Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi viết bài này, vào ngày mà nước Mỹ vượt quá Trung Quốc, trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới (hơn 100,000 ca dương tính). Liệu mọi người có cần đọc thêm một bài viết nữa giữa thời kỳ tràn ngập thông tin về Covid-19? Liệu bài viết này có khiến mọi người thêm stress không giữa thời điểm bất an này? Nhưng sau nhiều đắn đo, tôi quyết định bài viết này cần được đăng để người Việt ở trong nước và thế giới hiểu sâu hơn về tình hình nước Mỹ; và điều gì chúng ta có thể học được (cho tới thời điểm này) để bảo vệ cho bản thân, gia đình, và cộng đồng trước đại dịch.
Bài viết bắt đầu với trải nghiệm thật của tôi với tư cách một người Việt trẻ, có gia đình (chồng và một con trai) trên đất Mỹ, và tiếp nối với phân tích nguyên do khủng hoảng của Mỹ với đại dịch với tư cách một người làm nghiên cứu về chính sách công.
Cuộc sống đảo lộn chỉ sau một đêm
Giữa tháng 1/2020, Mỹ xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus là một người đàn ông ở bang Washington mới trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc — trung tâm của đại dịch Covid-19 (khi đó có tên gọi là Coronavirus). Nước Mỹ xôn xao lên một đôi chút, nhưng được chính phủ xoa dịu là “đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình”. Tình cờ, thời điểm này cũng là đỉnh điểm của cảm cúm (flu) ở Mỹ. Cúm mùa năm nay rất khủng khiếp, theo số liệu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), có từ 23,000-59,000 người Mỹ chết vì cúm từ đầu tháng 10/2019 đến giữa tháng 3/2020. (Bản thân vợ chồng tôi cũng là “nạn nhân” của dịch cúm này). Bởi vậy, mọi người quan tâm đến cúm nhiều hơn là con virus nào đó xa xôi ở tận Vũ Hán, suy cho cùng, cái nào cũng có thể gây chết người, đúng không? Tiếc rằng ở thời điểm đó, số liệu còn quá mập mờ để chúng ta (bao gồm cả tổng thống Mỹ) nhận ra rằng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 gấp hơn 10 lần cúm mùa.
Tôi vẫn còn nhớ buổi họp văn phòng cuối tháng 1, khi trưởng khoa phát biểu dặn dò mọi người chú ý rửa tay, tránh lây nhiễm, chích ngừa cúm mùa; đừng vì lo lắng Corona đâu đó xa xôi mà quên mất nguy cơ bệnh cúm ngay tại đây.
Tháng 2/2020, đây là thời điểm các ca nhiễm bắt đầu xuất hiện ở các nước Châu Á ngoài Trung Quốc, trên tàu biển du lịch, từ những người đi nước ngoài về … Việt Nam quyết liệt dập dịch, khoanh vùng cách ly. Mỹ cũng bắt đầu có những nhóm ca nhiễm (cluster) ở một số nơi, nhưng đa phần có thể truy nguồn gốc là từ những người trở về từ nước ngoài. Nỗi lo lắng về bệnh dịch nổi lên ở những nơi có nguồn bệnh như tiểu bang Washington. Người Mỹ bắt đầu quan tâm hơn đến Covid-19, nhất cuối tháng 2, là khi dịch bệnh lan đến Châu Âu. Tuy nhiên, hiểu biết về độ nguy hiểm của Covid-19 của phần đông người Mỹ còn thấp; chính phủ không thực sự quyết liệt (xem thêm lý giải nguyên nhân ở phần phía dưới). Điều này khác xa với Việt Nam vì ngay khi số ca nhiễm mới đếm trên đầu ngón tay, trường học đã đóng cửa, người dân đeo khẩu trang, tuyên truyền về rửa tay, giữ khoảng cách xã hội đã rất mạnh mẽ.
Hầu như ngày nào mẹ tôi (hiện đang sống ở Hà Nội) cũng nhắn tin cập nhật tình hình ở nhà, dặn dò, “Con nhớ đeo khẩu trang, ra đường cẩn thận, mua thêm đồ ăn…” Tôi trấn an: “Mẹ ơi, mẹ đừng lo cho con, con ở vùng sâu vùng xa lắm; con không sao đâu. Mẹ mới ở gần tâm dịch kìa, mẹ cẩn thận nhé!” Nào đâu ngờ …
Tháng 3/2020, tôi có thể đếm được từng ngày trong tháng này vì mỗi ngày tỉnh dậy là một thay đổi đáng sợ ập đến, khiến bản thân tôi nhiều lần tự hỏi: “Mình thực sự đang ở đâu? Tại sao những chuyện như thế này có thể diễn ra trên nước Mỹ?”
Dưới đây là trải nghiệm thật của tôi:
Đầu tháng 3 là kỷ nghỉ đông của sinh viên Mỹ, trường Đại học tôi làm vắng vẻ, sinh viên về nhà hoặc đi chơi, phần lớn nhân viên cũng xin nghỉ phép để xả hơi trong dịp này. Tôi vẫn đi làm ở văn phòng đều đặn, định bụng dành thời gian yên ắng này để làm nốt công việc và tranh thủ viết blog. Chồng tôi vẫn đi làm ở nhà hàng ca tối. Con trai vẫn đi nhà trẻ. Cuộc sống vẫn diễn ra như mọi ngày.
Đùng một cái, trong một buổi sáng (12/3/2020), thông tin về bùng phát dịch tại New York và California ập đến; dịch rõ ràng đã mất kiểm soát, không còn chỉ trong nhóm nhỏ nữa, và mất khả năng truy dấu. Tiểu bang tôi ở (Pennsylvania) ghi nhận 12 ca nhiễm đầu tiên, có dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng (community spread). Mọi người bắt đầu hoảng hốt, vậy là dịch bệnh đến rất gần rồi, lòng tin về sự “hoàn toàn trong tầm kiểm soát” của chính phủ bắt đầu lung lay.
Giờ nghỉ trưa hôm đó, đồng nghiệp của tôi (một phụ nữ có 2 con nhỏ) lo lắng hỏi: “Chi, cậu nghĩ thế nào về tình hình này?” Tôi trả lời là mình rất quan ngại, vì ở Việt Nam chính phủ đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học cả mấy tháng trời và cách ly tất cả các trường hợp nghi vấn. Tôi không nghĩ Mỹ làm được điều đó vì hệ thống quản lý ở đây không tập trung chuyên quyền như Việt Nam; ngoài ra văn hóa, xã hội cũng khác, nếu trẻ con nghỉ học mà người lớn vẫn đi làm thì rất khó vì ít ai có thể “gửi ông bà” hay “cho về quê” như ở Việt Nam được. Cô đồng nghiệp thở dài: “Ừ, con mình mà nghỉ học thì nó chỉ có đến đây đi làm cùng mình được thôi… Nhưng mà, tuần sau sinh viên tứ xứ quay trở lại học rồi. Mình lo lắm. Cậu biết đấy… Vì văn phòng bọn mình ngay liền kề với khu ký túc xã sinh viên” Ừ nhỉ, tôi rùng mình, văn phòng tôi làm sát ngay ký túc xá, sinh viên nào cũng phải đi qua để vào khu họ ở. Bao nhiêu bàn tay sẽ chạm vào chỗ nắm cửa? Bao nhiêu người sử dụng nhà vệ sinh chung? Bao nhiêu người sử dụng bàn ghế, sofa ngoài văn phòng? Nghĩ đến vậy thôi tôi đã thấy nôn nao, không nuốt nổi phần ăn trưa còn lại nữa.
Giờ nghỉ trưa vừa hết thì cũng là lúc một số trường phổ thông trong vùng tuyên bố đóng cửa 2 tuần. Mọi người đều sửng sốt. Nhưng ít ai biết rằng chỉ ngày hôm sau thôi, Thống đốc bang hạ lệnh đóng cửa toàn bộ trường học trong toàn bang, từ nhà trẻ đến cấp 3 đều phải đóng cửa.
Chưa kịp hoàn hồn thì trường đại học tôi đang làm cũng yêu cầu sinh viên nghỉ Xuân không quay lại trường, chuyển sang học trên mạng, đóng cửa ký túc xá, nhà ăn, đại bộ phận cán bộ công nhân viên chuyển sang làm tại nhà tới đầu tháng 4. Vậy là chúng tôi thu gom đồ đạc, hẹn nhau gặp lại sớm. Không ai có thể nghĩ rằng chỉ một vài ngày sau đó thôi, kế hoạch trở lại đầu tháng 4 đã trở nên không tưởng.
