Thật sao? Có cần viết nhiều như vậy chỉ để tóm gọn một câu như thế không? Thật khó chịu vô cùng!” – FightMediocrity, một Youtuber hay review sách self-help, từng bức xúc kết luận như vậy. Tôi cũng từng gặp phải tình trạng này, không chỉ một lần. Chính vì thế, tôi càng ngày càng “kỹ tính” hơn trong việc chọn đọc sách self-help.
Một điều nữa khiến tôi khó chịu với dòng sách này là vì nó khiến nhiều người trở nên “nghiện” tuyên ngôn, khẩu hiệu, lúc nào cũng nói về những điều mình có thể làm thay đổi thế giới… nhưng lại không làm gì cả! Bạn có biết ai đó như vậy không? Những người mà chỉ nằm nhà ngồi không đọc sách, rung đùi nghĩ mình một ngày nào đó sẽ thành Warren Buffett, thành Bill Gates nên giờ cảm thấy không cần phải làm việc vặt nữa, không phải giúp vợ chợ búa, trông con nữa, để toàn tâm tập trung vào “những ý tưởng lớn”? Những người mà đọc được vài chương sách đã chỉ tay năm ngón, phát xét người khác là như thế này, thế kia, trong khi bản thân mình thì chưa nhúc nhích được làm gì để thay đổi cuộc sống của chính mình? Đối với những người này, đọc thêm sách self-help chỉ làm bài mòn thêm ý chí mà thôi. Bởi vậy, đối với dòng sách này, đọc phải đi đôi với hành động; nếu không, hậu quả có thể còn tệ hơn rất nhiều khi chưa đọc sách.
===
Mỗi khi cầm một cuốn sách mới lên, tôi thường cảm thấy như mình đang bắt đầu làm quen với một người bạn mới. Và cũng như trong cuộc sống – có người sẽ trở thành bạn thân ngay lập tức, có những người sẽ mãi mãi chỉ là bạn bè xã giao – sách cũng sẽ có cuốn hợp, cuốn không. Nhiều khi không phải do sách hay hay sách dở, mà là do cái duyên, sự gắn kết, và thời điểm đúng khi đến tay người đọc.
Bởi thế, tôi luôn cảm thấy thú vị khi nghe một ai đó giới thiệu về The Present Writer: “Đây là blog về phong cách sống”, “Đây là blog về tối giản”, “Đây là blog về tư duy tích cực”, hay “Đây là blog về self-help”. Thú vị là bởi dường như blog này có thể là bất cứ điều gì mà bạn đọc cho là điều đó (là bạn đọc chứ không phải là tôi!). Bản thân tôi vốn không phải là người thích gọi tên cho những sản phẩm sáng tạo của mình và cũng chưa bao giờ hạn chế văn viết của mình ở bất kỳ một thể loại hay một đề tài nào nhất định. Và có thể vì thế, nhiều bạn đọc dễ tìm được sự đồng cảm, cảm hứng sống, và lời khuyên hữu ích ở đâu đó nơi đây. Tôi lấy làm tự hào nếu bạn cho đây là “self-help blog” vì self-help là thể loại tôi yêu thích, và tôi hy vọng mình không lặp lại những điều “khó chịu” nếu trên của dòng văn viết này. Nhưng đối với tôi, The Present Writer đơn thuần chỉ là một blog về cuộc sống; mà cuộc sống thì muôn màu, muôn vẻ, nó có thể là bất kỳ thứ gì bạn muốn, dưới bất kỳ hình hài nào bạn thích, và đến với bạn ở mọi thời điểm bạn cần.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Phạm Thu Phương says
Cảm ơn Chi về post này! Thứ 4 hàng tuần nào cũng chờ bài Chi như để tâm sự với một người bạn Đồng Cảm!❤️ Mình cũng rất thích đọc sách Self- Help và Blog của Chi giúp mình có thêm nhiều ý tưởng trong cuộc sống của mình. Cuối năm 2017, mình đã áp dụng Chủ Nghĩa Tối giản để thanh lí váy và sách! Ôi, cực vui và thú vị! Chúc Chi mọi điều tốt lành và mong chờ bài viết của bạn hàng tuần
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Phương. “Váy và sách” – hai thứ nghe dễ thương thế này mà có thể thanh lí đồ thừa thì chắc chắn các mặt khác trong cuộc sống của Phương cũng tối giản rồi 😉
Vi says
Cám ơn bài viết mới Chi.