Tôi nhấc điện thoại gọi cho chồng để mua gấp một số nhu yếu phẩm trước khi mọi người hoảng loạn mua sắm. Chỗ chúng tôi ở là một thành phố nhỏ nằm trong thung lũng, kỳ nghỉ Xuân thường rất vắng vẻ và siêu thị lúc nào cũng đầy ắp. Chưa bao giờ có tình trạng xếp hàng, tranh cướp mua sắm như các thành phố lớn. Chúng tôi không thể ngờ rằng chỉ sau buổi chiều hôm đó thôi, các gian hàng đồ dùng thiết yếu cũng dần quét sạch.
Sáng hôm sau, tôi bắt đầu chính thức làm việc tại nhà. Chồng nghỉ làm. Con nghỉ học. Cuộc sống đảo ngược hoàn toàn, gần như chỉ sau một đêm. Tôi lên mạng nhiều hơn, chủ yếu dùng Twitter để cập nhật nhanh thông tin về tình hình dịch ở tiểu bang. Mỗi ngày, con số xét nghiệm dương tính ở Pennsylvania ngày càng tăng, ban đầu là một vài ca mới/ngày, rồi đến 20-30 ca mới/ngày, rồi đến hơn 100-200 ca mới/ngày, và cho tới nay là hơn 500 ca mới/ngày. Con số tăng lên đến chóng mặt, mặc cho Thống đốc đã làm hết sức để hạn chế dịch từ kêu gọi yêu cầu mọi người giữ khoảng cách, đóng cửa hầu hết các doanh nghiệp không thiết yếu, đóng cửa trường học, ra lệnh hạn chế ra ngoài đối với những quận bị ảnh hưởng nặng nhất… Số người bệnh, người chết ở những thành phố lớn mỗi lúc một tăng theo cấp số nhân. Ngày mà thành phố chúng tôi ở (vâng, thành phố bé nhỏ, thưa người, nằm trong thung lũng xa trung tâm) ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, là ngày mà chúng tôi hiểu rằng dịch bệnh đã đến mọi ngõ ngách của nước Mỹ. Tương lai vốn bất định nay càng khó dự đoán hơn.
Nghĩ lại ngày này vài tuần trước thôi, khi tôi xua tay nói “mẹ ở Việt Nam đừng lo cho con”, cho tới ngày hôm nay khi nước Mỹ khủng hoảng nặng nề với đại dịch hơn ở Việt Nam rất nhiều, tôi tự hỏi: Tại sao chúng ta đi đến mức này?
Tại sao Mỹ khủng hoảng với đại dịch?
Để phân tích được tại sao Mỹ khủng hoảng với Covid-19, ta cần nhìn vào nhiều góc độ chính trị, y tế, văn hóa, kinh tế của Mỹ. Trong bài viết này, tôi sẽ nêu ra một số vấn đề mấu chốt dựa vào nhiều nguồn thông tin, số liệu chính thống (trích dẫn dưới dạng hyperlink và ghi chú dưới bài viết)
Sự hiểm ác của Covid-19
Trong buổi phỏng vấn gần nhất với CNN và Daily Show, Dr. Anthony Fauci, Giám đốc Viện hàn lâm quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, tiếng nói khoa học lớn nhất ở Mỹ tại thời điểm này, cho biết lý do tại sao Covid-19 thật sự là “một cơn ác mộng”. Bản thân ông từng làm việc qua 6 đời tổng thống và đã kinh qua nhiều bệnh truyền nhiễm như HIV, SARS, Ebola… nhưng chưa có bệnh nào dễ lây nhiễm qua đường hô hấp như Covid-19. Virus có thể truyền nhiễm dưới dạng giọt bắn ra từ người ho, hắt xì; có thể tồn tại ở bề mặt cứng trong thời gian rất dài (lên tới vài tiếng đồng hồ đến vài ngày, tùy môi trường); thậm chí tồn tại trong khí dung (khi giọt bắn chưa rơi xuống bề mặt) nên người khỏe dễ hít phải và mắc bệnh. Với khả năng truyền nhiễm cao, kể cả với tiếp xúc xa, không trực tiếp, Covid-19 có khả năng lan truyền vô cùng nhanh.
Cũng theo Dr. Fauci, việc kiểm soát ca nhiễm Covid-19 mới cũng rất khó khăn vì có những thời điểm Mỹ tưởng như đã kiểm soát được tình hình vì các ca nhiễm Covid-19 co cụm (như ở trung tâm người già ở tiểu bang Washington), nhưng sau đó lại bùng lên mạnh mẽ ở New York City — nơi khách du lịch và người nhập cư đến rất nhiều. Chính quyền mất dấu, không còn khả năng lần theo ai lây cho ai (contact tracing — như cách Việt Nam đang làm hiện nay) được nữa. Dr. Fauci cũng lấy Italy ra làm ví dụ, từ khi các trường hợp nhỏ lẻ khách du lịch Trung Quốc nhiễm Covid-19 được phát hiện đến khi lây nhiễm cộng đồng bùng lên chỉ trong vòng vài ngày, khiến chính quyền Italy không kịp trở tay. Bởi vậy, mặc dù Bắc Italy (tâm dịch) là nơi giàu có, có nền y tế tốt nhất, cả nước cũng tan nát trước đại dịch.
Bài học lớn nhất từ Dr. Fauci: Nếu ở những nơi ca nhiễm còn thấp (dưới 200 ca) thì việc cách ly, lần dấu vết xem ai lây cho ai, xét nghiệm diện rộng là rất quan trọng. Tuy nhiên, với tình trạng xét nghiệm còn hạn chế như ở Mỹ (xem thêm lý giải phía dưới), việc này chưa chắc đã được thực hiện được triệt để như Việt nam. Còn những nơi ca nhiễm đã rất cao và lây lan cộng đồng rồi (tức là đã mất kiểm soát) thì không còn cách nào khác là đóng cửa mọi nơi, mọi người tự cách ly tại nhà để giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Hệ thống y tế phức tạp của Mỹ
Mặc dù Mỹ là một trong những nước có nền y tế phát triển, tay nghề bác sĩ giỏi nhất thế giới nhưng hệ thống y tế của Mỹ thật sự là nỗi kinh hoàng. Đây là vấn đề đã tồn tại rất nhiều năm và luôn bị chỉ trích, nhưng khi đại dịch xảy ra thì hệ thống này mới thực sự đẩy y tế cộng đồng vào bế tắc. Ở Mỹ, để có được một viên kháng sinh cũng phải gặp bác sĩ, được kê toa thuốc mới được đi lấy thuốc; điều này cũng không có gì xấu, chỉ có vấn đề là một lần đi bác sĩ 10 phút thôi cũng nhận được hóa đơn bệnh viện cao đến chóng mặt (!), chưa nói đến ốm nặng nằm viện. Bởi vậy, những ai có điều kiện đều phải mua bảo hiểm để chi trả chi phí bệnh viện. Mô hình này tạo ra mối quan hệ phức tạp giữa cơ sở khám bệnh và cơ quan bảo hiểm để trục lợi: các bệnh viện, phòng khám, phòng thí nghiệm tăng tiền khám và xét nghiệm lên chóng mặt (gấp nhiều lần thực tế) để ăn tiền từ bảo hiểm, bảo hiểm cũng được lợi vì người dân sợ phải đóng tiền viện phí cao nên mua bảo hiểm nhiều hơn (CNBC). Chưa hết, phần lớn bảo hiểm của Mỹ được mua theo kiểu đoàn thể (theo công ty, trường học, tổ chức), vì vậy mọi người buộc phải gắn mình vào đoàn thể nào đó nếu muốn mua bảo hiểm giá rẻ và chất lượng, nếu không thì phải tự mua với giá rất cao. Bởi vậy, không phải ai cũng có bảo hiểm, nhất là những người có thu nhập trung bình, lao động tự do; lương tháng không quá cao để mua được bảo hiểm, không quá thấp để được nhận trợ cấp chính phủ (ví dụ như nữ bệnh nhân Covid-19 ra viện với hơn 800 triệu đồng viện phí).
Sự phức tạp của y tế Mỹ dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng khi đại dịch bùng phát: (1) Khả năng cao một số người có dấu hiệu bệnh ban đầu nhưng không có bảo hiểm nên sợ đi khám, xét nghiệm khiến khả năng lây lan cộng đồng bùng phát; (2) Khi bắt đầu có triệu chứng, người bệnh buộc phải ra ngoài đến bệnh viện gặp bác sĩ khám, xin thuốc, nâng cao nguy cơ lây nhiễm.
Gần đây, khi tình hình bệnh dịch nghiêm trọng hơn, nhiều tổ chức và công ty bảo hiểm đã quyết định miễn chi phí xét nghiệm Covid-19 (hiện vẫn chỉ là phí xét nghiệm, không phải chi phí khám chữa bệnh). Các phòng khám cũng thay đổi quy định, yêu cầu bệnh nhân gọi điện trước để sàng lọc, cho phép khá qua mạng hoặc qua điện thoại (teledoc), thậm chí cho đơn thuốc mà không cần gặp trực tiếp bác sĩ (điều hiếm thấy trước đây). Đây cũng là thay đổi tích cực, tuy nhiên có lẽ xảy ra quá muộn.
Đấu đá chính trị & Vai trò của Tổng thống Donald Trump
Covid-19 xuất hiện vào một thời điểm trọng yếu của chính trị Mỹ: Tổng thống Trump bước ra từ cuộc luận tội (impeachment) vì cáo buộc làm quyền, ngay lập tức phải thể hiện bản thân cho cuộc bầu cử tổng thống mới. Với hy vọng tái đắc cử, Trump muốn thể hiện cho nước Mỹ thấy mình đã làm rất tốt, nước Mỹ đang đi lên, kinh tế vững mạnh chưa từng thấy. Bởi vậy, từ đầu năm 2020, Trump bỏ ngoài tai ý kiến chuyên gia, liên tục hạ thấp tính nghiêm trọng của Covid-19, tuyên truyền trên Fox News rằng đây chỉ là một phần của “thuyết âm mưu” của Đảng đối lập để làm hại Trump, thậm chí kiên quyết dùng từ “Virus Tàu” (Chinese Virus) thay vì Covid-19 hay Coronavirus để định hướng chỉ trích nhằm về Trung Quốc, mặc cho nạn phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á trở nên căng thẳng vì điều này. Với hoàn cảnh chính trị như vậy, không có gì lạ khi động thái xử lý dịch bệnh từ chính quyền Trump chậm trễ và thiếu dứt khoát ngay từ đầu.
Khi tình hình Covid-19 tại Mỹ đã rất nghiêm trọng, Trump tiếp tục tập trung phát biểu những điều tích cực, mang lại hy vọng cho người Mỹ, tin tưởng vào chính quyền Trump như: vaccine sắp có, đã có thuốc có khả năng chữa trị Covid, các công ty tư nhân đang sản xuất thêm máy trợ thở, nước Mỹ sẽ mở cửa trở lại trong 2 tuần nữa… Nhưng ngay lập tức các chuyên gia và nhà khoa học đính chính đây là thông tin không chính xác. Đến mức mà nhiều kênh truyền hình quốc gia phải ngừng phát sóng họp báo của Trump về virus vì lo ngại thông tin sai lệch sẽ gây hậu quả xấu cho đại chúng. Những phát biểu của Trump đối với Thống đốc các tiểu bang đang cần sự trợ giúp của chính phủ để giải tỏa đại dịch cũng rất gây hoang mang. Ví dụ, khi Thống đốc bang New York khẩn cấp yêu cầu viện trợ 30,000 máy thở vì số người cần dùng máy thở đã lên rất cao (hiện 2 người đã phải dùng chung một máy), Trump cho rằng yêu cầu này là thái quá; hay Trump phát biểu rằng tiểu bang muốn trợ giúp với dịch bệnh thì phải thể hiện sự tôn trọng với chính quyền Trump trước…
Trước tiên, phải thừa nhận rằng làm lãnh đạo cấp cao là một công việc vô cùng khó và áp lực; làm lãnh đạo thời bình đã gặp nhiều chỉ trích rồi chứ chưa nói đến “thời chiến” như ngày nay với kẻ thủ vô hình Covid-19. Trump là một tổng thống “đặc biệt” ngay từ ngày đầu đắc cử và thường xuyên có những phát ngôn gây tranh cãi; đại dịch này chỉ làm lộ thêm bản chất và tính cách vốn có của nhà lãnh đạo này mà thôi. Tuy nhiên, sự coi nhẹ nguy cơ của đại dịch trong những tháng đầu tiên của Trump dẫn đến rất nhiều vấn đề hệ lụy nghiêm trọng như chậm trễ trong xét nghiệm trên toàn nước Mỹ, thiếu hụt nghiêm trọng về dụng cụ y tế và bảo hộ, nguồn lực từ chính phủ liên bang không rải xuống tiểu bang ngay từ đầu… khiến những vùng tâm dịch vỡ trận chỉ trong vài tuần. Gần đây, Trump và chính quyền liên bang đã bắt đầu có những động thái mạnh mẽ hơn và có tầm ảnh hưởng lớn hơn (ví dụ như thông qua Gói cứu trợ 2 nghìn tỉ đô-la, kích hoạt Luật sản xuất quốc phòng…).Hy vọng với con số đáng sợ về ca nhiễm của Mỹ ngày nay, chính quyền liên bang sẽ sớm thống nhất với tiểu bang, bỏ qua đấu đá chính trị để dồn lực dập dịch.
Lặp lại những gì tôi từng viết 4 năm về trước khi Trump đắc cử: Lịch sử sẽ tự có phán quyết về vai trò của ông Trump trong đại dịch này.
CDC & Những vấn đề về xét nghiệm
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) phải chịu trách nhiệm rất lớn về sự chậm trễ và lúng túng trong khâu xử lý dịch bệnh tại Mỹ thời điểm ban đầu. Khi con số người mắc bệnh và nghi nhiễm còn chưa nhiều, CDC phân phối kit thử Covid-19 tự sản xuất đến các phòng thí nghiệm công. Không may cho nước Mỹ, kit thử của CDC có lỗi (mặc dù đơn vị này đã làm thành công vô vàn kit thử cho các loại bệnh khác) nên buộc phải thu hồi và làm lại. Quá trình này dẫn đến ít nhất một tháng trì hoãn, tạo điều kiện để Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Chưa hết, CDC còn vướng phải một loạt các vấn đề do quy định hành chính nhiêu khê của Mỹ—những quy định có thể chấp nhận được trong thời bình nhưng không được thay đổi kịp thời để đối phó với thời chiến—ví dụ như ban đầu chỉ riêng phòng thí nghiệm công mới được xử lý xét nghiệm Covid-19, chỉ những phương pháp được nhà nước thông qua mới được dùng để xét nghiệm, chỉ xét nghiệm những người đã có triệu chứng bệnh hoặc tiếp xúc gần với người bênh từ Trung Quốc… Phải mất một thời gian dài (và vô cùng quý báu!) để CDC và chính quyền liên bang nới dần các quy định khó khăn về y tế và xét nghiệm này. Rất tiếc, đến lúc này thì con số người bệnh và nghi nhiễm bệnh đã bùng phát lên đến quá tải, kit thử nghiệm không còn đáp ứng nổi với nhu cầu xét nghiệm nữa, thậm chí các dụng cụ thử nghiệm như que thử, dung dịch thử nghiệm cũng thiếu dần.
Cho đến tận ngày hôm nay, xét nghiệm Covid-19 ở Mỹ vẫn còn hạn chế. Ở hầu hết mọi nơi, xét nghiệm chỉ được làm khi người bệnh đã có biểu hiện bệnh rõ ràng hoặc có chỉ định của bác sĩ; ở một số nơi, xét nghiệm quá thiếu nên chỉ dành ưu tiên cho nhân viên y tế. Với tình trạng thiếu xét nghiệm, nhiều bệnh viện chuẩn đoán Covid-19 theo dấu hiệu, X-quang phổi,… Những người xét nghiệm dương tính nếu triệu chứng không quá nặng (tức là không đến nỗi phải nhập viện!) thì chỉ cách ly tại nhà. Hoàn toàn không có nơi cách ly tập trung và bác sĩ chăm sóc từng trường hợp dương tính như Việt Nam. Bởi vậy, càng ngày càng có nhiều người ở tâm dịch nếu có triệu chứng không quá nặng thì cũng không thể chờ xét nghiệm nữa mà tự cách ly và điều trị tại nhà (ví dụ như Deborah Copaken ở tờ Atlantic). Đó là chưa kể đến những người bệnh nhưng không có triệu chứng, chưa từng được xét nghiệm. Như vậy, con số thực tế người bị nhiễm Covid-19 có thể lớn hơn rất, rất nhiều con số 100,000 đã được xác nhận hiện nay.
Văn hóa tự do & Chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ
Cuộc sống ở một đất nước tự do, khi người dân quen với việc tranh luận với chính quyền, làm theo những gì mình muốn, cùng với chủ nghĩa cá nhân đã ăn vào máu, khiến người Mỹ, đặc biệt là những người trẻ, không chịu ở nhà, giữ khoảng cách theo kêu gọi của chính quyền từ ban đầu. Ngày mà dịch bệnh ở mọi nơi trên nước Mỹ bùng phát—cái ngày mà, bạn biết đấy, cuộc sống của gia đình tôi thay đổi hoàn toàn—thì ở bờ biển Florida, nam thanh nữ tú vẫn đông nghìn nghìn. Khi phóng viên hỏi họ có sợ dịch bệnh không, một thanh niên “trẻ trâu” trả lời: “Tôi bị Corona thì tôi sẽ bị Corona thôi; dịch bệnh không thể ngăn tôi tiệc tùng được” Cả nước Mỹ sôi sục lên vì những lời bình luận thiếu hiểu biết này.