V muốn mở một ý bàn luận với C nhé. Có một vấn đề của sách self-help xảy ra với một số người không có tư duy mở (ý giống như growth-mindset). Có thể họ đã may mắn tìm được cuốn sách hợp với mọi trải nghiệm của họ. Họ có thể sẽ mang tâm lý “tôn sùng” đối với cuốn sách đó hay tác giả đó. Họ tin tuyệt đối vào những điều trong sách. Họ bắt đầu có những phản bác mạnh mẽ lên những ý kiến, đóng góp, hay nội dung ít nhiều mang thông điệp trái chiều. Họ dùng những điều trong sách làm thước đo để đánh giá thế giới quanh họ. C nghĩ thế nào về vấn đề này.
Thật lạ là V bắt đầu có trải nghiệm trên khi tiếp xúc với một số đọc giả của self-help dành cho ba mẹ. Những cuốn self-help này thường là cuốn sách hướng dẫn dạy con, chăm sóc con, trò chuyện với con… Bàn về vấn đề nuôi dạy con cái luôn là vấn đề tế nhị với mỗi gia đình. V không hiểu sao, trong chính môi trường tế nhị này, người ta có vẻ extreme hơn trong suy nghĩ. Chẳng phải quan trọng là bản thân họ, gia đình họ, con cái họ hạnh phúc là ổn rồi sao?
Là góc nhìn hẹp của V thôi. Hy vọng được nghe ý kiến của Chi.
Cuốn self-help V đọc sớm nhất cũng là cuốn V tâm đắc nhất là Happiness in the Nutshell của Andrew Matthews. Lúc đó V đang rất tự ti là mình xấu xí vô dụng. Đương nhiên đọc xong lần đầu thì cũng không tự tin lên liền, nhưng V đã thử cởi bỏ tư duy tiêu cực theo cuốn sách viết, và dần có những thay đổi tích cực. V cũng có những cuốn tiểu thuyết mà là self-help cho bản thân đó 😀
Vi says
Ah, thêm nữa là đối với V thì The Present Writer là blog của một người Việt xa nhà. Mỗi lần thèm được đọc tiếng Việt, văn phong nhẹ nhàng mà văn minh, V lại mở The Present Writer ra xem ^_^
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Vi về câu hỏi thú vị. Trong cuốn sách sắp ra, Chi cũng dành hẳn một chương để viết về growth/fixed mindset nên rất đồng ý với suy nghĩ của Vi. Chi nghĩ bất kỳ điều gì, kể cả tiêu cực và tích cực, nếu mình trở nên thái quá thì cũng không nên. Đặc biệt khi đọc sách self-help, mình cần phải có tư duy phản biện tốt để học xem cái nào mình có thể áp dụng vào cuộc sống của mình, cái nào không. Chi nghĩ là bản thân sách viết ra chỉ là những con chữ có nghĩa mà thôi, còn biến hóa thành hay hay dở, có “extreme” như Vi nói hay không là tùy vào người đọc nữa. Thế cho nên Chi rất muốn tiếp tục những thảo luận như thế này ngay cả sau khi sách ra để trao đổi rõ ràng hơn với bạn đọc.
Tú Lê says
Em thực sự rất cảm ơn chị về bài viết này, nó xuất hiện ngay lúc em đang thắc mắc về ý nghĩa thực sự của sách self-help. Em đang trong giai đoạn hơi khó khăn vì phải xác định được những điều cần làm để có thể đi tiếp, em tuy không còn trẻ nhưng vẫn hoang mang với cuộc đời, và để giải quyết phần nào những hoang mang đó thì em tìm đến sách. Chị có đọc Harry Potter không ạ, Hermione đã nói rằng “When in doubt, go to the library” và em thấy hoàn toàn đúng với mình bây giờ. Em suy nghĩ hơi cực đoan khi chỉ mặc định sách self-help chỉ tốt hoặc xấu chứ không nghĩ được những khía cạnh phù hợp với mình tại thời điểm đọc. Em rất thích sách nói chung, mong chị sẽ có thêm nhiều chia sẻ về sách nữa ạ.
Chúc chị ngày vui ^^
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Chi rất thích Harry Potter. Ngày trước chị còn nhớ chỉ đọc được trích đoạn bản dịch từng phần trên báo Hoa Học Trò thôi nhưng mà thích mê, đọc lăn từ giường xuống đất :). Chúc em tìm được nhiều cuốn sách hay và phù hợp với nhu cầu của mình ở hiện tại!