Tuy nhiên, cũng khó trách những người trẻ hoàn toàn vì ngay cả tổng thống và một số kênh truyền thông ủng hộ tổng thống cũng xem nhẹ loại “virus Tàu”/”cúm mùa” này từ ngày đầu tiên và thông tin ban đầu về dịch bệnh xoay quanh nguy cơ cho những người lớn tuổi, nên người trẻ và không có bệnh nền hẳn nhiên thờ ơ với Covid-19. Những ngày gần đây, với tình hình đại dịch leo thang và thái độ của tổng thống đã thay đổi 180 độ (!) về sự nghiêm trọng của Covid-19, hy vọng những người trẻ và những người ủng hộ Trump cũng sẽ nhìn nhận vấn đề rõ hơn.
Sức khỏe hay Kinh tế? Bài toán khó cho nước tư bản
Mỹ là nước tư bản chủ nghĩa và Trump có xuất thân là một nhà tài phiệt; bởi vậy, đồng tiền, hay nói đúng hơn là kinh tế luôn là vấn đề trọng yếu. Câu hỏi đặt ra là: Ở thời điểm này, sức khỏe cộng đồng hay kinh tế là ưu tiên số một? Quả thực là khó cho Trump vì kinh tế Mỹ đi lên trong hơn 3 năm qua vốn là nền tảng vững chắc nhất để Trump dựa vào cho cuộc tranh cử năm nay. Nào ngờ, giờ đây vì Covid-19, hầu hết các tiểu bang đã yêu cầu doanh nghiệp tạm đóng cửa, hàng triệu người thất nghiệp, cổ phiếu xuống dốc… Hơn ai hết, Trump muốn kinh tế Mỹ mở cửa trở lại càng sớm càng tốt. Nhưng chuyên gia y tế cộng đồng và bệnh truyền nhiễm đều cho rằng còn quá sớm để biết rằng bao giờ dịch mới tới đỉnh, và hạ đỉnh, có thể lên tới vài tháng nữa. Xung đột giữa quyền lợi kinh tế và an toàn sức khỏe cộng đồng khiến Mỹ loay hoay. Trang Vnexpress của Việt Nam có một bài phân tích khá rõ về tình hình này tại Mỹ.
Chính sự mâu thuẫn nội tại này khiến người Mỹ bất đồng quan điểm với chính quyền, và tranh cãi lẫn nhau về cách xử lý Covid-19. Ngay trong tiểu bang Pennsylvania tôi sống, khi thống đốc Tom Wolf hạ lệnh đóng cửa những cửa hàng, doanh nghiệp không trọng yếu để hạn chế dịch bệnh lây lan, hàng loạt chỉ trích nổi lên, cho rằng Thống đốc lạm quyền, thậm chí những lá đơn kiện đã ngay lập tức gửi lên tòa án để phán đối chính sách cứng rắn này. “Ai sẽ trả hóa đơn hàng tháng cho tôi đây?” – người dân thường khẩn khoản. “Giải pháp đối phó với Covid-19 làm hủy hoại kinh tế nghiêm trọng, phá sản chỉ trong nay mai” – doanh nghiệp giận dữ. “Chúng ta không thể để hậu quả của giải pháp còn lớn hơn vấn đề ban đầu” – Trump bức xúc. Ở nhiều tiểu bang và thành phố lớn, nỗi lo kinh tế làm chùn chân các nhà chức trách khi ra quyết định đóng cửa doanh nghiệp, nhà hàng, trường học, khiến cho dịch bệnh bùng phát mạnh — khi đó mọi giải pháp đều đã quá muộn (New Orleans hiện nay là một ví dụ điển hình)
Một vài tín hiệu tốt
Khi bóng đen Covid-19 vẫn con bao trùm toàn nước Mỹ (và vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới vì Mỹ chưa chạm tới đỉnh của dịch) thì một vài tín hiệu tốt đã bắt đầu le lói, mang lại ít nhiều hy vọng cho người dân:
- Mỹ thông qua gói viện trợ 2 ngàn tỉ đô la, trong đó bao gồm trợ cấp cho doanh nghiệp, y tế, người dân trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn. Đặc biệt trong đó người dân đóng thuế có thu nhập mức trung bình trở xuống sẽ được nhận $1,200/người và trẻ em nhận $500/cháu một lần duy nhất, dự định trong tháng 4/2020. Người thất nghiệp nhận thêm $600/tuần cho trợ cấp thất nghiệp trong vòng 4 tháng. Như vậy, ít nhất người dân, doanh nghiệp, và y tế có thể cầm cự thêm ít nhất một vài tháng.
- Sau nhiều lần từ chối, Trump cũng đã phải kích hoạt Luật sản xuất quốc phòng, buộc các doanh nghiệp tư nhân phải khẩn cấp sản xuất thêm máy trợ thở theo yêu cầu của chính quyền liên bang. Dù chưa biết bao giờ máy trợ thở mới đến được với các bệnh viện ở tâm dịch nhưng ít nhất doanh nghiệp tư nhân đã buộc phải vào cuộc.
- Trong khi lãnh đạo cấp cao còn mải đấu đá nhau, những tổ chức và cá nhân địa phương đã liên kết để chung tay chống dịch. Một số chương trình thiết thực hiện nay ở nhiều địa phương như: phát bữa ăn sáng và trưa miễn phí cho trẻ em hàng ngày, quyên góp và phân phát thực phẩm cho những gia đình khó khăn, may khẩu trang tặng cho bệnh viện, siêu thị dành thời gian mở cửa ưu tiên cho người lớn tuổi vào mua trước… Những chương trình từ địa phương như thế này giúp gắn kết con người và tạo ra thay đổi thiết thực tới từng hộ gia đình.
Khi bài viết này vừa hoàn thành thì cũng là lúc chúng tôi nhận được chỉ thị “ở nhà trú ẩn” (stay-at-home/shelter-in-place order) từ thống đốc bang. Vẫn biết ngày này sớm muộn gì cũng sẽ tới nhưng nhận được chỉ thị, tôi cũng không khỏi suy tư. Ngày mai sẽ thế nào? Sẽ có thêm bao nhiêu người mắc bệnh, bao nhiêu người chết vì Covid-19? Cuộc chiến này sẽ còn đến đâu? Tôi không có câu trả lời. Nhưng tôi biết, điều tốt nhất mình có thể làm để ngăn chặn đại dịch là: Ở NHÀ (chưa bao giờ việc cứu người lại dễ như thế, đúng không?)
Be Present & Be Safe,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
====
Nguồn tham khảo:
https://www.cdc.gov/flu/about/burden/preliminary-in-season-estimates.htm
https://www.vox.com/science-and-health/2020/3/18/21184992/coronavirus-covid-19-flu-comparison-chart
Dr. Fauci on CNN: Dr. Fauci: You don’t make the timeline, the virus does
CNBC on medical bills: Why Medical Bills In The US Are So Expensive
https://time.com/5806312/coronavirus-treatment-cost/
https://www.bbc.com/news/world-us-canada-39945744
https://www.washingtonpost.com/politics/2020/03/12/trump-coronavirus-timeline/
https://abcnews.go.com/US/fbi-warns-potential-surge-hate-crimes-asian-americans/story?id=69831920
https://www.cnn.com/2020/03/27/politics/coronavirus-stimulus-house-vote/index.html
https://www.newyorker.com/news/news-desk/what-went-wrong-with-coronavirus-testing-in-the-us
https://www.nytimes.com/2020/03/28/us/testing-coronavirus-pandemic.html?
https://www.newyorker.com/news/news-desk/why-widespread-coronavirus-testing-isnt-coming-anytime-soon
https://www.theatlantic.com/family/archive/2020/03/my-whole-household-has-covid-19/608902/
https://vnexpress.net/the-gioi/my-loay-hoay-giua-bai-toan-kinh-te-va-covid-19-4073891.html
Hoàng Hiền says
Qua đại dịch lần này em thật sự hiểu được rằng bất cứ một quốc gia hay thể chế xã hội nào cũng đều có ưu nhược điểm riêng. Chỉ vài tháng trước thôi không ai nghĩ rằng các cường quốc mạnh lại có thể vỡ trận trước đại dịch này và có một ngày mà ở Việt Nam còn an toàn hơn ở châu Âu hay Mỹ. Một thử thách lớn luôn đem lại nhiều bài học và nhiều điều suy ngẫm. Biết đâu rằng đại dịch lần này lại là một điều không quá xấu, nó chính là cơ hội để nhiều người thức tỉnh và ngẫm ra được một vài điều ý nghĩa.
Chi Nguyễn says
Chị hoàn toàn đồng ý! Đối với đại dịch hay những gì mà liên quan đến quyền lợi của cả một cộng đồng lớn thì thể chế tập trung như kiểu Việt Nam làm quyết liệt, thống nhất được hơn ngay từ đầu. Cảm ơn em đã theo dõi blog.
Benkai Hoang says
Chào bạn Chi Nguyễn,
Cảm ơn về bài viết hữu ích. Liệu tôi có thể share bài viết này của bạn không? Và nếu được có thể trao đổi vài điều với bạn qua Facebook được không? Facebook ID của tôi là: Benkai Hoang
Chi Nguyễn says
Chào bạn Hoang. Bạn có thể share bài viết bằng nút share hoặc copy lại đường link gốc của bài viết. Mình có một Fanpage cho blog: https://www.facebook.com/PresentWriter/.
Trần Xuân Chiến says
Cảm ơn tác giả. Mình đọc bài của bạn từ FB của một anh bạn. Bài viết đã cho mình thấy những điểm cần cụ thể mà mình chưa thể làm rõ vì thiếu thông tin. Bạn có một góc nhìn rất đa dạng và khách quan khi trình bày các thông tin. Mình đã hiểu hơn về nước Mỹ, cách nhìn và cách phản ứng của chính quyền cũng như các thành phần dân cư khác nhau trước đại dịch này. Qua đây mới thấy, những người dân Việt Nam hiện tại đang là những người may mắn và hạnh phúc vì các lẽ sau: 1. Đại dịch chưa tàn phá chúng ta đến mức như tại các cường quốc. 2. Chính quyền đã thực sự vào cuộc nghiêm túc trước covid 19. 3. Ý thức tự bảo vệ và thực thi chính sách của người dân khá cao. 4. Sự quyết tâm của chính quyền trong việc bảo vệ người dân trong đại dịch cả về sức khỏe, tính mạng và chi phí khám chữa bệnh vì covid 19 này.
Chúc bạn luôn luôn mạnh khỏe, bình an nhé. Hy vọng đại dịch này không gây ảnh hưởng gì cho bạn và gia đình.
Hà Nội, 05h.58p. 30.3.2020.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Đúng là người dân Việt Nam rất may mắn vì dịch vẫn trong vòng kiếm soát và không phải lo lắng về chi phí khám chữa bệnh đã là điều may mắn, yên tâm lắm rồi. Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe, bình an.
Thật vậy không? says
Nếu bạn viết đúng (chỉ riêng phần phân tích nguyên nhân thôi) thì Việt Nam đã và sẽ không bị nặng hơn nữa. Chí ít thì VN cũng đã vào cuộc chống dịch gần 2 tháng rồi, tức là rất lâu so với các nước khác
Chi Nguyễn says
Việt Nam đã không bị nặng, một điều theo mình đã là kỳ tích rồi — còn “sẽ không bị nặng hơn nữa” là điều rất khó nói. Việt Nam vào cuộc từ rất sớm, làm rất quyết liệt nên đến thời điểm tuần trước vẫn còn truy dấu được từng F1, F2. Nhưng nếu lây nhiễm cộng đồng xảy ra, khi không còn truy dấu được nữa thì thành hay bại là còn tùy thuộc vào người dân có ý thức ở nhà hay không, đội ngũ y bác sĩ có xử lý kịp các trường hợp đã nhiễm hay không… Cá nhân mình đánh giá rất cao khả năng chống dịch của Việt Nam và hy vọng mọi việc sẽ tiến triển tốt hơn cho Việt Nam và các nước trên thế giới.
Dong Truong says
Bài viết hay.
Hy vọng qua bài viết này, những người Việt có thể hiểu hơn về nước Mỹ và những kiều bào Việt Nam sống ở khắp nơi trên thế giới (cũng như ở Mỹ) sẽ có cái nhìn toàn diện về Việt Nam, càng thấy trân trọng quê hương đất nước và ngày càng gắn kết để cùng nhau xây dựng một hình ảnh người Việt Nam trước bạn bè thế giới.
Cảm ơn bạn Chi Nguyễn.
P/s: Mình đọc bài qua một facebooker.
Qua đây mình muốn share cho các bạn khác, chắc bạn đồng ý chứ.
Cảm ơn nhiều nhiều
Hải says
Bài viết này quá dông dài, kể lể giống như một tài liệu nghiên cứu để tham khảo hơn là một kết luận súc tích, ngắn gọn chỉ ra nguyên nhân tại sao Mỹ như vậy (tiêu đề bài viết). Hầu hết các lý do về c.trị, về lãnh đạo, về y tế … của Mỹ như bài viết nêu là không chính xác. Bình thường đó còn là thế mạnh của Mỹ, các nước khác còn tồi tệ hơn Mỹ rất nhiều về các mặt này. Vậy Mỹ là biểu tượng sức mạnh và tự do của cả thế giới mà sao vẫn vậy? Chỉ ngắn gọn trong 3 ý sau: Một là dân Mỹ quen sung sướng, an toàn và dựa vào chính phủ nên không biết sợ, không lo phòng xa trước nguy hiểm (đến nay vẫn còn không muốn đeo khẩu trang, vẫn tụ tập), điều này trái ngược hẳn với dân VN và dân China. Cả nhà tôi ở Hà Nội đã tự đeo khẩu trang, tự không tụ tập, tự ko ra siêu thị, không ăn cơm tập thể từ ngay dịp Tết âm, tức từ cuối tháng 1/2020 sau khi được xem tin về dịch bệnh ở China (đấy là còn phải nghe t.tin sai và nói dối nhiều đấy). Các con tôi không được ra khỏi cửa từ hơn 2 tháng nay. Khi Chính phủ VN tuyên bố đang kiểm soát được dịch bệnh hồi tháng 2/2020 thì nhà tôi đã sợ lắm rồi, biết chắc chắn sẽ bị nặng hơn. Hai là sự lây nhiễm của virus Vũ Hán quá hiểm ác (loại mới, nhanh, kín, cực dễ lây, mầm bệnh khó biết, ở mọi đối tượng), vượt khỏi sự lường trước của giới lãnh đạo có hiểu biết. Nguyên nhân chính cuối cùng là do thể chế quá tự do nên dân Mỹ, dân châu Âu dễ phản kháng mạnh, thậm chí hạ bệ chính phủ khi bị cấm đoán, dẫn đến chính phủ không dám thực hiện sớm các biện pháp mạnh dù họ biết có nguy hiểm. Nguyên nhân đầu và thứ 3 cũng có phần từ nguyên nhân thứ 2 gây nên. Chỉ cần thay đổi 2 trong 3 ng.nhân nêu trên là Mỹ không bị tình trạng như bây giờ
Phuong says
bài này hay lắm Chi! rất hữu ích.
Phương Phạm says
Cám ơn chị Chi về bài viết hữu ích này. Chị Chi cùng gia đình giữ gìn sức khỏe, đừng để bị bệnh nha.
Bài viết này rất chi tiết và nhiều thông tin từ nhiều nguồn; chị Chi mất bao lâu thì mới hoàn thành bài viết này vậy ạ?
Tuấn says
Bài viết rất hay.
Phan bình says
Bài viết có cái nhìn toàn diện, có chiều sâu, công tâm.
Cám ơn tác giả.
Phương Phạm says
Cám ơn chị Chi vì bài viết hữu ích này. Chị cùng gia đình giữ sức khỏe, đừng để bị bệnh nha.
Mà em thấy bài viết này rất chi tiết và có thông tin từ nhiều nguồn; chị Chi mất bao lâu thì hoàn thành bài viết này vậy ạ?
Chi Nguyễn says
Chi viết mất 3 ngày liền :(. Đây là một trong những bài dài nhất trong lịch sử viết blog này — gần 5000 từ
Đen says
Bài viết chất lượng quá chị! Thanks c đã dành công sức và thời gian ra viết 1 bài tổng hợp tình hình với những nhận định rất khách quan!
Chúc chị và gia đình an toàn qua mùa dịch này nha!
Hu tieu se says
Thật là một bài viết để đời và sâu sắc. Em trích lời anh trai em sau khi đọc bài của chị (ổng mới đọc bài chị viết lần đầu ) :” bài viết dài vì có nhiều vấn đề trong đó. Đọc đa chiều biết nhiều vấn đề. ĐÃ GÌ ĐÂU” :))
Chúc anh chị và Jaden mạnh khoẻ
Hùng says
Hay lắm bạn, được học và trải nghiệm cả hai nền giáo dục, hy vọng đọc được nhiều bài viết về nó.
Hoàng Minh Thanh says
Sau đợt này thì các nước phương Tây và Mỹ sẽ phát triển chậm hơn so với Trung Quốc mấy năm. Bệnh dịch cho dù có kìm hãm một cách không triệt để như hiện nay thì nó sẽ dai dẳng thêm ít nhất 6 tháng đến 1 năm nữa,
trừ khi tìm được phương pháp nào đặc trị hữu hiệu.