Thuỷ Ngô says
chào Chi,
Mình tên Thuỷ, hiện giờ cũng đang học và làm việc ở nước ngoài. Mình xa nhà mới chỉ có hơn 1 năm thôi và đang trong giai đoạn khám phá bản thân. Trước ở nhà mình cũng không đọc được sách self-help, 1 phần mình đoán là do dịch tiếng Việt thì không dịch được hết nghĩa của tiếng Anh, sau mình có điều kiện đọc được nhiều sách tiếng Anh hơn thì mình thấy sách self-help cũng “không đến nỗi tệ” như mình từng nghĩ. Cuốn gần đây mình đọc là “The Happiness Equation: Want Nothing + Do Anything = Have Everything” của Neil Pasricha. Cuốn sách nói về cách quản lí cuộc sống, viết đơn giản dễ hiểu, không giáo điều, lại ngắn và súc tích. Mình khá thích cho đến đoạn gần cuối tác giả nói nhiều về business quá 😀 Nhưng không sao, ít ra thì phần đầu cũng đã giúp mình khá nhiều. Chi đã đọc quyển này chưa? cho mình xin thêm ý kiến nhé 🙂
Mà như mình nói ở trên, mình mới qua Phần Lan được hơn 1 năm thôi, nhưng lúc nào mình cũng đặt câu hỏi tại sao về văn hoá sống phương Đông và phương Tây, đôi lúc mình so sánh ở nhà với bên này nhiều đến mức mình cảm thấy hơi tội lỗi vì thấy mình khó chịu. Đó là lí do mình thích đọc sách lịch sử và khoa học hơn để hiểu về cội nguồn văn hoá, giúp mình tư duy logic tốt hơn.
Mình chỉ có chút tâm sự muốn trải lòng thế thôi, cám ơn Chi vì những bài viết. Happy reading nhé. 🙂
Tiến says
Em chào chị. Em là du học sinh sang Nhật Bản từ năm 19 tuổi, cũng được 10 năm, hiện em đang làm việc bên này.
Sống ở bên này nhiều năm em càng ngày thấy cuộc sống càng trở nên stress hơn, dần dần ko có định hướng, cái gì cũng muốn làm nhưng không làm được cái gì cả. Cứ thế cuộc sống trở nên rất vô định, em cũng không nhận ra nổi ý nghĩa cuộc sống là gì.
Cho đến 2 năm trước, em bắt đầu đọc sách về đạo Phật ( thực ra về Thiền nhiều hơn), rồi tình cờ trong 1 lần tìm đọc sách dọn nhà ( hồi đó em muốn nhà mình trở nên đẹp nhưng mà cứ dọn dẹp được vài hôm là lại trở nên bừa bãi như cũ) em tìm được quyển “ the art of tyding up” của chị Kondo Mari em mới biết đến lối sống tối giản. Phải nói thực nó gần như đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của em ( tuy cũng phải mất thời gian khoảng 2 năm để thấm nhuần suy nghĩ). Hiện giờ em cảm thấy cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, biết được thứ gì thực sự quan trọng hơn với mình.
Và còn tình cờ hơn, em dạo gần đây đọc sách về thiền do các thiền sư bên này viết, em mới nhận ra là lối sống này thực tế đã tồn tại từ rất lâu, và được các nhà sư áp dụng cho đến tận bây giờ… Nhiều thứ trong cuộc sống của em tưởng chừng như ko có liên quan gì đến nhau, lại trở nên gắn kết về 1 mối rất lạ thường ( lối sống tối giản, thiền, Phật giáo…). Nó làm cho cuộc sống của em giờ trở nên tự do tự tại và đỡ áp lực hơn trước rất nhiều.
Em search blog về lối sống tối giản bằng tiếng Việt thì chỉ thấy có mỗi blog của chị nên em đọc thử. Ai dè đọc bài nào của chị cũng thấy đồng cảm hết, từ danh sách Phim, hướng nội, cách đọc hiệu quả, suy nghĩ về sách self-help… Tuần nào cũng vào blog của chị như tìm sự đồng cảm. Blog của chị cũng khích lệ em rất nhiều, làm em cũng dần nổi lên một ham muốn muốn viết và chia sẻ nhiều hơn. Chúc chị 1 tuần vui vẻ và nhiều ý tưởng để viết blog hơn.
From 1 fanboy cách nửa vòng trái đất 🙃
Linh says
Hi Chi!
Thật tốt khi đọc những lời văn mà tự như viết ra lòng mình vậy. Mọi cảm xúc của Chi viết về sách Self-help đều giống mình.
Thật ra thì hơi ngược một tí, khi còn trẻ chắc cũng 15 tuổi thì mình mua nhiều sách self-help vì thời đó những quyển này được quảng cáo rất nhiều. Và mình đọc thì không có cảm giác ngại vì bạn bè cũng đọc.