Vì phương Tây và Mỹ một số người nghĩ rằng họ là dân tộc thưởng đẳng, là phát triển hơn châu Á, muốn tự do, cái gì cũng tốt nên coi thường dịch bệnh.
Em nghĩ rằng tư tưởng tuy những cái đã không đúng với thời điểm hiện tại nhưng vẫn có giá trị riêng, con người sống phải có khuôn phép, có ý thức ,cứ thoải mái tự do thì sẽ loạn.
Từ bệnh dịch này cũng lộ ra sự quản trị của chính phủ các đất nước
Cảm ơn bạn vì một bài viết hay 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chi nghĩ không hẳn là phương Tây nghĩ mình thượng đẳng hơn Châu Á mà là họ chủ quan, đánh giá tình hình dịch bệnh và nguồn lực của đất nước chưa chính xác. Đây là bài học đắt giá (trả bằng tính mạng) cho những nước lớn này
Ian Bui says
Bài hay. Bạn có thể nào phân tích vì sao người Mỹ, khác với nhiều nơi trên thế giới cũng như VN, lại ùa nhau gom góp giấy vệ sinh?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Câu hỏi rất thú vị. Chi nghĩ lý do phần lớn là do sự hoảng loạn gây ra khiến mọi người đổ xô vào mua những thứ mà người khác cũng mua, trong trường hợp này là giấy vệ sinh. Còn thực tế thì, nếu lớn lên ở nông thôn hay ở những nước phát triển thập niên 90 đổ về trước, ai cũng biết có nhiều cách khác để lau chùi chứ không cứ gì phải sử dụng giấy vệ sinh 🙂 . Hiện nay bên mình giấy vệ sinh vẫn còn nhiều ở siêu thị nhưng hạn chế mua 1-2 hộp (tầm 10-20 cuốn)/khách hàng
Duy Hung says
Đúng là bài viết của nhà nghiên cứu đồng thời là người trong cuộc. Rất hay và khách quan. Xin phép tác giả share để có thêm người được biết. Thank you!
Hà Nội says
Không chỉ Mỹ, ở VN và nhiều nước khác, dân đều gom nhiều giấy vệ sinh vì ngoài việc họ dùng để dự trữ, dùng lau chùi mọi thứ đồ vật, họ còn dùng để lau khô tay trong mùa dịch này (dùng các cách khác đều dễ lây bệnh hơn, mất vệ sinh). Lau bằng giấy vệ sinh rất tiện lợi, khô ráo, sạch sẽ
Bùi Hữu Anh Huy says
Đây là một bài viết rất giá trị. Tôi ngưỡng mộ cách phân tích và trình bày của cô Nguyễn Phương Chi. Tôi luôn luôn mong thấy người Việt mình có trình độ để phân tích vấn đề khá hơn. Phân tích để hiểu, và hiểu để hành động đúng đắn. Bài viết này, và qua đó tôi tìm được trang thepresentwriter.com và biết đến tác giả làm tôi rất khích lệ. Cám ơn cô Chi rất nhiều.
Vân Anh says
Em cảm ơn chị! Đọc bài viết của chị em được mở mang rất nhiều! Chúc chị và gia đình sức khoẻ và bình an, vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này.
Nga Tran says
Bài viết bằng tiếng Việt rất hay và trung thực. Xin rất cảm ơn cô Chi Nguyễn.
Hy vọng khi được phổ biến thì một số Việt Kiều sẽ hiểu được vấn đề phức tạp này hơn. Và sẽ không mù quáng theo ông Trump để để đổ
tất cả lỗi to the Chinese, Governors and General Motor (and any one who does have a back bone to stand up against him) .
Q .Vu says
Cám ơn bạn về một bài viết khách quan, có source và references cho những gì bạn trích dẫn. Việc trích dẫn cụ thể khiến mình hiểu vấn đề cụ thể hơn và khách quan hơn. Cảm ơn về một bài viết chỉn chu, kỹ lưỡng.
Nguyễn Ngọc Đức says
Bài viết hay !
My V Nguyen says
Bài viết không đã động gì đến trung quốc và who ém nhẹm việc lây truyền và toàn cầu hóa của các chính trị gia thời trước, tt Trump không phải là nguyên nhân.
Hoa Dinh says
Cảm ơn tác giả Chi Nguyễn về bài viết rất chi tiết từ góc nhìn từ người nghiên cứu về chính sách công. Bài viết đã giúp mình trả lời được câu hỏi tại sao một quốc gia hùng mạnh như Mỹ, mô hình CDC mà cả thế giới phải học theo lại rơi vào tình cảnh lao đao về dịch bệnh. Đúng là dịch bệnh giống như một phép thử đối với hệ thống lãnh đạo quốc gia. Anyway, nước Mỹ thân thiện và generous always in my heart. Mong nước Mỹ sẽ sớm vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện tại và khôi phục nền kinh tế và khoa học số 1 trên thế giới.
Happy le says
Bài viết hay. Chúc C nhiều sức khoẻ!!!
Mai Dong Huong says
Cảm ơn tác giả vì những thông tin và lập luận rõ ràng, bổ ích. Mình xin phép được chia sẻ bài viết để nhiều người tiếp cận!
Dương Thanh Tùng says
Chào Chi,
Tôi đọc được bài của em từ bài chia sẻ của 1 người bạn. Rất đồng ý với những phân tích của em vì bản thân tôi cũng đánh giá được sơ bộ tình hình tại châu Âu và Mỹ giống em viết, tuy nhiên góc nhìn và chia sẻ của người trong cuộc bao giờ cũng có gí trị hơn cái nhìn từ bên ngoài.
Chúc gia đình em đi qua đại dịch này bình yên!
Nelson nguyen says
Cám ơn bài viết chứa nhiều thông tin. Mình có một thắc mắc, trong điều kiện đại dịch, sao quân y không được tham gia hỗ trợ dân sự? Nếu có thêm nguồn lực từ quân y thì sẽ giúp rất nhiều bệnh viện, thậm chí làm các bệnh viện dã chiến như TQ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Gần đây quân y đã vào cuộc và tàu biển quân y cũng đã cập bến New York, California để giúp người bệnh, bệnh viện dã chiến cũng đã được dựng rất nhanh chóng tại New York City 😀
Q.Vu says
Có vài điểm muốn nghe ý kiến của bạn. Vì sao tổng thống và viện trưởng viện truyền nhiễm có ý kiến trái chiều, mà ý kiến của tống thống lại được nghe nói tới nhiều hơn và có sức ảnh hưởng hơn? Thực sự thì quyền hạn và khả năng chi phối của một tổng thống tới đâu? Và theo góc nhìn của bạn, có phải dân Mỹ đang quá dựa dẫm vào tổng thống?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Đây là một câu hỏi khó, mình không nghĩ sẽ có một câu trả lời hoàn hảo vì mỗi người có một góc nhìn khác nhau về tổng thống. Rất nhiều người bất đồng ý kiến với Trump nhưng cũng rất nhiều người yêu mến, thần tượng, và tin theo Trump. Viện trưởng viện truyền nhiễm và các chuyên gia khác có nhiệm vụ tham vấn tổng thống. Tuy nhiên, tổng thống nắm rất nhiều quyền lực như quyền điều khiển quân đội, quyền kích hoạt luật sản xuất quốc phòng, quyền mở kho dự trữ y tế… Ở bài viết này, mình đã cố gắng viết khách quan nhất có thể và sử dụng chủ yếu nguồn tham khảo có trích dẫn nguyên vắn từ Trump. Mình nghĩ không có nhà lãnh đạo nào luôn có thể đúng 100%, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn này, Trump cũng đã có những động thái mạnh mẽ hơn để dập dịch. Vậy, chúng ta chỉ có thể chờ đợi xem tương lai như thế nào đối với tổng thống Trumo và nước Mỹ…
Q.Vu says
Câu hỏi cuối của mình, về việc dựa dẫm, là do bài viết của bạn đưa ra một ý khá hay về chủ nghĩa cá nhân (invidualism) ở Mỹ.
Theo quan sát của mình thì việc chống dịch ở Mỹ nó hiệu quả hơn từ hướng bottom-up hơn là top-down (ở VN thì ngược lại). Ở khu mình ở siêu thị họ tự limit gạo, water, toilet paper trước khi có chỉ đạo nào từ government, city và county tự close down trước khi có order của State. Ở những khu khác corporate họ tự làm và tự điều chỉnh, và hiệu quả hơn hẳn so với chờ chỉ thị từ government [1].