Nhưng đúng là thời đó chưa đọc hết một cuốn self-help nào vì thấy không thích.
Lớn hơn thì là đã đến thời khì chán nản của sách Selp-help và mình còn ác ảm đối với những tựa đề đao to búa lớn khi chuyển thể sang tiến Việt, họ dùng những từ ngữ quá khoa trương làm mình chẳng mấy tin tưởng: “Đắc nhân tâm”, “7 thói quen để thành đạt” (The 7 Habits of highly effective people),…
Sau mày thì biết đến các tựa tiếng anh thì cũng hiểu hiểu, cảm giác đỡ hơn và bắt đầu đọc lại
Ngọc Lễ says
Thật cảm ơn chị
Em đọc 3 tháng dc 7 cuốn self help và có 1 cuốn là em hoàn toàn không nhớ mình đã học được gì từ nó.Từ 7 cuốn này em đã học áp dụng dc 15bài học từ khả năng tư duy một cách tích cực,cách sử dụng 2 bán cầu não, cách tranh luận, cách nhìn nhận 1 vấn đề sao cho khách quan nhất, cách để cảm thông suy nghĩ lại về hoàn cảnh của mỗi người, cách lập thời gian biêủ, cách áp dụng những gì mình đã học, cách thiết lập mục tiêu,… Tối ngày hôm qua chị mình vừa hỏi”dạo này hay đọc sách self help vậy”. Thế là em đã tra cứu nhìn bình luận về loại sách này; em cũng đã đọc nhiều bài viết khác của các blogger khác.Thật vậy em đã áp dụng ngay dc bài học”tính 2 mặt của vấn đề”.
Có lần em cũng đã khoe và nói vs chị mình về bài học trong sách và thấy chị không quan tâm lăm(tại sao chị lại k nghe, em thấy rõ vấn đề của chị mà) thật vậy khi bạn thành công thì bạn nói cái gì cũng đúng. Bản thân mình,một sinh viên năm nhất đã trải nghiệm gì chưa? Chưa!! Em nhận ra mình còn quá non dại để có thể dạy bảo một người khác; đơn giản là họ không tin mình, mà thật ai lại tin một đứa vừa đọc sách xong lại kể chuyện thành công, mi bị ảo tưởng à.
Em cũng đã đọc dc là một người giao tiếp theo nguyên tắc gì gì mà 7/36/55 lúc đầu em cũng tin lắm mà nhớ lại là “phải luôn nghi ngờ mọi chuyện” là em giật mình luôn. Chắc gì cái này đã đúng, nếu k có nội dung hay mà chỉ biết múa múa body language vs chất giọng thì ai nghe??
Thật sự rất tâm đắc bài viết của chị.Em thật sự cảm ơn, em cảm giác như biết mình cần phải làm gì và hạn chế cái tôi của mình lại.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã comment chia sẻ trên blog của chị! Chị thường cảm thấy có những điều mình đọc trên sách self-help rất hay nhưng khi diễn đạt chia sẻ với người khác thì không hay bằng hoặc người tiếp nhận cảm thấy gượng gạo như bị lên lớp. Sau này chị nhận ra đó là bản chất của self-help — vì là “self” nên phải chính mình tự đọc mình mới liên hệ với hoàn cảnh của chính mình và mới “help” được mình. Người khác diễn tả lại dưới lời lẽ của họ rất khó nhập được vào với mình. Vì thế nên chị hay giới thiệu sách cho mọi người hơn là tự trích dẫn 😀
Quỳnh Trang says
Lần đầu tiên em đọc Đắc nhân tâm là vào năm nhất đại học, khi em chia sẻ về cuốn sách với các bạn thì hầu như ai cũng thích hoặc là đặc biệt thích cuốn sách – còn em thì lại không thích văn phong trong đó lắm. Lúc đó em cũng không hiểu, cho rằng “gu” của mỗi người là khác nhau
Khi đọc được những chia sẻ của chị, em chợt hiểu ra rằng “có lẽ vì cách tiếp cận quá kinh doanh, quá “thị trường”, có lẽ vì phong cách viết, có lẽ vì lối suy nghĩ và tính cách của tác giả không trùng vơi tôi”; bởi sau này hầu hết các bạn đại học của em đều theo đuổi công việc “thị trường”, “sales”,… còn em sau khi làm 2 năm đã từ bỏ công việc đó để trở thành nhân viên kế toán.
“Gu” đọc sách cũng thể hiện phần nào được tích cách, suy nghĩ và cả nghề nghiệp với mỗi người.