Nó làm mình tự hỏi khi criticize về government là đúng hay sai? Thể chế chính quyền ở Mỹ tách những quyền riêng của Federal và State. Và không ai muốn người kia đụng vào quyền của mình. Cho nên ngay cả khi Trump có order xuống thì trong một số chuyện authority của State vẫn lớn hơn. Trump chỉ có phát biểu linh tinh thôi, chứ thực ra người phải chịu trách nhiệm lớn nhất vẫn là gorvenor của 2 bang CA và NY. Bạn có suy nghĩ gì về vấn đề này?
[1]: https://www.texasmonthly.com/food/heb-prepared-coronavirus-pandemic/
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Comment của bạn rất thú vị. Chi nghĩ điểm mạnh của Mỹ cũng là local government và các cơ sở kinh doanh địa phương (ví dụ như siêu thị bạn đề cập) tự chủ để đưa ra quyết sách để kiểm soát tình hình, đơn giản như limit số lượng mua hay áp dụng “stay-at-home” order, chứ không cần đợi chính quyền liên bang ra chỉ thị (Tổng thống cũng khuyến khích điều này). Tuy nhiên, nếu trách nhiệm đổ hết lên lãnh đạo địa phương như governors của CA và NY thì mình nghĩ quá nặng vì ở cấp bang, nguồn lực của họ cũng chỉ có hạn thôi nên họ cần chính quyền liên bang giúp đỡ trong thời điểm đại dịch, như xả kho cho thêm PPE, mặt nạ, máy trở thở… Bản thân mình ở PA, governor ngày nào cũng livestream để cập nhật tình hình, ông ấy cũng làm rất nhiều biện pháp mạnh, nhưng cũng phải xin trợ giúp về lương thực và y tế rất nhiều từ liên bang. Đối với đại dịch, mình nghĩ tất cả phải chung tay và cùng chịu trách nhiệm, từ lãnh đạo đến người dân
Duc Giang says
Yes
Nguyễn Bá Tuấn says
Bài viết súc tích, chi tiết, cụ thể… cho tôi hiểu thêm về xã hội và con người mỹ. Cảm ơn bạn.
Frank Nguyen says
Không nên quá bi quan và sợ hãi, vì bi quan và sợ hãi cũng không giúp ích gì trong trận đại dịch này.
Hãy nhìn xem hôm qua và hôm nay có khá nhiều tin vui. Trước hết là số người chết vì bệnh dịch Covid đã tụt hẳn xuống từ 525 trong ngày 28/3 đến chỉ còn 363 trong ngày 29/3, mặc dầu số ca nhiễm mới của ngày hôm sau cao hơn ngày hôm trước (19913 vs. 19452). Rồi ngày 30/3 lại giảm xuống nữa, chỉ còn 271 người chết và 12478 người mới nhiễm. Nếu tình hình giảm xuống liên tục thêm vài ngày nữa thì nước Mỹ sẽ qua cơn dịch sớm thôi.
Rồi thì thuốc sốt rét đã được FDA chuẩn thuận để chữa Covid trong các trường hợp khẩn cấp. Còn thêm gói cứu trợ khẩn cấp đã được Quốc Hội thông qua, người lao động sẽ nhận được một ít tiền để trang trải trong những ngày “lockdown”. Như vậy thì không có lý do gì để bi quan và sợ hãi nữa.
Bằng như bài viết nhằm mục đích chỉ trích chính quyền Trump thì bài viết của tác giả đã không đạt được mục đích.
https://www.worldometers.info/coronavirus/country/us/
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và chia sẻ thông tin về chuyển biến tốt của bệnh dịch những ngày gần đây — mình cũng có cùng mong muốn truyền đạt thông điệp tích cực nên đã kết bài bằng những điểm sáng của Mỹ. Bài viết này hoàn toàn không nhằm mục đích chỉ trích chính quyền Trump, mình là dân làm khoa học nên đã chủ đích viết khách quan nhất, dựa vào các số liệu và dẫn chứng trích dẫn toàn văn từ phỏng vấn và Twitter tổng thống Trump. Tuy nhiên, nếu bạn có nhận định như vậy về bài viết thì có lẽ cái nhìn của bạn khác với mình, và mình tôn trọng điều đó. Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Van Ngo says
Bai viet phan anh kha trung thuc ve nhung nguyen nhan gay ra su tri tre trong viec chong va ngua benh dich covid 19.Tuy nhien, bai nay se hay hon neu:
– Co them phan thong tin ve tai sao Trung Quoc ko thong tin cho the gioi biet ve corona virus xay ra dau tien tai Vu Han(tu khoang cuoi thang 12/2019) de phong ngua?
– Dai dich covid 19 xay ra cho thay duoc mat yeu va manh cua cac che do chinh tri(TBCN / XHCN), trong viec phong dich, nhu nguoi viet va mot so nguoi binh luan neu ra. Vay thi y kien cua nguoi viet bai nay tong quat ra sao, cu the: Chon dan chu tay Phuong de song hay chon doc tai xhcn de song?
HB T.Nguyen says
Bài viết đáng đọc quá, nhiều thông tin, nhiều chính kiến để người đọc chắt lọc. Suy cho cùng, cách viết này có được cũng là nhờ được nuôi dưỡng trong một môi trường khoa học có giá trị.
Cảm ơn bạn Chi!
Dung Võ says
Cảm ơn Chi rất rất rất nhiều. Mong rằng gia đình Chi, đất nước Mỹ và toàn thế giới sẽ sớm qua được đại dịch này với hậu quả thấp nhất có thể.
An Hòa says
Bài viết có góc nhìn thật sâu sắc, đa chiều.
Cảm ơn tác giả.
Tran Huu Tuyen says
Tác giả cung cấp một góc nhìn rất hay và thực tế về tình hình và nguyên nhân dịch virú Covid-19 ở Mỹ tăng mạnh đang diễn a.
Hướng Dương says
Cảm ơn tác giả! Tác giả có thể viết thêm 1 bài về người Việt, về du học sinh Vn đang ở Mỹ đc k? Rất nhiều người muốn có thêm thông tin, quan điểm… để có lời khuyên và động viên cộng đồng VN, du học sinh VN trong hoàn cảnh này. Thanks again!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Mình thấy rất nhiều người đã viết về du học sinh nên mình cũng không muốn viết thêm nữa. Nếu bạn quan tâm đến các bài viết của mình về đề tài du học sinh nói chung, bạn tham khảo thêm phần Menu — Du học nhé 🙂
Duc Giang says
Em cũng quan tâm vấn để này. Em mong được đọc bài viết của chị
Minh says
Chào chị, cảm ơn chị vì đã có một bài viết thật hữu ích.
Em là một người làm kinh tế, làm quản trị ở VN, và chính sách công là một thứ em ko hiểu nhiều, nhưng công việc của em là hình thành nên kịch bản. Em đang hình dung tới một kịch bản rằng số lượng ng nhiễm + tình hình dịch ở Mỹ đang được đẩy lên ở mức thảm liệt hơn thực tế của nó. Cùng vs sự ý thức rõ ràng hơn, chính quyền Trump đang nhận thấy sự mất uy tín, cũng như việc cần thiết để nắm lấy các đặc quyền của tổng thống trong tình trạng thảm hoạ toàn quốc. Vì thế “có khả năng” các hình ảnh về dịch, cũng như số ca mắc được can thiệp một cách có chủ đích, gây ra một sự lo lắng có kiểm soát ở phạm vi quốc gia. Lúc đó tổng thống có quyền quyết định nhiều hơn với các chính sách mang tính cấp cứu (sự đồng ý của đảng đối lập về gói 2k tỷ…). Đây hoàn toàn là kịch bản mang tính chất chủ quan của em, vì chính trị nó phức tạp hơn khả năng mà não em có thể xử lý đc. Lần nữa cảm ơn chị!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Chị nghĩ về kịch bản mà số lượng người nhiễm hơn thực tế là rất khó có thể xảy ra (gần như không thể) ra vì ở Mỹ từng ca nhiễm đều được ghi nhận rất kỹ và report lên cơ quan y tế cấp cao. Các con số ở Mỹ đều là transparent, không như ở một số nước khác. Bản thân chị có bạn làm y tá ở bệnh viện, từng ca nhiễm và ghi nhiễm đều có protocol rất chặt phải cấp báo cho cơ quan cấp cao; thậm chí từng ca nghi nhiễm sởi (bệnh dễ lây trong cộng đồng) cũng phải báo cáo rất kỹ. Nên chị nghĩ con số là thật, còn mọi người nhận định và diễn giải như thế nào là tùy vào quan điểm của họ
Culuc says
Bài viết không nhắc tới việc ém thông tin nguy hiểm của Tàu cộng và sự nhởn nhơ của WHO, làm mọi thứ chậm trễ lên tới vài tháng trời, con Virus là đòn đánh lạ trăm năm có 1 cộng với sự ém thông tin hàng tháng trời của Trung cộng và WHO thì nước nào đỡ cho nổi, rõ ràng ngay chính người Mỹ họ cũng nói là họ chủ quan ngay từ đầu nhưng với những gì tôi nhắc đến ở trên thì mọi thứ đã ổn hơn khi thông tin được công khai những ngày đầu. Tóm lại bài viết không dám nhắc đến Trung cộng và WHO thì có lẽ đã bị gãy về bản chất rồi.
hồ văn ten says
người ở Mỹ thì viết vê chuyện ở Mỹ , sao lại bảo người ta trèo đèo viết cả chuyện bên Tàu ?
Nguyễn Xuân Phú says
Cám ơn bạn về bài viết. Chúc bạn và gia đình bình an.
Cầu mong điều tốt đẹp sẽ sớm đến với nhân loại
Nguyễn Văn Thịnh says
Bài viết rất hay. Tôi đồng ý với chị về cách nhìn nhận những sự kiện đã xảy ra.
Xin phép chị được chia sẻ bài viết. Xin cám ơn.
Dương Phương Hiếu says
Dạ, em cảm ơn chị Chi về những phân tích bổ ích này. Lâu lâu rồi lại mới thấy chị post bài trên Blog. Bản thân em cũng tự đặt câu hỏi về việc :”Tại sao mỗi nơi lại có một cách xử lý khác nhau và nó xuất phát từ đâu?”. Bài viết của chị giúp em có cái nhìn rõ ràng hơn và không buông ra những câu nói phiến diện hoặc chỉ trích về hành động của các nước khác nhau. Đất nước nào, hay mô hình xã hội nào sau đợt bệnh dịch này cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau nhưng em tin rằng mọi thứ sẽ được cải tiến theo chiều hướng đi lên.
Là một người đang học trong mảng dự phòng bệnh tại Việt Nam, em ý thức rõ ràng hơn về việc chính sách tới thực tiễn và sự hành động quyết liệt của chính quyền.
Một lần nữa cảm ơn chị. Chúc chị và gia đình bình an.
Em xin phép chia sẻ lại bài viết của chị qua fb cá nhân của em.
Tâm Nguyễn says
Tôi đã mất gần 30 phút đọc bài viết của Chị. Và tôi thấy 30 phút ấy không phí. Thật sự (theo cảm nhận của riêng tôi từ các nguồn báo tôi được đọc) bài viết này thể hiện tinh thần tích cực, trên phương diện thể hiểm tính nguy hiểm của Covid19 một cách trung lập với mong muốn nêu lên lời cảnh báo cho mọi người.
Cám ơn chị Chi rất nhiều. Xin phép cho tôi được share bài này.
Cám ơn!
Tú Tâm says
Chào Chi, bài viết rất hay, cho phép chị share bài nhé.
Thanks em nhiều. Chúc em và gia đình bình an.
Pham ngoc hai says
Cảm ơn bạn đã cho chúng tôi biết một cái nhìn từ nội bộ nước mỹ mà những người ở vn hiểu thêm về những cái được và chưa được ở đất nước hùng mạnh này
Ricky says
Trong vụ đại dịch Coviv này nước Mỹ ko bị khủng hoảng nhiều hơn các nước phát triển khác hay chính Trung Quốc. Đại dịch rồi sẽ qua Mỹ sẽ lại đứng dậy vững vàng bởi vì họ có nền tảng khoa học kỹ thuật, có tiềm lực nhân sự và tài chính, có sự minh bạch về chính trị văn hóa. Họ có truyền thống và sự ngoan cường. Tác giả bài viết có lẽ chưa sống lâu ở Mỹ nên chưa hiểu nhiều về người Mỹ và nước Mỹ nên có cái nhìn thiếu chiều sâu. Bài viết chỉ là một số quan sát nhận xét của một người mà thôi.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và comment. Mình cũng tin tưởng và hy vọng là Mỹ sẽ vực lại sớm sau đại dịch. Tuy nhiên, đó là tương lai; bài viết trên viết về thời điểm hiện tại. Nếu bạn bàn về tương lai, đó sẽ cần một bài viết khác. Còn tất nhiên đây là quan sát và nhận xét của cá nhân; vì đây là blog cá nhân :). Chúc bạn nhiều sức khỏe.
Nguyễn Đức Trọng says
Bài viết rất hay, phân tích cụ thể có dẫn chứng. Qua bài viết của Chị, tôi đã hiểu thêm đc ít nhiều về nước Mỹ.
Cám ơn Chị nhiều, chúc Chị và gia đình nhiều sức khoẻ để vượt qua đại dịch này.
Mong sẽ lại được đọc những bài tiếp theo của Chị.
Trân trọng
Đức Giang says
Bài viết với cái nhìn khách quan, thực tế và khoa học. Cảm ơn chị. Em ở Việt Nam. Ít biết về nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Cảm ơn chị. Mong chị và nước Mỹ sẽ vượt qua khó khăn này. Cả thế giởi sẽ vượt qua đại dịch này.
Trung Tran says
Thật thú vị khi đọc bài viết của bạn Chi Nguyễn cùng các comments với rất nhiều lời khen và có cả lời chê.
Quan điểm cá nhân tôi, cuộc khủng hoảng về y tế (và cả kinh tế) lần này là chưa có tiền lệ trên thế giới, và chưa ai đoán định được diễn tiến sẽ thế nào. Tôi cảm nhận đại dịch Covid-19 với nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung nó giống như một “con voi” mà hầu hết chúng ta như những… “thầy bói mù”, có người được sờ chỗ này, người được sờ chỗ khác và nhiều người thì không được sờ gì cả (trong đó có tôi). Bài viết của bạn Chi Nguyễn có thể chỉ mô tả được một phần nào đó của con voi, chưa phải bức tranh tổng thể. Tuy nhiên cách bạn ấy đặt vấn đề, cách bạn ấy diễn đạt khiến chúng ta cảm nhận được “con voi” rõ hơn dù có thể chỉ là cái tai voi, vòi voi hay chân voi. Nói cách khác bài viết của bạn ấy – mà có người chê là “dông dài” – có thể là chưa bao quát hết, chưa đúng với sự tưởng tượng của ai đó (có thể do đang sờ chỗ khác của “con voi” hoặc … chưa được sờ) nhưng ít ra đã cho chúng ta một bức ảnh với “độ phân giải cao” ở một phần nào đó của “con voi”. Còn nếu nói rằng chỉ cần ngắn gọn như vầy, … như vầy… thì thực ra ai cũng làm được. Cứ ngồi vào bàn nhậu đi, uống vài lon bia xong thì ông nào, bà nào cũng phát biểu được chẳng thua gì các chuyên gia, các … lãnh đạo. Nhưng nếu bảo hãy viết lại các ý kiến ấy một cách mạch lạc, một cách logic, một cách …”dông dài” thì không phải dễ.
Trong giai đoạn mà cả thế giới đang phải sống chậm lại như hiện nay, tôi thích được đọc những bài viết hay, giàu cảm xúc và “dông dài” một chút. Muốn được xem nhiều hơn những bức ảnh với độ phân giải cao về các bộ phận của “con voi” để có thể tự ghép lại, hình dung rõ hơn về con voi xem nó thế nào.
Hy vọng rằng ít ngày nữa, có thể bạn Chi Nguyễn và nhiều bạn khác sẽ cho chúng ta xem thêm các bức ảnh khác, ở góc nhìn khác với độ phân giải cao về “con voi” giúp chúng ta ngày càng nhận dạng rõ nét hơn về đại dịch này.
Quan trọng là muốn được xem “ảnh độ phân giải cao” ấy, chứ không thích các phát biểu kiểu bàn nhậu đâu nhé.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và đăng một comment theo mình là rất “công tâm” vì không bài viết nào là hoàn hảo cả, dù có dài đến đâu cũng không viết cặn kẽ được mọi góc cạnh, dù có ngắn đến đâu cũng không thể súc tích được mọi hàm ý. Một bài viết được viết ở một thời điểm “nóng” thì sẽ có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều; đúng hay sai có lẽ chỉ dừng lại ở thời điểm viết thôi vì thời sự thay đổi quá nhanh, sau 24h là thế giới đã đổi khác, mọi chính sách cũng khác đi…
Mình xin mượn comment này của bạn để ĐÓNG LẠI PHẦN COMMENT CỦA BÀI VIẾT NÀY vì gần như 100%những comments mới mà mình nhận được hàng ngày hầu như đều lặp lại những ý mà các comments trước đã đề cập, thậm chí hạn hẹp về suy nghĩ và thiếu lịch sự hơn, nên mình nghĩ đã đến lúc chúng ta nên đóng lại thảo luận này tại đây và chuyển tập trung sang những thứ khác cần hơn và tích cực hơn :).
Cảm ơn bạn “Trung Tran” và mọi người đã đọc và comment trên The Present Writer!
Chi